Những nhạc phẩm Pháp lừng danh một thời
link để nghe
dosite.net/lanchi/NhacChuDe/NhacPhap.mp3
Nguyễn Văn Đông và Hoàng Lan Chi
Trong chương trình nhạc ngoại quốc tuyển chọn, kỳ đầu tiên, Hoàng Lan Chi xin đặc biệt dành để giới thiệu các nhạc phẩm Pháp nổi tiếng qua nhiều thập niên trước đây ở miền Nam Việt Nam, đã từng làm lay động tâm tình của thính giả những năm 50, 60 của thiên niên kỷ trước. Những bài hát lừng danh tượng trưng cho nền văn hoá Pháp, đầy tự hào, đã chiếm vị trí xứng đáng, trân trọng trong lòng người Việt Nam . Qua từng thời kỳ, những ca khúc trữ tình bất hủ vẫn cứ mãi ngân nga trong tâm hồn người nghe, bất chấp khói lửa đạn bom dìm đất nước trong bể hận thù, bạo lực. Ở từng giai đoạn, dòng chảy âm nhạc Pháp vẫn bền bỉ luân lưu, giao thoa từ buổi đầu sơ khai của nền âm nhạc Việt Nam . Các thế hệ nối tiếp nhau bị cuốn hút bởi những giai điệu lãng mạn, đắm say, khao khát tiến về phía trước, đầy ấp tình người qua các sáng tác như Maman, Une histoire d’amour, Donna Donna, Aline, Dans le soleil et dans le vent, La vie en rose vân vân, được thỗi lên bởi những giọng ca Diva vượt mọi thời đại như Tino Rossi, Edith Piaf, Johnny Hallyday, Henri Salvador, Dalida, Francoise Hardy, Sylvie Vartan gây thổn thức lòng người, làm thăng hoa trong hạnh phúc, hay chao đảo những trái tim cuồng si.
Để mở đầu, Hoàng Lan Chi xin giới thiệu bản nhạc “ TOUS LES GARCONS ET LES FILLES” do Francoise Hardy và Roger Samyn sáng tác vào năm 1962 tại Thành phố Lyon nước Pháp và do chính Francoise Hardy trình bày lần đầu tiên tại Kinh Đô Paris, đoạt giải “L’ Eurovision en 1963 “. Bản nhạc phá kỷ lục đứng đầu bảng Top trong nhiều năm, bán 2 triệu đĩa 45 tours ngay trong tháng đầu phát hành, sau đó lan tỏa nhanh chóng khấp Châu âu, từ Mỹ sang Á, làm xôn xao trong giới sáng tác âm nhạc Pháp.
Chuyện tích kể rằng cô bé Francoise Hardy, sinh tại Paris năm 1944, thích hát nhạc “ ýe ýe “, đậu tú tài lúc 17 tuổi, được bố mẹ mua thưởng cho một cây ghi ta. Cô đem tâm sự của mình viết thành ca khúc và nổi tiếng ngay từ sáng tác đầu tay. Vào thời kỳ này ở Việt Nam, các ấn bản do Hãng đĩa Vogue phát hành có mặt trên các kệ sách và tiệm băng đĩa nhạc, và đêm đêm phong trà, vũ trường Saigòn lại rộn rã tiếng hát của Khánh Ngọc, Yến Vĩ, Diễm Thuý cùng nhiều ca sĩ khác diễn tả bằng hai thứ tiếng Pháp và Việt được chào đón nồng nhiệt ở Thập niên 60. Người ta kể rằng khi Francoise Hardy cất cao tiếng hát “ Tous les garcons et les filles de mon âge se promènent dans la rue deux par deux”, thì tất cả trái tim người dân Paris thổn thức, dừng chân lắng nghe, con đường Champs d’Elysée mênh mông ngừng chảy, cổng Khải Hoàn Môn sừng sững đìu hiu.
Xin diễn dịch bài tình ca nổi tiếng này như sau:
Những chàng trai và cô gái cùng tuổi hoa niên như em.
Họ tìm thấy hạnh phúc lứa đôi khi tay trong tay cùng dạo chơi trên đường.
Mắt trong ánh mắt, tay trong vòng tay, bờ môi ấm áp,
Dìu nhau đi vào cõi mộng yêu đương, không hề lo nghĩ ngày mai.
Riêng em cô đơn trên con đường vắng, thất thểu đi như kẽ không hồn, lòng mang nặng nỗi u buồn.
Xin mời quý vị nghe Francoise Hardy trong bài “ Tous les garcons et les filles”
Tiếp theo, Hoàng Lan Chi xin giới thiệu một giọng ca vàng khác trong làng âm nhạc cũng thành danh trong thập niên 60. Danh ca Sylvie Vartan. Sylvie Vartan sanh năm 1944, gốc Bung ga ri, khi 10 tuổi theo gia đình đến sinh sống ở Pháp, vốn ngoại ngữ chỉ hai tiếng “ Merci”. Vậy mà 7 năm sau, cô nhanh chóng trở thành vedette trong trong ca khúc “ Quand le film est Triste” vào tháng 11 năm 1961. Trẻ đẹp, duyên dáng, tài năng, Sylvie dễ Vartan dễ dàng bước lên bục danh dự Olymbia Pháp vào năm 1962 và kết hôn với danh ca Johnny Holiday vào tháng 4 năm 1965. Nhưng sự nghiệp để đời của cô là bài hát “ La plus belle pour aller danser” do Charles Aznavour sáng tác vào năm 1964, Hãng dĩa Djanik ấn hành cùng năm, làm nhạc nền cho cuốn phim “ Les Parisiennes” lừng danh thời đó.
Mời quý vị lắng nghe tiếng hát Sylvie Vartan trong bài “ La plus belle pour aller Dancer” mà các nhà soạn nhạc tài ba của Pháp như Charles Aznavour, Edith Piaf đánh giá là Diva hàng đầu ở mọi thời đại. Một dịch giả ở trong nước có bút danh là Trần thị Thanh Nguyên đã diễn dịch sang lời ca Việt trước năm 1975, in trong Tập bài hát Pháp như sau:
“ Ai cũng cho rằng em đẹp nhứt trong đêm dạ vũ.
“ Em sẽ là ngôi sao sáng ngự ở tim anh.
“ Em muốn nghe lời ân ái nồng nàn phát ra từ đáy lòng anh.
“ Yêu em mãi mãi nhé anh !
“ Em chọn tắm áo màu xanh và chiếc khăn thêu đôi chim
“ liền cánh cùng mái tóc buông dài, em mong được mơn trớn
“ dưới ngón tay anh.
“ Và khi đêm xuống, em luôn mơ ước mãi mãi là ngôi sao sáng
“ trong trái tim anh. Oi! Đêm thần tiên, em đẹp nhứt trong mắt
“ anh yêu…………………………………….
Thưa quí vị, Hoàng Lan Chi rất thích những ca khúc nổi tiếng vượt thời gian như “Au clair de la lune” hay “ Ma Normandie” qua các giọng ca trữ tình của Jacques Goldman, Céline Dion cùng những giai điệu dạt dào cảm xúc của Edifh Piaf, hay chất chứa âm hưởng miền nam nước Pháp của ca nhạc sĩ Georges Brassens. Và thật là vui khi nghe lại Thanh Lan lúc dịu dàng tình tứ khi sôi nỗi hát bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp :“ Khi xưa đôi ta còn bé ta chơi. Đôi ta chơi bắn súng khơi khơi. Bang!Bang! ” trong bài hát Bang Bang của Tracy Chapman, thâu thanh ở thập niên 60 tại Việt Nam. Và các thính giả cao niên sẽ nhớ đến quái kiệt Trần văn Trạch một thuở tóc dài, trang phục dân tộc Tây nguyên, ôm đàn hát “ La vie en rose” ở Moulin Rouge giữa thành phố Paris, làm mềm lòng khách Pháp nhớ về một thuở xa xưa của danh ca Tino Rossy.
Thưa quý vị, nước Pháp quả là nơi đất lành chim đậu khi nhắc lại đây ca khúc” QUE SERA SERA” đã làm nên tên tuổi của một số ca sĩ nước ngoài đến Pháp lập nghiệp, đã bước lên đài danh vọng Olympia Paris. Bài “Que sera sera” có nguồn gốc chánh thức từ bài hát “ Whatever Will be, Will be “, âm nhạc do Jay Livingston sáng tác, lời ca do Ray Evans soạn. Bài hát nhịp ba bốn (3 / 4 ) gam Do trưởng lộng lẫy, sáng tác ở đầu thập niên 50 đã nhanh chóng lan toả khắp thế giới do nhiều tác giả chuyển dịch sang lời Pháp, đặc biệt được danh ca Doris Day hát trong phim “L’ homme qui en savait trop” trình chiếu năm 1955, làm bùng lên mode cắm lông gà trên mũ và ca sĩ Jacqueline Francoise đưa kiệt tác này lên Top nhiều năm.
Và bây giờ, mời quý vị thưởng thức bài hát “ QUE SERA SERA” do Kiều Nga trình bầy.
Kính thưa quý vị, trong đời sống tinh thần hấp thụ tinh hoa nhân loại, với đa dạng ngôn ngữ, nền văn hoá Pháp đã thắm sâu vào lòng người Việt Nam ta từ hơn thế kỷ qua, đặc biệt sứ giả mến yêu nhất là những bài hát Pháp mà qua từng thời kỳ, biến động hay thanh bình, dòng nhạc trữ tình sang trọng này, mang tâm hồn Pháp, không ngừng chảy, vẫn mãi ngân nga theo nhịp điệu cuộc sống, mang đầy kỷ niệm về một thời xa xưa với Tino Rossy nồng nàn trong “La Vie en Rose”, Joséphine Baker sâu lắng trong “J’ai deux amours” hay Dalida rực cháy trong “Bambino”. Nhưng có một nhạc phẩm lừng danh quốc tế mà nhiều người Việt Nam ưa thích nhất ở thập niên 50, 60, có lẽ là bài “Le Beau Danube Bleu” thường được nghe hát ở Đài phát thanh Sài Gòn, các phòng trà ca nhạc và vũ trường Sài Gòn. Kiệt tác phẩm này là của nhạc sĩ Johann Strauss, người Áo, sáng tác năm 1867 tại Vienne, là một chuỗi những bài Valse luân vũ hay nhất của Vienna, được dàn dựng thành vở ca kịch Operette “ Valse de Vienne” vượt qua mọi thời đại. Nhạc sĩ Phạm Duy đã lấy cảm hứng từ ý nhạc cao sang, lộng lẫy này, đặt tên cho bài hát là Giòng Sông Xanh với lời Việt đầy thi tứ:
“ Một giòng xanh xanh. Một giòng tràn mênh mông.
“ Một giòng nồng ý biếc. Một giòng sầu mấy kiếp.
“ Một giòng trời xao xuyến. Một giòng tình thương mến.
“ Một giòng còn quyến luyến.
“ Một giòng nhớ quay về miền đời lúc mơ huyền ………
…………………………………….
Mời quý vị thưởng thức bài “Le Beau Danube bleu” qua tiếng hát vượt thời gian Thái Thanh coi như dành một đôi phút tưởng niệm, nhớ về người nhạc sĩ Áo tài ba Johann Strauss, đã tặng cho đời những bài Luân vũ bất hủ, sống mãi với thời gian.
Quý thính giả vừa thưởng thức một chương trình nhạc ngọai quốc chọn lọc gồm các nhạc phẩm Pháp nổi tiếng một thời như “Tout les garcons et les filles” qua giọng hát Francoise Hardy, “La plus belle pour aller danser” với Sylvie Vartan, “Que sera sera” với Kiều Nga và Thái Thanh với “Le beau danube bleu”.
Hoàng Lan Chi kính chào tạm biệt.