Madonna nhận con nuôi từ Malawi: Tổ chức nhân quyền đả kích, bố ruột bênh vực
Wednesday, October 18, 2006
Báo chí rình rập bên ngoài nhà của hai vợ chồng Madonna và Guy Ritchie, sau khi em bé nuôi của hai người là David Banda về đến đây từ Malawi. (Hình: Scott Barbour/Getty Images) LONDON (AFP) - Trong một lá thư ngỏ, nữ ca sĩ Madonna bày tỏ sự vui mừng vì mang được về Anh con nuôi là bé trai 13 tháng ở Malawi.
Malawi, tên cũ Nyasaland, là một nước nhỏ và nghèo ở vùng Ðông Nam Phi Châu, diện tích 45,747 square miles (khoảng 118,500 km2, hơn 1/3 Việt Nam), dân số 13 triệu, thuộc địa cũ của Anh.
Em nhỏ David Banda về tới phi cảng Heathrow, London, sáng sớm Thứ Ba. Các phụ tá của Madonna đã dùng một máy bay phản lực riêng đưa nó từ Lilongwe, thủ đô Malawi, tới Nam Phi, rồi từ đây về London bằng vé hạng nhất trên máy bay hàng không thương mại. Cuối cùng David Banda về căn nhà 3 tầng ở một con đường rợp bóng cây tại khu trung tâm London.
Trả lời những nhóm dân quyền ở Malawi về việc nhận con nuôi trái luật của quốc gia này, Madonna nhấn mạnh rằng, cùng với ông chồng Guy Ritchie, đã khởi sự tiến trình nhận con nuôi từ nhiều tháng trước và “hành động theo đúng luật lệ như tất cả mọi ai khác nhận một đứa con nuôi”. Bà mẹ nuôi 48 tuổi cho biết đã được một án lệnh tạm thời của Tòa Án Tối Cao Malawi hôm Thứ Năm tuần trước sau khi qua ở quốc gia này suốt một tuần lễ để xem xét các dự án cứu trợ AIDS do bà tài trợ.
Nhưng tổ chức Human Rights Consultative Committee (Ủy Ban Tư Vấn Nhân Quyền), một liên minh 67 tổ chức nhân quyền ở Malawi, hôm Thứ Hai đã kháng nghị lên tòa án về bản án lệnh tạm thời cho phép Madonna nhận con nuôi. Theo luật Malawi, người nước ngoài muốn nhận một đứa con nuôi phải sống tại nước này ít nhất 18 tháng và được sự theo dõi xem xét của các cán sự xã hội trước khi có đủ quyền nhận con nuôi. Bác Sĩ Justin Dzodzi, một phát ngôn viên của liên minh, tuyên bố với phóng viên AFP tại Blantyre, Malawi: “Chúng tôi cảm thấy án lệnh tạm thời đã được cấp là không hợp pháp”. Ủy Ban Tư Vấn Nhân Quyền đã nạp khiếu nại lên tòa thượng thẩm ở Lilongwe xin cho một phiên điều trần đầy đủ để họ có thể trình bày ý kiến đối với tiến trình khẩn cấp cho phép nhận con nuôi này.
Ca sĩ Madonna cũng bị nhiều tổ chức từ thiện phản đối vì theo ý kiến của họ, bà có thể sử dụng tiền bạc hiệu quả hơn, chẳng hạn như trợ giúp phòng chống bệnh AIDS hoặc lập viện nuôi dưỡng trẻ mồ côi trong đó có đúa bé mà Madonna muốn nhận làm con nuôi.
Trong bức thư ngỏ phổ biến qua Hiệp Hội Báo Chí Anh Quốc, Madonna nói “muốn mở cửa căn nhà của chúng tôi và giúp cho một đứa trẻ thoát khỏi cuộc sống cơ cực, nghèo đói và có nhiều khả năng đi đến tử vong”. Bà khẳng định rằng “Ðây là một quyết định và cam kết mà gia đình chúng tôi không xem nhẹ”. Madonna cho biết muốn nhận một đưa con nuôi dân Malawi sau khi biết rằng nước này có tới hơn một triệu trẻ mồ côi. Bà đã từng tài trợ cho việc xây cất một viện mồ côi và những dự án từ thiện khác trị giá khoảng 5 triệu đô la tại Malawi.
Louise Richards, giám đốc cơ quan từ thiện quốc tế “War on Want”, nhìn nhận hành động nhận con nuôi của Madonna là có ý nghĩa nhưng cho rằng “Bà có thể làm hơn bằng cách trợ giúp ông bố đứa bé nuôi nấng nó ở Malawi và hợp tác với chúng tôi cùng những tổ chức từ thiện khác trong việc vận động các quốc gia giàu thực hiện cam kết xóa nạn đói nghèo”.
Jane Moyo thuộc cơ quan ActinAids bày tỏ mối quan tâm là “với cả triệu những đứa bé như David Banda ở Malawi, các việc nhận con nuôi ra nước ngoài trên thực tế không thể nào giải quyết được vấn đề trẻ con nghèo đói. Việc này cần phải được thực hiện trên bình diện rộng lớn và dài hạn hơn ở tầm mức quốc tế”.
Trong cuộc hỏng vấn của tuần báo Britain's Mail hôm Chủ Nhật, Yohane Banda, ông bố của đứa bé nói rằng ông bằng lòng cho đứa con mình được nhận làm con nuôi “vì đó là cơ hội tốt cho nó được giáo dục và lớn lên khỏe khoắn lành mạnh”, sau khi mẹ nó chết sau khi hạ sinh.
Ðến Thứ Tư, trả lời thông tấn xã AP, ông công kích các tổ chức đã chỉ trích việc Madonna nhận David làm con nuôi, và nói, “Bao nhiêu người này ở đâu, sao không thấy, khi David phải chịu cực khổ trong viện mồ côi? Những nhóm gọi là nhân quyền này cần để con tôi được yên. Tôi là cha, tôi đồng ý, tôi không có vấn đề gì. Làng xã không có vấn đề gì. Mấy người này là ai mà quấy rối lên? Xin nói họ ngừng lại.”