Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Lê Thị Thấm Vân
Phượng Các
#1 Posted : Thursday, November 10, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Lê Thị Thấm Vân




Tên thật Lê Thị Hoàng Mai. Sinh năm 1961.
Ðến định cư tại California Hoa kỳ từ 1975

Tác phẩm:

Ðôi Bờ (truyện, 1993)
Mùa Trăng (truyện dài, 1995)
Việt Nam Ngày Tôi Về (tiểu luận, 1996)
Yellow Light (thơ, 1998)
Xứ Nắng (tiểu thuyết, 2000)
Âm Vọng (tiểu thuyết, 2003)

nguồn: Luân Hoán


Phượng Các
#2 Posted : Sunday, November 13, 2005 1:11:48 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Xứ Nắng

Lê Thị Thấm Vân


http://www.tienve.org/ho...wArtwork&artworkId=2858

Phượng Các
#3 Posted : Monday, February 20, 2006 8:22:09 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)

Những Chiếc Bóng Của Đời Sống

Lê Thị Thấm Vân











Một đêm ở Hà Nội khó ngủ. Tôi dậy thả bộ loanh quanh vài con đường ở giữa lòng phố. Những dãy nhà, hàng quá hầu hết đã đóng cửa im lìm. Hơn mười một giờ, xe cộ thưa thớt. Khuôn mặt Hà Nội ban đêm im lắng, trầm mặc. Trời vẫn còn hâm hấp nóng. Tôi đi chầm chậm, thú vị với những cơn gió mát bất thần phà tới, lướt trọn trên mặt và hai cánh tay trần. Trên đầu là những nhánh cây giăng ngang. Ngước nhìn, tôi tưởng như trăm ngàn cánh tay nắm, nối liền nhau, chìa ra trong trời đêm. Đang đi bỗng dưng điện cúp. Trời đất, nhà cửa, cảnh vật tối om một màu. Những ngọn đèn đường biến mất. Vài chiếc xe chạy băng qua hắt cho chút ánh sáng tạm bợ yếu ớt. Thấp thoáng đó đây là đóm đèn leo lắt, chập chờn trong màn đen, thăm thẳm. Tôi bỗng hình dung ra những bà cụ già sống cuộc đời thách thức với thời gian, với tạo hóa. Ban ngày họ ngồi ở vỉa hè thành phố. Khuôn mặt, thân thể còn lại chỉ là da bọc xương. Ngày tháng sống sót của họ ở trần gian này có thể đoán, đếm được trên mấy đầu ngón tay. Những bà cụ già tôi gặp trong ngày, bất cứ chỗ nào và lúc nào cũng làm tôi chạnh lòng, không thể không ngồi xuống hỏi han trò chuyện, để rồi băn khoăn xót xa mãi trong những ngày lê la ở đất Hà Nội ngàn năm văn vật ấy.

*

Hình như lịch sử văn minh nhân loại dù diễn ra bất cứ mơi nào, ở đâu cũng có những điểm tương tự. Nghĩa là phải trải qua từng ấy chặng đường, từng ấy giai đoạn, từng ấy khổ đau mới thấu hiểu được người đàn bà cần gì, muốn gì, nghĩ gì, và làm gì. Lịch sử văn minh nhân loại có cái hay cái dở. Một trong những cái dở là loài người chỉ được tạo thành bởi sự suy nghĩ của đàn ông. Nhân loại chỉ mới nghe được "male voice" chứ chưa nghe được "fermale voice". Có History phủ nhận Herstory. Đàn bà bị đối xử như vật sở hữu, tài nguyên, hoặc công cụ đẻ con, sản xuất của cải. Thử nghĩ, nếu đàn bà cùng đàn ông "lãnh đạo" lịch sử loài người thì thế giới ngày nay sẽ ra sao? Có cần phải trải qua những cuộc thánh chiến, thế chiến, nội chiến... hay không? Đã một thời bên Âu châu tin rằng người đàn bà được tạo dựng bởi cái xương sườn của người đàn ông. Bên Phi châu và Trung Đông, bé gái phải cắt hoặc khâu một phần bộ phận sinh dục để gìn giữ trinh tiết cho đàn ông, và cũng để đàn ông dễ dàng kiểm soát sự khoái lạc của họ. Ở Ấn Đô, chồng chết vợ phải hỏa táng theo chồng. Ở Trung Hoa, quan niệm: "Mười đứa con gái không bằng một đứa con trai". Qua tới Việt Nam, trở thành bi hài gấp bội: Một trăm đứa con gái không bằng hòn dái đứa con trai." Người đàn bà Việt Nam vừa thoát ra khỏi đạo đức Khổng Mạnh ngự trị hàng ngàn năm. "Trọng nam khinh nữ". "Nữ tử vô tài tiên thị đức". Con gái không có tài, nghĩa là có đức. Đàn bà càng ngu dốt càng dễ bị đàn ông sai khiến. Đàn bà dưới thời phong kiến Nho gia, được chỉ dạy lề lối sống, tam tòng tứ đức" không ngoài mục đích phục vụ đàn ông. Thân phận người đàn bà Việt Nam nổi trôi theo vận nước điêu linh. Hy vọng rồi thất vọng. Nỗ lực rồi tuyệt vọng. Bao nhiêu oan nghiệt, trớ trêu, đau đớn cứ dổ đè, chồng chất lên vai các bà. Các bà chỉ biết nén tiếng thở dài, cắn răng nuốt ngược dòng nước mắt. Tuyệt đối không được kêu ca, oán trách. Một mình âm thầm chịu đựng, dốc hết sức bình sinh để vượt qua, tồn tại với cuộc đời. Năm 1917, cách mạng Cộng Sản Nga ra đời, hứa hẹn một nhà nước vô sản, lý tưởng như sống trên thiên đường. "Làm theo khả năng và hưởng theo nhu cầu". Phụ nữ có toàn quyền chính trị, quyền công dân, quyền bình đẳng về tất cả mọi phương diện. Nhưng thực tế, "Thiên đường Cộng Sản" là một cách chuyển tiếp vai trò người đàn bà từ trách nhiệm trong gia đình ra ngoài xã hội. Đàn bà được dùng như là sách lược đấu tranh hơn là cứu cánh. Đàn bà vẫn là "công dân hạng nhì". Hai đòn gánh trĩu nặng trên vai người đàn bà Bắc Việt. Từ những gánh rau, gánh củi, hàng rong phụ chồng nuôi con. Nay gánh thêm đất đá, bom đạn, lương thực để "chiến đấu chống Mỹ" và xây dựng "Xã hội chủ nghĩa". Bổn phận người đàn bà Việt Nam là làm vẻ vang gia tộc. Trách nhiệm là làm rạng danh tổ quốc, trong khi phải luôn đối đầu với nhiều bất hạnh cùng một lúc. Kinh tế nghèo nàn, chính trị bất ổn, xã hội phong kiến, văn hóa lạc hậu, gia đình bất công... Đàn bà Việt Nam hứng chịu đủ mọi thiệt thòi trong nhà ngoài cửa. Margaret Walker, nhà văn nữ da đen Mỹ, trong bài tiểu luận "Là Đàn Bà, Da Đen, Và Tự Do Sáng Tạo": "Nhà văn không thể sáng tác được nếu cứ phải đương đầu với sự đói rách, bệnh hoan, mệt mỏi, lo âu, phiền muộn... Nhà văn có thể xoay sở một trong những điều này, nhưng không thể tất cả cùng một lúc." Người đàn bà để được sống còn trong xã hội Việt Nam phải biết chịu đựng, nhẫn nhục, trung thành, và hy sinh. Đàn bà được chỉ dạy phải luôn sống cho người khác. Người đàn bà không được nói, sống thật với điều mình suy nghĩ, ước muốn. Trong thời chiến tranh, đàn bà miền Bắc khi nghe tin con tử trận, phải giấu dòng nước mắt, kẻo người khác thấy, cho là đã nhụt chí, yếu đuối, không yêu nước thương nòi. Đồng thời phải có tinh thần phục vụ, đối tượng là đàn ông. Hy sinh là đức tính tốt, nhưng sao chỉ đàn bà mới phải hy sinh. Hy sinh cho đàn ông được quyền tự do làm người. Rồi đưa đạo lý ra ca tụng, đánh bóng vai trò đàn bà, cho đàn bà "cuỡi cọp", không ngoài mục đích làm nô lệ cho đàn ông. Khổ không dám than. Chó bị đánh đau còn biết sủa huống chi là người. Đàn bà bị tước đoạt mọi quyền sống, quyền làm người. Quyền lợi là xa xỉ phẩm. Đàn bà sinh ra để làm con, làm vợ, làm mẹ, làm dâu, làm em, làm chị, làm dì, làm cô, làm thím, làm bà nội, bà ngoại... Khi còn con gái, bổn phận là phải lo toan cho mọi người trong gia đình. Khi lấy chồng, gánh vác luôn giang san nhà chồng. Bao nhiêu đạo lý, luật lệ chằng chịt quấn quanh bà. Lấy chồng, sinh con năm một. Trung bình mỗi bà có đến tám hoặc mười đứa con. Vừa đẻ vừa nuôi, rồi có thai, lại đẻ, lại nuôi... cứ thế kéo suốt tuổi thanh xuân. Về già, thân xác yếu ớt, suy nhược, bất lực, tuyệt vọng, côi cút một mình.

Tôi chạnh lòng nghĩ tới những người đàn bà như những chiếc lá mùa thu cuối mùa. Cả ngày ngồi lặng lẽ trên vỉa hè phố cổ Hà Nội. Thân thể nhỏ nhắn thảm thương, vừa nép vừa dán sát, thậm chí như dựa cả người vào tường. Mảnh tường là vật duy nhất có thể che chở được bà. Trước mặt là cái bàn con cùng mấy cái ghế gỗ thấp, xỉn màu thời gian. Hũ kẹo lạc, bánh sữa. cái đĩa đựng vài chung trà nhỏ như lòng bàn tay hàng chục năm không bao giờ rửa. Ống thuốc lào bằng tre kê dưới đất, sát chân bà ngồi. cái đèn dầu con, lửa quanh năm leo lét. Khách hàng là phu xích lô, ba gác, dọn dẹp đường phố... toàn giới lao động tay chân. Họ dừng lại hàng bà, tiếp sức bằng cách rít sâu điếu thuốc lào, uống ực chung trà nóng, bỏ vào miệng viên kẹo lạc, rồi phóng lên xe đạp tiếp. Những động tác kể trên được trả bằng vài trăm bạc. Tiền thối lấy ra từ túi áo, mà thời gian cũng dài như những chung trà không bao giờ rửa. Túi áo luôn luôn được gài kim cẩn thận. Bà nhận tiền bằng hai bàn tay gầu đen như hai que củi, run rẩy, yếu ớt. Hai con mắt hết nhìn rõ số tiền. Cố đoán bằng hình vẽ, màu sắc, và mấy ngón tay sờ mó quen thuộc lâu ngày. Hai con mắt đó giờ đây là cái giếng sâu, cạn khô nước. Những bức tượng dựng lên, được đặt bằng những cái tên hoa mỹ: "Mẹ Liệt Sĩ, Hòn Vọng Phu, Nữ Đồng Chí - để ca tụng tấm lòng quả cảm, hy sinh, nhẫn nhục, chịu đựng, trung thành - trải dọc miền Bắc. Mỗi lần nhìn những bức tượng trắng toát giữa trời như thế, tôi liên tưởng tới hình ảnh những bà già lụ khụ nép mình dưới những hàng hiên dọc thành phố Hà Nội. "Tại sao phải đợi họ chết, nhà nước mới phong thánh cho họ, rồi bắt cả nước tôn thờ. Trong khi các bà còn sống ngồi đầy ngoài kia thì lại cố tình quên lãng?" "Những bà cụ trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hai cuộc chiến tàn bạo nhất thế kỷ hai mươi". "Ông nhà đâu rồi hả bà?" "Ông nhà mất mấy chục năm nay." "Sao cụ không ở nhà trông cháu?" "Cháu chúng nó lớn cả rồi." "Con cái cụ đâu? Sao lại để cụ phải ngồi bán như thế này?" "Con cái chết trận hết cả rồi."... "Con cái chưa tự nuôi nổi chúng, làm sao nuôi được tôi?"

Phong tục cổ truyền người Việt Nam là kính trọng người lớn tuổi. Con cái phụng dưỡng cha mẹ già không còn áp dụng trong xã hội Việt Nam thời hậu chiến. Cảnh mẹ già, mái tóc bạc phơ, chiếc miệng móm cười cười không răng ngồi bao quanh đám con cháu, nay chỉ còn tìm thấy trong môn giáo khoa thư ở các lớp học miền quê. Những người đàn bà đêm về ngủ biết sáng mai còn dậy được chăng? nói chi qua mùa đông mưa gió lạnh thấu xương đất Bắc. "Tháng mười hai bà già chết cóng". Những người đàn bà suốt đời chỉ biết gồng gánh rau cải, muối gạo nuôi nấng bầy con. Cùng chồng, đánh đuổi thực dân Pháp, cùng con, xẻ dọc Trường Sơn chống Mỹ. Biết bao thây người hy sinh chôn vùi, rã mục ở trận Điện Biên Phủ, dọc đường mòn Hồ Chí Minh, hay trên lộ trình Nam tiến.



***



"Con ơi nắm chặt đôi vành thúng

Mẹ gánh con qua tuyến lửa này

Mai mốt mẹ về nơi cố quận

Xây nhà con ngủ giấc mê say"

Bốn câu thơ trên tình cờ tôi đọc được trong tờ báo chợ ở thành phố Seattle đã khá lâu, không ghi rõ xuất xứ tác giả, nhưng mỗi khi nhớ lại, tim trong lồng ngực tôi vẫn còn thắt mạnh. Bốn câu thơ ngắn ngủi, nhưng với tôi, chuyên chở biết bao tình ý, tấm lòng, sức sống của người mẹ Việt Nam trong thời khói lửa binh đao. Hy vọng, dỗ dành, can trường, đương đầu, yêu thương, không bỏ cuộc. Nhưng khắc nghiệt là, sau bao nhiêu hy sinh, thống khổ, gian nan, chịu đựng, nhẫn nhục, trung thành bà được lại những gì? Ngoài sự bạc đãi, đớn đau, vô lý, bất công, chỉ vì... bị, lỡ, làm đàn bà, mà lại đàn bà Việt Nam. Giờ đây, sau hai mươi năm đất nước thanh bình, thống nhất, các bà vẫn còn hiện hữu nơi đây, trước ngọn đèn dầu leo lắt như nắm nhang thắp sẵn trước mộ phần. Tôi mong đây là hình ảnh khổ đau cuối cùng trên quê hương. Hình ảnh người đàn bà như được thượng đế tạo dựng nên, rồi quên mất. Các bà cũng sẽ theo chồng theo con về bên kia thế giới. Nơi đó, tôi tin chắc rằng, tấm lòng bà thanh thản, bình an hơn khi ở thế gian này. Không kháng chiến chống thực dân Pháp. Không hận thù đế quốc Mỹ. Cầu mong hồn bà sớm được siêu thoát.



IỊ

"Về Việt Nam, ai cũng mong muốn gặp được điều tốt đẹp nhất. Nhưng cũng phải nhớ rằng, bất cứ thứ tệ hại nào cũng có thể xảy ra!" Cô bạn tôi, theo chồng về Việt Nam ở hai năm, qua lại Mỹ. Nhiều lần "cảnh cáo" bạn bè như thế. Những người đàn bà tôi tình cờ gặp trên phần đất Nam Việt Nam. Biến cố tháng tư năm bảy lăm đổ ập tới, khi tuổi xuân vừa chớm, không trở kịp tay, một sáng một chiều bỗng biến họ thành những "Thiếu phụ Nam Xương" hiện đại, bất đắc dĩ. Người chồng vừa mới quen mùi. Đứa con đầu lòng đang ngọ nguậy trong bụng. Căn nhà còn nằm trong giấc mơ, dự tính. Phấn son tô môi mới chỉ một góc, nay phải từ bỏ tất cả. Chồng bị lùa vào trại cải tạo. Người thiếu phụ "chưa xong con gái chưa hẳn đàn bà" phải nhảy xổm ra, lăn xả ăn thua với đời, tập tành kiếm sống bằng đủ mọi cách, mọi ngành nghề. Nhưng toàn nghề chụp giựt, sống qua bữa. Từ đứng bán chợ trời, đến ngồi xổm bán từng nắm xôi, đếm từng ly cà phê buổi sáng, mà vẫn không đủ ăn. Phải bán dần mọi thứ đồ đạc trong nhà. TV, quạt máy, bộ bàn ghế, chiếc áo dài, quần đen, thậm chí áo lót mòn đăng ten cũng mang ra rêu rao năn nỉ người mua. Chắt chiu kiếm từng đồng bạc để thăm chồng trong trại cải tạo, nuôi bầy con không cha như chim lạc đàn.

Chị Lộc là một trong những người đàn bà nằm trong sổ "đoạn trường" này. Số phận chị trái với cái tên tiền định ba má chị đặt cho. Chị có khuôn mặt hao hao giống cô giáo dạy toán tôi năm lớp bẩy. Khuôn mặt dài và gẫy, lưỡng quyền cao, đôi mắt lá răm, chiếc răng khểnh phía bên trái. Chỉ khác là, cặp chân mày của chị rậm như hai con sâu róm vắt ngang, còn cô giáo toán của tôi thì cạo sạch rồi vẽ đậm lên. Mỗi sáng vào lớp, tôi cứ hồi hộp lo sợ cô vẽ không đều. Nhớ một buổi sáng, cô vẽ bên phải cong trọn vòng, bên kia ngắn nửa vòng. Cả lớp ngồi cười thầm trong bụng, nhưng chẳng đứa nào dám lên nói cho cô biết. Suốt giờ học, lòng tôi cứ áy náy. Có nên nói cho cô biết không? Chuông reo. Trước khi cô ra khỏi lớp, tôi thu hết can đảm đến gần nói cho cô biết. Tôi là đứa dở toán nhất lớp, nhưng từ sau buổi sáng hôm đó, điểm toán tôi được "nâng" cao hẳn, mặc dù "trình độ" dốt toán vẫn là nhất lớp.

Lần cuối nhìn thấy cô - trước ngày chạy loạn tháng tư năm bảy lăm mấy hôm - cô lái xe Honda đèo ba đứa con nhỏ, bụng đang mang bầu. Chị tôi bảo, chồng của cô, giáo sư dạy triết lớp chị, lớp mười hai, đang cặp với cô học trò, và cô học trò cũng đang có bầu. Tôi nghe, chợt nhớ mái tóc dài của cô bỗng dưng một ngày cắt ngắn, uốn quăn, bận áo dài màu sắc rực rỡ hơn, khuôn mặt trang điểm kỹ càng hơn, nhưng buồn bã hơn. Tất cả chỉ vì cố giữ chồng, cha của những đứa con cô. Tôi theo chị Lộc về chỗ ở của chị. Nhà nằm trong con hẻm nhỏ vừa đủ cho một người di chuyển một chiều cùng chiếc xe đạp. Nếu gặp người đi ngược, một trong hai phải dừng, hoặc nếu cần, chắc phải xô nhau mà đi. Đây là một trong muôn ngàn con hẻm hẹp, rối nhăng chằng chịt trong thành phố SàiGòn, nhưng không có tên trong bản đồ. Con hẻm vào nhà chị lầy lội, dơ bẩn, lềnh bềnh rác rưởi sau những cơn mưa nước ứ đọng như ao tù. Mùi thối xông lên ngạt mũi. Tôi xắn cao quần, dò dẫm bước theo chị từng bước một. Căn nhà chị ở, trần lợp mái tôn, chung quanh che bằng gỗ lẫn những tấm carton loại dày, cứng, im hình TV hiệu Sony, máy hát, karaoke, tủ lạnh... Chiều dài, rộng chỉ khoảng hơn năm bước sải của tôi. Nơi dung thân của hai vợ chồng, ba đứa con và đứa cháu ngoại. Chỗ ở nóng nảy, chật chội, bừa bộn, hôi thối. Tôi có mặt nơi này chỉ hơn nửa tiếng, mà có cảm tưởng là đang bị tra tấn, tù ngục. Chị kể tôi nghe đủ thứ chuyện. Đứa con trai lớn hư hỏng. Chị than lỗi tại chị sanh nó thiếu tháng, vì sau mấy lần cố tống nó ra, bằng cách ăn thật nhiều rau răm, cuối cùng không được, đành phải bó bụng thật chặt, sợ hàng xóm biết chị có thai hoang. Đứa con mỗi sáng sớm ra quán cà phê ngoài ngõ, ngồi cho đến trưa. Mệt, về nhà ngủ, tối "kiếm" tiền đi nhậu. Đứa con gái kế, sáng bán gánh chè ngoài ngõ, chiều làm thêm nghề đan nón. Lấy chồng được ba năm, có đứa con, chồng bỏ xứ đi làm ăn nơi khác, rồi biền biệt từ đó. Đứa con gái út, bị câm từ ngày mới lọt lòng. Chị có thêm nó sau khi chồng thả về từ trại cải tạo và tù vượt biên. Chị giao đứa út cho trời đất, hàng xóm nuôi giùm. Nó đi loanh quanh trong xóm, lê la hết nhà này sang nhà khác, từ sáng tới tối. Nói về đứa con út, chị cứ chậc lưỡi mãi, bảo đó là sự lầm lẫn, ngu si của chị, vì đã không kiêng cử phòng ngừa. Chị mới ngoài bốn mươi, mà trông như bà già sáu mươi. Mặt đen sạm vì phơi nắng. Mắt, miệng, giọng nói, dáng đi của người dù không biết hoặc để ý tướng số như tôi cũng phải nhận ra ngay là số chị chưa, hoặc sẽ không bao giờ có một ngày thanh thản, bình an trong đời. Nhìn cái giường, đúng hơn là cái chõng tre, đầy đồ đạc trên đó. Linh tinh thập cẩm. Áo quần, mền gối, nồi niêu, bình trà, gáo múc nước, hộp tăm, quạt, nón, chổi lông gà. Bên trên, cái mùng trũng gần sát mặt gường, cũng một đống đồ ngổn ngang chứa đựng gì trong đó. Tôi không thể đoán được màu của cái mùng, vì nó quá bẩn.

Nhìn chị, nhìn cái giường, bỗng dưng tôi nhớ câu ca dao vừa trìu mến vừa gợi tình kín đáo mà tôi rất thích. "Anh về để áo lại đây Đêm khuya em đắp gió tây lạnh lùng." Người con gái nào lại chẳng trải qua một thời ươm mơ dệt mộng. Những giấc mộng thầm kín, ấp ủ làm nẩy nở thân xác và thăng hoa tâm hồn. Chị Lộc, như những nàng thiếu nữ lớn lên trong xã hội, mà nơi đó, được chỉ dạy rằng, là thiếu nữ muốn được yêu thì phải đáng yêu. Đáng yêu đây, dồng nghĩa với sự mền yếu, nhẹ nhàng, dịu ngọt, dễ thương, chỉ biết gật đầu, làm đẹp để cho mọi người ngắm, và khen ngợi. Người con gái luôn được đàn ông, con trai dạy bảo, nhắc nhở rằng, sự quyến rũ đáng yêu nằm trong sự yếu đuối, mảnh mai, nương dựa. Nhưng trong thực tế, bước qua lằn ranh thiếu nữ để trở thành đàn bà có con, người đàn bà nhận thấy được ngay rằng, để tồn tại, họ phải có bản lĩnh, và mạnh mẽ, từ thể xác đến tinh thần. Càng mạnh càng tốt. Quên đi lời người yêu từng thủ thỉ, "hãy dựa vào vai anh, tùy thuộc vào anh. Anh hứa sẽ đùm bọc chở che em suốt đời." Càng sống, càng nhận ra rằng, tất cả chỉ là ảo tưởng, lời hứa hẹn suông. Đàn ông họ rất "yêu và cần" sự bảo bọc, che chở, từ người đàn bà. Nếu người đàn bà nào không bảo bọc, che chở, lo lắng được cho họ, họ sẽ rũ áo ra đi, hoặc còn ở lại, chỉ là "ăm bám:" vào mình, hoặc là "của nợ" phải trả. Người đàn bà yêu mình càng ít càng tốt, và phải tự hiểu rằng, trong xã hội phi nhân, phi nghĩa, phi lý này, phải biết bám lấy sự dũng mãnh để sống còn, phải biết tự lực cánh sinh, nghĩa là phải làm trái ngược những gì xã hội, văn hóa chỉ bảo, xúi bẩy mình làm. Trái với điều tôi hình dung thời con gái đã dạt xa của chị. Tôi lo lắng nghe chị kể về người chồng vô dụng ngay sau khi trở về từ trại cải tạo và tù vượt biên. Anh hoàn toàn sống bám vào chị, đã thế, lại còn rượu chè say sưa tối ngày. Sau một ngày chị làm lụng vất vả và nhọc nhằn ngoài đường, những đồng tiền phải vội giấu mỗi mơi một ít. Trong áo lót, trong sạp gạo, dưới gối, dưới hũ nước mắm, dưới chân giường... Lòng cứ thấp thỏm lo sợ con ăn cắp đi đánh bạc, hoặc chồng lên cơn nghiện rượu. Mỗi lần con xin chị không đưa, phải bịt hai tai, để khỏi nghe tiếng chửi thề đụ má đụ mẹ. Chồng hỏi, chị không đưa, anh dọa nạt, có khi kéo tóc, xô đẩy, hoặc đánh bầm mặt chị. Có hôm anh rủ rê chị lên giường, "Thấy ảnh tội nghiệp, bị năn nỉ quá, tui chiều. Xong xui, tui bận quần vào, bao nhiêu tiền giấu trong lưng quần không cánh mà bay. Cô nghĩ có tàn nhẫn không chớ. Tiền tui để dành dịnh tráng lại cái nền xi măng đặng mấy mẹ con, bà cháu ngủ cho mát..." Rồi cũng chính chị tự an ủi chị, "Trong xóm tui ai cũng khổ như tui, có người còn khổ hơn, mình cũng thấy đỡ tủi. Như bà hàng xóm ở xéo trước mặt, bị bệnh tiểu đường mấy năm nay, hai con mắt sắp bị mù, lâu nay có người chồng lanh lợi, tháo vát, chạy áp phe mang tiền về nuôi, giờ thằng chả trở chứng chạy theo đứa con gái tuổi mới bằng đứa con út." Tôi ngồi nghe chị nói, kể, than, tâm sự... mà lòng ngán ngẩm.

Không lý cả một đất nước, lấy khổ đau của người khác làm thước đo hạnh phúc của mình. Thay vì nhìn lên, thì phải nhìn xuống, để sống. Gần bốn thập niên trở lại đây, phong trào nữ quyền bắt đầu dấy mạnh. "The Second Sex" của Simone de Beauvoir xuất bản lần thứ nhất ở Pháp năm 1949. Cuốn sách đầu tiên nghiên cứu về nữ giới nghiêm túc, hệ thống, và đầy đủ. Bà đi từ huyền thoại, lịch sử đến vấn đề hiện đại. Cổ võ người đàn bà nên suy nghĩ độc lập. Phải cam đảm, dám phiêu lưu, chấp nhận mọi thử thách, phá bỏ những qui luật, công ước do xã hội vạch sẵn. Sau đó, Betty Friedan, năm 1963 xuất bản ở Mỹ cuốn "The Feminine Mystique" khuyến khích người đàn phải biết tự do lựa chọn. Niềm hạnh phúc và đóng góp có thể trong gia đình hoặc ngoài xã hội. Vấn đề là thực hiện điều mình muốn. Người đàn bà phải được đối xử công bằng và bình đẳng, như thế mới thể hiện được sự độc lập, làm chủ bản thân đời sống, và tham gia mọi vấn đề, sinh hoạt chung. Tiếp theo sau, là một đội ngũ nữ giới khắp bốn phương tiên phong tiếp tay phong trào phụ nữ. Họ xuất hiện trên mọi lãnh vực, mọi ngành nghề. Từ chính trị, tôn giáo, xã hội, luật pháp, giáo dục đến văn chương, phim ảnh, y tế, kế hoạch hóa gia đình. Nhưg họ vẫn còn ở trên những bước đầu. Mấy chục năm nữ giới góp tiếng nói chưa thể sánh với mấy chục ngàn năm nam giới có tiếng nói. Tuy nhiên, thế giới hiện đại cũng đã hé mở cánh cửa cho người đàn bà bước vào. Người đàn bà có cơ hội sống với sự chân thật và ước muốn. Được góp tay, chung sức đứng cạnh người đàn ông. Đàn ông là cha, chồng, anh, con, bạn trai... của họ.



IIỊ

Chính quyền Việt Nam ngày nay phải có nhiệm vụ bảo vệ người dân, kể cả đàn bà. Phải bài trừ tệ nạn chà đạp nhân quyền và nhân phẩm người đàn bà "thấp cổ bé miệng' như trường hợp chị Lộc. Những bạo động, đánh đập, bóc lột, hà hiếp người đàn bà trong gia đình, ngoài xã hội vẫn chưa có luật pháp, hoặc biện pháp nào ngăn chận, để bảo vệ, chở che người đàn bà một cách hiệu quả, an toàn. Những người đàn ông ngày nay còn áp chế, hành hung đàn bà, là do sự hèn nhát, thiếu tự tin, mặc cảm thua kém, và nhất là, "male ego" còn đeo nặng trong lòng. Người đàn bà nào, bất cứ ở đâu, làm nghề gì, cũng phải được đối xử bình đẳng. Với đàn ông, đàn bà không có sự thua kém, mà chỉ có sự khác biệt. Người đàn bà ở những nước văn minh tiến bộ tương đối may mắn hơn những người đàn bà ở các nước "third wold country". Họ được quyền tìm kiếm, lựa chọn, đòi hỏi, dù rằng trong quá khứ, vai trò người đàn bà gần như bị phủ nhận, hoặc bị bạc đãi. Nhưng không phải vì thế mà người đàn bà ngày nay phải quay ra thù hằn, chán ghét, oán trách người đàn ông, hoặc phải làm tất cả những gì người đàn ông làm. Đàn bà ý thức điều mình muốn làm, và làm một cách trọn vẹn, vì lợi ích chung. Không nhất thiết phải dùng đàn ông như là cái thước đo hoặc như là chủ đích để mình đạt tới.



***



Tôi đứng dậy xin phép chị Lộc về, sau khi đưa chị số tiến tương đương chị đầu tắt mặt tối ngoài đường vài tháng. Còn tôi, đó chỉ là một bữa ăn tối ở một tiệm trung bình cùng vài người bạn. "Tiền cô thương cho, tui đội ơn. Tui để dành mua thuốc siễng uống. Mấy hôm nay, nó cứ hành từng cơn, cả đêm tui có ngủ được đâu."



IV.

Hàm Tân, cái làng nhỏ nằm trên đường ra miền Trung tôi có dịp ngang qua, và đã dừng lại nơi đó một ngày, một đêm. Làng với vài ngàn nóc nhà, mỗi nóc nhà trung bình cũng phải trên dưới bốn người. Hai vợ chồng và một bầy con, sống lúc nhúc như bầy lợn chẳng khác nào "Nhà Mẹ Lê" của Khái Hưng. Bên cạnh "đặc điểm" của đất Hàm Tân là đông con, còn những đặc điểm khác nữa là không điện, thất học, siêng năng đi nhà thờ, trung bình ngày hai buổi, sáng và tối. Hầu hết dân trong làng làm nghề "đập đá". Bé Lan tôi gặp trong căn chòi nhỏ bên vệ đường dẫn tôi vào xóm. Em trông chừng mười tuổi. Nhìn em, tôi nghĩ tới cọng cỏ dại mọc tràn quanh căn chòi. Những cọng cỏ liu điu, hiu hắt, buồn buồn. Khuôn mặt em cũng thế, không chút hồn nhiên của tuổi thơ.

Việt Nam hiện nay, với dân số là 74 triệu dân, trong đó 54 phần trăm là phái nữ, và em là một. Lan "tay xách nách mang" hai đứa em nhỏ. Em nói còn ba đứa nữa ở nhà. Hai đứa em như hai con khỉ đeo cứng lấy mẹ. Một đứa có áo thì không có quần, đứa kia có quần lại không có áo. Cả hai đứa mũi dãi chảy lòng thòng. Tôi dừng lại, ngồi xuống hỏi thăm trò chuyện cùng em và bà bán quán. Những trái ổi xanh mơn mởn vừa hái, cuống và lá xanh vẫn còn bám chặt, bày trên đĩa nhựa. Tôi nhìn trái ổi, rồi nhìn em, nghĩ tới tuổi thơ của mình. Trời nóng như lò lửa, em bận bộ đồ ngắn tay, hoa màu xanh nhạt. Mặt và trên hai cánh tay trần lấm tấm những vết thâm nhỏ, như bị đậu mùa, nhìn kỹ có cái đã thành sẹo, có cái vừa kéo da non, và có cái còn đang mọng nước và mủ.Tôi nhìn, không thể không tò mò "Da em bị sao vậy?" "Bị đá văng vào." "Sao lại bị đá văng vào?" "Tại đập đá." "Sao lại đập đá?" Em lúng túng. Bà quán chen vào cắt nghĩa. Mấy năm nay vì nhu cầu xây thêm nhà cửa trên tỉnh, nhờ đó cả làng có công ăn việc làm. Sáng ra, cả đoàn người đi vào núi, cách làng khoảng mười cây số. Người đi xe đạp, người xe bò, người đi bộ. Cùng nhau đào từng tảng đá khuân về bán. Nếu may mắn được tảng đá vuông vức, độ hai lóng tay bề ngang bề dọc, thì bán được bảy trăm đồng - tương đương bảy cents tiền Mỹ -, còn không may thì khuân về chất ngoài sân để vợ con ở nhà đập nát bán ký. Một ký khoảng vài trăm bạc. Bà kể thêm cảnh đập đá bằng búa. Đá đập nát vụn văng tứ phía. Không thể tránh đá văng vào người, ghim vào da, có người bị đá đâm vào mắt. Tôi tưởng tượng ra ngay cảnh đá văng tung tóe vào mặt, mũi, tóc, tay, chân. Đá ghim vào da, lấy tay gỡ ra, chảy máu, lở lói, rồi lành, rồi lở. Những thân thể còm cõi thiếu ăn nhưng thừa sức sống, và ý chí sống còn. Nhìn em, rồi nhìn vạt cỏ dại khô ngoài căn chòi sao mà hắt hiu, thê lương quá đỗi. Tuổi em vừa lên mười sao đã lắm đeo mang trách nhiệm. Cơm nước, coi em, đập đá. Một ngày em ăn được mấy chén cơm nguội với cá kho khô? Từng này tuổi, em đã phải làm mẹ, làm con, làm chị. Nhiều trách nhiệm đeo trên vai làm sao em lớn. Trí óc và thân thê làm sao phát triển, hả em? Thằng em nhỏ thức dậy sau một giấc ngủ say, vội vã kiếm chị, nhưng mắt lại mải nhìn tôi, vấp phải chân bàn, ngã chúi, những viên bi trong túi rớt ra, lăn dài trên nền nhà. Những viên bi tròn, trong xanh như mắt em. Bao thế hệ đi trước em đã hy sinh, chỉ mong cho con, cho cháu như em được sự bình an trong một xã hội nhân hòa, bác ái. Đúng ra giờ đây em đã phải được đối xử công bằng và được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi. Bất hạnh cho em sinh ra và lớn trong một đất nước nghèo nàn, lạc hậu. Chiến tranh tàn phá hàng ngàn năm. Nhà nước quản lý sai lầm. Em được hưởng những gì trong một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, đổi mới? "Diễn biến hòa bình, hòa hợp hòa giải, dân chủ tự do, kinh tế thị trường". Tất cả chỉ là mỹ từ, sáo ngữ. Ở vào tuổi em, thay vì ôm sách tới trường mỗi sáng, chiều về học đàn, học vẽ, chơi thể thao, nghe nhạc và mộng mơ. Em lại "tay xách nách mang" những đứa em, một bên xương chậu phải bành ra, để đỡ lấy chúng. Cánh tay với những vết mưng mũ, thân hình còm cõi thiếu ăn, đầu óc trống rỗng. Nơi mà giáo dục và y tế lại đứng cuối cùng trên danh sách canh tân đất nước.

Bài toán của em, cả nước phải cùng nhau ngồi lại giải, không chỉ riêng em. Tôi nhìn em rồi ngước nhìn trời, chợt nhớ tới anh bạn thi sĩ tôi mới quen ở Hà Nội. Anh lớn hơn tôi đúng hai con giáp. Thời chiến anh là bộ đội. Thời bình anh là nhà thơ. "Thế hệ anh là... vật bị thiêu đốt, là lửa, là cuộc chiến, là món thí nghiệm. Thế hệ em là sự thiêu rụi, là hậu quả, là hậu chiến, là đống tro tàn. Thế hệ con cháu chúng ta là những cọng cỏ non mọc lên từ đống tro tàn, từ đống gạch vụn. Có thể chúng èo uột, mong manh, nhưng chúng chứa đựng mầm mống của sự sống, tương lai và hy vọng." Tôi ngồi im lặng nghe anh nói, mà thầm nghĩ anh quả là người lạc quan. Điều may mắn cần thiết trời ban cho anh để tồn tại trong xã hội đầy dẫy những tang thương này. Nhưng dù sao, ngay lúc này, tôi ước ao có anh ở cạnh tôi quá đỗi.



Phượng Các
#4 Posted : Tuesday, February 21, 2006 3:48:52 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
quote:
Hai vợ chồng và một bầy con, sống lúc nhúc như bầy lợn chẳng khác nào "Nhà Mẹ Lê" của Khái Hưng.

Nhớ hình như là Khái Hưng không có truyện nào viết về Nhà Mẹ Lê. Thạch Lam và Nhất Linh thì có viết về nhân vật này.
Phượng Các
#5 Posted : Tuesday, February 28, 2006 4:22:55 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Thúy Kiều, nỗi ám ảnh bất hạnh

LÊ THỊ THẤM VÂN

Nhắc đến Kiều, tôi thường nghĩ ngợi, suy tư về thân phận người đàn bà Việt Nam. Có lẽ vì tôi cũng là đàn bà Việt Nam chăng?
“Đau đớn thay, phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
Phũ phàng chi bấy hóa công
Ngày xuân mòn mỏi, má hồng phôi pha.”
Trong khi đọc lại những câu thơ này, tôi thắc mắc, không biết Nguyễn Du có nghĩ tới mẹ ông (cha ông có tám vợ) hoặc ba người vợ của ông không? Họ là những người đàn bà chia sẻ cuộc đời cùng ông, nhưng có số phận chồng chung. Hay ông chỉ nghĩ đến ả đào đàn hay trong quán rượu, hai mươi năm sau gặp lại, thân tàn ma dại, làm ông đứt ruột xót thương. Cô Cầm ở Thăng Long. Cô Nguyệt ở Triều Khẩu. Cô gái hầu ở nhà người em. Cô lái đò tình cờ gặp. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Hay Vương Thúy Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân ở xứ Trung Hoa?
Bởi dầu gì ông cũng biết rất rõ:
“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi.”
Nghĩ ngợi, thắc mắc, ưu tư một chút thế thôi, chứ vào thời đó, đàn ông “năm thê bảy thiếp” là chuyện thường tình. Ông cố nội tôi có đến bốn bà vợ.
*
Dưới ảnh hưởng của văn chương Trung Hoa, nước ta sản xuất ra được nàng Kiều. Rồi Kiều truyền qua nhiều đời, qua bao thế hệ, bằng nhiều cách thức khác nhau. Từ lẩy Kiều, ngâm Kiều, dạy Kiều, giảng Kiều, phim Kiều, dịch Kiều, và cả bói Kiều.
Nàng Kiều ngày trước của Nguyễn Du, tài sắc vẹn toàn. Đã đẹp lại còn đàn hay, bởi thế mà bạc mệnh. Nàng Kiều ngày nay kém may mắn hơn, không tài hoa, không hương sắc mà cũng bạc mệnh. Chinh phụ ngày trước cũng thế, chờ chồng trong tiếng khóc than, oán trách, nhớ thương. Cố giữ lòng trung trinh tiết nghĩa thờ chồng, mà hóa thành đá. Chinh phụ ngày nay, sáng sớm mắt chưa kịp mở đã sắn cao tay áo, nhảy ra lăn xả một hai với đời để nuôi con, thậm chí nuôi luôn cả chồng.
Nhắc tới Việt Nam, là không quên nhắc tới Kiều. Người ta cho Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, và truyện Kiều là kiệt tác bất hủ bằng chữ quốc âm. Một công trình vĩ đại, đến nay vẫn chưa có tác phẩm nào so sánh huống chi là thay thế. Là người Việt Nam, ai cũng phải biết đến Kiều, như một công ước, một điều bắt buộc. Truyện Kiều được xem như là thông điệp gửi gắm cho con cháu đời sau phải tìm đọc, học, và biết để mà hãnh diện. Truyện Kiều là cuốn kinh, thánh thư, phúc âm. Là quốc hoa, quốc túy, quốc hồn của dân tộc Việt. Nhà báo Phạm Quỳnh ngày trước đã từng tuyên bố, chỉ cần một Truyện Kiều, ta đã hơn Tàu lẫn Tây! Kiều còn được xem là bản cáo trạng cuộc đời, như cuốn sách giáo huấn dạy cách làm người, như bản ngợi ca tình yêu, gầy dựng niềm tin, bắc cầu thông cảm. Thậm chí, được dùng như một phương tiện dự báo, linh nghiệm để đoán giải về tương lai số mệnh con người.
“Từ án sách đến bờ tre, xưởng máy
Ra chiến trường vẫn còn thấy Kiều ngâm.”
Vì cha nợ nần, Kiều phải tự bán mình để chuộc. Từ đó, cuộc đời ba chìm bẩy nổi, qua tay đủ hạng đàn ông. Bị thiên hạ lừa không biết bao nhiêu bận vẫn chưa học khôn. Cuối cùng, còn khuyên “bậy” chồng, làm chồng phải chết oan như bị trời trồng. Cuộc đời Kiều, từ đau khổ này tiếp nối đau khổ khác chỉ vì đạo làm con, giữ tròn chữ hiếu, bởi thế, hình ảnh Kiều luôn được ca ngợi, truyền tụng, trở thành một thứ role model, là tấm gương cho nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam soi.
Để rồi, thời bà ngoại, bà nội nước ta có L’Indochine, mối tình chàng sĩ quan Pháp với cô gái Việt mồ côi nhưng xinh xắn, đẹp đẻ. Mối tình lãng mạn, lồng trong khung cảnh vịnh Hạ Long miền Bắc, trong giai đoạn lịch sử của những năm 30, khi đất nước đang còn bị thực dân Pháp đô hộ.
Qua thời Mỹ, tức thời của mẹ, dì, thím, bác, cô nước ta lại có Heaven and Earth. Nàng Kiều lọ lem Lê Thị Lý xuất thân từ làng Kỳ Là, miền Trung đất cày lên sỏi đá. Nàng như quả banh, ban đêm nằm trong vòng tay ôm của những chàng lính quốc gia. Đêm về, lại nằm dưới xác của những chú bộ đội. Cuối cùng, được anh lính Mỹ mặt còn búng ra sửa, đến từ đế quốc tư bản đóng vai Từ Hải, ra tay nghĩa hiệp giải thoát, cứu độ.
Mùa hè 1995, tôi về lại Việt Nam. Đi dọc từ Bắc vô Nam, vòng ra Trung. Loáng thoáng trong những tiệm ăn trải khăn bàn trắng, trong khách sạn ba sao, trên vỉa hè trời chiều thoảng gió mát rượi, hay trong hộp đêm xông tỏa mùi mồ hôi, rượu mạnh, khói thuốc. Những nàng Kiều mặt trẻ măng, non choẹt, cửa mình bắt đầu có kinh, lông đang mọc, vú vừa nhú nhưng đã biết rõ, hiểu rõ, chữ trinh đáng giá ngàn vàng. Các nàng tự đi tìm khách bán trinh. Biết vá đi vá lai màng mỏng tựa sương mù vài ba bận, không cần qua tay Tú Bà như Kiều của cụ Tố Như ngày trước. Các nàng làm Kiều cho những tay thương gia đến từ Đài Loan, Singapore, Đại Hàn... chuyên trị mua trinh để lấy hên làm ăn buôn bán.
Cô bé làm nghề móng tay dạo trong khu Bàn Cờ tôi gặp trong những ngày đầu về lại Việt Nam. Những móng tay, móng chân của tôi được cô cắt dũa sơn phết cẩn thận, chỉ là cái cớ để cô tâm sự, và tôi thỏa tính tò mò, thích nghe chuyện. Cô kể cách đây hai năm, ở tuổi mười bẩy cô đã bị chính mẹ cô móc nối bán trinh cho một thương gia Đài Loan với giá ba trăm dollars. Nhờ số “vốn” đó, mẹ cô đã tậu được chiếc xe bán bánh mì kê ngoài ngõ. Cô bé kể với giọng lúc nhanh lúc chậm, lúc lên lúc xuống, lúc rõ lúc không, tôi có cảm tưởng như câu chuyện đã xẩy ra cho cô ở tiền kiếp. Chuyện đổi chác xẩy ra trong khách sạn đầu ngõ, ở tầng hai. Tiếng “ái” và hàm răng cắn mạnh vào bả vai “hắn” sau gần nửa tiếng cố đâm thủng vào bên trong cô. “Em sợ quá nên hai đùi cứ dính chặt mà ông khách thì biểu banh rộng ra.” Tôi ngồi lắng nghe, nhìn đôi mắt nhỏ màu nâu nhạt, gò má cao, trán đầy mụn lấm tấm, hàm răng màu đá vàng, vai mỏng rút lên như vai đứa bé mười hai tuổi. Sau biến cố đó, cô oán thù mẹ nên bỏ nhà đi xuống Rạch Giá ở chung bà dì họ một thời gian. Cô sợ hãi tất cả đàn ông, con trai đến gần. Rồi cô vén áo lên chỉ cho tôi xem vết sẹo chạy dài từ nách xuống hông, phía bên trái, “Một hôm em phụ bà dì đi buôn hàng, đường xa, xe đò đang chạy bị hỏng máy, thay vì phải đợi cho máy nguội rồi mới mở ống nước, anh lơ xe mới vào nghề không biết, mở ra coi liền, nước nóng sôi phụt tràn vào người em, lúc đó em đang còn ngồi trong xe. Em phải nằm nhà thương một tuần. Bôi bao nhiêu thuốc mới đỡ được như vầy...” Tôi nhìn, vết sẹo đặc quánh như dòng đất sét xệt, bám chặt trên mảng da trắng xanh. Tôi đưa tay rờ, hỏi nhỏ, “Chắc em phải giỏi chịu đau lắm?” “Dạ, hồi mới bị đau ghê lắm!” Rồi cô kéo áo xuống.
Mấy tháng sau vụ phỏng, cô về lại với mẹ. Hiện nay cô làm nghề móng tay dạo trong xóm. Họ trả cô với giá rẻ nhất thành phố. Cô còn kể thêm ba cô có tật nghiện rượu, mỗi khi lên cơn say là cả bầy con khôn hồn phải chạy đi nơi khác, chứ đứng đó, sẵn trong tay có gì là ông liệng vào người cái đó. Mẹ cô có máu mê số đề, mấy lần cháy túi phải cầm quầy xe bánh mì, rồi được chị họ bên Canada gửi tiền về giúp chuộc lại. Chuyện cô bán trinh, cả xóm ai cũng biết, vì mỗi lần ba cô về, lên cơn say, má cô đuổi ra khỏi nhà, là ba cô đứng đầu ngõ chửi đổng lên, kể hết ngọn ngành cho cả xóm nghe. “Chắc em không lấy chồng... mà chắc chẳng ai cưới em... thôi em ở vầy với má phụ coi mấy đứa em.” Cô nói, giọng nhỏ dần ở những chữ cuối. Khuôn mặt cố đậy che cảm xúc. Sự chịu đựng lâu ngay đã trở thành thói quen.
Việt Nam ngày nay chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nhanh và không ngờ. Mảnh đất hope for the best, expect the worst. Tôi móc túi đưa cô xấp tiền không đếm, cô chụp đút nhanh vào áo lót, nhanh như chớp, nhanh như người tráo đổi mấy con bài. Suốt đêm đó, tôi nằm chập chờn với mọi thứ âm thanh diễn ra trong xóm lao động. Tiếng tụng kinh gõ mõ, tiếng rao hàng, tiếng dép, guốc kéo lê trên ngõ hẹp, tiếng chó tru, tiếng chửi thề, tiếng mèo rên rỉ trên mái nhà, tiếng trẻ con khóc, tiếng máy xe nổ như muốn xé toạc trời... Rồi trời đổ mưa. Mưa đổ hột như đá ném, ầm ầm, rầm rầm. Người tôi vã mồ hôi như tắm, nhầy nhụa dưới gáy, dưới nách, ở háng, ở mỗi chân tóc. Mơ hay thực? Sao tôi lại nằm trong căn phòng xa lạ này? trên sàn xi măng. Người tôi rêm mỏi và đau nhức. Xi măng là đá tảng. Tôi nằm trên đá mà tưởng tảng đá nằm chồng lên tôi. Cô bé hàng xóm làm móng tay dạo chui tọt vào người tôi nằm trong những giấc mơ ngắn, hiện ra liên hồi, đứt quãng, suốt cả đêm. Mỗi lần tảng đá đè, lại hiện lên khuôn mặt người đàn ông trong đời chưa từng gặp. Tảng đá trắng hếu, hùng hục, cửa mình không đau mà tim tôi nhói, như lưỡi dao cùn cố thọc sâu, khuấy mạnh. Tôi muốn hét mà không được. Trời tối, gió thổi mạnh, tiếng mưa đập, tiếng sét lẫn sấm chớp. Trong tận cùng tuyệt vọng, đầu tôi bỗng hiện ra một buổi sáng đầu đông ở thành phố Garmisk, miền Nam nước Đức. Chín giờ sáng thức dậy, mở cửa, thấy tuyết ngập xóa trời đất. Tuyết đổ suốt đêm mà tôi nào hay? Trong khi nơi chốn này, quê hương tôi, cũng là nước từ trời đổ xuống nhưng sao xối xả như thác? Mảnh đất trời cố tình hành!
Nàng Kiều thời hậu chiến Cyclo của đạo diễn Trần Anh Hùng. Mất chiếc cyclo đồng nghĩa mất luôn sự ngây thơ và nhậy cảm của người con gái mới lớn. Thời kinh tế thị trường mở cửa. Thời tranh tối tranh sáng, người lạc quan cho là bình minh, người bi quan cho là chiều tà. Bao nhiêu năm khốn khổ nay mở bừng mắt nhìn ra thế giới bên ngoài, mở mắt học văn minh xứ người, bằng cách mở bar ruợu, beer ôm, cà phê karaoke không đèn, hotel mọc lên như nấm sau cơn mưa. Thời mà làm bất cứ gì cũng phải xin phép nhà nước, ngoại trừ thi hoa hậu. Lại còn được ưu tiên, khuyến khích là bảo tồn văn hóa. Thời thân xác người đàn bà Việt Nam lại được đem ra khai thác một cách triệt để. Hãy lắng nghe những nàng Kiều thuộc lứa con, cháu chúng ta tâm sự với đầy dẫy lý do vì sao phải nối gót nàng Kiều của cụ Nguyễn Du: “Bà nội, bà ngoại cháu già yếu. Ông nội cháu đã hi sinh vì chống Mỹ cứu nước. Ông ngoại cháu chết trong trại cải tạo. Bố cháu nghiện rượu. Mẹ cháu bệnh nặng. Anh chị cháu vượt biên mất tích. Đàn em cháu còn nhỏ dại...” Nghe sao không rách lòng nát dạ.
Càng hiện đại bao nhiêu, Kiều càng rẻ rúng bấy nhiêu.
Càng “hiểu” Kiều bao nhiêu, càng chua chát bấy nhiêu.
Tại sao mỗi lần nhắc, nói, nghĩ, đề cập tới đàn bà con gái Việt Nam là đưa ngay hình ảnh Kiều ra làm tiêu chuẩn, như một định đề bất di bất dịch. Phải chăng oan hồn Kiều vẫn còn vây khốn thân phận phụ nữ Việt Nam?
Tôi quen chị bạn người Mỹ, chuyên nghiên cứu đề tài văn hóa Việt Nam. Chị hiểu ngôn ngữ Việt khá rành nên đi tới đâu cũng thường “bị” người Việt mình chận hỏi. Lúc dõng dạc, lúc từ tốn, lúc ngại ngần, “Tiếng Việt chị rất giỏi, vậy chắc đã đọc Truyện Kiều rồi chứ?” Giai đoạn đầu, chị bạn yêu tiếng mẹ đẻ của tôi lịch sự gật đầu, “Dạ rồi, dạ rồi.” Nhưng càng về sau, mỗi lần bị hỏi như thế, chị đâm cáu, “Dạ rồi, thì sao? Yes, so what?”
Mà so what... thật.
Vở kịch Miss Sài Gòn trình diễn liên tục trong nhiều năm nay. Chuyện tình lãng mạn giữa anh lính Mỹ và cô gái điếm Việt Nam đã tạo nhiều đề tài sóng gió. Người bạn gái tôi chơi khá thân từ thời còn đi học, nhập theo đám Mỹ gốc Á xuống đường phản đối kịch bản này ở San Francisco. Đám đông biểu tình đeo trên người lý do khác nhau. Anh bạn Mỹ gốc Đại Hàn đi chung với cô bực tức vì nhân vật chính đàn ông Á Đông trong vở kịch là người da trắng chính hiệu. Thì ra anh ta đang tranh học phim ảnh, nên sốt sắng tranh đấu cho người Mỹ gốc Á Châu có được chỗ đứng trong địa hạt phim ảnh kịch nghệ Hoa Kỳ. Cô bạn của tôi tức giận vì nhân vật chính là Kim, một phụ nữ Việt Nam làm đĩ. Cô bạn bỏ ra một ngày trời đi biểu tình, về nhà bị những người trong nhà la mắng. Bố cô bảo chỉ là nghệ thuật. Anh cô trách sao ưa làm chuyện tào lao. Mẹ cô cảnh cáo, đừng bày trò múa rối. Bà nội ngâm nga ca dao ca tụng đức tính phụ nữ Việt Nam, tận lực lo gia đình chồng, nuôi chồng, dạy con.
Cô bạn tôi có quyền bực tức, hoặc như tôi cũng quá mỏi mệt cứ phải nhìn-xem-nghe-thấy người ngoại quốc tạo dựng những hình ảnh, vai trò như Kim, như Kiều, như Lệ Lý... Những nạn nhân đĩ điếm đáng thương tội nghiệp để họ giơ tay nâng đỡ cứu vớt. Tôi ngồi nghe cô bạn thân thao thao bất tận vào tối khuya trong tiệm ăn Denny’s không bao giờ cần chìa khóa ở dưới phố Mountain View. Hai đứa tôi, hai phụ nữ Việt Nam đang vật lộn với bao cảm xúc, nhận thức đầy ứ trong lòng. Chua xót, bẽ bàng, tức giận, tủi hổ, xúc phạm, uất ức, tội lỗi, tuyệt vọng... Tôi không chống vở kịch, nhưng tôi chống sự khai thác hình ảnh người đàn bà Việt Nam luôn bị đóng vai đĩ với mục đích quảng cáo kiếm tiền, thỏa mãn dục vọng lẫn quyền lực. Kinh nghiệm bản thân, cách đây mười năm, khi còn là sinh viên, ban ngày đi học, ban đêm đi làm thêm ở nhà hàng fast food Tàu. Nơi những món ăn nấu sẵn, khách hàng chỉ món nào tôi xúc món đó. Một ông khách thường xuyên của tiệm, thỉnh thoảng khi trả tiền, dúi vào tay tôi một đồng tiền tip, tôi nhận kèm theo nụ cười cám ơn. Một buổi tối làm ra, ông khách đứng sẵn chờ tôi ở trạm xe bus, nói muốn chở tôi về. Tôi lắc đầu khăng khăng từ chối. Một lần khác, lúc trả tiền đĩa thức ăn, ông mở banh ví, cố tình để lộ tờ giấy trăm dollar mới toanh, đề nghị sau giờ làm việc, nếu đi chơi với ông, tôi sẽ được một trong hai tờ giấy màu xanh. Tôi nhớ lúc đó, giọng nói, khuôn mặt ông cực kì bình thản. Hai tay cũng chẳng run khi tỏ hành động đưa tiền ra dụ tôi. Còn tôi như có dòng điện mạnh chạy dọc sống lưng. Tôi xin phép chủ về sớm, đi bộ về nhà. Đi như thế hơn một tiếng, băng qua những con đường mà nếu có chuyện gì xảy ra cho tôi lúc đó thì sẽ bị coi là “điếc không sợ súng.” Đêm hôm đó, tôi loay hoay trăn trở mãi. Ở tuổi mười chín, “ăn chưa no, lo chưa tới.” Chưa ý thức lắm về thái độ mời gọi trắng trợn của gã cựu quân nhân Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Chỉ biết tức giận, xấu hổ vì cá nhân mình bị xúc phạm. Nghĩ lỗi tại mình vì hay cười, thích trò chuyện, niềm nở quá đáng. Phải đợi vài năm sau, đọc, nghe, thấy và biết suy nghĩ, tôi mới thấm thía thân phận người đàn bà Việt Nam bị nhìn, đánh giá trong giai đoạn cuộc chiến dưới nhãn quan người đàn ông nước ngoài, những người có tiền đi đôi với sức mạnh, quyền lực.
Truyện Kiều, ngoài giá trị văn chương nghệ thuật vì ngôn ngữ đẹp, bóng bẩy, nhạc điệu thi vị, tình cảnh éo le, Kiều đã đóng góp gì khác cho Việt Nam? Văn Học cũng có giới hạn như bất cứ lãnh vực nào khác. Nguyễn Du sau năm mươi năm sống trên đời, chứng kiến bao cảnh vật đổi sao dời, ngán ngẩm tình thế mà phỏng tác truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu. Mục đích chỉ để mua vui cũng được một vài trống canh. Nguyễn Du có khiêm nhượng hay không, khi viết ra câu thơ này? Tôi nghĩ Truyện Kiều thực chất chẳng phải là cuốn kinh điển bàn về luân lý, chỉ dạy người đời sống thế nào cho phải đạo. Nguyễn Du là người thông hiểu Nho học, áp dụng tam cương ngũ thường, nhưng đồng thời ông cũng sùng bái đạo Phật. Quan niệm đạo Phật của Nguyễn Du ngày trước khác hẳn quan niệm đạo Phật của Richard Gere ngày nay. Không nhất thiết cứ phải là chữ tài liền với chữ tai một vần. Nhìn quanh chúng ta, biết bao kẻ bất tài mà vẫn lắm tai ương, hoạn nạn, khổ đau. Công bằng và tỉnh táo nhận xét, người có tài, dù tài hoa hay tài trí, chắc chắn bao giờ đời cũng đỡ khốn nạn hơn người bất tài. Richard Gere là tài tử thành công, giàu sang, có vợ đẹp, đồng thời ông cũng được biết đến như là một tín đồ Phật giáo ngoan đạo thuần thành.
Một người bạn khác của tôi, qua Mỹ lúc còn trẻ, học rất giỏi, được vào trường lớn có tiếng ở Mỹ. Thay vì học luật, kinh tế hay y khoa, anh chọn ngành văn học sử Việt Nam. Anh nghiên cứu Chinh phụ ngâm, ca dao, Ai tư vãn, Lưu hương ký... và dĩ nhiên có cả Truyện Kiều của Nguyễn Du. Anh đưa bản tiếng Anh, do Huỳnh Sanh Thông dịch, cho ông thầy xem. Ông thầy là người am hiểu văn chương Tàu, đọc xong, phán ngay một câu, “Như vầy thì đâu có gì là vĩ đại! Vay mượn văn chương Trung Hoa quá nhiều.”
Đúng vậy, người Việt mình ai cũng biết Truyện Kiều vay mượn tiểu thuyết Tàu, chẳng phải nguyên thủy của Việt Nam. Nếu ta hãnh diện một, thì Tàu phải hãnh diện mười. Thử một ngày nào đó, nhà văn Trần Thị A dịch tiểu thuyết Dr. Zhivago của Boris Pasternak. Dich giả giữ nguyên cốt truyện, chỉ đổi lại đoạn kết cho có hậu, anh chàng Zhivago ôm ngực lảo đảo cố đuổi theo, miệng gọi tên Lara, Lara... Lara đang đi, nghe người gọi tên mình, nàng quay đầu lại dáo dác, kiếm. Rồi hai người ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Như Kiều của Tàu nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn. Nhưng Kiều của Việt Nam mình lại cho tái hợp cùng Kim Trọng.
Truyện Kiều có giá trị tương đối của nó trong văn học sử của một quốc gia – trong trường hợp này là Việt Nam. Ngày nay chúng ta đọc Kiều là để hiểu sự biến chuyển của văn học Việt Nam. Dĩ nhiên, người đọc chỉ để thuần túy thưởng ngoạn cái đẹp của văn chương cũng có quyền cảm nhận giá trị thẩm mỹ của truyện Kiều theo quan điểm của riêng mình. Tuy nhiên, từ khía cạnh lịch sử có lẽ chúng ta cần nhận thức được rằng văn chương, văn hóa là giao lưu, ảnh hưởng, học hỏi lẫn nhau. Nếu ta chối bỏ tất cả những gì đã ảnh hưởng Tàu, như ngôn ngữ, phong tục, tập quán, triết lý, ẩm thực, thậm chí đến chiếc áo dài bấm nút bên phải, thì có lẽ chúng ta chẳng còn gì, e rằng sẽ như một giống dân nào đó vẫn còn tồn tại trên mặt đất này, nhưng còn mang khố, nhuộm răng, tay cầm cung, chạy chân trần, nhai thịt sống, ở không cần nhà.
Một nước mà chỉ có văn chương là một nước nghèo, nếu không nói là bất hạnh. Chúng ta cần phải có kinh tế, khoa học, kỹ thuật, triết lý, xã hội... Mọi ngành nghề kết hợp lại, may ra chúng ta mới có thể tìm cho mình một chỗ đứng trong cộng đồng thế giới. Tôi nghĩ chúng ta không có quyền tự cho mình đứng ngoài lề lối và tiêu chuẩn của văn minh nhân loại, chỉ bởi vì nước ta đã có Truyện Kiều.
Mễ Tây Cơ có Octavio Paz, Nhật có Kenzaburo Oe, Chí Lợi có Pablo Neruda, Mỹ có Toni Morrison, Tây Ban Nha có Camilo Jose Cela... Nếu các nước này dùng tác phẩm của các tác giả này để dạy dỗ dân họ sống thế nào cho phải đạo thì chúng ta nghĩ sao? Dù các tác phẩm ấy đã được thế giới công nhận là di sản quý giá, đóng góp vào nền văn chương nhân loại. Ngày nay trong các đại học Anh quốc, Shakespeare vẫn được giảng dạy cũng như ở các đại học Đức quốc, các trước tác của Goethe vẫn được nghiên cứu. Dù vậy chẳng có người Anh hay người Đức hiện đại nào phải lấy những nhân vật trong các tác phẩm của hai vị này ra để làm mẫu mực trong đời sống của họ cả. Nếu như người Việt Nam ngày nay vẫn còn tự kỉ ám thị mình với Truyện Kiều, và vẫn nhìn Kiều – ngoài giá trị văn chương, văn hóa sử của nó – như là chứa đựng những trí tuệ, triết học Phật Giáo cao siêu nhất, tấm gương liệt nữ sáng chói nhất, thì có lẽ sự kiện này chỉ nói lên được một điều: đó là sinh hoạt văn hóa của chúng ta bước đi “hơi bị” quá chậm.
Đến đây, tôi lại thắc mắc, tại sao tất cả những vị cứu tinh, cứu khổ, cứu nạn, cứu thoát – tức những anh chàng đóng vai hoàng tử đánh thức cô bé lem luốc Việt Nam – đều là đàn ông nước ngoài. Đâu hết rồi đàn ông, con trai Việt Nam? Giữ gìn giang san, mở mang bờ cõi, chống giặc xâm lăng, xây mộng thanh bình... cớ sao lại để ra nông nỗi này?
Và rồi, biết đến bao giờ, xong trận mây mưa, khách làng chơi bỗng tò mò muốn biết, “Vì sao em...?” Kiều Việt Nam nhìn thẳng vào mặt khách trả lời, “Làm đĩ là nghề tôi chọn. Trước là nuôi sống bản thân tôi, sau là giúp cho những người đàn ông, con trai không vợ, không bồ giải quyết sự dồn nén sinh lý.”
“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn!”
Đã đến lúc chúng ta cần phải thẩm định lại câu nói truyền kiếp này chăng?
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.