Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Ðiêu khắc gia Darlene Nguyen-Ely.
viethoaiphuong
#1 Posted : Saturday, March 13, 2010 4:00:00 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Chuồn chuồn có cánh thì bay

Saturday, March 06, 2010



“Dragonfly” trong thời kỳ thiết kế năm 2005 tại xưởng làm việc. (Hình: Nguyen-Ely cung cấp)

[img]http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/109441-medium_NVHN-100305-DARLENE.jpg" alt=""/>
Ðiêu khắc gia Darlene Nguyen-Ely.
(Hình: users.ixpres.com/Ạdarlene)

Ðiêu khắc gia Darlene Nguyen-Ely và con Dragonfly trên bầu trời Seattle

Tiffany Lê & Triệu Phong/Người Việt Trẻ


SEATTLE (NV) - Ngay bên ngoài một trạm xe điện ở Seattle, có treo một con chuồn chuồn khổng lồ bằng nhôm bóng loáng.

Tác phẩm điêu khắc độc đáo này treo ngay trạm Rainier Bridge Station, nơi được xem là cửa ngõ bước vào thành phố Seattle, và cũng là trạm ngừng ở gần khu Beacon Hill, rất đông người nhập cư từ Châu Á - người Hoa, người Phillipines, và người Việt Nam. Có thống kê cho thấy, trong vùng nhỏ bé 4-5 dặm vuông quanh trạm này, người ta sử dụng tới 78 loại ngôn ngữ khác nhau.

Người sáng tác con chuồn chuồn kia - tên tiếng Anh là Dragonfly - là một người Việt Nam: Ðiêu khắc gia Darlene Nguyen-Ely.

Nói với báo Người Việt, điêu khắc gia Nguyen-Ely cho biết con chuồn chuồn là một kỷ niệm thời ấu thơ của cô ở Việt Nam, thuở ấy cô thích đi bắt chuồn chuồn. Khác với những con chuồn chuồn mà một cô bé dưới 7 tuổi có thể bắt được, tác phẩm “Dragonfly” của Darlene được làm bằng nhôm, nặng khoảng 900 lbs, phải chế bằng máy vì không thể làm bằng tay.

Darlene nói với Người Việt, “Phải mất một thời gian lâu mới hoàn tất được dự án, tác phẩm của tôi được chọn vào năm 2000 nhưng phải mất nhiều năm chờ đợi họ làm cho xong hệ thống thiết lộ. Và rồi lại bị hồi lại vì thiếu ngân sách.”

“Dragonfly” được chọn để treo tại trạm xe điện vì tác phẩm này “dấy lên được đề tài ‘đối thoại về văn hóa và mang lại được những dị biệt về văn hóa và khác biệt về viễn kiến lại gần với nhau,” theo lời Jennifer Babuca, điều hợp viên Chương Trình Nghệ Thuật cho Sound Transit, nói với Người Việt.

Ðiêu khắc gia thuyền nhân

Ra đời ở Sài Gòn năm 1968, Darlene Nguyen-Ely không sống được lâu trên quê hương mình. Năm 1975, khi vừa lên bảy, Darlene được mẹ trao cho người chú, cùng anh và chị, nhập chung với hằng chục “thuyền nhân” người Việt tìm đường ra khỏi Việt Nam trên một con thuyền ọp ẹp, khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản.

Trong chuyến hải hành, cô chứng kiến cảnh người ta chen chúc xô lấn nhau, người bị chết đuối vì rơi xuống biển, hoặc bị nát thây khi hai tàu cập sát gần nhau. Darlene phải trải qua nhiều ngày thiếu thức ăn khi thuyền bị hỏng máy và trôi giạt trong tình thế nguy ngập, bị cướp mất chỗ ngồi khi đứng lên duỗi mình, để rồi phải đứng suốt đêm trong bóng tối. Cô kinh hoàng khi chứng kiến cảnh một người nổ súng tự sát vì tuyệt vọng và thét lên khi máu thịt bắn vào người mình, xác người đàn ông này bị ném xuống biển và sau đó cá mập kéo đến phanh thây để tranh ăn.

Trước khi tàu của Darlene được một tàu Ðan Mạch vớt và đưa đến Hồng Kông, nhiều tàu bè đi qua mà không màng đến dấu hiệu kêu cứu của tàu cô. Sau một thời gian ở trại tỵ nạn, Darlene được sang Hoa Kỳ định cư, và mãi đến 16 năm sau mới được đoàn tụ lại với mẹ.

Khi mới đến Mỹ cô cảm thấy ghê sợ với cuộc sống ở đây nhưng dần dần rồi cũng quen đi, tuy thế ký ức trong cô vẫn không hề phai nhòa. Phải đến thập niên 90 Darlene mới bắt đầu liên lạc về Việt Nam qua điện thoại.

Quá khứ này in đậm trong trí óc thơ ngây của cô, để rồi sau này chất chứa trong các tác phẩm điêu khắc của mình. Darlene tâm sự, “Mỗi tác phẩm điêu khắc của tôi tượng trưng cho mỗi chặng đường khác nhau trong cuộc hành trình của cuộc đời.”

Ký ức về cuộc ra đi bằng thuyền vẫn chiếm trọn tâm tưởng Darlene và thể hiện trên các tác phẩm của cô. Nhiều tác phẩm ban đầu của Darlene qua bộ tác phẩm điêu khắc “Journey Series” gồm những hình thể thuôn thả, trơn muốt, gợi lại hình ảnh của tàu thuyền hoặc máy bay. Một thân tàu gỗ bóng láng, cho người thưởng ngoạn ấn tượng con thuyền lướt đi êm ả trên sóng nước. Những hình dáng cong, dài, được phủ bằng lớp sợi thủy tinh mỏng, mang đến cảm tưởng như đôi cánh sẵn sàng tung bay lên bầu trời một cách nhẹ nhàng.

Darlene giải thích, “Những tác phẩm điêu khắc này đi sâu vào khía cạnh biểu tượng cũng như tâm linh của cuộc hành trình, gồm việc du hành được sử dụng làm sao để diễn đạt như một ẩn dụ của sự đổi thay, như thấy nơi con tàu đưa xác hay chiếc thuyền tị nạn.”

“Khi sáng tác những tác phẩm đầu tiên tương quan đến hình ảnh của sự chuyển động, tôi trở nên chú ý đến cấu trúc của tàu thuyền và máy bay, là những thứ tượng trưng cho sự du hành. Khi mổ xẻ những máy móc này xuống đến thành phần cơ bản của chúng, tôi nhận thấy có một sự tương đồng nơi cấu trúc cơ bản của động vật cũng như thực vật, đó là tế bào. Hình thể đơn giản thanh thoát của thực vật đa tế bào cũng như nơi động vật, trông như một sự nối dài tự nhiên nơi những hình thức vận chuyển vào thời sơ khai.”

“Sự kết hợp giữa máy móc với sinh vật thể, mở ra một sự tự do lớn lao hơn để thám hiểm về hình thể, vì thiên nhiên tuồng như luôn luôn có nhiều tưởng tượng hơn khi chọn lựa về hình thể, thoải mái nối kết tế bào với nhau thành những hình thể như xoắn trôn ốc, vòng tròn hay hình dích-dắc.”

Ngay từ tuổi nhỏ, Darlene đã bắt đầu biết làm quen với nghệ thuật cắt dán và họa hình phong cảnh, phố thị và con người bằng màu nước và dầu. Darlene cho biết ông chú cô là một họa sĩ, cô thường quanh quẩn bên cạnh để xem ông vẽ. Cô nói môi trường chung quanh đã dẫn dắt cô trở thành một nghệ sĩ.

Thuở ấu thơ, Darlene là một cô bé nhút nhát, không dám lang thang ra khỏi nhà để chơi với những trẻ cùng lứa khác, thay vì thế, Darlene thích quanh quẩn trong nhà làm những điêu khắc nho nhỏ. Cuối cùng, mẹ của Darlene mướn cho cô một thầy dạy kèm về nghệ thuật nhiều buổi mỗi tuần tại nhà. Năm 1974, cô bé Nguyen-Ely thắng giải xuất sắc nhất trong một cuộc triển lãm thiếu nhi được tổ chức tại Sài Gòn, do UNICEF bảo trợ.

Darlene đi học ở Los Angeles, và về sau lấy được văn bằng BFA ở Cal State University, Long Beach vào năm 1992.

Darlene Nguyen-Ely hiện sống ở Everett, Washington, có chồng là một kỹ sư hàng không, họ có hai con gái, một mới lên hai và một được tám tuổi. Mẹ vẫn ở Sài Gòn, làm nghề thợ may, còn cha làm việc trong tòa đại sứ Pháp. Darlene đang làm một dự án nghệ thuật công cộng mà cô nay là một ủy viên trong ủy ban lo phỏng vấn và tuyển chọn người làm việc cho dự án này, khác với khi cô làm “Dragonfly.”

Di sản vượt biên

Những tác phẩm đầu tiên của Darlene là điêu khắc tàu thuyền, sau khi viết một bài tự thuật về đời mình cho một đề mục ngắn được đăng trên San Diego Union-Tribune vào năm 1995. Kể từ lúc câu chuyện về đời mình được xuất bản, Darlene nhận thấy chỉ có làm nghệ thuật mới giúp cô bắt đầu một tiến trình hàn gắn.

Ðược hỏi có bao giờ cô trở lại thăm Việt Nam chưa, thì Darlene cho biết cô vừa ghé về năm ngoái. Hồi viết câu chuyện về đời cô, Darlene cảm thấy rất ray rứt nhưng khi về đến Việt Nam thì cảm giác ấy không còn nữa. Darlene nói, “Mọi thứ đều đã qua đi, tôi không còn nhận biết đến chúng. Tôi nghĩ khi ra bến tàu nơi tôi ra đi, tôi sẽ khóc, tuy nhiên rồi ra tôi cũng không nhận ra được chỗ ấy là đâu. Mọi vật mọi nơi nay đều đã đổi thay, chỗ tôi ở ngày xưa bây giờ cũng không còn. Những gì tôi cảm thấy trước đây không còn hiện hữu nữa.”

Nghệ thuật của Darlene là một sự pha trộn giữa thiên nhiên với kỹ nghệ, giữa cũ và mới, một sự va chạm của văn hóa mà căn nguyên bắt nguồn từ ngày tàn cuộc chiến ở Việt Nam.

Tác phẩm kích thước lớn của cô là những cấu trúc năng động của gỗ, bê tông, tre trúc, thép và dây kẽm, tất cả những phân tử rời rạc được gom lại với nhau trong một nỗ lực hòa giải thời thơ ấu ở Việt Nam của mình với cuộc sống hiện tại ở Hoa Kỳ. Darlene nói, “Ðây là một chủ đề mà nó ngự trị lên tất cả những gì tôi thực hiện.”

Trong 15 tác phẩm thuộc bộ “21st Century Tribal Series” mà cô đem trưng bày ở Creative Arts Center Municipal Gallery ở Burbank hồi Tháng Tám, năm 1994, toàn bộ đều có tính cách trừu tượng, nhưng chất liệu của chúng đều tượng trưng cho các truyền thống cũ xưa.

Bàn về bộ tác phẩm điêu khắc này, cô nói, “Từ một đất nước chậm tiến như Việt Nam đến đây, tôi bị choáng ngợp trước một khung cảnh kỹ nghệ tân tiến của Hoa Kỳ. Chính môi trường này đã gây cảm hứng cho tôi tạo nên bộ điêu khắc ‘21st Century Tribal Series’. Bộ điêu khắc này là một loạt những điêu khắc kích thước lớn, sử dụng nguyên liệu thiên nhiên và phong cách thô sơ, kết hợp với chất liệu kỹ nghệ cùng một cảm quan hiện đại qua sự thiết kế ba chiều. Bộ điêu khắc này phản ảnh thử thách của bản thân tôi, để hòa giải Văn Hóa Truyền Thống Việt Nam với Văn Hóa Hiện Ðại của Hoa Kỳ.”

Claude Hulce, giám đốc kiêm quản thủ khu triển lãm nhận xét, “Tribal Series cống hiến cho chúng ta một cách sử dụng chất liệu đầy sáng tạo. Phải nói là hoàn toàn vô song.”

Giám đốc Art Center, Carol Finkle nói rằng, bà rất “cảm kích về sức mạnh nơi các tác phẩm của Darlene. Một phụ nữ mà có thể thực hiện được những tác phẩm nghệ thuật đồ sộ như thế thì quả là hiếm có.”

Về bộ điêu khắc “Shrine Series,” đây là một bộ ba của tác phẩm nhỏ hơn, phản ảnh ký ức của Darlene về những hình tượng tôn giáo mà cô được mục kích sự hư hại của chúng vì chiến tranh. Những tác phẩm này được tạo từ thép, gỗ và xương, những chữ thập kết hợp rời rạc, cùng các hình tượng tôn giáo và những vật thể khác mà cô thu lượm được. Bàn về bộ điêu khắc này, cô nói:

“The Shrines (Miếu Ðền) là một loạt những đài tưởng niệm thu nhỏ trong một chủ đề tổng thể của sự chết, sự chuộc tội và tái sinh. Ở Việt Nam miếu đền hiện diện khắp vùng đồng quê, chúng trở thành hình ảnh lưu giữ mãi trong ký ức ấu thơ của tôi. Trong khi hầu hết hình tượng tôi dùng đều là cơ đốc truyền thống, tôi cũng cố kết hợp với biểu tượng có tính cách cá nhân và đương đại hơn về sự điêu tàn của các đô thị mà tôi nhìn thấy trong cuộc sống hằng ngày. Trong khi tôi như bị cuốn hút vào hình ảnh mạnh mẽ của những tòa nhà rỉ sét, vụn vỡ phảng phất ký ức u buồn thuộc những vinh quang của quá khứ, đồng thời tôi cũng cố nâng tác phẩm của mình vượt lên, không dừng lại ở duy sự mất mát. Ở điểm này, tôi chuyển thể chất liệu của sự thối mục thành biểu tượng của sự tái sinh và tăng trưởng.”

“Từ kinh nghiệm bản thân, tôi cảm nhận tiến trình này từ những tai ương mà dân tôi đã trải qua và để lại sau lưng những đớn đau và mất mát của quá khứ, đồng thời hướng đến tương lai với niềm hy vọng. Ðây là một sự hồi sinh. Những gì đã chết, đã bị quăng bỏ đi được tái tạo thành những gì mới mẻ.”

Con chuồn chuồn

Tháng Tám, 2007, tác phẩm điêu khắc “Dragonfly” của Darlene được hệ thống giao thông công cộng Sound Transit ở Seattle cho khởi công treo ở trạm xe điện Rainer Beach Station.

Bàn về tác phẩm này, Darlene nói với báo Người Việt:

“Khi tôi lái xe đi ngang qua đường Henderson, tôi chú ý địa điểm này ở gần Boeing Field, phi cảng và Lake Washington, một khu vực hoàn toàn có tính cách quốc tế, nơi đây quần tụ đông đảo di dân như chính bản thân tôi, người Việt ở đây rất đông. Thêm vào đó, tôi chú ý thấy thiết kế của trạm đường sắt mang một chủ đề của một sự bay vút, với đôi cánh thanh nhã trên mái vòm. Có một sự lập lại trong việc sử dụng các thành phần của kiến trúc bên dưới mái vòm, như xương sống, xương sườn, cùng những cột và dây cáp mang lại cho ta một cảm tưởng của một cấu trúc phô bày ra ngoài.”

“Kết hợp tất cả những thành tố trên với ý tưởng rằng đây là một cửa ngõ đi vào Seattle, khiến tôi nảy ra một ý tưởng của một chiếc máy bằng kim loại đang bay. Cấu trúc của thiết kế này lập lại những nguyên tố như xương sườn, xương sống và cách sử dụng dây cáp, quả như dội lại với thiết kế của kiến trúc tại chỗ.”

Darlene kể về hôm đi trình dự án để dự thi, “Hay không bằng hên. Vào hôm tôi đem dự tranh tác phẩm của mình, trời bão tuyết mà đường thì đóng băng nên lúc đến nơi đã trễ mất một tiếng. Tôi thấy thật căng vì bấy giờ là lần đầu tiên tôi đem tác phẩm đi dự thi mà lại đến trễ một tiếng, trong khi ấy có khoảng 50 người đang ngồi chấm điểm. May mắn thay, ủy ban giám khảo lại thích ý tưởng của tôi vì nó đáp ứng đúng điều họ mong tìm cho một khu vực toàn cộng đồng di dân.”

Kinh nghiệm sống của Darlene, phản ảnh lên tác phẩm của mình, đã giúp cô trúng giải cuộc thi. Cô Babuca, người phụ trách nghệ thuật cho Sound Transit, nói, “Theo tôi nghĩ, cảm hứng nơi Darlene có hai phần, cô ta muốn đáp ứng đúng với kiến trúc của trạm đường sắt bằng những dây cáp. Tôi cho là cô ấy muốn nói lên quá khứ của mình từ Việt Nam sang đến Hoa Kỳ qua một chủ đề bay, thêm nữa là cửa ngõ đi vào Seattle, vì Rainier Station là trạm đầu tiên người ta thấy trước khi bắt đầu đi vào Seattle.”

Nếu cô Babuca cho rằng con chuồn chuồn của Darlene mới bay vào tới Seattle, thì Darlene còn thấy nó ở lại đây và làm lại một cuộc đời mới. Cô nói với Người Việt:

“Ở địa điểm này tôi thấy nhiều chim lẫn máy bay lên xuống, chim và máy bay là những biểu tượng của toàn thể, cả hai đều bay từ điểm này đến điểm kia, và cũng đi qua những đổi thay của đời sống. Chúng tiêu biểu cho cơ hội làm lại cuộc đời của người di dân. Do đó, tôi có cảm tưởng tác phẩm điêu khắc này nằm ở Henderson Station cũng như trở về với mái gia đình của nó vậy.”

Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.