Luật thơ :
a/ Trước hết nói về số chữ trong câu.
TCT thiên về thơ đều chữ và 7 hay 8 chữ trong mỗi câu thơ Tân hình thức. "Đối với thơ Việt, khi dùng lại hình thức 7, 8 chữ hay lục bát là làm cho thị giác đỡ bị vướng mắc, dễ tạo nhạc tính, hình ảnh và áp dụng các yếu tố khác , qua đó người đọc đánh giá được tài năng và sức sáng tạo của người làm thơ." (Thơ, TCT 19, tr. 99). "Thể thơ 7 hay 8 chữ tương đối hợp với ngôn ngữ nói hơn vì thật khó đưa những câu nói đời thường với vần vào lục bát." (Khế Iêm, TCT số 20, tr. 70)
Nhưng trong bài thơ dưới đây, ta lại thấy câu thơ cuối đoạn trở thành biến thể.
ĐÓ LÀ GIỌT MỰC
Những giọt mực lăn trong đời anh theo
vết chân từ những ngày hôm qua, hôm
kia, hôm nay và rồi anh tin sẽ
theo cả những ngày sắp tới, khi tiền
định không cho chúng ta hiểu thâm sâu
hơn, khi mắt nhìn bị che mờ giữa
các hàng chữ, khi tìm nhau sương khói
mịt mù từng kiếp và vẫn cứ xa
nhau lầm lạc
đó là giọt mực ân cần một thuở
làm thơ giữa những mùa xuân, hè, thu,
đông quanh năm đi tìm lại những lọn
bạc màu của tóc, khi nét chữ không
từ giấy bút mà từ những toàn thân
đầu mắt ngực môi tim của anh ngơ
ngác tuổi thanh xuân
đó là giọt mực đen chạy trong những
dòng thơ của anh và lăn rời khỏi
trang giấy, chạy miệt mài giữa phố để
rồi in lên đỏ môi hồng má em
những ngày giông bão xô về bứt rời
từng trang thơ anh của một thời
ngồi khóc giữa quê nhà
đó là giọt mực lăn chạy khỏi tay
anh và anh đuổi theo giữa phố đông
người mong tìm bắt lại nhưng rồi chợt
xô vào em một hôm để ngẩn ngơ
một đời tội nghiệp nhìn theo bên lời
xào xạc những kiếp xưa quạnh quẽ
đó là giọt mực loang đầy tay anh
những ngày đầu nắn nót tập vần và
không chịu bứt rời để một hôm thành
lời thật nhẹ nhàng dung chứa đại dương
với cá kình rủ về nằm yên để
anh ra ngồi giữa chợ nghe lời người
mắng mà cứ thấy là lời sóng ru
miệt mài không thôi
đó là giọt mực một hôm vào đời
đã đứng dậy thành người, thành em,
thành anh, thành cõi bờ, thành thế giới
để anh nhìn vào mắt em và thấy
mắt anh, mắt người với những lòng xót
thương cũng một màu đen, cũng một màu
đen lánh, cũng những ngàn thế giới không
khác biệt gì nhau
đó là giọt mực, đó là giọt mực
đã rơi từ thật xa xưa và vẫn
còn tươi mới - như lời của anh nói
với em hôm nay.
(Phan Tấn Hải, TCT 19, tr. 106-107)
Bài thơ này dùng câu 5 chữ:
ĐÊM NGOẠI TÌNH VỚI BÓNG
bằng những bước chân mèo
đêm tôi nhón nhén bước
vào thơ ngày cật tình
góp chữ đêm ôm nguyệt
sau hè. Em muộn phiền
đem giấu nỗi sầu riêng
tim, hạn hẹp, chữ đen
ngòm, thơ, che lòng bức
khức, tôi ôm thơ ngủ
qua đêm (nhắm hờ con
mắt trống) em cấu đêm
sau lưng khi tôi bỏ
đi tìm khởi hứng. Lúc
quay về trong bóng dày
của chữ của đêm và
của em. Lòng giấy kiệt
cùng thơ đỏ quặn tôi
khơi ngọn nến cùn đêm
ngoại tình với bóng tối
ngoại tình với thơ &
... với tôi.
(Nguyễn Tư Phương, TCT 19, tr. 117)
Với tác giả Nguyễn Đăng Thường, bài "Chơi khôn" dùng câu 6 chữ (TCT 18, tr. 119) và bài "Chỉnh hình đón mùa Phục Sinh" dùng câu 10 chữ (TCT 18, tr. 118). Đỗ Kh. và Nguyễn Thị Ngọc Nhung dùng cả thể lục bát.
KHANH
Em giận anh thì cũng đã
phải. Em còn nhìn anh thì em rộng
rãi. Đam mê chẳng có bao
nhiêu, đời người, đụ mà sướng cũng chẳng
có nhiều....
(Đỗ Kh., TCT 18, tr. 112)
b/ Vắt dòng
Đây là cách xuống dòng hay nói theo TCT, cách vắt dòng.
Khế Iêm nhận rằng "trong thơ truyền thống và thơ tự do, hình thức của bài thơ chính là để cho chúng ta biết phải đọc bài thơ như thế nào" (TCT 17, tr 158). Trong thơ Tân hình thức, ông chủ trương "vắt dòng bất cứ chỗ nào trong câu, dòng trước tiếp theo dòng sau, và cách đọc không dừng lại cuối dòng" (Khế Iêm, TCT số 20, tr. 69). "Khi dùng cách vắt dòng phá đi cách đọc dừng lại ở cuối dòng, người đọc bị thúc đẩy đi tìm lại phần đã mất (của câu), tốc độ đọc nhanh hơn, và phải đọc bằng mắt." (Khế Iêm, TCT 18, tr. 97)
Trong các bài thơ trích dẫn ở đây, ta thấy các tác giả không những vắt dòng mà còn vắt qua đoạn khác.
c/ Vần
"[Trong thơ Tân hình thức] Ngay cả những quan niệm về vần cũng khác, không hẳn là chữ, mà còn là những nhóm chữ, câu, cảm xúc, và ý tưởng." (Khế Iêm, TCT số 20, tr. 69)
"Vần và chỗ ngắt không bất di bất dịch chỉ ở cuối dòng, mà cũng giống như thơ tự do, xuất hiện ở những chỗ không thể đoán trước." (Khế Iêm, TCT số 18, tr. 97)
Nói rằng vần không ở cuối câu mà ở những chỗ không thể đoán trước, tức là vần nằm ở bất kỳ chỗ nào giữa câu.
Thi pháp :
"Để cụ thể hóa, chúng ta thấy, vọng cổ khi dùng những câu nói đời thường phổ vào âm luật, khi ca lên, trở thành lời ca tiếng nhạc, không còn là những câu nói đời thường nữa. Như vậy khi áp dụng thi pháp đời thường, có nghiã là đưa những câu nói đời thường vào thơ để trở thành thơ, phải dựa theo những luật tắc của thơ, và đó là ý nghĩa của thơ Tân hình thức." (Khế Iêm, TCT số 20, tr. 70)
"Chữ nghĩa, hình ảnh bóng bẩy và cầu kỳ không còn, chỉ còn sự đơn giản, tự nhiên như một dòng đời sống..." (Khế Iêm, TCT số 18, tr. 97)
Chúng ta hãy thử tìm vần (không phải ở cuối câu) và xem thi pháp trong bài thơ của Khế Iêm:
ẢNH ẢO
Người đàn ông hai mươi năm sau nói
với người đàn ông hai mươi năm trước
rằng, trên băng ghế này, dưới bầu trời
này, đã hai mươi năm, mà vở tuồng
vẫn chưa được viết, và đêm kịch vẫn
chưa mở ra, những thùng rác vẫn chứa
rác và không chứa gì khác, những bước
chân lê trên lề đường, giấc ngủ trên
hè phố, những khớp xương đau, những khớp
xương đau, đã hai mươi năm; người đàn
ông hai mươi năm sau, kéo áo che
cái rét của đất ẩm, đo bằng gang
tay giữa đôi mắt cú vọ và chiếc
ngực đồi trụy, vớ lấy mớ bản thảo
xé nát rồi ráp lại, để tìm nơi
kẽ rách, lũ ký ức ôn dịch; nhưng
người đàn ông hai mươi năm trước, không
nghe, không thấy được gì từ người đàn
ông hai mươi năm sau, cứ lầm lũi,
lầm lũi, lầm lũi, tựa bóng ma, và
chẳng hề hay biết, người đàn ông hai
mươi năm trước cũng là người đàn ông
hai mươi năm sau, đang đợi nhau, đợi
nhau, đợi nhau, như cái sống đợi cái
chết, ròng rã, đã hai mươi năm, dù
vở tuồng vẫn chưa được viết, và đêm
kịch vẫn chưa mở ra, những thùng rác
vẫn chứa rác và không chứa gì khác.
NHẬN XÉT
A/ Tính truyện
Thơ thuật sự không mới mẻ gì trong thi ca với những thí dụ như Illiad, Odysey của Homer, Kim Vân Kiều của Nguyễn Du. Gần đây thì có một số bài thơ nổi tiếng như Màu tím hoa sim của Hữu Loan.
Ngày xưa cổ nhân thường làm thơ vịnh, nào là vịnh người, vịnh cảnh, vịnh công việc, hay viết truyện thơ. Bây giờ hầu hết các nhà làm thơ Việt có tính hướng nội, chỉ nói về mình và những sự việc liên quan đến mình. Cho nên chiều hướng làm thơ thuật sự kể ra cũng là một đề tài nên khai thác, nhưng chuyên làm thơ thuật sự thì lại là một vấn đề cần suy nghĩ của thi sĩ .
B/ Tính khách quan
Thơ thuật sự truyền thống thường diễn tả cảnh vật, sự việc qua tâm hồn nhân vật, và tâm hồn nhân vật có thể chính là tâm hồn tác giả. Chính điều này tạo nên những lời thơ bóng bẩy, ý thơ hay và câu thơ được coi là có hồn.
Tự sự khách quan nghĩa là chỉ làm công việc của cái máy quay phim, quay những góc cạnh do tác giả chọn lựa với dụng ý. Người quay phim có thể là một nhân vật trong thơ hay một người vô hình hiện diện khắp nơi. Lời thơ mang tính khách quan, vô hồn, không giải thích, không bút pháp đặc biệt, chẳng khác gì lối văn của Alain-Robbe Grillet. Chính cái không giải thích này có thể làm cho bài thơ khó hiểu, trái với kỳ vọng về một sự trong sáng.
Người làm thơ chỉ chuyên về tính khách quan, rời bỏ những cảm tính chủ quan, không quan tâm đến những diễn biến nội tâm, tức là làm thui chột phần lớn tâm hồn của mình.
Tạp chí Thơ không nhắc gì đến tính khách quan trong tự sự, nhưng mặc nhiên chấp nhận nó.
C/ Tính nhạc
Nói rằng thơ Tân hình thức réo rắt, luyến láy, dồn dập như sóng, hết lớp này đến lớp khác và chập chùng miên man như biển khơi, là không thực tế nếu nhìn vào các bài thơ đã đăng. Trong ngôn ngữ thường ngày, âm thanh và nhịp điệu trong giọng nói của ta cũng thay đổi tùy theo tình huống vui, buồn hay giận dữ. Câu thơ diễn tả những tình huống đó cũng cần thay đổi, không phải lúc nào cũng réo rắt và dồn dập. Và cũng không phải chỉ trong thơ Tân hình thức mới có những tính nhạc này.
So sánh âm nhạc của Tân hình thức với vọng cổ là không đúng. Tuy rằng vọng cổ cũng dùng những lời nói bình thường, nhưng ở cuối câu bao giờ cũng có âm điệu nhất định mà người ta gọi là "xuống xề". Còn nói rằng nhạc của Tân hình thức là nhạc rap , thì chỉ là cách nói "huề vốn", cần gì đặt ra vấn đề nhạc tính nữa ?
Chỉ trích thơ tự do không có nhạc, chỉ có âm vang (TCT 17, tr. 165), để rồi rơi vào chính loại thơ chỉ có tiếng nói!
Nhà thơ Chân Phương trích dẫn ý kiến của Phan Ngọc (3) như sau : "Nhịp điệu là xương sống của thơ. Thơ có thể bỏ vần, bỏ quan hệ đều đặn về số chữ, bỏ mọi quy luật bằng trắc, nhưng không thể vứt bỏ nhịp điệu. Tôi không thấy một thể thơ nào có thể vứt bỏ nhịp điệu, tự xây dựng mình trên một tình trạng tùy hứng về nhịp điệu...Trong trường hợp tứ thơ không siêu việt cho lắm thì nhịp điệu lại càng cần thiết." (TCT 18, tr. 6)
D/ Câu đều chữ
Về số chữ trong câu, thật ra chỉ có một mục đích là "làm cho thị giác đỡ bị vướng mắc" vì chiều dài của câu thơ (4). Muốn viết mỗi câu mấy chữ cũng được, cứ đếm đủ âm tiết là xuống dòng, còn dư bao nhiêu thì để vào dòng cuối của đoạn thơ.
"Ngôn ngữ càng đi gần về nguyên thủy càng có những nét tương đồng, chẳng hạn không nhấn [unstressed], nhấn [stressed] trong tiếng Anh có khác gì bằng trắc trong tiếng Việt, hay hai ngôn ngữ đều có những nguyên âm và phụ âm giống nhau. Với thơ Việt, nếu chỉ đếm chữ xuống hàng, thì chẳng khác nào thơ tự do trước đó, hết câu xuống hàng, vì thể luật đếm âm tiết không đủ sức để tạo thành nhịp điệu, và chỉ có công dụng làm cân bằng nhịp điệu tạo ra bởi ngữ điệu và cú pháp văn phạm (hoà hợp giữa ngôn ngữ nói và viết) (Khế Iêm, TCT số 20, tr. 69)
Tôi không hiểu tại sao Tạp chí Thơ cứ nhất định đòi đếm âm tiết (syllable) để vắt dòng, chứ không đếm chữ. Tiếng Việt là tiếng đơn âm, mỗi chữ là một âm tiết, cho nên đếm âm tiết hay đếm chữ cũng vậy thôi. Có phải đây là một bằng chứng về sự lệ thuộc thơ Mỹ trong quan niệm của Tạp chí Thơ hay không ?
E/ Vắt dòng
Trong thơ tự do, xuống dòng để thay cho cách chấm câu, để nhấn mạnh, để tạo nhịp, hay để trình bày theo một dụng ý nào đó. Cách dòng (skip line) là để qua một đoạn khác.
Trong thơ Tân hình thức, TCT chủ trương vắt dòng bất cứ chỗ nào và vắt luôn qua đoạn khác, khi đọc thì không ngừng lại ở cuối dòng. Như vậy thì cách vắt dòng này có ý nghĩa gì mà TCT đòi hỏi phải có kỹ thuật và kỹ thuật như thế nào ? Đọc không ngừng lại ở cuối dòng thì khác nào đọc một đoạn thơ xuôi hay văn xuôi ?
Vắt dòng chẳng qua cho có hình thức thơ đều chữ. Nhưng ta đã thấy các tác giả Tân hình thức muốn dùng bao nhiêu chữ (hay âm tiết, nói theo TCT) trong một dòng cũng được. Vậy thì đều chữ để làm gì ? Không có tác dụng gì hết! Chẳng qua chỉ đánh lừa con mắt mà thôi. Vắt dòng hay viết luôn một mạch như thơ xuôi cũng thế thôi.
Chúng ta hãy thử đọc bài "Đó là những giọt mực" của Phan Tấn Hải rồi đọc bài dưới đây viết lại theo kiểu thơ xuôi xem có gì khác nhau hay không.
Những giọt mực lăn trong đời anh theo vết chân từ những ngày hôm qua, hôm kia, hôm nay và rồi anh tin sẽ theo cả những ngày sắp tới, khi tiền định không cho chúng ta hiểu thâm sâu hơn, khi mắt nhìn bị che mờ giữa các hàng chữ, khi tìm nhau sương khói mịt mù từng kiếp và vẫn cứ xa nhau lầm lạc.
Đó là giọt mực ân cần một thuở làm thơ giữa những mùa xuân, hè, thu, đông quanh năm đi tìm lại những lọn bạc màu của tóc, khi nét chữ không từ giấy bút mà từ những toàn thân đầu mắt ngực môi tim của anh ngơ ngác tuổi thanh xuân.
Đó là giọt mực đen chạy trong những dòng thơ của anh và lăn rời khỏi trang giấy, chạy miệt mài giữa phố để rồi in lên đỏ môi hồng má em những ngày giông bão xô về bứt rời từng trang thơ anh của một thời ngồi khóc giữa quê nhà.
Đó là giọt mực lăn chạy khỏi tay anh và anh đuổi theo giữa phố đông người mong tìm bắt lại nhưng rồi chợt xô vào em một hôm để ngẩn ngơ một đời tội nghiệp nhìn theo bên lời xào xạc những kiếp xưa quạnh quẽ.
Đó là giọt mực loang đầy tay anh những ngày đầu nắn nót tập vần và không chịu bứt rời để một hôm thành lời thật nhẹ nhàng dung chứa đại dương với cá kình rủ về nằm yên để anh ra ngồi giữa chợ nghe lời người mắng mà cứ thấy là lời sóng ru miệt mài không thôi.
Đó là giọt mực một hôm vào đời đã đứng dậy thành người, thành em, thành anh, thành cõi bờ, thành thế giới để anh nhìn vào mắt em và thấy mắt anh, mắt người với những lòng xót thương cũng một màu đen, cũng một màu đen lánh, cũng những ngàn thế giới không khác biệt gì nhau
Đó là giọt mực, đó là giọt mực đã rơi từ thật xa xưa và vẫn còn tươi mới - như lời của anh nói với em hôm nay.
F/ Vần
Tạp chí Thơ cho rằng "Thơ tự do Việt đơn giản chỉ là loại thơ không vần" (TCT 17, tr. 165). Điều này thật hết sức nhầm lẫn trong định nghĩa (5) cũng như trong thực tế. Tuy rằng không có luật lệ ràng buộc thơ tự do, các bài thơ tự do vẫn ít nhiều có vần ở cuối câu. Chỉ riêng trong thơ xuôi, một hình thức của thơ tự do, mới không có vần, nhưng có thi pháp và nhạc điệu bù lại.
Tân hình thức Mỹ cũng thực hiện thơ có vần và vần đặt ở cuối câu, nhưng TCT lại "bảo hoàng hơn vua", chủ trương vần không đặt ở cuối câu mà ở những chỗ bất ngờ, tức là bất kỳ chỗ nào trong câu. Lại còn nói "Ngay cả những quan niệm về vần cũng khác, không hẳn là chữ, mà còn là những nhóm chữ, câu, cảm xúc, và ý tưởng". Thật là khó hiểu. Có lẽ TCT cho rằng những câu nói lập lại như trong bài dưới đây tạo thành vần của bài thơ chăng?
TÂN HÌNH THỨC VÀ CÂU CHUYỆN KỂ
Khi tôi ngồi uống cà phê ngoài lề
đường và kể lại câu chuyện đã được
kể lại, từ nhiều đời mà đời nào
cũng giống đời nào, mà lời nào cũng
giống lời nào, về người đàn bà và
đàn con nheo nhóc (nơi góc phố được
gọi là chỗ chết, nơi góc phố được
gọi là chỗ sống), kẻ những con đường kẻ
bằng than đen; gãy góc, xấu xí như
cái bóng trong tấm hình cũ, như dĩ
nhiên hôm nay ngày mai ngày mốt, như
thế thôi thì thế thôi, biết đâu chừng
nhưng người đàn bà và đàn con nheo
nhóc, vẫn kể lại câu chuyện đã được
kể lại, và không ai, ngay cả người
đàn bà và đàn con nheo nhóc, bước
ra ngoài câu chuyện đã được kể lại.
(Khế Iêm, TCT 18, tr. 105)
Vần kiểu này thì chỉ mang lại tính cách luộm thuộm, rườm rà mà thôi. Còn những bài thơ khác không có những từ lặp lại thì sao ? Độc giả thử tìm vần trong các bài thơ đó xem.
Bài dưới đây đặt vần ở cuối câu, nhưng khi đọc lên, ta phải đọc nhanh qua chữ đầu dòng dưới vì chúng thuộc một nhóm chữ không thể tách rời cho nên không thể được coi là có vần.
NHÌN THEO CHÙA CỔ QUÊ NHÀ
đi xuống phố nửa đêm tìm lại những
cái tôi nào của ngày trước với ngày
sau lối mịt mù trí nhớ mắt cay
sè đêm hạnh ngộ gương xưa mùa cổ
độ người một thuở ùa về chân
dung lạ còn ai đi giữa trần
gian soi lại gọi nửa đời lạ
lẫm gió hư vô đêm cũng lầm
lạc mãi chưa về tới thắp
đuốc chờ người mãi những mùa
xuân chút tình cờ mà gặp
gỡ một đời để hương lưu
giữ xanh vầng tóc trắng
.............
(Phan Tấn Hải, TCT 18, tr. 135)
Tóm lại. nhóm Tân hình thức cố gắng tạo ra một loại yêu vận tự do nhưng chưa thành công.
G/ Thi pháp
Tân hình thức chủ trương dùng những câu nói thường nhật và tôn trọng cú pháp văn phạm, nghĩa là gạt bỏ mọi bút pháp thay đổi vị trí từ ngữ. "Chữ nghĩa, hình ảnh bóng bẩy và cầu kỳ không còn, chỉ còn sự đơn giản, tự nhiên như một dòng đời sống..." . Lý do nêu lên là thơ truyền thống "mòn mỏi với vần điệu", người làm thơ phải nặn óc tìm vần, tìm chữ, và "Nếu không mang được những câu nói thông thường vào thơ thì làm sao mang được đời sống vào thơ? Và nếu không, thì làm sao chia sẻ được với nỗi vui buồn của mọi tầng lớp thời đại?" (TCT 20, tr. 73)
Thơ luật và thơ tự do cũng không thiếu gì những bài dùng lối nói bình thường, nhưng thật ra đã rất chải chuốt, chọn lọc. Thơ Nguyên Sa là một ví dụ tiêu biểu.
Không có anh lấy ai đưa em đi học về
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học
Ai lau mắt cho em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa
....
Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong tỏa đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận
........
Chào tháng Chạp, hôm nào thì đến Tết?
Em mặc áo xanh hay mặc áo thêu hồng
Bầu trời mây ở dưới áng mây cong
Em có muốn anh giữ giùm phân nửa?
Nhưng bình thường đến mức buông thả như văn xuôi - văn xuôi cũng có khi còn chải chuốt hơn -, có khi chỉ là một bài báo (như bài "Những người chết trẻ" của Lê Thánh Thư và "Kiều" của Đỗ Kh.) thì thật là qúa đáng.
Xưa nay người ta yêu thơ không những vì ý thơ hay, mà còn vì lời hoa mỹ, chữ dùng mới lạ, bút pháp tân kỳ. Người ta không chỉ ngâm nga cả bài thơ mà còn trích dẫn từ ngữ, nhớ mãi trong tâm. Thơ Tân hình thức dùng lời lẽ đời thường, không thi pháp, thì còn cái gì cái gì để thưởng thức ? Chỉ còn cái hàm ý của cả bài thơ mà thôi. Nếu người đọc không tìm ra cái hàm ý này thì bài thơ chỉ để lại một con số không trong tâm trí.
Chân Phương đã nhận xét chí lý rằng : "Hình thức càng nôm na bình thường bao nhiêu, nội dung càng phải siêu việt bấy nhiêu, nếu không chỉ có thất bại." (TCT 18, tr. 6)
Đỗ Minh Tuấn có cái mộng ước cao xa như thế này : "Nhìn chung, thơ cũ giống như những vật cứng có quảng tính dễ đo đạc và dễ cắt tỉa ra chi tiết. Hiện tượng lảy ra một vài câu thơ hay để thưởng thức độc lập chỉ là dấu hiệu tố giác thơ ngày xưa không phải sự sống vô định mà cao nhật chỉ như những hòn ngọc trang sức ở trên thân thể đời sống. Thơ hay đích thực giống như một người đẹp ta không thể cắt ra cái mũi để khoe nhau. Thơ hay giống như một làn hương thông qua ám ảnh và lan tỏa không dễ gì thu gọn lại, rút tỉa ra một vài câu hay để thuộc lòng, để ngâm nga, để nhớ. Thơ hiện đại tỏa ra hương vị bí ẩn từ toàn bộ tác phẩm, mặc dù ta không thể nhớ một câu, một chữ." (TCT 20, tr. 206). Rất tiếc là Tân hình thức chưa sản xuất được những bài thơ hay như thế, và dù cho có đi nữa, không phải chỉ Tân hình thức có thể làm hay như vậy được.
KẾT LUẬN
Trở lại với vấn đề phong trào Tân Hình Thức trong thơ Mỹ. Sự hình thành phong trào này bắt nguồn từ những nhận xét : a/ về sự trì trệ của thơ tự do, b/ về chủ nghĩa duy ngã, c/ thơ tự do khó nhớ vì thiếu vần điệu, nhạc tính. Phong trào không những muốn thay đổi về hình thức (thơ đều chữ, có vần, có nhạc) mà còn về nội dung (thuật sự, khách quan, trong sáng).
Tạp chí Thơ du nhập hoàn toàn các nhận định và chủ trương vào thi ca Việt.
Theo TCT, thơ cổ điển Việt Nam dựa vào luật bằng trắc, vần và cao độ (pitch, 4 level tone), dùng và chọn chữ, thơ Tiền Chiến dựa trên vần (thường là cước vận), trau chuốt chữ và cách đọc ngừng ở cuối dòng, thơ Tân hình thức "kết hợp với một số yếu tố và kỹ thuật của thơ tự do, phá vỡ những âm hưởng Tiền Chiến, chấm dứt nửa thế kỷ dậm chân tại chỗ của thơ Việt." (Khế Iêm, TCT số 18, tr. 94).
TCT hết lời chỉ trích thơ tự do Việt trong 50 năm qua và đề cao Tân hình thức, nhưng cũng dành phần lớn số trang cho thơ tự do và lại còn nói rằng "mỗi thời kỳ, những nghệ sĩ tạo ra những quan điểm thẩm mỹ riêng, và không thể nào dùng quan điểm này để làm thước đo, phê bình hay so sánh với quan điểm khác" (TCT 20, tr. 72). Thật là mâu thuẫn.
Trong sự mô phỏng Tân hình thức Mỹ, TCT đề ra tính nhạc, câu đều chữ, vần, kỹ thuật vắt dòng và lời thơ "đời thường", và còn tính tới chuyện dùng slant rhyme, bằng trắc theo cấu trúc iambic!
Câu đều chữ với kỹ thuật vắt dòng có thể chấp nhận được vì nó chỉ là sự trá hình của thơ xuôi. Do đó có vần hay không có vần cũng không thành vấn đề. Cái điều đáng nói ở đây là sự lạm dụng lời thơ "đời thường" một cách qúa đáng khiến bài thơ không còn nhạc tính.
Cái điều đáng nói thứ hai là đại ngôn. "Thơ tự do, sau một thế kỷ đã cạn nguồn và cùng kiệt, những nhà thơ Tân hình thức Hoa Kỳ chắt lọc từ truyền thống và tự do, để làm thành một hình thức tân kỳ hơn, thích nghi với cách diễn đạt mới, thì thơ Việt cũng mòn mỏi với vần điệu và tự do. Tân hình thức như một thời lãng mạn mới, một trật tự mới hay một nền ca dao mới trong một xã hội bình đẳng và dân chủ, lôi cuốn người đọc, làm phong phú đời sống và ngôn ngữ tự nhiên. "Chúng ta phải thức dậy hay chết", đó là lời của nhà thơ Ý, Francesco Petrarch, người khai sinh ra thời đại Phục Hưng." (TCT 20, tr. 70).
Tôi đồng ý rằng các bài thơ làm theo Tân hình thức có một nội dung mới lạ so với các bài thơ tự do. Mới lạ chỉ vì tác giả đưa văn xuôi vào thơ, hoàn toàn là văn xuôi!
Không thử nghiệm cái mới thì không có tiến bộ. Điều này đúng trong mọi lãnh vực. Tôi mong rằng Tân hình thức đẻ ra được những bài thơ đáp ứng lòng tự hào của nhóm chủ trương và lòng yêu thi ca của người Việt, chứ đừng "vẽ voi thành chuột".
Nguyễn Vũ Văn
Chú thích
Những chữ trong [ ] là chú thích của người viết.
(1) Meter là luật tắc về trọng âm và khinh âm (stressed and unstressed syllables) và số âm (syllable) trong mỗi câu thơ. Thơ luật của Mỹ cũng hợp vận (rhymed) giống như thơ đều chữ tiếng Việt : vần liền (hai vần liền nhau), vần cách (hai vần cách nhau một hàng: câu 1 vần với câu 3, câu 2 vần với câu 4, vân vân), vần ôm (trong 1 đoạn 4 câu, vần câu 1 hợp với vần câu 4, vần câu 2 hợp với vần câu 3). Không có yêu vận (vần giữa câu) như trong thơ lục bát hay song thất lục bát của ta.
(2) Trong cùng thập niên 1980, xuất hiện hai trường phái khác có chủ trương tương tự trong sự trở lại thơ truyền thống đều chữ có vần điệu và rời khỏi chủ nghiã duy ngã: New Narrative (Tân Thuật Sự) và Expansive Poetry (Thơ Mở Rộng). Cả hai thường được đồng hóa với New Formalism.
New Narrative đòi hỏi thơ có cốt truyện rõ rệt.
Về đường lối của Expansive Poetry thì một nhà thơ trong số sáng lập là Frederick Feirstein nói rõ đường lối của họ trong tiểu luận Expansive Poetry: Essays on the new Narrative and the New Formalism như sau:
"... the poets who joined the expansive movement have the following goals: 1.
They want to say significant and passionate things about the larger world outside themselves. 2.
They want to use all the resources of the craft, including meter, rhyme and dramatic and narrative structures. 3.
In their imagery and subject matter, they strive to make easy reference to and use of science and technology. 4.
They also strive for a poetic language that embraces colloquial American and combines it with meter to avoid using the awkward rhetorical patterns of free verse. 5.
Yet, Expansive poets continue to use free verse when subject matters calls for it, and discuss free verse as one of the many forms available to the poet.
(3) Phan Ngọc, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Hà Nội, 1985, 213-214.
(4) "Thơ tự do (trong ngôn ngữ tiếng Anh) làm khó người đọc, vì tùy thuộc vào sự căng thẳng hay sức ép giữa văn phạm và chiều dài của dòng, của đoạn thơ." (Khế Iêm, TCT 18, tr. 96)
(5) - Free verse is a term loosely used for rhymed or unrhymed verse made free of conventional and traditional limitations and restrictions in regard to metrical structure. (Columbia Encyclopedia, Sixth Edition 2001) (http://www.encyclopedia.com/articles/04736.html)
- Free verse is poetry organized to the cadences of speech and image patterns rather than according to a regular metrical scheme. It is "free" only in a relative sense. It does not have the steady, abstract rhythm of traditional poetry; its rhythms are based on patterned elements such as sounds, words, phrases, sentences, and paragraphs, rather than on the traditional prosodic units of metrical feet per line. (Britannica Encyclopedia)
- The rhythm or cadence of free verse varies throughout the poem (http://library.thinkquest.org/3721/poem … l?clkd=iwm)
- Rhyme may or may not be present in free verse, but when it is, it is used with great freedom. (http://www.english.upenn.edu/~afilreis/ … l?clkd=iwm)
- Free verse is sometimes confused with blank verse, which does not rhyme but has a set metrical pattern. Free verse, on the other hand, has no rules whatsoever. The lines are irregular and may or may not rhyme . (The UVic Writer's Guide) (http://www.clearcf.uvic.ca/writersguide/Pages/ LTFreeVerse.html)
http://www.honque.com/HQ005/bKhao_nvVan005.htm