Rank: Advanced Member
Groups: Registered, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 4,945 Points: 1,581 Location: Đông Bắc Gia Trang
Thanks: 1 times Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
|
“JOURNEY FROM THE FALL” Bình Nguyên
“Journey from the Fall” của Hàm Trần và Lâm Nguyễn là “Cuộc hành trình từ sự sụp đổ”. Chữ “the Fall” ở đây không thể dịch là “mùa thu” mà là một danh từ, một sự té ngã, thua, hay thất thủ. Tôi nghĩ nó nên là một sự “sụp đổ”, sự sụp đổ của một chế độ! Tôi không muốn dùng tên tiếng Việt của bộ phim là “Vượt sóng”, vì “Vượt sóng” không nói lên ngay được ý nghĩa của bộ phim, nhưng “Cuộc hành trình từ sự sụp đổ” đã lột tả ngay được chặng đường dài cực khổ mà người Việt Nam đã phải trải qua.
Câu chuyện bắt đầu từ chuyện thanh kiếm của thần Kim Quy tặng vua Lê Lợi lúc chiến đấu chống giặc Minh. Người đàn bà trong phim cho rằng đất nước Việt Nam không hết chiến tranh vì vua Lê quên trả gươm thần cho rùa vàng sau cuộc chiến. Điều này làm tôi chợt nhớ tới câu chuyện của vua Chế Bồng Nga. Người ta nói rằng vua nước Chiêm Thành là Chế Bồng Nga, lúc thất trận, trước khi chết đã nguyền rằng “đất nước Việt Nam sẽ không bao giờ bình yên!” Điều đó đúng hay sai, tôi không biết, huyền thoại hay chuyện thật, không ai kiểm chứng được, nhưng rõ ràng là cho đến bây giờ đất nước Việt Nam vẫn chưa được bình yên.
Bao nhiêu người chiến sĩ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã chọn con đường chiến đấu tới cùng và ở lại Việt Nam trong ngày cuối tháng tư năm 1975. Tại sao họ ở lại? Tại vì họ là những con người bình thường, rất bình thường, những người yêu quê hương mình, nơi mình sinh ra và lớn lên với bao kỷ niệm vui buồn. Họ không thể thấy tương lai ở một nơi nào khác ngoài quê hương họ như thế nào. Nơi đất lạ quê người làm sao mà sống. Nhiều người thì suy nghĩ đơn giản hơn, là họ còn có gia đình, cha mẹ, vợ con ở quê hương thì họ bỏ đi sao đành? Dầu gì Cộng sản cũng là con người, không lý nào mà họ không thể sống chung với “con người” được. Và Long, một nhân vật trong phim, đã chọn sự ở lại Việt Nam trong cái ngày oan nghiệt ấy. Để rồi sau đó anh đi tù, cái nhà tù mà bọn Cộng sản Việt Nam đã đặt cho một cái tên mỉa mai mỹ miều là “Trại học tập cải tạo.” Nơi đó, người ta mất quyền làm người. Nơi đó, người ta mới biết rằng Cộng sản không phải là “con người.” Nơi đó, khi anh Long nhận ra sự thật thì đã quá trễ. Anh sống mà cũng như đã chết, thường xuyên bị biệt giam vì cái tội “khẳng khái” của mình. Câu nói mỉa mai nhất của anh với tên cán bộ Cộng sản là: “Sự khác nhau giữa nhà tù và trại cải tạo là ở trong tù người ta biết mình có tội gì và bị kết án đến khi nào. Còn ở trại cải tạo người ta không biết mình có tội gì và không biết đến khi nào thì mới được kết án.” Tên cán bộ nghe xong cười gằn: “Mày biết tại sao tụi tao thắng tụi mày không? Vì tụi tao không thích trào phúng như tụi mày.” Nói xong là đấm, là đá, là đạp, là tra tấn cho đến khi anh Long gục ngã.
Biết không sống được với chế độ Cộng sản, muộn màng vẫn còn hơn không, anh nói lóng bảo vợ anh là Mai đi lên vùng kinh tế mới, tức là tìm đường vượt biên. Cô Mai trong phim, như tên gọi, mảnh mai như một nhành mai, nhưng trên đôi vai gầy và bé nhỏ đó, cũng như của tất cả các phụ nữ Việt Nam lúc ấy, là những gánh nặng và những quyết định, mà trước giờ người đàn ông là người trụ cột trong gia đình gánh và quyết định. Bây giờ những người phụ nữ đó phải gánh và quyết định mọi việc.
Tôi không muốn tả lại tất cả các cảnh trong phim, vì tôi muốn để mọi người tự đi coi, tự nhận xét và thích thú về bộ phim. Bộ phim rất thật, thật đến độ, mỗi lần nghe súng bắn, là khán giả ở dưới giật mình, tránh qua một bên, vì sợ … trúng đạn! Những người nào đã từng đi vượt biên sẽ thấy là phim rất thật, sẽ thông cảm với Mai khi cô mang trên người những vết sẹo bỏng vì mẹ chồng cô muốn đổ nồi cháo nóng lên lưng tên hải tặc đang bắt cô để hãm hiếp, đã đổ cả lên người cô làm thành những vết bỏng.
Vết sẹo trên người Mai giống như một dấu tích bị hãm hiếp, mà cô đã nói với con trai cô, bé Lai, là cô đã chết hai lần, lần đầu là lần ở lại Việt Nam với chồng trong chế độ Cộng sản, và lần thứ hai là cái ngày bị phỏng ấy. Phụ nữ Việt Nam cũng như bao nhiêu người phụ nữ trên thế giới, nhiều khi họ không sống cho họ mà cho chồng, cho con. Người phụ nữ Á Đông câu “tam tòng” thường được giữ hàng đầu, ở nhà tòng cha, lấy chồng tòng chồng, chồng chết tòng con, muôn đời không sửa được, mà cũng không ai muốn sửa vì nó đã vô tình trở thành lẽ tự nhiên của họ. Và cô Mai đã gắng sống vì con mình, mặc dù chỉ sống như môt cái xác không hồn sau hai lần chết đó.
Cái lẽ tự nhiên của con người là cô Mai vẫn phải sống, phải đi làm, phải ăn, phải yêu, phải dạy con. Dạy con như thế nào? Nói cha nó vẫn còn sống, để cho nó còn hy vọng và nhớ về quê cha, đất tổ? Hay nói là cha nó chết rồi, để cho nó thích ứng với môi trường mới, để cho nó quên đi quá khứ mà chỉ nên biết đến hiện tại và tương lai? Cái sự dạy con tưởng như rất bình thường và rất dễ đó, thật ra lại rất khó. Nó khó giống như sự quyết định đi hay ở, sống hay chết, của anh Long và chị Mai ngay từ đầu bộ phim.
Đứa trẻ nào ra đường cũng muốn mình như bao đứa trẻ khác là có cha, có mẹ. Bé Lai sinh ra trên đất nước Việt Nam, vượt bao khó khăn để ra xứ người, rồi bé còn lại gì? Một bà nội khuyến khích cháu viết thư cho cha nó, nhưng không bao giờ gởi đi vì muốn giữ niềm hy vọng trong nó hay trong bà? Một bà mẹ suốt ngày đi làm để kiếm tiền nuôi sống gia đình? Nó cảm thấy bơ vơ, lạc lõng giữa đám bạn con nít vô tư cứ suốt ngày cười nhạo thằng bé Việt Nam thiếu cha.
“Journey from the Fall” chưa chấm dứt. Cuộc hành trình từ sự sụp đổ chưa hết, vì đứa bé đó sẽ còn phải lớn lên như thế nào trong xã hội mới này. Nó có còn nhớ về quê cha, đất tổ? Nhớ đến người cha đã hy sinh để cho bạn ông ta vượt thoát? Nó có hiểu nỗi nhục nhằn của mẹ nó? Nó có thông suốt được những lời bà nội nó dạy? Đây là một giá trị tâm lý sâu sắc từ bộ phim, cho tất cả mọi người, ở nhiều thế hệ.
Coi “Journey from the Fall” để thấy một cuộc đời của Long, số phận của con rồng Viêt Nam, để thấy một cuộc đời của Mai, số phận của người phụ nữ Việt Nam, và của Lai, một đứa bé Việt Nam sinh ra ở Việt Nam và lớn lên trên xứ người như thế nào. Coi, để thấy số phận của người Việt Nam trong hơn ba mươi năm qua. Coi, để thấy được những giá trị tâm lý sâu sắc nhất, để tính coi mình cần phải làm gì trong cách xử sự và trong những quyết định ở cuộc đời sắp tới. Coi, để cảm thông nỗi nhục nhằn của quê hương mình, để nghĩ coi mình cần phải làm gì để giúp cho quê hương Việt Nam thật sự thanh bình.
“Journey from the Fall” vẫn còn đó …
Nếu, tôi nói chữ “nếu”, vì trong bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào cũng thường có những ưu khuyết điểm. Nếu đoàn làm phim mời được những diễn viên trẻ hơn trong những vai phụ thì sẽ hợp với tuổi tác của các nhân vật trong thời gian đó hơn. Thí dụ, nhiều người đi học tập trong thời gian đó nên ở khoảng tuổi từ 30 đến 55, và các bà vợ cũng vậy, vì trong phim, những người đi học tập có vẻ hơi già. Dĩ nhiên các diễn viên cần phải đóng hay và đóng thật như các nhân vật thật trong phim hiện tại thì quá hay và quá tốt. Còn nhiều cảnh trong phim cần phải làm rõ ràng hơn thì sức thuyết phục sẽ cao hơn, nổi bật hơn, để cho những người chưa biết về cuộc chiến tranh Việt Nam nhận chân được sự thật về: “Cuộc hành trình từ sự sụp đổ.”
“Journey from the Fall” vẫn còn đó …
Bình Nguyên Tháng 11, 2006.
|