Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Hiệp Ðịnh Trục Xuất Về Việt Nam
PC
#1 Posted : Wednesday, January 30, 2008 4:00:00 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,669
Points: 28
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Nguyên văn Hiệp Ðịnh Trục Xuất Về Việt Nam
Wednesday, January 30, 2008


Nam Lộc

Sau hơn một tuần lễ kể từ ngày chính phủ Hoa Kỳ đạt thỏa hiệp trục xuất với Việt Nam hôm 22 Tháng Giêng, 2008, chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được rất nhiều câu hỏi và những thắc mắc liên quan đến hiệp định này. Thể theo lời yêu cầu của quý vị đồng hương, chúng tôi xin gởi đến quý vị nguyên văn bản hiệp định bằng Việt ngữ. Hy vọng quý vị có thêm dữ kiện để tìm ra câu trả lời cho những điều mà quý vị đang quan tâm.


Hiệp Ðịnh giữa chính phủ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về việc nhận trở lại công dân Việt Nam

Chính phủ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ (sau đây gọi tắt là “Chính phủ Hoa Kỳ”) và Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là “Chính phủ Việt Nam”).

Với lòng mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước, quy định những thủ tục cho các cơ quan có thẩm quyền của hai nước về việc nhận trở lại nhanh chóng và có trật tự những công dân Việt Nam được Chính phủ Hoa Kỳ ra lệnh trục xuất khỏi Hoa Kỳ,

Nhằm mục đích quy định những thủ tục chung cho các cơ quan có thẩm quyền dựa trên những nguyên tắc pháp lý của mỗi nước và trách nhiệm quốc tế về việc nhận trở lại công dân hồi hương và thể theo những nguyên tắc chung đã được công nhận của luật pháp quốc tế, cho phép việc hồi hương được xác định trên cơ sở từng trường hợp cụ thể và công nhận quyền của nước nhận trong việc xác định quốc tịch,

Ðã thỏa thuận như sau:


Ðiều 1

Những quy định chung

1. Chính phủ Hoa Kỳ thực hiện việc hồi hương công dân Việt Nam vi phạm pháp luật Hoa Kỳ trên cơ sở phù hợp với pháp luật Hoa Kỳ, luật pháp quốc tế và các điều khoản của hiệp định này. Việc hồi hương cần tính đến khía cạnh nhân đạo, tính thống nhất gia đình và hoàn cảnh của từng người trong từng trường hợp cụ thể.

2. Chính phủ Việt Nam có thể xem xét nhận trở lại những công dân Việt Nam vi phạm pháp luật Hoa Kỳ, trên cơ sở xem xét các thủ tục pháp lý, quy chế và hoàn cảnh của từng trường hợp cụ thể. Ðối tượng và thủ tục nhận trở lại được xác định theo những quy định của hiệp định này.

3. Việc hồi hương được thực hiện trong trật tự, an toàn và tôn trọng nhân phẩm của người hồi hương. Chính phủ Hoa Kỳ cho phép công dân Việt Nam bị trục xuất thu xếp các công việc cá nhân của họ ở Hoa Kỳ trước khi đưa họ trở về Việt Nam trong khoản thời gian hợp lý.

4. Người hồi hương theo hiệp định này có quyền chuyển về Việt Nam tiền và tài sản cá nhân hợp pháp của mình.

5. Chính phủ Hoa Kỳ chịu các chi phí liên quan đến việc đưa người trở về Việt Nam những người hồi hương phù hợp với quy định tại Ðiều 5 và Phụ lục 1 của Hiệp định này. Chính phủ Hoa Kỳ cũng chịu mọi chi phí cho việc nhận trở lại Hoa Kỳ bất cứ người nào bị hồi hương do nhầm lẫn phù hợp với quy định tại Ðiều 3 của hiệp định này.


Ðiều 2

Những người có thể bị trục xuất và các điều kiện nhận trở lại

1. Chính phủ Việt Nam nhận trở lại những công dân Việt Nam phù hợp với Ðiều 1 và khoản 2 Ðiều 2 của hiệp định này, nếu sau khi điều tra những người này đáp ứng những điều kiện sau:

(a) Là công dân Việt Nam và đồng thời không phải là công dân Hoa Kỳ hoặc công dân của bất kỳ nước nào khác;

(b) Trước đây đã cư trú tại Việt Nam và hiện không có nơi cư trú ở nước thứ ba;

(c) Ðã vi phạm pháp luật Hoa Kỳ và bị cơ quan có thẩm quyền ra lệnh trục xuất; và (d) Nếu người này bị kết án do phạm tội hình sự (kể cả các vi phạm pháp luật nhập cư) thì trước khi bị trục xuất người này phải thi hành xong án tù hoặc được giảm án tù theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Những công dân Việt Nam đã đến Hoa Kỳ trước ngày 12 Tháng Bảy, 1995, ngày mà hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, không thuộc đối tượng nhận trở lại về Việt Nam theo hiệp định này. Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam vẫn giữ lập trường pháp lý của mình liên quan đến những công dân Việt Nam rời Việt Nam đến Hoa Kỳ trước thời điểm nói trên.

3. Trong trường hợp công dân Việt Nam di cư sang Hoa Kỳ từ một nước thứ ba là nơi người này đã thường trú và nếu người này được lệnh trục xuất khỏi Hoa Kỳ thì Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tìm cách đưa người này quay lại nước thứ ba đó hoặc xem xét cho người này ở lại Hoa Kỳ, trước khi yêu cầu đưa người này về Việạt Nam.

4. Trong bất kỳ trường hợp nào nếu Chính phủ Việt Nam có được những thông tin liên quan đến việc hồi hương của một người mà trước đây thông tin này chưa được Chính phủ Hoa Kỳ xem xét, thì Chính phủ Việt Nam có thể yêu cầu xem xét lại mặt nhân đạo dựa trên những hoàn cảnh cụ thể của người bị hồi hương phù hợp với pháp luật Hoa Kỳ.


Ðiều 3

Nhận trở lại trong trường hợp hồi hương nhầm lẫn

Khi nhận được thông báo của Chính phủ Việt Nam là một người đã bị Chính phủ Hoa Kỳ trao trả về Việt Nam nhưng không đáp ứng tất cả các điều kiện quy định tại Ðiều 2 của hiệp định này, Chính phủ Hoa Kỳ nhanh chóng nhận lại người đó trở lại Hoa Kỳ mà không cần qua bất kỳ thủ tục đặc biệt nào.


Ðiều 4

Thủ tục nhận trở lại

1. Khi Chính phủ Hoa Kỳ cho rằng một người có thể được lệnh trục xuất khỏi Hoa Kỳ là công dân Việt Nam và đáp ứng tất cả các điều kiện quy định tại Ðiều 2 của hiệp định này, Bộ Nội An Hoa Kỳ, thay mặt Chính phủ Hoa Kỳ, yêu cầu Chính phủ Việt Nam cấp giấy tờ đi lại phù hợp và sẽ chuyển các hồ sơ cần thiết của người đó cho Chính phủ Việt Nam. Các hồ sơ này bao gồm ba bộ, một bản gốc và hai bản sao. Một bản gốc và một bản sao sẽ được Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam gởi cho Bộ Công An Việt Nam (Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh). Bản sao còn lại được gởi cho Bộ Ngoại Giao Việt Nam (Cục Lãnh Sự).

Mỗi bộ hồ sơ bao gồm công hàm ngoại giao đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp nhận người hồi hương, họ tên của người mà Chính phủ Hoa Kỳ dự định hồi hương về Việt Nam, các tờ khai thích hợp do đương sự điền đầy đủ (mẫu trong Phu Lục 2 kèm theo hiệp định này), bản sao lệnh trục xuất và các tài liệu khác liên quan đến lý lịch, quốc tịch, quá trình phạm tội, hình phạt đã áp dụng, quyết định ân xá hoặc giảm hình phạt tù. Lệnh trục xuất sẽ được dịch ra tiếng Việt theo mẫu quy định, và giấy tờ liên quan đến quá trình phạm tội, bao gồm cả hồ sơ tiếng Anh của Trung Tâm Quốc Gia về Thông Tin Hình Sự, kèm theo mã đọc phải được dịch ra tiếng Việt. Tất cả các giấy tờ, tài liệu và bản dịch phải được cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ chứng thực.

2. Theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ thu xếp và tạo điều kiện để viên chức xuất nhập cảnh của Việt Nam phỏng vấn những người thuộc diện quy định tại Ðiều 2 (1) của hiệp định này để xác minh các thông tin liên quan đến quốc tịch Việt Nam, dữ liệu nhân thân và nơi cư trú cuối cùng của người đó. Bộ Nội An Hoa Kỳ sắp xếp địa điểm thực hiện các cuộc phỏng vấn đó. Chính phủ Hoa Kỳ cũng sẽ tạo điều kiện để các viên chức lãnh sự của Việt Nam đang công tác tại Hoa Kỳ phỏng vấn những người có thể bị trục xuất mà Hoa Kỳ tin rằng người đó là công dân Việt Nam.

3. Chính phủ Việt Nam sẽ nhanh chóng trả lời cho Chính phủ Hoa Kỳ về các trường hợp nói đến tại Ðiều này sau khi đã hoàn tất việc minh xác về phía Việt Nam. Nếu khẳng định đương sự, mà tên và hồ sơ của người này đã được chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam theo đúng những quy định tại Ðiều này, đáp ứng các điều kiện quy định tại Ðiều 2, Bô Công An Việt Nam cấp giấy thông hành cho phép người đó trở về Việt Nam, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam biết.

4. Sau khi Chính phủ Việt Nam cấp giấy thông hành theo hiệp định này, Chính phủ Hoa Kỳ thông báo trước ít nhất mười lăm (15) ngày về chuyến bay và việc chuẩn bị hồi hương người được nhận trở lại Việt Nam. Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam thông báo cho Bộ Công An (Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh) và Bộ Ngoại Giao (Cục Lãnh sự) về ngày tháng và số chuyến bay, thời gian hạ cánh, cửa khẩu (sân bay Nội Bài ở Hà Nội hay sân bay Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn, các chi tiết liên quan đến viên chức Hoa Kỳ áp giải người hồi hương (như họ tên, ngày sanh, số hộ chiếu, thời gian dự kiến lưu lại Việt Nam...) để phía Việt Nam khẳng định lại việc tiếp nhận người hồi hương.

Khi một người đang được điều trị y tế được trao trả về Việt Nam theo hiệp định này, các viên chức áp giải Hoa Kỳ sẽ chuyển giao cho các viên chức tiếp nhận của Việt Nam bản sao hồ sơ y tế của người hồi hương tại sân bay. Viên chức áp giải và tiếp nhận của hai bên sẽ ký tên biên bản xác nhận việc bàn giao người hồi hương.


Ðiều 5

Chi phí

1. Chính phủ Hoa Kỳ chịu chi phí vận chuyển những công dân Việt Nam hồi hương về Việt Nam theo hiệp định này.

2. Chính phủ Hoa Kỳ chịu chi phí cho việc tiếp nhận người hồi hương bao gồm chi phí cho việc xác minh, việc tiếp nhận họ tại sân bay và chuyên chở những người này từ sân bay về nơi cư trú phù hợp với Phụ Lục 1 kèm theo.

3. Chính phủ Hoa Kỳ chịu chi phí thu xếp các cuộc phỏng vấn do các viên chức Việt Nam có thẩm quyền thực hiện đối với những người mà Chính phủ Hoa Kỳ cho rằng họ là công dân Việt Nam và thuộc đối tượng hồi hương theo hiệp định này.

4. Chính phủ Hoa Kỳ chịu chi phí đưa trở về Hoa Kỳ những người hồi hương do nhầm lẫn quy định tại Ðiều 3 của hiệp định này.


Ðiều 6

Hiệu lực và thời hạn

1. Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực sau sáu mươi (60) ngày kể từ ngày được hai chính phủ ký.

2. Sau khi có hiệu lực, hiệp định này có giá trị trong thời hạn năm (5) năm. Sau đó, hiệp định sẽ được tự động gia hạn thêm từng ba (3) năm một trừ khi chính phủ này thông báo bằng văn bản cho chính phủ kia về việc không gia hạn hiệp định này ít nhất (6) tháng trước ngày hiệp định hết hạn.


Ðiều 7

Sửa đổi và bổ sung

Hiệp định này có thể được sửa đổi hoặc bổ sung theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ qua đường ngoại giao thích hợp.


Ðiều 8

Giải quyết tranh chấp

Mọi tranh chấp phát sinh liên quan đến việc giải thích và thực hiện hiệp định này được giải quyết qua đường ngoại giao thích hợp .


Ðiều 9

Ðình chỉ và chấm dứt hiệu lực

Hiệp định này có thể được một trong hai chính phủ đình chỉ hoặc chấm dứt hiệu lực. Việc đình chỉ hoặc chấm dứt hiệu lực hiệp định này có hiệu lực sau ba mươi (30) ngày kể từ ngày chính phủ này nhận được văn bản thông báo của chính phủ kia về ý định đình chỉ hoặc chấm dứt hiệu lực hiệp định này .

Làm tại Hà Nội, ngày 22 Tháng Giêng, 2008, thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Cả hai văn bản có giá trị như nhau.

Thay Mặt Chính Phủ Thay Mặt Chính Phủ Nước

Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Ký tên Ký tên

Julie Myers Ðào Viết Chung

Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.