Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Hồng Hạc
PC
#1 Posted : Saturday, July 4, 2009 4:00:00 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)




Chào các bạn,
Năm 2007, SL có phúc duyên đi viếng Ấn Độ và đi chiêm bái tứ động tâm, bốn thánh tích Phật giáo: nơi Phật đản sinh, nơi Phật thành đạo, nơi Phật thuyết pháp, nơi Phật nhập niết bàn.
SL có đến viếng Việt Nam Phật Quốc Tự của Thầy Huyền Diệu ở nơi Phật đản sinh gần vườn Lâm Tỳ Ni (Nepal) và được nhìn thấy cặp chim hồng
hạc mà thầy đang nuôi. Hôm nay SL xin giới thiệu bài viết Loài Chim Hồng Hạc của Thầy Huyền Diệu, một loài chim hiếm quí mà chúng ta hằng mong ước được gặp.



MÔI TRƯỜNG

LTS: Người sáng lập kiêm chủ tịch Hội Ðồng Ðiều Hành hai ngôi chùa cùng mang tên “Việt Nam Phật Quốc Tự” tại Bồ Đề Đạo Tràng (nơi Phật đắc đạo ở Ấn Độ) và Lâm Tỳ Ni (nơi Phật đản sinh ở Nepal) là một người yêu thiên nhiên và tích cực trong việc bảo vệ môi trường, ông đã có những bài nói chuyện về các đề tài này ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết dưới đây về loài chim hồng hạc mà ông đang tích cực bảo vệ, được ký tên “Người làm vườn kiêm quét chùa”, một danh xưng mà ông yêu thích và tâm đắc. Bài báo này được đăng trong tờ Doanh Nhân Sài Gòn.

LOÀI CHIM HỒNG HẠC

Người làm vườn kiêm quét chùa

Khi mới đến Lâm Tỳ Ni vào năm 1993, tôi nhận thấy nơi này rất ít có chim chóc. Đến năm thứ nhì, một buổi sáng vừa từ trong lều bạt bước ra, tôi sửng sốt khi nhìn thấy hai con chim cao lớn lạ thường đang đứng ngay trước lều. Tôi cao 1 mét 68 thế mà hai con chim này lại đứng cao hơn cả tôi. Chúng có bộ lông màu xám nhạt điểm khuyết một vòng màu đỏ quanh cổ trông yểu điệu như cô thiếu nữ mang sợi dây chuyền xinh xinh làm dáng.

Cảm giác đầu tiên của tôi là sự khiếp sợ và tự hỏi không biết đây có phải là ma quỷ hiện hình để dọa mình hay chăng? Tôi vội vã lui vào lều rồi đứng bên trong nhìn ra. Tôi từng đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, đọc qua nhiều sách vở, gặp gỡ nhiều loại chim quý hiếm, nhưng quả là chưa bao giờ gặp loài chim nào cao lớn và đẹp đẽ dường ấy. Tôi nhớ đến chuyện kể về những con đại bàng khổng lồ chuyên ăn thịt người, nhưng đó chỉ là trong truyền thuyết. Quan sát kỹ hai con chim này, tôi an lòng nhận thấy chúng có vẻ hiền lành, ánh mắt nhìn tôi ra chiều thân thiện. Lát sau chúng bay đi, con trước con sau nhịp nhàng vỗ cánh như lướt trên bầu trời với dáng vẻ cao quý đẹp đẽ không thể tả.

Tôi bèn vào thư viện tra tự điển và khám phá đây là loài chim Hồng hạc, tên khoa học là Sarus Crane, thuộc giống chim cao nhất thế giới và có đặc tính là sống riêng rẽ thành từng cặp. Quả là một hình ảnh tượng trưng cho hạnh phúc và biểu tượng của sự hòa hợp trong cuộc sống. Tôi bèn liên hệ với các tổ chức bảo vệ môi trường thế giới và được họ cho biết đây là loại chim cực kỳ quý hiếm đang trên đà tuyệt chủng.

Thế là kể từ đó trong bao nhiêu bộn bề công việc tôi còn cáng đáng thêm một nghề mới nữa là … canh giữ chim. Tôi bỏ nhiều thì giờ theo dõi chúng. Loài chim này chuyên sống có đôi khắng khít giống như con người, khi di chuyển chim trống bay trước còn chim mái bay sau. Quan sát chúng lâu ngày tôi dễ dàng phân biệt con nào trống con nào mái. Khác với loài người thông thường phụ nữ xinh đẹp hơn đàn ông, ngược lại con hạc trống – cũng giống như loài gà hay loài công – trông lại sặc sỡ với dáng dấp oai vệ hơn hẳn con mái, đặc biệt lông chim hạc trống mượt mà hơn và vòng đỏ điểm xuyết ở cổ cũng lớn hơn.

Loài hạc này chuyên sống nơi ẩm ướt và làm tổ tại vùng xăm xắp nước. Đến lúc con mái nằm ổ thì con trống đi nhặt từng cọng rơm rạ đem về đặt phía dưới chỗ nằm của vợ cho được khô ráo. Đặc biệt chim trống rất kỹ tính, lựa chọn cẩn thận từng cọng rơm và dùng mỏ lắc cọng rơm qua lại cho sâu bọ hay rác rến rơi ra bằng hết mới sử dụng.


Chim hạc đẻ mỗi lần chỉ từ một đến hai trứng mà thôi.
Khi trứng đã nở thì cả chim bố lẫn chim mẹ cùng huấn
luyện con. Cách thức chúng dạy con cũng không khác
gì người ta. Khi tập cho con đi, hạc cha đứng một bên
trông chừng còn hạc mẹ hướng dẫn con bước từng đoạn ngắn rồi quay trở lại. Ngày hôm sau chim mẹ dẫn con đi xa hơn và cứ thế mỗi ngày tiến bộ thêm một chút. Rồi chim con bắt đầu được học bay. Niềm vui lớn nhất của thầy trò tôi chính là giây phút chứng kiến cảnh chim con lần đầu tiên tung mình lên bầu trời, thật là một cảnh tượng cảm động và đẹp đẽ xiết bao.

Loài chim này còn có cách tập bơi cho con rất độc đáo. Con mái đứng trên bờ canh chừng còn con trống lội xuống nước làm mẫu để các chim con bắt chước. Khi chim con đã lớn hơn một chút thì hạc cha giữ một con và hạc mẹ giữ một con.

Mỗi cặp hạc có một vùng lãnh địa riêng. Lý thú nhất là tôi theo dõi được một màn đánh ghen của chúng. Một bữa nọ bỗng nhiên tôi nhìn thấy hai con hạc đánh nhau dữ dội, cảnh tượng trông cũng giống như gà đá nhau. Gần đó có một con hạc đứng cách một khoảng chứng kiến. Tôi có phần ngạc nhiên không hiểu con thứ ba từ đâu xuất hiện vì tôi biết rõ vùng phía Bắc đó chỉ có hai con. Quan sát kỹ qua ống dòm thì tôi nhận ra hai con đang đánh nhau đều là hạc mái. Sau một hồi chiến đấu bất phân thắng bại con thứ ba bỏ đi. Tôi hỏi thăm người dân quanh vùng thì họ cho biết từ mấy tháng nay có một con hạc mái đến sống lẻ loi ở vùng phía Nam. Tôi đoán rằng có lẽ đó chính là nhân vật thứ ba trong màn kịch hôm trước và chú ý theo dõi.

Quả nhiên hai hôm sau con mái thứ ba bất thần xuất hiện nơi tổ ấm của vợ chồng hạc ở phía Bắc trong khi hạc vợ đi kiếm mồi. Thế là chị mái lẻ loi thoải mái vui vẻ với anh chồng. Không ngờ cô vợ trở về thình lình và bắt gặp. Hai bên xô xát nhau dữ dội khiến anh chàng trống đa tình không dám can thiệp mà chỉ chạy lăng xăng phía ngoài kêu la như cầu cứu.

Tuy nhiên đó chỉ là trường hợp ngoại lệ. Thông thường các cặp vợ chồng hạc rất chung thủy với nhau. Nếu một trong hai con chết đi thì con còn lại than vãn thảm não suốt cả tuần lễ. Khi bị tấn công, chim trống kêu lên rất to rồi dùng mỏ mổ lia lịa như muốn ăn tươi nuốt sống đối thủ đồng thời dang rộng đôi cánh nhào thẳng vào kẻ thù. Trong khi đó chim mái đứng thủ thế che chở cho chim con. Cả đối thủ đáng gờm nhất là chó sói cũng phải ngán sợ khi bị chim trống tấn công. Tuy vậy kẻ thù nguy hiểm và khó tiêu diệt nhất của loài chim này chính là con người.

Từ khi chim hạc xuất hiện thì chùa chúng tôi trở thành nơi thu hút rất đông khách đến tham quan. Rồi không biết xuất phát từ đâu mà dân địa phương đồn với nhau rằng ai ăn được trứng chim sẽ sống đến 500 tuổi, còn nếu ăn thịt chim thì thọ được 700 năm. Thế là sự sống của những sinh vật đẹp đẽ và hiền lành này bị con người đe dọa. Một số người ăn cắp trứng và tìm cách săn lén chim. Từ đó thầy trò tôi lao đao khốn khổ trong việc bảo vệ lũ chim. Chúng tôi chỉ có mười mấy người phải lo đối phó với hàng trăm kẻ ngày đêm rình rập. Hễ mỗi khi có một con chim đẻ trứng là chúng tôi bắt đầu ngay một kế hoạch bảo vệ chặt chẽ suốt ngày đêm, vừa vất vả lại vừa hết sức tốn kém. Thế mà chỉ một chút sơ sẩy hay người bảo vệ vừa thiếp ngủ là lập tức có kẻ xuất hiện trộm trứng chim. Mỗi lần như vậy thật không khác gì xảy ra một vụ bắt cóc. Chúng tôi hợp tác với cảnh sát truy lùng gắt gao khắp nơi, nhưng làm sao có thể tìm ra được khi chúng đã nằm an toàn trong… bao tử của những kẻ cắp. Đôi khi chúng tôi tìm ra được những vỏ trứng được chôn giấu dưới đất và đành thúc thủ không sao biết được thủ phạm. Rồi sau đó lại có phong trào trẻ em rủ nhau đi bắn chim. Tôi lao tâm khổ trí bàn bạc với cảnh sát địa phương tìm cách ngăn chặn nhưng không đạt kết quả. Cuối cùng tôi phải kiên trì áp dụng biện pháp giáo dục bằng cách tổ chức chiếu phim, triển lãm ảnh, giải thích, thuyết phục đồng thời tổ chức những cuộc thi hội họa về chim chóc để nhân dịp đó dạy dỗ cho bọn trẻ lòng yêu thiên nhiên, tôn trọng sự sống ngay cả của thú vật. Nhờ vậy tệ nạn săn bắn chim giảm hẳn.

Hiện nay số chim hạc tại Lâm Tỳ Ni đã lên đến khoảng 30 con. Chúng sống rải rác quanh vùng, mỗi cặp có một lãnh địa hoàn toàn riêng tư mà những cặp khác không được bén mảng tới gần hay xâm phạm. Đôi khi cả hai vợ chồng hạc bị rắn cắn chết bỏ lại chim con bơ vơ côi cút thì tôi đem về nuôi. Khi chim con lớn lên tôi cũng dạy cho biết đi, biết bay y hệt cách thức chim hạc dạy con như tôi đã từng chứng kiến. Những anh em trong chùa và ngay cả dân địa phương nhìn cảnh tôi vừa chạy lúp xúp phía trước vừa quạt quạt hai cánh tay cho chim con chạy phía sau bắt chước theo đều không nhịn được cười. Nhưng cách dạy của tôi cũng rất có hiệu quả, chẳng bao lâu chim con có thể cất được đôi cánh và bắt đầu bay xa.

Người dân trong vùng biết tôi yêu quý chim nên mỗi khi gặp chú chim mồ côi đều mang đến cho tôi, đổi lại tôi gửi họ chút ít tiền thưởng công. Tổng cộng tôi đã nuôi được gần mười con, mỗi khi bận công việc phải đi xa thì tôi đem đến gửi nhờ người khác nuôi giúp vài ngày và trả công cho họ.

Những con chim xinh đẹp này đem lại cho tôi nhiều niềm vui. Vào những buổi sáng sớm khi trời còn mờ sương, tôi ngồi yên lặng bên tách trà chờ ngắm cảnh đàn chim hạc bay vút lên bầu trời, lướt qua dãy núi tuyết trùng điệp ẩn hiện như sương như khói mà tâm hồn cảm thấy thanh thản lạ thường. Đó quả thật là những hình ảnh tuyệt đẹp mà kể cả trong phim ảnh cũng không có được. Rồi vào buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống, đàn chim hạc lại cùng nhau bay trở về. Cảnh hạnh phúc thanh bình ấy đem đến bao niềm an lạc cho cuộc sống của tôi nơi đây.


Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.