Những cô dâu Ấn bị chồng chà đạp vì tiền
Một chiếc TV và bộ sofa mới cũng được bày chình ình trong phòng, nó cho quan khách thấy rằng phía gia đình cô dâu đã nộp những gì cho chú rể làm của hồi môn. Một bản danh sách những đồ lễ nạp khác được nhân ra làm 5 bản, trao cho 5 nhân chứng. Danh sách liệt kê từ đồ gỗ, đồ làm bếp đến nữ trang.
Thật không may cho cô dâu 18 tuổi Kamlesh, vì những thứ mà cha cô đem đến chưa đủ. Chú rể muốn có cái xe tay ga, bố mẹ chú rể muốn có nhiều hơn 51.000 rupee - khoảng 1.100 USD kia.
Trong suốt 3 năm chung sống sau lễ cưới, những lời đòi hỏi của hồi môn ngày càng tăng, kèm với những trận đòn ngày càng tàn bạo nhằm vào cô dâu. Đến tháng 8 vừa rồi, chú rể lấy một cái gậy gỗ đánh vào đầu cô, trói lại và nhốt cô trong chuồng bò, cho đến khi cô bị chảy máu ào ạt.
Bạo lực vì hồi môn đang ngày càng tăng ở Ấn Độ.
Theo Cục thống kê tội phạm quốc gia, cứ 77 phút lại có một báo cáo về án mạng do của hồi môn. Các nhóm trợ giúp nạn nhân của tệ nạn này cho hay tình trạng ngày càng tồi tệ đi, do chủ nghĩa tiêu thụ đang lên cao ở Ấn.
"Ai ai cũng tây hóa - họ muốn mặc quần áo đắt tiền, muốn tiêu xài và mua những thứ được quảng cáo trên vô tuyến. Của hồi môn được cho là cách dễ nhất để moi tiền", Varsha Jha, thuộc Ủy ban phụ nữ Delhi, nói.
Mặc dù Ấn Độ đã có lệnh cấm đòi và nộp của hồi môn, với mức án có thể lên dến 5 năm tù nếu vi phạm, nhưng các nhà hoạt động xã hội nói rằng luật chẳng qua là "đồ trang trí" và hầu như chưa bao giờ được thực hiện. Chuyện mặc cả của hồi môn vẫn là một phần trong khi bàn về cưới xin. Để lách luật, người ta thường nói đó là quà cưới.
Kamlesh hầu như không nói năng gì kể từ khi bị đánh, các bác sĩ đang xem xem liệu có phải cô đã bị tổn thương não vĩnh viễn không. Ủy ban vì phụ nữ Delhi là một cơ quan chính phủ, đang giúp cô kiện để truy tố chồng. Tên này đã bị bắt vì tội hành hung.
Ủy ban này cho biết có khoảng 40 phụ nữ bị đánh mỗi ngày, hầu hết lý do đánh đập liên quan đến của hồi môn, và số vụ tăng lên đều đặn trong 5 năm qua.
"Lối sống vật chất ngày càng mạnh mẽ ở Ấn Độ và việc đòi hỏi của hồi môn cũng tăng theo, để bên nhà trai có thể moi được tiền hòng đáp ứng nhu cầu vật chất xa xỉ", Kiran Walia, chủ tịch ủy ban, nói. "Đòi của hồi môn là một chuyện, nhưng hành hạ phụ nữ chỉ bởi vì cô ấy không mang lại khoản hồi môn nhiều như mong muốn lại là chuyện khác".
Chiến tranh giữa vợ với chồng vì của hồi môn xảy ra ở tất các các tầng lớp xã hội Ấn. Tuần này, cựu danh thủ bóng chày Manoj Prabhakar đang bị xử ở tòa với tội danh lạm dụng vợ. Cô vợ Sandhya cho biết của hồi môn cô mang đến nhà chồng khi cưới bao gồm một chiếc xe hơi, đồ nữ trang, máy thu hình, tủ lạnh, bộ bàn ghế sofa, giường đôi và tiền mặt. Nhưng chú rể vẫn chưa hài lòng và đã hành hạ cô suốt từ sau đám cưới để đòi thêm, người vợ tố cáo. Tuy nhiên, Manoj bác bỏ.
"Người ta ngày càng bạo hơn khi đòi của hồi môn", chị Jha thuộc Ủy ban phụ nữ Delhi nhận xét. "Cứ tưởng là khi cuộc sống ngày càng tây hóa, những thói cũ sẽ nhạt dần đi. Nhưng không, chúng vẫn sống dai dẳng".
"Các chú rể nói 'Ô, tôi chỉ yêu cầu bố mẹ vợ cho một cái xe Honda thôi mà'. Nhưng họ quên mất là để xe chạy được thì phải có xăng. Thế là họ lại đến nhà cô dâu để đòi tiền. Không phải một lần mà xong, cứ đòi liên tục, liên tục".
Cha của Kamlesh đã phải tiết kiệm để tích lũy của hồi môn cho cô từ khi cô mới lên 2 tuổi. Ông phải chắt bóp hết mức có thể, từ khoản thu nhập của một thợ mộc 125 rupee mỗi ngày. Tổng chi phí cho đám cưới và lễ vật cho nhà trai lên tới 250.000 rupee, trong đó ông phải đi vay 60.000. Khi đằng trai đòi thêm, ông không thể làm gì hơn được nữa.
Một chiếc hòm đựng đồ hồi môn truyền thống của Ấn Độ.
Ông cho biết con gái ông đã bị dọa nạt nã của hồi môn ngay từ đầu cuộc hôn nhân. Hồi tháng 8, cô bị hắn đánh, trói, bỏ mặc trong chuồng bò mấy ngày không có cơm ăn nước uống, mãi cho đến khi những người họ hàng đến cứu.
"Trong một năm qua, nó đã đánh con gái tôi vì của hồi môn", ông Misrilal nói trong khi ngồi ở hành lang bệnh viện, chờ bác sĩ khám vết thương ở trên đầu cô.
Gánh nặng chi phí đám cưới và của hồi môn là một trong những lý do chính dẫn đến nạn phá thai nhi nữ - chuyện rất phổ biến ở Ấn Độ. Đầu năm nay, tạp chí y học Anh Lancet chỉ ra rằng có tới 10 triệu thai nhi nữ đã bị bỏ ở Ấn Độ trong vòng 20 năm qua, do các gia đình muốn tránh những khoản chi phí khổng lồ khi có con gái, đồng thời lại muốn có con trai nối dõi.
"Sau tất cả những khổ nạn này, tôi cảm thấy có con gái là một nỗi nhục nhã", Misrilal nói.
Tại trung tâm Ủy ban phụ nữ Delhi, bà chủ tịch Walia đang gặp thân nhân của một phụ nữ trẻ tên là Kusum Hardina. Cô này đã châm lửa tự thiêu vài tuần trước bởi quá tuyệt vọng trước sức ép của nhà chồng đòi hỏi khoản hồi môn cao hơn.
Hôm 22/9, Kusum đánh nhau với mẹ chồng và anh chồng chỉ vì chuyện hồi môn. Rồi trong một phút điên giận, cô tưới dầu hỏa lên mình và châm lửa đốt. Nằm trong bệnh viện trước khi chết, Kusum nhờ viết một báo cáo với cảnh sát rằng cô làm như vậy vì bị hành hạ quanh chuyện của hồi môn, bà Walia kể.
Trước đó cô đã nói với bố mẹ ruột, rằng cô đang bị chà đạp, nhưng họ nói với cô hãy cố ở với chồng. Kusum nói với cảnh sát, họ điều đến một nhân viên, anh này đánh chồng cô một trận nhừ tử. Nhưng mối quan hệ không cải thiện được tí nào.
"Chúng tôi nộp 22.000 rupee (hơn 400 USD) khi chúng cưới nhau. Nhưng bên nhà họ đòi cả vô tuyến màu, một cái xe máy và tủ lạnh", Asharam, anh trai của người phụ nữ xấu số, nói. "Chồng nó làm thợ xây nên cũng không kiếm được mấy, nhưng thằng đó rất tham tiền".
"Cần phải bỏ lệ nộp hồi môn", anh nói thêm. "Việc gì phải nộp tiền cho nhà chồng, trong khi anh đã nộp cả con gái cho họ rồi?".
Walia đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền, đưa các tư vấn viên đến nhiều trường đại học để nói chuyện với sinh viên về vấn nạn bạo lực của hồi môn. Nhưng bà không tin vào khả năng thành công.
"Thật rất đáng tiếc, nhưng ngay cả những người đàn ông có học cũng vẫn đòi hồi môn. Người giàu đặt ra các chuẩn mực cho xã hội. Tôi không hy vọng là nạn này chấm dứt được".
nguồn : VNexpress