Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Registered Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 5,669 Points: 28  Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
|
Pháp tiếp tục tranh luận về sử dụng mạng che mặt nơi công cộng Lisa Bryant 25/01/2010
Hôm thứ ba, một ủy ban quốc hội Pháp sẽ đưa ra phúc trình về sử dụng loại mạng che mặt của phụ nữ Hồi giáo. Thông tín viên đài VOA, Lisa Bryant, tường thuật về những phát hiện của ủy ban này sau nhiều tháng tranh luận về vấn đề cấm sử dụng niqap tại Pháp, nước có người Hồi giáo đông nhất Châu Âu.
Tổng thống Pháp nói rằng mạng che mặt niqap đi ngược lại những giá trị của Pháp và không được hoan nghênh tại Pháp Cô Oloria, 20 tuổi, đã sử dụng niqap, trong ba năm vừa qua. Niqap là loại mạng che mặt đang bị tranh luận.
Cô cho biết: “Tôi chọn sử dụng niqap là do sở thích cá nhân. Tôi cảm thấy gần gũi hơn với đạo Hồi của tôi, và cảm thấy thoải mái hơn nơi công cộng, bởi vì tôi tin là loại mạng che mặt này tránh cho tôi bị phơi bầy trước cặp mắt của đàn ông. Cha mẹ tôi vốn quê ở Gambia lúc đầu phản đối quyết định của tôi, nhưng hiện nay họ đã chấp nhận.”
Nhưng chẳng bao lâu nữa cô Oloria có thể sẽ phải bỏ mạng che mặt khi ra nơi công cộng. Ngày càng có nhiều chính trị gia muốn cấm không cho sử dụng trang phục Hồi giáo trên các đường phố của nước Pháp.
Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ phụ nữ Hồi giáo tại Pháp sử dụng mạng che mặt nhưng chẳng nhiều thì ít, sự hiện diện của họ đã gây ra một trong những cuộc tranh luận sôi nổi nhất tại Pháp vào những năm gần đây. Các cuộc tranh luận này đã được Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy phát động hồi tháng Sáu năm ngoái. Trong một bài diễn văn quan trọng, Tổng thống đã nói rằng, loại mạng che mặt mà ông gọi là burqa này đi ngược lại những giá trị của Pháp và không được hoan nghênh tại Pháp.
Những người chỉ trích lý luận rằng, loại trang phục này tượng trưng cho tình trạng nô lệ của phụ nữ và đi ngược lại nữ quyền. Họ cũng lý luận rằng, loại mạng che mặt này đem lại nguy cơ về an ninh bởi vì nó giúp che dấu khuôn mặt của người sử dụng.
Hồi đầu tháng này, ông Jean-Francois Cope, lãnh tụ của đảng cầm quyền UMP đã đưa ra dự luật cấm sử dụng loại mạng che mặt của phụ nữ Hồi giáo.
Lên tiếng trên đài phát thanh Pháp, ông Cope nói rằng, việc cấm sử dụng mạng che mặt không có mục đích trừng phạt một thành phần dân số đặc biệt nào, và giới hữu trách Hồi giáo nói rằng việc sử dụng mạng che mặt không phải là một nghĩa vụ tôn giáo.
Thứ ba là ngày mà một ủy ban quốc hội phải công bố một phúc trình về mạng che mặt sau nhiều tháng nghiên cứu. Chủ tịch ủy ban vừa kể, ông Andre Gerand, một nhà lập pháp thuộc đảng Cộng sản, nói rằng ông ủng hộ dự luật này và nhiều thành viên trong ủy ban cũng ủng hộ. Nếu được thông qua thì một dự luật như vậy sẽ cấm sử dụng không chỉ mạng che mặt mà còn cấm bất cứ trang phục nào che mặt nơi công cộng.
Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, đa số người Pháp ủng hộ việc cấm mạng che mặt. Nhưng vấn đề này chắc còn lâu mới thực hiện được. Tổng Thống Sarkozy muốn quốc hội thông qua một nghị quyết không có tính cưỡng hành, thay vì một dự luật. Các nhà lập pháp khác, trong đó có những người thuộc đảng Xã Hội đối lập, thường phản đối bất cứ dự luật nào.
Trên lãnh vực rộng rãi hơn thì nhiều người chỉ trích đặt câu hỏi là tại sao lại phải tranh luận về vấn đề này bởi vì nó chỉ ảnh hưởng tới một số nhỏ phụ nữ. Một số người khác lý luận rằng tại sao không tranh luận về những vấn đề khác quan trọng hơn, như vấn đề kinh tế. Những người khác lại nói rằng, vấn đề vừa kể thể hiện quan điểm của đảng bảo thủ UMP của ông Sarkozy nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các cử tri có khuynh hướng cực hữu trong các cuộc bầu cử cấp vùng được tổ chức vào tháng Ba này.
Chuyên gia Hồi giáo Claire de Gallembert, thuộc Trung tâm Khảo cứu Khoa học Quốc gia có trụ sở tại Paris, nói:
“Rõ ràng là cuộc tranh luận về vấn đề này sẽ gây ra bất mãn cho 5 triệu người Hồi giáo tại Pháp.
Nó cũng có mục đích gởi một thông điệp tới các tín đồ Hồi giáo tại Pháp để nói rằng, quý vị chưa sẵn sàng chấp nhận những giá trị của nước Pháp nhưng nước Cộng Hòa này đủ mạnh và sẽ buộc quý vị phải chấp nhận những giá trị đó. Và vấn đề ở đây là hầu hết các tín đồ Hồi giáo không cảm thấy quan tâm về vấn đề mạng che mặt.”
Bà Noura Jaballah, chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ Hồi giáo Châu Âu, một tổ chức bảo thủ, lý luận rằng cuộc tranh luận này xúc phạm tới Hồi giáo một cách bất công.
Bà cảnh báo: “Việc cấm sử dụng mạng che mặt có thể có tác dụng ngược. Thay vì thúc đẩy phụ nữ bỏ mạng che mặt, các phụ nữ sử dụng mạng che mặt có thể phản ứng bằng cách không ra khỏi nhà.”
Đây không phải là lần đầu mà vấn đề mạng che mặt của phụ nữ Hồi giáo đã gây ra tranh cãi tại Pháp. Hồi năm 2004, chính phủ Pháp đã đưa ra đạo luật cấm trẻ gái Hồi giáo mang khăn trùm đầu tới trường.
Chuyên gia Hồi giáo de Gallembert nói: “Đạo luật này có kết quả trái ngược. Chúng ta không thấy khăn trùm đầu tại các trường công lập nữa, nhưng các trẻ gái lại đội khăn khi ra khỏi trường.”
Thật vậy, bà Gallembert ước tính rằng số các phụ nữ Hồi giáo mang khăn trùm đầu tại Pháp đã gia tăng kể từ năm 2004, mặc dầu không có thống kê chắc chắn.
Cô Oloria nói rằng, cô chưa biết sẽ làm gì nếu dự luật được thông qua. Cô nói rằng, đối với cô thì thật là chuyện khó khăn khi phải bỏ mạng che mặt.
Các nhà lập pháp bảo thủ muốn đợi tới khi chấm dứt cuộc bầu cử tháng Ba rồi mới quyết định về dự luật vừa kể. Các nhà lập pháp này nói họ không muốn chính trị hóa vấn đề mạng che mặt, nhưng hầu hết nhân dân Pháp đồng ý rằng, vấn đề mạng che mặt đã bị chính trị hóa rồi.
VOA
|