Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Tôi là me Tây - Tuyết Trần
Phượng Các
#1 Posted : Friday, August 19, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)

Tôi là me Tây

Tuyết Trần



Nhân đọc bài „Văn hóa và hôn nhân“ của tác giả Nguyễn Thế Long trong mục Xã hội - Đời sống hiện đại đăng trên talawas ngày 19.2.2005 (theo nguồn báo Văn hoá tháng 10.2004) tôi thấy bài viết khá „hấp dẫn“ và tự đặt câu hỏi, có phải tác giả muốn „khiêu khích“ người đọc để tạo ra một cuộc tranh luận văn hóa hay không. Nếu như thế thì Thế Long đã đạt được mục đích, bằng cớ là tôi đang có ý kiến về bài của ông.

Tôi là me Tây từ hơn hai mươi lăm năm nay. Đó là vốn sống của tôi để viết bài này. Nhưng trước khi viết bài, và nhất là sau khi đọc bài của Thế Long, tôi đã chạy ra đứng trước tấm gương to trong phòng khách, ngắm thật kỹ dung nhan mùa thu của tôi trong gương, theo tiêu chuẩn, „tuổi đã ngoài 40, mà nhan sắc theo quan niệm thông thường ở ta thì chỉ xếp loại dưới trung bình, nếu cứ ở Việt Nam thì yên trí sống cô đơn cho đến hết đời, nhưng được cử sang đây học làm Tiến sĩ, học xong đều lấy được chồng Tây, sống rất sung sướng và không cần phải đi làm nữa (vì tiền thu nhập cũng chỉ xấp xỉ như thuế thu nhập của chồng, nếu chưa lấy vợ phải nộp)„. Quả thật, tóc tôi đã lưa thưa trắng, hai má tôi đã hơi xệ xệ, mắt tôi nhăn có đuôi tôm, không phải đuôi bướm, còn thân hình thì cũng đã phệ phệ và có những đường cong không đúng chỗ. May mà răng chưa sún! Bỗng dưng tôi nhớ lại lá thơ của một cô bạn học thời thơ ấu, Phương Dung hỏi tôi, này nhớ gửi tấm hình cho xem „bà tiên“ khi xưa bây giờ ra sao? Bạn tôi bảo tôi lúc trẻ thì đẹp như tiên, có thích không! Thế nhưng bây giờ thì lại lọt vào tiêu chuẩn của Thế Long, có tủi thân không!

Tôi giễu thôi đấy. Tôi thấy tôi vẫn còn đẹp chán, đẹp kiếu sồn sồn, trai ba mươi còn chạy theo hỏi: „mẹ em đâu?“, và tài xế xe vận tải vẫn còn thắng gấp két két để vẫy tay chào khi tôi lái xe ngang qua!

Giời ạ, đâu phải chỉ có đàn bà xấu xí mới lấy Tây, hoặc ngược lại Tây chỉ vớ phải đồ xấu xí thải ra của các ông nhà ta. Nói như thế là sai bét.

Thời cha mẹ tôi, lúc Tây còn bảo hộ dân An-na-mít, các cụ đã phán rất độc rằng, chỉ có hai hạng đàn bà làm me Tây, đó là giới trí thức và giới làm đĩ! Đặt trí thức ngang hàng với đĩ là đủ biết các cụ rất coi trọng trí thức đàn bà như thế nào. Đó là cái thời mà khi ra đường vợ chồng không được nắm tay nhau dung dăng dung dẻ, mà ông đi trước bà ba bước, bà đi sau ông ba bước, và khi bà sanh con gái thì ông mắng „đéo mẹ!“ vì ông chỉ muốn có con trai nối dõi tông đường, một trăm đứa con gái không bằng hòn dái thằng con trai.

Nội cái chuyện răng trắng hay răng đen cũng đã làm khổ bao nhiêu thanh thiếu nữ Bắc Kỳ hồi ấy, cho tới tận đệ nhị thế chiến vẫn chưa bỏ. Các cụ bắt đàn bà con gái phải nhuộm răng đen, ăn trầu cho đúng truyền thống. Còn các ông thời ấy thì thích bọc răng vàng, nhe nguyên một hàm răng bọc vàng bóng loáng "cười lên đi cho răng dzàng sáng chói, hát lên đi để cho đời tươi rói...” (Bài hát «Khúc ca ngày mùa» được đổi lời để ca tụng răng dzàng của quý ông.)

Con gái để răng trắng làm gì! Làm đĩ, lấy Tây à? Bắt đầu từ năm mười bốn trở lên, má tôi đã nhiều lần viện đủ mọi cớ hoãn binh để khỏi phải nhuộm răng. Đến năm má tôi mười tám thì ông ngoại, mà tôi chưa bao giờ biết mặt biết tên, truyền lịnh bắt má tôi phải nhuộm răng đen để sau đó đi lấy chồng, má tôi cương quyết không chịu nhuộm răng. Phải nhắc lại đây là các ông có quyền lấy chính thức bốn vợ, trong hôn thú có ghi rõ ràng thứ hạng của cô dâu (rang de femme), vợ một, vợ hai, vợ ba, vợ bốn. Ngoài chính thức thì khỏi phải nói.

Thế là ông ngoại bắt má tôi ra sân, nằm sấp, cột tay chân vào bốn cọc cắm trên sân và dùng gậy đánh trên lưng, trên mông cho hả giận, bõ ghét, rồi bảo bà ngoại sát muối ớt vào vết thương. Sau trận đòn ấy, một đêm má tôi trốn khỏi nhà. Bà ngoại, biết không cản được con gái, nhưng sợ chồng không dám khóc, chỉ khóc thầm trong tim. Má tôi kể lại, trong tay nải, chỉ có mỗi một bộ quần áo thứ hai để thay đổi, bà ngoại cho vài xu, thì lận trong lưng quần. Đêm ấy má tôi đi bộ, băng đồng băng ruộng, đi cả mấy chục cây số, để lên cái tỉnh gần nhất. Người con gái ấy, đẹp hơn cô Ba xà bông, không lấy Tây mà cũng chẳng làm đĩ, sau này được cả thủ tướng Trần Văn Tâm thời ấy để ý, nhưng khổ gì thì khổ, má tôi chung thủy một dạ với ba tôi cho đến khi nhắm mắt, cũng được khoảng đâu năm mươi sáu năm hầu chồng.

Tại sao phụ nữ Việt Nam có trình độ cử nhân tiến sĩ lại thích làm me Tây hơn là ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn? Tại sao học xong lại lấy „được“ chồng Tây? Các ông trí thức Việt kiều ở đâu mất rồi? Tại sao không nói ngược lại rằng ông Tây phải có phước đức ba đời để lại mới lấy được người phụ nữ Việt Nam vừa có học thức vừa có công dung ngôn hạnh tam tòng tứ đức? Còn hơn là vớ phải mấy bà đầm xình thứ thiệt kiêu căng, hợm hĩnh, phách lối, dữ dằn?

Đến đây tôi nghĩ đến cái quan niệm như thế nào là „đẹp“ chỉ được nêu ra vắn tắt và một chiều. Ông bà ta đã chẳng nói, cái nết đánh chết cái đẹp, hay sao? Các ông Mít nhà ta chỉ chạy theo và ưng ý với vẻ đẹp bên ngoài thôi hay sao? Khi mà người phụ nữ đi sửa sắc đẹp như đi chợ, sửa mắt, sửa mũi, sửa lông nheo, sửa vú, sửa mông, sửa bụng, sửa lung tung? Còn các ông? Có ai đi sửa ống bơm không?

Tôi chỉ nêu lên trường hợp riêng lẻ của một anh trí thức Việt kiều có cô vợ trẻ, xinh đẹp đúng tiêu chuẩn, nhưng anh than là vợ anh lười chẩy thây, suốt ngày chỉ nằm dài coi ti-vi, và anh không hề có khi nào thảo luận được với vợ về vấn đề gì; hoặc là cô ta nói ngang, hoặc là sự hiểu biết của cô ta quá nông cạn, lâu dần anh phải im mồm và đâm chán. Nhưng nếu các ông Mít nhà ta chỉ lựa chọn các bà vừa trẻ, vừa đẹp, vừa ngoan, vừa đảm đang, vừa có học thức, vừa khéo léo, vừa biết hầu chồng chăn gối toàn diện (xin phép cho tôi bỏ qua vấn đề sex trong đời sống vợ chồng) thì những người phụ nữ không đủ tiêu chuẩn như vậy phải đem bỏ sọt rác hay sao? Thế thì đi lấy Tây là đúng rồi!

Người ta cho Tây là hay lăng nhăng, không chung thủy, bạ đâu tán đó. Thế còn các ông Mít nhà ta, vợ... lớn ở một nơi, ba, bốn bà bé trẻ đẹp đem giấu ở nhiều nơi thì sao? Các ông đâu cần phải gia nhập đạo Hồi để lập harem!

Đến đây tôi nhớ đến hai chuyện nhỏ về cung cách vợ chồng. Chuyện thứ nhất, chị vợ Mít muốn lấy cái chìa khóa xe của chồng Mít trong túi áo, chị bèn hỏi anh một cách rất là lễ phép và nhẹ nhàng „Anh cho phép em xin cái chìa khóa xe„. Anh: „Ừ“! Thấy như thế tôi rất phục vợ chồng anh chị ấy và thú vị nghĩ rằng, trong trường hợp tôi, tôi không hỗn với ông Tây của tôi theo kiểu „Ê toa, quẳng cho moa cái chìa khóa„, mà tôi lỏn lẻn thò tay vào túi quần tìm cái chìa khóa xe, không cần phải nói gì. Ông Tây sẽ nắm bàn tay tôi lại, nheo một mắt hỏi tinh nghịch „toa có muốn cái chìa khóa của moa thật không?“ (đây là một câu tiếng Tây dịch nôm na ra tiếng Việt). Vợ chồng Tây-Mít là như thế.

Chuyện thứ hai, có một bạn gái hỏi tôi, tại sao khi tôi nói về chồng tôi thì tôi gọi „ổng“ mà không gọi là „ảnh“ theo kiểu vợ chồng Mít, và cứ toa với moa nhặng xị ngậu cả lên, không có gì âu yếm cả. Trong cung cách xưng hô của ông Tây bà Mít với nhau đâu phải chỉ gọi nhau toa, moa theo kiểu nói tiếng Tây bồi, mà thông thường vợ chồng gọi lẫn nhau „cục cưng“ (chéri/ chérie), chẳng lẽ trước mặt bạn người Việt lại nói là „cục cưng của tôi„, cho nên chọn chữ „ổng“ cho nó kín đáo. Tôi gọi ông Tây của tôi „con heo của em„ thì ổng đáp lại bằng tiếng ụt ịt, gọi „con chó của em“ thì ổng sủa gâu gâu. Vợ chồng Mít nếu có đù giỡn với nhau thư thế thì cũng vui!

Còn nếu nói về mục đích kinh tế của „hôn nhân“, bộ trong những cuộc hôn nhân „Mít lấy Mít„ không có những bà vợ hoặc những ông chồng chỉ ăn không ngồi rồi như chim chờ được mớm mồi, ăn bám sống nhờ hay sao? Bộ không có những cặp chồng Mít-Mít, chồng già vợ trẻ là tiên, vợ già chồng trẻ là duyên cái con thằn lằn, hay sao? Bộ không có những câu chuyện tiền, tình, tù tội như cơm bữa hay sao?

Các cuộc hôn nhân cúa những người Việt, nam và nữ, với người phương Tây, không phải chỉ là những cuộc hôn nhân văn hóa, mà là hôn nhân toàn diện, như mọi cuộc hôn nhân khác. Tây khác Mít trên tất cả mọi bình diện. Tây nặng một trăm kí lô, sao so với Mít, chỉ nặng sáu lăm kí lô được. Tây đi làm năm sáu chục tiếng một tuần, đem tiền giao hết cho vợ, sao so với Mít, đây tiền anh đây tiền em được. Tây nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, và cả chuyện chính chị chính em với vợ, sao so với Mít, chỉ thích bàn chuyện đại sự với các bậc hảo hán giang hồ cùng giới cùng tiêu chuẩn thôi. Ônh Tây của tôi, từ chuyện De Gaulle, Chirac, Blair, Busch, cho tới Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phan Văn Khải đều bình luận nghiêm chỉnh với tôi cả.

Trong một chuyến máy bay về thăm nhà tôi chú ý đến một cặp vợ chồng ông Tây bà Mít và hai đứa con của họ. Bà vợ còn trẻ, đẹp, tay bồng con, tay dắt con, ông Tây đeo hai ba bị xách đựng đầy bình sữa, nước, tã lót quần áo lỉnh kà lình kỉnh. Hai đứa nhỏ bị đau tai trong chuyến bay, mệt lả, đâm ra mè nheo khó chịu, nhưng hai vợ chồng này vẫn tươi cười bình thản với nhau. Điểm đặc biệt là cô vợ nói tiếng Tây không thạo, cô nói một thứ tiếng trộn lẫn chữ Mít và chữ Tây, nghe rất buồn cười. Nhưng anh chồng Tây hiểu hết và không hề khó chịu hay mắc cỡ vì bà vợ kém ngoại ngữ. Sao so với vợ chồng Mít và Mít được, cùng một ngôn ngữ, mà mỗi ngày chỉ xài có vài ba câu, món này bà nấu không bằng cô Tâm, tháng này phải bớt tiền ăn, tôi đi ngủ đây, tắt đèn đi. Mọi người hãy thử đếm xem, mỗi ngày vợ chồng nói vời nhau được bao nhiêu câu? Và nói về đề tài nào?

Còn nói về chuyện ăn uống theo nhận định của Thế Long lại càng sai bét. Tây nhà tôi không quen ăn bánh mì với súp, đồ hộp, sà lát, Tây nhà tôi phỉnh mũi ngửi mùi thơm khi vào nhà bếp, hay khi đi qua các tiệm ăn, Tây nhà tôi không hay uống coca, Tây nhà tôi ăn cơm với nhiều rau, Tây nhà tôi ăn tuốt luốt các thứ tim, gan, phèo, phổi... Tây nhà tôi không ăn mắm, cũng như tôi. Tây nhà tôi không ăn thịt chó, cũng như tôi. Tây nhà tôi không ăn tiết canh, cũng như tôi. Tây nhà tôi vào tiệm ăn Việt Nam biết đọc thực đơn, và gọi món ăn, thích nhất là món bò xào hành, phở, thịt kho tàu, tôm nướng bánh hỏi, cơm nếp... và cả chục món khác.

Tây nhà tôi ăn tất cả những món tôi nấu, dù là tôi không khéo nấu ăn, và không chê bai than vãn một tiếng nào hết, dọn gì ăn nấy, có sướng không?

Giời ơi, cái món „mì sợi Ý, spagettis, ta thì ăn với súp gần như ăn phở hay bún sườn, Tây thì ăn với thịt hộp hay cá hộp hoặc các thứ đồ khô…„, đọc mà muốn ói.

Tây loại gì mà chỉ ăn đồ hộp hay đồ khô! Ấy chết, có nhiều loại đồ hộp và đồ khô rất cao cấp, rất đắt tiền, nhìn thấy là thèm nhỏ dãi, chứ đừng có tưởng bở. Tây nhà tôi không ăn đồ hộp cũng không ăn đồ khô mỗi ngày như các bác trai Mít phải ăn mì gói thường nhật đâu. Vợ chồng tôi thỉnh thoảng cũng bị sót ruột đấy, theo óc tưởng tượng của Thế Long, nhưng vì những lý do khác, chứ không phải tại „bị“ ăn cơm Tây. Giả thử nếu tin rằng Tây ăn theo kiểu „sáng rượu sâm banh tối sữa bò“, thì xót ruột... vì tiêu tiền thật đấy.

Giời ơi, lại còn nói đến chuyện vợ chồng bỏ nhau, cãi cọ xô xát trong nhà, mẹ chồng nàng dâu, bè bạn vân vân và vân vân, đôi khi Tây cũng phải thua Mít, khi Mít „ông đánh cho bỏ mẹ!“, hoặc Mít phải thua Tây „tao đánh cho mày gẫy mũi!“. Cũng giống nhau cả thôi. Ở đâu cũng có người này người kia. Bao nhiêu cặp Mít-Mít cũng „anh đi đướng anh, tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi“? Đâu phải chỉ có Tây-Mít mới thế?

Nếu tôi tiếp tục dông dài thì đến cả năm sau cũng không hết chuyện hai mươi lăm năm làm me Tây của tôi. Tôi xin kết luận rằng, có nhiều thành kiến, vì đã là thành kiến cho nên không phải là sự thật, thì không nên tuyên truyền thành kiến, tưởng đó là sự thật. Vợ chồng, dù mầu da tiếng nói nào đi nữa, đều có những vấn đề chung sống cơ bản và những loại khó khăn thường nhật giống nhau. Nồi tròn úp vung méo, có sao đâu? Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn, một khi đã cơm không lành canh không ngọt thì trái bí tròn cũng thành méo. Dù Mít-Mít hay Tây-Mít!

© 2005 talawas

Phượng Các
#2 Posted : Saturday, August 20, 2005 9:02:07 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)

Văn hoá và hôn nhân

Nguyễn Thế Long


Tôi đã trò chuyện với khá nhiều giảng viên Việt Nam dạy học ở các trường đại học Pháp. Trong câu chuyện thân tình, họ cho tôi biết có những phụ nữ Việt Nam dạy ở các trường đại học trong nước, có bằng Phó tiến sĩ (chính vì cái bằng này đã làm cho tuổi xuân của họ lần lữa trôi qua và lại gây thêm khó khăn), tuổi đã ngoài 40, mà nhan sắc theo quan niệm thông thường ở ta thì chỉ xếp loại dưới trung bình, nếu cứ ở Việt Nam thì yên trí sống cô đơn cho đến hết đời, nhưng được cử sang đây học làm Tiến sĩ, học xong đều lấy được chồng Tây, sống rất sung sướng và không cần phải đi làm nữa (vì tiền thu nhập cũng chỉ xấp xỉ như thuế thu nhập của chồng, nếu chưa lấy vợ phải nộp)! Nhiều người khi gặp lại đều ngạc nhiên thấy họ lấy được chồng và “đổi đời” nhanh chóng như vậy. Những phụ nữ Việt Nam đã luống tuổi, nhan sắc (theo quan niệm của người Việt Nam) dưới trung bình, lấy được chồng Tây và sống hạnh phúc, đã cho ta thấy quan niệm về hôn nhân và thẩm mĩ của mỗi dân tộc là khác nhau, nhất là giữa phương Tây với chúng ta khác nhau nhiều lắm, nhưng cũng gợi cho ta nhiều suy nghĩ về sự giao lưu văn hoá trong hôn nhân.

Từ sau 1975, khá nhiều nam nữ thanh niên Việt Nam sinh sống ở nước ngoài do nhiều lí do, đã kết hôn với người bản địa; tiếp đến sau sự sụp đổ của bức tường Berlin, một số ít người Việt Nam ở các nước này đã kết hôn với người nước sở tại. Ở trong nước, từ sau ngày đổi mới, hội nhập với thế giới, đã có một số ít phụ nữ Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài đã có hôn nhân với số ít người đã gặp gỡ. Bên cạnh những cuộc hôn nhân do tình yêu chính đáng cũng có những cuộc hôn nhân chủ yếu do vụ lợi, tính toán mong được đổi đời, thoát khỏi nghèo khổ… Có những cặp đã sống với nhau hạnh phúc và cũng đã có nhiều cặp đổ vỡ nhanh chóng, đơn giản vì những xung đột trong đời sống vợ chồng, nhưng chính là do những va chạm, khác nhau giữa các nền văn hoá trong quá trình tiếp xúc, giao lưu.

Chúng ta có thể gọi các cuộc hôn nhân (theo đúng nghĩa) của những người Việt Nam với người phương Tây là những cuộc “hôn nhân văn hoá”. Hai người đại diện cho hai nền văn hoá gần như hoàn toàn xa lạ gặp nhau, có khi đối lập với nhau trong nhiều giá trị, suy nghĩ và xử sự, cùng nhau chung sống trong nhiều năm tháng dưới một mái nhà. Sự đối diện ấy là rất lớn, bắt đầu từ ngôn ngữ giao tiếp. Không thể tưởng tượng được chồng nói gì, vợ không hiểu, hoặc hiểu rất ít, hay ngược lại, mà hai người có thể yêu nhau, sống chung hạnh phúc mãi với nhau. Cái tinh tế của ngôn ngữ mỗi dân tộc chỉ có những người đã học tập ngôn ngữ đó mới cảm nhận được hết, huống chi với người chỉ học qua truyền khẩu, dù rằng đã được bù đắp bởi cử chỉ thái độ. Hãy kể từ cái tưởng rằng rất nhỏ nhưng lại là liên tục thường xuyên như cái ăn, cách ăn - văn hoá ẩm thực. Trong việc làm dâu hay rể một gia đình Việt Nam với nhau, cách nấu ăn, khẩu vị của mỗi gia đình đã khác nhau, không quen, song cũng không khác nhau lắm nên dần dần rồi cũng chấp nhận. Huống chi người Tây quen ăn bánh mì với súp, đồ hộp, sà lát, không cần nấu nướng có mùi vị thơm bốc lên, uống Coca hay rượu vang trong khi ăn. Người Tây không ăn cơm với nhiều rau như người Việt, họ không ăn mắm, sợ nhất là mùi mắm tôm, chỉ ăn muối, họ không ăn thịt chó và các phủ tạng động vật, họ sợ tiết canh cho là “ăn sống nuốt tươi” mất vệ sinh! Nếu bạn ăn “cơm Tây” một hai bữa thì thấy ngon đấy, nhưng bạn “phải” ăn “cơm Tây” khoảng 3, 4 ngày thôi, bạn sẽ thấy xót ruột không chịu nổi, thì bạn sẽ hiểu người phụ nữ Việt Nam làm vợ Tây, dù chiều chồng nhưng cứ ăn cơm Tây cả năm có chịu đựng được mãi không? Tôi đã có dịp quan sát nhiều cặp vợ chồng Tây-Việt ở châu Âu, thông thường đã xảy ra là nếu chồng Tây thì vợ ta “phải” ăn cơm Tây theo, nếu chồng là Việt thì vợ Tây “phải” ăn cơm ta theo, thỉnh thoảng đôi bên cũng có sự chiếu cố thói quen của nhau, mỗi tuần vài ba bữa ăn theo sở thích của mỗi người – mỗi dân tộc. Trong sống chung, một kiểu ăn dung hoà được cả Tây và Việt là mì sợi Ý Spagetti, có khá nhiều loại, được dùng cho cả Tây và ta đều thích, xào hay chần lên, ta thì ăn với súp gần như ăn phở hay bún sườn, Tây thì ăn với thịt hộp hay cá hộp hoặc các thứ đồ khô…

Mới chỉ nói đến việc ăn trong đời sống chung giữa vợ chồng không cùng nền văn hoá đã phức tạp đến như vậy. Trong đời sống chung vợ chồng Tây và ta còn biết bao nhiêu tiếp xúc, giao lưu nữa như những thói quen khác trong làm việc, ngủ nghê, giải trí, sinh hoạt đời thường (sạch sẽ, ngăn nắp hay luộm thuộm…), việc đi lại, nói chuyện ngoài đường phố hay nơi công cộng, đời tư cá nhân cần được tôn trọng, quan hệ rộng rãi của mỗi người với bạn bè cả nam và nữ, quan niệm về thẩm mĩ trong cách ăn mặc, trang trí phòng, nhà ở… là rất nhiều chuyện với cách suy nghĩ và xử sự khác nhau, những va chạm vô cùng phức tạp.

Trong đời sống vợ chồng - cùng một dân tộc, cùng một nền văn hoá - những quan niệm về giá trị và cách xử sự, hành động thí dụ như trong cách đối xử với ông bà, cha mẹ, anh em, bè bạn bên chồng hay bên vợ cũng nhiều khi không thống nhất, nếu không thông cảm nhân nhượng, đôi khi cũng gây ra giận hờn, tranh cãi xô xát. Chưa cần nói đến những vấn đề to tát trong cuộc sống của mỗi người như chức vụ, danh dự, của cải tiền nong, con cái và cách giáo dục… nếu không có chung quan niệm thì sẽ nổ ra những xung đột rất khó hàn gắn. Huống chi giữa hai vợ chồng khác nhau về nền văn hoá thì những quan niệm và cách xử sự hàng loạt vấn đề trong đời sống, trong xã hội nêu ở trên sẽ không phải là những việc nhỏ có thể dễ dàng thông cảm chấp nhận lẫn nhau. Tôi đã nghe một nữ Phó giáo sư (maitre de conférence) người Việt dạy đại học ở Paris đã gần 20 năm, phàn nàn về việc khi mình vào bệnh viện sinh nở, chồng là người Pháp cũng coi như một việc bình thường, để vợ tự đi, tự sinh con; khi con đã lớn cho về thăm ông bà nội, ông bà nội cũng không tỏ ra mừng rỡ với cháu đích tôn của mình. Chị hiểu cách xử sự đó là do nền văn hoá phương Tây quy định, tuy đã biết vậy song chị cũng hơi tủi thân, thèm muốn cách cư xử ấm áp, thân mật, mừng rỡ của một người chồng và bố mẹ chồng là Việt Nam.

Người ta thường hay nói đến một câu chuyện thí dụ sau đây và đặt câu hỏi cho nhiều lớp người: “Bạn đang ở trên một chiếc tầu thuỷ với vợ, mẹ và con trai. Tầu bị đắm và bắt đầu chìm. Bạn là người duy nhất biết bơi. Bạn chỉ có thể cứu được một trong ba người. Vậy bạn sẽ cứu ai?” Câu hỏi này đưa ra cho hơn một ngàn nhà quản lí trẻ châu Á và Mỹ thì có khoảng 65% trả lời cứu con mình, số người cứu vợ ít hơn, không có ai chọn cách cứu mẹ cả. Họ giải thích quyết định của mình như sau: “Con tôi còn có tương lai, con tôi còn chưa có cuộc sống. Còn mẹ tôi đã già rồi và đã sống đủ rồi.” Những nhà quản lí châu Á dưới 40 tuổi đều trả lời giống người châu Mỹ. Hỏi những nhà quản lí châu Á trên 40 tuổi thì họ cho biết chọn cách cứu mẹ và giải thích như sau: “Mẹ tôi là người đã sinh ra tôi, chăm sóc tôi, tôi chịu ơn mẹ tôi rất nhiều. Tôi có thể lấy vợ khác và đẻ con khác”. Câu trả lời của những người được hỏi đã cho chúng ta thấy quan niệm giá trị và cách xử sự, hành động của các nền văn hoá khác nhau. Xem thế đủ biết mỗi nền văn hoá dân tộc có những giá trị khác nhau và lối suy nghĩ khác nhau và những hành động khác nhau.

Sự đối diện văn hoá ấy diễn ra hàng giờ, hàng ngày, mọi nơi, mọi chốn khi họ sống chung với nhau trong quan hệ vợ chồng là rất lớn, đã được dung hoà bởi sức mạnh của tình yêu, tình yêu đã san bằng những cách trở của văn hoá hai dân tộc. Nhưng sức mạnh của tình yêu cũng chỉ bồng bột ban đầu dễ giúp họ vượt qua được những khác biệt về văn hoá. Trong đời sống vợ chồng diễn ra hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, nếu sự dung hoà hiểu biết lẫn nhau giữa hai nền văn hoá thông qua hai cá nhân được duy trì, được tôn trọng, cuộc hôn nhân sẽ bền vững, ngược lại sau một thời gian nếu mỗi bên cứ bám chặt lấy những giá trị và suy nghĩ của mình mà không chấp nhận, thông cảm với bên kia, sự đối diện của hai nền văn hoá trong họ nhịn mãi cũng không dung hoà được, hôn nhân sẽ tan vỡ, thật là đáng buồn. Với các bạn trẻ khi tiếp xúc giao lưu với những người có nền văn hoá khác, một khi đã nảy nở tình yêu “không biên giới” và lại có ý định tiến đến hôn nhân, nhất thiết cần có sự hiểu biết nền văn hoá dân tộc ấy, con người cụ thể của nền văn hoá ấy và phải giàu lòng “dung hoà, chấp nhận” thì mới bền vững. Nếu chỉ toan tính này nọ và không hiểu biết gì về nền văn hoá dân tộc khác, chắng chóng thì chầy tất sẽ xảy ra tình cảnh: “Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi. Tình nghĩa đôi ta có thế thôi”!

Văn hoá là một cái gì rất chung, bao trùm lên mọi hoạt động của một dân tộc nhưng đồng thời cũng là những cái rất cụ thể, được biểu hiện trong suy nghĩ và hoạt động của mỗi người trong đời sống hàng ngày. Mỗi người là sản phẩm của nền văn hoá của dân tộc mình, điều đó có nghĩa là phần lớn cách suy nghĩ, cách xử sự và hành động, những thói quen, phong tục, lễ nghi… đều xuất phát từ nền văn hoá dân tộc và mỗi người cũng là đại diện, tiêu biểu cho nền văn hoá dân tộc. Văn hoá dân tộc thấm đượm vào mỗi con người từ hồi bé thơ trong sinh hoạt gia đình, trong quan hệ với cha mẹ, anh chị em, trong tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống. Khi lớn lên văn hoá ảnh hưởng đến mỗi người thông qua nhà trường, bạn bè và xã hội, qua giao tiếp và các phương tiện truyền thông. Văn hoá dân tộc xác định những giá trị tinh thần theo cách nhìn của dân tộc, gián tiếp và trực tiếp, hướng dẫn mỗi người cách quan sát và tiếp xúc với thế giới và cách xử sự theo cách nhìn của nền văn hoá dân tộc.

Văn hoá mỗi dân tộc có bản sắc riêng của nó mà!


Nguồn: Báo Văn hoá tháng 10.2004
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.