Rank: Advanced Member
Groups: Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 1,407 Points: 48 Location: California, Santa An a Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
|
Đệ Nhất Kỳ Quan. ''Vũ trụ có nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt diệu nhất là Trái Tim Người Mẹ'' - Pascal- Mẹ tôi là con thứ sáu trong gia đình có tám người con. Nhà ông bà ngoại nghèo, nuôi các con bằng nghề hàng xáo. Hôm nào bà cũng quẩy đôi thúng, mua chịu thóc, gánh về, xay, giã, sàng, sẩy và hôm sau ra chợ bán lẻ. Nghèo nàn và cực khổ như thế, nên các bác chẳng ai được đến trường. Ngoại trừ Mẹ tôi và cậu Út. Có lẽ thấy Mẹ tôi ham học và có chút trí nhớ. Nên Ông Bà Ngoại đành để Mẹ tôi biết dăm, ba chữ. Hơn nữa, lúc ấy các bác đã lớn, người đi cầy thuê, kẻ đi cấy mướn. Vì vậy gia đình đã bớt chật vật. Đến khi bác Cả có cửa hàng bán gai ở phố Phú-Vinh cũng là năm Mẹ tôi giật được mảnh bằng Tiểu-học, vì thế, Bà Ngoại gửi người lên Hà-Nội, hy vọng nhà sẽ có cô Tú, cô Cử với làng nước. Bất ngờ, Bà Ngoại vắn số. Mẹ tôi đành giã từ Hà-Nội, lúc đang sửa soạn thi bằng Thành-chung. Mẹ tôi, nhỏ nhắn, duyên dáng. Có lẽ không thiếu những chàng trai rắp ranh bắn sẻ. Hơn nữa, hàng ngày ngồi trông nom cửa hàng, phụ giúp bác Cả thì đâu có thể tránh được sự lân la của các chàng cùng phố, cùng quê. Và có lẽ trong mắt Mẹ tôi cũng vương bóng một người. Bố tôi xuất hiện như nỗi oan khiên mà Mẹ tôi không thể cưỡng cầu! Vì Bác gái là Cô của Bố tôi. Bởi vậy thỉnh thoảng từ tận Cửa Bạng, Thanh-Hóa, Bố tôi ra thăm Bà. Do liên đới huyết thống này mà Bác gái muốn Mẹ tôi về làm dâu xứ Bạng! Ông Ngoại lúc này đang bệnh nặng, phải nằm một chỗ, cần người săn sóc, trong khi các anh, chị của Mẹ tôi đều đã lập gia đình. Đó là lý do để Mẹ tôi hoãn binh hay nói đúng hơn để khỏi phải lấy một người chưa từng biết mặt. Thực ra, Bác gái muốn cuộc đời Mẹ tôi nhàn hạ, bởi theo như lời bà khuyên nhủ thì phía Nội tôi thuộc loại nhà ngói cây mít, vườn, ruộng đầy đủ, thuyền bè không thiếu .v.v. Mẹ tôi đành bỏ lại sau lưng cha già bệnh hoạn, anh chị và hai em mà người rất thương yêu, bỏ lại sau lưng những kỷ niệm và ước mơ của cô gái 16 để mang theo những giọt nước mắt rải đường. Những giọt nước mắt ấy theo người bằng chuyến xe lửa vào tận xứ Thanh xa lắc, xa lơ mà ngay trong giấc mơ chưa bao giờ người muốn gặp ! Từ một nữ sinh ỏ ngưỡng cửa Diplome, từng sống ở Hà-Nội với tiện nghi điện, nước. Mẹ tôi không thể hình dung nổi một ngày người phải nhuộm răng đen, tập vấn khăn, tập nhai trầu và phải làm một ‘Huyền Trân Công Chúa’ về chốn đèo heo hút gió như thế ! Dĩ nhiên, cuộc hôn nhân của người không phải là sự buôn bán, đổi chác. Đúng hơn chỉ là sự trông cậy của người cháu với Bà Cô và cũng để thực thi lời hứa của người Cô đối với cháu. Vì vậy, sau này Bố Mẹ tôi được sự giúp đỡ của bên ngoại rất nhiệt tình, rất rộng rãi. * * * Mẹ tôi đã quen với tiếng chuông gọi mời, thúc dục lúc '' tư giờ'' buổi sớm, tiếng chuông truyền tin chính ngọ, tiếng chuông ngân nga trong gió chiều. Hiểu rõ tính nết của từng con trâu. Biết căn bệnh của lợn nái. biết mùa nào trồng loại rau nào. Biết nấu rượu, biết nuôi tằm, kéo tơ... và oằn lưng gánh lúa, gạo, xiêu người với cối xay. Biết tên từng loại cá, biết xe gai, đan lưới. Những người thân, những bạn hữu thủa trước gặp lại, không ai ngờ Mẹ tôi tháo-vát như vậy!!! Những công việc ấy Mẹ tôi phải gánh vác, vì sinh kế, vì tương lai của đàn con, vì bổn phận của một người Mẹ Việt-Nam, lấy chồng phải gánh giang san nhà chồng. Vả lại, hầu như cuộc đời của Bố tôi nằm đếm thời gian trong Trại Đầm Đùn nhiều hơn là sống với vợ con! Rốt cuộc thì Mẹ tôi cũng đành gạt nước mắt bỏ lại những giọt mồ hôi, nước mắt, xuôi Nam, dẫn theo đàn con sáu đứa, lớn nhất mười hai và đứa út chưa quá một tháng, cùng vài tay nải quần áo, khi miền Bắc thuộc quyền thống trị của Cộng Sản! * * * Miễn Nam nắng ấm, trù phú, điều này đúng với nhiều người. Nhưng với Mẹ tôi thì không đúng lắm? Đàn con sáu đứa không cha, vắng mẹ, như đàn gà con hoảng hốt chiều về. Bởi Mẹ tôi như cái cò lặn lội bờ sông! Không, không đúng hình ảnh Mẹ tôi chút nào. Mà phải nói Mẹ tôi như cái cò thảm não lặn lội góc biển, chân trời, từ tỉnh này, qua tỉnh khác. Có nhớ thương con thì thỉnh thoảng chuyến xe hàng chạy qua tỉnh lỵ, người dành chút thời gian ngắn ngủi ghé về nhà ôm đứa này, hôn đứa kia mà nước mắt ngắn dài! Có những lần người ghé về lúc các con say mê trong giấc ngủ. Chỉ vội trìu mến, hôn từng đứa rồi mang trái tim tan nát, lảo đảo ra đi. Đấy là những năm còn bình yên, chưa có bọn đào đường, đắp ụ! Tôi không thể nào quên được Mẹ tôi với vóc người nhỏ nhoi, đôi tay bé nhỏ, yếu ớt lại đủ sức kéo hàng trăm yến men từ trên xe lửa xuống. Người không nỡ ăn một dĩa cơm ngon, thậm chí không nỡ uống một ly nước đá chanh. Chỉ vì đàn con ! Chỉ vì không nỡ nhìn con mình thiếu ăn, không nỡ để con thất học, không nỡ thấy con mình thua sút con của gia đình khác. Người nào khác chim Bồ Nông, suốt đêm mò mẫm giữa cánh đồng giá buốt mùa Đông, trở về không nỡ nhìn đàn con co ro vì đói lạnh, đành lấy mỏ, moi ruột cho đàn con ấm lòng ! Khi chúng tôi có thêm da thịt, có thêm sức vóc thì Mẹ tôi thân thể hao mòn, sức lực tàn tạ. Khi chúng tôi có thêm hiểu biết, có thêm khôn ngoan thì Mẹ trở nên lẩm cẩm, trở thành lỗi thời. Chúng tôi vô tình như những con Bồ Nông con say sưa ăn gan ruột Mẹ, mê muội trong nỗi mất mát của Mẹ, khi nghe kể về những khổ đau, những vất vả, những nhớ thương của người, như là nghe một chuyện cổ tích! Và dù sau này chúng tôi đủ lông, đủ cánh rời xa sự ấp ủ của Mẹ, nhưng trái tim của mẹ vẫn hàng giờ theo từng bước chân. Những chiều nhạt nắng, bóng Mẹ im lìm trước cửa, mắt đăm đăm mong từng đứa con xa. Những đêm dưới ánh đèn dầu leo lét. Mẹ giã đậu phụng, mè trộn muối, đi thăm con đóng đồn, chốn gieo neo, nguy hiểm. Nhịp chày như nhịp tim Mẹ thổn thức, vì sợ những tai ương xẩy đến cho con! Vâng, may mắn thay! Loài Vượn kia còn thấy được cánh cung của người thợ săn giương lên để đưa lưng đỡ mũi tên cho con. Còn Mẹ tôi, Than ôi ! Nào thấy được tai họa từ đâu đổ xuống cho con mình mà che chở! Mẹ tôi sống trong lo âu, trong mong chờ khắc khoải. Bữa cơm Mẹ ăn không ngon. Giấc ngũ mê hoảng, khi chiến cuộc càng ngày càng khốc liệt, khi hàng ngày có nhiều cha mẹ già đi nhận xác con! Mẹ tôi mừng rỡ biết bao, ngày ngưng tiếng súng, ngày miền Nam đổi chủ. Dù sao, người đã không bị mất một đứa con nào. Những ngỡ rồi xum họp, đâu ngờ đứa lại góc biển, đứa lại chân trời và Mẹ tôi lại bóng già hiu quạnh, lại những chiều vàng hiu-hắt ngóng trông! Hồn người nương theo làn mây, tìm lại những đứa con. Nhiều đêm người lật gối mà ngỡ con về trong mộng. * * * Mẹ tôi mất trước khi tôi về hai ngày. Tôi đã chuẩn bị tâm lý cho ngày mất Mẹ. Nhưng quả thật tất cả chúng ta chẳng ai khỏi bật khóc khi hay tin Mẹ qua đời. Tôi đã khóc như thủa còn bé vắng Mẹ, tôi đã khóc như giật mình tỉnh giấc thấy chân tay không còn trong thân thể. Nước mắt tôi nhạt nhòa, trái tim tôi co thắt, cuống rốn tôi quặn đau. Tôi ngơ ngẫn vì thương Mẹ. Tôi bàng hoàng vì mất Mẹ. Tôi như một bào thai vừa bị cắt rời cuống rốn. Tôi ngơ ngẩn đau đớn khi nhớ lại tình thương của Mẹ, khi so sánh với tình thương con của chính tôi. Những lần tôi ôm con, trong cơn bệnh ngặt nghèo, cầu mong tôi có thể chịu cơn bệnh ấy cho con. Tôi ngộ ra rằng: Mẹ tôi bao dung hơn tôi trăm ngàn lần. Mẹ tôi từ ái hơn tôi trăm ngàn lần. Mẹ tôi chịu thiệt thòi, hy sinh cho con hơn tôi trăm ngàn lần. Trái tim Mẹ tôi là mạch suối vô cùng, vô tận... Thì những lúc tôi bệnh hoạn, những lúc tôi bị tai ương. Mẹ tôi đau khổ, bi thương đến bao trăm ngàn lần. Mẹ tôi muốn đổi sự sống của người mấy trăm lần để giữ mạng sống cho tôi! Có kỳ quan nào hùng vĩ hơn, có kỳ quan nào tuyệt diệu hơn, có kỳ quan nào hùng tráng hơn để tôi có thể so sánh với lòng yêu thương, sự hy-sinh quên mình của Mẹ tôi được? Tôi biết rất rõ: Đời mẹ truân-chuyên, cay đắng. Đời mẹ vất vả trăm chiều. Đời mẹ là những muộn phiền vây rối. Đời mẹ là chuỗi năm tháng chờ mong thấp-thỏm. Đời mẹ không có một ngày vui. Thế mà tôi vẫn ước-nguyện nếu được tái sinh kiếp khác, được trở lại làm người thì chao ôi! Hạnh phúc và may mắn biết bao! Tôi được nằm trong cung-lòng mẹ để được mẹ bảo-vệ, để được mẹ hy-sinh, để được hưởng giòng sữa ngọt ngào. Điều ân hận của tôi là chưa báo hiếu Mẹ được. Như là sẽ về thăm Mẹ với những món quà đắt tiền hoặc sẽ xây cho Mẹ một căn nhà đầy đủ tiện nghi hay sẽ làm những điều bình thường mà ai cũng nghĩ đó là cách báo hiếu! Nhưng tôi biết Mẹ tôi không cho những thứ ấy là cần thiết. Mẹ tôi chỉ ước ao nghe tôi nói với người, bằng những lời ngây thơ của đứa bé:
"Mẹ ơi! Mẹ có biết không, biết là con yêu Mẹ không?" (*)
Những đêm đứng nhìn trời hiu hắt ánh sao. Tôi tìm Mẹ nơi những vì sao cô đơn lạnh lẽo. Những đêm nhìn trăng vàng vọt chênh chếch, ngỡ bóng Mẹ nghiêng bước dưới trăng mờ. Những đêm bóng tối chập chùng, không gian thăm thẳm, hình dung Mẹ đang lạc lõng bơ vơ đâu đó trong Thiên-đường giá buốt. Lòng tôi co thắt, mắt tôi nhạt nhòa. Tôi gọi Mẹ thảm thiết, bi thương: " Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ ở đâu ! Mẹ có biết là con thương Mẹ lắm không?’’
Nguyễn-Tam-Xuân
|