Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Registered Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 5,668 Points: 25 Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
|
Ba vị danh Ni tiêu biểu trong tiến trình phát triển Ni giới Nam Bộ
Trong lịch sử hình thành và phát triển Ni giới miền Nam, rất nhiều vị danh Ni xuất hiện và góp công lớn vào tiến trình xây dựng đội ngũ Ni chúng. Họ là những người xuất hiện đơn lẻ, nhưng những đóng góp của họ đã có tiếng nói quyết định cho sự hưng khởi phong trào tu tập của Ni giới. Chúng tôi xin ghi nhận ba gương mặt tiêu biểu và xuất sắc nhất, với những công lao có tính lịch sử đối với Ni giới. Những hoạt động của họ đã đặt viên đá đầu tiên, xây nền móng cho thế hệ Ni giới về sau tại miền Nam. Đó là các vị: Hồng Nga - Diệu Ngọc (1885-1952), Hồng Thọ - Diệu Tịnh (1910-1942) và Ni trưởng Như Thanh (1911-1999).
Ni sư HỒNG NGA - Diệu Ngọc (1885-1952)
Ni sư tên thật là Huỳnh Thoại Nga, người gốc Hoa ở tỉnh Bạc Liêu, đệ tử của Hòa thượng Như Hiển Chí Thiền, pháp danh Hồng Nga, tự Diệu Ngọc. Thân phụ là người Trung Hoa lập nghiệp ở tỉnh Bạc Liêu, gia đình có điền sản lớn. Cô theo Tây học, chữ viết đẹp, tính tình cương nghị, ưa hoạt động cần cù và thích làm việc phước thiện. Năm 1914, cô lập gia đình nhưng cùng năm thì chồng mất, đến cuối năm, người con trai mấy tháng tuổi cũng mất.
Đến đấu năm 1919, cô xây cất chùa Giác Hoa tại tổng Thạnh An, làng Châu Hưng, tỉnh Bạc Liêu. Thợ từ miền Trung vào, ba năm mới xong, năm 1923 làm lễ khánh thành chùa và xin xuất gia với Hòa thượng Như Hiển Chí Thiền. Năm 1927, cô mở trường gia giáo Ni và thường xuyên nuôi chúng tu học cho đến năm 1945.
Giác Hoa là ngôi chùa Ni đầu tiên của miền Nam, được xây dựng rất công phu, hoành tráng, nền đắp cao, tường xây kiên cố, chánh điện, hậu Tổ, hành lang Đông Tây dài trên hai công đất. Cột gỗ lim liễn đối mạ vàng, khám thờ chạm trổ công phu, nền gạch bông, hành lang cẩn gạch men trắng chạm bông hoa đủ màu. Vách chánh điện treo bích họa và phù điêu hình chư Bồ tát, đường nét tinh vi.
Bên cạnh đó, cô còn hướng dẫn một huynh đệ của mình là cô Ba Xàng lập nên chùa Tân Hòa ở Cái Tàu Hạ, Sa Đéc, có kiểu thức giống chùa Giác Hoa và cũng khai trường Ni tại đây, gọi là trường cô Ba Xàng, hoạt động trong thời gian từ 1940 đến 1945. Ngoài việc mở trường, cô còn tổ chức khắc in hai bộ kinh: Kinh Đại Bi Xuất Tượng và Kinh Tam Bảo.
Ni sư mất vào ngày 24 tháng 3 năm 1952, lập di chúc để lại chùa cho cô Sáu Tạ và 500 mẫu đất cho chùa. Lợi tức dùng vào việc cúng dường và bố thí hàng năm.
Giác Hoa, như thế, là một ngôi phạm vũ uy nghi, một trường gia giáo đầy đủ tiện nghi cho Ni chúng tu học. Vào thời kỳ này, Ni sư đã mời được các vị Hòa thượng uy tín trong khu vực về tham gia giảng dạy, như Hòa thượng Chí Thiền chùa Phi Lai - Châu Đốc, Hòa thượng Chân Niệm chùa Trùng Khánh - Phan Rang, Hòa thượng Vạn Ân chùa Hương Sơn, Hòa thượng Vạn Pháp chùa Kim Quang - Phú Yên, Hòa thượng Khánh Anh. Đây là trường gia giáo Ni đầu tiên, cũng là trường có số Ni chúng theo học rất đông và tồn tại lầu nhất so với các trường Ni xuất hiện sau đó. Công việc học ở đây diễn ra hết sức thuận lợi. Ni chúng được cung cấp về ăn, mặc, ở và được mượn kinh sách để học. Ngôi trường hình thành một cách tự phát, nhưng lại được sự ủng hộ của các vị Hòa thượng đương thời, nên uy tín của trường lan rộng khắp vùng lục tỉnh. Nơi đây đã quy tụ và đào tạo được nhiều vị Ni xuất chúng, tạo nguồn nhân lực cho Ni giới phát triển về sau.
Ni sư là người có tầm nhìn khá sâu rộng, biết nghĩ và tạo dựng nền tảng cho Ni giới. Nhưng có thể thấy, Ni sư là một người phụ nữ đơn độc chọn con đường xuất gia để tu hành và thực hiện hạnh nguyện của mình, làm được một công việc lớn lao trong thời kỳ hết sức hoang sơ về cả nhận thức lẫn thái độ ứng xử đối với Ni giới, thật đáng để lịch sử ghi nhận.
Ni sư DIỆU TỊNH (1910 -1942)
Ni sư tên thật là Phạm Đại Thọ, sinh năm 1910, người Gò Công, dòng dõi Phạm Ðăng. Năm 15 tuổi, Ni sư vào chùa Tân Lâm ở Tân Sơn Nhất cầu pháp với Hòa thượng Như Hiển Chí Thiền, pháp danh Hồng Thọ, hiệu Diệu Tịnh. Năm 1930, Ni sư thọ giới Tỳ kheo ni tại trường kỳ núi Ðiện Bà, do Hòa thượng Như Nhãn Từ Phong chùa Giác Hải làm Ðường đầu. Thời gian đầu sau khi thọ giới, Ni sư dành nhiều thời gian để học và tự dịch kinh Vu Lan, Phổ Môn, Pháp Bảo Ðàn, cho in ấn tống. Năm 1933, Ni sư viết bài đăng tạp chí Từ Bi Âm và tất cả các bài đăng về sau đều có mục đích kêu gọi chấn hưng Ni phái. Cũng năm này, trường hương chùa Giác Hoàng (Bà Ðiểm) tổ chức cho hai phái Tăng Ni, Ni sư được mời làm Chánh na, thủ lãnh Ni và sau đó được công nhận là giáo thọ Ni đầu tiên của Gia Ðịnh.
Năm 1934, Ni sư trụ trì chùa Thiên Bửu (Búng), đầu tiên mở lớp Quốc ngữ và chữ Nho cho trẻ em, sau đó mở lớp gia giáo ba tháng, mời thầy Khánh Nguyên dạy, Ni sư cũng dạy Ni chúng được vài mươi người.
Cuối năm 1934, Ni sư mời Ni trưởng Diệu Tấn (Ni trưởng Kim Sơn), Ni trưởng Diệu Tánh (Sư trưởng Huê Lâm), Sư phó Diệu Thuận cùng xây cất chùa ni Từ Hóa tại làng Tân Sơn Nhì Gia Ðịnh. Năm sau, chùa được dời sang làng Tân Sơn Nhất, đổi hiệu là Hải Ấn Ni tự, đây là chùa Ni đầu tiên vùng Gia Ðịnh.
Cuối tháng 7 năm này, Ni sư ra Bắc tham cứu tạng Luật. Trên đường chu du, Ni sư ghé Bình Ðịnh thuyết pháp tại chùa Liên Tôn và chùa Thiên Hưng, qua Ðà Nẵng viếng Hội Phật học Ðà Thành, đến Huế gặp cụ Lê Ðình Thám và Ni sư Diệu Không (lúc chưa xuất gia). Ðến Hà Nội, chi nhánh Hội Phật học Bắc Việt mời Ni sư thuyết pháp tại chùa Phó Hưng Yên, Ni sư học Luật tại chùa Quán Sứ.
Học xong, Ni sư về Nam ghé Huế giảng dạy kinh “Phạm Võng lược sớ” cho Ðức Từ Cung trong hai tháng. Năm 1939, triều đình Huế ban biển vàng cho Hải Ấn Ni tự và ban sắc tứ cho Bình Quang Ni tự, Phật tử Hưng Yên Bắc Việt tặng chùa Hải Ấn đôi liễn và bức hoành. Năm 1940, Ni sư làm giáo thọ Ni tại trường Cô Ba Xàng - Sa Ðéc (tức chùa Giác Linh). Ðược ba tháng, chủ chùa giải tán lớp học, Ni sư vận động đưa học sinh sang chùa Vạn An, được HT.Vạn An và chư bổn đạo ủng hộ, Ni sư dạy tiếp trọn năm học. Thời gian này, Hội Phật học Cao Miên mời Ni sư thuyết pháp tại Nam Vang.
Năm 1941, bà Bang Biện mời Ni sư khai trường Ni tại chùa Linh Phước (Oai Khoa - Sa Ðéc). Nhiệt tâm của Ni sư trong buổi đầu, sức nữ giới một mình đảm đương trường lớp, ngày giảng dạy tiếp bổn đạo để vận động ủng hộ, đêm xem kinh thao thức việc hoằng truyền Ni chúng. Ba trường Ni trong hai năm, lao tâm lao lực nhiều nên Ni sư mang bệnh phổi, phải về Hải Ấn tịnh dưỡng.
Ni sư viên tịch tại Hải Ấn Ni tự ngày 1 tháng 7 ÂL, 33 tuổi đời, 12 tuổi đạo, 19 năm trong đạo. Tháp được phụng thờ tại chùa Hải Ấn hiện nay (Bà Quẹo - Bình Tân).
Ni sư là một người điển hình thể hiện ý chí sắt đá, trung kiên, ai gặp cũng phải thán phục. Ý chí ấy được thể hiện qua lời tự thuật của Người: Sống, ta sống một mình trơ trọi, Cùng hoa Đàm đuốc Tuệ gọi amie (bạn) (1)
Nổi bật nhất trong sự nghiệp của Ni sư là công việc mở trường gia giáo Ni, tham gia mở giới đàn Ni, vận động khắp nơi ủng hộ Ni giới tu học. Đây là việc làm hết sức cấp thiết đối với tình hình xã hội thời bấy giờ. Ni sư đã vượt qua tất cả những khó khăn tưởng như không thể vượt qua được để tiếp tục duy trì sự nghiệp giáo dục Ni chúng, nhằm tạo dựng đội ngũ Ni tài cho thế hệ mai sau. Ước muốn xây dựng cho Ni chúng một đoàn thể riêng, Ni sư đã dày công tạo dựng nền tảng với một ước mong cao cả: Bao giờ Ni chúng hiệp hòa Đồng tâm đồng chí một nhà đởm đương.(2)
Tuy mọi hoạt động của Ni sư gặp nhiều chướng duyên hơn là thuận lợi, nhưng những nỗ lực phi thường của người con gái miền Tây Nam Bộ này đã làm chùn chân những kẻ ngáng đường.
Điểm nổi bật trong mọi hoạt động xã hội của Ni sư là quá trình tham gia các diễn đàn trên báo chí. Ni sư viết báo, làm thơ nhằm đánh thức ý thức tự lực, tự cường của Ni giới nói riêng và phụ nữ Việt Nam thời bấy giờ nói chung. Hô hào họ bước ra khỏi bếp và người nữ cũng có thể tham gia gánh vác những công việc của xã hội như nam giới. Lời văn thống thiết, mạnh mẽ của Ni sư đã có tác động mạnh mẽ đến nhận thức của tất cả mọi người kể cả nam giới. Bên cạnh Phong trào Chấn hưng Phật giáo của giới Tăng sĩ và các vị nam cư sĩ, Ni sư cũng nỗ lực vận động kêu gọi Ni lưu trùng hưng Phật giáo nước nhà.
Thứ nữa, Ni sư đã tham gia hoạt động hoằng pháp mạnh mẽ nhất. Ni sư có thể được xem là vị tổ sư của Ni giới trong lĩnh vực này. Sự nghiệp hoằng pháp của Ni sư hết sức cao cả. Người đã đi dọc đất nước để thuyết pháp trong tình tình khó khăn của đất nước và một mình dám đương đầu với tất cả mọi sự chống đối, chấp nhận tất cả các thiệt thòi, như bôi nhọ danh dự, uy tín,... Chính sự nhẫn nhục và ý chí sắt đá của Ni sư đã làm cho mọi hoạt động của Ni giới về sau có nhiều thuận lợi hơn.
Ngưỡng mộ trí tuệ và nghị lực phi thường của một vị Ni trẻ tuổi, tạp chí Từ Bi Âm có bài thơ tặng, đăng trên số báo 73, và bài thơ đã được lưu truyền rộng rãi.
Tặng Diệu Tịnh Sư cô Hành vi ngôn luận hẳn siêu quần Vì cớ sao mà hiện nữ thân Trăm kiếp rèn nên gương trí tuệ Một tay tháo sổ cũi phong trần Dắt thêm đạo lữ năm ba lớp Ðánh vỡ tà sư sáu bảy phần Nào kẻ mê lưu xin ngó thử Tu mi e cũng ớn hồng trần.
Ni sư là người có tư tưởng theo người đương thời, là khá táo bạo và quyết liệt. Cuộc đời tu tập và hành đạo của Ni sư, như thế, rất ngắn ngủi, nhưng sự nghiệp mà Ni sư tạo dựng không hề nhỏ. Nói cách khác, Ni sư đã nỗ lực vượt bậc để vượt qua tất cả mọi chướng ngại mà xã hội đương thời giăng ra để thử thách một vị chân tu đầy nhiệt huyết. Ni sư là hình ảnh tuyệt vời của một vị Ni vượt khó.
Ni trưởng NHƯ THANH (1911-1999)
Ni trưởng pháp danh Như Thanh (Đàm Thanh), húy Hồng Ẩn, tự Diệu Tánh, thế danh Nguyễn Thị Thao, sanh ngày 8 tháng 2 năm 1911 (Tân Hợi) tại làng Tăng Nhơn Phú, huyện Thủ Đức, là đệ tử Sư tổ Pháp Ấn chùa Phước Tường (Thủ Đức), thuộc dòng Lâm Tế gia phổ, đời thứ 40.
Ni trưởng xuất thân từ một gia đình quan chức thuộc tầng lớp trên của xã hội. Với chí nguyện xuất gia vượt bậc, nguồn gốc gia đình thời bấy giờ là một thuận duyên lớn đối với Ni trưởng. Tận dụng lợi thế đó, Ni trưởng đã đến với Phật giáo và dành trọn cuộc đời tu hành và phụng sự đạo pháp.
Năm 1932, ở tuổi 22, Ni trưởng đến chùa Giác Hoàng (Bà Điểm) cầu Hòa thượng chứng minh trường hương ở đây làm thầy, được Hòa thượng thâu nhận, làm lễ thế phát xuất gia và đặt pháp danh là Hồng Ẩn.
Khoảng 10 năm tiếp theo là thời gian Ni trưởng dành để học tập Kinh, Luật, Luận ở khắp các vị danh tăng trong cả nước. Đến năm 1939, Ni trưởng được thọ giới Tỳ kheo ni ở giới đàn chùa Phúc Loại, tỉnh Hà Đông, được pháp hiệu Đàm Thanh. Với trí thông minh và lòng hiếu học cộng thêm nhẫn lực vô biên, Ni trưởng đã đạt được thành quả trên đường tham cầu học đạo từ Nam chí Bắc.
Từ đây, Ni giới miền Nam nói riêng và lịch sử Ni giới Việt Nam nói chung, đã xuất hiện một bậc danh ni lỗi lạc, một con người mở đường dẫn lối và lãnh đạo Ni chúng.
Người xuất gia coi giới luật là trọng bậc nhất. Giới luật là kỷ cương trong Phật pháp, là mạng mạch Tăng già. Nơi nào giới luật được hoằng truyền, nơi đó Phật pháp hưng thịnh. Nhận thức được điều đó, Ni trưởng tham gia dạy Luật cho các vị Ni trẻ nhằm xây dựng nếp sống Tăng già cho Ni chúng. Người thường nhắc nhở Ni chúng: “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp”.
Rồi từ đó, đều đặn hằng năm, Ni trưởng luôn dành thời gian an cư để dạy Luật cho các trường hạ, từ Kim Sơn - Phú Nhuận ban đầu cho hệ thống các Ni trường về sau.
Ni trưởng là bậc uyên thâm tinh tường giới pháp, là bậc nghiêm minh giới luật. Vì thế, trong các giới đàn từ năm 1946 đến năm 1998, một năm trước khi Ni trưởng viên tịch, Hội đồng Ni bộ Bắc Tông cung thỉnh Ni trưởng làm Hòa thượng Đàn đầu truyền giới cho giới tử Ni.
Cùng với công việc dạy dỗ chúng ni, Ni trưởng đã vận động xây dựng hệ thống Ni trường Bắc tông ở Sài Gòn - Gia Định, bao gồm Ni trường Dược Sư, Từ Nghiêm, Huê Lâm. Sau này, hầu hết những vị Ni sư đứng ra cáng đáng công việc Phật sự thành công và có uy tín hầu như đều xuất thân từ hệ thống Ni trường do Ni trưởng tổ chức lãnh đạo và trực tiếp giáo huấn. Công lao giáo dưỡng để duy trì mạng mạch của Phật giáo và của Ni giới của Ni trưởng là vô cùng lớn. Bên cạnh sự nghiệp giáo dục Ni chúng, Ni trưởng cũng đứng ra thành lập trường Kiều Đàm để dạy cho các thiếu nhi con nhà nghèo. Hệ thống Kiều Đàm sau này đã phát triển thành hệ thống trường học phổ thông từ lớp 1 đến 12.
Tuy nhiên, công lao đóng góp lớn nhất của Ni trưởng là vận động thành lập Ni bộ Bắc tông. Giáo hội Tăng già Nam Việt thành lập (1952), đã mở đường cho Ni bộ Nam Việt ra đời. Là vị tri thức và bậc trưởng lão Ni thời bấy giờ đủ uy đức để lãnh đạo Ni chúng, Ni trưởng gánh phần trách nhiệm nặng nề, đứng ra vận động chư tôn đức Ni ở các tổ đình khác nhau, cùng hiệp lực để xây dựng Ni bộ Bắc tông. Với tài trí và uy đức của mình, Ni trưởng đã gặp nhiều thuận lợi trong tiến trình vận động thành lập Ni bộ. Đến năm 1956, Ni bộ Bắc Tông ra đời với sự trợ lực của Giáo hội Tăng già Nam Việt cũng như toàn thể Ni chúng trong toàn miền Nam. Ban quản trị Ni bộ Bắc tông ra đời có nội quy riêng, tổ chức hành chánh riêng, trụ sở đặt tại chùa Huê Lâm. Ni trưởng là người duy nhất được tôn xưng Ni trưởng, tức vị đứng đầu Ni chúng, và không có ai được gọi là Ni trưởng. Về sau, khi Ni trưởng viên tịch thì danh xưng này mới được sử dụng đại trà cho đến nay.
Ngoài ra, Ni trưởng cũng dành nhiều thời gian cho công việc dịch thuật, trước tác kinh điển, làm thơ. Suốt 60 năm tu hành, Ni trưởng đã trước tác và phiên dịch nhiều tác phẩm Kinh Luật Luận quan trọng, khoảng trên dưới 20 công trình và khoảng 10 tác phẩm thi họa. Những công trình dịch thuật của Ni trưởng thường để dùng làm tư liệu cho các trường Ni lúc bấy giờ. Ngoài ra, Ni trưởng còn là chủ bút của các tập san, như tập san Nhân Cách, tập san Hoa Đàm.
Cuộc đời hành đạo của Ni trưởng gắn liền với sự hưng thịnh của Phật giáo nước nhà và của Ni chúng. Công lao của Ni trưởng trong suốt cuộc đời là không thể tính kể.
***
Bất cứ một sự khởi đầu nào cũng đều gặp phải những gian nan. Tổ chức Ni giới cũng vậy, ngày nay, không phải quốc gia nào trên thế giới nếu muốn cũng thành lập được ngay, mà họ cần phải có một quá trình nỗ lực đấu tranh chống chọi với mọi cản trở và qua đó chứng tỏ nghị lực của chính mình. Ni giới Việt Nam ngày nay có được vị thế của mình là nhờ thừa hưởng thành tựu của những người đi trước, họ đã đứng ra gánh vác, chịu đựng mọi hiểm nguy, gian khó để gầy dựng con đường thuận lợi cho Ni giới hậu thế. Ngày hôm nay, Ni chúng Việt Nam đã có được vị trí xã hội khá vững vàng, có được một đội ngũ hùng hậu, tuy chưa thỏa mãn tất cả những gì mà các bậc tiền bối mơ ước. Hy vọng Ni giới ngày nay nhận thức được những hạnh nguyện của tiền nhân và tiếp tục thừa hưởng được tinh thần này.
(1), (2) Trích từ Tiểu sử đời tu của Thích nữ Diệu Tịnh (ngâm
QUẢNG T
|