Nguyễn Thị Tâm Đối với nhiều thế hệ họa sĩ trẻ, thì nữ họa sĩ Nguyễn Thị Tâm là một tấm gương lao động nghệ thuật không hề mệt mỏi với 50 năm vừa sáng tác vừa dạy vẽ.
Để đánh dấu những ngày đầu tiên bước vào ngưỡng tuổi "cổ lai hy", chị đã trưng bày một cuộc triển lãm tranh cá nhân với chủ đề Bồng bềnh với sen tại Nhà triển lãm TP.HCM. Tranh của chị luôn mang một vẻ duyên dáng lặng thầm và bàng bạc chất Á Đông...
Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm sinh ngày 22.12.1936 tại Mỹ Tho (Tiền Giang) trong một gia đình có tới 11 người con mà chị là con thứ 6. Mỗi người con theo một ngành khác nhau, riêng chị lại thừa hưởng được "hoa tay" của người bố. Năm 1955, trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định tuyển sinh 16 người và Nguyễn Thị Tâm là thí sinh "đội sổ" (hạng 16/16). Bốn năm sau (1959), Nguyễn Thị Tâm tốt nghiệp "đầu sổ" (thủ khoa) khóa Sư phạm hội họa để đi dạy vẽ ở trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân (Mỹ Tho). Rồi lấy chồng (họa sĩ Nguyễn Long Sơn), theo chồng về Cần Thơ dạy vẽ ở trường Đoàn Thị Điểm. Đến năm 1972 về lại Sài Gòn và dạy ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (nay là Đại học Mỹ thuật TP.HCM) cho đến năm 1984 thì nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục dạy vẽ ở ngoài...
* Tại sao chị lại lấy chủ đề Sen nhân kỷ niệm 70 tuổi?
cá nhân với đề tài sen vào năm mình 70 tuổi. Cho nên khi tôi 69 tuổi, tôi dành hẳn một năm để vẽ sen, cả tranh lụa lẫn sơn dầu... Sen tượng trưng cho sự thanh khiết, tịnh yên cho tâm hồn. Ở tuổi 70, tôi cũng cảm nhận được sự thanh thoát, bình yên trong tâm hồn, hầu như không còn vướng bận đến những "sân si" đời thường.
* Giữa lụa và sơn dầu, đâu là sở trường của chị?
- Khi học vẽ thì sở trường của tôi là sơn dầu nhưng khi thi tốt nghiệp thì bài thi về vẽ tranh lụa của tôi lại đứng hạng nhất. Thầy Hiệu trưởng Lê Văn Đệ (cũng là thầy dạy trực tiếp của tôi) nhận xét: "Em vẽ lụa rất tốt! Em nên theo đuổi việc vẽ lụa, đừng bỏ qua một nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Hơn nữa, lụa rất hợp với nữ tính, nhẹ nhàng, kín đáo...". Một lý do nữa để tôi chọn vẽ lụa là tôi có 5 người con (cách nhau năm một), vừa trông con vừa vẽ, sợ chúng vọc sơn dầu rất dơ...
* Trong triển lãm Bồng bềnh với sen đã xuất hiện rất nhiều những bức tranh mà chị gọi là tranh "nền trắng". Chị giải thích một chút về điều này?
- Cách đây 10 năm, tôi đang ngồi nói chuyện với một người bạn ở Sapa thì mây trắng kéo tới và bỗng nhiên cả hai chúng tôi chìm lẫn vào trong mây, lúc ẩn lúc hiện. Tôi thích quá, thấy như mình lạc vào cõi thiền, sắc sắc không không... và tôi nẩy ra ý niệm vẽ một dòng tranh lấy tên là "nền trắng": loại bỏ tất cả sự rườm rà, những màu sắc không cần thiết, chỉ giữ lại phần cốt lõi (hình vẽ đặc trưng và màu sắc không thể bỏ được) để tạo nên một sự giản dị về hình thể và màu sắc. Vì màu trên vạn vật được xóa mờ đến trắng như lạc vào cõi thiền và bức tranh được tinh khiết, thanh cao trong sự bộn bề của chung quanh...
* Trong triển lãm vừa rồi có khá nhiều học trò của chị đến chúc mừng thầy. Chị có nhớ mình đã dạy bao nhiêu học trò không và ai trong số họ thành đạt về nghề nghiệp?
- Từ năm 24 tuổi tôi đã đi dạy học nên làm sao mà nhớ hết được! Chỉ riêng thế hệ học trò sau 1975 có các họa sĩ: Xuân Đông, Hoài Phi, Đặng Minh Phương, Vũ Hà Nam, Nguyễn Phi Long, Võ Ngọc Phượng... Nhưng những sự thành đạt của các họa sĩ này không làm tôi tâm đắc bằng những lớp vẽ cho học trò khiếm thính mà trong hơn 10 năm qua tôi đã dạy được 4-5 đợt...
* Những dự định sắp tới của chị?
-Tôi hiện là Chủ nhiệm CLB Họa sĩ nữ của Hội Mỹ thuật TP.HCM. Trách nhiệm của tôi là cố gắng để CLB hoạt động mạnh hơn trong khả năng có thể. Xa hơn, nếu còn sức khỏe thì sẽ đầu tư để 5 năm nữa sẽ làm thêm một cuộc triển lãm với chủ đề "75 năm mới biết một góc rừng"!
Hà Đình Nguyên
thanhnien online