Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233  Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
Phỏng vấn bà Jackie Bông: Môi giới, kiểm soát lao động hay cô dâu Ðài Loan đều là buôn người Tuesday, October 17, 2006 Thảo Trinh (VNCR)
“Tôi được may mắn là khi đến Ðài Loan đúng vào ngày Thứ Tư, đây là ngày phía chính quyền Ðài Loan cho phép các hội đoàn, tôn giáo vào nơi giam giữ thăm phạm nhân. Chính nhờ chuyến viếng thăm này, tôi được chứng kiến những mảnh đời bất hạnh của chị em phụ nữ Việt Nam, đang bị giam cầm tại đây...”
Bà Jackie Bông-Wright, chủ tịch Hội Cử Tri Việt-Mỹ ở Hoa Thịnh Ðốn đã biết một vài chi tiết trong chuyến đi Ðài Loan của bà vừa qua. Trong chuyến trở về, bà có ghé qua Little Saigon và đã dành cho đài VNCR cuộc phỏng vấn liên quan đến chuyến đi hồi đầu tuần trước.
Bà Jackie Bông cho biết nhấn mạnh rằng, trong chuyến viếng Ðài Loan vài ngày bà có dịp có tham dự một cuộc hội thảo, thành phần tham dự gồm: Linh Mục Nguyễn Văn Hùng, ông Taylor, một viên chức thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và đại diện của mười hội đoàn chống nạn buôn người của các nước trong vùng Ðông Nam Á, như Phi Luật Tân, Thái Lan, Indonesia và một số hội đoàn tại Ðài Loan. Mục đích của cuộc họp này là chống nạn buôn người. Ðược hỏi tại sao gọi là nạn buôn người, bà Jackie Bông trình bày cách nhìn của bà: “Những dịch vụ môi giới Ðài Loan đã kiểm soát những lao động hay những cô dâu Ðài Loan, không cho họ có quyền tự do, đó là nạn buôn người”.
Vẫn theo lời bà Jackie Bông, hiện có khoảng 300 ngàn người Việt đang sinh sống tại Ðài Loan, hơn hai phần ba trong số này là phụ nữ. Họ qua Ðài Loan bằng nhiều cách khác nhau, có những người vượt biên từ những thập niên 1970, 1980 sống tập trung trong những trại tỵ nạn, sau đó ở lại đây làm ăn sinh sống; một số ít người qua Ðài Loan làm việc trong các văn phòng, công ty những người này đa số là những cán bộ công nhân viên Việt Nam; một số ít nhập cư lậu trong khoảng thời gian gần đây. Còn lại những cô gái Việt Nam qua Ðài Loan dưới hai hình thức, một xuất khẩu lao động, hai là lấy chồng Ðài Loan, nhưng cả hai hình thức lấy chồng hay lao động đều do những dịch vụ “Môi Giới Hôn Nhân và Việc Làm” của Việt Nam và Ðài Loan giới thiệu, hướng dẫn họ nhập cư vào Ðài Loan.
Trả lời câu hỏi, sự thật khi những cô gái Việt Nam lấy chồng Ðài Loan, họ sẽ sống như thế nào? Theo Bà Jackie Bông, “một số rất ít các cô gái Việt Nam lấy chồng Ðài Loan có được cuộc sống hạnh phúc, những trường hợp này rất hãn hữu”. Vẫn theo nguồn tin, còn lại gần như tất cả các cô gái Việt Nam lấy chồng Ðài Loan, khi qua đến đây đều gặp phải thực tế phũ phàng, đó là: làm người giúp việc nhà, hay tại các hãng dệt, nhựa, cơ khí, điện, chế biến hải sản hay trong các trang trại nông nghiệp. Vẫn theo lời bà Jackie Bông, họ làm quần quật từ mờ sáng cho đến 11-12 giờ khuya, bị đánh đập hành hạ vì bất đồng ngôn ngữ hoặc bị đẩy vào tình trạng nô lệ tình dục.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn, bà Jackie Bông chưa cung cấp một hồ sơ cụ thể nào về những trường hợp này.
Ðược hỏi về điều kiện những công nhân Việt Nam được đi làm việc ở Ðài Loan, bà Jackie Bông cho biết, theo chỗ bà hiểu, những công nhân Việt Nam muốn đến được Ðài Loan làm việc, họ phải mất từ 3 ngàn đến 6 ngàn đô la để làm những thủ tục xuất cảnh, như: passport, khám sức khỏe, giấy tờ... Khi qua đến Ðài Loan, những công nhân này phải ký một giấy mượn nợ 3 ngàn đến 4 ngàn đô la từ dịch vụ môi giới của Ðài Loan, nhưng không biết tiền mượn đó là tiền gì. Nếu không ký vào giấy nợ đó, những công nhân Việt Nam sẽ không được đi ra khỏi phi trường. Những dịch vu môi giới trên sẽ thu giữ tất cả giấy tờ tùy thân của những công nhân. Bà Jackie Bông cho rằng điều này cho thấy là họ muốn kiểm soát và khống chế lao động Việt Nam. Nhưng khi được hỏi về điều kiện sinh sống của công nhân Việt Nam sang làm việc tại Ðài Loan, bà Jackie Bông cho biết: “Khi làm việc trong các hãng xưởng, công nhân Việt Nam sẽ được ăn, ở lại trong những khu nhà tập thể, tiền lương tối thiểu của một công nhân là 15,840 tiền Ðài Loan, tương đương 500 đô la. Số tiền này sẽ được khấu trừ đi một phần ba trong các các khoản như bảo hiểm, tiết kiệm, thuế lợi tức, ăn ở... Một phần ba sẽ được các dịch vụ môi giới trừ vào khoản thiếu từ giấy nợ ký tại phi trường. Cuối cùng người công nhân chỉ còn được lãnh một phần ba trên số tiền lương, tương đương 150 đô la”.
Tuy nhiên, bà Jackie Bông không cho biết, những dữ kiện này được thu thập từ đâu.
Ngoài ra, trong cuộc phỏng vấn, bà Jackie Bông cho chúng tôi biết một vài trường hợp bà đã tiếp xúc với vài người được gọi là “nạn nhân”. Như hoàn cảnh cô X. Nguyễn, có gia đình ở Việt Nam rất nghèo, qua dịch vụ “Môi Giới Hôn Nhân và Việc Làm” cô kết hôn với một người Ðài Loan. Khi qua đến Ðài Loan, cô mới biết chồng cô là một người nghiện ngập rượu, ma túy. Người đàn ông này hành hạ, đánh đập và bắt cô phải “tiếp khách” mỗi ngày lấy tiền để hắn hút ma túy. Sau một thời gian không chịu đựng được cuốc sống như thế, X. Nguyễn trốn nhà đi và cô bị bắt vì trong người không có giấy tờ tùy thân. Một trường hợp thương tâm khác, bà Jackie gặp người cha (xin ẩn danh) qua Ðài Loan để nhận xác cô Y. con gái của mình. Cô Y qua Ðài Loan làm việc được năm tháng. Ngày hôm đó, cô Y được một người đàn ông làm chung mời đi ăn, sau đó người ta tìm thấy xác của cô Y bị vứt ra ngoài đường. Hiện chính quyền địa phương đang tiến hành điều tra sự việc. Ngoài ra, còn một số con gái có một chút nhan sắc, qua Ðài Loan vì không chịu được cảnh làm việc cực khổ, nên họ kiếm tiền bằng cách bán thân xác trong những quán karaoke, hay những quán rượu.
Nhóm này làm việc rất nhiều tiền, nhưng lại lao vào con đường cờ bạc, nghiện gập, ma túy. Trường hợp của cô M. hợp đồng qua Ðài Loan để giúp chuyện nhà. Khi sống trong nhà, cô M. bị người con trai trưởng của ông bà chủ nhà hãm hiếp. Sau đó, họ mua vé cho cô M về lại Việt Nam để phá thai, nhưng phải quay qua lại Ðài Loan làm việc tiếp vì hợp đồng làm việc vẫn chưa hết hạn
Hiện tại, các hội đoàn của các nước Ðông Nam Á, đang vận động can thiệp với Bộ Lao Ðộng Ðài Loan, dành những quyền lợi tối thiểu cho người lao động nhập cư vào Ðài Loan, bãi bỏ những giấy nợ của dịch vụ môi giới Ðài Loan.
Trước khi bà Jackie Bông sang Ðài Loan, đã có nhiều nguồn tin trái ngược nhau về số phận những cô dâu hay người lao động Việt Nam làm việc ở Ðài Loan. Nhưng có điều tới nay, cũng chưa có một bản thống kê chính thức của những người quan tâm đến vấn đề này, hoặc các cơ quan, đoàn thể, hội đoàn chống buôn người. Theo khoa học thống kê, tỷ lệ là điều cần thiết để thăm dò xem một vài trường hợp điển hình có đại diện toàn cảnh của một vấn đề để có thể gọi nó là tệ nạn hay không.
(Thao Trinh - VNCR)
|