Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Tran thi Lai Hồng
hoa xuong rong
#1 Posted : Saturday, March 10, 2007 4:00:00 PM(UTC)
hoa xuong rong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 265
Points: 0

[img]http://i178.photobucket.com/albums/w278/nangvaem/cardinal.jpg?t=1173660489[/img]

CƠN SỐT ĐẦU XUÂN
Trần thị LaiHồng

Đang lúi húi đào những gốc dâu dại rậm rạp quanh cội tùng già cuối vườn, chợt một vệt đỏ vút ngang tầm mắt. Tôi nhìn theo. Nó vòng trở lại. Mầu đỏ tươi nổi bật trên lá lục.
Chim hồng y cardinal – Cardinalis cardinalis - một giống thấy rất nhiều từ vùng Đông Bắc sang Trung Tây xuống Đông Nam Hoa kỳ. Gọi là hồng y, áo đỏ, vì giống này thường có bộ lông màu đỏ rực hoặc nâu đỏ, cũng có loại mầu xanh biếc cánh chả nhưng ít khi gặp. Như những sinh vật khác - ngoại trừ con người - giống đực khi nào cũng mầu sắc rực rỡ, vóc dáng đẹp đẽ không những oai vệ mà còn gồ ghề huê dạng. Giống cái thì mầu sắc tối thẫm xấu xí hơn, vóc dáng không có gì đáng được gọi là phái đẹp.

Chú hồng y trong vườn tôi toàn thân mầu đỏ tươi, đầu đội mũ nhọn đỏ rực, cánh đỏ nâu, ngực có vệt vàng non giống chiếc yếm nhỏ, mỏ ngắn và thô, mầu vàng cam, nổi bật trên đám lông đen chạy ngang từ hai mắt xuống trước cổ hệt cái mặt nạ.
Tôi nhìn theo. Nó nghiêng cánh liệng một vòng thật tròn, rồi vụt đâm sầm vào tấm kính cửa lớn từ hiên sau nhìn ra vườn. Bộp ! Tấm kính lớn khẽ rung. Nắng sáng loang loáng. Tàng lá in trên kính chao đảo. Chừng choáng váng sau mấy cú nhào lộn, nó bay trở lại lùm cây, đáp trên ngọn tùng, nghiêng đầu hiếng mắt nhìn lại. Nó rũ cánh, xù chòm lông đỏ trên chóp đầu, ngửa cổ tuôn một dòng nhạc lảnh lót. Nghiêng nghé một lát, con chim nhỏ lại nhún mình bay vút lên. Lại đảo cánh liệng một vòng ngoạn mục quanh bãi cỏ, rồi đâm sầm vào tấm kính.
Suốt buổi sáng, chú áo đỏ say mê trò bay lượn đâm nhào. Không chỉ vài lần, mà cả chục. Mệt. Nghỉ. Cho đến khi thực sự xây xẩm mặt mày choáng váng đầu óc mới chịu bỏ cuộc.
Nhưng sáng hôm sau khi mặt trời vừa ló dạng, nó trở lại bày trò cũ. Và cứ thế, cuộc chơi diễn đi diễn lại suốt cả bảy ngày liền.

Hôm đầu tiên xem trò, tôi ngỡ mình đang dự cuộc biểu diễn máy bay và có chiếc bị nạn đâm đầu vào núi hay bổ nhào xuống biển. Tôi nghĩ rằng tấm kính trong suốt làm chàng áo đỏ ngỡ là khoảng không trống trải nên cứ tự nhiên theo đà bay qua, và đột ngột bị chận. Nhưng thấy trò nhào lộn cứ tiếp diễn, tôi lại cho rằng nó muốn trở lại tỉm tổ cũ năm ngoái xây trong góc chái bên trong hiên sau. Chồng tôi mới sửa lại hiên sau thành một phòng nhỏ có chỗ đặt vài chậu hoa và kê một bàn để tôi vừa làm việc vừa hưởng nắng sớm mà không bị mưa gió. Chàng còn mở rộng lối ra vào bằng hai tấm cửa kính lớn đẩy qua lại. Không chừng chú chim nhỏ kia tìm sửa sang chốn cũ để mời chị mái cùng về xây tổ ấm.
Sau vài ngày quan sát, tôi nhận ra rằng chú áo đỏ đang say sưa đánh nhau với chính mình, hay đúng hơn, với cái bóng đỏ phản chiếu qua tấm kính. A, bộ óc nho nhỏ dấu trong chiếc sọ con con bên ngoài phủ lớp lông óng ả đỏ mượt có chòm lông nhọn như chiếc mũ kia, lại nhìn thấy được một kẻ thù – hay tình địch – trong tấm kính.
Mỗi buổi sáng, chú hăng hái chiến đấu với ảo ảnh. Chiến đấu chí mạng thực sự : đấu mỏ canh cách, va đầu chan chát, đập cánh bồm bộp, tống chân giương vuốt cào cấu soàn soạt. Thỉnh thoảng chú lại cao giọng thốt tiếng kêu ngắn sắc nhọn đầy hăm dọa, cứ tưởng tiếng thét ki-ai cuả võ sĩ nhu đạo. Tấm kính mờ một khoảng lớn, vừa bụi vừa lông tơ đỏ. May không có vết máu nào.

Vốn ưa tìm hiểu, tôi gọi Văn phòng Audubon địa phương.
Một giọng nữ trẻ vui vẻ đầu giây cho biết là cứ vào đầu Xuân, lượng kích thích tố nam testosterone trong cơ thể mọi sinh vật giống đực đều tăng cao, tạo hiện tượng gọi chung là spring fever, cơn sốt đầu Xuân.
- A, vậy là đầu Xuân, chim cũng như người, hầu hết đều … rạo rực ?
Đúng ! Lượng kích thích tố tăng cao vào Xuân làm mọi sinh vật giống đực hung hăng hiếu động. Giống áo đỏ Cardinalis cardinalis thì lao đầu vào kính. Cửa sổ cửa lớn, kể cả những ụ kính gắn trên mái nhà để lấy năng lượng mặt trời, và luôn cả kính chiếu hậu xe hơi. Hình ảnh chính nó rọi trên kính bị tưởng là tình địch hay kẻ xâm phạm lãnh thổ. Vậy là có đánh nhau. Đánh sa đà chí chế cho tới khi lượng kích thích tố trong người vơi xuống.

Tôi thích thú cười, và giọng nữ Audubon cũng biểu đồng tình reo vui :
- Đôi khi mấy chị mái, mái mệ ghệ tơ, cũng lây hiếu động. Mấy chị cũng bay lượn vi va vi vút, cũng biểu diễn trò nhào lộn nhưng không dại dột đâm đầu đánh nhau với ảo ảnh. Mấy chị rạo rực lây và chỉ muốn cổ võ mấy chàng thôi.

Tôi thở phào. Giọng Audubon cho biết thêm là kích thích tố nam thường làm cho giống đực hăng say biểu lộ hùng tính, trở nên hiếu chiến hiếu động, và có những sinh hoạt khác thường. Một chuỗi cười dòn ngân dài đầu giây :
- Những hung hăng hiếu động đó càng tăng khi bị khích động. Chú áo đỏ bị khích động vì nghĩ tìm được kẻ xâm lấn lãnh thổ, và cần bảo vệ chủ quyền, che chở chị ghệ. Con người cũng vậy. Lại thêm nổi máu người hùng, muốn phô trương nam tính, ganh đua khoe trí lực, muốn nổi bật giữa đám đông, hoặc bị thúc đẩy, xúi dục, bị sách động với vũ khí, quyền lực, có khi vì lý tưởng chính trị đưa dến chiến tranh, nóng hay lạnh … Không thiếu gì những buổi hội họp thi nhau ăn to nói lớn, tuyên bố đại ngôn, kêu bên này gọi bên kia, chạy đôn chạy đáo, hô hào đả đảo ủng hộ … Ai cũng muốn nhất. Đám trẻ cũng không kém. Lượng kích thích tố thời dậy thì tăng, lại bị khích động bởi những loạt phim bạo hành, bị xúi dục, đua đòi bạn bè dưới ảnh hưởng peer pressure … Không thiếu những vụ tụ họp đại náo từ học đường đến những nơi công cộng, nhạc mở tưng bừng không biết mấy decibels rùm rụp bùm bụp khích động tay chân cuồng nhiệt. Rồi những vụ đua xe gắn máy xe hơi rần rộ ào ạt trên xa lộ và ngay cả đường phố …

Tôi tiếp lời :
- Ấy, phải nói thêm là còn bị khích động bởi rượu vào lời ra, chưa kể ma túy cũng góp phần náo loạn. Không thiếu gì những vụ nhẹ thì cãi cọ gây gỗ thù hận, nặng thì tai nạn, và có khi là án mạng !
Một giây im lặng. Audubon thở dài đầu giây :
- Sinh lực dồi dào như vậy, lại đem tiêu hao, lãng phí. Nhưng đó là vấn đề tâm lý. Tâm lý cá nhân và tâm lý tập thể. Về cá nhân, những náo loạn ấy có lẽ để chống lại một kẻ địch thôi.
- Ai ?
- Chính mình ! Hay đúng hơn, với cái bóng của chính mình, tùy mặc cảm tự ti hay tự tôn, hoặc cả hai. Với chú áo đỏ Cardinalis cardinalis cuả bạn, hội chứng cơn sốt đầu Xuân chỉ xẩy ra trong mấy ngày. Rồi đâu lại vào đó thôi.
- Còn tâm lý tập thể ? Còn với con người ?
- A, liên hệ nhiểu chuyện và ngoài phạm vi Audubon. Tôi chỉ biết nói rằng với loài người, cơn sốt này có thể đột xuất lên cao bất cứ lúc nào, sá gì Xuân Hạ Thu Đông ! Bạn nên tìm một nhà chuyên môn về xã hội để hiểu rõ vấn đề.

Tôi thở dài, cảm ơn và gác máy.

Đầu Xuân năm nay 2007, mục My Turn tuần báo Newsweek đăng chuyện kể của một bà 64 tuổi, một bà nội bà ngoại yêu hoà bình, nhưng đã mua súng bắn chết một chú áo đỏ vì tội liên tiếp tấn công các cửa lớn cửa nhỏ nơi cư ngụ yên tĩnh cuả gia đình bà. Bắn hạ con chim nhỏ, chưa vui thoát nạn bị khủng bố khuấy động cuộc sống tĩnh lặng, bà đã quỵ gối gục đầu khóc trên báng súng, ân hận đã giết chết một sinh vật bé bỏng, và đồng thời thấy rõ nỗi đau mình đã đánh mất niềm vui lạc thiện.

Với chú hồng y trong vườn nhà, tôi chỉ cần một chiếc chăn lớn phủ tấm kính, xoá bỏ ảo ảnh, xoá bóng tình địch, xoá dạng kẻ xâm lăng, và cứu được sinh mạng một giống chim đẹp. Còn với con người ? Đi tìm cái tôi của mình để đối diện với cái bóng của chính mình - với ảo ảnh – tôi nghĩ rằng mỗi người phải tự biết và tự tìm lối thoát cho chính mình.
Ơ hay, nghĩ thì thiên la địa võng cho người, mà làm, thì chỉ cứu được có một mạng chim ! Cũng may, là còn có được mươi phút tản mạn …

Hoa Bang, một ngày muà Xuân
Trần thị LaiHồng


Nguồn: Gió-O.com
hoa xuong rong
#2 Posted : Sunday, March 11, 2007 9:16:08 AM(UTC)
hoa xuong rong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 265
Points: 0

[img]http://i178.photobucket.com/albums/w278/nangvaem/LHvachuongtrong.jpg?t=1177972500[/img]
Trần thị Lai Hồng


Trần thị LaiHồng sinh trưởng tại Huế, trước 75 dạy học tại Trung học Võ Tánh Nha Trang, làm việc tại Đài Phát Thanh Saigòn và Viện Bào chế IPC. Di tản sang Hoa kỳ, làm Tổng thư ký tạp chí Đất Mới do Huy Quang Vũ Đức Vinh, Mai Thảo, Thanh Nam, và Tuý Hồng chủ trương, sau đó cùng chủ biên Phụ nữ Ngày Nay với Tuý Hồng, Lê Thị Huệ, Bùi Bích Hà, tại Seattle, tiểu bang Washington, đồng thời tiếp tục ngành giáo dục cho đến 1993.

Dạy học, viết văn, làm thơ, cộng tác với nhiều tạp chí hải ngoại trên giấy cũng như trên lưới, đồng thời tiếp tục đi xa hơn trên đường nghệ thuật vẽ trên lụa đã bắt đầu hồi còn ở quê nhà. Phòng vẽ Sắc Lụa Art on Silk được thành lập 1992, được mời trưng bày lụa vẽ tại bảo tàng viện Wing Luke Museum, Seattle, tiểu bang Washington. Bà là người đầu tiên vinh danh những bộ y phục phụ nữ Việt Nam tại bảo tàng viện hải ngoại. Cho đến nay, đã có ngót ba mươi lần trình diễn lụa vẽ tại Houston, Texas; Orange County, Santa Ana, San José, Westminster , California; thủ đô Washington D.C.; McLean, Alexandria, Virginia; Orlando, West Palm Beach, Florida; Đức và Canada.

Hiện cư cùng chồng là họa sĩ/nhà văn Võ Đình cư ngụ tai West Palm Beach, Florida - gọi là Hoa Bang. Cả hai đam mê văn học nghệ thuật và vui thú ẩn dật điền viên, căn nhà nhỏ ngập tràn sách và tranh, khu vườn được bạn bè gọi là vườn… … văn học vì mỗi rau hoa cây trái đều mang nặng tự tình. Bạn nào có dịp qua Hoa bang, sẽ được dịp hưởng thú quê trèo lên cây khế nửa ngày, bưng rổ hái rau đay mồng tơi, hay trèo lên cây bưởi bước xuống vườn cà, nghe chim chèo bẻo ngửa cổ hót chơi trong khi gió đưa mười tám lá xoài, ngắm Mưa Trên Ngọn Sầu Đông, nhìn hoa Mai nở rộ nhớ Xuân Xưa Huế Vàng … v.v. và v.v.


Nguồn: Gió-O.com
hoa xuong rong
#3 Posted : Thursday, March 15, 2007 1:10:03 AM(UTC)
hoa xuong rong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 265
Points: 0

[img]http://i178.photobucket.com/albums/w278/nangvaem/Picture2.jpg?t=1173979053[/img]ĐÀN BÀ NHIỀU CHUYỆN

Trần thị LaiHồng

Loạt bài Đàn Bà Nhiều Chuyện nhằm kỷ niệm Tháng Ba của Phụ nữ, nhân Ngày Phụ nữ Quốc tế. Nhiều chuyện đây không phải là lắm lời lắm chuyện, mà là vô số chuyện kể về thân phận đàn bà, từ khắp nơi trên thế giới.
Bắt đầu là Trung Hoa lục địa, xứ sở của nền tảng Khổng Mạnh mà ngưòi đàn bà tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, nhưng lại là chuyện về cuộc sống đàn bà bây giờ trong xã hội chủ nghĩa kinh tế đổi mới.



T H Ụ C N Ữ
Tân Nhiên

[maroon]Tân Nhiên là một người viết mới, sinh năm 1958 tại Bắc Kinh, trưởng thành tại Trung Hoa lục địa, di tản định cư tại London năm 1997. Bà từng làm việc cho Đài Phát thanh Nam Kinh, phụ trách Chương trình Phụ nữ Hội thoại có tên là Lời Gió Đêm, khởi sự vào mùa Đông 1987. Chương trình này rất mới, nằm trong chính sách Cởi Mở Đổi Mới của Nhà nước Trung Cộng, nhằm thảo luận nhiều vấn đề liên hệ cuộc sống thường ngày của phụ nữ.
Theo tác giả, đây chỉ là một ô cửa tò vò, một lổ thủng tí tẹo hé ra cho người dân thổ lộ tâm can và thở than chút ít sau cả nửa thế kỷ cúi đầu sống gục dưới áp lực súng đạn. Những chuyện kể đều có thật, chỉ thay đổi tên nhân vật. Bà cho biết đây là bằng chứng về những cuộc đời đau khổ của đàn bà Trung Quốc, dưới chế độ khắc nghiệt của xã hội chủ nghĩa.
Tờ Hoa Thịnh Đốn Bưu báo (The Washington Post) nhận định rằng tuyển tập chuyện kể Tiếng Thầm Thục nữ Trung Quốc (The Good Women of China/ Hidden Voices) của Tân Nhiên đựng đầy ăm ắp chi tiết, nên có tính cách ám ảnh mạnh, và đều gây mãnh lực như những hư cấu giá trị.



Từ ngày phụ trách Chương trình Phụ nữ Hội thoại và nhất là sau khi được phép mở hộp thư, thu nhận ý kiến thính giả, hàng ngày tôi nhận cả trăm lá thư khắp nơi gửi về từ mọi tầng lớp. Những lá thư này là những tiếng nói thầm kín của người phụ nữ Trung Quốc. Tôi muốn đi xa hơn, đến gần những người đàn bà ngoài kia, từ những cô gái tơ nghèo đói bán mình cho mấy tên già hành hạ bạo dâm, em bé gái thù hận gia đình vì bị chính cha ruột cưỡng dâm và mẹ đồng loã buộc con câm miệng, những cặp trai gái yêu nhau bị tội “hủ hoá” chàng phải ngồi tù nhục nhã treo cổ chết và nàng bị khai trừ khỏi Đảng, cho đến đám vợ con nhà quê gộc của các đại cán lên phố thị tìm chồng nay đã quyền cao chức trọng và có vợ mới con mới, hoặc những giám đốc thủ trưởng mới giàu nổi bỏ quên mẹ già lang thang vất vưởng….


Tôi tìm cách gặp nhiều phụ nữ ngoài xã hội để tìm hiểu nhiều hơn và có những nhận xét xác đáng hơn. Nhưng cũng không dễ dàng. Tuy nhiên, tôi bắt đầu cố tạo cơ hội bất cứ lúc nào, thu thập tài liệu về cuộc sống phụ nữ ngoài xã hội, vào những dịp đi công tác, thăm viếng bạn bè hay gia đình, và vào những ngày lễ. Tôi chen những chuyện thu lượm được vào các chương trình phát thanh và ghi nhận phản ứng của đám thính giả.



Một hôm, sau giờ phụ giảng tại đại học, tôi vội vã đạp xe về đài. Giờ ăn trưa, khu đại học ồn ào ong vỡ. Tình cờ, tôi nghe mấy giọng con gái nói chuyện, và vấn đề có vẻ dính tới tôi.
- Cô ta nói phụ nữ Trung Hoa thủ cựu. Tao chẳng đồng ý. Phụ nữ Trung Hoa ta có lịch sử, mà cũng từng tạo lịch sử. Có bao nhiêu người thủ cựu nào? Mà thủ cựu là cái gì chứ? Mặc áo độn bông cài một bên? Búi tó? Giầy thêu? Che mặt khi gặp đàn ông? Làm cái kiểu “quan quan thư cưu, tại Hà chi châu, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu.” Ui chu choa …
- Tao nghĩ vấn đề thủ cựu cô ta nói chỉ là một ý niệm thôi, coi như lời ông bà để lại, hoặc đại khái vậy …
- Tao chẳng bao giờ nghe mấy chương trình đàn bà đó. Tao chỉ nghe nhạc.
- Tao có nghe. Tao thích nghe chương trình của cô ta lúc đi ngủ. Cô ta để nhạc nhẹ nhàng và có giọng nói êm ái lắm. Nhưng tao chẳng thích nghe cô ta lải nhải ca ngợi đức tính dịu dàng của đàn bà. Hẳn cô ta không có ý nói đàn ông thô lỗ …
- Tao nghĩ là cô ta có ý đó, một chút ý đó. Chắc cô ta được chồng yêu chiều như bà hoàng …
- Biết đâu! Có thể cô ta là loại đàn bà làm cho đàn ông phải quỵ luỵ lạy lục cúc bái để được thể trút giận lên đầu …


Tôi sững sờ. Tôi không biết đám con gái có kiểu nói chuyện như vậy. Đang vội, tôi không dừng lại để hỏi chuyện như thường vẫn làm, nhưng tự nhủ sẽ tìm dịp gặp đám nữ sinh viên. Tôi làm việc tại Viện Đại học với tư cách là một giảng sư, thì cũng dễ tìm cách phỏng vấn họ mà không bị trở ngại hành chánh. Tôi biết những cuộc cách mạng luôn khởi đầu từ đám sinh viên. Đám trẻ khi nào cũng dẫn đầu trào lưu mới, ý thức hệ mới.



Có người nói về một cô nàng rất nổi tiếng trong trường, nổi tiếng về nhiều sáng kiến, về những tư tưởng mới và quan niệm sống mới. Tên cô ta kêu lắm : Kim Thuỷ, trong trừơng gọi là Kim Soái. Tôi mời Kim Soái đến một tiệm trà.
Kim Soái trông giống một nhân viên giao tế hơn là một nữ sinh viên. Thoạt trông chẳng có gì đặc biệt, nhưng Kim Soái lại hết sức hấp dẫn. Cô mặc một bộ âu phục màu sắc trang nhã cắt may khéo tôn vóc dáng, mang giày da cao cổ, tóc buông xoã dài.

Kim Soái và tôi hớp từng ngụm trà Hảo Long trong những tách sứ men châu sa ngời đỏ.
- Cô Tân Nhiên, cô có đọc sách nhiều như người ta đồn không?
Kim Soái đảo ngược vị thế chiếm thượng phong hỏi trước. Tôi muốn làm vui lòng nên kể vài sách sử và kinh tế.
- Mấy cuốn sách cổ lổ đó thì làm sao đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng con người! Họ chỉ nói về ba cái lý thuyết rỗng tuếch. Nếu cô muốn đọc vài sách có ích, thử Quản lý Tân thương, Khảo cứu Liên hệ Cá nhân, hoặc Cuộc đời Một Nhà Kinh doanh. Ít nhất mấy cuốn này còn giúp cô kiếm tiền. Tội nghiệp cô quá! Có được những liên hệ quan trọng vậy, chưa kể có cả ngàn thính giả, vậy mà ngày đêm làm việc với đồng lương hạng bét. Cô phí thì giờ đọc mấy cuốn thổ tả đó và để lỡ nhiều cơ hội bằng vàng.
Tôi chống chế :
- Không, mỗi người có chọn lựa riêng chớ!
- Ê, đừng vội buồn! Việc của cô là trả lời các câu hỏi của thính giả, phải không? Để tui hỏi thêm vài câu nữa. Này, triết lý sống của phụ nữ là gì? Hạnh phúc của phụ nữ là gì? Và thế nào là một thục nữ?


Kim Soái nốc cạn tách trà. Tôi quyết định để cô ta chủ động, hy vọng sẽ thu được những nhận xét và ý kiến thành thực. Tôi nói :
- Tôi muốn được nghe ý kiến của cô.
- Tui? Nhưng tui là sinh viên khoa học. Tui không có ý kiến gì về xã hội học.
Kim Soái bỗng trở nên nhún nhường, nhưng tôi dùng mánh khoé nghề nghiệp đưa cô trở lại vấn đề. Tôi khơi mào :
- Nhưng ý kiến của cô không bị hạn hẹp trong phạm vi khoa học.
- Ờ phải. Tui có mấy ý kiến …
- Không phải chỉ có mấy mà thôi. Cô rất nổi tiếng về những ý kiến mới mẻ của cô …
- Cảm ơn!
Lần đầu tiên Kim Soái dịu gịong nhũn nhặn. Trước, tôi cứ tưởng mọi sinh viên thường ăn nói nhỏ nhẹ. Tôi nắm cơ hội :
- Cô rất thông minh. Lại trẻ và rất hấp dẫn. Cô có nghĩ rằng cô là một thục nữ không?
Kim Soái khựng lại, nhưng trả lời chắc nịch:
- Tui? Không! Ngàn lần không!
Oùc tò mò của tôi kích động. Tôi hỏi :
- Tại sao?
Kim Soái lấy lại tự tin, hách dịch gọi người hầu bàn :
- Này, đem thêm hai tách Hảo Long!
Nhìn thẳng vào mắt tôi, cô nói một hơi:
- Tui không cần làm điệu dịu dàng nhỏ nhẹ mà cũng chẳng cần có đầy đủ lương tâm chi cho lắm. Đàn bà Trung Quốc được coi là thục nữ thì phải nhu mì nhỏ nhẹ, ngay khi lên giường ngủ cũng phải nhỏ nhẹ nhu mì. Kết quả, các đức ông chồng cho là mấy bà chẳng khiêu gợi hấp dẫn gì sất, và mấy bà đành chịu lép một bề chịu tội. Đàn bà phải chịu đau đớn mỗi tháng khi có kinh kỳ, lại còn đau đẻ, lại làm việc cật lực như đàn ông để giúp gia đình khi mấy ông không kiếm đủ. Đàn ông ghim hình đàn bà đẹp đầu giường, coi phim cởi truồng, phim “xếch” để tìm hứng … trong khi đàn bà tự trách về thân hình sồ sề. Tóm lại, trong mắt đàn ông, không có thục nữ.


Tôi tự nhủ là đã đến lúc Kim Soái chẳng cần được khuyến khích. Cô đương đà cao hứng.
- Khi cao hứng, đàn ông thề thốt đủ điều yêu thương trọn đời mãn kiếp, làm cả đống thơ ca tụng tình yêu cao vút tận trời xanh và sâu rộng bao la như biển cả. Nhưng đám đàn ông yêu như vậy may ra chỉ có trong tiểu thuyết. Đàn ông ngoài đời thực khi nào cũng tả oán là chưa gặp được người đàn bà xứng đáng với tình yêu của họ. Đàn ông chuyên lợi dụng nhược điểm của đàn bà để kiểm soát đàn bà. Cứ nghe vài lời nỉ non yêu đương hoặc khen nịnh là mấy bà mê tơi tưởng thật, đâu biết chỉ là ảo tưởng, chỉ là … bánh vẽ!
Này, hãy nhìn mấy cặp lão sống với nhau mấy chục năm. Ngỡ là tên đàn ông sung sướng lắm, phải không? Nhưng cho một cơ may, ông ta sẽ lập tức bỏ rơi bà vợ già để đi cưới một cô trẻ, mặc dầu chẳng biết ông ta có còn xí quách không. Trong mắt mấy tên đàn ông mèo mả gà đồng, đám đàn bà hiếm có ai gọi là … thục nữ cho họ hảo cầu cả! Mấy tên đàn ông chỉ coi đàn bà là đồ chơi. Họ cũng khinh rẻ đám bồ bịch chớ chẳng nể nang gì, nếu không thì họ đã tìm cách rước đám này về từ khuya!


Kim Soái ngưng, rồi nghiêm giọng hỏi :
- Cô có biết loại đàn bà nào đàn ông muốn không?
Tôi thành thật trả lời:
- Không, tôi không phải một chuyên gia về việc này.
Kim Soái lên giọng kẻ cả :
- Đàn ông muốn người đàn bà phải đức hạnh, phải là mẹ hiền, dâu thảo, và … phải kiêm luôn là một con ở, một con ở không công. Ngoài gia đình, bà vợ phải hấp dẫn và có học, và phải làm vẻ vang cho chồng. Vào giường, vợ phải là một con thú cái động đực, nếu không nói là một con đĩ thập thành! Còn nữa. Đàn ông cũng cần đàn bà lo kiếm nhiều tiền, lo giữ tiền, để họ còn chen vai thích cánh với đám nhà giàu và quyền thế trong xã hội.
Đám đàn ông tân tiến bây giờ buồn chuyện cấm đa thê. Lão Cổ Hồng Minh cuối đời nhà Thanh từng nói là một ông phải có bốn bà, như một bình trà có bốn cái tách! Tui phải nói thêm là đàn ông thời này muốn có thêm một tách nữa để … đựng tiền!


Kim Soái hất mặt hỏi tôi:
- Nào, nói tui nghe là có bao nhiêu bà có thể đáp ứng nổi những đòi hỏi như vậy của đám đàn ông? Theo những tiêu chuẩn mấy ông đòi hỏi, thì tất cả đàn bà đều bị sổ toẹt!
Hai người đàn ông bàn bên chốc chốc lại quay nhìn Kim Soái, nhưng cô chẳng đếm xỉa gì.
- Cô có nhớ câu “ vợ người hơn vợ mình, nhưng con mình thì nhất?”
Tôi trả lời, thì cũng nhận là có biết:
- Có, nhớ chứ!
Kim Soái ngẫm nghĩ:
- Có lần tui đọc cuốn sách về tình yêu, trong đó nói là “ Con sư tử đực sẽ xực một con thỏ nhỏ nếu không kiếm được thứ gì khác, nhưng một khi vồ chết con thỏ nhỏ, nó sẽ bỏ thỏ để chạy đuổi con ngựa vằn.” Điều bi thảm là nhiều người đàn bà chấp nhận chuyện đàn ông cho họ chẳng phải là một thục nữ …

Tôi hơi đỏ mặt cảm thấy như bị Kim Soái xếp vào đám đàn bà thụ động này. Nhưng cô ta không để ý và cứ tiếp tục.
- Tân Nhiên, cô có biết đám đàn bà xấu số thực sự lại là những người may mắn không? Tui tin vào câu " tiền tài tạo đàn ông xấu, và xã hội xấu xa lại giúp đàn bà có tiền." Đừng nghĩ sinh viên tụi tui đây nghèo hết. Lầm! Có vô số nữ sinh viên tụi tui sống ngon lành không cần đồng xu cắc bạc cha me. Có một số nữ sinh viên mới nhập học lúc đầu chẳng có xu teng dính túi mà ăn, nhưng bây giờ họ mặc áo lông mịn cashmere và đeo nữ trang sang trọng, ăn diện hết sẩy, đi đâu cũng dùng taxi và ở khách sạn. Ấy, mà đừng vội tưởng là họ bán mình nhé.

Thấy tôi có vẻ kinh ngạc, Kim Soái vừa cười vừa tiếp :
- Ngày nay, đám đàn ông có tiền đến lúc cần đàn bà đúng tiêu chuẩn đòi hỏi. Họ muốn đi dung giăng dung giẻ với "thư ký riêng" hay "phụ tá" có học. Với tình trạng nước Tàu thiếu nhân tài, thì nơi nào có thể tìm được nhiều "thư ký riêng" ngoài các đại học? Một cô gái xinh đẹp không bằng cấp chỉ có thể vớ được một tiểu thương gia, nhưng càng có nhiều bằng, càng có nhiều cơ may móc nối một đại thương gia. Một "thư ký riêng" làm việc cho một người, nhưng một "phụ tá" làm việc cho nhiều người. Có ba cấp làm việc chung. Cấp thứ nhất là đi theo ông ta đến nhà hàøng, hộp đêm, tiệm nhạc có karaoke. Cấp thứ hai đi xa hơn, kể cả việc đi theo ông ta đến các nơi khác như nhà hát, rạp chiêú bóng, v v … và v v … mà tụi tui gọi là "bán nghệ thuật không bán mình." Cố nhiên là trong giao ước ngầm có sự thoả thuận lâu lâu để ông ta rờ mò tí ti. Còn cấp thứ ba thì đi xa hơn, khi nào ông ta gọi là phải đến, ngày cũng như đêm, và cố nhiên là cung phụng luôn xác thịt. Nếu thuộc loại “thư ký riêng” này, thì không ở lại trong cư xá sinh viên được, trừ trường hợp bất khả kháng ông chủ về nhà với vợ. Ngay cả những lúc này, phần đông mấy ông chủ cho "thư ký riêng" ở khách sạn thuê bao để dễ cần tới khi trở lại. "Thư ký riêng" được trả tiền ăn tiền ở, tha hồ may sắm áo quần, có tiền tiêu vặt và được đi du lịch. Không ai dám động chân lông bạn khi bạn cận kề ông chủ. Bạn dưới quyền một ông nhưng có quyền với cả ngàn người khác. Nếu bạn thông minh, không bao lâu sẽ có quyền thật, và nếu bạn thật là sắc bén, chẳng bao giờ phải lo về tiền bạc.



Kim Soái ngưng nói để châm trà, rồi tiếp:
- Người ta nói"thời thế tạo anh hùng," phải không? Nghề "thư ký riêng" bây giờ trong nước Tàu là sản phẩm của chính sách cải cách và cởi mở. Một khi Trung Quốc cởi mở, mọi người đều chạy đua làm tiền, ai cũng muốn thành ông chủ, thành giám đốc, thành thủ trưởng. Không thiếu chi người mơ làm giàu, nhưng chỉ một số thành công. Cô có để ý là ai cũng có danh thiếp ghi Tổng Giám đốc, Giám đốc, Thủ trưởng? Bất cứ cơ sở làm ăn lớn nhỏ đều được đặt tên rất xôm …
Mà mấy ông chủ đó khởi sự công ty sao lại không có thư ký thì mất mặt lắm chớ! Aáy, mà thư ký ngày làm 8 tiếng chưa đủ, phải có người luôn có mặt để lo các thứ. Thêm vào đó, những đòi hỏi về ngoại hình hấp dẫn, tạo cơ man dịp cho mấy cô gái có nhan sắc. Vậy là đám con gái ăn diện thời thượng rập rình lui tới các cơ quan nhà nước và làm nền kinh tế sống động, phát triển.


Được đà, Kim Soái thao thao nói :
- “Thư ký riêng” cũng được các thương gia ngoại quốc cần để tìm chỗ đứng đầu tư vào kinh tế nước Tàu. Họ không hiểu chi về “ luật lệ và thủ tục” của ta. Nếu không có đám “thư ký riêng” chỉ đường đi nước bước, thì đám thương gia ngoại quốc bị đám quan lại nhà nước tham nhũng xâu xé manh mún từ khuya. Muốn làm “thư ký riêng” cho người ngoại quốc, cố nhiên phải thạo ngoại ngữ.
Hầu hết “thư ký riêng” đều rất thực tế về tương lai. Họ thừa biết mấy ông chủ chẳng bao giờ bỏ gia đình. Chỉ khùng mới tin lời yêu đương mật ngọt của đàn ông, nhất là mấy ông chủ. Cũng có vài cô khùng thật, và chẳng nói ai cũng biết hậu quả ra sao.



Tôi cứ há hốc miệng mà nghe Kim Soái lột trần thế giới “ phụ tá” và “thư ký riêng.” Tôi không cảm nhận Kim Soái và tôi sống cùng thế kỷ, cũng không cảm nhận cùng chung quốc gia. Tôi lắp bắp :
- Thật vậy? Thật vậy sao?
Kim Soái cũng kinh ngạc về sự u mê của tôi. Cô la lên :
- Cố nhiên! Tui kể chuyện này, chuyện thật đây nhé. Tui có một bạn gái rất tốt, rất xinh đẹp. Cao, thon, khuôn mặt dịu hiền duyên dáng, giọng nói êm nhẹ, lại rất tài hoa, đàn ngọt, hát hay, đi đến đâu là đem theo niềm vui với nụ cười và âm nhạc, và được nam nữ sinh viên mến mộ. Tên bạn tui là Anh Nhị. Hai năm trước đây Anh Nhị học năm thứ hai Mỹ thuật thì gặp ông Vũ, Giám đốc một công ty từ Đài Loan. Ông Vũ bảnh bao bặt thiệp lắm. Oâng vào Trung Hoa lục địa mở công ty địa ốc tại Thượng Hải và làm ăn khá nên muốn mở chi nhánh ở Nam Kinh. Nhưng khi đến đây, ông gặp trở ngại về những luật lệ thương mại địa phương và mất nhiều tiền mà chẳng được việc. Anh Nhị thấy thương hại . Cô có nhiều mối mánh mung giao dịch liên hệ, lại vừa đẹp vừa bặt thiệp nên đi lọt qua các cơ quan thương mại, thuế vụ, toà tỉnh uỷ và ngân hàng dễ dàng. Không bao lâu, chi nhánh địa ốc của ông Vũ thành lập và chạy việc. Oâng Vũ cảm kích lắm, thuê hẳn một phòng lớn đầy đủ tiện nghi tại khách sạn 4 sao cho Anh Nhị, bao luôn moị tiêu xài. Anh Nhị là người của thế giới kinh tế thương mại, nhưng cô đạt thắng lợi nhờ cách cư xử lịch sự của ông Vũ. Ông ta không như mấy tên hạm cho rằng tiền bạc có thể mua được mọi thứ. Anh Nhị quyết định không"phụ tá" cho những người khác mà hoàn toàn lăn xả giúp ông Vũ với cơ sở Nam Kinh.


Kim Soái cho biết Anh Nhị từng tâm sự là rất hạnh phúc, mặc dầu biết ông Vũ có vợ con, nhưng khi nào cũng kiên nhẫn tế nhị và xử sự đẹp với cô. Kim Soái rất thắc mắc về tình yêu lý tưởng như vậy giữa đàn ông và đàn bà, và việc Anh Nhị minh xác điều đó cho cô chút hy vọng.


Kim Soái thở dài nói tiếp :
- Tui gặp Anh Nhị mấy tháng sau. Cô ta gầy rộc, hình dung tiều tuỵ. Cô cho hay là bà vợ ông Vũ viết thư đòi chồng phải chọn lựa. Ngây thơ khờ khạo, Anh Nhị nghĩ ông Vũ sẽ chọn mình vì ông ta không thể sống thiếu cô. Ngoài ra, gia sản nhà họ Vũ quá đồ sộ, có chia ra cho vợ thì cũng chẳng ảnh hưởng mấy với những cơ sở làm ăn của ông ta. Tuy nhiên, khi chạm trán vợ từ Đài Loan sang, ông Vũ tuyên bố chẳng thể bỏ vợ mà cũng chẳng chia gia tài, và ra lệnh Anh Nhị xéo khỏi đời ông ta với 10 ngàn yuans, coi như đáp lại công ơn đã giúp lập cơ sở Nam Kinh.

Quá thất vọng, Anh Nhị xin gặp riêng Vũ để hỏi 3 câu. Câu thứ nhất, có phải quyết định của ông ta là tối hậu, ông đáp phải; câu thứ hai là trứơc đây khi tỏ tình yêu thương, ông có thật lòng không, ông đáp có. Câu sau cùng, Anh Nhị hỏi lý do thay đổi tình cảm, ông ta trả lời trắng trợn ngắn gọn rằng thế sự thăng trầm, và tuyên bố là đã hết 3 câu, không còn gì để nói nữa.

Anh Nhị trở lại cuộc sống như một “phụ tá” và trở nên cứng rắn hơn với phán quyết rằng trên đời chẳng hề có tình yêu chân thật. Mới hai tháng trước, sau khi tốt nghiệp, Anh Nhị lấy một ngươiø Mỹ. Thư đầu gửi từ Mỹ, cô khuyên tui là đừng bao giờ nghĩ đàn ông là cây đại thụ cho mình nương tựa. Cô nhấn mạnh rằng đàn bà chỉ là phân bón cho cây, phải băng hoại để cây sống mạnh. Thấy một đôi nào đó coi đằm thắm lắm, phải biết là họ sống với nhau vì dựa vào nhau, vì tiền, vì thế lực, vì quyền lợi.
Kim Soái ngưng kể, mặt đầy xúc động.
- Tội nghiệp Anh Nhị. Bạn tôi biết sự thực thì đã muộn!



Tôi vỗ nhẹ lên tay Kim Soái :
- Kim Soái, cô có tính lấy chồng không?
Đổi ngay nét mặt, Kim Soái đanh giọng:
- Tui chưa hề nghĩ tới chuyện đó. Tui chẳng biết yêu thì ra làm sao. Trong trường có một giáo sư cứ lợi dụng quyền hành để chấm bài. Oâng ta gọi đám nữ sinh viên xinh đẹp đến gặp riêng để “nói chuyện lòng,” và họ nói chuyện kiểu đó trong phòng ngủ khách sạn, kiểu … lòng lợn ấy mà! Đó là một điều bí mật nhưng trong trường ai cũng biết, trừ vợ ông ta. Bà ta khi nào cũng nói về chồng một cách rất là tâm đầu hợp ý, nào là được chồng cưng chiều, mua sắm đủ thứ và tự làm hết việc nhà chẳng để bà mó tay. Cô có tin thằng thầy dâm đãng và ông chồng hết lòng với vợ lại là một người không? Người ta nói đàn bà coi trọng tình cảm, đàn ông coi trọng xác thịt. Nếu vậy, tại sao lấy nhau?


Đến đây, tôi được dịp đưa ý kiến :
- Theo tôi, đàn bà thường nô lệ tình cảm nhiều.
Tôi nhắc đến một nữ giảng sư trong trường. Mấy năm trước, chồng bà, cũng thuộc ban giảng huấn, thấy nhiều người làm ra tiền dễ dàng bằng cách lập công ty này nọ, tức khí cũng muốn nhảy ra làm ăn. Bà vợ bảo chồng không có đầu óc kinh doanh mà cũng chẳng có tài điều hành cạnh tranh, chỉ có tài dạy học, khảo cứu và viết lách. Oâng cho rằng bà coi thường ông quá, và nhảy ra buôn bán, nhưng bị thua to lỗ nặng, tiêu sạch tiền để dành của gia đình. Bà vợ phải đứng mũi chịu sào kiếm cơm cho cả nhà.

Oâng chồng thất nghiệp chẳng chịu giúp gì ở nhà, lý luận rằng đàn ông không làm việc của đàn bà. Vợ rời nhà sáng sớm đi làm, tối mịt mới về, lảo đảo mệt nhừ. Oâng chồng ở nhà ngủ nướng đến sau 1 giờ trưa mới bò dậy, cả ngày ngồi coi TV, rên rỉ là mệt mỏi gấp mấy bà vì chán nản thất nghiệp, ăn không ngon ngủ không yên nên cần tẩm bổ cho mau lại sức. Bà vợ dùng thì giờ còn lại kèm trẻ để kiếm thêm, bị chồng chỉ trích là phí sức, không nghĩ rằng gia đình cần tiền để có ăn có mặc . Bà thường hà tiện, nhưng khi nào cũng sắm sửa nguyên bộ chững chạc cho chồng. Oâng ta chẳng biết ơn về những cố gắng của vợ, mà còn phàn nàn vợ không ăn diện lịch sự như trước, và đem so với những người đàn bà trẻ đẹp hấp dẫn khác. Với vốn học thức như vậy, coi ông ta chẳng hơn một bác nhà quê chỉ ngay ngáy lo quyền lực và địa vị một dân làng.

Các nữ giảng sư trong trường phiền hà trách móc bà vợ đã chiều chồng quá đáng. Một số nữ sinh viên cũng phản đối. Họ hỏi thẳng bà là sao có thể chịu vậy đối với một người đàn ông chẳng đáng. Bà trả lời buông xuôi hết thuốc chữa, là “Ngày xưa ông yêu tôi lắm!”
Kim Soái bứt rứt về chuyện kể, nhưng xác nhận rằng đó là tình trạng khá phổ biến trong xã hội.
- Tui nghĩ là trên phân nửa gia đình người Trung Hoa chúng ta có những người đàn bà làm việc quá sức mình và những người đàn ông than vắn thở dài về những tham vọng không đạt, quay ra trách móc vợ và đổ giận lên đầu vợ. Hơn thế nữa, nhiều ông cho rằng nói vài lời thương yêu với vợ là không đáng làm đàn ông. Tui chẳng hiểu nổi. Sống bám vào đàn bà yếu đuối thì lương tâm thanh thản được sao ?
Tôi nói đùa :
- Giọng điệu nữ quyền quá nhỉ!
- Tui không đòi nữ quyền. Tui chỉ không tìm được một người đàn ông đúng danh nghĩa đàn ông thực sự trên đất Trung Hoa lục địa này. Nói đi, có bao nhiêu bà gửi thư cho chương trình của cô, nói là họ có hạnh phúc với chồng? Và bao nhiêu ông đòi cô đọc cho mọi người biết lá thư tả ông thương yêu vợ đến chừng nào? Tại sao đàn ông mở miệng nói yêu thương vợ thì sợ hao mòn địa vị đàn ông của họ?


Hai ông khách bàn bên chỉ chỏ về phía chúng tôi. Tôi không biết họ tỏ thái độ gì về phát biểu nẩy lửa của Kim Soái. Tôi chống chế trả lời Kim Soái như chưa hề nhận thư như vậy.
- Ờ … đàn ông Tây phương họ nói vậy với vợ … Kiểu văn hoá Âu Mỹ ấy mà !
Kim Soái gắt:
- Ơ, cô nghĩ đó là khác biệt văn hoá à? Không! Nếu trước bàng dân thiên hạ mà người đàn ông không có gan nói như vậy với người đàn bà họ yêu, cô cho họ là đàn ông à? Tui cho rằng cả cái nước Trung Quốc vĩ đại này chẳng đào đâu được một tên đàn ông ra hồn!

Tôi im. Trực diện với trái tim trẻ như vậy mà cứng rắn như vậy, tôi còn nói gì được đây. Nhưng Kim Soài cười to:
- Lũ bạn tui nói là nước Tàu rồi sau cùng cũng đến xếp hàng với thế giới còn lại khi đụng đến những đề tài về đàn ông và đàn bà. Đó là vấn đề rất phức tạp trên đất nước này. Ta có trên 50 sắc tộc, vô số thay đổi về chính sách, vô số quy tắc xử thế, về phẩm hạnh, về thời trang, về chửa đẻ … Hừm, lại còn có cả chục từ ngữ về đàn bà …


Có lúc tôi thấy Kim Soái là một cô gái hồn nhiên và ngay thẳng. Nhiệt tâm của cô hợp với con người cô hơn là cái vỏ bề ngoài của một nữ giao tế, và tôi thích cô hơn.
- Này Tân Nhiên, ta có thể nhắc những lời xưa về đàn bà. Ví dụ”Gái chính chuyên chỉ có một chồng.” Thử xem có bao nhiêu goá phụ trong lịch sử Trung Quốc cam chịu phòng không chiếc bóng vì phải bảo vệ danh giá gia đình? Có bao nhiêu bà chịu … “hoạn,” chịu “phản bội” (emasculated) nữ tính của họ, nào là xẻo tử cung, cắt buồng trứng chỉ vì phải giữ thể diện? Tui biết “hoạn” không phải là chữ dùng cho đàn bà, nhưng cơ sự là như vậy đó. Tới giờ, ở vùng quê, vẫn còn những người đàn bà phải chịu vậy. Rồi, còn những ví von đàn bà với cá …

Tôi chưa bao giờ nghe những lời lẽ như vậy, và thấy mình thật dốt dưới mắt cô gái thế hệ trẻ này. Tôi buột miệng:
- Cá? Cá gì?
Kim Soái thở dài đánh sượt và gõ mấy móng tay sơn bóng trên bàn:
- Ồ, tội nghiệp cô Tân Nhiên chưa! Cô chưa biết tí ti nào về việc xếp loại đàn bà. Vậy làm sao hiểu được đàn ông? Để tui nói cho mà biết. Khi đàn ông rượu vào lời ra, họ thốt ra lắm định nghĩa về đàn bà. Tình nhân là “cá lưỡi kiếm” ăn ngon nhưng xương nhọn hoắt. “Thư ký riêng” là cá chép, cá lý ngư, càng “hầm” càng tăng vị. Vợ người thì gọi là “cá óc nóc Nhật” đớp một miếng có thể tàn đời, nhưng chết cũng đáng.
- Còn vợ của họ?
- Mắm cá thu.
- Mắm cá thu? Tại sao?
- Tại mắm cá thu giữ được lâu. Khi chẳng có gì ăn thì mắm cá thu rẻ nhất tiện nhất. Cơm với mắm, được lắm! Thôi, tui phải đi “làm việc.” Đáng ra cô không nên nghe tui ba hoa chích choè lâu như thế. Mà sao cô chẳng nói năng chi cả vậy?


Tôi yên lặng. Tâm trí bận về việc so sánh vợ với mắm.
- Đừng quên trả lời ba câu hỏi của tui trên đài nhé. Tui nhắc lại. Triết lý sống của đàn bà là gì? Hạnh phúc của đàn bà là gì? Và thế nào là một thục nữ?
Kim Soái uống hết trà, nhặt ví lên và bỏ đi.



Tôi nghĩ mãi về những câu hỏi của Kim Soái trong một thời gian khá lâu mà không tìm ra giải đáp. Hình như có một cách biệt lớn giữa hai thế hệ. Suốt mấy năm sau đó tôi nhiều lần gặp nhiều nữ sinh viên, nhưng tính khí, thái độ, cách sống của thế hệ lớn lên trong thời Cởi Mở và Cải Cách khác hẳn tính khí, thái độ và cách sống của thế hệ đàn chị. Mặc dầu họ có những chủ thuyết màu mè về cuộc đời, tôi thấy có một khoảng trống sâu thẳm dưới lớp tư tưởng mới mẻ của họ.
Có nên trách họ chăng? Tôi không nghĩ vậy. Có gì thiếu sót từ sự trưởng thành đã làm cho họ như vậy. Họ chưa bao giờ được sống trong một môi trường bình thường lành mạnh đầy thương yêu chân thật.


Tôi nhận thấy rằng từ những xã hội mẫu quyền xa xôi xưa, địa vị người đàn bà Trung Quốc luôn ở cấp thấp hèn nhất. Họ bị coi như đồ vật, như một phần tài sản, bị chia chác như đồ ăn thức uống, như mọi vật dụng và khí cụ. Về sau, đàn bà được phép bước vào thế giới đàn ông, nhưng chỉ có thể đứng vững bằng chính đôi chân của họ, và hoàn toàn lệ thuộc vào lòng tử tế hoặc bao dung của người đàn ông. Nếu tìm hiểu cơ cấu xã hội Trung Quốc, bạn có thể thấy không biết bao nhiêu năm tháng trôi qua trước khi có một số ít đàn bà có thể đi từ mấy căn phòng xép nhà dưới - nơi để vật dụng trong nhà và là chỗ ngủ tôi tớ - mò lên tới được mấy phòng kề cận căn chính nhà trên, nơi dành riêng cho ông chủ và mấy cậu quý tử.

Lịch sử Trung Quốc dài thật dài, nhưng chỉ thời gian mới đây, người đàn bà có cơ hội tìm lại bản lai diện mục và người đàn ông bắt đầu nhận thức sự hiện diện quan trọng của ngươiø đàn bà trong xã hội.

Ngay trong thập niên 30, khi phụ nữ Tây phương lên tiếng về nam nữ bình quyền, thì đàn bà Trung Quốc chỉ mới bắt đầu mon men thử thách bước vào xã hội do đàn ông ngự trị, không còn chịu để bị bó chân hay đặt đâu ngồi đó. Tuy nhiên, giới nữ vẫn chẳng biết rõ về trách nhiệm và quyền hạnï, chẳng biết làm thế nào dành cho họ một thế giới riêng. Họ tìm tòi mò mẫm những giải đáp trong phạm vi hạn hẹp, trong một quốc gia mà mọi việc giáo hoá quần chúng đều do Đảng chỉ đạo áp đặt. Kết quả với thế hệ trẻ là nỗi ưu tư và nghi ngờ. Để sống trong một thế giới hà khắc, đám trẻ chọn cách thu mình trong lớp vỏ cứng rắn bên ngoài - như con rùa rụt cổ vào mai - như Kim Soái, và dấu nhẹm, đè bẹp mọi tình cảm.

Trần thị LaiHồng dịch
Kỳ tới: Về, trích dịch từ Ignorance của Milan Kundera, và Thân Phận, truyện của Trần thị LaiHồng


Nguồn: Gió-O.com
Phượng Các
#4 Posted : Thursday, March 15, 2007 8:17:28 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Cám ơn chị hxr đã đăng các bài viết đọc rất thấm thía của bà Trần thị Lai Hồng. Chị có thể xin bà một tấm hình để đăng vào tiểu sử của bà không vậy?

hoa xuong rong
#5 Posted : Thursday, March 15, 2007 8:33:02 AM(UTC)
hoa xuong rong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 265
Points: 0

quote:
Gởi bởi Phượng Các

Cám ơn chị hxr đã đăng các bài viết đọc rất thấm thía của bà Trần thị Lai Hồng. Chị có thể xin bà một tấm hình để đăng vào tiểu sử của bà không vậy?




Cám ơn PC, se xin. Chị Lai Hông còn nhiều bài có giá trị lắm, phụ nữ chúng ta cần đọc bài của Lai Hong. hxr
linhvang
#6 Posted : Friday, March 16, 2007 12:58:33 AM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
Chị HXR cũng nên đưa thẳng những bài viết này vào kho Nhân Vật.
hoa xuong rong
#7 Posted : Friday, March 16, 2007 1:47:06 AM(UTC)
hoa xuong rong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 265
Points: 0

quote:
Gởi bởi linhvang

Chị HXR cũng nên đưa thẳng những bài viết này vào kho Nhân Vật.


Cam on LV. hxr se lam. De ban doc mot thoi gian. hxr
hoa xuong rong
#8 Posted : Wednesday, April 25, 2007 9:46:56 AM(UTC)
hoa xuong rong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 265
Points: 0

[img]http://i178.photobucket.com/albums/w278/nangvaem/Helicopter.jpg?t=1178259908[/img]

THÁNG TƯ

Trần thị LaiHồng


Tháng Tư. Trời Cali hanh nắng gợi nhớ Saigon nắng hanh. Cũng một vòm xanh ngắt điểm vài cụm mây trắng lửng lơ. Cũng phố phường tấp nập trong khu Bolsa-Westminster với những dãy nhà mái đỏ tường vàng chen chúc những mái đầu đen ra vào nhộn nhịp. Nơi đây là Tiểu Saigon, để nhớ Saigon năm xưa …

Saigon năm xưa, tháng Tư, 1975. Thuở đó tôi mới tròn mười tuổi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới còn s ay mê những bộ tem sưu tập để mơ một ngày nhởn nhơ ngao du thế giới, hoặc còn chúi mũi theo sát những loạt truyền hình Mỹ Gun Smoke, Bonanza, Wild Wild West...có những tài tử vừa múa súng vừa bắn nhanh như chớp, hay còn mê những đường gươm thần sầu cú đấm quỷ khốc phép khinh công điêu luyện của các chàng Khương Đại Vệ, Địch Long trên màn ảnh Tàu. Tôi còn khoái những truyện hoạt hoạ gián điệp phiêu lưu có chú chó nhỏ Rin Tin Tin, hay vùi đầu theo dõi những trò chơi kỳ thú của Dũng Dakao, Bồn Lừa, Loan Mắt Nhung...trong những tiểu thuyết của Duyên Anh, để cũng mơ có ngày làm được người hùng trừ gian diệt bạo.

Ký ức Tháng Tư trong tôi là một Saigon hốt hoảng hầm hập, từ những khuôn mặt đăm chiêu, những bàn tay run rẩy gói ghém, những bước chân cuống quít đôn đáo vào ra, những ánh mắt lạc thần thảng thốt, những làn môi mím chặt ngậm kín quyết định.
Những tin tức truyền đi từ nhà này sang nhà nọ, chưa kể những bản tin trên các hệ thống truyền thông truyền hình, về việc tuớng tá chạy có cờ, bỏ ngỏ từ Quảng Trị vào Huế rồi Đà Nẵng Điện Bàn Qui Nhơn lên các tỉnh Cao nguyên về duyên hải miền Trung. Những hình ảnh chạy loạn trên phà vượt biển, đạp đầu nhau leo lên máy bay, hàng hàng lớp lớp rừng người chen chúc với đủ loại xe kể từ xe tăng xe bò cho đến xe hơi xe gắn máy xa ba gác đăng khắp trang nhất báo chí, được Má tôi theo dõi và cắt dành riêng một tập lẫn lộn những vệt nước mắt nhoè nhoẹt.

Những nét hỗn loạn đó in rõ trong tôi trên một nền trời Saigon xám khói đỏ lửa từ phi cảng Tân Sơn Nhất, từ Nhà Bè, từ Khánh Hội... mà đêm về còn thêm những đốm mắt hoả châu trừng trừng soi rõ từng nét thất thần trên mỗi khuôn mặt.
Hình ảnh Saigon những ngày cuối tháng Tư còn có nhạc đệm là những tiếng nổ kinh hồn của đạn pháo kích trúng kho xăng kho đạn, lẫn vời hàng loạt súng lớn nhỏ xa gần chen tiếng rú ga rồ máy, tiếng người gọi nhau thất thanh và những tiếng la hét kêu khóc hãi hùng.

Trong khung cảnh đó, tôi thấy các gia đình bà con nội ngoại hàng xóm láng giềng hớt hải chạy loạn di tản. Thôi thì mạnh ai nấy lo vì không ai biết đàng nào mà lo cho ai. Má tôi cũng chuẩn bị chạy loạn.

Trong chiếc ba-lô Sói Con nhỏ của tôi, bà đã nhét chặt mấy bộ quần áo, vài món đồ dùng cần thiết, một đôi giày bố, một mớ mì gói, cơm sấy, sữa hộp, sinh tố C, kẹo chanh … Bà còn cẩn thận khâu một túi nhỏ bên trong thắt lưng quần tôi mặc, trong có một lượng vàng mỏng, một mớ đô la giấy, và một mảnh giấy bọc nhựa ghi tất cả địa chỉ các Dì các Cậu tôi ở Việt Nam cũng như bên Pháp bên Mỹ. "Lỡ có bề gì, con còn có nơi mà tìm đến. Biết đâu!" Đó là lời giải thích của bà khi căn dặn tôi đủ điều. Tôi còn biết dưới lớp lót của đôi giày bố còn có một mớ tiền nữa cũng được bọc nhựa cẩn thận. Phần tôi đã lén nhét vào ba-lô cuốn tem sưu tập và cuốn Mùa Hè Đỏ Lửa của Phan Nhật Nam mà tôi mới bắt đầu say mê đọc. Về sau, khi khám phá hai tập đó, Má tôi chỉ lắc đầu nhìn tôi, ôm tôi thật chặt, đưa tay vò tóc tôi, nhưng chẳng rầy rà gì.


Cuộc chạy loạn của tôi bắt đầu bằng những ngày cuối tháng Tư, khi tôi được đưa vào
gửi Ở nhà Bác Cừ trong Cư xá Hải Quân đường Lê Lợi gần Bến Bạch Đằng, để đợi đi lánh nạn. Nghe đâu là ra đảo Phú Quốc tránh làn bom đạn ở Saigon.

Đám người lớn nhỏ to bàn tán. Lệnh người lớn ban bố cho trẻ con là không được đi xa quá mảnh sân vuông trước nhà, và phải luôn luôn sẵn sàng xách khăn gói theo. Má tôi vẫn đi làm việc mấy hôm cuối đó cho tới trưa ngày 20 mới hớt hải tới nhà Bác Cừ. Bà vẫn mặc áo dài và đi giày cao gót. Bác Cừ gái giục Má tôi thay áo ngắn. Tôi thấy bà giở bộ áo bà ba tím quần Mỹ A đen ra mặc, và mang giày bata, đầu đội một mũ vải. Người lớn kháo nhau là phải ăn mặc gọn ghẽ vì có thể phải chạy, phải leo trèo, phải mau chân lẹ tay. Hành lý phải gọn và nhẹ. Tuy nhiên, tôi lén thấy Bác Cừ gái và Má tôi mỗi người nhét vội vào túi xách mấy cái áo dài. Họ đưa mắt nhìn nhau, những đôi mắt sưng đỏ mọng. Họ thì thào: "Biết đâu! Chắc chi mình sẽ trở về! Lỡ có chết đâu đó còn có cái áo dài mà mặc chớ!"Tháng Tư. Chiều ngày 29.
Cả gia đình Bác Cừ, Dì Tý, và má con tôi vội vã ăn bữa cơm cuối để khăn gói dắt díu nhau xuống tàu. Chỉ một đoạn đường ngắn từ đầu đường Lê Lợi băng qua đại lộ Cường Để vào Công xưởng Ba Son mà đám người lớn dường như lê chân bằng những bước nặng cả tấn chì. Lâu lâu Má tôi và hai bà bạn lại dừng chân, không phải để nghỉ mệt, mà để nhìn lại đàng sau. Như nuối tiếc. Như chờ đợi. Tôi nhớ một câu trong Chinh Phụ Ngâm mà Bà Ngoại hay đọc bước đi một bước giây giây lại dừng, và liên tưởng tới bài Kẻ Ở Người Đi trong tập Quốc văn Giáo Khoa thư mà Má tôi vẫn dùng dạy kèm ở nhà từ khi tôi theo học trường Lasan Taberd.

Chiều hôm đó không có kẻ ở bịn rịn chia tay nhưng người đi đã nuối từng hạt bụi đường vướng vít, từng viên sỏi nhỏ rên xiết dưới chân, từng cọng cỏ non rũ rượi, từng cành cây nhỏ cúi mình dưới bầu trời vần vũ xám khói đỏ lửa trong ánh hoàng hôn đen tím của Saigon. Ôi! Cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!
Lũ nhóc chúng tôi thì nôn nao kích động vì chuyến đi. Tâm hồn trẻ vốn thích phiêu lưu, mà đây là cuộc phiêu lưu hoàn toàn vô định. Không ai định phiêu lưu như thế này mà cũng không ai biết là sẽ phiêu lưu về nơi nào.

Đêm đến, cả ba gia đình chúng tôi ngồi chụm lại một góc nhỏ trên boong tàu. Lũ nhóc chúng tôi dù cảm biết có sự thay đổi lớn nhưng chưa ý thức được tầm quan trọng, và vẫn còn ở tuổi vô tư nên chỉ thấy hồi hộp mà chưa thấy hãi sợ. Chúng tôi có dịp nghỉ học gặp nhau chọc phá đùa nghịch và chia ngọt xẻ bùi. Kể từ khi bước chân xuống tàu, tuy không có nước mắt như mưa, nhưng đã cảm thấy thân thiết nhau hơn với ý nghĩ bắt chước người lớn sống chết có nhau như trong quân đội nói là huynh đệ chi binh vậy, mặc dầu nghe đâu quý vị tướng tá đã đem bầu đoàn thê tử chạy ra nước ngoài từ cả tháng, bỏ lại cả triệu binh lính lơ láo tan hàng !

Đoàn tàu rời Bến Bạch Đằng lúc chập choạng. Sông Nhà Bè nước chảy chia hai nhưng thôi từ nay ai về Gia Định Đồng Nai thì về, còn chúng tôi coi như giã biệt! Những con mắt đèn Saigon vẫn ngọn xanh ngọn đỏ đêm giã từ rưng rưng sau khói lửa. Bờ Thủ Thiêm im lìm trôi lùi dần. Tôi và anh Kèo con Bác Cừ ngồi bó gối nhìn lại Saigon đang lùi xa như từ từ đi vào ký ức để mai này sẽ là dĩ vãng.

Tàu đi vào bóng đêm không thấy bờ bụi. Chắc đã vào khoảng rộng của giòng sông. Nhìn lại đằng sau, chân trời lấp loáng ánh sáng bập bùng của Saigon chập choạng giẫy giụa, lâu lâu có những đợt loé sáng bùng lên kèm những tiếng nổ lớn. Bầu trời đen vần vũ khói lửa điểm những đốm hoả châu lập loè. Hai chúng tôi nhìn nhau và cùng thấy trong mắt nhau hình ảnh nhập nhoè của Saigon. Khi những trái hoả châu bùng cháy, tôi tưởng như mắt mỗi đứa bỗng rực toé thành mắt người Hoả tinh. Tuổi thơ chúng tôi từ đây chắc khép lại những hình ảnh nhập nhoè của Saigon đêm tháng tư đó. lẫn trong âm thanh tiếng nước óc ách đập vào mạn tàu và tiếng máy chạy rì rầm.

Tháng Tư. Sáng 30. Vừa bừng mắt dậy, tôi chạy vội lên boong. Cả một vùng biển bao la mở rộng. Thái Bình Dương.

Tôi từng sống ở Nha Trang ngay bên bờ cát trắng, từng được đi Đại Lãnh, Cam Ranh, Cà Ná, Thuỷ Triều, Phan Thiết, Vũng Tàu nhiều lần để thấy cảnh hừng đông trên mặt biển. Nhưng sáng hôm ấy tôi mới được dịp thấy hết vẻ rực rỡ huy hoàng, uy nghi mà hiền hoà, của vầng mặt trời vụt nhô khỏi mặt nước. Một khối lửa đỏ rực đổ luồng hào quang chói lói, tráng hồng mặt đại dương xanh bạc và nhuộm thắm những khuôn mặt lơ láo thất thần của đoàn người di tản vừa qua một đêm lênh đênh, khởi đầu cho một tương lai mù mịt.

Lũ nhóc chúng tôi chạy loanh quanh nghe ngóng quan sát.
Đám người lớn bảo nhau là cả hạm đội Hải Quân đã kéo về tụ tập tại Phú Quốc. Saigon di tản bằng cả trực thăng lẫn xe gắn máy và xe ba gác. Bộ đội Công sản Bắc Việt đã đến ngay cầu Tân Cảng. Đường về Vũng Tàu bị cắt. Tôi không đếm được bao nhiêu tàu vì tầm mắt nhỏ bé của tôi không nhìn thấy hết bao quát, nhưng tôi đoán phải trên hai chục tuần dương hạm, hải vận hạm, vô số giang đĩnh cùng không biết cơ man nào là ghe thuyền lớn nhỏ của dân chúng, kể cả những chiếc bè ghép bằng tre lồ-ô, thân chuối và gỗ.

Vừa nhai xong mấy nắm cơm sấy thì chúng tôi được lệnh thu dọn chuyển qua tàu lớn. Lúc này tôi thấy có nhiều gia đình lỉnh kỉnh bê theo cả máy truyền hình cỡ lớn và giàn máy hát kềnh càng. Nhiều người đẩy theo mấy xe gắn máy Honda Suzuki. Có nhà lùa theo được cả một bầy heo gồm mẹ nái và lũ nhóc trư, lại còn đèo bòng một mớ nồi niêu soong chảo. Chắc chuẩn bị thức ăn tươi dọc đường chạy loạn. Chúng tôi tinh nghịch bàn sẽ đi kiếm một ít hành bán cho nhà này, để mấy con heo kia khỏi phải khóc lóc ủn ỉn kỳ kèo trước khi chịu lên thớt!

Đám con nít chúng tôi được bốc chung trong một cái lưới khổng lồ có những mắt gút to bằng cả nắm tay, để được kéo lên tàu lớn. Người lớn phải leo qua tấm ván rập rềnh lắc lư bắc nối mạn tàu đậu sát nhau. Nhiều người chen chúc dành leo trước. Tôi thấy hai đứa con của Bác Trang cỡ 6, 7 tuổi bị lấn tuột khỏi lưới rơi tòm xuống nước, ngoi ngóp trong những đợt sóng rập rềnh giữa hai lườn tàu. Bác Trang nhảy ùm xuống lội theo, nhưng hai con tàu bỗng xô mạnh vào nhau và hai đứa mất hút dưới dòng nước. Khoảng mươi phút sau, khi chúng tôi đã đứng trên tàu lớn, Bác Trang lóp ngóp nổi lên vẫy tay xin cứu. Bác được người ta quăng giây xuống kéo lên, run rẩy nức nở cho biết hai đứa nhỏ bị sóng cuốn va vào mạn tàu trôi xa không tìm được.

Khi kiếm được chỗ ngồi gần cửa ra vào ca-bin, chị Mimi lục chiếc radio nhỏ mở đài Saigon. Tiếng Tổng thống Dương Văn Minh trầm, chậm, buồn : "Yêu cầu các quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hoà chấm dứt tình trạng chiến tranh, bình tĩnh ở yên vị trí, đừng nổ súng, để bảo toàn sinh mạng nhân dân. Kêu gọi những người anh em trong Chính phủ Cách mạng Lâm thời đừng nổ súng vì chúng tôi đang chờ gặp các đại diện để thảo luận về việc trao quyền lãnh đạo chính phủ quân sự cũng như dân sự trong trật tự, để không gây đổ máu cho đồng cho đồng bào." Đồng hồ trên tay Bác Cừ chỉ 10 giờ 20.

Không khí trên tàu đặc quánh, ngột ngạt. Bác Cừ đứng quay lưng lại, nhưng tôi thấy hai vai bác rung bật từng hồi. Tôi xích lại gần Má tôi. Bà vòng tay ôm sát tôi, nhưng vẫn ngồi im sững, mắt nhìn ra khơi, nước mắt lặng lẽ chảy dài trên má. Tôi có cảm tưởng thấy da mặt bà vốn mịn màng đột nhiên nhăn nheo co rúm, trán hằn rõ những lằn ngang. Bà vụt già đi cả chục tuổi.
Bác Cừ gái ôm vai Má tôi khóc lịm, trong khi Dì Tý nấc lên : " Thôi rồi! Saigon mất!" Không ai bảo ai, chúng tôi xích lại gần nhau hơn và những bàn tay tìm nắm những bàn tay.

Không khí căng thẳng ngột ngạt hơn khi đài Saigon phát thanh lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. 1 giờ trưa. Những nét mặt đanh lại. Những đôi mắt ngầu đỏ. Những bờ vai run rẩy. Những chiếc đầu cúi guc. Những tấm lưng gập cong. Cả boong tàu im phắc. Sững sờ. Tuyệt vọng.


Tôi nhìn ra khơi. Buổi trưa nắng gắt và chói chang. Biển mênh mông lặng lẽ lấp loáng phản chiếu màu trời trong xanh. Lằn chân trời thẳng tắp tiếp nối màu bao la. Đâu cũng thấy một màu xanh bát ngát. Màu của hy vọng, của tương lai. Nhưng trong mắt mọi người, tôi chỉ thấy một màu u ám. Trong mắt tôi, hình ảnh Saigon đêm giã biệt chập choạng giãy giụa trong khói xám lửa đỏ điểm những đốm mắt hoả châu trừng trừng soi rõ những nét mặt thất thần.
Saigon, Saigon mới hôm qua, hôm nay đã là dĩ vãng.


Đứng bên này bờ đại dương ngó về bên kia biển Thái Bình xa tít mịt mù, giữa nắng hanh của trời tháng Tư Cali, tôi tin vùng khói xám ngày nào nay đã tan loãng và vùng lửa đỏ cũng lụi tàn. Đông Âu đã nhìn thấy và tắm ngập ánh sáng tự do. Đất nước tôi chẳng lẽ cứ mãi chìm trong mịt mờ hỗn loạn?


Tiểu bang xanh Washington
Viết cho con trai LêHuy QuangMinh


Nguồn: Gio-o.com
hoa xuong rong
#9 Posted : Thursday, May 10, 2007 1:04:16 AM(UTC)
hoa xuong rong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 265
Points: 0

V Ề

Trần thị LaiHồng
(trích dịch từ Ignorance của Milan Kundera*)


“ Milan Kundera là người ghi chép lớn những biến động Âu châu và có rất ít nhà văn tôi được biết có khả năng như ông khám phá ra những biên cương căn cước con người … Ignorance kể một câu chuyện vừa có âm vang sâu đậm của cuộc sống từ ngày bức tường Bá linh sụp đổ, vừa cay đắng cùng cực vì những cơ may đã mất.”
St. Petersburg Times
“Kể chuyện tài tình … Truyện của Milan Kundera sâu sắc, gây suy nghĩ, dàn dựng cực kỳ khéo, nhìn sát vấn đề di dân - để lại đằng sau tất cả những gì thừa hưởng - và choá mắt trước mãnh lực và sự khôn kham.”
Booklist Reviews



- Sao còn luẩn quẩn đây? Giọng Sylvie không hẳn nghiêm nghị mà cũng chẳng tử tế chút nào.
- Vậy biểu tui ở đâu? Irena hỏi.
- Về quê!
- Ý bạn nói đây chẳng phải quê nhà tui sao? Cố nhiên Sylvie không cố tình xua Irena khỏi nước Pháp hoặc ngụ ý bạn là người nước ngoài không được nhân ở nơi này.
- Bạn biết ý tui mà!
- Ừ, tui biết. Nhưng bạn quên tui có việc làm ở đây, có nơi ăn chốn ở, có con cái nơi đây sao?
- Coi nào! Tui biết Gustaf sẽ làm mọi cách giúp bạn trở về. Còn mấy đứa con gái, dỡn hoài! Chúng có đời sống riêng rồi. Lạy Chúa, Irena, tui thấy những thay đổi đang xẩy ra trên quê hương bạn thiệt là quyến rũ. Trong tình hình như thế mọi việc đều dễ dàng thôi!
- Ấy, Sylvie! Không phải chỉ những chuyện thực tế như công việc, nhà cưả. Tui ở đây 20 năm rồi. Đời tui dính chặt nơi này.
- Đồng bào nước bạn đang làm cách mạng!
Nói đến đấy Sylvie im. Sự im lặng có nghĩa ngầm bảo Irena chẳng thể bỏ lỡ cơ hội khi có những biến cố phi thường đang diễn tiến.
- Nhưng nếu tui trở về quê nhà, bọn mình chẳng còn dịp gặp nhau. Irena đặt bạn vào vị thế khó xử, nhưng vô hiệu.
Giọng Sylvie ấm áp:
- Cưng ơi, tui sẽ sang thăm bạn. Tui hứa, tui hứa chắc mà!
Hai người ngồi đối diện nhau qua hai tách cà-phê cạn. Irena nhìn những giọt lệ tràn trề xúc động đẫm đầy mắt bạn, khi chồm qua nắm tay:
- Chuyến về của bạn sẽ đặc biệt trọng đại!
Rồi lập lại:
- Chuyến về của bạn vô cùng đặc biệt!
Khi được lập lại, mấy tiếng đó có mãnh lực mạnh đến nỗi chính trong thâm tâm, Irena thấy chúng hiện rõ mồn một bằng những chữ viết hoa “CHUYẾN VỀ ĐẶC BIỆT.” Cô xuôi lòng, bị lôi cuốn vào những hình ảnh bất chợt bùng sống dậy từ sách vở xa xưa, từ những phim ảnh, từ chính trí nhớ mình, và có thể là trí nhớ tổ tiên: đứa con lưu lạc quay về với mẹ già; ông chồng quay về với vợ sau bao năm chia lìa; cả khu vườn nhà ta luôn mang theo trong tâm tưởng; đường xưa lối cũ vẫn còn in dấu chân thời trẻ dại; Odysseus nhìn thấy dáng hòn đảo cũ sau bao năm lang thang. Về! Trở về! Sự kỳ diệu của Về …

***
……………………….
……………………….
Gia đình Irena di tản sang Pháp năm 1969, một năm sau khi Liên Sô chiếm đóng Tiệp với nửa triệu bộ đội. Thời đó, tức là vào những năm 50 đến 60, dân tỵ nạn từ các nước Đông Aâu bị Cộng sản xâm chiếm không được tiếp đón nồng nhiệt lắm, vì người Pháp cho rằng trục phát xít Đức quốc xã Hitler, Mussolini, Franco … mới thực là độc hại. Mãi tới cuối những năm 60 vào những năm 70, họ mới thấy rõ là Cộng sản cũng độc hại chẳng kém.
Khi vợ chồng Irena mới đến Pháp tỵ nạn, họ nhận ra rằng đại hoạ Cộng sản rơi trên đầu quê hương Tiệp của họ không đủ đẫm máu để gây xúc động những người bạn mới. Vợ chồng Irena giải thích rằng chế độ phát xít độc tài tàn bạo đến thế nhưng một khi mấy tên độc tài không còn thì chế độ cũng rụi. Nhưng chế độ Cộng sản được chống đỡ với cả nền văn minh vĩ đại của Nga, lại là một đường hầm tối ám cho Balan, Hung gia lợi (chưa kể Estonia!) Độc tài có thể tàn rụi, nhưng nước Nga thì vẫn tồn tại. Nỗi khốn khổ của những quốc gia bị Nga chiếm đóng hoàn toàn vô vọng.
Để hiểu rõ chính xác và cụ thể, Irena trích dẫn lời Jan Skacel một thi sĩ Tiệp cùng thời, khi mô tả nỗi bi thảm vây quanh; ông muốn bưng nỗi bi thảm trong hai tay, đem đi xa thật xa và làm một căn nhà cách ly, giam mình trong 300 năm không hé cửa, không mở cửa cho bất cứ người nào!
Ba trăm năm! Skacel viết những dòng đó trong những năm 70, nhưng qua đời mùa Thu 1989, chỉ vài ngày trước khi ba trăm năm bi thảm ông từng chịu đựng, đã đổ sụp trong vài ngày: dân chúng tuôn tràn đường phố Prague, mọi người reo vang vui mừng đón vận hội mới khi quân Nga rút khỏi Tiệp và các quốc gia Đông Âu khác.

***
Mấy tuần lễ đầu mới sang Pháp, đêm đêm Irena nằm mơ. Trong những giấc mơ, máy bay đang chở cô bỗng đổi hướng đáp xuống một phi trường lạ hoắc, có đám người mặc đồng phục mang súng đứng dưới chân thang; cô toát mồ hôi lạnh nhận ra chúng là công an Tiệp. Trong giấc mơ khác, cô đang thả bộ trên một đường phố nhỏ ở Pháp thì gặp một đám đàn bà, mỗi người cầm trong tay một cốc vại (mug) đầy bia ùa về phía cô, gọi cô bằng tiếng Tiệp, giả lả thân ái cười cợt, và Irena hãi hùng nhận ra mình đang ở Prague. Cô la lên, và giật mình choàng dậy.
Chồng cô cũng có những giấc mơ tương tự. Sáng sáng hai vợ chồng nói về nỗi hãi hùng khi trở về quê hương. Có dịp chuyện vãn cùng bạn người Ba lan, cũng tỵ nạn, Irena nhận ra rằng người nào cũng có những giấc mơ kinh hoàng như vậy. Ban đầu cô xúc động vì tình đồng cảnh ngộ giữa những người không quen biết, nhưng sau đó cô lại thấy bứt rứt bất an: nỗi hãi hùng cô nếm chịu rất riêng tư trong cơn ác mộng sao lại có thể là một dữ kiện tập thể như vậy? Vậy có gì là riêng rẽ cho tâm linh mỗi người? Nhiều câu hỏi không có giải đáp. Nhưng có một điều chắc chắn, là đêm đêm hàng ngàn người tỵ nạn cùng có ác mộng. Aùc mộng tỵ nạn: một hiện tượng kỳ lạ nhất trong cuối thế kỷ 20.
Những cơn ác mộng đó có vẻ bí ẩn về điểm làm cô thêm đau nỗi nhớ quê, nhưng về một mặt khác, hoàn toàn trái ngược, là ngày nào cô cũng thấy hiển hiện trước mắt những cảnh vật quê hương. Không, không phải mơ ngày, không dai dẳng rõ rệt, không lừng lững hiện ra, mà khác hẳn; cô nhìn thấy cảnh vật loé sáng trong đầu, đột ngột, ngắn ngủi, rồi vụt biến. Cô đang nói chuyện với xếp và đột nhiên, như một ánh chớp, cô thấy con đường mòn xuyên qua cánh đồng làng. Vừa nhảy lên xe điện ngầm, thình lình một lối đi nhỏ vùng ngoại ô thủ đô Prague bỗng hiện ngay trước mắt trong chỉ một khoảnh khắc. Cả ngày những đột hiện đột biến đó cứ xẩy ra làm cô cũng khuây khoa phần nào nỗi nhờ nhà.
Cô tưởng như có người làm phim về tiềm thức, cứ ban ngày thì cho xem những cảnh vật quê hương như những hình ảnh một thời hạnh phúc, rồi đêm là những chuyến về hãi hùng đi thăm chính quê hương mình. Ngày bừng sáng huy hoàng với hình ảnh đẹp đẽ miền đất từng sinh sống và đã rời bỏ, đêm là nỗi hãi hùng trở về. Ngày là thiên đường đã mất; đêm là địa ngục đã trốn chạy!
……………………..
……………………..
Trong 20 năm định cư tại Pháp, Irena làm đủ mọi việc để sinh sống, nhất là sau khi chồng mất, một mình nuôi hai con. Cô không nề hà những việc tay chân nặng nhọc như lau chùi quét dọn nhà cửa, săn sóc những người bán thân bất toại. Ngoài ra, nhờ chút vốn ngoại ngữ, cô cũng nhận việc thông dịch tiếng Nga sang tiếng Pháp để kiếm thêm tiền.
…………………
Khi rảnh rỗi, Irena trở về căn phòng trên tầng chót cao ốc, an hưởng niềm vui tự do. Nhìn qua cửa sổ xuống những mái nhà lô nhô bên dưới với những ống khói hình dáng tân kỳ - cảnh trí cây cỏ Paris từ hồi nào đã thay thế màu xanh vườn tược quê nhà - và cô thấy mình thực sự an bình hạnh phúc nơi này. Lịch sử với khúc ngoặt tàn nhẫn từng nghiền nát tự do của cô, lại cho cô có dịp tìm được tự do.
………………………..
Hồi còn sống, chồng cô làm việc với Gustaf. Về sau khi chồng qua đời, cô gặp Gustaf nhiều hơn và trở thành thân thiết. Gustaf tận tình giúp đỡ Irena mọi mặt, đối xử tử tế với hai con gái của cô, tìm việc làm và chỗ ở cho cô lớn, đưa con bé vào đại học. Hai người sống nương tựa nhau, và Irena thấy cuộc đời ổn định.
Hãng của Gustaf mở rộng, và một hôm anh hân hoan báo tin đã đề nghị mở văn phòng kinh doanh tại Prague, thủ đô Tiệp, và anh có dịp đi đi về về.
- Anh mừng được liên hệ với thành phố của em.
- Thành phố của em? Prague chẳng còn là thành phố của em nữa! Irena không mừng. Cô bối rối, cảm thấy có điều đe doạ.
- Gì? Gustaf hỏi lại với vẻ giận dỗi. Cô không hề dấu bạn điều gì nên anh hiểu rõ tâm trạng của cô: một người đàn bà xuân sắc đau khổ sống lưu đày xa quê hương. Anh phản đối:
- Em nói sao? Vậy thành phố của em là nơi nào?
- Paris! Đây là nơi em gặp anh, đây là nơi em sống với anh!
Gustaf làm như không nghe. Anh vuốt nhẹ bàn tay Irena:
- Hãy nhận chuyện thu xếp này như món quà anh tặng em. Em không thể về bên đó. Vậy anh sẽ là mối giây thân ái nối em lại với quê hương đã mất. Anh sung sướng làm được việc này.
Irena biết rõ lòng tốt của Gustaf. Cô biểu lộ cảm kích, tuy vẫn nói thêm, giọng đều đều:
- Xin anh hiểu là em không cần anh làm mối giây thân ái với bất cứ thứ gì cả. Em đang sống với anh, cắt đứt mọi liên hệ, mọi người.
- Anh hiểu. Anh cũng xin em đừng ngại anh xâm lo quãng đời cũ của em bên đó. Chỉ có một người duy nhất trong số bà con quen biết của em mà anh sẽ tới thăm, là mẹ em. Anh quý mẹ em lắm.
……………………..
Khi về nhà, bình tâm lại, Irena tự nhủ: “Lạy Chúa! Hàng rào công an giữa những quốc gia Cộng sản và Tây phương khá kiên cố. Phải tạ ơn Chúa. Tôi chẳng phải lo về những giao tiếp giữa Gustaf và Prague có thể gây đe doạ cho tôi.” Vừa tự nhủ xong, cô hoảng hốt tự hỏi:
- Hàng rào công an kiên cố! Tạ ơn Chúa? Gì vậy? Có thật mình nói Tạ Ơn Chúa? Mình - một người tỵ nạn ai cũng xót thương vì mất quê hương - lại thốt lời Tạ Ơn Chúa?


***

Rời Pháp trong mùa lạnh, nhưng khi đến Tiệp được ba ngày, trời bỗng dưng vào hè. Irena bức bối với bộ áo ấm trên người, vội đi tìm tiệm bán áo quần mùa hè. Đất nước cô chưa chế tạo áo quần hợp thời, chưa nhập cảng hàng hoá Tây phương. Cô chỉ tìm được những bộ áo quần dùng cùng lọại hàng, cùng màu sắc, cùng kiểu cọ từ thời Cộng sản. Thử vài bộ, cô thấy không chịu được. Chẳng phải vì mấy bộ đó xấu, bởi cách cắt may coi cũng được, nhưng chúng làm cô nhớ lại thời thanh xuân khắc khổ. Những bộ áo quần coi ngu ngơ quê kệch, chẳng lịch sự tí nào, chỉ hợp với cô giáo tỉnh lẻ. Nhưng cô đang cần gấp. Mà tại sao không, một cô giáo tỉnh lẻ vài ngày thì đã sao! Cô mua bộ áo với giá rẻ mạt, mặc vào, xếp bộ mùa Đông vào túi và bước ra con đường nóng hực.
Đi qua một tiệm lớn có tường bằng kính rộng, cô giật mình: cái người trong kính chẳng phải cô, mà là ai khác, hoặc nhìn kỹ mình trong bộ áo mới, chính là cô nhưng lại đang sống một cuộc đời khác, cuộc đời phải sống nếu còn ở lại Prague!
Người đàn bà trong kính coi cũng không đến nỗi khó thương, coi cũng dễ cảm, nhưng hơi quá dễ cảm, dễ cảm đến độ làm rớt nước mắt, đáng thương hại, nghèo nàn, yếu đuối, bị dày vò chà đạp.
Irena bắt gặp mình hoảng loạn như trong những giấc mơ di tản; qua ma lực bộ áo mới cô nhìn thấy chính mình bị cầm tù trong cuộc sống chẳng hề muốn và chẳng bao giờ có thể thoát bỏ được. Làm như là từ lâu, từ thời mới lớn, cô từng có cơ hội chọn lựa nhiều cuộc sống và cuối cùng lại chọn di tản sang Pháp. Làm như những cuộc sống khác, từng bị khước từ và chối bỏ, vẫn nằm chờ cô trong hang và chăm chắm ghen tức theo dõi cô. Một trong bọn vừa chụp được cô, trói trùm cô trong chiếc áo mới này, như loại áo trói trùm người điên, một “straitjacket.”
Kinh hãi, Irena vội vã quay lại chỗ ở, thay lại bộ áo ấm, đứng nhìn ra cửa sổ. Bầu trời đầy mây, hàng cây gập mình dươiù gió. Chỉ nóng vài tiếng đồng hồ. Chỉ vài tiếng đồng hồ cũng đủ tạo trò ác mộng, đủ gợi lại nỗi hãi hùng của sự trở về.
(Đó là một giấc mộng? Ác mộng di tản cuối? Không, không, mọi chuyện hôm nay đều có thật. Cô có cảm giác những cạm bẫy từng trải qua trong những cơn ác mộng trước đây vẫn chưa dứt - những cạm bẫy ấy vẫn còn đây, vẫn sẵn sàng, vẫn rình mò tìm cô.)

……………………… Irena thuê một phòng nhỏ trong tiệm ăn, mở tiệc. Trên một bàn dài kê sát tường bày các thứ bánh nướng, 12 chai rượu vang đứng bày hàng ngay ngắn. Quê cô chẳng ai uống vang, và không ai bày rượu trong chai. Cô mua rượu Bordeaux đem về với niềm vui: tạo bất ngờ cho các bạn, mở tiệc mời họ, để nối lại tình bạn.
Các bạn cũ chẳng ngó ngàng đến mấy chai vang, mãi khi một bà thẳng thừng tuyên bố đòi bia, cả đám ùa theo hưởng ứng gọi người chạy bàn mang bia lại.
Irena tự trách mình chẳng đúng điệu với cả két rượu Bordeaux. Việc đó vô tình khơi rõ mọi thứ giữa cô và các bạn: thời gian dài vắng bóng trên quê hương, cách xử sự như người nước ngoài, và sự giàu có của cô. Cô tự trách mình hơn vì dịp họp bạn này có tầm quan trọng cho cô: cô hy vọng tìm quyết định xem có thể sống ở đây, thoải mái như ở nhà, có bạn bè chung quanh. Cô quyết tâm chẳng bận lòng về sự vụng về đó, mà còn muốn coi đó là điều vui. Tóm lại, bia là thức uống các bạn vẫn thuỷ chung như thế, thì có phải bia là nước thánh tẩy của chân tình? là dung lượng tiêu trừ mọi ngụy thiện hoặc bất cứ trò lăng nhăng giả dối nào? là thức uống không gây hại nào khác hơn là làm cho những người ghiền bia phải chạy đi tiểu hoài và về sau sẽ phì mập? Thật ra mấy bà trong phòng họp đã múp míp rồi. Họ nói nói cười liên hồi, không hết lời khuyên này lại tới lời khen ngợi Gustaf mà họ biết rõ là đang về kinh doanh nơi này.
Trong lúc đó, người chạy bàn mang đến 10 cốc bia, mỗi tay bê 5 chiếc, làm cả đám vỗ tay reo cười ầm ĩ. Họ nâng cốc: “Chúc Irena mạnh khoẻ! Chúc lành cho đứa con gái đi lạc quay về!” Irena hớp một ngụm bia, nghĩ rằng nếu chính Gustaf đãi họ rượu vang, họ có từ khước không? Chắc là không. Họ từ khước rượu vang cô đãi, có nghĩa là chối bỏ cô. Cô, người đang trở về sau bao năm xa quê hương.
Và đây chính là canh bạc của cô: các bạn chấp nhận cô như con người hiện tại, đi lạc, quay về. Cô đã bỏ nơi này ra đi khi còn trẻ dại, và quay về khi đã trưởng thành, với cuộc đời đằng sau, quãng đời khốn khó nhưng cô rất tự hào đã sống. Cô quyết làm những gì có thể để đám bạn chấp nhận cô cùng với những khốn khó trải qua trong 20 năm, những điều xác tín, những quan điểm của cô; hoặc là cô sẽ được gấp đôi, hoặc không được gì cả: hoặc cô thành công được chung sống cùng các bạn với con người cô đã trở thành sau bao năm xa cách, hoặc cô không ở lại nơi này.
Buổi họp bạn này là khởi điểm chiến dịch của cô. Các bạn có thể uống bia nếu muốn, cô chẳng phiền hà; điều quan trọng với cô là chính cô phải chọn đề tài nói chuyện, và được họ nghe chuyện.
Nhưng cả buổi, mấy bà đua nhau huyên thuyên, khó chen lọt chuyện, khó đưa đề tài. Cô ráng khéo léo đưa đẩy về những điều muốn kể, nhưng chẳng ai để cô chen vào được.
Người chạy bàn đã đem chầu bia thứ nhì. Cốc bia của cô trên bàn vẫn còn đầy, bọt chưa tan hết. Irena thường tự phàn nàn mình mất thú uống bia. Bên Pháp, cô học thói quen nhâm nhi từng ngụm nhỏ, không nốc ừng ực như người thích uống bia. Cô nâng cốc lên môi và cố uống hai ba ngụm liền. Ngay lúc đó, một bà - lớn tuổi nhất trong đám, cỡ 60 - dịu dàng đưa tay xoá lớp bọt còn dính trên môi Irena. Bà bảo:
- Đừng cố. Bây giờ chúng mình thử uống rượu vang nhé. Không uống vang ngon thế này cũng dại thôi. Bà gọi người chạy bàn mở một chai trong số cả tá vẫn còn bày nguyên trên bàn.

Milada trước đây cùng làm việc tại Đại học với Martin, chồng Irena. Cô nhận ra bà ngay khi bà mới bước qua cửa, nhưng mãi tới lúc này, mỗi người một ly vang trong tay, cô mới nói chuyện được với bà. Cô nhìn Milada : vẫn khuôn mặt bầu bĩnh, vẫn mái tóc đen, vẫn kiểu tóc úp tai ôm má. Bề ngoài chẳng đổi mấy, nhưng khi bắt đầu nói, mặt bà biến dạng : làn da xếp đùn xếp đúm, môi trên nhúm những lằn dọc, trong khi những nét nhăn trên má và cằm di động theo từng biểu lộ. Irena nghĩ Milada hẳn chẳng biết rằng người ta không nói chuyện với mình trong gương soi, mà chỉ thấy mặt mình khi để yên, da dẻ thẳng thớm; mọi gương soi trên đời đều làm bà tin rằng còn trẻ đẹp.
Trong lúc thưởng thức rượu vang, Milada nói (và lập tức, trên khuôn mặt đáng yêu của bà, những nếp nhăn bung ra bắt đầu nhảy múa) :
- Không dễ gì, khi trở lại quê hương, phải không?
- Họ không thể hiểu là chúng tôi ra đi không mong ngày về. Chúng tôi cố sức neo đời một nơi. Bà biết Skacel chứ?
- Thi sĩ Skacel ?
- Có một đoạn thơ ông viết về nỗi bi thảm của ông. Skacel nói muốn làm một căn nhà cách ly nỗi bi thảm đó và giam mình suốt 300 năm. Ba trăm năm ! Tất cả chúng ta đều thấy con đường hầm tăm tối 300 năm trải dài trước mắt.
- Chắc chắn vậy. Bọn tôi ở đây cũng vậy.
- Vậy tại sao không ai muốn nhìn nhận điều đó ?
- Bởi người ta chỉ xét lại những ý nghĩ của họ nếu những điều ấy không đúng. Và nếu lịch sử chứng rõ những điều đó sai.
- Và rồi, còn nữa. Mọi người nghĩ rằng chúng tôi ra đi để được sống dễ dàng. Họ không biết là phải gian nan chừng nào để dành một chỗ đứng nhỏ trong thế giới xa lạ. Bà có thể tưởng tượng - rời bỏ quê hương với một đứa con dại và một cái bầu. Chồng chết. Nuôi con với hai bàn tay trắng …
Irena im, và Milada lên tiếng :
- Nói mấy chuyện đó chẳng ích chi với họ. Ngay mới đây, mọi người tranh cãi nhau về việc ai đã sống khốn đốn nhất dưới chế độ Cộng sản. Ai cũng muốn được coi là nạn nhân. Nhưng cuộc thi đua khốn đốn đó cũng qua rồi. Ngày nay người ta khoe khoang khoác lác về sự thành công, không nhắc nỗi khốn khổ. Vậy, nếu họ trọng vọng bạn, không phải vì quãng đời gian khổ bạn trải qua, mà chỉ vì họ thấy bạn có một ông bồ giàu !
Hai người nói chuyện khá lâu trong góc phòng khi mấy bà khác xúm gần. Làm như bù lại việc nãy giờ lơ là nữ chủ, họ tranh nhau nói (rượu vào lời ra, nhưng người ta ồn ào đùa bỡn vì uống nhiều bia hơn là rượu) và tỏ vẻ thân thiện. Ngươiø đầu tiên đòi bia bây giờ lại kêu to :
- Tui thiệt tình muốn nếm rượu vang của bạn !
Bà gọi người chạy bàn mở thêm mấy chai rượu rót đầy mấy cốc vại.
Irena bắt gặp một ảo giác bất chợt hiện ra : đám đàn bà túa về phía cô, tay bưng những chiếc cốc vại và cười nói ồn ào. Cô thốt lên mấy tiếng Tiệp, và hốt nhiên hãi hùng nhận ra cô không ở Pháp, mà đang ở Prague, và cô thất vọng. Ồ, phải, đúng một trong những cơn ác mộng. Nhưng cô tức tốc xua hình ảnh vừa chợt nhớ, vì thực ra mấy bà đang đứng quanh không uống bia, họ đang nâng cốc rượu vang chúc mừng người về. Một trong họ hớn hở :
- Bạn nhớ không ? Tui gửi thư nói bạn biết bây giờ là đúng lúc, đúng lúc nên trở về !
Ai vậy ? Suốt buổi bà này kể lể chuyện chồng đau ốm, cà kê dê ngỗng chi tiết bệnh hoạn. Rồi Irena cũng nhớ ra : bà bạn từ thời trung học, viết thư báo tin cho cô ngay tuần đầu tiên về sự sụp đổ chế độ Cộng sản. Bà kêu lên :
- Ô, bồ ơi, chúng mình già rồi ! Bây giờ đúng là lúc bạn trở về ! Bà nhắc lại câu nói, và há miệng cười toe phô nguyên hàm răng giả.
Mấy bà khác tấn công Irena với hàng loạt câu hỏi :
- Irena, có nhớ hồi ….. ?
- Bạn có nhớ chuyện xẩy ra hồi đó cho ….. ?
- Ồ, không, thật vậy, bạn phải nhớ ra hắn chứ !
- Anh chàng có hai tai to bạn hay trêu ấy !
- Không, bạn không thể quên hắn! Bạn là tất cả những gì hắn nhắc nhở ! …
Cho đến lúc đó họ chẳng lộ chút chú ý về chuyện cô muốn kể. Việc thình lình ùa nhau tấn công thế này có nghĩa gì đây ? Họ muốn gì ? Đám bạn nãy giờ chẳng chịu nghe gì bây giờ lại đua nhau hỏi han dồn dập. Nhưng Irena nhận ngay ra rằng những câu hỏi của họ đặc biệt hướng về một điều: họ muốn kiểm lại xem cô có biết những gì họ biết, có nhớ những gì họ nhớ không. Điều này gây phản ứng lạ, và tạo một ấn tượng mạnh trong cô :
Mới vừa rồi, họ hoàn toàn không lưu tâm đến kinh nghiệm của cô trải qua nơi xứ người, họ chặt bỏ 20 năm trong đời cô. Bây giờ, với những câu hỏi dồn dập, họ ráng khâu vá quãng đời cũ của cô vào cuộc đời hiện tại. Giống như họ chặt khúc tay ngoài của cô và nối bàn tay liền ngay vào cùi chỏ; giống như là họ chặt khúc ống chân và nối ngay bàn chân cô vào đầu gối.
Sững sờ kinh sợ về hình ảnh đó, Irena không thể trả lời những câu hỏi của đám bạn, mà đám bạn cũng chẳng đợi được trả lời. Họ càng say sưa hơn, trở lại huyên thuyên ồn ào, bỏ mặc Irena.
Cô nhìn những cái miệng cùng ngoác ra một lượt, ba hoa nói nói cười cười (một điều lạ : làm sao mấy bà chẳng nghe nhau lại có thể cười về những gì những người khác nói?) Không ai nói chuyện với Irena nữa, nhưng ai cũng hớn hở thích thú cười dỡn. Người đàn bà gọi bia trước đây bắt đầu cao tiếng hát, và cả đám cùng hát vang cho đến khi mãn tiệc, họ ra về còn oang oang ca vang ngoài đường.


Khi đi ngủ, Irena nghĩ lại về buổi họp bạn. Một lần nữa, cơn ác mộng di tản trở lại và cô thấy mình bị bao vây bởi đám đàn bà ồn ào hồ hởi nói cười với những cốc vại đầy bia nâng cao. Trong ác mộng họ làm việc theo lệnh công an chìm để giăng bẫy bắt cô, nhưng tối nay mấy bà làm việc cho ai ? “Bây giờ đúng là lúc bạn trở về,” người bạn học cũ có hàm răng giả đã nói. Như một sứ giả mật vụ đội mồ dậy từ những bãi tha ma (những bãi tha ma nơi quê nhà), công tác của bà bạn là kêu gọi Irena trở về hàng ngũ, báo cho cô biết là thời gian ngắn lắm và cuộc đời phải chấm dứt ngay tại nơi khởi đầu.
Irena nghĩ về Milada, người bạn đối xử thân tình như một bà mẹ. Milada cho Irena thấy không ai lý gì đến chuyến phiêu lưu của cô, và Irena nhận ra rằng, thực sự, ngay cả Milada cũng vậy. Nhưng đâu trách bà ấy ? Tại sao lại phải lưu tâm đến việc chẳng liên quan chi đến đời sống riêng của bà ? Có thể chỉ giở trò lịch sự thôi, nhưng Irena vui thấy Milada rất tử tế, không giả bộ tí nào.

Ý nghĩ sau cùng trước khi chìm vào giấc ngủ, là về Sylvie. Lâu lắm không gặp nhau! Irena nhớ bạn! Irena ước ao đưa bạn đến tiệm quen ở Paris và kể bạn nghe tất cả về chuyến trở về này. Để bạn hiểu những khó khăn chừng nào khi trở về quê hương. Irena tưởng tượng nói với bạn :
- Bạn chính là người đầu tiên dùng những cụm từ : “Chuyến về đặc biệt trọng đại.” Bạn biết không, Sylvie - bây giờ tui hiểu : tui có thể về và sống với họ, nhưng với một điều kiện : tui phải đưa quãng đời tui có bạn, có tất cả các bạn, cùng nước Pháp, trang trọng đặt lên bàn thờ và châm lửa thiêu rụi - 20 năm sống ở nước ngoài sẽ tan thành mây khói, trong một nghi thức hiến sinh. Và đám đàn bà kia sẽ tưng bừng nhảy nhót với tui quanh ngọn lửa thiêu, tay nâng cao những cốc vại ăm ắp bia. Đó là cái giá tui phải trả để được tha thứ. Để được chấp nhận. Để được trở lại là một trong bọn họ !


Trong nắng thu vàng dịu, vườn tược quanh vùng rải rác những ngôi nhà nhỏ có nét đẹp an lành đến xúc động tâm can và lôi cuốn Irena thả bộ đi dạo. Irena nhớ lại hồi sắp bỏ nước ra đi, cô cũng đã ao ước dạo thăm giã từ thành phố này, giã từ tất cả những con đường từng yêu thích, nhưng trong lúc gấp rút không thể có chút thì giờ thực hiện.
Nhìn từ nơi đang tản bộ, thủ đô Prague là một vùng bao la xanh ngắt an bình với những khu xóm và những con đường nhỏ có cây cao bóng mát. Đây mới là Prague mà cô yêu thương, không phải Prague xa hoa hào nhoáng dưới kia; Prague của thời mới tạo lập cuối thế kỷ trước, Prague của giai cấp trung lưu, Prague của thời thơ ấu, nơi những mùa đông xưa trượt tuyết lên xuống mấy con đường đồi nhỏ, Prague vào mỗi hoàng hôn xuống là lúc mấy khu rừng chung quanh dâng toả ngát hương.
Vừa thả bộ vừa mộng du, trong một thoáng Irena chợt bắt được vài hình ảnh Paris lần đầu tiên cô cảm thấy không thân thiện : nét kỷ hà lạnh lùng của những đại lộ, vẻ kiêu kỳ của Champs-Elysées, dáng dấp nghiêm nghị của mấy pho tượng đồ sộ. Không nơi nào, không chỗ nào ở Paris có được chút ấm áp thân mật, chút hơi hướng thi vị mộc mạc cô đang hít thở đầy buồng phổi như nơi này.
Tóm lại, suốt những năm dài di tản, đây mới chính là hình ảnh cô ấp ủ như biểu tượng quê hương đã mất : những ngôi nhà nhỏ trong mấy khu vườn trải dài mút mắt qua giải đất rộng. Cô sống hạnh phúc tại Paris, sung sướng thoải mái hơn nơi này, nhưng chỉ có Prague lưu lại trong tâm khảm cô mối ràng buộc kỳ diệu về vẻ đẹp. Đột nhiên cô nhận thấy rõ cô yêu quý thành phố này vô chừng và đồng thời đau đớn khôn cùng khi phải bỏ ra đi.

Irena tản bộ cả hai ba tiếng đồng hồ quanh mấy khu xóm đầy cây lá. Đến cái lan can cuối công viên nhìn xuống Prague, từ đây cô thấy phía sau lâu đài Hradcany, khu cấm thành, bất chợt trong trí cô ào tới những tên tuổi từng đắm say yêu mến thuở thiếu thời : Macha, nhà thơ, có mặt thuở quốc gia đang còn là một thuỷ nữ vừa mới hiện ra từ mây mù; Neruda người kể chuyện dân gian; những bài hát của Voskovec và Werich từ những năm 30 mà cha cô vô cùng yêu thích … Hrabal và Skvorecky, tiểu thuyết gia của thời cô mới lớn, và những trụ sở kịch nghệ, những quán ca múa của những năm 60, một thời của tự do, phóng túng với những trò vui đùa nghịch ngợm … Chính đó là hương vị của chốn quê hương này, không thể thay thế được, không thể lẫn lộn được, mà cô đã mang theo sang Pháp.
Dựa vào lan can, cô nhìn ra cả toà lâu đài : xa không quá mười lăm phút. Prague của những bưu thiệp bắt đầu từ nơi này, Prague mà một lịch sử quá nhiều biến cố đã đóng dấu ấn như những vết thương thánh tích, Prague của dân du lịch và của lũ điếm, Prague của những nhà hàng sang trọng mắc tiền đến nỗi bạn bè người Tiệp của cô không dám bước chân vào, Prague của vũ nữ múa bụng quằn quại trong ánh sáng … Cô nghĩ không có nơi nào xa lạ với cô như cái Prague này.


Đột nhiên, như một cơn lốc : hàng loạt ác mộng di tản cũ , hàng loạt âu lo xưa : cô thấy đám đàn bà nọ nhào tới vây quanh, vừa quay quay những cốc vại bia trong tay vừa giả lả cười ầm ĩ, họ không cho cô trốn thoát được; cô đang ở trong một cửa tiệm, bọn bán hàng lao tới trùm lên người cô một chiếc áo, và khi chiếc áo phủ lên người cô thì vụt biến thành một chiếc áo trói người điên, một “straitjacket!”
Sau một hồi lâu, dựa vào lan can, cô đứng thẳng dậy. Trong đầu tràn ngập quyết định phải thoát, sẽ không ở lại với thành phố này nữa, không với thành phố này, cũng không với cuộc sống thành phố này đang cố cống hiến mời gọi.
Irena tiếp tục tản bộ, và nhủ thầm hôm nay cô đang bước trọn những bước chân giã biệt mà cô không thực hiện được lần ra đi hai mươi năm trước. Cô đang thực sự nói Lời Giã Biệt thành phố cô yêu quý nhất đời nhưng lại sẵn sàng đánh mất lần nữa, không tiếc nuối, để xứng đáng với cuộc đời tự do của riêng mình.


* Milan Kundera, một trong những người viết quan trọng nhất tại châu Âu, sinh năm 1929 tại Brno, con một nhạc sĩ dương cầm, tốt nghiệp Đại học Charles University ở Prague, thủ đô Tiệp khắc.
Từ 1958 đến 1969, ông dạy tại Đại học Âm nhạc và Kịch nghệ Prague, đồng thời làm lao công và chơi nhạc jazz. Năm 1968, sau khi Liên Sô xâm chiếm Tiệp, nhà nước buộc tất cả tầng lớp trí thức phải khai báo và ca ngợi Cộng sản. Kundera khước từ, bị đuổi việc, bị cấm xuất bản sách, và những tác phẩm đã in đều bị cấm lưu hành.
Năm 1975, Milan Kundera di tản sang Pháp, dạy Văn chương Đại học Rennes cho đến 1980, và sau đó tại Trường Cao học Paris. Ông coi Pháp như quê hương thứ hai.
Hầu hết tác phẩm của ông - 13 cuốn - đều được dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh
.
VỀ là tiêu đề do người trích dịch đặt, được rút tỉa từ truyện Ignorance, xuất bản 2002, đặc biệt liên hệ tâm trạng một người đàn bà di tản trở về sau hai mươi năm xa lìa, nhưng lạc lõng ngay giữa lòng quê hương
.


Nguồn: Gió-O
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.