Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

ĐỜI QUÂN NGŨ - TRƯƠNG HỒNG LIÊN
Chôm Chôm
#1 Posted : Friday, March 28, 2008 4:00:00 PM(UTC)
Chôm Chôm

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 353
Points: 15
Woman

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Lứa tuổi hoa niên, bước chân vào ngưỡng cửa Đại Học, lòng mở hội tưng bừng bao nhiêu là ước mơ hy vọng. Niềm mơ mộng của tôi là trở thành một nhà Tâm Lý Học.

Thế mà, sự đời nào ai biết được, tôi lại đổi ngành, mặc dầu tôi đã đi sâu vào ngành này, con đường cũng đã khá xa, đã học xong Cao Học Tâm Lý, đã tiếp xúc với bệnh nhân có vấn đề tâm thần.

Chuyện như thế này:

Một mùa hè, tôi làm việc Phụ Tá Nha Sĩ cho anh tôi. Quan sát cách chữa trị của người Bác Sĩ Nha Khoa không hiểu sao tự nhiên tôi lại thích. Tôi hỏi anh tôi:

-Em học Nha Sĩ được không?

Nhìn tôi hơi ngạc nhiên một chút, anh tôi trả lời bằng tiếng Anh:

-Why not, But Why?

Anh tôi tưởng tôi hỏi đùa. Thế mà tôi bỏ ngang ngành đang đeo đuổi để chuyển sang ngành Nha Khoa.

Thực ra sự chuyển ngành của tôi nó âm ỉ bởi ý kiến song thân, có ảnh hưởng rất nhiều trong đời sống tâm tưởng của tôi. Ba tôi thường bảo là ngành Tâm Lý Học rất khó, nhất là chữa bệnh cho người bị tâm thần. Người bác sĩ Tâm Lý, ngoài việc lành nghề còn tỏ ra có bản lĩnh; còn không, khó có thể thành công. Má tôi cũng thường hay chê tôi ‘khêu khào’; nhiều lần má tôi tiên đoán rằng tôi lái xe không được. Mặc dầu tôi đã chứng minh cho má tôi rằng tôi cũng lái xe giỏi như ai. Nhưng ý kiến của ba tôi, lần lần tôi thấy nơi tôi đó là sự thật. Cho nên câu hỏi của tôi với anh tôi không phải là một ý kiến bốc đồng.

Một việc nữa mà tôi không bao giờ nghĩ tới. Đó là chuyện nhà binh. Cũng là một sự tình cờ, tôi gọi điện thoại nói chuyện với bạn tôi, mới biết ngành Hải Quân Hoa Kỳ đang tuyển những sinh viên đã được nhận vào học các trường Đại Học Nha Khoa, Y Khoa, Luật Khoa v.v. Họ sẽ trả mọi chi phí trong suốt thời gian theo học ở các trường chuyên môn này. Cũng giống như họ tuyển mộ mình vào Hải Quân, rồi đưa mình đến trường Nha Khoa thụ huấn. Khi tốt nghiệp sẽ phải làm việc cho ngành Hải Quân một thời gian bằng thời gian mình theo học ở trường Nha Khoa. Hai người bạn bàn bạc với nhau rằng chắc nhiểu sinh viên ghi danh lắm, chúng mình làm gì chen vào được. Nhưng cuối cùng cũng rủ nhau nọp đơn đại, không được thì thôi, có mất mát gì!

Ngày cơ quan nhập ngũ Hải Quân gọi chúng tôi đến. Ôi chao, lại có cái màn thi những động tác thể dục. Tôi hối là đã tự làm mất thì giờ của mình.
Thế mà tôi được nhận đấy!

Một vài cô bạn gái ganh tức với tôi. Quái lạ, tôi được học bổng toàn phần ngành Tâm Lý Học họ cũng ganh, bây giờ được nhận vào Hải Quân họ cũng ganh. Lạ thật! Nhưng thôi, đó chỉ là chuyện lẻ tẻ xảy ra trong cuộc nhân sinh.

Thế nhưng, lại không ổn vì vấn đề gia đình. Trong nhà ai cũng cực lực khuyên cản là không nên. Duy nhất chỉ có ba tôi vững như trồng là ủng hộ và khuyến khích tôi rất nên theo học chương trình ấy và ước ao là “con gái út của ba sẽ mặc đồ lính Hải Quân chụp hình với ba”.

Chị cả tôi vừa chống lại vừa như trêu chọc ba tôi:
-Ba đang dạy học thung dung ở Sàigòn lại bị gọi vào lính, đi đấm đá mấy năm trời chưa đã sao còn thúc con gái út mình đi đấm đá nữa. Ba trong hoàn cảnh bắt buộc phải động viên, chứ con gái út ba có ai bắt buộc mà xông vào nơi nguy hiểm?

Ý kiến của chị cả thật nặng cân trước quyết định của tôi. Nhưng cuối cùng tôi đã quyết định. Đi lính.
Ngoài ra chú Lê Văn Ngô, bạn của ba tôi sau này là người đại diện cho hai bên họ hàng trong lễ thành hôn của vợ chồng tôi, cũng nhiệt liệt khuyến khích tôi vô Hải Quân với chương trình hấp dẫn ấy.

Tôi vững tâm đến cơ quan tuyển mộ và nhập ngũ làm thủ tục giấy tờ và làm lễ Tuyên Thệ.

Lễ Tuyên Thệ có sự tham dự của ba má tôi, và rất giản dị mà trang nghiêm. Trước lá quốc kỳ, người Sĩ quan Hải Quân đứng chủ trì, bảo tôi giơ tay lên đọc trước câu tuyên thệ tôi đọc theo, “tôi sẽ cầm vũ khí để bảo vệ đất nước” rồi chụp hình cho tôi.

Thế là, từ đó tôi là người quân nhân, có số quân, cấp bực Thiếu Uý Hải Quân (Ensi)và lương bổng hẳn hoi.

Sau khi tốt nghiệp Bác Sĩ Nha Khoa, tôi lập gia đình.

Hưởng tuần trăng mật xong là tôi đến trình diện đơn vị Rhode Island học Chương Trình Huấn Luyện ( Officer Indoctrination School).
Trước khi đi dự lớp huấn luyện, tôi đến nhiệm sở sau khi dự khoá huấn luyện quân sự xong là về đó phục vụ. Hôm đến nhiệm sở tại Căn Cứ Hải Quân, nơi đây đã có một vị Thiếu Tá Hải Quân đại diện Đại Tá Chỉ Huy Trưởng đón tiếp và hướng dẫn tôi là vị Sĩ quan mới đáo nhậm nhiệm sở.

Điều rất buồn cười là khi tôi đi ngang qua cổng gác, lính gác thấy tôi mang lon Đại Úy, đứng nghiêm chào, tôi cũng đưa tay lên chào lại, nhưng mà chào bằng tay trái. Bởi vì tôi có biết ất giáp mô tê gì chào kính đâu! Tôi chỉ là lính Hải Quân tò te ngày đầu tiên trong quân ngũ!

Sau khi với sự hướng dẫn mọi việc xong, vị sĩ quan Thiếu Tá đó đưa chúng tôi gồm có ba má tôi, chồng tôi và tôi đến văn phòng Đại Tá Chỉ Huy Trưởng để tôi trình diện và ba má tôi và chồng tôi thăm ông Chỉ Huy Trưởng trong tình thân mật. Và sau đó vị Thiếu Tá mời chúng tôi dùng bữa trưa tại Câu Lạc Bộ Sĩ Quan Hải Quân rồi dẫn tôi đến dãy cư xá Sĩ quan Hải Quân chỉ chỗ ở và giao chìa khoá cho tôi.

Chia tay, Thiếu Tá hẹn gặp mặt lại sau khi thụ huấn khoá quân sự xong và cho biết tôi sẽ cùng làm việc với ông trong khu chữa trị cho Sĩ quan Hải Quân Lái Phi Cơ Phản Lực.

Gia đình tôi và gia đình chồng tôi cùng lên phi trường San Francisco đưa tôi đi thụ huấn quân sự. Hai ba tôi thì không có gì, riêng hai bà mẹ thì đỏ hai con mắt. Bà mẹ chồng thì bảo “ Ước chi được chuộc đừng cho nó đi. Nó con gái thấy tội nghiệp quá!”

Chồng tôi thì nhớ thật, nhưng chàng có vẻ pha lẫn chút khoái khoái và hãnh diện vì vợ mình. Nhất là khi anh thấy tận mắt cái cảnh tượng của một vị sĩ quan trong quân đội sau sự nhận xét của anh qua những lần đi với tôi.

Thụ huấn quận sự ba tháng, thực ra đó là sự huấn nhục và quân kỷ để lấy tác phong tự thắng để chỉ huy. Nhưng bị hành hạ quá chịu hết nổi. Ba tôi gọi điện thoại hỏi thăm. Tôi rên quá sức chịu hết nổi, muốn đào ngũ đi cho rồi. Ba tôi an ủi khuyên cố gắng. Nếu mình không nếm mùi khổ nhọc của lính làm sao chỉ huy lính được. Chẳng lẽ cứ phải chào bằng tay trái hoài vậy sao! Ba tôi chọc quê tôi, thế mà đó là liều thuốc thúc đẩy tôi cố gắng và tôi tôi cũng dự lễ mãn khóa như ai!

Tại phi trường San Francisco, cả nhà đến đón tôi về, bây giờ tôi mới thật là người sĩ quan của quân đội Hoa Kỳ. Và Ba tôi đã đứng chụp ảnh với đứa con gái út của mình chững chạc trong quân phục Hải Quân trên vai mang cấp bậc Đại Úy. Người nữ sĩ quan trước đây mười mấy năm là một đứa bé bàn chân ngắn chẳng đầy gang tay mà to gan theo cha mẹ vượt trùng dương vạn dặm tìm tự do.

Về làm việc ở đơn vị cũng bình thường như làm việc ở các phòng mạch Nha Sĩ dân sự. Có điều khác ở đây là nhà binh, có cấp bậc, có quân giai giữa lính hạ sĩ quan, sĩ quan có cách bực chào kính, xưng hô cho phải phép.

Chuyện gia đình thì chưa ổn, chồng quần quật với phòng mạch riêng, vợ ở trong quân đội, vợ chồng trẻ tiếc sự cách xa. Nói như Nữ Sĩ họ Đoàn:
“Tiếc cho lỡ hết tuổi xuân đang thì”

Nhưng rồi, đã làm vợ phải làm mẹ. Tôi có đứa con đầu lòng. Trong thời gian quân ngũ, sau vụ Sep. 11, 2001 cấm trại bị giới nghiêm luôn. Một thử thách mới, vừa làm nhiệm vụ của người sĩ quan, vừa làm người mẹ có con thơ, lo cho con một mình từ lúc sanh cho đến biết đi, biết nói. Quần quật đến nỗi quên hết sự nhọc nhằn.

Ấy thế mà tôi cũng làm xong việc lắm.

Ngày mãn khế ước với Hải Quân, ông Đại Tá Chỉ Huy Trưởng và các sĩ quan đồng sự làm tiệc tiễn tôi, có Thiếu Tướng Hải Quân bay lên tham dự. Lòng vẫn thấy bùi ngùi, cả mấy Hạ Sĩ quan phụ tá giúp việc hằng mấy năm cũng bùi ngùi chia tay bà Thiếu Tá.

Hơn ba năm giờ đây vợ chồng mới thực sự hạnh phúc bên nhau.

Chưa yên, bây giờ đến lược phu quân tôi lại ngỏ ý muốn đăng lính. Tôi cũng không hề tìm cớ ngăn cản chàng. Ngày đến làm lễ Tuyên Thệ vào Sĩ quan Không Quân, tôi là vị Sĩ quan chứng thệ cho chồng tôi, hỏi qúy liệt vị xem cảnh này thích hay không thích! Ờ Hoa Kỳ có những lối như vậy, chắc thời Quân đội Việt Nam Cộng Hoà chúng ta thì không.

Chồng tôi trông có vẻ thích nhà binh lắm lắm, chỉ trong thời gian ngắn mà anh chàng đã ví theo kịp tôi, nghĩa là đường đường một Không Quân Thiếu tá Nha Sĩ.

Thấy cảnh vợ chồng tôi bắt tức cười, tôi mường tượng nhớ đến một bài thơ cổ Trung Hoa mà học giả Lương Đường dịch:

Chàng như mây mùa Thu,
Thiếp như khói trong lò;
Hai vẻ đều có khác,
Một thả cũng tuyệt vời..


Tôi là người của Hải Quân, phu quân tôi là người của Không Quân; nàng lênh đênh trên môi trường nước, chàng lênh đênh trên môi trường hơi, từ bài thơ trên gợi ý tôi chợt làm mấy câu sau đây:

Thiếp nhớ chàng xôn xao hoa biển,
Chàng nhớ thiếp cuồn cuộn tơ trời;
Hoa biển trắng lòng thương vời vợi,
Mịn tơ trời xao xuyến đầy vơi.


Chuyện riêng tư, có đáng gì đâu để kể, nhưng nhân vui Xuân muốn đem chuyện một thuở của đời mình có chút đỉnh khác biệt với người phụ nữ khác ra viết cốt tưởng nhớ chú Đặng Vĩnh Mai, cố Thành Viên Ban Thực Hiện tờ Đặc San Bình Định Bắc Cali nguyên là Trung Tá Hải Quân, cùng là giúp vui với các bác các chú đã từng trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, cũng góp chút kinh nghiệm cho những bạn trẻ sau này bạn nào có duyên với quân đội Hoa Kỳ, nếu có thể được.

Rocklin một ngày vào mùa Đông năm Mậu Tý (2008)

TRƯƠNG HỒNG LIÊN
Nguồn: Đặc San Bình Định - Xuân Mậu Tý 2008
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.