Tuyết Nga
*******************************************************************************************************
Phỏng Vấn nhà thơ Tuyết Nga
Lê Mỹ Ý
Khi viết, chị có ý thức mình là phái nữ và phải viết khác đi với những gì mà phái khác đã viết?
TN: Không. Thơ không cố ý như bạn nghĩ đâu. Với tôi, khi viết một bài thơ là khi tôi đắm mình sâu nhất vào trong đời sống, trong số phận của riêng mình. Khi ấy, trong tôi chỉ còn một ý thức duy nhất là phải cảm nhận hết và thể hiện hết được chính mình. Tôi chưa bao giờ quan tâm đến việc tôi giống hay khác người khác
Điều chị quan tâm và chú trọng nhất trong sáng tác?
TN: Tôi quan tâm đến quan niệm nghệ thuật, đến cách nhìn đời sống. Theo tôi nó là sự thể hiên tập trung nhất đặc điểm của một tác giả. Cuộc sống đa diện và nhiều biến hoá, khi tôi tìm đọc một tác giả nào đó là tôi đang muốn có thêm một cái nhìn khác, càng độc đáo, khác lạ càng tốt, về đời sống và về thế giới con người
Các nhà thơ nữ bao giờ cũng đem đến tiếng nói nữ tính và mạnh mẽ trong thơ ca. Tuy nhiên, nếu nhìn trên mặt bằng văn học, thơ nữ không có nhiều tác giả làm thành một lực lượng đông đảo bằng các cây bút văn xuôi. Trong thơ, cũng không có chuyện “nữ giới đang lên ngôi” như văn xuôi. Chị có bao giờ băn khoăn về điều này? Chúng ta nên lý giải như thế nào? Phải chăng các nhà thơ nữ thiếu nội lực hơn nữ nhà văn?
TN: Theo tôi trong cuộc sống nếu càng muốn minh định một điều gì đó, rất có thể bạn sẽ càng rời xa khỏi bản chất của đối tượng. Tôi không có những băn khoăn như bạn hỏi. Còn về chuyện nội lực giữa các nhà văn và các nhà thơ, hãy cho tôi một tiêu chí chính xác, tôi sẽ so sánh.
Nhiều người cho rằng phụ nữ sinh ra để làm dịu cái nóng của trái đất, còn trời cho họ chút năng khiếu là may lắm rồi, đừng nên đòi hỏi cao ở họ. Chị nghĩ thế nào?
TN: Mấy tiếng "may lắm rồi" nghe dễ cáu nhỉ (cười) nhưng theo tôi ý kiến này có phần đúng đấy bạn ạ. Bạn cũng là một phụ nữ, xin đừng phản đối tôi. Với tôi làm thơ là để san sẻ, để ghi nhận chứ không phải để chứng tỏ. Tôi đã luôn muốn mình là một phụ nữ trước khi là một người làm thơ và nếu phải chọn một trong hai thứ, tôi sẽ chọn làm một phụ nữ.
Vừa làm vợ, làm mẹ, tròn việc nhà, đảm việc xã hội, chị lấy thời gian đâu để sáng tác? Và làm thế nào để vẫn sáng tác hay trong khi thời gian đầu tư cho nó càng ngày càng ít đi?
TN: Bận rộn đã đành, tôi lại còn có một thói xấu là chỉ có thể ngồi làm thơ khi chỉ có một mình và không gian thật yên tĩnh. Vì thế nên tôi viết được rất ít và thường chỉ viết vào đêm khuya, khi đã xong hết mọi công việc, cả nhà đã ngủ và mình thì không quá mệt. Còn làm sao để vẫn sáng tác được hay khi không có thời gian ư? chuyện này thì khó quá. Mùa hè năm ngoái tôi có hẳn 1 tuần đi nghỉ ở bãi biển Sầm Sơn nhưng đã chẳng viết nổi một bài thơ nào, trong khi phần lớn tập Ảo giác tôi đã viết vào giai đoạn phải bù đầu với chuyện học hành thi cử.
Nữ tính là một ưu điểm trong giọng điệu của các nhà thơ nữ. Nhưng cũng vì thế mà đã có không ít ý kiến cho rằng các nhà thơ nữ thường hay rơi vào cảm xúc kể lể, đa cảm, ít có những suy tư, chiêm nghiệm và khai thác bề sâu vô thức, tâm linh... để nâng thơ lên một tầm mới?
TN: Tôi nghĩ là ý kiến này ít nhiều có cơ sở đấy. Nhưng vấn đề không phải ở nữ tính, bởi "kể lể, đa cảm", "ít suy tư" không phải chỉ có trong thơ nữ thôi đâu. Tôi nghĩ, một chiều sâu có ý nghĩa triết học trong cách nhìn đời sống, trong những tiêu chí thẩm mỹ, một "hàm lượng trí tuệ" theo cách nói của người thời nay... đó là thứ mà thơ Việt nói chung đang thiếu.
Chị có nhìn nhận gì về thơ nữ Việt Nam hiện đại và thế hệ thơ của mình nói chung?
TN: Điều này tôi nghĩ là đã có trong những ý kiến trên đây của tôi rồi
Dự định sắp tới về thơ ca của chị?
TN: Với tôi, thơ là thứ không thể dự định trước được. Ai có thể biết trước được mọi vui buồn của mình, rằng những ngày chưa tới mình sẽ ra sao ?
Giải thưởng Hội nhà văn VN năm 2003 dành cho “Ảo giác” có phải là thành công lớn nhất của chị?
TN: Đó là giải thưởng lớn nhất trong bốn giải thưởng về thơ của tôi từ trước đến nay.
Ngay với tập thơ đã được chị “tự biên tập” cẩn thận chỉ có 19 bài, cũng vẫn có những “hạt sạn” ngôn từ cũ, nhiều hình dung, từ cũ, câu thơ vẫn còn ve vuốt chưa dứt khoát...Chị thấy những nhận xét của nhà thơ Trúc Thông đúng với thơ mình không?
TN: Một người cẩn trọng về chữ nghĩa như nhà thơ Trúc Thông mà đã nhận xét chắc là đúng đấy. Tôi luôn cần những lời nhắc nhở như thế. Tôi chỉ hơi hoang mang, lớp trẻ (so với các anh ấy) như chúng tôi vừa không được "lạ hoắc" nhưng lại cũng vừa phải đoạn tuyệt "dứt khoát", không được liên quan một chút nào nữa đến những gì "đã quen thuộc" thì biết phải như thế nào đây? Thơ thật là khó, tôi kính trọng vô cùng những người liên quan đến thơ, kỳ vọng ở thơ.
Ngày 21/2/2004
http://amvc.free.fr/Damv...etNga/TuyetNgaLeMyY.htm