Khi bố đẻ là yêu râu xanh .
Mỗi lần người yêu ôm ấp là Linh lại sợ hãi đẩy ra, dù cô rất yêu anh. Nỗi ám ảnh bị người cha cưỡng đoạt từ thủa bé lúc nào cũng như đám mây đen u ám trong đầu cô.
Nhìn bên ngoài, gia đình Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) có vẻ rất hạnh phúc. Bố cô được ca ngợi vì không chỉ thành đạt mà còn rất dịu dàng, ân cần với vợ con. Không ai biết mỗi lần nghe ai khen bố, cô đều co rúm người lại vì cảm giác kinh sợ và cay đắng. Từ khi Linh 11 tuổi, ông đã thường xuyên bóp nắn, sờ soạng mỗi khi gần con gái, khiến cô bé rất hoảng hốt mỗi khi biết mẹ sẽ vắng nhà.
Một lần khi mẹ đi công tác, bố Linh đã cướp đi đời con gái của cô. Lúc đó Linh 12 tuổi. Không thể chống lại bố, cũng không thể kể với mẹ, Linh những muốn chết đi nhưng cũng không dám vì sợ tai tiếng cho gia đình. Sự bế tắc làm cô bé muốn phát điên. Người cha lặp lại hành động ấy nhiều lần trong suốt 3 năm và chỉ chấm dứt khi Linh bắt đầu hành kinh.
Sự khổ đau không kết thúc. Linh cố quên đi nhưng từng chi tiết đáng ghê tởm lại càng hiện rõ, trở đi trở lại trong đầu cô. Nó xuất hiện liên tục trong các giấc mộng. Lớn lên, Linh trở thành một cô gái nhút nhát và khổ hạnh trong mắt mọi người. Cô không giao tiếp với đàn ông, nghi ngờ mọi sự quan tâm săn sóc. Sau khi quyết liệt đấu tranh với bản thân, đến nay ở tuổi 29, cô cũng có người yêu.
Nhưng mỗi khi anh có những cử chỉ thân mật, Linh cứ rúm người lại. Người yêu cô đau khổ và ngờ vực, nhưng cô không biết phải nói gì với anh. Rất sợ mất anh, người đã trở thành vô cùng quan trọng trong cuộc sống cô độc của cô, nhưng Linh cũng sợ làm chảy máu vết thương lòng.
Còn Hoài, 18 tuổi, quê ở Quảng Nam, đang phải sống lang thang và chưa biết ngày nào có thể trở về. Cũng như Linh, cô bị bố xâm hại từ nhỏ. Bố cô cũng là người được kính trọng bởi sự hiểu biết, cách sống có trước có sau với mọi người và sự tận tụy với gia đình. Khi Hoài cố cự tuyệt bố, ông đã tức giận và tìm cách quản thúc cô. Lấy cớ đang tuổi học hành, ông không cho Hoài giao lưu với bạn bè, thậm chí tỏ thái độ gay gắt khi có ai đến chơi với con gái. Cách đối xử đó cộng thêm tính mặc cảm và thu mình của Hoài kể từ khi gặp chuyện bất hạnh đã khiến bạn bè dần rời xa cô.
Cô độc, đau đớn, Hoài nghĩ mình phải làm điều gì đó để khỏi tự hủy hoại bản thân. Học hết lớp 12, cô bỏ nhà đến một tỉnh xa, làm phục vụ bàn kiếm sống. Thỉnh thoảng, cô viết vài dòng vắn tắt về nhà cho mẹ yên tâm là mình vẫn khỏe, nhưng không giải thích gì hơn, cũng không để lại địa chỉ. Hoài chưa biết lúc nào mình có thể trở về, có thể quên đi mọi chuyện để sống tiếp một cách bình thường.
Theo tiến sĩ Lã Thị Bưởi, trưởng phòng khám Tuna (Phố Vọng, Hà Nội), hiện tượng bố xâm hại tình dục với con gái còn nhỏ tuổi vẫn xảy ra, nhưng do tính chất tế nhị của nó nên sự việc không được nhiều người biết đến. Vốn dĩ ham muốn tình dục là bản năng của loài người, nhưng nó luôn luôn bị lý trí kiềm tỏa. Con người luôn biết việc quan hệ tình dục với con cháu là không được, điều đó đã in trong tiềm thức. Tuy nhiên, trong một số hoàn cảnh đặc biệt (chẳng hạn như bố say rượu), ham muốn lên đến tột độ khiến lý trí không đủ sức ngăn giữ, sự loạn luân sẽ xảy ra.
Trong trường hợp chuyện xâm hại con gái lặp lại nhiều lần và thường xuyên thì người bố có vấn đề về tâm thần. Theo tiến sĩ Bưởi, đó là bệnh lý loạn dục trẻ em - một kiểu lệch lạc tình dục bên cạnh các chứng ảo dâm, thị dâm, khổ dâm, bái vật... Người mắc hội chứng này luôn hướng sự ham muốn của mình vào trẻ vị thành niên thay vì phụ nữ trưởng thành.
Không nên ngậm đắng nuốt cay
Theo tiến sĩ Lã Thị Bưởi, việc bị chính bố đẻ xâm hại gây những sang chấn tinh thần vô cùng lớn ngay lập tức và cả về lâu dài. Cơn sốc có thể khiến nạn nhân mắc hội chứng thoái triển, tâm thần trở về thời thơ ấu để trốn tránh nỗi đau, với biểu hiện nói năng bập bẹ, mút tay, tè dầm... Stress cấp có thể khiến trẻ tự thu mình hay có những hành động quá mức, có những cơn hoảng sợ, lo âu, giận dữ.
Một thời gian sau sang chấn, nỗi đau vẫn khó nguôi ngoai và thường gây chứng trầm cảm, có thể dẫn đến tự sát. Từng chi tiết về sự việc đã qua cứ tái hiện, trở đi trở lại thường xuyên trong ý nghĩ và giấc mơ của nạn nhân. Nhiều trẻ thấy sợ hãi khi thấy đàn ông, né tránh các cử chỉ âu yếm của mọi người.
Nếu không được giải tỏa, ám ảnh về nỗi bất hạnh trên sẽ đi theo người con gái nhiều năm sau đó. Ngay cả khi trông vẻ ngoài cô ta có vẻ bình thường thì trong lòng, vết thương có thể vẫn chưa liền miệng. Cô sẽ khó thích ứng với cuộc sống, khó hòa nhập với mọi người và gặp khó khăn trong công việc cũng như kiếm tìm hạnh phúc.
Phần lớn nạn nhân của các vụ loạn luân đều tự nhủ sống để dạ chết mang theo. Họ không thể nói ra vì câu chuyện nhơ nhớp đó sẽ khiến gia đình không thể tồn tại và từng thành viên sẽ phải chịu đau đớn vì quá nhục nhã. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Bưởi, nếu chọn cách "đào sâu chôn chặt", nỗi đau sẽ vẫn âm ỉ trong lòng như một khối ung nhọt, không thể tan đi được. Nó cần được giải tỏa để nạn nhân có thể sống tiếp.
Tiến sĩ Bưởi cho rằng em gái bị lâm vào bi kịch loạn luân nên nói với mẹ, dù chuyện đó sẽ gây bão lòng, để được bảo vệ. Người mẹ trong trường hợp này cần đứng về phía con mình, và nói chuyện thẳng thắn với chồng. Lúc này, việc nhìn thấy nhau, ngồi với nhau trong mâm cơm giữa ba người sẽ vô cùng khó khăn. Nhưng nếu hành vi của người bố chỉ là bột phát tức thời, ông ta đã ân hận và mọi người đều quyết tâm làm lại thì có thể sẽ vượt qua. Trong trường hợp ngược lại, sự chia ly cũng là giải pháp tốt. Điều quan trọng nhất là ngăn chặn hành vi loạn luân và bảo vệ đứa trẻ.
Để thoát khỏi nỗi ám ảnh, nạn nhân cần có sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý. Nói ra những điều chất chứa trong lòng, đối mặt với bi kịch của bản thân, được tư vấn và trị liệu, trẻ sẽ học được cách vượt qua nỗi đau để lấy lại sự cân bằng trong phần đời tiếp theo.
Để tai họa trên không xảy ra, người mẹ cần gần gũi hơn với con gái để nhận biết ngay những thay đổi trong tâm hồn con mình. Làm cho trẻ rằng dù cho có tai họa gì xảy ra, con cũng có thể nói với mẹ và mẹ luôn luôn đủ sức bảo vệ con.
Hải Hà
http://www.vnexpress.net...-song/2007/08/3B9F9610/