NỮ HỌA SĨ VIỆT KIỀU VĂN DƯƠNG THÀNH - Bài và hình ảnh Thu-Thủy
http://www.nguoivienxu.v...ongvhnt/2005/01/361701/ Đối với những người Việt xa xứ, thật hạnh phúc khi trong đời luôn có một nơi để "đến" và một chốn để "quay về". Điều này càng có ý nghĩa hơn đối với những người nghệ sĩ Việt Nam xa xứ, những người trong cuộc sống hàng ngày đang góp phần mang tinh hoa văn hóa Việt Nam cùng tài năng nghệ thuật của mình đến với thế giới bên ngoài nhưng trong mỗi trái tim vẫn không phai hình ảnh quê hương và tình yêu đất nước..., thế giới hình như ngày càng nhỏ lại và tình yêu nghệ thuật-quê hương của họ ngày càng được đong đầy sau mỗi chuyến đi - về... Một trong những con người như vậy là nữ họa sĩ Việt kiều Văn Dương Thành cùng những bức tranh và những chuyến đi trong "một cõi đi-về" của chị...
Đi...
Cách đây 17 năm, một nữ họa sĩ Việt Nam nhỏ nhắn, xinh đẹp, tài năng đã sang định cư tại một đất nước Bắc Âu yên ả, đó là Thụy Điển. Hành trang chị mang theo sang xứ người là những kiến thức chị đã được học tại trường Mỹ thuật Hà Nội, từ thế hệ họa sĩ tài năng của hội họa Việt Nam thuở ấy như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng...
Nữ họa sĩ Văn Dương Thành là người quê gốc Phú Yên nhưng lớn lên ở Hà Nội. Chị làm quen với cây cọ vẽ từ năm lên 7 tuổi. Người cha thân yêu rất trân trọng niềm đam mê của chị nên đã khuyến khích chị thi vào trường Mỹ thuật Hà Nội năm 11 tuổi. Cha mất sớm, chị càng quyết tâm hơn trong việc thực hiện ước mơ của mình cũng là ước nguyện của cha, mặc dù lúc đó là những năm tháng chiến tranh vất vả, theo học một môn nghệ thuật không phải là một việc dễ dàng gì đối với một thiếu nữ nhỏ nhắn như chị. Có lẽ vẻ đẹp toát lên từ tâm hồn của cô học trò nhỏ đã tạo nên niềm cảm hứng bất tận cho danh họa Bùi Xuân Phái, ông đã vẽ hơn 300 bức họa chân dung chị trong vòng 22 năm, từ khi chị được gặp ông, được học vẽ với ông và sau này là đồng nghiệp của ông cho đến ngày ông qua đời.
Chị đã học được từ những họa sĩ bậc thầy như: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và cả nhà phê bình Thái Bá Vân rất nhiều, những kiến thức ấy là hành trang quý báu theo chị suốt sự nghiệp sáng tác của mình ở trong nước cũng như trên đất khách. Chỉ sau hai năm học tiếng Thụy Điển, chị đã có thể hoàn toàn tự tin đứng trên bục giảng dạy về mỹ thuật cho các khóa đào tạo giáo viên mỹ thuật của Thụy Điển, không chỉ giảng dạy những kiến thức về mỹ thuật phương Đông mà cả những môn học tưởng chừng như là sở trường của họ như: kỹ thuật sơn dầu.
Chúng tôi không giấu nổi vẻ ngạc nhiên về điều này và chị đã nhẹ nhàng giải thích rõ lý do chị được các đồng nghiệp ở nước ngoài trân trọng như vậy. Chị thuộc thế hệ những người được đào tạo rất bài bản theo chương trình cổ điển của Pháp trướ
c đây, với những người thầy là những cánh chim đầu đàn của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Vốn kiến thức hàn lâm ấy thật quý báu và được đồng nghiệp ở nước ngoài rất trân trọng vì sau này, người ta không đào tạo họa sĩ kỹ càng như thế, người ta chỉ học sáng tác một loại tranh nào đó thôi như: sơn dầu hoặc màu nước, hoặc sơn mài... chứ không phải được học hết mọi thứ như chị... Đây cũng chính là lý do mà các trường mỹ thuật tại Thụy Điển đã mời chị tham gia giảng dạy mỹ thuật cho các giáo viên của họ. Chị là nữ họa sĩ đầu tiên người châu Á giảng dạy mỹ thuật bằng tiếng Thụy Điển. Điều đáng nói là những học viên của chị, khoảng 20 người, những người đã được học vẽ với chị trong ba hoặc bốn năm đã thành lập một Hội Mỹ thuật mang tên Văn Dương Thành, có thể nói chị là giảng viên mỹ thuật người Việt duy nhất có được một hội mang tên mình ở nước ngoài (Thành - Gruppen).
Công việc giảng dạy chiếm 1/3 thời gian của chị, thời gian còn lại chị dành cho sáng tác. Trong hơn 1500 bức tranh của chị, hiện có 15 bức được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 5 bức tại bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Singapore, khoảng 15 bức được trưng bày tại các bảo tàng và các tòa thị chính tại Thụy Điển và trong nhiều bộ sưu tập tư nhân trong và ngoài nước. Đặc biệt, có một bức tranh của chị hiện được treo tại Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là do nhà sưu tầm người Mỹ Mc. Comic, người từng làm chủ tịch Hội nghệ thuật bảo tàng San Francisco mua tặng thành phố Hà Nội với mong muốn người Việt Nam có thể được xem tranh của Văn Dương Thành trên chính quê hương mình chứ không phải ra nước ngoài... Có thể nói chị là một người Việt Nam thành đạt tại xứ người và đã đem lại không ít vinh quang và niềm tự hào cho đất nước. Chị hoàn toàn có thể sống an nhàn nơi quê hương mới trong sự kính trọng của mọi người, sống hạnh phúc, bình yên cùng con trai trong căn nhà gỗ với khu vườn đẹp như mơ trên một đất nước có mức sống và phúc lợi xã hội vào bậc cao của thế giới...
Soạn: AM 236503 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Phút ngẫu hứng bên khung vải
Và về...
Thế nhưng, trong suốt 17 năm xa xứ, giữa một thế giới của sung túc và thành đạt, đau đáu trong chị vẫn là nỗi nhớ quê nhà không chút nào nguôi và chị đã trở thành một cánh én cần mẫn đi về giữa lòng quê mẹ. Hình như sau những chuyến đi xa, thật xa đất nước, con người sẽ càng thấy rõ hơn niềm thôi thúc và hạnh phúc của những chuyến quay về ? Đối với nữ họa sĩ Văn Dương Thành, quê hương cùng những chuyến đi-về đã thực sự trở thành một "thành tố" không thể thiếu trong cuộc sống và thế giới sắc màu của chị... Dường như, chị chỉ thật sự hạnh phúc khi được sáng tác trên quê mẹ và vì thế, hàng năm, họa sĩ Văn Dương Thành vẫn trở về quê hương và càng ngày, các chuyến đi về của chị càng dày đặc hơn, giấc mơ về "một cõi đi-về" ngày càng rõ nét hơn, nhất là từ khi xưởng vẽ và phòng tranh của chị được khai trương vào tháng 7.2004 vừa qua tại số nhà 421/29 Sư Vạn Hạnh nối dài, phường 12, quận 10, TP. HCM...
Ghé thăm phòng tranh của chị vào ngày đầu năm mới, xem chị khai bút đầu năm với một bức tranh sơn dầu thể hiện mâm trái cây trên bàn thờ ngày Tết, nhìn chị tíu tít, ân cần đón tiếp những người bạn tri kỷ: nữ nghệ sĩ Đào Hoa Nữ, Hồng Nga, vợ chồng nhà sưu tập Trần Đình Sơn và Hoàng Anh (nhà hàng Phú Xuân), nhìn chị chăm chút từng tách trà ô long, chén nước vối, mâm trái cây mời khách... nghe chị kể về những dự định tương lai cùng tin vui về một lời mời sáng tác ba bức tranh khổ lớn trang trí cho tiền sảnh của một khách sạn 4 sao vừa khánh thành tại Vũng Tàu... tôi chợt nhận ra rằng: dù đã sống thật lâu, thật hòa nhập và cũng thật thành công tại một xứ sở mà phong tục tập quán và văn hóa khác hẳn Việt Nam, nhưng trong chị vẫn nguyên vẹn là một người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, đằm thắm, chu đáo và hiếu khách. Dường như ý thức gìn giữ vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt luôn thường trực trong chị và hiện ra rất rõ trong những bức tranh mà chị đang trưng bày tại đây. Tranh của chị màu sắc tươi tắn, nhẹ nhõm, xem tranh chị, ta thấy lòng mình thư thái hơn, trong trẻo hơn, mọi ưu phiền như tan biến đi. Không dữ dội, giằng xé nội tâm, không cuồng nộ, không nổi loạn... tranh của chị hiền hòa, đằm thắm, rất hiện đại nhưng cũng rất Việt Nam như chính con người chị....
Có lẽ chính sự hòa hợp giữa tình yêu nghệ thuật và tình yêu đất nước, giữa tài năng hội họa và vẻ đẹp tâm hồn, giữa khát vọng "đi" và ý thức "quay về" đã làm nên một nữ họa sĩ Văn Dương Thành tài hoa, duyên dáng, mạnh mẽ và thành đạt ngày nay... Trong một thế giới của hội nhập và giao lưu văn hóa, những nghệ sĩ tài năng và tâm huyết, những sứ giả của tình yêu và nghệ thuật như chị cần cho đất nước biết bao... Xin chúc những dự định, những ước mơ nghệ thuật của chị sớm thành hiện thực, chúc phòng tranh của chị sẽ mãi mãi là một nơi hội tụ những tài năng, những tấm lòng, mãi mãi là một "chốn về" êm ả sau những chuyến đi trong "một cõi đi-về" của chị...
T.T
HỌA SĨ VIỆT KIỀU VĂN DƯƠNG THÀNH
- Sinh tại Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, lớn lên ở Hà Nội, Tốt nghiệp Cao học Mỹ thuật năm 1980. Sang Thụy Điển định cư tại Thụy Điển, người luôn được xem là “Đại sứ văn hóa của Việt Nam” tại Thụy Điển do những nỗ lực của bản thân góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa hai dân tộc.
- Bức tranh sơn dầu: Hoa cúc trắng sáng tác năm 20 tuổi được Viện Bảo tàng Mỹ thuật VN mua, là người trẻ nhất được vinh dự này.
- Có tác phẩm đoạt giải thưởng Hội Mỹ thuật VN các năm 1972, 1974, 1975.
- Hai tác phẩm Làng cổ Việt Nam và Sự yên lặng được chọn là những tác phẩm xuất sắc nhất trong Chương trình nghệ thuật quốc tế kiệt xuất do các giám khảo Pháp và Mỹ chọn trong số 36 nước tham dự vào hai năm 1975 và 1977.
- Bức tranh lớn nhất của chị: Phụ nữ và thiên nhiên (6,5 m x 1,5 m) được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Staffanstorp, Thụy Điển.
- Chị đã vẽ trên 1.500 bức tranh.
- Đã có khoảng 15 cuộc triển lãm tại nhiều nước trên thế giới như Pháp, Mỹ, Thuỵ Điển, Hồng Công, Singapore, Đức… Chị cho biết vào tháng 9 tới, nhân Lễ Quốc khánh, sẽ có một triển lãm mang tên “Đỉnh cao Việt Nam 2005: Văn Dương Thành” tại Thái-Lan.
- Hiện chị sống và giảng dạy mỹ thuật tại Thuỵ Điển. E-mail:
vanduongthanh@telia.com