Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Registered Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 5,669 Points: 28  Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
|
Tác giả PC Gởi: Fri Jul 23, 2004 8:20 pm
Sau đây là một truyện ngắn của Nguyễn Tường Lan Phương duới bút danh Nguyễn Lân.
Giấc Mơ
Nguyễn Lân (Nguyễn Tường Lan Phương)
Lân lấy xe lửa từ Hongkong đi Quảng Châu. Chuyến xe này sẽ ghé qua trấn Thạch Long, nơi chàng ao ước tới. Khởi hành từ HongKong, đoàn xe lửa cũ kỹ chở đầy hành khách, hàng hóa, ồn ào hỗn độn với những người xạ phang nói gì chàng cũng chẳng hiểu và chàng cũng chẳng cần hiểu. Lân chỉ mong chóng tới trấn Thạch Long, cái đích của chuyến du hành này thôi. Mỗi lần tầu dừng lại một trạm, số người mang hàng hóa xuống nhiều hơn lên nên càng lúc tầu càng bớt dần người, các toa trống dần nên cũng đỡ ồn ào. Lân chợp ngủ...chàng thấy mình chỉ là một cậu bé cỡ mười tuổi đang nắm tay cha tung tăng trên sóng cát Sầm Sơn. Thế rồi, hai cha con leo lên tận đỉnh hòn Trống Mái. Bầu trời trong xanh, lơ lửng từng cuộn mây trắng cuốn tròn bay ngang. Gió biển lồng lộng thổi tung mái tóc bồng bềnh của ông Hoàng, cha Lân. Cậu bé ngước nhìn cha như ngắm một thần tượng dạn dầy sương gió, khuôn mặt dắn dỏi, sống mũi thanh cao nằm giữa đôi chân mày rậm, miệng mím mà như cười, cặp mắt sáng, tia nhìn thẳng thắn mà xa xăm. Lân biết cha đang mơ một viễn ảnh đẹp đẽ... Ông Hoàng có lần nói với con:”Sau này lớn lên, muốn làm gì cũng được nhưng làm gì mà ngửng mặt nhìn trời không thẹn với trời, cúi xuống nhìn đất mà không hổ cùng đất...và nên giúp đỡ người nghèo, con ạ”. Có lần ông Hoàng giắt con đi chơi, rồi để mặc cậu bé thơ thẩn một mình, ông ngồi xuống ghế đá trong công viên, đọc sách. Bỗng một đứa bé trai cùng trạc tuổi Lân, bẩn thỉu rách rưới sán lại gần. Rõ ra là một đứa trẻ ăn mày. Hắn dơ tay sờ vào bộ đồ nhung đen cậu bé đang mặc. Sợ bẩn bộ đồ đẹp, Lân ù té chạy về phía cha, la hoảng:”Ba ơi! Ba ơi! Ăn mày!” Ông Hoàng ngẩng đầu, nhìn về phía hai đứa trẻ. Ông thong thả đứng dậy đón con, nắm chặt tay cậu bé thong thả dắt Lân trở lại chỗ đứa bé ăn xin đang giương mắt nhìn sợ hãi, ông nhỏ nhẹ nói với con:”Con hãy chào người bạn mới này đi!” Giọng ông như có một uy quyền nào khiến Lân phải làm theo. Ông móc túi lấy ra một hào đưa Lân, nhắc:”Con hãy đưa đồng hào này cho bạn”. Lân làm theo cha như một cái máy. Lân vẫn thấy ghê ghê đứa bé ăn mày bẩn thỉu, nhưng như có một sức mạnh nào tận đáy lòng thúc đẩy cậu tuân lời cha vì đó là lời khuyên đúng. Ông Hoàng là tấm gương sáng cho Lân noi theo ngay từ khi cậu bé bắt đầu biết suy tư. Ông không có nhiều cơ hội gần gũi các con vì luôn luôn ông phải đi xa, nay đây mai đó. Sự bận bịu phải xa gia đình, vợ con, Lân mơ hồ biết là vì thời cuộc đòi hỏi. Những con người quốc gia vào những thập niên 20, 30, 40 đã sẵn sàng hi sinh bản thân, gia đình vì đất nước. Họ dành hết cuộc đời cho đại cuộc, cho vận mạng tổ quốc, cho tương lai dân tộc. Lân chỉ biết thế vì cậu còn nhỏ...nhưng trong tâm hồn Lân, cậu đã thấy được chính nghĩa của những người quốc gia, của các bác, các chú, của cha cậu. Vì thế Lân nhìn cha như một mẫu người lý tưởng nên theo. Tính ông Hoàng điềm đạm, giản dị và vui vẻ với tất cả mọi người, ông thích đùa giỡn với các con, ông lạc quan dù ở hoàn cảnh khó khăn, ông trầm ngâm tìm ra biện pháp thích ứng cho mọi trường hợp. Nhưng với chính bản thân, ông là người biết khắc chế, không cờ bạc, rượu chè, hút sách, trai gái, không đàn đúm, tán gẫu. Ông chỉ ham mê văn chương, sách vở và thích làm những gì có ích cho mọi người, cho đất nước không quản công sức, thời giờ. Rất may, ông gặp được những người đồng chí hướng, cùng tổ chức một nhóm văn đoàn đã gây một tiếng vang, làm xao động xã hội thời đó mà dư âm còn ảnh hưởng tới ngày nay. Đó là những người có nhiệt tâm với dân, với nước. Đó là những người dám dấn thân. Năm lên mười tuổi, cậu bé Lân đã cảm thấy thú vị và tự hào về những cuốn sách Hồng do nhóm văn đoàn của cha cậu tạo ra, mà sau này lớn lên, Lâm mới biết cha và bác ruột là những người đi vào lịch sử và có một sự nghiệp văn chương vững vàng. Mười tuổi, Lân đã cảm thấy sung sướng, hãnh diện mỗi khi nghe mọi người nhắc đến tên cha cậu với niềm kính trọng mà sau này Lân mới thấy tinh thần của cha là ngọn đuốc soi đường, là kim chỉ nam cho thanh niên Việt Nam giầu lòng yêu nước. Lân đăm đăm nhìn bức tượng sống động trước mắt, một hình ảnh thân yêu mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm...Bỗng bầu trời chuyển động, mây đen vần vũ che phủ khắp vạn vật. Tất cả chìm trong bức màn tối âm u với những tiếng sấm ầm ầm ghê rợn...Một lần chớp lóe sáng lên, rạch đôi bầu trời...Tự thinh không cao vút, một vì sao rớt xuống, đâm thẳng vào đầu thần tượng của cậu bé... Ông Hoàng té nhào từ trên đỉnh núi xuống vực thẳm...mất hút trong biển sâu...sóng bạc đầu trắng xóa. Trời vẫn gầm gừ. Mây đen vẫn ùn ùn kéo đến. Lân luống cuống sợ hãi, gào trong tuyệt vọng: “Cha! Cha!”...Một tảng mây đen sì giáng xuống, úp chụp trên đầu cậu bé... Mồ hôi toát ra như tắm, Lân vùng dậy. Chỉ là một giấc mơ. Tấm chăn bông phủ kín đầu làm Lân ngộp thở...phải chăng chính là đám mây đen? Nghĩ tới cha, lòng cậu bé đau thắt. Giờ này, cha cậu ở đâu? Chắc xa xôi lắm, tuốt mãi tận Quảng Châu bên Tầu như mẹ nói. Bao giờ cha mới trở về với gia đình? Hơn một tháng sau, vẻ buồn thảm, nước mắt ngấn mi, mẹ gọi ba đứa con lại và cho biết ông Hoàng đã mất đúng vào ngày Lân nằm mơ thấy bố. Ông gục xuống trong một chuyến xe lửa từ HongKong về Quảng Châu ngay khi xe chạy trên một cây cầu bắc ngang qua một con sông lớn nước chẩy cuồn cuộn gần thị xã Tây Hội, trấn Thạch Long. Xác ông đã được đưa tới nhà quàn để thân nhân tới nhận. Nghe tin dữ, anh và chị Lân khóc ầm lên. Lân bé nhất nhà, chưa ý thức rõ nghĩa “sinh ly, tử biệt”, cậu ngơ ngác, chui vào một góc tối nơi xó nhà, tưởng niệm tới bố. Số cha cậu chết trên sông nước; có phải dòng sông gần trấn Thạch Long là dòng sông định mệnh? Có phải cha về báo mộng hay chỉ là một sự trùng hợp tình cờ? Lân nhớ cha day dứt mà cậu vẫn không sao khóc được! Đã năm mươi năm qua... Cứ đến ngày giỗ, nhìn di ảnh cha trên bàn thờ, Lân vẫn tâm niệm sẽ có ngày chàng tới Quảng Châu, tới trấn Thạch Long để tận mắt thấy nơi an nghỉ cuối cùng của người cha yêu dấu. Thời thế đổi thay, mệnh nước nghiêng ngửa...Cũng như bao nhiêu người dân Việt khác, Lân đã phải xa lìa quê hương, nhưng lòng chàng vẫn khắc khoải hướng về cố quốc với những đồng bào đói khổ, vẫn văng vẳng bên tai lời dặn dò của cha: “Con nên vì ai mà sống, vì ai mà hi sinh”. Cứ mỗi năm mỗi lớn, lòng nhớ thương mỗi tăng dần khiến Lân phải đáp máy bay tới HongKong. Để có được cái cảm giác cùng cha đi chung một toa tầu, Lân đã lấy vé xe lửa tới Quảng Châu. Lân chỉ muốn được thấy những gì ông Hoàng đã thấy năm mươi năm về trước nhưng chàng vẫn e ngại vì biết chắc tất cả đã đổi thay với thời gian. Dù vậy, chàng vẫn mơ được đi trên những tuyến đường mà ông Hoàng đã đi. Lân biết ước mong đó chỉ là ảo tưởng. Nhưng khi ngồi trên xe lửa, quan sát toa tầu sao thấy cũ kỹ cổ xưa, ngó ra hai bên đường sao trông cổ hủ lạc hậu. Có người hành khách đi cùng cho biết tuyến đường từ HongKong tới Quảng Châu không có gì thay đổi kể từ hơn năm mươi năm, ngay cả chuyến xe lửa đương chạy cũng vẫn là chuyến xe cuả năm mươi năm cũ. Gần đến trấn Thạch Long, trên toa Lân ngồi chỉ còn hai hành khách, một người đàn ông và chàng. Người đàn ông mặc bộ đồ tây xám gợi Lân nhớ tới bộ đồ của ông Hoàng. Người đó ngồi ngay trước mặt Lân, đang chăm chú đọc báo. Bỗng ông ta bỏ rơi tờ báo, gục xuống... Lân đứng phắt dậy. Cha chàng đây mà. Ông Hoàng thỉnh thoảng vẫn ngất đi mỗi khi lên cơn đau tim kể từ khi bị bọn thực dân Tây bắt và tra tấn tại nhà tù Vũ Bản hồi trước năm 1945 tại Việt Nam. Lân sẽ làm hô hấp nhân tạo trong khi chờ đợi toán cấp cứu...nhưng...Lân vừa nắm lấy tay cha, ông Hoàng bỗng tan biến vào hư vô... Tiếng còi tầu lanh lảnh làm Lân chợt tỉnh, chàng nhoài mình ra cửa xe, ngó xuống. Tầu dần dần chậm lại...xình xịch...xình xịch... ì ạch nặng nề, rùng mình thật mạnh trước khi ngừng tại một ga nhỏ, trấn Thạch Long! Khung cảnh buồn hiu hắt với những cây sấu cằn cỗi, lá lìa cành gần hết. Mùa thu đang tàn trong bầu trời u ám, ảm đạm...Xa xa, những rặng tre ngà còn vương chút lá vàng... Nhà quàn của thị xã nằm lẻ loi đơn độc gần đường xe lửa, tường vôi ẩm mốc, mái rêu phong, trông nghèo nàn, tiêu điều, buồn tẻ. Nơi này, chính nơi này, ông Hoàng đã nằm chờ anh em tới nhận xác. Lân xuống tầu, chạy như bay tới nhà quàn. Phòng khách tối tăm, lèo tèo vài chiếc ghế đẩu cũ tróc sơn, một bàn gỗ mộc chân đã gãy, trống vắng. Ở góc phòng một cỗ quan tài đơn sơ nằm chơ vơ lạnh lẽo, không hương nến. Lân tiến tới bên quan tài, nâng nắp hòm lên...Người đàn ông trong bộ đồ tây xám, cha Lân đấy, mặt mũi sưng vù, méo mó, đôi mắt nhắm nghiền...trong khoảnh khắc, hình hài lại mờ ảo... Định thần, Lân không nhìn thấy gì nữa...chỉ mình chàng trong căn phòng âm u, trống lạnh. Lân đi ra ngoài, tìm đường tới nghĩa trang. Đây là khu đồng không mênh mông gần đường cái quan, kế bên những thửa ruộng đã gặt chỉ còn trơ gốc rạ. Lác đác, vài ba bia mộ ngả nghiêng. Bỗng Lân thấy những vệt lân tinh sáng lấp lánh từ một ngôi mộ bay ra. Lân nhắm ngôi mộ đó tiến tới. Có phải vong linh cha về dẫn dắt chàng không? Trời chiều đã ngả bóng. Chiều thu trên tha ma mộ địa không làm Lân rợn lạnh mà chàng chỉ thấy đớn đau nhung nhớ cha đang vò xé tâm hồn. Hai lần gặp gỡ mà cha chàng khi ẩn khi hiện không một lời nhắn nhủ. Lân vẫn hi vọng tại nghĩa địa hoang vắng này, tại nơi an nghỉ cuối cùng này, chàng sẽ được nghe lại giọng ấm áp thân yêu. Lân quì xuống trước ngôi mộ. Nắng quái chiều hôm hiu hắt rớt trên tấm bia cũ kỹ, nét khắc phai mờ vừa đủ đọc được những dòng chữ trong những tia nắng yếu ớt gần tắt lịm: HOÀNG ĐẠO Sinh 16/11/1907-Mất 22/07/1948 Người Việt Nam*Yên nghỉ tại đây
Lân nghẹn ngào:”Cha ơi!”. Người đàn ông trong bộ đồ tây xám đứng trước mặt chàng. Bóng chiều sẫm hẳn. Màn đêm đã xuống. Lân không thấy rõ mặt cha dù hai người chỉ cách nhau trong tầm tay với. Ông Hoàng đứng thẳng. Lân quì dưới chân. Văng vẳng từ xa, giọng nói nhẹ nhàng thân yêu. “Con cố hành động theo khả năng, theo lương tri...những gì có ích cho dân tộc, cho nhân loại. Đừng ham danh vọng, giầu sang, phú quí. Đừng ganh ghét. Đừng kiêu ngạo. Đừng sợ sệt. Ở tuổi con, ba không cần nói nhiều. Ngày nào còn tồn tại trên cõi đời, hãy vui vẻ, hăng say sống...cho mình mà cũng cho người...” Lân kêu lên: “Cha ơi! Con muốn hỏi...” Ông Hoàng ngắt lời: “Con đừng nghĩ tới những điều không đáng chú trọng. Hãy tìm lấy chỗ thoải mái, yên bình cho tâm hồn. Đó là hạnh phúc, con ạ!” Bóng người cha nhạt dần...chỉ là khoảng không hụt hẫng...chới với...chàng ngã quị, đầu đập trên bia mộ. Lân sực tỉnh. Đồng hồ báo thức trên đầu giường rơi vào trán khiến chàng đau điếng. Có lẽ trong cơn mê, chàng quờ quạng, vùng vẫy làm rớt cái đồng hồ. Cảm giác nhớ thương, mong muốn gặp gỡ vẫn bóp nghẹt tim chàng. Giấc mộng tìm tới nơi an nghỉ của cha, Lân không thể thực hiện được nữa. Đã năm mươi năm qua rồi, nước Tầu thay đổi, trấn Thạch Long cũng đã đổi thay, khu nghĩa trang chôn cất ông Hoàng đã bị đào xới để trở thành vùng kinh tế mới. Nắm xương tàn của cha chàng còn biết ở đâu? Thân cát bụi lại trả về cát bụi... Hôm nay là ngày giỗ ông Hoàng. Ngày giỗ thứ năm mươi. Cộng đồng người Việt miền nam California tổ chức lễ truy niệm, tưởng nhớ tới một người suốt đời đã hy sinh cho chính nghĩa, cho dân tộc. Lân buồn rầu vì chưa làm được những gì chàng mong ước theo ý hướng cha. Lòng kính yêu người cha quá cố vẫn rào rạt trong tâm khảm. Lân chỉ gặp lại cha trong giấc mơ...vẫn còn nhiều giấc mơ nữa...vì tình nhớ thương không bao giờ phai nhạt.
*Kính tặng vong linh CHA nhân ngày giỗ thứ năm mươi. Ngày 22, tháng 7, năm 1999.
NGUYỄN LÂN
Nguồn: Kỷ Nguyên Mới, số 34
|