Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Tình Cũ Không Rủ Cũng Về
NguyenDo
#1 Posted : Saturday, January 14, 2006 4:00:00 PM(UTC)
NguyenDo

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 236
Points: 0

Tình Cũ Không Rủ Cũng Về


Ông Khang và bà An đã chung sống vui vẻ với nhau đã hơn một phần tư thế kỷ. Nếu nói họ không yêu nhau thì cũng chẳng đúng, vì họ đã có một bầy con trưởng thành đang học đại học hay đã ra trường đi làm việc rồi. Hai người con trai đầu là Thịnh đang làm bác sĩ ở thành phố Springfield và Vượng làm giáo sư dạy đại học ở Rolla, hai anh em cùng ở chung một tiểu bang Missouri, cách nhau chừng một tiếng, đã có gia đình riêng, dù chưa có mụn con nào, chỉ vì họ chưa muốn thôi, nếu không thì ông bà Khang đã có thể là ông bà nội chứ chẳng chơi. Chỉ còn hai cô con gái út là Hạnh và Phước là con đang học đại học, sáng đi chiều về ở chung với ông bà ngay thành phố Omaha, bang Nebraska nhưng đã có nhiều người ngắm nghé rồi, vì họ chẳng những giỏi mà còn đẹp và hiền lành nữa. Nhìn bên ngoài, ai nấy đều cho gia đình ông bà là một gia đình hạnh phúc, chỉ cần nhìn bức vẽ chân dung toàn bộ gia đình nhân ngày lễ kỷ niệm 25 năm hôn lễ của ông bà với tên của mỗi người trong gia đình ai cũng trầm trồ khen ngợi thật xứng hợp và thật hay: Khang An Thịnh Vượng Hạnh Phước! Ấy vậy mà thiên đường sập đổ một cách không ngờ, chiếc cầu yêu thương bỗng nhiên gãy nhịp, không mấy ai có thể tiên liệu trước!

Ông Khang không phải là một người đàn ông bê tha rượu chè trai gái hay như một số Việt kiều trở về quê hương, thấy gái đẹp mọc mời rồi trửng mỡ trăng hoa trở về xin ly dị với người vợ cũ, đã cận kề ông xây dựng một tổ ấm uyên ương với bầy con thành đạt để tìm hạnh phúc mới! Không, ông Khang không tệ hại như thế! Bà An suy nghĩ nát óc mà cũng không ra một giải thích nào hợp lẽ! Bà đã khóc lóc năn nỉ ông suy nghĩ lại vì hạnh phúc lứa đôi, vì thanh danh gia đình, ôi thôi bao nhiêu lý lẽ mà ông cũng đành đoạn ra đi. Bà hối tiếc là bà đã không đi cùng ông dịp tháng 8 rồi như mọi năm suốt mấy chục năm qua.

Đúng vậy mỗi năm khoảng giữa tháng 8, gia đình ông bà đều để dành thời gian nghỉ phép để kéo nhau về Carthage, Missouri để kính viếng Đức Mẹ. Bà An không phải là đạo giòng, bà chỉ theo đạo lúc lấy ông Khang, nhưng bà từ lòng sùng kính Đức Mẹ như Phật Bà Quan Thế Âm, dần dà bà nhận thức và sùng kính Đức Mẹ còn hơn cả ông Khang vì bà nhận thấy Đức Mẹ gần gũi rất nhiều với bà, gần như mẹ ruột của bà vậy. Tối nào trước khi lên giường ngủ bà cũng lâm râm cầm tràng hạt ra lần chuỗi đọc kinh xin cho gia đình bình an, con cái thành đạt, mọi nơi mọi nước được ấm êm... Vậy mà chỉ không đi có một lần là chuyện xảy đến, làm như bà bị phạt vậy! Bà không nghĩ vậy, Đức Mẹ nào có chấp nhất chuyện đi Carthage hay không đi, lòng thành kính của bà có bao giờ thuyên giảm về Đức Mẹ đâu!

Bà bỡ ngỡ khi ông Khang sau chuyến hành hương Carthage về nói rằng ông đã tình cờ gặp lại người yêu thưở trước năm 1975, ông lấy bà vì lúc đó không có ai thôi, bây giờ ông muốn dành gần nửa đời còn lại cho người yêu năm xửa năm xưa. Đột ngột và tự ái bà đã nói sẵng, "Ông muốn làm gì thì làm!" Ai ngờ viện vào câu nói lúc tức giận đó, ông hôm sau ra luật sư làm giấy tờ ly dị thật! Ông để lại cơ ngơi cho bà, không lấy gì, để bà lo cho các con! Mà ông cần gì chứ, lương lậu ông cao, con cái thì trên 18 tuổi rồi, bà cũng có không những một việc mà hai việc, việc thường làm ban ngày, rồi tối đi làm phụ trội thêm, sắp sửa cho các con, ông đâu phải lo lắng chia chác tiền lương nữa. Còn cái khoản tiền hưu trí tương lai, ông đã bỏ vào đó tối đa theo phép của luật trung ương nên tha hồ sống thoải mái sau này. Ông chỉ đưa quần áo và những thứ của riêng ông ra đi ra ở riêng chờ ngày ký giấy tờ ly dị rồi ra đi xây tổ uyên ương mới.

Bao nhiêu lần bà năn nỉ ông suy nghĩ và trở về nhưng ông cũng không nghe. Tới ngày ra tòa, bà như cái máy ký cho xong chuyện, không biết là mình đã ký trả tự do hết mọi thứ cho ông, không đòi lấy một tí gì về số tiền khổng lồ trong quỹ hồi hưu của ông, quỹ hồi hưu của bà không bao nhiêu, chỉ mới gần đây thôi khi các con đã lớn hết rồi bà mới đi làm thêm, chứ trước đây chỉ có một việc mà hãng lại không cho dịch vụ đó. Khi chuyện đã ngã ngũ rồi, thì bà con hàng xóm mới nói, thì cũng đã trễ rồi. Thực ra bà có tiếc gì tiền của, mà tiếc quãng thời gian thanh xuân của mình lo cho chồng ăn học thành tài, lo cho con từng ly từng tí mà bây giờ bị chồng ruồng rẫy như thế này mới đau nhói. Phải chi bà là một người không ra gì, thì còn hiểu được, chứ bà ở 47 này trông vẫn còn có nhan sắc, tuy rằng không được như thời 18 lúc bà lấy ông Khang, nhưng vợ chồng cùng già với nhau sống đã 26 năm trời, bước qua một thiên niên mới mà chẳng giữ nghĩa với nhau cũng lạ. Nhiều đêm khi đi làm việc phụ về, bà nhìn quanh nhà cô quạnh lắm, không dám than phiền gì với Hạnh và Phước vì chúng nó cũng đang ở tuổi cập kê. Bà không muốn nỗi buồn mình lan tỏa truyền nhiễm sang con cái của mình. Bà cắn răng chịu đựng, thở dài âm thầm trong phòng ngủ rộng tênh hênh của mình vì không còn ông Khang ở đây.

Bà đã làm gì sai nhỉ? Bà cứ phân vân suy nghĩ hoài! Ông muốn ăn gì, bà cũng nấu, con cần gì, bà cũng lo cho đủ! Công, dung, ngôn, hạnh nếu không được một trăm phần trăm thì cũng 90 phần trăm! Bạn bè ông Khang lúc nào qua chơi, cũng có bia, rượu, đồ nhậu sẵn cho chồng và bạn chồng thì còn đòi chi nữa! Còn chuyện ấy ư, thì cũng năm thì mười họa không phải như chục năm đầu, nhưng bây giờ lúc nào ông muốn bà cũng chiều, dù đi làm về có mệt, bà cũng không quên tắm rửa sửa soạn mà! Nhưng từ khi ông sang tuổi năm mươi, chuyện gối chăn cũng nhạt dần vì ông có lẽ yếu, bà cũng không than vãn gì và còn an ủi ông khi ông xin lỗi bà lúc nửa chừng, "Mình đừng lo, mình già hết rồi, con cái cũng đã lớn... Nếu mình muốn thì nói với bác sĩ xin thuốc Viagra gì đó!" Không biết có phải vì tự ái đàn ông Việt Nam không, ông Khang không đi bác sĩ xin thuốc trợ dương nhưng cũng thưa dần chuyện gần gũi vợ, nhưng bà cũng chẳng phàn nàn, vợ chồng cốt ở cái nghĩa, cái tình với nhau thôi, chứ nhiều lúc có thân mật thì càng nồng nàn thấm thiết hơn, nhưng không phải là điều phải có. Bà thừa hiểu ông Khang hơn bà những 10 tuổi thì sức khoẻ cũng không bằng ở tuổi bà, nhưng bà có dám làm gì để chồng tủi buồn đâu. Ông chỉ đi làm một việc, chứ mấy năm gần đây bà đi làm cả hai việc, hay là tại ông nghĩ bà bỏ bê ông, hay là ông đã gặp lại bà Nga ở đâu trên Internet trong lúc con cái và bà bận bịu rồi hẹn nhau gặp dịp Đại Hội Thánh Mẫu ở Carthage cũng không chừng, người yêu cũ thì người yêu cũ thật, chứ giữa rừng người mà tình cờ gặp nhau rồi nối lại tình xưa trong vài ngày thì cũng hơi lạ.

Mọi việc dù sao cũng trễ rồi! Bà chỉ muốn tìm ra nguyên do tại sao bà bị bỏ rơi cái rụp thôi! Chứ chim đã bay lẽ nào bay trở lại! Trừ khi chiếc lồng son, bầu trời xanh kia gây thêm nhiều sóng gió, mà nếu ông trở lại thì bà có thể tha thứ không nữa, có thể bà sẽ tha, có thể bà sẽ chối từ, nhưng bà muốn biết lý do thực sự vì sao tổ ấm bà bị tàn phá đột ngột như vây. Bà không có ý định trả thù hay tìm hiểu bà Nga, dù bà cũng muốn biết bà Nga là ai, làm gì, mà đã cướp được trái tim chồng bà một cách mau lẹ! Chắc bà Nga ít ra cũng tuổi bà hay hơn bà vì bà Nga đã là người yêu cũ của ông kia mà, nếu trẻ hơn bà thì ông Khang nói dối, mà già hơn bà thì chưa hẳn đã đẹp hơn bà. Bà An thấy mình nghĩ lẩn quẩn quá, dù gì thì ông Khang cũng đã là của người ta, xưa hay mới thì cũng thế thôi! Hay là tại lúc gặp bà Nga, ông Khang cảm thấy mình hưng phấn như tuổi hai mươi, của bao nhiêu năm về trước, của những đam mê ngày nào, quên đi ám ảnh bất lực hay những viên thuốc màu xanh xanh đỏ đỏ quảng cáo ầm ầm trên truyền hình và báo chí Mỹ.

Thành phố Omaha đêm nay buồn ghê! Bà nhìn ra cửa sổ nghĩ thầm! Tuyết rơi, đèn mờ, lạnh lẽo như băng, mà hồn bà còn giá băng hơn! Bà bật đèn đi ra xuống phòng dưới rót ly sữa uống, thói quen, để thêm chất vôi bổ xương! Phòng các con bà vẫn còn ánh đèn qua khe cửa, nhưng bà không nói gì, chúng nó còn yêu đời và bận bịu với việc học! Nghe nỗi lòng của bà chắc chúng lại buồn hơn! Chắc là số hồng nhan bạc phận, phải chi hồi đó đừng vội vã lấy chồng ở tuổi mười tám lúc còn lớ ngớ trong trại tỵ nạn thì không phải gặp cảnh này! Nhưng khi nhìn lên ảnh: Khang An Thịnh Vượng Hạnh Phước, bà mỉm cười thấy lại bình an, bà không ân hận gì, giá được thêm một tí nữa thì hạnh phúc hoàn toàn! Bà thầm gọi, "Khang ơi, anh ở vùng nắng ấm California, anh có hiểu không?"

Nguyên Đỗ
NguyenDo
#2 Posted : Sunday, April 16, 2006 4:35:01 PM(UTC)
NguyenDo

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 236
Points: 0

Ngày Về Thăm Em


Ngày tôi về thăm em là mười lăm năm đã qua khi tôi gặp em lần cuối lúc tụi mình mới 18. Lần đó em đưa tôi ra bến xe giã từ rồi tôi chưa bao giờ trở lại cho tới dịp này. Chưa hẹn thề gì, chưa một lần trao môi hôn, chưa một lần cầm tay nhau đi trong mưa, nhưng hai đứa đã từng đi dọc những con đường dài buổi chiều tà hay những đêm trăng sáng đẹp. Sau này trưởng thành hơn, kinh nghiệm đường đời già dặn hơn, tôi biết là chúng mình lúc đó đang ở cái buổi, "Tình trong như đã, mặt ngoài còn e!"

Tôi đi chưa đầy năm thì được tin em lấy chồng, rồi từ đó mất liên lạc. Tôi vùi đầu vào với bài vở, và cho tới ngày ra đi, tôi không ngoảnh lại nhìn vùng trời kỷ niệm xưa nữa. Có còn gì đâu, có còn gì đầu, chỉ còn quá khứ, chỉ còn thương đau. Tôi không trở lại vì biết đã quá muộn màng, chỉ khi mất em tôi mới biết là tình tôi đối với em sâu đậm, nhưng vì thỏ đế, hay vì tương lai chưa chắc chắn nên tôi chẳng nói năng, chẳng tỏ tình để rồi hụt hẫng khi được tin em lấy chồng.

Tôi sống ở bên kia bờ đại dương, nhớ về một phương trời mộng mị. Thỉnh thoảng liên lạc người thân được biết tin tức về gia đình em, em thành cô giáo, được hai con rồi chồng mất vì bệnh nghiện ngập, tôi buồn đau cả tháng vì được tin em góa chồng. Tôi vẫn hình dung em hạnh phúc, và đã thản nhiên sống cuộc đời bình lặng của người Việt tha hương. Một thân côi cút với hai mụn con, em làm sao để sống? Tôi gởi tiền nhờ người thân giúp đỡ em, nhưng không nhận thư trả lời, thế rồi thời gian bẵng trôi, tôi chỉ là bóng ma quá khứ đã bị lãng quên.

Như một cục than hồng nằm trong đống tro tàn, gặp ngọn gió lại bùng lên ngọn lửa, mối tình ngầm của tôi với em vẫn chưa tắt ngấm lại vùng lên khi có người đồng hương rủ về Việt Nam chơi. Ở tuổi tam thập tam, mẹ tôi nói, con cũng nên an bề gia thất! Ba mươi ba đối với tôi cũng như mình hồi mười tám, tôi vẫn tưởng như mình là cậu học trò đi bên em trên con phố về khuya. Vâng tôi phải về, phải về, để xem trái tim mình vẫn còn yêu em mãi không, cho dù là em đã có chồng, có con đứa 13, đứa 9... Liệu tôi khôn ngoan đủ, trưởng thành đủ để là dưỡng phụ của chúng không nữa? Nhưng vì em, vì tôi, tôi nhất định phải về!

Tôi nhờ người thân báo em hẹn đến gặp nhau ở một quán cà phê đường Ngô Đức Kế vì người thân đã nói em vẫn trẻ đẹp và nhiều người ngấp nghé nên khuyên tôi đừng nên tới gặp ở nhà có thể gây trở ngại cho em. Ba mươi ba tuổi thì có gì gọi là già, như tôi đây, tôi có nghĩ bao giờ mình già đâu. Tôi chỉ già đi dưới con mắt của Mẹ tôi đang trông chờ ẵm con của thằng Út chứ Mẹ tôi đã ẵm bao nhiêu cháu ngoại cháu nội rồi, có con tôi hay không cũng thế thôi. Tôi đâu phải con trai một mà phải cưới vợ kiếm người nối giòng như thời cổ xa xưa.

Tôi ngỡ ngàng nhận ra em trông tà áo dài nhạt xanh có thêu bụi trúc, nhành mai, vẫn cao sang như ngày nào, nhưng tôi chỉ còn nhận ra cặp mắt và nụ cười, còn hình dạng đã rất nhiều đổi thay, không còn là Trúc Mai của thời học trò buổi nào nữa. Tôi kéo ghế, hỏi em dùng gì, em xin một ly đá chanh, như thuở còn học sinh cấp 3. Tôi cũng ngượng ngùng như là một cậu học trò nhỏ, cầm ly nước đá chanh cô tiếp bàn vừa trao đưa cho em mà đôi tay run run làm sóng sánh ly nước.

Em bật cười nói như trong mơ: "Nguyên vẫn như xưa, chẳng có gì thay đổi từ hình dạng tới cử chỉ!" Rồi cười buồn, "Còn Trúc Mai gần như đã sống cả một đời rồi, một đời làm vợ, một đời làm mẹ..." Tôi định trấn an, "Trúc Mai vẫn như hồi xưa mà!" nhưng nhận ra mình sẽ nói dối, vì Trúc Mai thật sự già dặn hơn tôi rất nhiều, tôi chưa bị gánh gia đình đè nặng trên vai, nỗi ưu tư vật chất tương lai, ngày mai như thế nào... nên lẳng lặng nghe những lời tâm sự của Trúc Mai.

Đoàn Việt kiều với kép với đào mới tới làm ồn ào cả quán, em chợt ngẩng đầu nhìn rồi cúi mặt. Năm cặp mới đến có bốn ông tuổi ngũ tuần tới lục tuần cặp với các cô choai choai cỡ 20 ăn mặc hở hang thời trang mốt mới, và một cặp hi hữu trong đời gồm một bà lão cỡ 60 đến 70 đi với một anh nói rặt tiếng Bắc cỡ hai mươi mấy ba mươi ngồi gần bàn chúng tôi. Ban đầu tôi nghĩ là mẹ con hay bà cháu, nhưng bà già cứ sang sảng em với cưng hoài nên tôi đoán hẳn anh chàng này là trai thuê gigolo chứ chẳng phải con cháu họ hàng gì cả... Cả em và tôi đều không muốn bị liệt kê vào đám người ấy nên bảo nhau đứng lên đi ra giữa khi chuyện chúng tôi chưa ngã ngũ về đâu, kỷ niệm của 15 năm về trước còn chưa đề cập tới, biết đi đâu bây giờ. Những lão gia hồi hương tìm hoa thơm trái lạ, những con kên kên rỉa rói xác đồng loại đã làm tan không khí học trò đơn sơ của chúng tôi ngày xưa.

Tôi định bụng gọi xe chở chúng tôi đến một nơi nào đó nói chuyện, nhưng em cản:

"Nguyên đi với Mai, để Mai lấy xe Dream chở ra Đền Đức Mẹ Bình Triệu viếng Đền Đức Mẹ và nói chuyện luôn!"

Xe cộ trong thành phố Saigon bây giờ còn tấp nập hơn thời xưa nhiều, tôi có sành sỏi lái xe ở Chicago bao nhiêu cũng không dám đụng tới tay lái ở đây. Trúc Mai người nhỏ nhắn, nhìn sau lưng đố ai biết nàng đã ba mươi ba, nhưng nhìn trên khuôn mặt có lẽ già trước tuổi bởi những khổ đau chất chồng, ưu tư cho cuộc sống...

Tôi ngồi sau Trúc Mai trên chiếc xe Dream, nàng lái nhanh và bạo giữa những hàng xe với xe. Tôi ngồi sau bấm tay ghì ghế, sợ mình lọt xuống lề. Cũng có chút thoáng nghĩ ôm ghì lấy eo nàng chứ cũng chẳng phải lúc nào cũng trong sáng, nhưng thấy nàng ốm o như thân cò, tôi ôm thì nàng sẽ thành bọt biển bay lên trên không mất. Đi ra ngoài xa lộ, tóc nàng bay phần phật, đập vào mặt mũi tôi, tôi ngửi tới mùi hương tóc, thấy rất thân tình, gần gũi hơn mọi lúc nào, cũng vẫn thẹn thùng như một thanh niên mười tám. Giá cứ như thế này nhỉ, giá cứ vô tư chạy hoài trên xa lộ tình yêu như thế này, không có gì để suy nghĩ, không có thực tại, xã hội, gia đình để âu lo, ngại ngùng...

Em và tôi đã vào Đền Đức Mẹ, đền lưa thưa vắng người. Chúng mình cùng quỳ lâm râm cầu nguyện rồi em cất hát nho nhỏ một bài hát quen thuộc để tôi hòa hát theo, "Con dâng về Mẹ một tình thương yêu bao la..." Tôi thấy hồn mình bình an lắm, tôi nhìn em như nhìn một người mẹ, một người vợ hiền, một người góa phụ, một người bạn xưa và mãi mãi là bạn hiền khi em hỏi:

-- Mai hỏi thật Nguyên nha! Sao lâu nay Nguyên không lập gia đình?
-- Tại chưa gặp người ưng ý!
-- Hồi đó ra đi sao không chào Mai?
-- Lúc đi học có chào mà, Trúc Mai không nhớ là có đưa Nguyên ra bến xe sao?
-- Nhớ, nhưng Mai hỏi là lúc đi Mỹ kìa!
-- Lúc đó Trúc Mai lấy chồng rồi, đâu còn lý do gì để ở lại.
-- Vậy hồi xưa Nguyên yêu Mai à?
-- Hỏi thật hay giỡn đó?
-- Hỏi thật và hãy trả lời thật cho Mai đi!
-- Hồi đó,... à hồi đó Nguyên có yêu đơn phương Trúc Mai đó!
-- Sao hồi đó không nói?
-- Tại nhát với tương lai sự nghiệp chưa có gì !
-- Nếu nói Mai chờ được mà!
-- Thế tại sao Trúc Mai lấy anh Quốc mà không lấy anh Huy, lúc đó Huy theo đuổi Trúc Mai ra mặt mà, còn anh Quốc thì khi đám cưới Trúc Mai rồi Nguyên mới nghe!
-- Mai không thích anh Huy, còn anh Quốc thì theo đuổi Mai mãi nên có duyên đó, thời gian chung sống, ngắn ngủi nhưng Mai rất hạnh phúc.

Thế rồi chuyện này sang chuyện khác chúng tôi ôn lại dĩ vãng ngày xưa, Trúc Mai cho biết nàng một ngày nào cũng sẽ đi Mỹ vì cha mẹ nàng đã bảo lãnh cho nàng và hai con của nàng vì chồng đã chết năm năm rồi, còn cha mẹ chồng vừa chết năm ngoái, thế là nàng đã xong nghĩa bên chồng, chỉ chờ ngày đi phỏng vấn và sang Hoa Kỳ.

Nàng đưa tôi về nhà người thân chỗ tôi ở, nhắc: "Có duyên thì sẽ gặp, đừng trẻ hư thân già mất nết như những người lão già dê xồm kia nhé!"

Tôi cười đùa lại, "Thế cũng đừng làm mụ già cừu dỏm nha!"

Hai đứa tôi cười ngặt nghẽo như mười lăm năm về trước.



Nguyên Đỗ
Co may
#3 Posted : Friday, April 21, 2006 11:03:22 PM(UTC)
Co may

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 131
Points: 0

Chuyện hay và dễ thương Smile
CM
NguyenDo
#4 Posted : Sunday, December 9, 2007 7:39:58 AM(UTC)
NguyenDo

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 236
Points: 0


Đừng Gọi Anh Bằng Chú


Thanh với tôi học chung cùng trường cả mười năm trời, từ hồi học mẫu giáo tới hết năm lớp 10. Mười năm học chung hồi ấy cũng là chuyện thường ở một thị xã nhỏ, chứ chẳng như bây giờ, đổi nhà, đổi sở, trường lớp liên miên, trong thế giới văn minh di động thời nay. Người ta thường bảo càng di động càng nhiều là dấu hiệu của thăng tiến, chứ chẳng như thời ông bà quanh năm suốt tháng an nhiên sinh sống sau luỹ tre làng. Hết năm lớp 10 nàng vội vã lấy chồng rồi đi vượt biên với gia đình chồng. Chả là gia đình nhà chồng chỉ có một người con trai độc nhất, lại nghe khu phố sắp bắt thanh niên đi nghĩa vụ quân sự và lao động vào cuối năm 1979 khi chiến trường Kamphuchea đang bùng nổ và thanh niên bộ đội Việt Nam vừa phải lo đánh quân Pol Pot vừa lo chống trả cả triệu quân hùng mạnh của Trung Cộng ở mặt Bắc.

Bạn thân gọi mày tao với nhau từ thuở mặc quần đùi chơi bi mà tôi cũng chẳng được biết cho tới khi thiên hạ kháo láo với nhau là vợ chồng mới cưới Hồng, Thanh đã cùng cha mẹ chồng đi vượt biên. Đám cưới vội vàng, nhanh chẳng ai ngờ vì có lẽ hai gia đình đã có chủ trương, bên chồng thì nghĩ cô dâu hiền, hiếu thảo, bên vợ lại nghĩ con trai một, lại khá giả và ra đi biết đâu có ngày có thể bảo lãnh gia đình quá đấy . Xưa một người làm quan, cả họ được nhờ, giờ một người vượt biên thành công, cả gia đình có cơ hy vọng giữa thời cao điểm vượt biên.

Ba tôi lúc bấy giờ đang đi học cải tạo ở ngoài Bắc, mẹ tôi cứ vài tháng lại đi thăm nuôi. Tôi có người chị cả nên cũng đỡ. Hai chị em lớn lo săn sóc đùm bọc hai người em nhỏ đỡ đần cho mẹ. Chị tôi lúc đó nghỉ học lo chạy hàng phụ với mẹ tôi để kiếm tiền nuôi ba và gia đình. Mẹ và chị tôi thời đó huấn luyện tôi cũng kỹ, chỉ bảo tôi cách nấu nướng lúc mẹ và chị chạy hàng lậu, ôi thôi gọi là lậu vì không được phép chính thức của nhà nước, chứ thật ra cũng làm ăn lương thiện, tải cà phê, tiêu, mè ... vào Sài Gòn, vừa mua các thứ cần dùng về Ban Mê Thuột.

Cuối năm 1986 ba tôi được thả về sau 11 năm học tập cải tạo. Cũng thời ấy các chú bác học tập cải tạo trên ba bốn năm gì đó được nộp đơn đi theo diện nhân đạo với sự can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ. Tôi lúc này cũng 23, chị Mai tôi 25, các em Lan, Cúc cũng 21, và 19. Ba tôi đi học tập từ năm 1975, lúc Cúc mới 8 tuổi. Lúc ba tôi về thì các em tôi đã đến tuổi cập kê. Ba tôi nói ngay khi về đến nhà, "Các con tính sao cũng được, nhưng muốn đi Mỹ thì không đứa nào được lấy chồng, lấy vợ cho tới khi đặt chân lên đất Mỹ! Vì lập gia đình rồi, sẽ khó mà đi chung. Ba muốn các con hy sinh chờ đợi, qua bển rồi tính! Chứ ở đất này, ba bị xem là ngụy dù cả đời chẳng làm hại ai! Chỉ bị cái tội làm sĩ quan an ninh quân đội thôi!"

Chị Mai cười, "Ba chẳng phải lo cho con làm gì, chỉ lo cho con Lan, con Cúc thôi, có biết bao chàng trai gấm ghé rồi đấy, chứ con già rồi, chẳng ai ngó ngàng gì đâu! Thằng Trúc kia, chẳng vào đại học được vì con sĩ quan nguỵ, chỉ học sửa xe, cũng chẳng cô nào thèm ngó nó! Ba má cứ an tâm! Tụi con nếu được đi chung thì càng hay, không thì cũng chờ ba má bảo lãnh đi sau!"

Tưởng là được đi tới nơi, nào ngờ chạy chọt giấy tờ, bổ túc hồ sơ, khám sức khoẻ phải mất bốn năm ròng rã mới được đi cả gia đình, hai đứa em sợ sốt vó sợ già như chị Mai đến ế chồng mất, nhưng tụi nhỏ cũng can đảm chịu khó chờ kẻo không lỡ dịp may đi ra nước ngoài. Chị Mai và tôi thì an phận rồi, sao cũng được. Khi lên máy bay đi Mỹ chị còn nói cùng tôi, "Tao tưởng phải chờ tới hàng băm mới được đi, hàng hăm cũng còn trẻ chán! Mày liệu qua đấy sẽ làm gì? Mày làm thợ máy không biết có tìm được cô nào không nữa!"

-- Lo gì chị, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, dù gì em cũng có cô đầm La Voiture đó mà!
-- Ừ mày cũng chịu khó thật, bốn năm ròng làm máy vẫn cố học tiếng Anh, tiếng Pháp! Tao thì ôi thôi, cứ lo chạy hàng, chẳng kiếm được chữ i, chữ tờ gì hết. Qua đấy tao phải nhờ mầy đó nghe mày!
-- Chị đừng lo, hồi xưa chị lo cho gia đình đủ thử. Giờ này tụi em lại lo cho chị mà, biết đâu chừng có anh nào bên đó chưa vợ tìm được chị là may mắn bảy đời cho anh ấy!
-- Mày mồm lưỡi quá, tao thua mày! Qua đấy lo làm ăn rồi tìm chỗ nào tốt mà cưới để ba má có cháu mà cưng nha!

Các em tôi cũng tíu tít tính chuyện đi học các ngành, được cái tụi nhỏ thông minh lanh lẹ nên tôi học được gì đều kèm lại cho hai đứa nên tiếng Anh tụi nhỏ cũng không đến nỗi, đó là nói về văn phạm, viết văn, đọc sách, chữ cánh phát âm thì chẳng biết sao, tôi có cảm tưởng mình nói tiếng Anh như chó sủa, đôi khi rặn mãi mới ra một chữ. Cũng may mà tôi quen với một thầy dạy tiếng Anh hồi xưa, có thửa vườn cà phê nên xe máy cày, máy tưới có hư gì, thầy đều gọi tôi tới sửa. Ngoài tiền trả công chút đỉnh, thầy dạy cho tôi tiếng Anh, tiếng Pháp để mai mốt qua bển nói với người ta, không thì cứ như người câm, nói ba xú ba tế với đôi bàn tay chỉ thiên chỉ địa.

Chẳng biết chính phủ Mỹ nghĩ thế nào lại đưa gia đình chúng tôi về thành phố Springfield, tiểu bang Missouri, nơi có chừng vài chục gia đình người Việt. Lúc phi cơ đáp xuống phi trường, gia đình chúng tôi tay xách gói vào thì ôi thôi thật không ngờ có sơ Tường, sơ Bảo và môt bà sơ người Mỹ tên Patricia Sullivan cùng vài chục người được các sơ vận động tới đón. Sơ Pat chào mừng một cách châm rãi:

-- Welcome to Springfield to all of you! We hope you had a nice trip! (Chào mừng mọi người đến Springfield! Chúng tôi hy vọng các bạn có cuộc đi tốt lành).

Ba tôi và các em tôi đồng loạt:

-- Thank you! (Cám ơn)

Ba tôi nhìn tôi như thầm bảo nói gì đi con, may ra người ta giúp đỡ tốt hơn. Tôi nói:

-- Thank you very much, Sister! We all had a nice trip! We slept a lot on the airplane! (Cám ơn sơ nhiều! Chúng tôi đều có cuộc đi tốt lành! Chúng tôi ngủ li bì trên máy bay!

Các sơ cười như hiểu được câu nói tếu của tôi. Sơ Pat nói:

-- Your English ís very good! You will make it here! (Tiếng Anh của bạn rất khá! Bạn sẽ thành công ở đây!)

Tôi nói:

-- I am a mechanics! You have a bad car, bring it to me! (Con là thơ máy xe! Sơ có xe hư, cứ đưa tới cho con!)

-- It's good that you have that confidence! But I'm afraid you have to go to school and get certified for that! But we wait and see! I will take you to find jobs at different places tomorrow, since you speak English very well!

Tôi trố mắt nhìn các sơ Việt Nam cầu cứu nói:

-- Thưa các sợ sơ Mỹ nói gì nhanh quá em không hiểu, các sơ giải thích giùm.

Sơ Tường nói:

-- Sơ Pat nói tự tin là điều tốt! Nhưng ở đây bà sợ là chú phải đi học và lây chứng chỉ mới được. Chờ xem, ngày mai bà sẽ đưa chú đi tìm việc, bởi vì chú nói tiếng Anh giỏi.

Sau khi được giải thích, tôi nhìn sơ Pat cười nói:

-- Now you know, I don't speak English very well. (Bây giờ sơ biết rồi đó, con không nói tiếng Anh giỏi đâu).

-- You'll do fine! Don't worry! ( Bạn sẽ được lắm! Đừng lo lắng!)

Tôi quay qua thì thấy ba má tôi đang nói chuyện với các người Việt. Mẹ tôi vẫy tôi lại và bảo:

-- Con chào bác Hàn đi, bác ở Hà Lan B, còn kia cô kia là ai con nhớ không?

Tôi chào bác Hàn rồi quay nhìn người thiếu phụ trạc chừng tuổi tôi 27 đang cầm tay người con trai khôi ngô độ 9, 10 tuổi trông ngờ ngợ quen. Nàng mim cười trông thật khoan dung như chờ đợi và thách đố. Tôi còn ngần ngừ thì nàng đã phân bua với ba má tôi:

-- Chú ấy chẳng nhận ra con đâu bác ơi, cả 10 năm rồi còn chi!

Vừa nghe tiếng nói của nàng, tôi giật mình nhớ lại cô bạn hồi xửa hồi xưa ở Ban Mê Thuột, tôi la lên:

-- Phải là Thiên Thanh không?

Chị Mai, các em Lan, Cúc ùa lên:

-- Vậy là còn nhớ!

Tôi giải thích và thú thật:

-- Nhìn mặt Thiên Thanh trông quen quen, nhưng không nhớ, nhưng khi Thiên Thanh lên tiếng thì Trúc nhận ra ngay. Thế anh ấy đâu? Chắc bận đi làm?

Bác Hàn trầm buồn nói như giải thích cùng gia đình chúng tôi:

-- Thằng Hồng và ông nhà tôi mất rồi. Chuyện dài và buồn lắm, thủng thẳng rồi có dịp tôi sẽ kể cho gia đình ông bà nghe!

Thiên Thanh lên tiếng:

-- Má à, con xin phép má mời gia đình chú Trúc đến ăn trưa ở tiệm mình nha má! Con sẽ nhờ người tới đón ngày mai.

Bác Hàn nói với Thanh và mời ba má tôi:

-- Phải rồi, má bậy quá! Nãy giờ gặp người cùng xứ vui quá, quên cả mời mọc! Mai anh chị và các cháu đến tiệm dùng bữa trưa. Chẳng có gì, chỉ là tiệm phở hai mẹ con đứng ra làm ăn qua ngày thôi. Anh chị tới chơi, rồi hôm chúa nhật nào đó, tôi mời gia đình anh chị đi thử đồ ăn Mỹ!

Không biết là hên hay xui, sơ Pat tới chỗ chúng tôi tới Sở An Sinh Xã Hội làm thẻ An Sinh và đơn sinh trợ cấp lúc đầu, rồi vì thấy tiếng Anh tôi kha khá liền dẫn tôi đi xin việc, còn toàn bộ ba má, chị Mai, Lan, Cúc thì được sơ cho người tới nhà chở đi học ESL ở phòng học ở giáo xứ Sacred Heart (Thánh Tâm) đường Summit chỗ sơ thuộc chi dòng Daughters of Charity (Nữ Tử Bác Ái) sống. Còn các sơ Việt Nam lại thuộc chi dòng Trinh Vương Việt Nam ở sau nhà thờ chính tòa trên đường Jefferson.

Sơ Pat chở tôi đi tới ba nơi khác nhau xin việc, chủ ra hỏi qua loa, tới chỗ thứ ba, ông chủ tên Wayne nói chờ một lát rồi loay hoay đội xe lên coi chỗ thay dầu bị rỉ. Sơ Pat cùng tôi ngồi chờ gần cả tiếng khiến sơ sốt ruột đi ra chỗ sửa xe nói:

-- Are you seriously interested in hiring this young man or not, we don't want to waste your time and we don't want to waste ours either. If you are not, then just let us know, we will be on our way to look for other opportunities. (Ông có thực sự muốn mướn người thanh niên này không, chúng tôi không muốn làm mất thì giờ của ông và chúng tôi cũng không muốn mất thời giờ của chúng tôi. Nếu ông không cần, chúng tôi sẽ đi tìm cơ hội khác)

Ông chủ vội vàng xin lỗi:

-- Tôi thành thật xin lỗi, tôi bận rộn quá quên mất, bà thấy không, các thợ của tôi đều vắng mặt, chỉ có một mình tôi, và chiếc xe này phải giao lại cho thân chủ trong vòng một tiếng nữa mà tôi còn đang loay hoay...

Tôi xen vào:

-- May I look at it? (Cho phép tôi xem được không?)

Tôi ngẩng đầu lên nhìn, chỉ trỏ chỗ phải thay. Ông cười nói với sơ Pat.

-- This young man knows what he is doing. He's hired as an assistant for now, $11.00 an hour. (Anh thanh niên này biết việc mình làm. Tạm làm người phụ giúp lúc này, với lương là 11 Mỹ kim một giờ).

-- Just like that? On the spot without checking or interviewing? (Vậy đó sao? Ngay tại chỗ không kiểm tra hay phỏng vấn à?)

Ông ta cười:

-- He's ok! For an assistant, of course he has to take a few courses and work with a specialist and take tests later. (Anh ta được! Trợ giúp việc, dĩ nhiên anh ta phải học thêm và làm việc chung với người chuyên viên và sau đó phải thi).

Tới lượt sơ Pat phải xin lỗi và giải thích:

-- Tôi xin lỗi ông hồi nãy tôi hơi nóng tính, vì tôi đã phải chờ hai chỗ khác hơi lâu, và cuối cùng họ đã nói là không cần người trong khi lúc tôi gọi điện thoại họ bảo cứ đưa người tới, họ sẽ phỏng vấn xem làm được không. Chúng tôi đã phải chờ lâu mà họ chẳng phỏng vấn gì cả, họ chỉ nói cám ơn chúng tôi không cần người. Tôi cũng nghĩ lầm là ông cũng chỉ nói cho qua thôi.

Sơ Pat mừng lắm để tôi ở lại làm, sơ lắc đầu lẩm bẩm là chưa bao giờ sơ đưa người đi làm được lương cao giá này một cách dễ dãi như vậy lúc sơ đến đón tôi về. Tôi dĩ nhiên là không được đi ăn phở buổi trưa hôm đó làm bác Hàn và Thanh ngóng chờ hoài. Ba má, chị Mai và các em tôi đều bảo vậy, nhưng họ đều mừng vì tôi được lương cao gấp ba mức lương tối thiểu lúc bấy giờ là 3.75 Mỹ Kim một giờ.

Nhà tôi chưa có điện thoại nên tôi lấy chiếc xe đạp sơ Pat cho để hôm sau đạp đi làm sau khi coi bản đồ thật kỹ để đi tới tiệp phở của Han Thanh Pho, tên ghép của bác Hàn và Thanh, nghe như là Hán Thành Phố của Đại Hàn hay người Tàu gì đó, được cái là có chú thích hàng chữ to ngay phía dưới Authentic Vietnamese Noodles. Tôi tới xin lỗi không dự tiệc mời ăn trưa vì có việc làm ngay tại chỗ. Bác Hàn cười, "Vậy là cháu giỏi lắm! Cháu rảnh thì tối tối lại phụ với bác và Thanh nấu phở, quét dọn bàn luôn, bác đã nói ba má và các chị em cháu ra giúp bác và Thanh một tay sau khi học xong mỗi ngày buổi trưa nay rồi!"

Tôi cám ơn bác Hàn rối rít. Tôi nghe ba má tôi nói hồi chập tối là bác Hàn trai và anh Hồng bị tụi hải tặc giết vì bảo vệ vợ con. Cũng may mà máu me vào đầy mình mẩy bác Hàn và Thiên Thanh nên chúng chẳng màng nữa. Tôi chia buồn với bác Hàn và tạ ơn Trời là bác Hàn, Thanh bình yên để một tay nuôi cháu nuôi con và gầy dựng được cơ nghiệp như thế này. Ăn uống chuyện trò xong, bác Hàn nói, "Hay cháu ở lại tối nay, phụ giúp con Thanh dọn dẹp! Bác đưa thằng Dũng về trước cho nó làm bài vở."

Tôi quay nhìn Dũng rồi hỏi bác Hàn:
-- Cháu Dũng hồi nãy chào cháu rồi đi vào góc kia làm bài. Cháu Dũng nói tiếng Việt rõ ghê! Chắc bác kèm thêm?

-- Kèm đâu mà kèm. Được cái tối ngày mẹ con lúc vắng khách, hay lúc ở nhà, nói chuyện bằng tiếng Việt thôi nên cháu nó nghe, nói được, chứ viết thì không. Bác đã đề nghị với cộng đồng tổ chức dạy tiếng Việt nhưng ở đây ai cũng bận rộn hết. Các sơ Việt Nam có dạy giáo lý bằng tiếng Anh và Việt. Mà ở đây cũng đông người ngoại lắm. Hay cháu xung phong dạy sau thánh lễ tiếng Việt do các cha dòng Đồng Công phụ trách đi.

Thật là hên quá là hên! Chắc là ơn trên phù hộ gia đình chúng tôi rồi, mới đặt chân đến xứ người lại gặp bạn cũ, người đồng hương, được người Mỹ, ông chủ giúp đỡ, lại được làm ngay với người quen nữa, chẳng là hên quá rồi còn gì. Phúc đức của ông bà để lại chứ chẳng chơi. Tôi may mắn kiếm được việc tốt nên hăng say tình nguyện liền nói với bác Hàn rằng, "Bác báo mọi người có con em dù lương dù đạo cứ đưa tới lớp, cháu sẽ dạy một hai tiếng mỗi Chúa nhật cho. Bác lo sắp xếp trường lớp, cháu xung phong!"

Bác Hàn cười:

-- Có thế chứ! Thanh niên từ bển mới qua còn nhiệt tình, chứ ở lâu lại mê tiền chẳng còn nhiệt huyết nữa.

Tôi chống chế, bênh đỡ mọi người kiểu tinh thần của Hùng Tâm Dũng Chí do linh mục Pháp Gaston Courtois sáng lập đã truyền sang Việt Nam luôn luôn nghĩ tốt cho người khác:

-- Bác nói vậy thôi, chứ các anh chị em ở đây chắc bận làm bận học nên không có giờ, chứ chẳng phải họ lười đâu.

Tôi lại bàn Dũng làm bài hỏi:

-- Cháu muốn học viết tiếng Việt mình không?

-- Dạ cháu hỏi má cháu hoài, nhưng má cháu bận.

-- Nội cháu vừa bàn với chú để chú dạy tiếng Việt sau thánh lễ mỗi Chúa nhật.

-- Thật hở chú? Thích quá đi thôi!

Dũng quay sang bác Hàn:

-- Con cám ơn nội!

-- Cám ơn chuyện gì hở cháu?

-- Thì... thì kiếm... thầy dạy tiếng Việt cho cháu và các bạn á! Bà cho phép cháu gọi bạn nha!

-- Khoan đã, để bà bàn với các cha và nhà xứ coi như thế nào đã chứ. Với lại chú Trúc cũng vừa tới để cho chú nghỉ Chúa nhật này, làm quen nói chuyện với mọi người sau lễ cái đã.

Tiệm đóng cửa lúc 9 giờ, nhưng dọn dẹp và đợi khách đã vào đứng lên đi ra cũng gần 10 giờ khuya. Bác Hàn đã đưa Dũng về từ lúc 8 giờ rưỡi khi bớt khách để cho Dũng ngủ, ngày mai còn đón xe búyt đi học lúc 7 giờ 15. Tan học thì hoặc bà nội hoặc Thanh lại đến đón lúc 3 giờ hơn. Tôi âm thầm nghĩ rằng ở xứ này sao cực quá, chỉ được thoải mái tinh thần thôi, chứ làm việc còn hơn ở Việt Nam. Bây giờ chỉ còn thợ bếp và thợ phụ rửa chén đĩa, Thanh và tôi ở lại làm cho xong việc chuẩn bị cho ngày hôm sau.

Thanh cứ chú chú, chị chị hoài nghe đến mắc cỡ. Tôi nghĩ hồi xưa hai đứa cứ mày tao tối ngày bây giờ nghe vậy nó dị dị làm sao ấy, nhưng chả nhẽ tôi sửa lưng trước mặt mọi người. Khi xong xuôi hết trơn, mọi người ra về, Thanh khóa cửa tiệm, và tôi chào Thanh để đạp xe về hôm sau còn đi làm sớm, dù chỗ làm cũng gần nhà, đạp xe chắc chỉ 5, 10 phút thôi. Thanh nói:

-- Đâu được! Liệu chú có biết đường về không hay là lạc đi lạc tới sáng cũng chưa mò đường về tới nhà. Khóa xe để đó đi, mai sớm chị tới đón chú đi làm, nhân tiện cho biết chỗ làm của chú luôn.

Tôi nhìn Thanh, nghĩ nếu mình không sửa bây giờ, chắc suốt đời nàng sẽ chị chị, chú chú hoài cho xem nên buột miệng nói:

-- Thiên Thanh à, đã tới đây được thì sẽ biết đường về thôi. Chỉ xin Thiên Thanh đừng gọi chú, xưng chị với Trúc. Trước mặt Dũng thì được, Dũng không có đây cứ xưng tên với nhau được rồi, hồi xưa mày tao chi tớ cả 10 năm, bây giờ chú chú chị chị nghe sao sao đó!

-- Bộ không thấy Thanh già đi sao?

-- Đâu có, trưởng thành lên thôi, chứ có thấy Thiên Thanh già chút nào đâu. Nói thật là nếu không biết Thiên Thanh có chồng, có con, Trúc cũng cứ ngỡ là Thiên Thanh như bọn em gái của Trúc đó!

Thanh cười:

-- Xạo ghê nha, bộ con trai Việt Nam thời này miệng lưỡi lắm hở?

Tôi đưa mấy ngón tay phải lên kiểu tuyên thệ ngày xưa mà Thanh chắc hẳn còn nhớ:

-- Không thật đó mà! Lời nói danh dự của Hùng Tâm Dũng Chí!

-- Ừ, thôi tạm tin cho Trúc đó! Thôi để xe đạp đó đi, để Thanh đưa Trúc về! Mai Thanh tới đón sau khi chờ bé Dũng lên xe búyt. Trúc phải có mặt ở sở lúc 8 giờ rưỡi phải không? Đủ giờ để Thanh đãi ly cà phê và Krispee Kreme Donut.

-- Krispee Kreme Donut là món gì vậy?

-- À bánh ngọt đó mà! Vậy đi, lên xe Thanh đưa Trúc về.

Lên xe, tôi ngồi cạnh Thanh, thấy cũng vui, bạn bè nhiều năm trước biết bao nhiêu chuyện sao mà kể cho hết. Hơn mười năm trời, thật đủ mọi đổi thay. Thanh tự tin hơn ngày xưa rất nhiều, hồi xưa nàng còn nhút nhát, nhỏ nhẹ, bây giờ nàng chín chắn và rất tự tin. Sự tự tin toát ra trong cử chỉ cách nói của nàng. Có lẽ vì nàng đã bương chải từ những ngày ở trại tỵ nạn bên mẹ chồng, hai mẹ con đùm bọc lẫn nhau và trưởng thành khi thích nghi với cuộc sống bên này.

Thanh đậu vào bãi đậu xe, rồi chào hẹn ngày mai. Nàng nói thêm, "Chiều 6 giờ, Thanh hoặc mẹ Thanh sẽ tới đón Trúc tới đây làm nhé!" Tôi cười bảo được mà! Lại có dịp chuyện trò thêm biết thêm về quãng đời mười năm lạc nhau! Gớm chưa nói giá cả gì hết mà sao tôi đã nhận lời rồi kìa? Tôi vừa vào nhà vừa húyt sáo. Tôi chợt nhận ra, dù Thanh không trả đồng nào tôi cũng sẵn sàng làm. Thế có lạ không nhỉ?

Nguyên Đỗ
Users browsing this topic
Guest (3)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.