Các cụ nhà nho ta ngày xưa, ngoài cái thú cầm kỳ thi họa, còn có cái thú chơi câu đối. Nhiều vế đối rất hiểm hóc, đối được thì thú vị vô cùng. Chơi câu đối thú nhất là vào dịp tết, khi hoa đào hoa mai đua nở, mùi hương trầm ngào ngạt, ngồi bên chung trà thơm, cạnh nghiên mực đen, tờ giấy đỏ, nghĩ ra được câu đối đắc ý thì không còn gì thú vị cho bằng.
Những câu đối hay, nổi tiếng của các danh sĩ ta còn lưu lại trong sử sách không phải là ít. Nhưng bên cạnh những câu đối ấy, còn có những câu thách đối đã nhiều năm, nhiều thế hệ trôi qua mà cho đến nay vẫn chưa ai đối được vì quá hóc búa.
Nhắc đến những vế thách đối chưa đối được thì ai cũng nhớ đến vế đối của bà Đòan Thị Điểm ra cho Trạng Quỳnh khi ông đòi xem bà tắm :
Da trắng vỗ bì bạch
Thông minh, đĩnh ngộ như Cống Quỳnh mà đành chịu thua vì trong chữ Hán “bì” nghĩa là da, “bạch” nghĩa là trắng, rất khó đối. Cho đến nay đã có hàng trăm người thử đối nhưng không đạt. Vế đối được nhắc đến nhiều nhất là “ Trời xanh màu thiên thanh” nhưng cũng không chỉnh vì chữ “vỗ” là động từ mà đối lại “màu” là danh từ.
Một lần Cống Quỳnh ngồi đối diện với bà Điểm qua cửa sổ, bà Điểm bèn ra một vế đối: “Hai người ngồi song song hai cửa sổ” . Trong chữ Hán, chữ “song” nghĩa là hai, lại cũng có nghĩa là cửa sổ, Quỳnh bí, phải chịu thua.
Lần khác, bà Điểm từ phố Mía về, chợt nghĩ ra một ý hay bèn thách Quỳnh đối:
Lên phố Mía gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường
“kẹo” là tiếng địa phương, có nghĩa là “kéo”. Trong câu có bốn từ liên quan với nhau là : mía, mật, kẹo, đường. Quỳnh không tài nào tìm được từ để đối, đành chịu thua lần nữa.
Một vế thách đối khác khá hóc búa cũng của Hồng Hà nữ sĩ. Một hôm, nhóm danh sĩ kinh kỳ đứng đầu là Vũ Diễm đến xin tiếp xúc với giai nhân để thử tài cao thấp. Chủ nhân không chịu ra tiếp, chỉ cho đứa cháu gái là Đoàn Lệnh Khương bưng ra một quả trầu, trên để một mảnh hoa tiên mang dòng chữ rất đẹp :
Đình tiền thiếu nữ động tân lang
Câu thách đối thoạt nghe thì chẳng khó gì, nhưng thật lắt léo vì dùng chữ đồng âm dị nghĩa “thiếu nữ” là cô gái trẻ, nhưng còn có nghĩa là làn gió nhẹ; “tân lang” nghĩa là chàng rể mới, nhưng lại còn có nghĩa là cây cau. Hiểu nông cạn thì là : “ Trước sân cô gái mừng chàng rể mới” nhưng hiểu sâu hơn thì nghĩa là : “Gió nhẹ vờn cây cau”. Thật khó lòng tìm được những từ đồng âm dị nghĩa như vậy để đặt vào vế đối. Thế là nhóm danh sĩ kinh kỳ đành im lặng rút lui.
Bà Cai Vàng, vợ của thủ lĩnh Cai Vàng, tên thật là Lê Thị Miên, vừa có tài võ nghệ lại vừa giỏi văn chương. Thuở còn con gái, một lần có cậu nho sinh đọc hai câu thơ trong tác phẩm “Cung oán ngâm khúc” để trêu ghẹo nàng:
Lạnh lùng thay giấc cô miên.
Mùi hương tịch mịch, bóng đèn thâm u
Cậu có ý mượn hai câu thơ ấy để nói rằng cô đang chịu cảnh cô đơn chiếc bóng lạnh lùng. Tìm được hai từ “cô miên”, cậu ta lấy làm đắc ý lắm. Không ngờ cô chuyển ngay tình thế:
-Từ hai câu thơ ấy, em nghĩ ra được một vế đối. Ai mà đối được, em xin kết tóc se tơ. Vế đối ấy như sau : “Cô miên ngủ một mình”. Xin mời thầy đối.
Vế ra rất ngắn nhưng thật gay, vì trong chữ Hán, “cô miên” nghĩa là “ngủ một mình”. Thế là thầy nho đành phải đầu hàng và lặng lẽ rút lui.
Đó là chuyện ở ngoài Bắc. Ở trong Nam, mọi người còn truyền tụng một câu thách đối tuy nôm na nhưng cũng không kém phần hóc búa của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. Bà Sương Nguyệt Anh (8/3/1864 – 20/1/1921) tên thật là Nguyễn Xuân Khuê, con gái thứ năm của cụ Nguyễn Đình Chiểu, góa chồng khi còn rất trẻ. Ông cử Phạm Đình Chi ở Mỹ Tho nghe tiếng bà là bậc tài sắc văn chương nên lân la tìm đến làm quen để trước là kết duyên văn tự, sau là nên nghĩa sắt cầm. Ông yêu cầu bà ra vế đối để cho mình có dịp trổ tài. Nể lời ông và cũng để khỏi bị tiếp tục quấy rầy, bà ra vế đố như sau:
Đình làng tôi không dám phạm, thưa ông tôi phạm đình chi?
Vế thách đối có ý nói: tôi không dám phạm tới đình làng, vậy thưa ông, tôi phạm đến cái đình nào bây giờ?
Cái khó của câu này là cả tên họ của ông cử Phạm Đình Chi bị gói gọn vào trong đó. Biết đâu ra một cái tên tương tự để đặt vào vế đối? Thế là trong ba mươi sáu chước chỉ có chước “chuồn” là hay hơn cả.
Năm 1948, nhà thơ Hồ Dzếnh (1917 – 1991) lập gia đình với một nữ sinh thoát ly tên là Nguyễn Thị Huyền Nhân. Hai năm sau (1950) bà Huyền Nhân mất, để lại cho ông đứa con trai mới bốn tháng tuổi. Về sau Hồ Dzếnh vào Nam gặp bà Hồng Nhật là vợ góa của nhà thơ Trần Trung Phương (mất năm 1945). Hai người cùng cảnh ngộ nên trở thành đôi bạn đời và sống với nhau đến ngày răng long đầu bạc.. Trong buổi họp mặt cùng thân thích bạn bè, có người đùa vui ra vế đối:
Vợ góa nhà văn lấy nhà văn góa vợ
Trong số khách dự tiệc hôm ấy, có người đối lại như sau:
Con nuôi nước Việt nhờ nước Việt nuôi con
Trong vế đối có một danh từ riêng là nước Việt, trong khi vế thách đối không có, như vậy là chưa đạt
Sinh thời, nhà thơ Hồ Dzếnh thường bị anh em văn nghệ sĩ trêu cợt gọi là Hồ Dính. Có người ra vế đối như sau:
Hồ Dính dính hồ, hồ chẳng dính
vế đối rất khó, có hai người thử đối nhưng không đạt vì rất gượng
Ngọc Giao giao ngọc, ngọc không giao
Và
Vũ Bằng bằng vũ, vũ chưa bằng
(Ngọc Giao và Vũ Bằng là hai nhà văn tên tuổi)
Gần đây nhất, sau ngày 30/4/75, người ta kể câu chuyện như sau: có một góa phụ trẻ đẹp và có học, sau khi chồng qua đời bèn đứng ra mở một hiệu phở để làm kế sinh nhai. Thôi thì vương tôn công tử thời nay rủ nhau lui tới dập dìu, vì phở ngon cũng có mà vì sắc đẹp của chủ nhân cũng có. Trong số đó không thiếu những anh chàng mưu tính chuyện “rắp ranh bắn sẻ” để mai kia ăn phở…khỏi trả tiền vì lúc bấy giờ đời sống rất khó khăn. Biết vậy nên cô nàng bèn tìm cách khước từ một cách rất nhẹ nhàng tế nhị: hễ anh chàng nào có ý tán tỉnh là nàng xòe ra một câu thách đối, hứa rằng hễ ai đối được thì em sẵn sàng “sửa túi nâng khăn”. Câu thách đối như sau:
Nạc mỡ nữa mà chi, em nghĩ chín rồi, không tái giá
Câu này rất khó đối vì trong đó dùng nhiều “từ chuyên môn” của nghề phở : nạc, mỡ, chín , tái, giá. Thế là các cậu đành nối gót nhau rút lui cho đỡ thẹn. Quả thật là “xuất đối dị, đối đối nan” vậy
Trên đây là những câu thách đối mà cho đến nay vẫn chưa ai đối được cho thật đạt. Vậy xin mời chư quân đối thử xem sao.
Thú chơi câu đối ngày xưa thật là thanh tao, thú vị. Ngày nay thời thế đã đổi thay, cuộc sống vật chất khó khăn, mọi người còn phải lo bon chen kiếm sống, ai rảnh đâu mà ngồi gọt giũa từng chữ từng câu !
Huyền Viêm
Theo tạp chí Kiến thức ngày nay số 583