Nhớ Lê Dung - Thuở Học Trò
Nguyễn KiênNSND Lê Dung qua đời đã trọn một năm (29.1.2001 - 29.1.2002). Với tình cảm thương nhớ của một thầy giáo cũ, của người hâm mộ ca nhạc nói chung, giọng ca vàng Lê Dung nói riêng; tôi ghi lại một vài kỷ niệm về Lê Dung thuở học trò...
Tháng 9.1968 sau khi tốt nghiệp khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi được điều về dạy ở Trường Cấp III thị xã Hồng Gai. Niên học 1968 - 1969, trường cấp III ấy chỉ có một lớp 10 gồm 51 học sinh, trong đó có Lê Dung. Dáng người Lê Dung mảnh mai, nhanh nhẹn, tính nết dịu dàng nhút nhát, nhưng hát thì hay nhất trường, đã từng đoạt giải nhất Hội diễn Ca nhạc học sinh cấp III tỉnh Quảng Ninh. Là một học sinh học khá, giỏi đều các môn, Lê Dung được các thầy, cô và các bạn học sinh trong trường rất mến. Ngày 1.5.1969, tôi được phân công làm "Trưởng ban" giám khảo Hội diễn Văn nghệ Trường Cấp III Hồng Gai, Lê Dung đăng ký hát bài: "Đường đi lên mỏ" . Mặc dù giọng hát của Lê Dung ngày ấy còn hơi "rung rung" nhưng khi lên sân khấu đơn ca bài này, với giọng hát trong, tha thiết, say đắm của mình, Lê Dung vẫn chinh phục được người nghe. Khi kiểm phiếu bầu, Lê Dung được điểm cao tuyệt đối (7/7 phiếu loại A). Trong buổi công bố giải thưởng hội diễn, khi tôi tuyên bố Lê Dung đoạt giải nhất đơn ca nữ thì được thầy, cô giáo, học sinh tán thưởng bằng một tràng vỗ tay vang dội.
Ngày 15.5.1969, Lê Dung đến xin tôi ghi lưu niệm và ghi lưu niệm cho tôi có đoạn viết: "Thưa thầy kính mến! Năm học 1968 - 1969 đã qua. Nhưng giờ đây em còn phải chuẩn bị để bước vào một trận chiến đấu bước ngoặt của đời em... Em tin rằng những dòng lưu niệm này sẽ giúp cho em và thầy sẽ gần gũi nhau hơn... Em hứa sẽ đáp lại lòng thầy bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp của môn lịch sử. Học sinh của thầy: Lê Dung". Sau này, Lê Dung không những thực hiện được lời hứa là thi đỗ tốt nghiệp môn lịch sử, mà còn tiến xa hơn nữa là trở thành NSND, giảng viên Nhạc viện Hà Nội. Giọng hát của Lê Dung không chỉ bay đi khắp nước mà còn vang lên tại nhiều nơi trên thế giới... như lời đề dẫn của cô phát thanh viên khi giới thiệu giọng hát của Lê Dung trên làn sóng điện sáng ngày 11.8.1993: "Hạnh phúc thay cho những ai đã nghe giọng hát Lê Dung".
Ngày ấy tôi được giao phụ trách thư viện của trường. Thầy hiệu trưởng giao bằng tốt nghiệp (TN) lớp 10 cho tôi giữ và nói: Nếu học sinh nào đến lĩnh bằng TN mà không trả sách thư viện thì không trao bằng. Chiều 18.8.1969, Lê Dung đến lĩnh bằng tốt nghiệp. Tôi hỏi Lê Dung có mượn sách của nhà trường không? Em trả lời có mượn quyển "Tuổi trẻ Karl Marx". Tôi hỏi: "Em có đem trả sách không?". Lê Dung đáp: "Thưa thầy, em quên mất, thầy cho em nhận bằng, sáng mai em sẽ đem trả sách có được không?". "Không được. Khi nào em trả sách, thầy mới trao bằng TN, theo quy định của nhà trường". Thật bất ngờ, tôi vừa dứt lời thì Lê Dung khóc hu hu... như trẻ con. Đây là lần đầu tiên tôi gặp một tình huống sư phạm nan giải như vậy; hoảng quá, tôi đành vội vàng "xuống thang": "Ấy chết, thầy nói đùa vậy thôi, em nín đi... thầy sẽ giao bằng TN ngay đây, nhưng nhớ sáng mai phải đem trả sách đấy". Chỉ chờ có vậy là Lê Dung nín khóc ngay, rồi nói như chữa thẹn: "Thầy chỉ doạ em thôi... Em cũng doạ lại thầy xem thầy có sợ em không?". Thế là tôi đành giao bằng TN cho Lê Dung và sáng ngày 19.8.1969 Lê Dung đem trả sách thư viện...
Ngày 27.3.1999, tôi được mời tới dự lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Thành lập Trường Cấp III Hồng Gai. Khi đến tôi đem theo sổ lưu niệm trong đó có ghi câu hỏi kiểm tra vấn đáp học kỳ I (1968 - 1969) điểm kiểm tra và chữ ký của 51 học sinh lớp 10 (có điểm số, chữ ký của Lê Dung). Sau khi xem điểm số, chữ ký của mình, Lê Dung ghi vào sổ lưu niệm của tôi: "Thưa thầy! Hôm nay nhân lần thứ 40 kỷ niệm thành lập Trường Cấp III Hồng Gai, em được gặp lại thầy. Em rất xúc động được xem cả điểm 3 (3/5) mà thầy cho em. Em xin kính chúc thầy luôn khoẻ, may mắn. Học sinh của thầy: Lê Dung".
Thật không ngờ đây lại là lần gặp gỡ cuối cùng, những dòng chữ cuối cùng của Lê Dung đối với tôi trên thành phố Hạ Long.
Nguyễn Kiên (Lao động)