Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Vài Ghi Nhận Về Văn Học Miền Nam Lục Tỉnh 1954-1975 - Nguyễn Vy -Khanh
Phượng Các
#1 Posted : Saturday, January 8, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Vài Ghi Nhận Về Văn Học Miền Nam Lục Tỉnh 1954-1975

Nguyễn Vy -Khanh



1. Sinh Hoạt Văn Nghệ:

Hiệp định Genève 7-1954 chia đôi nước Việt Nam, chính
thức công nhận sự thành công của chủ nghĩa cộng sản
quốc tế ở nửa phần đất nước, vô tình bắt buộc
chính phủ và người dân miền Nam nghĩ đến chủ quyền
và xây dựng một miền Nam hùng mạnh và độc lập. Củng
cố cái còn lại, xác định chỗ đứng với quốc tế và
dân tộc. Trong hoàn cảnh mới đó của đất nước, biên
giới địa lý thay đổi, sự di cư và tập hợp của người
Việt đủ nguồn gốc, Nam Trung Bắc đã mất đi nhưng không
mất hẳn ý nghĩa phân rẽ của thời thực dân, văn học
miền Nam cũng sẽ có những biến đổi quan trọng. Cá tính
"miền Nam lục tỉnh" và "Sài Gòn" sẽ phải chịu những phân
thân, hóa thân và hội nhập để dần biến dạng trong biển
văn nghệ "miền Nam cộng hòa". Ngược lại, các tác giả
Bắc và Trung đã nhận phần nào ảnh hưởng của tiếng
nói và tâm tính người vùng đất mới qua các tác phẩm
của họ. Trong bài này, chúng tôi thử tìm và xác định
lại những nét tiêu biểu và giới thiệu một số tác
giả của miền Nam lục tỉnh của giai đoạn 1954-1975.

Viết về giai đoạn văn học miền Nam 1954-1975, các nhà phê
bình và biên khảo thường theo một cách nhìn theo đó nền
văn học này là tiếp nối tự nhiên của văn học miền
Bắc trước đó hoặc vai trò của miền Nam không được
đánh giá đúng mức (1). Nguyên Sa, Du Tử Lê, Tạ Tỵ, Mai
Thảo, v.v. trong các bài đăng báo hoặc in trong các tuyển
tập, đã nhìn giai đoạn này như có đó và như thế với
từng ấy người mà không đi sâu vào những khúc mắc hình
thành nền văn chương đó. Cao Huy Khanh trong loạt bài biên
khảo về 20 năm tiểu thuyết miền Nam (1954-1973) đăng nhiều
kỳ trên tạp chí Thời Tập trước 1975 đã phân tích nền
văn học đó như sự lớn dậy của một con người từ mới
sinh đến khi khôn lớn. Họ Cao là người đầu tiên viết
về giai đoạn văn học 1954-1973 (ông dùng thời điểm hiệp
định Paris) nhưng chỉ mới được 4,5 bài dẫn nhập đã xảy
ra biến cố 30-4-75, sau đó không thấy ông xuất hiện trên
báo chí! (2). Nhà văn Võ Phiến, trong Hai Mươi Năm Văn Học
Miền Nam (1986) (3), đã có cái nhìn tổng hợp hơn và đã
công bình dành cho miền Nam "lục tỉnh" một vai trò hình
thành và xuất phát cho nền văn học 1954-1975. Tuy nhiên, Võ
Phiến đã không đáng giá đúng mức tác phẩm của các nhà
văn miền Nam thời kháng Pháp ngay trước đó là thời Sài
Gòn rất sôi động về chính trị và cách mạng trong khi Hà
Nội sôi nỗi về quân sự. Khuynh hướng văn nghệ đấu
tranh này đã lớn mạnh và đa dạng ở Sài Gòn trong khi văn
nghệ kháng chiến ở phía Bắc đã phải chịu sự chỉ đạo
trực tiếp của đảng cộng sản ngay từ những ngày đầu;
một khuynh hướng nẩy mầm từ những Trương Duy Toản, Lê
Hoằng Mưu, Phạm Minh Kiên, Tân Dân Tử,... của những thập
niên 20 và 30 là thời văn học miền Bắc đang lãng mạn đến
đẩm lệ và tự tử với những Cành Hoa Ðiểm Tuyết,
Tuyết Hồng Lệ Sử, Tố Tâm, v.v. Viết về 20 năm văn học
đó mà cứ nói đến các nhóm Sáng Tạo, Quan Ðiểm, Văn Hóa
Ngày Nay, v.v. mà quên các nhóm "bản xứ" khác là một thiếu
sót lớn! Văn học miền Nam đã có từ 1865, vẫn tiếp tục
phát triển song hành hoặc hoà nhập nền văn học Việt Nam
nói chung, hay từ năm 1954, miền Nam có văn học khác, mới?
Theo thiển ý nên phân biệt ba dòng văn học tại miền Nam từ
1954 đến 1975 mà nếu công bằng ta có thể ghi nhận:

- một thuần Nam, từ Petrus Ký qua Hồ Biểu Chánh đến Phi
Vân, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Vương Hồng Sển,... bình
dân hoặc trưởng giả trí thức với những đòi hỏi thông
thường những giá trị dân chũ của Cách mạng Pháp 1789;

- một dòng giữa gồm miền Nam cộng với Trung và một ít
Bắc đã khởi từ trước 1954, thiên chính trị cách mạng và
công bằng xã hội;

- và dòng cuối là dòng nước mới từ miền Bắc di cư vào
từ 1954, dòng trí thức tiểu tư sản và chính trị lý thuyết.

Trong hơn 20 năm, ba dòng văn học đó đã sống chung, đã nhập
làm một dưới biểu tượng dân chủ và cộng hòa.

Về định nghĩa hai chữ "miền Nam" cũng đã hiếm có đồng
thuận. Từ ngữ "miền Nam" có thể để chỉ "Ðàng Trong"
từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh, từ vĩ tuyến 17 trở vào
từ hiệp định Genève 20-4-1954 mà cũng còn có nghĩa là "xứ
Ðồng Nai", "Gia Ðịnh thành" thời Gia Long về sau trở thành
"lục tỉnh". Từ năm 1956, chính quyền Sài Gòn chính thức
đổi thành Nam phần để phân biệt với Trung phần và cả
hai cùng thuộc về miền Nam. Trong bài này chúng tôi bàn
về miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào nhưng mục đích ghi
nhận những đặc điểm "lục tỉnh" của văn nghệ miền Nam,
tạm gọi là "Nam-tính", Nam viết hoa.

Miền Nam của những năm đầu sau 1954 trước hết có nghĩa
là tự do. Tự do trong chính trị, tự do của hết chiến
tranh. Tự do của tái dựng cuộc đời, của thiên cư dù
trong đổi thay đã có những bi kịch cho tập thể và cá
nhân. Và tự do trong văn nghệ! Tuy nhiên cái tự do này sẽ
bị hoàn cảnh mới về chính trị giảm thiểu đi phần nào,
dù vậy vẫn giúp phát triễn những cái mới trong văn
nghệ như nhóm Sáng Tạo, thơ tự do, thơ lục bát mới,
thơ văn xuôi, vv. Ðể đối phó với đấu tranh chính trị
mà miền Bắc vẫn tiếp tục, dù sao thì tổng tuyển cử
mà hiệp định đình chiến đã quy định vẫn như lưỡi
kiếm Damoclès lơ lững trên sự sống còn của cả miền
Nam. Người dân miền đất mới đã phải bắt tay xây nền
móng. Một văn nghệ tâm lý chiến phục vụ giai đoạn sẽ
nằm trong nỗ lực vô hiệu hóa mũi dùi của cộng sản Hà
Nội, nỗ lực sẽ thành công chỉ mấy năm đầu 1954-1959,
khiến cho miền Bắc tức tối sẽ thành lập Mặt trận
giải phóng miền Nam và gây chiến cho đến ngày 30 tháng
4 năm 1975.

Không khí tự do nói trên sẽ khiến một số nhà văn nghệ
phải xét lại những nền tảng văn nghệ theo đuổi như
thuyết đệ tứ quốc tế, thuyết giải phóng dân tộc,
thuyết quốc dân và chống ngoại xâm, thực dân mới cũ.
Dĩ nhiên có nhiều người sẽ tiếp tục "công tác" như
trước 1954, sẽ vào tù hoặc vô bưng, tập kết, hay sẽ
bị bắn chết khi vượt ngục như Dương Tử Giang. Những
nhà đệ tứ Thiên Giang, Thê Húc sẽ đi vào con đường
thuần giáo dục, Tam Ích sẽ pha Phật giáo nhưng vẫn bế
tắc đến phải tự kết liễu cuộc đời, Hồ Hữu Tường
xét lại thuyết của mình sau khi bị tù vì làm quân sư cho
tướng Bảy Viễn nhưng sẽ vẫn không thuyết phục được
nhiều người, Phú Ðức Nguyễn Ðức Nhuận, Tô Nguyệt
Ðình Nguyễn Bảo Hóa, Quốc Ấn, Phi Vân,... sẽ hoạt
động báo chí, Thẩm Thệ Hà sẽ chuyên hơn về giáo
khoa, Sơn Khanh,.. sẽ bỏ viết, làm luật sư và thủ
tướng, vv. Vũ Anh Khanh sẽ tập kết và vượt tuyến
trở lại và sẽ bị bắn chết nơi đất nước bị qua
phân. Lý Văn Sâm sẽ vô bưng khi đã lộ, riêng Thái
Bạch, Sơn Nam, Trang Thế Hy,... sẽ nằm vùng vững vàng!

Trong bầu không khí đó, các nhà văn thuần lục tỉnh và
Sài Gòn sẽ làm gì? Trước hết, họ tụ tập hoạt động
báo chí và xuất bản. Các nhà xuất bản Phạm Văn Tươi,
Phù Sa, Bến Nghé, Nam Cường,..., các nhật báo Tiếng
Chuông, Sài Gòn Mới, Sài Gòn Mai, Tia Sáng,... và các tạp
chí Nhân Loại, Ðời Mới, Mới, Sinh Lực, Ðông Phương,...
sẽ là đất văn nghệ chính của các nhà văn miền Nam này
trước khi họ sẽ hội nhập vào dòng văn học "miền Nam
cộng hòa" với các tạp chí Phổ Thông, Văn Học, Văn,
Bách Khoa, Nghệ Thuật, vv. Tạp chí Nhân Loại ra đời năm
1956 (có thời do Ðông Hồ làm giám đốc) chuyên về văn
nghệ và ít về nghị luận chính trị. Ðời Mới của
nhóm Trần Văn Ân, sẽ đóng cửa khi ông Ân bị bắt ở
Rừng Sát, là tạp chí có nhiều ảnh hưởng về chính trị
cũng như văn học nghệ thuật t rong khi tờ Ðông Phương
của Hồ Hữu Tường chỉ chuyên về chính trị, cổ võ
thuyết trung lập. Về sau có thêm báo chí Phật giáo như
Giữ Thơm Quê Mẹ, Hải Triều Âm, Vạn Hạnh. Giai đoạn sau
tiêu biểu có tờ Hoà Ðồng do Hồ Hữu Tường chủ trương
tổng hợp văn minh mới và Cấp Tiến của nhóm Nguyễn Văn
Bông với chủ trương như một thay thế những thế lực
chính trị cổ truyền đã "mỏi mệt"!

2. Các Nhà Văn:

Một cách tổng quát, tạm có thể phân biệt một số khuynh
hướng chính:

- phong tục và đời sống nơi vùng đất mới khai hoang và
phù sa: Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Xuyên, Vương Hồng
Sển, Mộng-Tuyết thất tiểu -muội,...

- xã hội và đời sống thị tứ: Nguyễn Thị Thuỵ Vũ,
Hoài Ðiệp Tử,...

- chính trị, đấu tranh: Phạm Thái, Thẩm Thệ Hà, Trang
Thế Hy,...

- tình cảm, lãng mạn, diễm tình bình dân: Ngọc Linh, Sĩ
Trung, Dương Hà, Phú Ðức, bà Tùng Long, Phi Long, Dương
Trữ La, Thanh Thủy, Trọng Nguyên...

- luận đề, triết lý và tôn giáo: Hồ Hữu Tường,
Phạm Công Thiện,...

* PHẠM THÁI, tên thật Lê Phùng Thời, thuộc nhóm Tự Quyết,
tác giả tập Truyện Năm Người Thanh Niên (1954) và truyện
dài Nhà Lá đăng dở dang trên báo Tự Quyết bị đình bản
năm 1955. TNNTN, một tiểu thuyết luận đề trình bày dưới
hình thức trên ba mươi lá thư và trích hồi ký, là chuyện
của Hữu, Lưu, Phương, Ngọc, Trang, năm thanh niên thanh nữ
sống buổi giao thời mà cách mạng như là giấc mơ. Thanh
niên đầy nhiệt huyết sẽ làm gì? Làm nhiều tiền, hay
đi tu, hay làm cách mạng? Chính Thu người yêu của Phương
sau là vợ Hữu tuy chỉ là nhân vật được nói đến nhưng
lại đóng vai chính giúp người đọc hiểu các nhân vật
chính. Ðoạn thư Trang gửi Phương:

"Thì ra chỉ có sự hy sinh của thằng chiến sĩ như mầy
mới hoàn toàn cao quí vì nó không hề tơ vương, ích kỷ,
không bao giờ hóa thành khô khan và vô bổ được. Người
ta có thể thành nghệ sĩ vì bản tính thiên nhiên, vì tình
yêu, vì tự ái, vì bị đời khinh bạc. Người ta thường
đi tu vì bị một mối thất vọng lớn, vì không đủ nghị
lực gánh chịu phần đau khổ của kiếp người. Nghệ sĩ
như kẻ tu hành đã chọn con đường nghệ thuật vào đạo
lý để tìm chốn dung thân. Riêng người chiến sĩ lấy
dân tộc làm lẽ sống, lấy cách mạng làm nguồn vui, chiến
sĩ đã can đảm nhìn vào sự thật nhận lấy thử thách,
tình nguyện hiến thân mình làm chất vun bón đóa hoa Sinh
Tồn cho nòi giống. Lặn lội nơi rừng sâu, núi thẳm,
tàn phế... mòn mỏi... phơi xương nơi hoang đảo, chiến
sĩ có bao giờ đòi hỏi chút gì bù lại đâu, họ chỉ thấy
cần phải làm bổn phận...".

Một đoạn trích khác về Sài Gòn đầu thập niên 1950:

"Trời đất ơi! Bỏ xe ngoài đường đi thăm lòng vòng xóm
lao động Bàn Cờ một hồi lâu mới đến cái ổ chuột
của tụi nó. Trang mò mãi trong bóng tối mới mở được
cánh cửa đánh diêm đốt đèn cho thằng Chương mở tủ
lấy xấp tranh ra cho tao xem. Ðèn dầu lửa tù mù, nhà thấp
xùm xụp, bít bưng, nóng tháo mồ hôi. Tao xem chẳng thấy
hay đẹp gì ráo trọi nhưng cũng khen bừa rồi bỏ hai trăm
bạc mua bức tranh, vẽ cô thiếu nữ mơ màng trước rèm
trúc..." (Thư Hữu gửi Ngọc).

Vào thời sùng sục kháng chiến và đấu tranh của đầu
thập niên 1950, truyện TNNTN của Phạm Thái đã là một
biến cố quan trọng, một văn nghệ mới và đi lên, một
văn nghệ cho tiến bộ và cải cách xã hội, tiếp nối con
đường của Quốc Ấn, Sơn Khanh, Vũ Anh Khanh,...

Nhưng ba nhà văn trội bật của dòng văn chương lục tỉnh
thời này là Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam và Hồ Hữu Tường.
Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc về sau lại có khuynh hướng
viết biên khảo và hai ông đều đã có những đóng góp
đáng kể: Sơn Nam viết Văn Minh Miệt Vườn, Bến Nghé
Xưa, Cá Tính Của Miền Nam,...; Bình Nguyên Lộc còn là
tác giả Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam và Lột
Trần Việt Ngữ.

* BÌNH NGUYÊN LỘC từng theo kháng chiến, bỏ về thành,
"kháng chiến thành" - bỏ không trở lại làm công chức
Kho Bạc cho Pháp, làm báo, ra tuần báo Vui Sống và viết
truyện. Sinh trưỡng ở làng Tân Uyên (Biên Hòa), "lục
tỉnh" từ bút hiệu và tên nhà xuất bản của ông, Bến
Nghé, ông có bài đăng báo từ năm 1943 (truyện Câu Dầm,
tuần báo Thanh Niên, Sài Gòn, 1943) và đã nỗi tiếng trước
thời 1954 với tập truyện ngắn Nhốt Gió xuất bản năm
1950. Tập truyện và tùy bút đầu tay Hương Gió Ðồng Nai
viết xong năm 1942 nay chỉ còn dấu vết một vài bài đã
đăng báo và tập truyện dài Phù Sa viết dở dang là những
gửi gấm tâm sự của ông - ông muốn làm sống lại cuộc
Nam tiến vĩ đại của đồng bào Nam Ngãi để mở mang bờ
cõi miền lục tỉnh, qua chuyện những người tiên phuông đã
khai phá làng Tân Uyên bên bờ sông Ðồng Nai cũng là quê
hương của ông. Ông nỗi tiếng vì truyện ngắn hơn là
tiểu thuyết và vì tác phẩm của ông gợi lại cảnh vật
quê hương, đất nước như ông đã có lần xác nhận:
"Văn tôi bắt nguồn từ những cảnh đẹp của quê hương
và lòng nhớ nhung tha thiết của tôi với nó, chớ không
phải vì ái tình, vì yêu đương tác động..." (4). Chỉ lên
Sài Gòn sinh sống, làng Tân Uyên của ông không xa xôi gì
mà đã khiến ông nhung nhớ! Thời 1954-1975, ông đã xuất
bản các tập truyện Ký Thác (1960), Tâm Trạng Hồng (truyện
vui, 1963), Mưa Thu Nhớ Tằm (1965), Tình Ddất (1966). Phần
còn lại là các tập tiểu thuyết có tính cách bình dân vì
phần lớn viết đăng từng kỳ trên các báo, riêng các
tựa đề cũng đã nói rõ: Gieo Gió Gặt Bão, Ái Ân Thâu
Ngắn Cho Dài Nhớ Thương, Nửa Ðêm... Trảng Sụp, Xô Ngã
Bức Tường Rêu, v.v.

Truyện dài nỗi tiếng nhất của ông là cuốn Ðò Dọc đã
được giải thưởng văn chương năm 1960. Ðò Dọc là bức
tranh xã hội miền Ðông Nam phần giữa thập niên 1950,
những cảnh sống sẽ sớm mất sau đó. Ông bà Nam Thành
buôn bán va -li sống nhờ đám lính Tây thuộc địa, nay
Tây thua phải rút khỏi Việt Nam, buôn bán bắt đầu khó
thì Sài Gòn lại có giao tranh giữa các giáo phái. Ông bà
bèn tính bỏ Sài Gòn dọn về trang trại ở Thủ Ðức gần
suối Lồ Ồ. Họ không có lựa chọn khác dù nhà có bốn
cô con gái tuổi từ 22 đến 28 đều chưa chồng. Bốn chị
em hay đi dạo xóm, dĩ nhiên sẽ có những nhân vật địa
phương xuất hiện tán tỉnh làm quen. Những đụng chạm
giữa quê và tỉnh:

"Quờn là một công tử nhà quê, hạng người mẫu. Vì ở
gần thành phố quá, mặc dầu thành phố ấy chỉ là một
quận lỵ, công tử Quờn lại mang thêm một cố tật dĩ
nhiên là muốn thành người thành thị. Thành không được,
Quờn lai căn một cách dị hợm với những bộ bi - da - ma
màu hường, màu xanh lá cây mà cậu mặc mãi từ sáng
đến tối, từ trong buồng ra đến quận lỵ. (...) Từ
ngày xóm tiếp nhận nữ khách mới thì cậu xức nước
hoa chế tạo ở Chợlớn và nhét mù xoa nhỏ có thêu chéo
xanh xanh đo đỏ trên miệng túi bi - da - ma. Cậu diện
thêm một cây đàn băng cầm, cứ chiều chiều xách nó ra
đường, không khảy vì chưa biết chơi, nhưng cắt nghĩa lu
bù về nhạc cụ ấy, với đám trẻ con bu quanh cậu. (...)
Trong cái lần đầu ấy, thấy Quờn liếc lén mấy chị em,
Hoa tấn công ngay:

- Chào cậu hai. Ði dạo mát với chị em tôi chơi, cậu.
(...) Quờn đứng chết sững và ngậm câm, còn hai cô Hoa
và Quá thì rũ ra cười; cô Quá cười no rồi nói:

- Hay là cậu mặc áo hường rồi chê áo đen của chị em
tôi mà không muốn đi chăng? (...)

Một bữa khác, được nói chuyện với mấy chị em Hoa,
Quờn sẽ để lộ cái "dốt":

"Quờn mặc bi - da - ma bằng vải ú màu xanh lá cây, đầu
chải brillantine Chợlớn sực nức mùi chanh, cổ đeo giây
chuyền vàng khè, tay nặng trịu nào lắc vàng, cà rá vàng
và đồng hồ cũng bằng vàng. (...)

- Ðộ rày cậu làm gì, cậu hai? Hoa lại hỏi.

- Cũng hổng cần làm gì. À tôi có tự túc một bầy gà
Huê -kỳ, coi bộ tương lai quá khứ?

Cả bốn chị em đều ngạc nhiên, không hiểu cậu ta nói
cái gì mà lại tự túc và có tương lai quá khứ?

- Tự túc là gì cậu? Hương hỏi thật tình.

- Tự túc là nuôi, chớ là gì.

- Vậy hà, còn tương lai quá khứ?

- Tương lai là tương lai, còn quá khứ là quá sá. Tiếng
mới mà. Tôi nghe họ nói hay quá, nên tôi bắt chước
dùng theo. Ðời bây giờ họ bày ra nhiều tiếng mới
hay lắm. Thí dụ phạm tội, họ nói phạm vi. Thù vặt họ
nói cá nhân, nghe hay quá khứ. Hoa và Quả núp sau lưng
hai chị mà cười đến chảy nước mắt. (...) (XT tb,
tr. 72-75).

Vì ở gần đường thiên lý nên hay xảy ra những tai nạn
xe cộ và ba trong bốn cô con gái Thái huyên trang sẽ gặp
được người ưng ý trong số những thanh niên bị tai
nạn xe.

Tập Ký Thác (1960) gồm nhiều truyện ngắn đặc sắc của
Bình Nguyên Lộc. Rừng Mắm đưa người đọc trở lại
thời khai khẩn miền đất mới. Hồn Ma Cũ, Rung Cây Dừa,
Người Tài Xế Ðiên, vẽ những cảnh đời và nơi chốn
đã dần biến mất. Hồn Ma Cũ, Ba Con Cáo, Ba Sao Giữa
Trời là những tuyệt tác đầy ngạc nhiên thích thú. "...
Hình ảnh uống cà phê bằng dĩa này, như bấm vào nút
điện, và cả bộ máy được huy động. Những người
của dĩ vãng như hồn ma, lũ lượt kéo qua trước mặt
chàng. Hồn ma cũ ấy chỉ hiện về được trong cảnh náo
nhiệt này là vì có cuộc trùng phùng cơ hội như hôm nay:
thời gian, nơi chốn, màu sắc, hình ảnh, mùi vị, tiếng
động, âm thanh; tất cả những thứ ấy đủ mặt, họp nhau
để huy động ký ức của chàng" (Hồn Ma Cũ).

Mưa Thu Nhớ Tằm (1965) gồm 16 truyện và một kịch ngắn.
Những mảnh đời và lòng người trước những nghịch cảnh
và đổi thay của thời gian. Miền Nam sống động qua một
số phong tục địa phương và dấu chân thời gian, nhất là
qua truyện tuổi già Tre Phải Tàn và Quyển Gia Phổ. Tập
truyện Quán Bên Ðường có truyện Quán Tai Heo viết về
nhà thơ Minh Phẩm trong đó có một bài thơ của nhà thơ
sau được Phạm Duy phổ nhạc và nhiều người vẫn nghĩ
là của Bình Nguyên Lộc. Toàn bộ tác phẩm của ông gồm
trên 1000 truyện ngắn và gần 50 truyện dài nhưng xuất
bản chỉ được một phần nhỏ. Những truyện ngắn cuối
đời ông viết thiên về khám phá nhân chủng và ngôn ngữ
(Trong khi trước đó đôi bận ông đã để lộ sự lưu
tâm thường trực này của ông, như một đoạn lạc lõng
trong tiểu thuyết Ðò Dọc: "Chỉ có vào ở vài ngày trong
một làng dựa sông Ðồng Nai trên Biên Hòa, cảnh đẹp hơn
dưới mình, người rất văn vật, và lòng người, chí
rất Việt Nam chớ không phải là tao loạn tâm hồn Cao Miên,
Ấn Ðộ, Trung Hoa như ở vài làng dưới ta là cái ngã ba
văn hóa Hoa Ấn" (tr. 65).

Nhìn chung, Bình Nguyên Lộc thiên về phân tích tâm lý,
về đời sống con người ở miền Ðông và ở thị thành.
Ông vẫn thiên vị cho rằng con người miền Ðông "văn minh"
hơn con người ở miền dưới, miền Tây. Các nhân vật
nam của ông hơi dễ dãi, không rõ nét "nam" như các người
nam trong tiểu thuyết của Sơn Nam. Chuyện tình Bình Nguyên
Lộc ít éo le, thường là đôn hậu, nhẹ nhàng! Không khí
tiểu thuyết của ông vui, lạc quan và ông nhiều khi lạm
dụng nhiều đối thoại hoặc sa đà đi vào lãnh vực nghiên
cứu, lý luận. Bình Nguyên Lộc còn là một nhà thơ; ông
có tập Thơ Tay Trái và một cuốn tiểu thuyết bằng thơ,
Thơ Ba Mén. Ðoạn khai từ Thơ Ba Mén như sau:

"Lạnh thấm lòng, mưa mai lác đác,
Quán bên hè, uống tách cà phê.
Nhìn ghe bồng chạnh tình quê,
Rưng rưng nước mắt: tư bề người dưng.
Bến Ông-Lãnh màn mưa bao phủ,
Ghe thương hồ ủ rũ dưới kia
Ghe ơi, vài bữa ghe về,
Nhắn người dưới ruộng, cô Quì còn không?
Mùi đất nước ruộng bùn phảng phất
Nhớ cố hương ngây ngất lòng sầu
Năm năm, bao cuộc bể dâu?
Phút giây ôn lại như hầu hôm qua (...)"

Tập truyện ngắn Tình Ðất mở đầu với bài thơ "Dâng
Má Thương":

"Từ đáy thời gian, dậy tiếng ru
Ù ơ lời má, giọng trầm phù,
Má ơi, hồn đất bao năm thiếp,
Bỗng chốc trưa nay vắng, tít mù...
Kẽo kẹc xà nhà tiếng võng đưa,
Ðâu đây đồng vọng cõi xa xưa;
Thổ ngơi thơm phức; hồn ma cũ.
Lòng rộn vui mà mắt lệ mờ (...)

Cá tính miền Nam lục tỉnh đã rõ rệt trong nhiều tác
phẩm của Bình Nguyên Lộc, qua ngôn ngữ, nhân vật và
một tình yêu đất đậm đà của tác giả. Rõ rệt, vì
Bình Nguyên Lộc ý thức sứ mạng văn chương của mình.
Cá tính này, ngoài Bình Nguyên Lộc, còn lộ rõ hơn nữa
với nhà văn Sơn Nam.

* SƠN NAM nỗi tiếng về những truyện ngắn về miền
Nam thời khai phá, ở lưu vực sông Cửu Long mà ông coi
là vùng đất linh thiêng, lòng người ngay thẳng nhưng
cương trực, dứt khoát và trọng chữ tín. Có thể nói
toàn bộ tác phẩm ông như một thiên anh hùng ca về những
con người đã khai phá vùng đất mới, đầy hào hùng và
có khi có tính cách huyền thoại. Văn ông hồn nhiên như
kể chuyện. Ông từng được giải văn chương Cửu Long
của kháng chiến với Bên Rừng Cù Lao Dung. Cộng tác với
nhiều tạp chí và nhật báo, ông cùng Ngọc Linh lập nhà
xuất bản Phù Sa. Sau 1975, mọi người biết ông đã "nằm
vùng" cho Việt cộng. Tác phẩm của ông: Hương Rừng Cà
Mau (1962), Chim Quyên Xuống Ðất (1963), Hình Bóng Cũ (1964),
Hai Cõi U Minh (1965), Vọc Nước Giỡn Trăng, Vạch Một Chân
Trời (1968), Bà Chúa Hòn (1969), v.v.

Hương Rừng Cà Mau là một thiên anh hùng ca gồm 18 truyện
đề cao những kẻ "tiên phuông" khai phá miền đất mới,
xa lạ, nhiều cạm bẫy nhưng cũng đầy thử thách cho những
người chân phải cứng. Ðề cao tình quê hương, tình yêu
đất, ghi lại những hình ảnh xinh đẹp trước khi biến
mất với thời gian.

Chuyện người dân ở hòn Cổ Tron, ở rừng U Minh Hạ, vùng
Xẻo Bần, rạch Bình Thủy, chuyện Phật thầy Tây An núi Sam,
chuyện miễu bà Chúa Xứ, v.v. Hương rừng như một khám
phá thích thú nơi vùng đất hãy còn hoang sơ: "... Con rạch
quá nhỏ, uốn ngoằn ngoèo như ruột ngựa nối liền qua
những lung, bào, tròn tròn méo méo như hình mấy cái bao
tử, gan, lá lách... Sậy mọc khỏi đầu. Hương rừng ngào
ngạt, mùi hương xa lạ nhưng rất quen thuộc. Thằng Kim hít
mạnh để hửi cho kỹ, để nhớ cho rõ nhưng nhớ mãi không
ra. Chợt ngẩng đầu lên, nó trố mắt. Rừng cơ hồ không
còn chiếc lá nào cả! Trên hàng vạn nhánh to nhánh nhỏ, bàn
tay thần nào rắc lấm tấm hằng hà sa số đợt bông gòn,
không phải riêng trước mặt mà khắp các tứ phía. Rừng
sáng lạn, ai dám nói là rừng âm u? Bông kết oằn sai, mịn
màng, trắng tuyết; đài, cánh đâu không thấy chỉ thấy
toàn là nhụy ngọt. Nó buột miệng:

- Rừng cây gì vậy? Chú Tư.

Tư Lập day lại, cười vang:

- Thằng quỉ! Hửi mà không biết mùi mật ong sao? tràm
chớ giống gì! Muôn ngàn hủ mật ong của trời ban xuống
cho trần gian còn treo lủng lẳng như mù sương trên nửa
lừng đó. Hửi vô thì say. Say thì không tỉnh được. Có
người toan dùng nó mà luyện thuốc trường sinh, từ trăm
năm nay..." (Hương Rừng)

Nơi vùng đất mới đó, đời sống sẽ khó khăn như khi
nước sông Hậu dâng. Thằng Nhi trong Mùa "Len" Trâu phải
dẫn trâu tới núi Ba Thê để tránh mùa nước lên. Khi
"nước giựt xuống", thằng con về nhưng ăn nói đã học
đòi dân anh chị: "Ð.m. chết hết một con. Ðem cặp sừng
bộ da của nó về nè! Nặng gần chết. Ð.m, không lẽ
bỏ luôn". Nó còn biết thêm hút thuốc rê, nhâm nhi rượu
đế và tay cùng bụng xâm đầy những chữ "ngũ hồ tứ
giải giai huynh đệ", "ái tình vạn tuế". Tâm tính con
người thay đổi vì cuộc sống khó khăn.

Nhưng cũng có những cảnh trai gái tình tứ: "Con Lài nhìn
dòng nước uốn khúc qua voi, qua vịnh như con rắn bò, thứ
rắn có khoang màu vàng, con rắn hổ sơn. Nó bụm mặt lại
để che cái hình ảnh đó. Nhưng nào được! Kìa chiếc
xuồng của thằng Lợi bơi lướt tới, vạch ra hai làn bọt
nước lốm đốm trắng như con bạch hoa xà... Lập tức nó
xuống bến, bơi theo, mãi đến khi xuồng thằng Lợi ghé
bên bờ đìa, kế gốc cây bình bát. Thằng Lợi day lại
cười:

- Ði đâu vậy cô Hai... rắn bông súng?

Con Lài sực nhìn chiếc áo có bông đang mặc. Nó e thẹn,
liếc thằng Lợi:

- Em giống như con rắn bông súng. Còn anh, áo đen mốc như
con rắn hổ đất. Cười em làm chi.

- Rắn đâu dám cười rắn. - Nó vừa nói vừa nắm tay
con Lài. Con Lài rút tay ra cho có lệ. Nó bước qua xuồng,
ngã vào lòng thằng Lợi.

- Anh à!

- Cái gì đó, hở rắn!

- Thiên hạ thấy, họ cười chết.

- Ai thấy mà cười? chung quanh đây cái gì cũng là rắn
như hai đứa mình. Thí dụ như mấy sợi dây choại, dây bòng
bong kia...

Con Lài gật đầu:

- Phải, dây choại, dây bòng bong giống như rắn lục, nó xanh
tươi. Còn đám cỏ bồn bồn đằng kia, nó dẹp lép quả
thật là rắn lá... Nhánh củi khô, kế đó, anh thấy không
anh Lợi?..." (Cây Huê Xà).

Về phần các tập tiểu thuyết, Vạch Một Chân Trời viết
về lịch sử vùng đất Cái Tàu với những chuyến săn
vàng đẫm máu, Bà Chúa Hòn kể chuyện âu mưu soán đoạt
ngôi vị chúa tể ở một vùng đất mới. Nhưng Chim Quyên
Xuống Ðất là một thất bại về xây dựng tiểu thuyết
và đề tài cũng... lộ tẩy vì ông muốn đề cao giới
thanh niên và trí thức miền Nam thời kháng Pháp - kín đáo
khiêu gợi những giới đó thời ông vốn chợt có những
băn khoăn ở vào cuối chế độ đệ nhất cộng hoà! Nói
chung, văn chương Sơn Nam nặng nề nam-tính, cần thiết cho
các nhân vật sống vào thời khai phá miền Tây, những "anh
hùng hảo hán lục lâm giang hồ", những tay "tứ chiến" xâm
đây mình, thời chống Pháp,... Trong khung cảnh đấu tranh
đó, vẫn có những đoạn văn cảm hoài nhẹ nhàng: "Ngồi
đây mà nhớ đến cái thời xuân xanh năm nào! Nó như
chiếc lá già rụng, mục nát trở về lòng đất để làm
phân cho những cây tơ khác đâm lộc nẩy hoa. Nó như một
chiếc xuồng cũ kéo lên trên đất khô, phơi dưới ánh
nắng gay gắt. Còn đâu hơi gió cũ? Còn đâu ánh trăng
xưa? Còn đâu hơi thở, còn đâu dáng người? Còn đâu
bên sông "nhánh bần gie con đóm đậu"? (HRCM).

* HỒ HỮU TƯỜNG một thời vẫy vùng với nhóm đệ tứ
quốc tế, sau đình chiến, ông ra báo Phương Ðông (1954)
cổ võ cho thuyết trung lập và làm cố vấn cho nhóm Bảy
Viễn nhưng ông bị quân đội dẹp loạn bắt tại Rừng Sát
và bị tù ở Côn Ðảo đến sau đảo chánh 1-11-1963. Ra tù,
ông lại ra báo, tờ Hòa Ðồng, mở nhà xuất bản Huệ Minh
chủ yếu in sách của ông và viết rất nhiều bộ tiểu
thuyết, lúc thì kể chuyện thời thơ ấu, lúc dựng lại
không khí đấu tranh ở trong Nam phần trước và sau thời
kháng chiến chống Pháp, lúc thì lập thuyết để cứu
rỗi nhân loại và thường cứu rỗi nước nhà. Ông đưa
ra thuyết tổng hợp mới, hợp ba nền văn minh mà ông gọi
là kỹ sư (khoa học), chánh ủy (chính trị) và tu sĩ (triết
lý, tôn giáo). Sau cùng ông lại đề nghị bỏ thuyết trung
lập chế và đưa ra giải pháp "siêu lập", Việt Nam thành
lãnh thổ Liên Hiệp quốc.

Ông để dấu văn nghệ qua Chuyện Con Thằn Lằn Chọn
Nghiệp (1953, in trong Nợ Tinh Thần, 1965) và cuốn Thằng
Thuộc Con Nhà Nông (1966). Truyện CCTLCN được nhiều độc
giả và nhà văn chọn là một trong những truyện ngắn hay
nhất trong cuộc phỏng vấn của Nguiễn Ngu Í trên tạp chí
Bách Khoa đầu thập niên 1960. Còn Thằng Thuộc Con Nhà
Nông là cuốn đầu được xuất bản của bộ Một Kinh
Nghiệm Sống, truyện tự thuật kể kinh nghiệm sống và
thời thơ ấu của tác giả ở làng Thường Thạnh (Cái Răng,
Cần Thơ) dưới thời Pháp thuộc. Các bộ truyện Phi Lạc,
Hồn Bướm Mơ Hoa và Thuốc Trường Sanh, v.v. sẽ đưa người
đọc vô những mê hồn trận lý thuyết và nhiều khi thần
bí hơn là những cuộc đời thú vị và bình dị của con
người miền Nam! Ðó cũng là khuyết điểm chung trong toàn
bộ tác phẩm của nhà "lập thuyết" họ Hồ tự cho là dòng
dõi Quang Trung Nguyễn Huệ!

Ngoài ra Lê Xuyên, An Khê, Ngọc Linh, Dương Hà, Phi Long, bà
Tùng Long,... cũng sáng tác mạnh dù các nhà văn này ít
làm văn chương hơn là viết tiểu thuyết.

* LÊ XUYÊN viết nhiều về đời sống phong phú của người
đồng quê miền Nam: những mối tình thắm thiết, những
gay cấn ly kỳ của cuộc đời, những kinh rạch chằng chịch,
những ẩm ướt của thời tiết và dục vọng con người,....
Viết về đồng quê những vùng Rạch Giá, Hà Tiên, Cần
Thơ,... nhưng ông nỗi tiếng vì các nhân vật trong Chú
Tư Cầu, Vợ Thầy Hương, Rặng Trâm Bầu sống bồng bột
tự nhiên đến độ buông thả theo bản năng. Dù sao cũng
phải nhìn nhận ông đã có công ghi lại văn nói đặc biệt
của người nhà quê, nhất là ở thành phần thanh niên
thiếu nữ. Nói như Mai Thảo, Lê Xuyên "có thôn quê trong
tâm hồn" (Lời tựa Chú Tư Cầu). Văn đối thoại tự
nhiên, trong sáng, có ý vị duyên dáng đặc "lục tỉnh".
Xuyên qua các tiểu thuyết của Lê Xuyên, người tinh ý sẽ
nhận ra ông còn muốn vẽ lại chân dung người dân quê sống
thời Pháp thuộc và Nhật thuộc, lúc nào họ cũng chân
chất, đôn hậu ngay cả khi tức giận cũng như khi tỏ lòng
yêu nước, họ cũng chừng mực, chậm chạp - khiến dễ bị
hiểu lầm họ cam chịu dễ dàng! Hoặc một vài "anh hùng"
kháng chiến, họ chống Pháp cho "sướng" hơn là cho "được"!
Kinh Cầu Muống, Nguyệt Ðồng Xoài, Người Chờ Góa,...
viết sau, có liên hệ nhiều hơn đến cuộc chiến lúc
bấy giờ, những con người bất đắc dĩ phải tham gia
cuộc chiến! Lê Xuyên có một số truyện ngắn đăng trên
các tạp chí Khởi Hành, Nghệ Thuật, như Cuối Giờ Hưu
Chiến,... có giá trị nghệ thuật.

* NGỌC LINH: dịch giả và tác giả trên 60 xuất bản phẩm
trong đó 20 ký Ngọc Linh. Ông bắt đầu viết bằng truyện
ngắn từ năm 1957 (Chị Hà) và có nhiều tiểu thuyết được
quay thành phim và cải thành tuồng cải lương: Trên Sông
Hoàng Hôn, Ngã Rẽ Tâm Tình,... nhưng với Ðôi Mắt Người
Xưa, ông đã cố gắng "làm văn chương" dù bị hệ lụy
"feuilleton" đăng báo. Tiểu thuyết của Ngọc Linh có hai
đặc điểm: đề cao tâm hồn phụ nữ Việt Nam, sự hy
sinh và chịu đựng của họ, và thứ nữa, chuyện thường
gây cấn, bi đát nhưng kết cục luôn có hậu, dù là chuyện
thời chiến có những bất ngờ. Tiểu thuyết ông khai thác
những khúc mắc tình cảm: hai vợ, hai chồng, hai chị em cùng
yêu một người, anh rễ và em gái vợ, những ngộ nhận và
hy sinh. Kết có hậu theo luân lý bình dân miền lục tỉnh,
mà lạc quan, vì "thiện ác đáo đầu chung hữu báo", những
nhân vật biết phục thiện: "Xin cha cứ yên lòng, con sẽ
không bao giờ sa chân như trước nữa đâu. Con sẽ ra sức
làm việc và sẽ vươn lên trong cuộc đời, như bao nhiêu
người khác" (ÐMNX). Tiểu thuyết của ông dù vậy đã có
công cho thấy những tâm hồn trữ tình hồn nhiên của con
người lục tỉnh: "Dòng sông này buồn quá phải không cô?
Nhất là trong những buổi hoàng hôn như chiều nay (...) tôi
lại nghĩ đến những ngày vui rồi hết, những cuộc gặp
gỡ rồi ly tan, những người yêu nhau rồi chia cách..." (TSHH).

* Bà TÙNG LONG tác giả nhiều tiểu thuyết "feuilleton" đăng
nhiều kỳ ở các nhật báo như Sài Gòn Mới sau một số in
thành sách như Lầu Tỉnh Mộng, Chúa Tiền Chúa Bạc, Hoa Tỉ
Muội, Tình Và Tiền, Những Kẻ Có Lòng,... Truyện của bà
không nặng về phân tích tâm lý và không tình tiết phức
tạp. Ngược lại truyện của bà có tính cách luân lý và
tình tiết hợp tâm lý thông thường của đại chúng. Ðối
với những người chia chiếu văn nghệ thì bà không được
coi là nhà văn, càng khó là nhà văn lớn. Tuy nhiên nếu
muốn nghiên cứu tâm tình, nếp sống con người miền Nam
những thập niên 1940, 1950 và cả 1960, không thể bỏ qua các
truyện của bà. Hơn nữa bà vẫn được nhắc nhở đến
như tiêu biểu cho một khuynh hướng văn nghệ ở miền Nam,
khuynh hướng viết như nói, viết như nghĩ, không uốn cong
nếp suy nghĩ và cả lời nói của nhân vật như các nhà văn
khác nhận ảnh hưởng ngoại quốc. Chính nhà văn Duyên Anh
đã nhiều lần đề cao bà như tiêu biểu cho khuynh hướng
này. Tuy nhiên các truyện của bà thường dùng lại truyện
của Pháp; cái đóng góp nếu có của bà chỉ ở những đối
thoại, văn nói.

Nếu Sơn Nam, Lê Xuyên, An Khê, Ngọc Linh và Hồ Hữu Tường
đưa vào văn chương tiếng nói và đời sống của người
miền Tây và Bình Nguyên Lộc miền Ðông, thì Nguyễn Thị
Thuỵ Vũ thuộc thế hệ mới đã bị đô thị hóa, sẽ đưa
vào văn chương lời ăn tiếng nói của người Sài Gòn. Miền
Nam trong văn chương bà là một Sài Gòn thị tứ với những
cuộc sống tân thời và những vấn đề của thời mới,
chuyện các cô gái lỡ thời, gái bán bar, me Mỹ và làm
sở Mỹ (Mèo Ðêm, Thú Hoang, Lao Vào Lữa,...) Sau 1972, bà
đã đưa đời sống "miệt vườn" vào tiểu thuyết, phần
lớn nói về giới giàu có.

3. Các Nhà tHơ:

Trên tuần báo Ðời Mới năm 1953, Ðại Mạch, người giữ
mục Tin Thơ, đã tiếp ý nhà văn vắn số Triều Sơn của
Con Ðường Văn Nghệ (1949) cổ động cho một loại thơ
gọi là tự do. Tuy nhiên thơ tự do chỉ thật sự có hình
dạng vì được nhiều nhà thơ dùng để sáng tác khi tạp
chí Sáng Tạo ra đời tháng 10-1956. Sáng Tạo sẽ là diễn
đàn của những người văn nghệ từ đất văn vật vào,
nhưng cũng sẽ là đất nảy mầm của những văn nghệ sĩ
miền Nam như Tô Thùy Yên, Trần Tuấn Kiệt,...

* TÔ THÙY YÊN sẽ là một ngoại lệ mỗi khi xếp khuynh
hướng. Ông sinh trưỡng ở Gia Ðịnh nhưng là nhà thơ tự
do đặc sắc của nhóm Sáng Tạo. Dù chỉ xuất bản tập thơ
đầu tay năm 1996, nhưng trước 1975, ông đã có một chỗ
đứng đặc biệt. Ông từng đăng thơ trên nhật báo Tiếng
Chuông và tạp chí Ðời Mới, Người Việt nhưng từ khi
ông đăng thơ trên các tạp chí Sáng Tạo, Nghệ Thuật,...
thơ ông đã cung cấp cho nền văn nghệ mới những khai phá
mới của một lục tỉnh hội nhập dòng nước chung. Tương
lai cũng sẽ trả lời rằng những lai láng, kể lể, pha loảng
sau này ở hải ngoại sẽ không thể so sánh với những thu
gọn, kín đáo, thâm trầm sáng giá của thơ ông trước 1975.
Tinh tế của chữ dùng, của tâm hồn gói ghém trong lời,
những hình ảnh xử dụng và nhạc điệu đã là của riêng
ông. Khắc khoải của phận người và bi đát của cuộc sống
là ý chính mà ông muốn giãi tỏ qua thơ sau khi đã vận dụng
lý trí. Dù gì trong thơ họ Tô, miền Nam lục tỉnh vẫn đầy
dẫy, qua một lăng kính!.

"Anh buông ghềnh ưu tư thoát theo giấc ngủ
Con nước quánh đen cuồng bạo của đêm khuya
Ðể lại phù sa lấp bằng dăm khoảng trống
Nơi niềm vui như tràm xú mọc vươn lên...
... Anh uống cà phê trong tiệm Tàu cuối chợ
Hồi tưởng những chiều động bão ở Kiên Giang
Trời biển mịt mù mình anh trên mỏm đá
Cái chết kinh...
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.