Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Cách Chấm Câu
viethoaiphuong
#1 Posted : Wednesday, December 15, 2010 4:00:00 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Cách Chấm Câu

Sau khi đưa lên weblog bài viết Cách Viết Hoa Trong Tiếng Việt, tôi đã nhận được khích lệ của một độc giả và yêu cầu viết thêm về cách chấm câu. Đáp lại thịnh tình đó, tôi xin đưa ra Quy Tắc Chấm Câu trong văn chương Hoa Kỳ để chúng ta cùng nghiên cứu, ứng dụng.

Quy tắc chấm câu có nghĩa là cách xử dụng các dấu: Chấm (.), Dấu Hỏi (?), Dấu Than/Cảm Thán (!), Dấu Phẩy/Phết (,), Gạch Nối (-), Hai Chấm (:), Dấu Trích Dẫn/Ngoặc Kép (“…”) và Ngọăc Đơn (‘…’) sao cho đúng nơi, đúng chỗ không ngoài mục đích làm đoạn văn hay câu văn sáng tỏ cũng như diễn đạt được tính hiện thực của nó.

Dấu Chấm

1. Dấu chấm được đặt ở cuối câu để cho biết câu văn đến đây là chấm dứt. Ví dụ: Buổi họp đã kết thúc với kết quả tốt đẹp.

2. Câu ra lệnh (Mệnh Lệnh Cách). Ví dụ: Tìm cho mẹ cái chổi.

3. Những chữ viết tắt đã quen thuộc và được chấp nhận. Ví dụ: chữ Ông, Giáo Sư, Bác Sĩ v.v… nếu viết tắt thì phải có dấu chấm: Ô. Nguyễn Văn Vĩnh, GS. Hoàng Xuân Hãn (Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn), BS. Phạm Biểu Tâm (Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm).

4. Còn những danh từ khác chẳng hạn như Liên Hiệp Quốc viết tắt thành LHQ và Việt Nam viết tắt thành VN thì người Việt ít khi để dấu chấm.

5. Dùng dấu chấm bên cạnh những chữ như A, B, C…để phân đoạn. Ví dụ:

A. Mở Đầu
B. Thân Bài
C. Kết Luận

Hoặc:

1. Mở Đầu
2. Thân Bài
3. Kết Luận

Dấu Hỏi

Dùng trong câu nghi vấn/câu hỏi. Ví dụ: Ông là ai? Bà làm gì đó?

Nếu không phải là câu hỏi thì không dùng dấu (?). Chẳng hạn như: Tôi thắc mắc không biết ông ta có đến hay không. Đây không phải là câu hỏi cho nên không có dấu (?) Nó khác với câu hỏi sau đây: Này bà, ông ta có đến hay không?

Dấu Than/Cảm Thán

1. Dùng để diễn tả một cảm giác mạnh. Ví dụ:

Tôi điên mất rồi!

Đúng là một gã khùng!

Ối làng nước ơi!

2. Câu ra lệnh nhưng không phải ra lệnh bình thường mà là một cảm xúc mạnh. Ví dụ:

Coi chừng!

Nhanh lên!

3. Một nhóm chữ để diễn tả một cảm xúc mạnh. Ví dụ:

Ồ! Đẹp quá!

Úi cha! Đau quá!

Trời! Khốn khổ cái thân tôi!

Dấu Phẩy/Phết

Dấu phẩy/phết rất quan trọng trong văn tự. Một đoạn văn mà dấu phẩy/phết đặt khác chỗ hoặc không có dấu phấy/phết ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Vào thập niên1950, tại Miền Nam báo chí và một số nhà văn đã đưa một câu Kiều để bàn luận vui chơi về dấu phẩy/phết. Xin quý vị đọc câu Kiều sau đây, một câu có dấu (,) một câu không có dấu (,), ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Câu thơ đó như sau:

Thất kinh nàng chửa biết là làm sao.

Ý của câu thơ này là: Trong lúc kinh hoảng nàng không biết phải làm gì, hành động như thế nào.

Thất kinh, nàng chửa, biết là làm sao. (có thêm hai dấu phẩy)

Ý của câu thơ này có thể hiểu là: Thật kinh hoàng, nàng có chửa (có thai) và không biết phải làm gì đây.

Trong văn chương Hoa Kỳ, dấu (,) được dùng trong những trường hợp sau đây:

1. Khi tên một người đứng đầu câu hay cuối câu. Ví dụ:

Anh Tư, anh uống gì?

Tôi nghĩ rằng anh giỏi hơn Sơn, anh Tư à.

2. Khi muốn nói thêm chi tiết về một nhân vật nào đó. Ví dụ:

Như Loan, cô giáo của chúng tôi, là người thật dịu dàng.

3. Giữa hai địa danh. Ví dụ:

Thanh Trì, Hà Nội nổi tiếng về bánh cuốn.

Gò Vấp, Gia Định nổi tiếng về nem chua.

Sài Gòn, Huế, Hà Nội là ba thành phố tiêu biểu của đất nước.

Quê tôi ở Khúc Thủy, Hà Đông.

4. Phần cuối cùng của ngày, tháng. Ví dụ:

Ngày 15 Tháng Ba, 2010

Tiệc cưới được tổ chức vào Thứ Bảy, 18 Tháng Tám, 2001

5. Ngay đầu và cuối câu trích dẫn. Ví dụ:

Mẹ nói, “Hôm nay là ngày giỗ ông nội, các con phải ở nhà.”

“Một trong những người ở trong căn phòng này,” viên thám tử nói, “chính là thủ phạm.”

6. Nếu có một loạt những danh từ thì phải có dấu (,) để phân biệt. Ví dụ:

Mẹ đi chợ mua bánh chuối, nước dừa xiêm, bánh phở và rau húng quế.

Nhưng nếu câu văn trên không có dấu (,) thì người đọc có thể hiểu như sau:

Mẹ đi chợ mua bánh, chuối, nước, dừa xiêm, bánh, phở và rau húng quế.

7. Sau một loạt tĩnh từ (adjective) thì phải có dấu (,) để phân biệt. Ví dụ:

Chàng là một thanh niên hào hoa, đẹp trai, lịch sự và duyên dáng.

8. Sau các câu mở đầu đối thoại như: đúng, đúng vậy, à, đúng rồi, không v.v...… Ví dụ:

Đúng, chúng ta đang thành công.

Không, câu chuyện không phải vậy.

À, thì ra câu chuyện diễn tiến như thế.

Đúng rồi, tôi đã nhớ ra rồi.

9. Trước chữ “nhưng”, “nhưng mà”. Ví dụ:

Chúng ta thành công, nhưng chưa trọn vẹn.

Cô ta tuy đẹp, nhưng ăn nói không lịch sự.

Sau cùng, dấu (,) giúp người đọc theo dõi sự mạch lạc của ý tưởng. Thiếu dấu (,) hoặc không có dấu (,) khiến người đọc bối rối. Nếu là xướng ngôn viên, hoặc người đọc truyện, sẽ hụt hơi, không biết ngắt câu hoặc diễn tả như thế nào. Cách xử dụng đúng dấu (,) cho biết trình độ viết văn của người viết.

Gạch Nối

1. Khi phiên dịch các từ ngoại quốc như Anh, Pháp sang tiếng Việt thì nên dùng gạch nối để cho thấy đó là một chữ/từ chứ không phải hai chữ/từ kép. Ví dụ: cà-phê, ny-lông, cạc-tông, cao-su, bù-loong v.v…

2. Khi xuống hàng mà hết chỗ, phải dùng gạch nối để cho thấy chữ ở dòng sau là một phần của chữ ở hàng trên.

3. Một đôi khi dấu (,) không đủ mạnh để tách biệt hai sự kiện, hai ý tưởng, người viết xử dụng gạch nối (-) để phân biệt. Đọc các bản tin trên các báo hoặc của các phóng viên chuyên nghiệp như AP, UPI chúng ta sẽ thấy.

Hai Chấm

1. Văn chương Việt Nam dùng (:) rồi xuống hàng để trình bày một câu đối thoại, sau một đề mục hoặc sau hai chữ “ví dụ”. Còn trong văn chương Hoa Kỳ, dấu (:) được dùng trong những trường hợp sau đây:

- Sau đề mục có dấu (:) để dưới đó trình bày từng chi tiết.

- Giữa giờ và phút. Ví dụ: 8:30 sáng, 7:45 tối

2. Trong lời chào hỏi của loại thư giao dịch hoặc gửi cho các cơ quan. Ví dụ:

Kính thưa thủ tướng:

Thưa ngài:

Kính thưa giáo sư:

Thưa ông giám đốc:

3. Còn thư thân mật gửi bạn bè, gia đình thì dùng dấu (,). Ví dụ:

Anh Tư thân mến,

Thưa chị Ba,

4. Và phần chào hỏi kết thúc bức thư:

Trân trọng kính chào,

Chúc anh chị và các cháu vui vẻ,

Kính thư,

Chấm phẩy/chấm phết

Dùng để nối kết hai mệnh đề mà không cần dùng những chữ như “và”, “nhưng”, “hoặc”. Ví dụ:

Tòa tuyên án xong; mọi nguời âm thầm rời phòng xử.

Nhạc trưởng đưa tay lên; dàn nhạc bắt đầu.

Thầy bước vào; cả lớp im phăng phắc.

Thành công đó; thất bại cũng đó.

Theo nhận xét riêng của tôi, hình như càng ngày người ta càng ít dùng dấu (;)

Dấu trích dẫn

1. Dùng để phân biệt đây là câu nói mà mình trích dẫn chứ không phải lời của phóng viên, người viết phóng sự hoặc của tác giả trong các truyện. Ví dụ:

Trong cuộc họp báo thủ tướng tuyên bố, “Tôi sẽ áp nghiêm chỉnh luật đầu tư.”

Ông hiệu trưởng cho biết, “Trường chúng tôi là trường có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cao nhất.”

Thằng bé nhõng nhẽo, “Mẹ cho con ăn cà-rem đi.”

Tuy nhiên, nếu trong câu trích dẫn lại có một lời trích dẫn của người khác thì dùng ngoặc đơn.Ví dụ: Bài tường thuật của một phóng viên:

Trong cuộc họp báo, bà bộ trưởng nói như sau, “Tôi nghe đích thân thủ tướng chỉ thị ‘phải giải quyết mau lẹ nhu cầu của người dân,’” rồi bà tuyên bố tiếp, “chúng tôi sẽ nghiêm chính thi hành.”

2. Dùng ngoặc kép cho tựa đề của truyện, bài thơ, bản báo cáo, phúc trình, tựa đề và chương mục của cuốn sách. Ví dụ:

Bản nhạc “Cầu Sông Kwai” đã làm cuốn phim trở nên sống động.

Tiểu thuyết “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh đã làm say mê bao thanh niên, thiếu nữ Hà Thành lúc bấy giờ.

Bản phúc trình “Nạn Buôn Bán Nô Lệ Tình Dục” của LHQ đã làm xúc động lương tâm nhân loại.

“Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” của Nguyễn Du ảnh hưởng bởi giáo lý Từ Bi của Đạo Phật.

Bài thơ “Ngày Xưa Hoàng Thị” của Phạm Thiên Thư dù nói về tình yêu, nhưng có âm hưởng nhẹ nhàng, thanh thoát.

Đào Văn Bình
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.