Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Nghệ sĩ ca trù
PC
#1 Posted : Wednesday, January 7, 2009 4:00:00 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)

Chị Phạm Thị Huệ, người tổ chức giáo phường ca trù Thăng Long nhiều năm qua đồng thời là nghệ sĩ dành nhiều tâm huyết và đam mê cho nghệ thuật ca trù


Cách đây hơn 30 năm, nghệ nhân Quách Thị Hồ đã từng nói: “Tôi sẵn sàng đeo biển trước ngực đi trên phố để nói tôi là người hát ca trù!”. Lời tuyên bố của bà như lời khắc cốt ghi tâm với mỗi đào nương, kép đàn khi đã nguyện theo cái kiếp cầm ca đầy gian truân mà tinh diệu này

Nghệ sĩ Quách Thị Hồ tạ thế lúc 3h45, ngày 4 tháng giêng năm 2001, tức ngày 10 tháng chạp năm Canh Thìn, thọ 92 tuổi. Đã gần 10 năm nay, ngày giỗ của bà là dịp để giáo phường ca trù Thăng Long tìm về đình Cống Vị, thắp nén hương cho người nghệ sĩ tài ba mà bạc phận, để cùng ngâm lại những Tỳ bà hành (Bạch Cư Dị), Phận hồng nhan (Cao Bá Quát) hay Đào Hồng, đào Tuyết (Dương Khuê), những làn điệu ca trù đã gắn liền với giọng hát tuyệt diệu của bà Hồ.

Bà Hồ không phải tổ nghề ca trù của đất Thăng Long, nhưng với những nghệ sĩ và nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, từ lâu bà đã trở thành biểu tượng của nét nghệ thuật dân gian Bắc bộ quý giá. Giống như GS Trần Văn Khê, người đã có công lưu giữ lại tiếng hát của bà qua những bản ghi âm hồi cuối những năm 1970, nhận xét Quách Thị Hồ là đã đưa nghệ thuật ca trù lên đến đỉnh cao ở cả hai phương diện kỹ thuật thể hiện cũng như xúc cảm âm nhạc. Lối hát hàng huê, nhấn mạnh vào cảm xúc âm nhạc hơn kỹ thuật hát của bà Hồ thì không ai trong các nghệ sĩ cùng thời sánh được. Bên cạnh giọng hát, cặp phách của bà Hồ cũng là mẫu mực tinh tế mà bất cứ đào nương nào ngày nay cũng phải mơ ước đạt tới.

Tài năng tuyệt đỉnh là thế nhưng cuộc đời nghệ sĩ Quách Thị Hồ lại nhiều bi kịch. Gần như cuộc đời bà chính là cái lịch sử thăng trầm nghiệt ngã của chính nghệ thuật ca trù biết bao thế kỷ qua. Từ một thú thưởng thức nghệ thuật thuộc hàng tao nhã, quý tộc, sau cách mạng Tháng tám 1945, ca trù bị tẩy chay và các đào nương trở thành những đối tượng bị khinh rẻ trong xã hội. Nghệ nhân ca trù Nguyễn Phú Đẻn ngậm ngùi kể lại rằng trong những ngày tháng khó khăn nhất, những người như bà Hồ hay như ông đã phải tìm những công việc khác để kiếm sống. Nhưng cuộc đời người nghệ sĩ ngoài cây đàn giọng hát thì biết làm gì. Bà Hồ đã từng phải đi ở thuê, gánh nước hay rửa bát cho quán phở để sống. Nhắc tới việc lưu giữ nghệ thuật ca trù, GS Trần Văn Khê từng nói: “Tôi không biết có phải tổ tiên đã phù hộ để ngày đó ở Pháp về tôi gặp được bà Hồ đang phải làm những công việc cực kỳ nặng nhọc và thuyết phục bà hát để tôi ghi âm lại”. Cuối đời, tài năng của bà Hồ đã được công nhận xứng đáng với danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân Nhà nước trao tặng và đặc biệt là tấm bằng danh dự do hội đồng Âm nhạc quốc tế UNESCO và Viện Nghiên cứu quốc tế về âm nhạc đã trao cho bà năm 1978 với công lao đặc biệt trong việc bảo tồn một bộ môn nghệ thuật truyền thống có giá trị văn hoá và nghệ thuật cao.

Nhà nghiên cứu Dương Hoành Loan, người đã thực hiện nhiều cuộc điền dã ca trù quy mô và kỹ lưỡng kể lại: “Trong một cuộn băng tư liệu, bà có kể rằng hồi trước có mấy ông lãnh đạo văn hoá đã nói thẳng vào mặt bà: “Cái nghề ca trù của bà chỉ phục vụ bọn thực dân phong kiến, cái cây đã chết, cho nó chết, lấy đâu hoa mà nở”. Lúc đó bà chỉ cười: “Rồi xem, hoa có nở không?”. Sau hơn nửa thế kỷ, sự lạc quan của người nghệ sĩ đã thành hiện thực.



Ngày giỗ bà Hồ luôn có hai người bạn cũ của bà là nghệ sĩ Nguyễn Phú Đẻn và nghệ sĩ Nguyễn Thị Chúc. Ở vào cái tuổi ngoài 80, các cụ là những nghệ nhân cuối cùng của thế hệ tiền bối đang truyền lại tất cả những gì là tinh hoa của ca trù với các đào nương, kép đàn trẻ tuổi. Ngày giỗ lần thứ bảy của bà Hồ, lác đác có những giọt nước mắt khi tiếng đàn giọng hát của những bậc tiền bối cất lên. “Chúng tôi đang cố gắng học tập từng ngày từng giờ vốn quý các cụ để lại trước khi quá muộn. Nhưng rồi đây liệu chúng ta có còn được thưởng thức những đỉnh cao của ca trù như thế này nữa không nếu các cụ cũng ra đi…” chị Phạm Thị Huệ, giảng viên âm nhạc dân tộc của học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, người tổ chức và là giọng ca hay nhất của giáo phường Thăng Long hiện nay, ngậm ngùi chia sẻ.

Gần ba chục con người, già có trẻ có đang cố gắng một cách hoàn toàn tự giác gìn giữ vốn cổ âm nhạc đất nước. Họ yêu nghề và say đắm với nghề nhưng ở họ dường như vẫn vương vất nỗi cô đơn, ít nhiều chạnh lòng bởi những nỗ lực vẫn chưa được nhìn nhận một cách đúng mức. Lẩn quất trong những người đến tưởng nhớ bà Hồ là người nhạc sĩ đam mê thể nghiệm với album Nhật thực nổi tiếng. Nhạc sĩ Ngọc Đại tâm sự: “Quan họ Bắc Ninh bây giờ người ta dùng micro, tô son má phấn để hát rồi. Hỏng rồi! Nhưng ca trù ở đây vẫn là ca trù thứ thiệt. Khói hương vương vất, có lẽ người hát ca trù còn vương vấn ngày vàng son lắm…”

bài Dung P. ảnh Ngọc Linh

Users browsing this topic
Guest (3)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.