RFI - Chủ nhật 19 Tháng Sáu 2011 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 19 Tháng Sáu 2011
Góa phụ của nhà ly khai nổi tiếng Nga Sakharov qua đời tại Mỹ

Bà Elena Bonner, vợ quá của nhà ly khai Nga Andrei Sakharov trong buổi lễ chuyển giao các tài liệu lưu trữ của ông tại Đại học Harvard, Boston.
© Bureau de presse Harvard/Jon Chase
Minh Anh
Hôm qua 18/6, bà Elena Bonner đã từ trần tại Boston, Hoa Kỳ, thọ 88 tuổi. Trong suốt 20 năm qua, bà là gương mặt chính của cuộc đấu tranh vì nhân quyền tại Liên bang Xô Viết cũ, cùng với chồng bà ông Andrei Sakharov , người từng đoạt giải Nobel Hòa Bình.
AFP đã lược lại những nét chính trong cuộc đời đấu tranh của bà. Sinh trưởng trong một gia đình cộng sản, nên ngay từ nhỏ bà Elena Bonner đã có điều kiện gặp gỡ những quan chức cao cấp cộng sản. Có thể nói, cả quãng đời của bà là những năm tháng đầy những thăng trầm. Cha bà bị bắt và hành quyết dưới thời Staline. Mẹ bà phải trải qua 18 năm bị giam cầm và lưu đày. Mãi cho đến khi Staline chết năm 1954, gia đình bà mới được phục quyền.
Từng hai lần bị thương khi làm công việc y tá trong chiến tranh thế giới thứ hai, sau chiến tranh, bà trở thành bác sĩ nhi khoa, kết hôn với một bác sĩ ở vùng Leningrade và có hai con.
Năm 1956, bà trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, một sự kiện mà theo bà « là một sai lầm to lớn trong cuộc đời ». Năm 1972, bà rời khỏi Đảng, sau vụ Liên bang Xô Viết cũ xâm chiếm Tiệp Khắc cũ (bây giờ thành hai nước Cộng hòa Séc và Slovakia). Thời điểm này, bà đã dấn thân vào phong trào nhân quyền. Nhờ vậy, bà đã có dịp gặp và kết hôn với Andrei Sakharov, một trong những cha đẻ của bom khinh khí và là một trong những biểu tượng của đối lập nổi tiếng tại Liên bang Xô Viết.
Chính bà là người đã cung cấp những tin tức về các vụ bắt bớ, kết án, lục soát cho các nhà báo nước ngoài. Bà cũng thường xuyên chuyển giao các tài liệu về nhân quyền cho các nước phương Tây. Vì những hoạt động đấu tranh nhân quyền, mà cả hai vợ chồng bà sau đó đều bị đưa đi lưu đày. Cho đến năm 1987, cả hai người được ân xá. Nhưng bà vẫn tiếp tục con đường đấu tranh sau khi được trả tự do. Bà trở thành thành viên của Ủy ban vì Nhân quyền dưới thời Boris Eltsine cho đến khi cuộc chiến với Tchetchenia xảy ra.
Thời gian gần đây, bà cũng không kiệm lời chỉ trích Thủ tướng Nga ông Vladimir Putin , người mà bà cho là một mối đe dọa cho sự tự do và Nhân quyền tại Nga.
Có thể nói, cuộc đời của bà có thể gói ghém vỏn vẹn trong ba chữ « đặc trưng, bi thảm và đẹp » như lời tổng kết của bà phát biểu cách đây hai năm tại Oslo.