Bác sĩ, tác giả “Thần Kinh Học Lâm Sàng” báo động vụ 10 ngàn trẻ em VN bị teo cơ: “Không nên mổ cơ delta, có hại cho bệnh nhân”Saturday, June 10, 2006
Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) - Bác sĩ Daniel Dũng Trương, một chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về thần kinh học và bệnh bắp thịt, cũng là một người từng huấn luyện nhiều bác sĩ du học từ Hà Nội, lên tiếng báo động không nên cho mổ cơ delta vì sẽ “có hại cho bệnh nhân.” Ông cũng đặt nghi vấn chưa chắc sự chẩn bệnh đã chính xác.
Bác sĩ Daniel Trương lên tiếng với báo Người Việt sau khi báo chí trong nước đưa tin về hàng chục ngàn trẻ em ở Việt Nam bị bệnh teo cơ “delta,” đồng thời đưa tin Bộ Trưởng Y Tế Trần Thị Trung Chiến ra chỉ thị cho các bệnh viện chữa trị bằng cách mổ cơ này.
Cơ delta, còn gọi là bắp thịt “deltoid,” là bắp thịt ở bả vai. Bắp thịt (hay cơ) deltoid quen thuộc với người hay tập tạ, vì đây là một trong những bắp thịt giới tập tạ quan tâm tới. Bác sĩ Daniel Trương cho biết, “cơ deltoid hình tam giác, bọc quanh vai mình. Bắp thịt này bảo vệ bả vai. Cùng với cơ trapezius - là bắp thịt giữa vai và cổ, mình vẫn hay đấm bóp chỗ đó - bắp thịt deltoid kéo khớp xương vai vào với thân mình.”
Bác sĩ Daniel Trương báo động về nguy cơ cho bệnh nhân khi mổ cơ delta này:
“Nếu cắt bỏ bắp thịt, dù là thay bằng bắp thịt khác đi nữa, thì cánh tay nặng gần 10kg chỉ còn có chút gân giữ lại. Việc này sẽ rất đau đớn cho bệnh nhân.”
Ông so sánh với cái “chevalet,” một dụng cụ tra tấn tù nhân thời Trung Cổ:
“Thời Trung Cổ, ở Âu Châu có thứ dụng cu tra tấn người, họ cùm chân cùm tay rồi bỏ lên máy kéo căng thân người ra. Khi kéo căng tù nhân ra, thì lý do tù nhân bị đau đớn là vì gân bị kéo giãn ra. Bây giờ nếu mổ, gân vai bị cánh tay kéo giãn xuống cũng sẽ đau y như bị tra tấn vậy.”
Ông nói thêm, “Tôi đã có huấn luyện một số bác sĩ tại Việt Nam qua Mỹ tu nghiệp và du học, trong đó có bác sĩ Lê Quang Cường, Vụ phó Vụ Ðiều Trị. Tôi có báo động cho họ về nguy cơ trong việc mổ đại trà này.”
Ông cho báo Người Việt biết, “Bệnh teo bắp thịt deltoid là bệnh rất hiếm. Trước đây thường chỉ có ở Ấn Ðộ và chỉ bị vài chục đứa trẻ. Nay theo báo chí nói là có đến 10,000 trẻ em tại Việt Nam bị bệnh này, thì đây là một chuyện rất lạ.”
Ông phân tích, “Bệnh bắp thịt một số do di truyền. Trong trường hợp này, tự dưng có đến 10,000 trẻ em bị bệnh, thì không thể do di truyền. Lại đến cùng một thời điểm, thì phải kết luận rằng bệnh cho cả 10,000 trẻ em này gây ra từ cùng một nguồn, và nguồn đó đã xảy ra trong một thời điểm.”
Ông nói thêm, 'Tôi có trả lời phỏng vấn báo Lao Động từ trong nước. Sau đó, khi vào đọc trang web báo Lao Động, tôi có thấy chụp một tấm hình một em bệnh nhân. Theo bức hình trên báo Lao Động, tôi thấy có nghi vấn về việc chẩn bệnh.'
Ông nói, 'Theo bức hình đó, rất có thể cơ bị teo không phải là cơ deltoid mà có thể hoặc là cơ latissimus dorsi, hoặc là serratus anterior .' Cơ latissimus dorsi nằm giữa lưng, còn cơ serratus anterior nằm dưới nách.
Bác sĩ Daniel Trương cho biết “Phía Việt Nam có mời tôi về tham gia trong việc chữa trị này, vào đầu Tháng Bảy tôi sẽ về cùng với một số giáo sư Hoa Kỳ xem vấn đề nằm ở đâu.”
Ông khẳng định, “Không nên mổ. Phải chữa bằng vật lý trị liệu, hay bằng bất cứ phương pháp nào khác để giữ lại cơ của bệnh nhân. Không chữa nổi, không giữ được, lúc đó mới nghĩ đến chuyện mổ.”
Ngay cả nếu quyết định mổ, bác sĩ Daniel Trương cũng cho rằng không thể mổ hàng loạt 10,000 bệnh nhân trẻ em. “Mười ngàn trẻ em, phải cộng thêm 20,000 bậc cha mẹ, nếu mổ mà làm hại gì các em là có đến 30,000 người đau khổ. Việc giải phẫu cơ delta là việc Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Nếu có quyết định mổ đi nữa, cũng chỉ nên mổ chừng 10 em bị nặng nhất, sau đó theo dõi khoảng một năm rồi mới quyết định có mổ thêm hay ngưng.”
Từ những ngày đầu Tháng Năm, báo chí trong nước đưa tin hàng chục ngàn trẻ em trên khắp nước bị teo cơ delta. Cho đến nay, nhiều tỉnh đã thực hiện việc mổ cơ delta, trong đó có Thanh Hóa loan tin đã mổ để 400 bệnh nhân.
Tuy nhiên, trong tuần vừa qua, nhiều báo chí trong nước đưa tin một số bác sĩ Việt Nam cũng như ngoại quốc lên tiếng khuyến cáo không nên mổ. Báo Lao Động đưa tin Giáo Sư Nguyễn Thu Nhạn, Chủ tịch Hội Nhi khoa VN lên tiếng: 'Tôi không đồng tình mổ đại trà.' Một phái đoàn chuyên gia chấn thương chỉnh hình Mỹ đang có mặt tại Việt Nam cũng không đồng ý với quyết định chữa bằng cách mổ.
Trong những ngày tới, ngoài phái đoàn thần kinh học từ Mỹ, sẽ có một pháiđoàn từđại học Oxford University, Anh, và một pháiđoànRoyal Children Hospital từ Melbourne, Úc qua Việt Nam để tham gia nghiên cứu hiện tượng này. Ngay tuần tới đây, một bác sĩ thần kinh nhi sẽ từ Anh qua Việt Nam làm việc với bệnh viện Nhi Trung Ương tại Hà Nội.
Bác sĩ Daniel Trương vừa là bác sĩ chữa trị vừa là nhà nghiên cứu chuyên khoa thần kinh và bệnh bắp thịt như bệnh Parkison. Ông làbác sĩ sáng lập Parkinson's & Movement Disorder Institute (Bệnh Viện Parkinson's và Rối Loạn CửĐộng), có trụ sởtại Long Beach và Fountain Valley, California.Ông là cựu giáo sư thần kinh họctại cácđại họcy khoa Wayne State University vàU.C. Irvine,tham gia trong ban chủ biên nhiều tạp chí chuyên khoa thần kinh, và đã viết 3 quyển sách về thần kinh học. Bác sĩ Daniel Dũng Trương cũng là tác giả cuốn sách giáo khoa “Thần Kinh Học Lâm Sàng” hiện sử dụng tại Việt Nam. (HNV)
nguoiviet online