Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Nữ điệp viên - cạm bẫy ngọt ngào
viethoaiphuong
#1 Posted : Friday, May 28, 2010 4:00:00 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Nữ điệp viên - cạm bẫy ngọt ngào

Thế giới điệp viên không chỉ dành cho những quý ngài thắt cà vạt mà sự nhanh nhẹn, lạnh lùng, quyết đoán cộng với sự gợi cảm của các nữ điệp viên cũng đi vào lịch sử tình báo với những chiến công lẫy lừng.

Violette Szabo

Sinh ngày 26/6/1921 tại Pháp và sau đó chuyển sang Anh sinh sống, bà Violette Szabo tình nguyện gia nhập Ủy ban đặc biệt của Anh năm 1942 sau sự hy sinh của người chồng là Ðại uý Etienne Szabo trong một trận chiến với phát xít tại Ai Cập.



Sau đó, bà trở lại Pháp tham gia lực lượng kháng chiến, chuyên đột nhập vào lãnh thổ nước Ðức và thực hiện các nhiệm vụ phá hoại công trình địch. Bà Violette Szabo bị Ðức quốc xã bắt giữ vào tháng 6/1944 khi mới 23 tuổi. Dù bị tra tấn dã man nhưng bà quyết không khai báo. Mùa xuân năm 1945, khi quân đồng minh đánh bại phát xít Ðức bà mới được giải thoát. Ðể ghi nhớ công ơn của bà hiện nay ở Anh còn một bảo tàng mang tên Violette Szabo.

Virginia Hall

"...Ả có mái tóc đen, đôi gò má cao, chân đi tập tễnh, là một trong những điệp viên lợi hại nhất của đồng minh...", mật vụ Ðức yết thị. Và để nhấn mạnh, trong tờ cáo thị truy nã năm 1942, mật vụ Gestapo của phát xít Ðức yêu cầu tất cả các đơn vị "phải ra sức tìm kiếm và tiêu diệt ả bằng được".

"Ả" chính là Virginia Hall, sinh ngày 6/4/1906 tại bang Maryland, Mỹ. Là chuyên gia ngôn ngữ học và thành thạo tiếng Pháp, Italy và Ðức. Năm 1931, bà được cử sang làm ở đại sứ quán Mỹ tại Ba Lan.



Năm 1932, bà gặp tai nạn khi đi săn tại Thổ Nhĩ Kỳ và phải sử dụng chân giả. Chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, bà gia nhập Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ (OSS, tiền thân CIA). Với cái chân giả, bà vẫn nhảy dù xuống Pháp, bắt liên lạc với lực lượng kháng chiến nước này.

Không chỉ vẽ bản đồ, lập cơ sở an toàn, bà Hall còn trực tiếp huấn luyện ba tiểu đoàn kháng chiến. Có lần bà thoát chết trong gang tấc khi thoát được mẻ lưới bủa vây tại vùng núi Pyrenees. Không chùn bước, nhóm của bà liên tục tổ chức nhiều cuộc tấn công, phá cầu đường, cắt dây điện thoại và thực hiện các cuộc đánh du kích...

Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, nữ điệp viên với chiếc chân giả này tiếp tục làm việc cho Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA). Vì những chiến công xuất sắc, bà được Chính phủ Mỹ tặng thưởng huân chương cho nhà tình báo lỗi lạc. Hơn 60 năm sau, bà Hall tiếp tục được Chính phủ Anh và Pháp vinh danh.

Christine Granville

Bà Christine Granville là con gái của bá tước Jerzy Skarbek ở Ba Lan. Sau khi kết hôn, bà chuyển sang Anh sinh sống. Khi nghe tin quân Ðức tấn công Ba Lan ngày 1/9/1939, bà rất muốn tham gia lực lượng quân giải phóng Ba Lan. Bà bỏ nhà sang Hungary bắt liên lạc với người bạn cũ và lập tức vợ chồng bà được nhập vào mạng lưới gián điệp Musketteers.



Tháng 10/1941, khi Cục đặc vụ Anh (SOE) được thành lập, bà Christine Granville là một trong những điệp viên đầu tiên được Vera Atkins, người phụ trách tuyển dụng và đào tạo của SOE thu nhận. Bà được giao nhiệm vụ phụ trách đơn vị F của SOE hoạt động trên địa bàn Pháp và Italy. Từ đó bà còn có tên khác là Pauline Armand.

Tháng 6/1942, bà được phái đến Pháp bằng cách nhảy dù từ máy bay vào ban đêm xuống vùng Rhones-Alpes với nhiệm vụ thiết lập đường dây điệp báo có tên gọi Jockey để nối liên lạc giữa các lực lượng kháng chiến Pháp và Italy nhằm thu thập thông tin tình báo về hoạt động quân sự của Ðức quốc xã, phát triển lực lượng và tiếp nhận vũ khí quân trang được máy bay đồng minh thả dù vào ban đêm. Hoạt động của đường dây điệp báo Jockey hiệu quả đến mức mật vụ Gestapo treo thưởng công khai cho ai chỉ điểm, bắt giữ hoặc giết chết Christine Granville.



Sau đó, bà Christine Granville lại được SOE điều động đến Pháp tiếp tục hoạt động. Chiến công lớn nhất của bà trong giai đoạn này là thâm nhập vào tận sào huyệt của mật vụ Gestapo Ðức quốc xã ở thành phố Digne của Pháp vào tháng 8/1944, để giải cứu cho Francis Cammaerts, chỉ huy Lực lượng kháng chiến miền Bắc nước Pháp và Xan Fielding, chỉ huy mới của SOE tại Pháp bị Gestapo bắt giữ và chuẩn bị hành hình. Với thành tích này, bà được Chính phủ Anh tặng thưởng Huân chương Thập tự George cao quý.

Với bảng thành tích lẫy lừng, sự nghiệp tình báo tưởng sẽ rộng mở đối với bà Christine Granville. Nhưng chỉ một tháng sau khi chiến tranh kết thúc, bà bất ngờ bị sa thải khỏi ngành tình báo Anh. Tuy nhiên, là một phụ nữ giàu nghị lực, yêu tổ quốc nên bà tìm mọi việc làm để tự mưu sinh và tìm cách quay về phục vụ quê hương Ba Lan song luôn bị Chính phủ Anh ngăn cản. Giấc mơ của bà không thành. Bà bị sát hại năm 1951.

43 năm sau, cái chết của nữ điệp viên huyền thoại này mới được làm sáng tỏ bởi những tiết lộ của một đồng đội và là cấp trên của bà tại SOE là Vera Atkins.

Nancy Wake

Bà Nancy Wake sinh ngày 13/8/1912, tại New Zealand, sau đó gia đình bà chuyển sang Australia. Khi được một người dì tặng cho 200 bảng Anh, một số tiền lớn vào năm 1929, bà quyết định đến châu Âu để mưu sinh mà điểm dừng đầu tiên là Anh.

Năm 1939, khi đến làm việc tại thành phố Marseille của Pháp, bà quen biết rồi lập gia đình với một doanh nhân giàu có người Pháp tên Henri Fiocca.

Chỉ 6 tháng sau, Ðức quốc xã đưa quân xâm chiếm Pháp. Với quyết tâm bảo vệ quê hương chồng, bà Nancy Wake quyết định tham gia phong trào kháng chiến. Lúc đầu bà được giao những nhiệm vụ như giao liên, cung ứng lương thực thực phẩm, mua vũ khí và đều hoàn thành một cách xuất sắc.

Dần dần Ðức quốc xã chú ý đến hành động của bà Nancy Wake và tổ chức theo dõi để bắt giữ. Ðầu năm 1943, bà lui vào hoạt động bí mật và trở thành nhân vật số 1 bị mật vụ Gestapo truy nã với số tiền treo thưởng lên đến 5 triệu franc cho bất cứ ai chỉ điểm hoặc giết chết bà.



Tháng 4/1944, bà cùng một chỉ huy SOE là Trung tá John Farmer nhảy dù xuống vùng Auvergnes ở miền Trung nước Pháp để củng cố và phát triển phong trào kháng chiến nhằm chuẩn bị lực lượng hỗ trợ cho chiến dịch đổ bộ của đồng minh sẽ diễn ra tại vùng biển Normandie vào tháng 6/1944.

Ngày 25/8/1944, bà Nancy Wake trở thành một trong những chỉ huy du kích đầu tiên có mặt trong đoàn quân giải phóng Thủ đô Paris. Tuy nhiên cũng tại Paris, bà mới biết tin về việc chồng mình, doanh nhân Henri Fiocca bị Ðức quốc xã sát hại. Một năm sau khi bà chuyển sang Anh, mật vụ Gestapo bắt giữ ông Henri Fiocca, tra tấn và bắn chết do ông không chịu khai báo bất cứ thông tin gì liên quan đến vợ mình.

Khi chiến tranh kết thúc, Nancy Wake quay về Anh và tiếp tục làm việc tại bộ phận hải ngoại của SOE cho đến ngày tổ chức tình báo đặc biệt này giải thể. Năm 1948, bà được bổ nhiệm làm chỉ huy bộ phận phản gián của Cơ quan tình báo quốc phòng Anh. Ở cương vị này, bà cùng các nhân viên của mình lật mặt những điệp viên cuối cùng của Ðức quốc xã còn ẩn náu tại Anh sau khi chiến tranh kết thúc và truy tìm để bắt giữ nhiều điệp viên khác đang tìm cách đào thoát đến nhiều quốc gia nhằm che giấu tội ác của chúng.



Năm 1962, sau khi tái hôn với John Forward, một sĩ quan quân đội Anh bị Ðức quốc xã bắt giữ làm tù binh, bà Nancy Wake ngừng hoạt động trong ngành tình báo và cùng chồng quay về Australia sinh sống. Ðến năm 1968, bà được bầu làm thị trưởng thành phố cảng Port Macquarie của bang New South Wales.

Tháng 4/2005, Chính phủ Australia trao tặng Huân chương cho bà Nancy Wake, một điệp viên nổi tiếng để ghi nhận công lao chiến đấu vì sự nghiệp tự do hòa bình cho nhân loại. Ðây là chiếc huân chương cao quý thứ 18 mà bà được Chính phủ nhiều quốc gia trao tặng và giúp bà trở thành nữ điệp viên được trao tặng nhiều huân chương nhất trong thế kỷ XX.

Mata Hari

Mata Hari là một phụ nữ Hà Lan tên thật là Margaretha Geertruida Zelle, sinh ngày 7/8/1876. Bà sống một thời gian dài ở Ðông Ấn trước khi lập gia đình với một vị thủ lĩnh quân đội thuộc địa người Hà Lan. Ly hôn và bần cùng vì người chồng cũ không chi trả cho bất cứ khoản tiền nào, bà Margaretha quyết định đến Paris năm 1904 và đổi tên thành Mata Hari.

Tại đây, bà làm nghề vũ công cho rạp xiếc. Với vẻ đẹp phương Ðông huyền bí, rất mềm mại, lại biết múa những điệu lễ thức của những dân tộc hoang dã ở Java và Sumatra nên ông chủ rạp xiếc tạo điều kiện cho bà đi trình diễn ở nhiều nơi khác nhau.

Những cảnh múa phương Ðông lạ lẫm, kết hợp cả thoát y vũ của bà làm rung động cả châu Âu thời trước chiến tranh. Tuy nhiên, sự hoà trộn nhiều đặc tính - huyền bí, xinh tươi và quan hệ rộng với giới quan chức, bà được các tổ chức điệp vụ chú ý đến.



Nhiều nguồn tin cho rằng, bà Mata Hari được tuyển mộ trong thời chiến tranh bởi tuỳ viên quân sự Ðức ở Madrid là Hans fon Kalle mà bà là người tình trong một thời gian.

Tuy nhiên, Mata Hari lúc nào cũng cần tiền: bà luôn luôn bội chi. Nhưng lấy tiền ở đâu? Bà đi đến một quyết định ngược đời và tai họa: "Nếu tình báo Ðức đã dễ dàng cho ta một khoản tiền lớn, thì tại sao lại không đòi hỏi cả tình báo Pháp nữa?".

Mata Hari đến gặp người chỉ huy cơ phản gián Pháp, đại uý Liadu. Bà thương lượng được với Ðại uý Liadu và bắt đầu phục vụ cho tình báo Pháp mà không hề nói rằng mình làm cho tình báo Ðức.

Nhiệm vụ của bà là đi Tây Ban Nha. Khi chia tay, Ðại uý Liadu cố ý nhắc nhở, bà đừng bao giờ làm việc cho cả hai mặt trận, cần chọn lấy một, nếu không thì kết cục sẽ rất tồi tệ. Bà trả lời bằng một câu bóng bẩy theo kiểu phương Ðông, đại ý nói rằng, bà sẽ phục vụ tình báo Pháp bằng tấm lòng trung thành.

Không lâu sau thời gian hoạt động, cơ quan phản gián của Pháp phát hiện, chính Mata Hari là điệp viên của Ðức mang mật danh H-21.Tuy nhiên, bà cũng có rất nhiều đóng góp lớn cho phản gián Pháp.

Chẳng bao lâu sau giáng sinh năm 1916 ở Tây Ban Nha, dù đang là thời kỳ chiến tranh, Mata Hari vẫn rất đỏm dáng và trang trọng đi về Paris. Mọi người đều muốn có chuyến đi này của cô: người Ðức muốn có vì cô hứa hẹn có thông tin quan trọng, phản gián Pháp cũng muốn vì "cánh chim" này đã tự bay vào bẫy của họ, còn chính Mata Hari cũng muốn vì cô hy vọng sẽ nhận được khoản tiền một triệu từ tình báo Pháp.



Ngày 13/2/1917, cảnh sát Pháp bắt bà, buộc tội bà làm gián điệp cho Ðức. Vụ án được đưa ra ngày 24/7/1917. Họ buộc tội Mata Hari vì bà mà 17 tàu chiến của liên quân bị chìm, gần một sư đoàn bị thiệt mạng. Ngoài ra, bà bị buộc tội nhận tiền của Ðức. Sau cùng, toà nhất trí tuyên án tử hình.

Tuy nhiên, trong những ngày chờ đợi cái chết, bà vẫn đóng vai Mata Hari của chính mình. Bà vẫn múa những điệu múa đầy gợi cảm trong nhà giam.

Sáng sớm 15/10, cai tù đánh thức bà dậy. Bà đỏng đảnh: "Sao vậy? Sớm thế kia ư! Ngay buổi sáng à! Kiểu gì mà lạ vậy?". Bà được đề nghị đưa đức cha đến làm lễ nhưng bà tuyên bố: "Tôi không muốn tha tội cho người Pháp. Nhưng thế nào cũng được. Tất cả đều như nhau. Sống không là gì mà chết cũng không là gì. Chết, ngủ, mơ, những cái đó có nghĩa gì không? Cũng như nhau, đúng không - chết hôm nay hay chết ngày mai, chết trên giường mình hay lúc dạo chơi? Tất cả đều là lừa dối". Bà yêu cầu không phải bịt mắt và mỉm cười nhìn lên bầu trời xám xịt khi bị xử bắn.

Trà My (tổng hợp)
14/05/2010
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.