Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Nguyễn thị Từ Huy
Phượng Các
#1 Posted : Tuesday, December 28, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
miêu tả của alain robbe-grillettrong tiểu thuyết ghen
nguyễn thị từ huy



Alain Robbe-Grillet được xem là chủ soái của phong trào Tiểu Thuyết Mới, một phong trào văn học phát triển ở Pháp trong khoảng thời gian từ thập kỷ 50 đến thập kỷ 70. Toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông, từ tiểu thuyết cho đến tiểu luận phê bình đều phản ánh một nỗ lực bền bỉ, không mệt mỏi nhằm huỷ diệt những gì, theo ông, đã trở nên khô cứng trong thể loại tiểu thuyết. Ông muốn mang lại cho nó một luồng sinh khí mới, muốn làm thay đổi diện mạo của nó; và ông đã xáo tung các thuật ngữ, các khái niệm...nằm trong cái phạm trù gọi là tiểu thuyết. Cùng với nhân vật, cốt truyện, nội dung, hình thức, dấn thân..., miêu tả là một phương diện quan trọng của tiểu thuyết đã trở thành một trong những ám ảnh của A. Robbe- Grillet trong quá trình sáng tạo

Bài viết của chúng tôi , trước hết, trình bày sự mới mẻ trong quan niệm của A. Robbe-Grillet về miêu tả bằng cách đối chiếu với những quan niệm truyền thống về vấn đề này, sau đó, sẽ đi sâu vào tiểu thuyết Ghen để kiểm nghiệm sự cách tân trong tư tưởng của ông đã được chuyển hoá như thế nào vào trong một văn bản nghệ thuật cụ thể.



Miêu tả trong văn học đã được lưu ý từ thời cổ đại. Đối với các lý thuyết gia Hy Lạp cổ đại và Phục Hưng, miêu tả luôn được đặt bên cạnh hội hoạ, hoặc song song , hoặc trong sự đối lập. Ở phương Đông, quan niệm về vấn đề này cũng gần tương tự. Nhận xét " thi trung hữu hoạ" thật trùng hợp với công thức nổi tiếng của Horace: "Thơ ca là một kiểu hội hoạ". Càng về sau, quan niệm về miêu tả có mở rộng và đổi khác ít nhiều nhưng nó vẫn luôn giành được sự quan tâm cuả các nhà văn và các nhà nghiên cứu.

Có rất nhiều định nghĩa về miêu tả. Chúng tôi mượn định nghĩa của Antoine Albarat (1856-1925), tương đối ngắn gọn, có thể đại diện cho nhiều quan niệm khác: "Miêu tả là bức tranh sống động về sự vật. Nó không tính đếm và hơn cả chỉ ra: nó vẽ. Miêu tả là một bức tranh làm cho vật chất trở nên hữu hình(...) Lý do tồn tại, nỗ lực, tham vọng của nó là làm sống dậy. Chính miêu tả giúp phân biệt nhà văn tồi và nhà văn có tài (...) Nếu người ta không lựa chọn những gì cần miêu tả, nếu người ta không làm biến dạng sự vật qua cảm xúc cá nhân thì bức tranh sẽ vô cảm và thiếu ý tưởng"1

Cách hiểu của Alain Robbe-Grillet về hành động miêu tả không có gì thay đổi, nhưng quan niệm của ông về chức năng và vai trò của nó thì có nhiều điểm khác lạ mang tính chất phủ nhận.

Các tiểu thuyết gia trước đây vẫn thường dùng miêu tả để xác định cảnh trí, xây dựng cái nền trên đó sẽ diễn ra hành động, sự kiện, biến cố trong số phận nhân vật. Vì thế, nếu miêu tả dài dòng, rườm rà, nó sẽ trở nên vô ích như Zola từng lên án, vì nó không phục vụ gì cho cốt truyện. Song miêu tả lại là nơi bộc lộ tài nghệ của nhà văn. Nó đem lại vẻ sinh động, lôi cuốn, hấp dẫn cho tác phẩm. Một tiểu thuyết muốn có được nhận xét, đánh giá kiểu như: hoành tráng, tinh tế, trữ tình, dữ dội...đều nhờ sự góp phần của miêu tả. Và nếu nó có dài dòng, vô ích, thì ít ra nó cũng có tác dụng phản ánh thực tế. Miêu tả giúp phô trương kiến thức bách khoa về cuộc sống và kiến thức phong phú về từ vựng. Những đoạn V. Hugo viết về cống ngầm, về tiếng lóng, về hệ thống nhà tu ở Paris là quá dài dòng, có thể nói quá thừa đối với sự phát triển cốt truyện của tiểu thuyết Những người khốn khổ, nhưng chúng khiến người đọc phải nghiêng mình kính phục đầu óc uyên bác của ông.

A. Robbe-Grillet đã khiến miêu tả trở nên vô nghĩa. Dường như nó không phục vụ cho một ý đồ nào của tác giả. Dường như miêu tả chỉ để mà miêu tả. Có vườn chuối, dòng sông, song chúng không phải là vườn địa đàng thơ mộng cho cặp tình nhân, cũng chẳng phải là chốn địa ngục nơi đầy đoạ những công nhân đồn điền khốn khổ. Vườn cây được dựng lên, lúc thì những dãy số vô vị, lúc thì những hình khối khô cứng. Dòng sông ngầu bùn với một cây cầu hỏng, khi thì một người đàn ông đến tìm một vật gì đó, khi thì có năm người công nhân sửa cầu. Họ đóng vai trò gì trong câu chuyện? Có vẻ như họ chỉ vô tình lọt vào mắt người quan sát. A. Robbe-Grillet cũng không phô bày kiến thức của mình về thực vật, mặc dù ông là một kỹ sư canh nông. Người đọc chỉ thấy kỹ năng đo đạc, dựng hình và khả năng miêu tả một cách khoa học khiến sự vật vận động trong một trạng thái rỗng, đờ đẫn, thiếu sinh khí. Từ bỏ các phương thức so sánh, ẩn dụ, A. Robbe-Grillet lựa chọn hình hình học, đường thẳng, đường cong, khoảng cách, con số để miêu tả sự vật. Tính chất địa hình học(topographie), trắc đạc của miêu tả trong tác phẩm Robbe-Grillet là một thực tế không thể phủ nhận. Cách làm đó có thể giúp tính đếm về số lượng, xác định hình dạng, tư thế, vị trí. Phương pháp này cũng áp dụng để miêu tả con người. Nó không cho phép đi sâu vào bản chất mà chỉ chạm được tới những đặc điểm ngoại diện.

Trước đây, miêu tả có nghĩa là phải đạt đến chiều sâu. Désiré Nisard (1806-1888) quan niệm: " Khi nhà thơ vẽ mây, anh ta không vẽ nó trên mặt đất mà đẩy nó lên cao, cùng với mây, anh ta thấy bầu trời, và từ bầu trời, anh ta thấy Chúa. Khi nhà thơ vẽ biển, anh ta không chỉ dừng lại trên bề mặt mà xuống tận những đáy sâu, vực thẳm; và từ những vực thẳm anh ta lại thấy Chúa. Kết cục luôn dẫn anh ta đến cái vô tận. Khi nghệ thuật thấy được phía bên kia chân trời, nó được giải phóng"2. A. Robbe-Grillet không tìm thấy Chúa, không tìm cách giải phóng cho nghệ thuật và con người. Tác phẩm của ông không có cái bên kia lẫn cái vô cùng vô tận. Giới hạn nhận thức cuả con người là bề mặt sự vật. Con người có thể chia nhỏ sự vật, tách nó theo chiều ngang, chiều dọc nhưng chỉ tác động được đến bề mặt mà thôi. Sự vật càng được miêu tả tỉ mỉ càng trở nên khó hiểu. A. Robbe-Grillet muốn trả về cho đồ vật quyền được tồn tại một cách độc lập với con người. Đồ vật từ chối phục vụ cho những mục đích ích kỷ của con người. Đấy là mong muốn mà ông đã từng tuyên bố và miêu tả trong tác phẩm tạo cảm giác là ông đã thực hiện được điều đó.

Miêu tả xưa nay vẫn lệ thuộc vào tâm trạng người quan sát. Paris trong con mắt một gã thất tình và Paris trong con mắt một chàng trai lần đầu tiên đến chỗ hẹn sẽ hoàn toàn khác nhau. Nếu không thổi cảm xúc vào miêu tả, thì theo đánh giá của các nhà phê bình, cảnh vật sẽ thiếu tư tưởng và đam mê. Miêu tả của A. Robbe-Grillet tỏ ra khách quan, lạnh lùng. Những hàng ngang, hàng dọc, ô vuông, những vật trôi dạt dật dờ trên kè nước, những động tác chính xác đến máy móc, dấu vết còn lại như một phiên bản giải phẫu...Tất cả muốn chứng tỏ rằng con người hoàn toàn đứng ngoài, không đặt dấu ấn của mình lên sự vật.Tuy vậy, cảnh vật của A. Robbe-Grillet không thiếu đam mê. Trái lại, sự chính xác , khách quan lạnh lùng đó đôi khi lại là dấu hiệu của một niềm đam mê đến mức bệnh hoạn.

Vai trò của miêu tả trước đây là dùng để nhận biết những dấu hiệu đặc trưng của các cá thể, giúp phân biệt sự vật này với sự vật khác. Do đó, khi miêu tả sư vật nhà văn có tài phải vừa chỉ ra được những nét chung, vừa chỉ ra được những nét đặc thù. Nếu dùng tiêu chuẩn này để đánh giá thì Robbe-Grillet có vẻ không phải là một nhà văn tài năng. Miêu tả của ông dù rất chính xác, chi tiết nhưng thiếu mọi đặc điểm riêng. Điều này chi phối toàn bộ miêu tả trong tác phẩm : " Nhưng tất cả những tiếng kêu này đều tương tự nhau; không phải chúng có cùng một đặc điểm chung dễ nhận thấy, đúng hơn là do chúng cùng thiếu đặc điểm riêng: Chúng không có vẻ là những tiếng kêu hoảng sợ, đau khổ hay đe doạ, hoặc yêu đương Đó là những tiếng kêu máy móc, bật lên không có lý do rõ ràng, không biểu hiện điều gì"(tr.81)*

Tính chất thiếu đặc điểm riêng trong miêu tả là một đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết A. Robbe-Grillet. Ở Ghen, đặc trưng này cũng chưa nổi bật bằng Trong mê cung. Người lính(nhân vật chính) bị lạc lối trong một thành phố với những phố vắng bóng người giống hệt nhau, những ngôi nhà giống hệt nhau, những hành lang tăm tối giống hệt nhau...Người lính không thể phân biệt được phố nào anh ta đã đi qua và phố nào anh ta chưa tới, do đó đã không thể tìm thấy phố cần tìm. Rõ ràng đây không phải là một nhược điểm mà một ý thức rất mạnh mẽ quyết định nét vẽ của tác giả. Ông đã thành công trong việc đem lại cảm giác không thể chịu đựng được trước một thế giới rập khuôn. Độc giả có thể nghĩ đến ảnh hưởng xa xôi của xã hội tiêu dùng với hàng hoá được sản xuất hàng loạt bằng máy móc theo những khuôn mẫu nhất định. Dây chuyền sản xuất công nghiệp vít chặt con người vào những động tác cố định. Và những kẻ độc tài bắt hàng triệu con người phải chấp nhận những suy nghĩ được chỉ đạo từ trên xuống. Với phong cách miêu tả của mình, A. Robbe-Grillet đã kín đáo đặt câu hỏi về bản sắc, một vấn đề mà, vào cuối thế kỷ, đã trở thành nỗi băn khoăn lo lắng của phần lớn nhân loại.

Sự đổi mới quan trọng nhất mà A. Robbe-Grillet tiến hành về phương diện miêu tả là biến miêu tả từ chỗ là cái khung trở thành bức tranh, thành nội dung của tác phẩm. Miêu tả từ chối vai trò thành phần phụ, thứ yếu để trở thành bộ phận nòng cốt của câu chuyện. Nếu bỏ qua miêu tả thì tác phẩm có nguy cơ sẽ không còn gì nữa. Độc giả sẽ tìm được điều bí ẩn và giải thích được nỗi băn khoăn của mình nhờ những trang miêu tả. Xưa nay các nhà nghiên cứu thường chỉ chú ý đến quan niệm của A. Robbe-Grillet về việc trả lại cho đồ vật ý nghĩa tự thân của nó. Song ông còn có một quan niệm khác về miêu tả: "Tất cả cái thú của những trang miêu tả-tức là vị trí của con người trong những trang đó-không còn nằm trong sự vật được miêu tả mà là trong chính vận động được miêu tả"3. Như vậy, vận động của miêu tả mới là điều đáng được quan tâm một cách đặc biệt chứ không phải là trường phái cái nhìn hay chủ nghĩa đồ vật. Mặc dù đó chính là sự chuyển dịch của cái nhìn lướt trên đồ vật song vẫn phải tính đến động lực chi phối sự lựa chọn cái nhìn đó, tức là tính chủ quan của miêu tả.

Jean-Paul Sartre đã nhận xét rất chính xác về đặc thù miêu tả của A. Robbe-Grillet "Những đối tượng phá cách của Robbe-Grillet trôi nổi giữa hai lớp ý nghĩa: hai cực. Đó có thể là địa hình học, những miêu tả cực kỳ khách quan mang tính chất đo lường hoặc không còn gì thuộc về con người nữa ngoài việc sử dụng các mốc tính toán đo đạc. Loại bỏ con người đồ vật trở nên không xa cũng không gần, chúng không tồn tại nữa. Hoặc là- ở cực khác- những miêu tả rất chặt chẽ này xuất hiện đột ngột như những biểu tượng về một thế giới ám ảnh và tuyệt đối chủ quan"4. Trong tiểu thuyết Ghen, tính khách quan và tính chủ quan của miêu tả dường như luôn gắn chặt với nhau như hai mặt của một tờ giấy.

Xuất phát từ ý thức mãnh liệt phải cách tân những giá trị văn học truyền thống, A. Robbe-Grillet đã làm một cuộc cách mạng về nhiều phương diện của tiểu thuyết trong đó có miêu tả như chúng tôi đã sơ lược trình bày ở phần trên. Một số học giả phương Tây cho rằng dấu hiệu của tính hiện đại trong văn học chính là cuộc đấu tranh chống lại ý nghĩa. Và đối với miêu tả, cách tốt nhất để chống lại ý nghĩa là trả cho sự vật tính khách quan của nó, cấp cho nó một địa vị quan trọng hơn cả con người. Mức độ cao hơn, trong Ghen xuất hiện hiện tượng đồ vật đồng hoá con người, là đại diện cho con người. Chỉ có nó là thực tế cụ thể duy nhất.

Tính khách quan của miêu tả biểu hiện trước hết ở những đoạn miêu tả dường như không bắt đầu từ đâu, bị ném một cách vô cớ vào tác phẩm và chẳng để làm gì.

"Thanh vịn lan can dày gần như không còn lớp sơn bên ngoài, màu xám của gỗ lộ ra với những đường nét dọc. Từ phía bên kia thanh vịn, dưới hàng hiên chừng hơn hai mét, khu vườn bắt đầu"(Tr.70).

Ngay trước đoạn này, A. Robbe-Grillet đang tả mái tóc đen của A...(nhân vật nữ trong tiểu thuyết). Không có một dấu hiệu nào để cho các đoạn văn có thể ăn khớp vào nhau. Tác giả đã xây dựng một thế giới từ hư vô. Thế giới đó được xây nên để rồi tan rã ngay, chẳng để lại ấn tượng gì trong ký ức người đọc. Đấy chính là hiệu quả mà A. Robbe-Grillet mong muốn đạt tới: miêu tả hoàn thành trong một động tác kép-sáng tạo và tiêu huỷ- từ đó nảy sinh nỗi thất vọng cố hữu trong các tác phẩm ngày nay.

Tính chất hình học, đo lường, định vị một cách cụ thể rất có tác dụng trong việc đem lại ấn tượng về sự tồn tại khách quan, xác thực của sự vật. A. Robbe-Grillet đo khoảng cách giữa hai cánh tay, chia nương chuối ra thành từng ô theo hình thang và hình chữ nhật, vẽ những động tác lên xuống thành những nét ngang, nét dọc, nét lên , nét xuống...để làm gì? Để khẳng định trong thực tế chúng vốn như vậy và chính xác là như vậy, không bị chi phối bởi chút cảm xúc nào của người miêu tả. Ấm thanh cũng được ghi lại theo cách thức đó: "Đấy là những tiếng kêu máy móc, thốt ra không có lý do rõ ràng, không biểu hiện điều gì, chúng chỉ báo hiệu sự tồn tại, vị trí và sự di chuyển của mỗi con vật mà lộ trình trình di chuyển của chúng được thực hiện trong đêm" (tr. 81).

Miêu tả vẫn thường bị lên án nếu nó vô ích, rườm rà, thiếu tư tưởng, thiếu chiều sâu. A. Robbe-Grillet không sợ bị lên án, kết quả là ông đem lại nỗi thất vọng, hoài nghi, chán ngán cho người đọc. Những người này vẫn luôn chờ đợi những khám phá mới về thế giới, những ý nghĩa sâu sắc, độc đáo mà người viết đề xuất với họ, chứng tỏ nỗ lực sáng tạo và tầm vóc tư tưởng của nhà văn. A. Robbe-Grillet chẳng có gì đem lại cho họ ngoài những cái tầm thường mà họ đã có thừa. Sự sáng tạo của ông là ở chỗ, ông đã tạo ra khoảng cách tuyệt đối giữa con người và đồ vật, từ đó tạo ra sự cô lập đối với con người. Nỗi cô đơn không được chia sẻ, không nghe thấy tiếng vọng của nó trong cảnh vật, trong thế giới xung quanh, không được hồi đáp, bị đẩy đến trạng thái kịch phát. Đó là cây thập tự của con người hiện đại, con người bị kết án trong nỗi cô đơn vô phương cứu chữa.

Tuy vậy cũng phải thấy rằng ngay cả những đoạn miêu tả tưởng chừng như hoàn toàn khách quan thì nếu soi chiếu từ mộtgóc độ khác, người đọc có thể nhận ra tính chủ quan của chúng, thậm chí còn có thể tìm thấy một ý nghĩa nào đó. Bản thân A. Robbe-Grillet không phủ nhận hoàn toàn ý nghĩa: " Tất cả điều đó sẽ là sự thật nếu như người ta không coi thường đến thế cái có thể tạo nên ý nghiã cho những đoạn miêu tả trong tiểu thuyết ngày nay5" . Dĩ nhiên, ý nghĩa ấy không dễ gì được nhận biết. Nó đòi hỏi sự cộng tác tích cực của người đọc để sáng tạo lại tác phẩm, tích cực đến mức A. Robbe-Grillet hy vọng nhờ vào điều đó mà độc giả học được cả "việc sáng tạo lại cuộc đời riêng của mình".

Ghen được kể lại qua con mắt của người kể chuyện hướng nội có triệu chứng của căn bệnh tâm thần phân lập, do đó không thể tránh khỏi màu sắc chủ quan. Hiện tượng "miêu tả phá vỡ thời gian và thời gian phá vỡ miêu tả" xuất hiện trong Ghen do sự chi phối của những hoang tưởng , lầm lẫn giữa thực tế và tưởng tưởng, giữa quá khứ và hiện tại. A. Robbe-Grillet đạt tới cái hiện tại vĩnh cửu là nhờ vào hành động miêu tả, nhờ việc phát huy hết sức mạnh của tính chất phi thời gian của miêu tả. Theo Lucàcs, miêu tả đặt tất cả vào hiện tại. Nhưng đó là hiện tại giả, hiện tại thường xuất hiện trong giấc mơ của mỗi chúng ta.

Miêu tả tuy có vẻ rất khách quan song sự vận động của nó đã cho thấy vị trí và tâm trạng con người. Đoạn miêu tả mở đầu phần II dường như điển hình cho những đoạn ở đó sự vật giành được quyền tự trị. Thực tế, nó diễn ra dưới cái nhìn của người kể chuyện, cái nhìn chăm chú đến mức đôi khi, cảnh tượng hoá thành ảo giác theo cơ chế ảnh không gian ba chiều.

"Hàng thứ hai, tính từ bên trái, sẽ có hai mươi cây(theo kiểu bố trí hình nanh sấu) trong trường hợp mảnh đất hình chữ nhật. Nó cũng sẽ có hai mươi cây nếu mảnh đất là một hình thang đích thực, với một khoảng cách nhỏ như vậy, từ cạnh đáy khó có thể thấy nó bị thu hẹp và thực ra nó vẫn có hai mươi cây" (tr.83).

Như vậy, mảnh đất có hình chữ nhật hay hình thang? Cách miêu tả gây cảm giác gây cảm giác hình thang sẽ hoàn hảo khi hàng thứ hai có hai mươi cây. Nhưng trong thực tế nó đã có hai mươi cây mà hình thang này vẫn là giả định. Hơn nữa, ngay trước đoạn này, đã có nhận xét: "Hàng ở giữa chỉ có mười sáu cây trong khi đáng ra nó phải có mười tám cây để khoảnh đất trở thành một hình thang thực sự"(tr.83).

Và tác giả cứ kéo dài kiểu miêu tả như thế. Cái hình thang giả định ấy thiếu quá nhiều điều kiện đến mức gây hoài nghi. Tính chất ảo của hình ảnh tiếp tục được khẳng định khi người kể chuyện kết luận: "Bản thân những con số này chỉ là lý thuyết bởi vì một số cây chuối bị chặt sát mặt đất ngay khi buồng chuối bắt đầu chín"(tr.84). Như vậy, chỉ bằng một câu, tất cả những hình ảnh xác thực và những con số cụ thể đã nêu trên đều bị phủ nhận hoàn toàn. Quả thật, người đọc không còn biết đặt niềm tin của mình vào đâu, không thể hình dung nổi cảnh tượng. Miêu tả cho thấy sự bất lực của con người và cảm giác vô nghĩa của tồn tại.

Giả định trong miêu tả kết hợp với trật tự xáo trộn giữa các mảnh của kết cấu minh chứng cho tính chất ảo của cảnh vật mặc dù chúng được khắc chạm với những đường nét chính xác, tỉ mỉ.

"Cô cúi xuống trước cửa xe đang đóng. Nếu* cửa kính đã được hạ xuống-hình như đúng thế, A... có thể ghé mặt vào khung cửa phía trên ghế đệm. Nếu người lái ngồi ở vô lăng, khi ngẩng lên cô có cơ làm rối tóc do chạm vào khung cửa và tóc sẽ nhanh chóng tung ra- tóc càng sạch càng dễ sổ- vương vào người lái" (tr.105)

Giả định đã phá vỡ tính chất thực của cảnh tượng. Vậy A... có ghé khuôn mặt vào khung cửa phía trên ghế đệm nơi người lái xe (tức Franck, "người tình" của cô) đang ngồi không? Tóc cô có sổ ra và vương vào anh ta không? Hay tất cả những hình ảnh đó chỉ diễn ra trong tưởng tượng của người kể chuyện?

Giả định còn nhằm mục đích trốn tránh những suy luận có lợi cho tâm trạng ghen tuông( tâm trạng chủ đạo của nhân vật chính-người chồng-người kể chuyện hướng nội trong tác phẩm ) thực sự bùng nổ.

"Trong bóng tối hoàn toàn, để không sơ ý làm đổ cốc nước, A...nhích hết sức đến gần chiếc ghế Franck ngồi, tay phải thận trọng giữ chiếc cốc sẽ trao cho anh. Cô tì tay kia vào thành ghế và nghiêng người về phía anh, gần đến mức hai mái đầu chạm vào nhau. Anh ta mấp máy vài từ: chắc là lời cảm ơn" (tr.96)

Việc A... đến gần Franck như vậy được giải thích là "để không sơ ý làm đổ cốc nước" . Đương nhiên đấy chỉ là giả định vì A... chẳng hề tuyên bố điều đó. Cái làm chúng ta lưu ý là tại sao không giả định một lý do khác, chắc chắn sẽ có sức thuyết phục hơn nhiều. Và cả lời cảm ơn cũng có thể là một câu thân mật hơn khi hai người đã có những biểu hiện gần gũi như thế. Chính ở đây, chủ ý của người miêu tả bộc lộ rất rõ. Anh ta chủ động chọn cách miêu tả đó, chủ động lảng tránh, đánh lạc hướng người đọc, ghìm chặt mối hoài nghi bệnh hoạn của mình sau những hình ảnh, ngôn từ giả định. Nhưng điều đó chỉ khiến cả anh ta lẫn độc giả càng nghi ngờ hơn mà thôi.

Phương thức miêu tả gợi liên tưởng đến cách xây dựng câu chuyện: vẫn còn thiếu cái gì đó nữa-cái cốt lõi- để cho câu chuyện trở thành hiện thực. Đó chính là cái mà "người chồng ghen" không bao giờ xác định được: mối quan hệ thực sự giữa A...và Franck.

Khả năng ám gợi cũng là một yếu tố chứng tỏ miêu tả bị chi phối bởi một ý thức chủ quan mạnh mẽ. Không phải là ám gợi theo những liên tưởng kiểu ẩn dụ mà ám gợi bằng những chi tiết khiến người đọc cảm thấy tin chắc vào suy luận của mình. Trong tác phẩm này, chủ yếu là ám gợi về mối quan hệ đáng ngờ giữa A...và Franck.

A...và Franck dưới con mắt của người kể chuyện là những kẻ đồng loã, những kẻ đã tạo ra một thế giới bí mật mà anh ta không thể thâm nhập.

Cái nhìn của người kể chuyện đương nhiên là cái nhìn có lựa chọn. Nó chỉ trở đi trở lại với một số hình ảnh(bức thư, con rết, cảnh A... xuống xe,v.v...) được lọc qua lăng kính của ám ảnh ghen tuông. Những hình ảnh ấy chôn chặt anh ta trong mối hoài nghi vĩnh viễn không có khả năng được làm sáng tỏ.

Tính chất ám gợi của miêu tả xuất hiện trong hầu hết các tác phẩm của A. Robbe-Grillet. Nó gắn liền với ám ảnh của nhân vật chính, gắn liền với nghi vấn chính của câu chuyện. Trong cuốn Kẻ nhìn trộm, nghi vấn xoay quanh cái chết của Jacquelin, một cô bé chăn cừu trên đảo, nó không được lý giải trực tiếp bằng một câu hay một từ nào song người đọc có thể tìm thấy chứng cứ qua sự miêu tả một số chi tiết:

"Mathias không rời mắt khỏi mặt đất. Hắn nhìn cô bé chăn cừu nằm sóng soài dưới chân mình, cô yếu ớt giãy dụa. Hắn cố nhét cái áo sơ mi cuộn thành búi vào miệng cô để ngăn cản tiếng la hét của cô"6

Tác giả chẳng hề nói rõ là Mathias đã giết cô gái chăn cừu. Sự việc không được đẩy đến tận cùng. Người đọc không biết cảnh này kết thúc như thế nào vì sau đoạn văn này, tác giả chuyển sang nội dung khác. Các chi tiết vẫn thường bị ném một cách vô cớ như thế vào trong các tác phẩm của A. Robbe-Grillet. Hình ảnh vừa xuất hiện đã biến mất nhưng nó vẫn còn kịp găm lại nỗi hoài nghi trong đầu người đọc. ám gợi thay thế cho sự khẳng định đã để ngỏ con đường đến với tác phẩm, do vậy, tác giả có thể giao phó hoàn toàn tác phẩm cho người đọc.

Âm thanh, tiếng động trong tác phẩm cũng góp phần bộc lộ tính chủ quan của miêu tả. Hầu như chưa ai quan tâm đến thế giới âm thanh trong tiểu thuyết A. Robbe-Grillet. Ông nổi tiếng với trường phái cái nhìn , với chủ nghĩa đồ vật hay với tính chất đồ vật hoá. Chúng vẫn được xem là cách nhận thức thế giới của A. Robbe-Grillet. Tuy nhiên, trong tác phẩm của ông, thế giới còn được nhận thức qua những cảm nhận thính giác. Đặc điểm này bộc lộ trong Ghen có phần ưu trội hơn so với trong các tác phẩm khác. Điều này cũng không khó giải thích. Nhân vật chính của Ghen có biểu hiện của chứng tâm thần phân lập, ở anh ta có sự xuất hiện những ý nghĩ rối loạn và vô số ảo giác, đặc biệt là ảo giác về âm thanh. Thế giới âm thanh trở thành một phần quan trọng của tác phẩm, gắn liền với tâm trạng nhân vật.

Âm thanh trước hết là một cách xoay xở của con người nhằm chiếm lĩnh thực tế. Nếu nhân vật dùng cái nhìn để nắm bắt sự vật thì khi sự vật thoát khỏi tầm nhìn, anh ta sẽ đánh mất nó. Lúc đó muốn có được hoặc tiếp tục duy trì cảm giác về sự vật, anh ta phải dùng những phương thức khác, trong có lắng nghe cũng là một cách. Ấm thanh cũng là một đặc điểm báo hiệu sự tồn tại của các thực thể: Tiếng kêu chỉ dẫn lộ trình của các con thú trong đêm, tiếng ô tô cho biết nó nằm ở vị trí nào: trên đường, về phía nhà kho hay về phía trang trại bên kia...

Trong tương quan với miêu tả hình ảnh, miêu tả âm thanh không nhiều, gần như tập trung ở phần VII. Chủ yếu là cảm giác về âm thanh được gợi lên từ một vài cảm nhận trực tiếp về âm thanh thực tế (Không nên quên rằng hiện tại trong tác phẩm là hiện tại ảo và tính xác thực của sự việc là rất đáng ngờ). Phần VII kể lại quãng thời gian vừa tròn một đêm, cái đêm A... và Franck về muộn, và người chồng đã thức trắng để chờ cô. Tiếng động cơ ô tô là mục tiêu mà anh ta tìm kiếm. Bởi vì trong đêm tối, sẽ vô ích nếu nhìn ra con đường hoặc nhìn ra nương chuối. Vả lại, anh ta muốn cảm nhận được sự trở về của chiếc ô tô ngay cả trước khi nó xuất hiện trước mắt anh ta, trong sân nhà. Nhân vật để vào đấy, vào hành động nghe, tất cả tâm lực của mình. Lúc đó anh ta buộc phải nghe cả những tiếng động khác, kể cả những tiếng động mà bình thường có thể không bao giờ anh ta để ý đến.

"...nhưng chẳng nghe thấy gì vì tiếng xì xì liên tục của ngọn đèn hơi mà tai chỉ nhận biết khi cố nắm bắt một âm thanh khác"(tr.144).

Những từ tượng thanh được sử dụng dày đặc tạo nên cả một thế giới náo loạn: Tiếng vù vù (vrombissement), tiếng sột soạt (froissement), Tiếng ro ro (ronronnement), tiếng phì phì (siflement), tiếng ầm ầm(ronflement), Tiếng rù rù (grognement), tiếng leng keng (tintement), tiếng li ri (grésillement), tiếng lách cách (crépitement), tiếng cọt kẹt (grincement). Đa số những âm thanh đó phát sinh do những ảo giác về tiếng động. Bản thân nhân vật không dám chắc vào sự có thật của âm thanh mà anh ta "nghe" được: "Tiếng động càng lùi xa vào dĩ vãng thì sự có thực của nó càng giảm" (tr.157). Rất nhiều lần nhân vật nghe thấy nhưng không thể xác định rõ tiếng gì.

" Bây giờ là một tiếng động nặng nề và rõ hơn, thu hút sự chú ý: một thứ tiếng rù rù, ầm ầm hoặc ro ro...

Nhưng tiếng động đã tắt trước khi có đủ thời gian để xác định rõ tiếng gì. Trong đêm, tai dỏng lên một cách vô ích hòng nghe lại tiếng động đó.Thay chỗ nó chỉ có tiếng thổi xì xì của ngọn đèn hơi"(tr.149)

Ảo giác về âm thanh kéo theo ảo giác về hình ảnh. Nhân vật tưởng tượng ra đủ thứ. Những tưởng tượng đó xâu chuỗi với nhau nhưng lại đặt cạnh nhau theo thủ pháp lắp ghép của điện ảnh nên có thể gây nhầm lẫn, khó hiểu cho người đọc: tiếng con rếtđ tiếng lược chải tóc đ cảnh Franck giết con rếtđ những ngón tay thon thả co quắp trên ga giườngđchiếc màn vá víu buông xuốngđtai nạn ô tô của Franckđcháy rừng. Cuối cùng tiếng đám cháy hoá ra lại là tiếng con rết. Và " tiếng động đó vừa giống hơi thở, vừa giống tiếng nổ lật phật của lược chải tóc" (tr.155) . Đó là một vòng luẩn quẩn rất hợp lý đối với một người đang chờ đợi bị ám ảnh ghen tuông dày vò. Tiếng con rết đã đưa liên tưởng của anh ta đi rất xa đến cảnh một chiếc giường xa lạ có thể là trong một quán trọ tồi tàn, và có thể đó là nơi qua đêm của "vợ" anh ta và ông láng giềng Franck. Cũng có thể nỗi tức giận khiến anh ta tiếp tục trò chơi tưởng tượng của mình và kết thúc bằng tai nạn xe hơi của Franck, một sự trả thù trong tâm tưởng chăng?

Nếu đúng như A. Robbe-Grillet nói, sau sáng tạo, miêu tả bị phá bỏ thì nó bị phá bỏ bởi chính người sáng tạo nên nó, tức là nhân vật-người kể chuyện. Anh ta tạo ra âm thanh từ những ảo tưởng của mình và tự mình chối bỏ sự tồn tại có thực của nó. Như vậy, tính chất mộng mị của tiểu thuyết A. Robbe-Grillet được phản ánh cả trong hình ảnh lẫn trong âm thanh.

Ảo giác về hình ảnh hay âm thanh không phải là phát hiện mới mẻ của A. Robbe-Grillet. Nhân vật của tiểu thuyết truyền thống cũng có lúc cảm nhận thực tế theo cách này. Chỉ có điều, cả họ cũng như độc giả đều hiểu rằng đó là những lúc họ mơ mộng, nhầm lẫn hay hồi tưởng...Trái lại A. Robbe-Grillet cố tình tạo niềm tin vào sự có thực của ảo giác. Miêu tả của ông khiến cho cảnh tượng như đang diễn ra trước mắt, lần đầu tiên, xoá bỏ ấn tượng về những điều nhớ lại hay hoang tưởng. Thực ra A. Robbe-Grillet đã kể n lần những gì chỉ xảy ra có một lần. Nhưng ông đã kể với cung cách cứ như thể nó đã diễn ra n lần vậy. Đó là hiệu quả của việc sử dụng các phụ từ chỉ sự tiếp diễn: vẫn, lại (à nouveau, de nouveau, encore, toujours), một lần nữa (une fois encore, une fois de plus), tiếp tục (continu), như thường lệ (comme à l'ordinaire), theo thói quen (comme d'habitude, habituellement, désormais coutumier). Chính điều này đã gây hoang mang khó hiểu cho việc tiếp nhận. Người đọc không hiểu thực tế có bao nhiêu con rết bị giết, bao nhiêu bữa ăn tối đã diễn ra, bao nhiêu lần A... xuống xe, bao nhiêu lần cô về muộn...? Tuy vậy, nếu người đọc đồng ý với tác giả rằng câu chuyện không diễn ra ở đâu khác hơn là trong đầu người kể chuyển thì họ sẽ thấy mọi việc trở nên sáng rõ hơn nhiều.

Miêu tả thị giác bộc lộ hết sức mạnh của nó trong việc ghi nhận những đường nét chính xác, những hình ảnh cụ thể, đồng thời cũng không dấu được những hạn chế do điểm nhìn vật lý quy định. Khoảng cách và vật cản nằm trong tầm nhìn là những trở ngại mà đôi khi người quan sát không thể khắc phục. Khung cảnh mở rộng hay thu hẹp, bao quát hay cụ thể tuỳ theo sự di chuyển góc độ của người quan sát. Sân là vị trí cho phép mở rộng tầm nhìn xa nhất. Trong tiểu thuyết Ghen, chưa bao giờ nhân vật thoát ra khỏi cái sân đó, thoát ra khỏi ngôi nhà nơi anh ta tự chôn mình, để bước vào một thế giới rộng lớn hơn. Không gian mà nhân vật có khả năng kiểm soát được, có thể nói, đã thu hẹp đến mức tối thiểu. Nhưng anh ta vẫn không làm chủ hoàn toàn những cảnh quan sát được. Cảnh vật bị chia cắt, lệch lạc, méo mó vì cái nhìn trước khi chạm tới chúng đã gặp phải những vật cản khác.

Hệ thống cửa, đặc biệt là hệ thống cửa chớp lật là một giới hạn thực tế mà cái nhìn không vượt qua nổi. Cách miêu tả về ngôi nhà của người kể chuyện gây cảm giác nó có rất nhiều cửa: cửa chính, cửa ra vào đầu hồi nhà, cửa bếp, cửa nhà tắm, cửa hành lang, cửa sổ phía đông, cửa sổ trổ ra vườn, cửa sổ chớp lật, cửa sổ bằng kính...Cửa là một vật đặc biệt, nó vừa đóng vai trò vật ngăn cách, vừa đóng vai trò vật giao nối. Khi mở ra, nó sẽ dẫn vào một thế giới khác lạ, hoặc đem lại tự do, hoặc trong trường hợp A. Robbe-Grillet, giải phóng cho cái nhìn. Khi đóng lại, nó giữ trong lòng bí mật của nó, tạo thành một không gian riêng, biệt lập, tránh mọi sự kiểm soát, dòm ngó của người khác. Vì thế, lúc A...vào phòng, đóng cửa lại, người đọc không biết cô làm gì trong đó, bởi chính người kể chuyện cũng bất lực. Lúc này, phải tận dụng các cửa sổ. Song cửa sổ phòng A... là những cửa chớp lật, nó cho phép nhìn ra nhưng lại ngăn cản người đứng ngoài nhìn vào. Khi cô ở nhà, thường chúng được hạ xuống. Cứ như thể cô cảm nhận được sự rình rập không ngừng chiếu vào cô, lặng lẽ, dai dẳng. Qua cửa chớp lật có thể thấy A... đang làm một việc gì đó nhưng không bao giờ xác định nổi cô làm việc gì. Có thể thấy A...viết thư song không sao biết rõ cô viết gì, viết cho ai. Và nếu cô lùi vào một góc khuất nào đó trong phòng thì người kể chuyện đành phải chờ cho tới khi nào cô lại xuất hiện trong tầm nhìn của mình.

"Bây giờ cô lùi khuất quá về phía bên phải, vào góc phòng(...)qua các khe cửa chớp lật, không thể nhìn thấy gì hết"(tr.131).

Những lúc như vậy anh ta rất sợ cô đã ra khỏi phòng mà mình không biết. Đối với anh ta, như thế chẳng khác gì một sự tẩu thoát. Không ít lần, câu "căn phòng dường như trống vắng" được nhắc đi nhắc lại. Những trang miêu tả A... ở trong phòng cho thấy sự kiên nhẫn kinh khủng, cả sự bất lực và vô nghĩa kinh khủng của những hành động mà nhân vật theo đuổi.

Hệ thống cửa sổ gồm hai loại: cửa chớp lật và cửa kính. Cửa chớp lật và hàng lan can có lỗ hổng khiến cảnh vật đứt đoạn, bị chia thành từng mảnh theo chiều ngang và chiều dọc làm mất đi ấn tượng bao quát toàn vẹn về sự vật dẫn tới việc không thể thực sự nắm bắt đối tượng. Còn cửa kính không hoàn toàn phẳng và trong suốt, lỗi thuỷ tinh làm biến dạng, làm méo mó cảnh vật. Những lỗi cửa kính có nguy cơ phản ánh lệch lạc hiện tượng đưa lại những hình ảnh mang tính chất ảo, tạo cơ hội cho trí tưởng tượng phát triển, thậm chí đem lại những ảo tưởng về khả năng:

"Nhờ tấm kính ở cửa sổ rất dày và có nhiều lỗi, có thể làm mất vết này(vết dầu loang trên sân- T.H.) khá dễ dàng: chỉ cần cố mò mẫm đưa vết đen đến một điểm mờ của khung cửa"(tr.133).

Thực ra điểm mờ của cửa kính chỉ có thể ngăn cản không cho nhìn thấy vết bẩn trên sân. Song với người kể chuyện, không nhìn thấy có nghĩa là để mất, đánh mất hoặc làm biên mất. Cửa chớp lật, lan can, cửa kính không chỉ là vật cản đối với cái nhìn cụ thể, chúng còn trở thành chướng ngại trong quá trình nhận thức của con người.

Với cái nhìn, bóng tối cũng là một trở ngại. Còn hơn cả vật cản, nó có sức mạnh vô hiệu hoá cái nhìn. Đêm tối, với người này là vương quốc của những bí mật, với người kia là thời điểm của nỗi dày vò, khắc khoải...Riêng với "người chồng ghen", đêm tối tước đoạt của anh ta tất cả: "Mắt bây giờ không còn phân biệt được gì, mặc dầu các cửa sổ đều mở (...)và sau đó chẳng còn gì nữa"(tr.139) Để cái nhìn tiếp tục phát huy khả năng, cần đến ánh sáng nhân tạo, cần đến ngọn đèn hơi. Song ảnh hưởng của nó rất hạn chế. Nó chỉ có thể soi chiếu những gì nằm trong vùng toả sáng. Và nếu "người chồng" cần đến ánh sáng thì A... lại không cần. Cô thường không cho mang đèn đến(nếu ở hàng hiên) và bắt mang đèn ra xa (nếu ở trong phòng ăn) với lý do ánh sáng sẽ thu hút muỗi. Cũng giống như việc hạ rèm cửa, hành vi đó của cô có vẻ mang tính chất tự vệ. Bóng tối và không gian riêng mang lại cho cô đôi chút tự do.

Jacques Leenhardt trong Lối đọc chính trị về tiểu thuyết- Ghen của Alain Robbe-Grillet7 cho rằng sự đối lập giữa bóng tối và ánh sáng là tượng trưng cho sự đối lập giữa người da đen và người da trắng, sự xâm lấn của bóng tối hoàn toàn biểu hiện sự thắng thế của người da đen. Như vậy, liệu có khiên cưỡng quá chăng khi mà trong tác phẩm, tác giả dành cho người da đen một vị trí không mấy quan trọng, nếu không nói là rất mờ nhạt.Theo chúng tôi, nếu như cửa chớp lật, cửa kính, lan can hay bóng tối có một ý nghĩa nào đó trong tác phẩm thì chính là ở chỗ chúng biểu hiện sự bất lực của con người trong việc nhận thức thực tế. Những hình ảnh rời rạc, đứt đoạn, méo mó của hiện thực khiến người ta dễ hoài nghi về độ xác thực tin cậy của nó và hoài nghi về khả năng của con người hiện đại. Đã từ lâu, con người thôi không còn là những chủ nhân ông đầy quyền lực nữa. Và đến A. Robbe-Grillet, những khả năng của nó chỉ còn thu hẹp trong hành động quan sát.

Đánh giá của I.Isou: " Về phương diện miêu tả, A. Robbe-Grillet chỉ là một kẻ bắt chước kém cỏi so với Zola, nhà sáng tạo vĩ đại"8 là quá cực đoan và không thoả đáng. A....
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.