Mùa đông năm ấy, hội người Việt ở cái thành phố lạnh nhất Canada này bận rộn với những hoạt động sửa soạn đón cái Tết tha hương thứ tám sau ngày miền Nam đổi chế độ.
Với dân số khoảng năm ngàn người Việt, những sinh hoạt cộng đồng là một điều không thể thiếu và hội đoàn là kết quả tự nhiên của những sinh họat đó. Sống nơi xứ sở mới, ngôn ngữ, phong tục, lối sống đều mới lạ, người ta cảm thấy lạc lõng nên khi có cơ hội là tìm đến với nhau để chia xẻ niềm vui, nỗi buồn với những người đồng hương của mình.
Tôi đến đây đã hơn hai tháng, đang dần dần làm quen với những sinh hoạt của cộng đồng người Việt và của Hội. Hội trưởng là anh Bích, một cựu quân nhân, chỉ có một thân một mình ở Canada, như hoàn cảnh của một số người khác. Có một điều về anh mà tôi còn nhớ mãi cho đến bây giờ, đó là anh không bao giờ nhắc tới gia đình, nên tôi không biết anh có những thân nhân nào còn ở lại Việt Nam, chỉ biết một cách rất mơ hồ là hình như anh cũng đã có gia đình trước khi qua đây. Tôi chưa hề nghe anh nói đến việc tìm cách giúp đỡ những thân nhân của anh còn ở lại, một việc mà hầu hết những người khác thường làm. Tôi nhận định rằng anh không phải là người ích kỷ không nghĩ tới người thân còn ở Việt Nam, và cũng không phải là người cố ý độc thân "by default" để dễ có những liên hệ tình cảm hơn. Trong sự cương quyết không tìm cách liên lạc giúp đỡ thân nhân, phản ảnh một lối nghĩ riêng của anh. Dường như đối với anh, việc tìm cách giúp đỡ hay liên lạc với thân nhân sẽ đưa đến những việc làm mà anh cho là có tính cách nhượng bộ đối với những kẻ thù bên kia chiến tuyến của anh. Một vài lần gợi chuyện về vợ con, cha mẹ, anh em của anh đều không đem lại kết quả nên tôi biết là anh coi đó là những điều anh muốn giữ cho riêng anh, và từ đó tôi không đả động đến nữa.
Phó hội trưởng là anh Nhân, một cựu đại uý. Anh Nhân cũng một thân một mình như anh Bích, nhưng có vẻ "bình thường" hơn anh Bích về phương diện tình cảm. Thỉnh thoảng anh nói đến vợ con và những thân nhân khác còn kẹt lại Việt Nam mà hồi đó, chỉ mới mấy năm sau ngày miền Nam mất, không ai dám hi vọng đoàn tụ. Cũng như anh Bích, chủ trương chống Cộng của anh cũng tỏ ra rất mạnh mẽ.
Tổng Thư Ký kiêm trưởng ban văn nghệ, kiêm trưởng ban báo chí của Hội là Trung, một người mà trước khi tôi đến, đảm trách nhiều việc từ trong ra ngoài cho Hội. Trong những dịp sinh hoạt cộng đồng quan trọng nhất trong năm như thế này, sự kiêm nhiệm của anh càng khiến anh bận rộn gấp bội.
Khi tôi đến, phần ngoại vụ được giao cho tôi, nên những vấn đề liên quan đến tài chính của hội, tài trợ của chính phủ, hoặc những vấn đề về tương quan giữa cộng đồng Việt và những cộng đồng khác, vấn đề liên lạc với báo chí, bây giờ do tôi phụ trách.
Bây giờ khi ngày họp mặt và nhạc hội cuối năm của cộng đồng đã gần kề, tôi lại giữ thêm vai trò MC, một vai trò mà tôi … thích hơn cả, vì mỗi tối, và nhất là mỗi cuối tuần, tôi lại đến Hội coi tập dượt văn nghệ để sửa soạn phần giới thiệu.
Chừng đó anh em, với sự giúp đỡ của các hội viên khác, có vô số việc phải làm cho cuộc họp mặt mừng Xuân: việc làm báo Xuân, việc tập dượt văn nghệ cho buổi nhạc hội Tết, việc phát hình hàng tuần trên đài truyền hình địa phương, việc tìm địa điểm cho buổi văn nghệ, việc mời quan khách, nhất là những nhân vật trong chính quyền hay giới chính trị đứng sau những tài trợ cho Hội, việc cung cấp các món ẩm thực cho buổi họp mặt, việc bán vé gây quĩ, v.v... Riêng việc phát hành tờ báo Xuân đúng đêm văn nghệ, cũng đòi hỏi rất nhiều thời giờ, thức khuya dậy sớm, đánh máy, trình bày, mời quảng cáo, v.v... cộng thêm những rắc rối phụ thuộc khác. Tác giả bài thơ này khiếu nại “tại sao bài thơ của em anh không đăng số Xuân mà định để dành cho số sau?”, ta’c giả bài viết kia phàn nàn “tại sao bài bình luận chính trị công phu như thế của tôi mà anh chặt chỗ này, bỏ chỗ kia chẳng còn ra cái hình thù gì?” v.v… Việc tổ chức trình diễn văn nghệ cũng gay go lắm. Thành lập ban nhạc, mua nhạc cụ, mời ca sĩ, giải quyê’t những xung đột phát xuất từ những tình cảm hỉ nộ ái ố thường lệ, cô này hờn vì chỉ được hát một bài, cô kia dỗi vì bị hát sau, cô khác vùng vằng doạ rút lui vì anh nhạc sĩ mà mình thích không chịu khẩy đờn cho mình mà lại cứ nhất định khẩy đờn cho cô ca sĩ khác, v.v... Việc nấu nướng những món ăn Việt Nam nếu không được sự hăng hái tận tình, nhưng âm thầm, của các chị em hội viên, thì đào đâu ra cả nghìn cái chả giò, bánh chưng, bánh cuốn, v.v... vì khi ấy chưa có tiệm ăn Việt Nam nào để đặt mua, ngoài mấy tiệm bánh cuốn, phở, cháo bán trong nhà, ai biết thì đến.
Thời gian đó tôi bận rộn lắm. Chiều đi làm về, ăn xong là chạy đến trụ sở Hội, không họp hành, cũng là việc dượt vai MC cùng ban văn nghệ, khuya về viết bài đăng báo Hội, hay bài đọc trên truyền hình. Ngay cả ban ngày lúc đi làm, vì là công chức, tôi cũng thỉnh thoảng xin nghỉ để lo việc Hội với lý do chính đáng là công tác liên quan đến vấn đề "đa văn hóa" đang được chính phủ cổ xúy lúc đó.
Những sinh hoạt đó đòi hỏi nhiều thì giờ và công sức, nhưng dường như bầu không khí đón Tết rất vui nhộn làm cho mọi người không cảm thấy mệt mỏi chút nào. Tôi cũng thế. Thức đêm thức hôm viết lách, sửa soạn những bài nói chuyện đâu có gì đáng kể so với cái thoả mãn tinh thần là hôm sau được xuất hiện trước đám đông, hay khán giả truyền hình nói nọ nói kia. Bỏ thì giờ ra sửa soạn cho phần giới thiệu văn nghệ trong vai trò MC cũng không nghĩa lý gì so với việc có cơ hội gần gũi các người đẹp ca sĩ, vừa được nghe hát, vừa được ngắm, vừa được nói chuyện, vừa được các nàng nhõng nhẽo. Cái phần thưởng hấp dẫn như vậy thì có xá gì một chút “thì giờ”! Rốt cuộc mình trở thành một celebrity, ra đường, mình không biết người ta, nhưng người biết mình ghé lại chào hỏi vui vẻ, thích lắm chứ. Và dĩ nhiên mình cũng phải đóng vai khiêm nhường cho đúng tác phong celebrity! Phần thưởng như vậy ai mà xá gì chút “thì giờ”, ai mà không hăng hái “phục vụ cộng đồng”. Vâng, lúc đó tôi vui lắm, hăng hái lắm vì được làm những việc mình thích.
Tôi tự hỏi những người khác có dịp tham dự những sinh hoạt cộng đồng có cảm thấy như tôi không? Họ mãn nguyện thuần túy vì thấy mình làm những công việc hữu ích cho cộng đồng, hay mãn nguyện vì lòng tự ái được thỏa mãn? Có phải lòng ham danh là điều tự nhiên đối với mọi người, dù chỉ là cái danh trong một cái cộng đồng nho nhỏ? Cái danh là sự nhận diện mà người ta dành cho mình trong đám đông, nó có phải là động lực cho những sinh họat cộng đồng hay không? Thật khó mà phân biệt được lòng ham danh và tinh thần vị tha, phục vụ cộng đồng. Những danh từ cao quí đó chỉ đáng được dành cho một thiểu số người, thường được người ta lạm dụng như một thứ áo choàng đẹp đẽ để choàng lên vai những người cùng phe nhóm với mình. Phe ta cao quí thì ta cũng thơm lây.
Trong những tường trình về hoạt động của Hội, anh chủ tịch Bích bao giờ cũng liệt kê các thành tích của Hội và những đóng góp tích cực của các anh em trong Ban Chấp Hành. Dĩ nhiên là anh Bích “tụng” họ rất kỹ. Riêng dành cho tôi thì ôi thôi đủ những lời khen nghe còn khóai cho đến hai mươi mấy năm sau. Qua những lời khen đó, tôi là một Trưởng Ban Ngoại Vụ trẻ tuổi, tận tụy với cộng đồng, không ngại bỏ thì giờ quí báu làm việc Hội, và có đủ những đức tính hiếm hoi của một người vi nghĩa quên mình.
Người ta thường ca tụng lẫn nhau khi người ta cùng thuộc về một nhóm thân hữu, như một nhu cầu đoàn kết, nhu cầu sống còn. Người trong một nước bắt buộc phải “tụng nhau”, nâng tinh thần nhau để chống ngoại xâm, đảng viên của một đảng chính trị “tụng nhau” để dành phần thắng đối với đảng đối lập, một đám con nít cùng xóm “tụng nhau”, bênh nhau, đánh lộn với bọn con nít xóm khác.
Điều sai quấy mà những hội đoàn thường phạm phải phát sinh từ đầu óc thiển cận, hẹp hòi của những người hoặc bất tài, hoặc vô đức, hoặc vừa bất tài vừa vô đức, nhưng cũng đua chen làm lãnh tụ. Có người làm lãnh tụ vì chính họ biết nắm lấy cơ hội thuận tiện, nhưng cũng có người may mắn hơn, cơ hội được đặt trên đĩa vàng đưa đến cho họ, lá cờ được đưa đến tận tay họ nhờ họ phất. Nhưng dù là ngườI biết nắm cơ hội, hay cơ hội đến với họ vì may mắn, họ quên rằng ngoài họ ra còn biết bao nhiêu người có khả năng khác cũng có thể làm được những việc y như việc họ đang làm. Họ tự cách biệt họ, không dám đón nhận những người còn đứng ngoài vào hợp tác, hay không dám tạo cơ hội cho sự hợp tác có cơ hội nảy mầm, không vươn ra đón lấy những nhân tài mới, chỉ vì sợ phải chia chác cái danh nhỏ bé với người khác. Họat động trên căn bản tự mãn, tự cho là mình bất khả bại, không sớm thì muộn sẽ thất bại.
Ngay cả rất nhiều nhà tu hành đạo đức cũng không thóat khỏi nghiệp chướng, để cho cái bản ngã tầm thường, lòng tự ái chế ngự mình. Một vị sư hay một linh mục dạy những Phật tử hay con chiên phải chế ngự lòng sân si, ích kỷ, chính họ rất thường rơi vào vòng sân si ích kỷ không khác gì những tín đồ của họ. Có khác chăng là khác về đề tài, khác về mục tiêu. Có vị tu hành nào chịu để cho một vị tu hành kha’c qua mặt mình, bác bỏ lý thuyết của mình một cách trực tiếp hay gián tiếp. Chấp nhận sự chỉ trích của một vị tu hành khác, có khác nào chấp nhận đạo lý của mình chưa đạt, có khác nào xui tín đồ mình đi tìm thày khác. Mất tín đồ thì còn đâu là thày tu? Thế là thay vì hướng dẫn tín đồ, các ngài quay ra “choảng” nhau để chứng minh là mình đúng, “nó” sai. Dạy cho người khác những điều cao đẹp rất dễ khi chính mình không bị ràng buộc, bủa vây bởi hoàn cảnh như người đó.
Muốn đoàn thể của mình thành công và và tồn tại lâu dài, không phải chỉ không gây thù chuốc óan với người khác là đủ, mà cần phải biết nhìn xa, tức là biết mở rộng vòng tay đón nhận những người còn đứng bên ngoài vào. Phải đón nhận với sự cởi mở thành thật để ngườI gia nhập thực sự cảm thấy tiếng nói của họ được nghe. Càng nhiều người gia nhập càng làm giảm đi cơ hội cho những người đứng ngoài trở thành đố kỵ, ganh ghét, rồi chống phá và cuối cùng thành kẻ thù. Người ta đố kỵ, ganh ghét vì đoàn thể không biểu lộ được tinh thần cởi mở, mà chỉ tỏ ra phục vụ những nhu cầu cá nhân của những người trong nhóm. Sự cởi mở đón nhận người ngoài hợp tác cần phải làm trong lúc đoàn thể mình đang mạnh mẽ, chứ không phải đến lúc nó đang dãy chết mới cố gắng kêu gọi người ngoài tham dự. Việc làm trong lúc tuyệt vong, với hi vọng đảo ngược tình thế, khó gấp trăm lần lúc đoàn thể còn đang mạnh, và có khi quá muộn để đem lại một thay đổi khả quan.
Một năm trước, khi tôi chưa đến thành phố này, nơi thành phố tôi ở, các Phật tử người Việt họp lại thành lập Hội Phật Giáo, chung nhau đóng góp để thuê, rồi mua một ngôi nhà nhỏ làm niệm phật đường cho Phật tử đồng hương. Hội và Niệm Phật Đường chỉ mới thành lập được mấy tháng, người đại diện cho một giáo đường lớn trong thành phố gửi người tìm đến Hội Phật Giáo của chúng tôi, xin được tìm hiểu về Phật Giáo. Họ mời Hội gửi người đại diện đến nói chuyện về vài khía cạnh của đạo Phật tại một buổi giảng giáo lý Thiên Chúa giáo. Một trong những khía cạnh mà họ muốn tìm hiểu là sinh hoạt trong đời sống thường ngày của một người theo đạo Phật. Tôi còn nhớ, câu hỏi rất cụ thể của họ là: “What did it feel like growing up in a Buddhist family?”. Tôi đại diện Hội, sửa soạn bài nói chuyện về đề tài đó, đến dự buổi họp mặt của họ. Bài nói chuyện chỉ là những câu chuyện phiếm dài nửa giờ, nhưng họ tỏ ra chăm chú nghe và nêu nhiều câu hỏi.
Sau buổi nói chuyện, tôi ra về trong lòng cảm phục sự cởi mở, sự nhìn xa thấy rộng của họ trong việc quảng bá đạo giáo của họ. Họ làm vậy có phải vì họ thấy sự sống còn của tôn giáo của họ đang bị đe doạ hay không? Dĩ nhiên là không, tín ngưỡng của họ rất mạnh mẽ, nhưng họ vẫn phóng tầm nhìn thật xa để tìm hiểu về một đạo giáo xa lạ đối với họ. Có lẽ tinh thần cởi mở và sự biết nhìn xa đó chính là lý do cho sự bền vững của tôn giáo họ. Tôn giáo thường đòi hỏi lòng tin tưởng tuyệt đối, tránh xa những giáo điều của tôn giáo khác, vậy mà họ không ngần ngại cho những tín hữu của họ có dịp nghe những điều thuộc về tôn giáo khác, hiển nhiên họ có cái nhìn xa, và tinh thần rất cởi mở.
Trong khi đó, những đoàn thể của cộng đồng ngườI Việt, còn trong giai đoạn phôi thai, đã tỏ ra không biết lợi dụng sự nhộn nhịp, hăng hái, tinh thần đang lên cao của các thành viên để thu nạp ngườI tài vào hợp tác, ngược lại để cho lòng hẹp hòi, ích kỷ, tự mãn chế ngự sinh hoạt của đoàn thể. Chính vì vậy đoàn thể này, tổ chức kia mọc lên như nấm chỉ để phục vụ nhu cầu, hay quyền lợi, hay vui thú của một nhóm nhỏ bất tài, chẳng đem lại lợi ích thiết thực nào cho đa số.
Tết năm đó là giai đoạn cực thịnh của Hội, và theo tôi, chính là lúc Hội cần cởi mở để thêm hội viên và tạo uy tín cho Hội, nhưng tiếc rằng sự hẹp hòi của các anh em khác trong ban Chấp Hành khiến cho những lực chống đối càng ngày càng tạo thêm khó khăn cho Hội, dù không đủ để làm Hội tan rã, nhưng cũng đủ khiến Hội không đạt được thành quả tốt đẹp hơn. Không những thế, giữa những người trong ban Chấp Hành cũng xảy ra những xung đột nội bộ phát sinh từ lòng tự ái, thiển cận, khiến cho sinh hoạt trở nên bện hoạn, không tiến xa được, chỉ dậm chân tại chỗ.
Quay lại với cuộc chuẩn bị mừng Xuân năm đó, một chiều thứ Bảy, tôi đến văn phòng Hội để coi ban văn nghệ hát và tập kịch. Trụ Sở Hội là một apartment lớn trong một building cũ kỹ bốn tầng, trong đó toàn là những gia đình Việt Nam. Tôi đi xuyên qua phòng khách, nơi trưng bày lá cờ ba sọc đỏ trên tường, và những hình ảnh sinh hoạt hội của những năm qua, và cũng là nơi đặt bàn giấy của anh Bích, và đi vào phòng rất lớn bên trong, nơi được dùng để tập văn nghệ. Đi ngang một phòng khác, được dùng làm studio cho anh chàng hoạ sĩ trẻ của Hội, tôi dừng lại khi thấy anh chàng đang ngắm nghía bức tranh vẽ dở, cọ trên tay, áo quần lem luốc, dụng cụ vẽ nằm bừa bãi trên sàn nhà. Tôi nhìn bức tranh một người con gái đang thành hình, hỏi:
- Vẽ ai vậy Hồ?
Hồ quay lại:
- A, tôi đang vẽ Trâm.
- Trâm là ai?
Hồ mỉm cười:
- Trâm có hai em nữa, và cả ba chị em là ca sĩ trong ban văn nghệ. Cô ấy không hay đến Hội nên anh chưa gặp.
- Hôm nay cô ấy có đến không?
- Có, đang hát phía bên kia, hồi nãy mới ngồi đây làm người mẫu cho tôi vẽ. Tôi dùng hình để vẽ, nhưng cũng cần cô ấy ngồi để tôi thêm vào những nét không có trong hình.
Vừa nói, Hồ vừa chỉ vào một bức hình 3x5 gắn trên đầu khung vải. Tôi đến gần nhìn vào chân dung người con gái có mái tóc ngang vai, xinh, hiền, cặp môi như hờn giận. Ý nghĩ đó thoáng qua trong đầu tôi. Hồ là hoạ sĩ và là nhân vật then chốt trong vấn đề trang hoàng sân khấu và vẽ phông cảnh trong những dịp lễ như thế này. Anh ta cũng là một trong những tay đàn guitar trong ban nhạc của Hội. Hôm nay chàng nghệ sĩ này tạm gác công việc làm phông cho mấy màn nhạc cảnh, và vẽ những khẩu hiệu mừng Xuân, để chăm chú vào việc hoàn thành bức hoạ, một việc chắc chắn là thú vị hơn nhiều! Dầu sao, anh chàng cũng gây cho tôi một chút tò mò muốn biết người con gái này như thế nào. Tôi để Hồ tiếp tục với bức hoạ của anh quay ra, vừa lúc anh Bích từ ngoài cửa đi vào. Anh Bích nói với tôi:
- Anh Huy à, tôi phôn anh từ sáng đến giờ mà không được. Ông Parker sẽ đến họp với mình chút nữa đây lúc 3 giờ thay vì ngày mai, như đã định. May quá, anh có ở đây.
Tôi đáp:
- Vậy cũng được. Hôm nọ tôi đã đưa anh một copy của tập đơn xin trợ cấp, trong đó có phần tóm lược về những sinh hoạt phù hợp với mục đích của chương trình tài trợ văn hoá của chính phủ. Ngoài ra tôi cũng đã đính kèm một bản budget giản dị của Hội theo đòi hỏi của họ. Thực ra họ chỉ đòi cho có lệ để cho đầy đủ hồ sơ, chứ thế nào họ cũng chấp nhận. Cuộc họp hôm nay chỉ để cho ông ta có cơ hội duyệt qua những điều khoản trong đơn của mình cho đúng tiêu chuẩn tài trợ. Anh có sẵn hồ sơ đó không?
- Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng rồi. Anh Nhân cũng sắp đến, anh Trung thì đã ở đây rồi, đang điều khiển phần tập dượt văn nghệ trong kia.
Anh Bích và tôi ngồi nói chuyện ngoài phòng khách, trong lúc chờ đợi ông Parker, đại diện cho Bộ Di Dân của chính phủ liên bang đến. Thời gian đó chính phủ liên bang do đảng Tự Do nă‘m quyền, và ông Bộ Trưởng Di Dân Liên Bang lại sinh trưởng tại thành phố này nên ông ta hay tài trợ một ca’ch rộng rãi cho ca’c đoàn thể văn hoa’ sinh hoạt trong tỉnh này, trong số đó có Hội NgườI Việt. Ngoài những chương trình tài trợ liên bang, năm nay là năm bầu cử của tỉnh, nên chính phủ tỉnh đương thời cũng rất chú tâm làm vừa lòng các hội đoàn. Hội người Việt tận dụng những cơ hội về tài trợ của chính phủ thuộc đủ tầng lớp, từ liên bang đến tỉnh, đến thành phố, để có tiền điều hành Hội. Điều kiện tiên quyết là các hoạt đông phải có tính cách văn hoá, tuyệt đối không được liên quan đến chính trị. Chúng tôi ai cũng biết điều đó, và dĩ nhiên Hội không phải là một đoàn thể chính trị, hay đảng phái. Tuy nhiên, giữa ngườI Việt với nhau, chủ trương chính trị của Hội tất nhiên là chống cộng.
Anh Nhân và anh Trung cũng lần lượt vào và không lâu sau đó, ông Parker đến. Chúng tôi giới thiệu nhau và bắt đầu bàn với ông ta về những điều khoản trong tập đơn xin trợ cấp tài chánh.
Anh Bích nói tóm lược về hoạt động của Hội và những mục tiêu mà Hội hi vọng đạt được trong năm mới rồi nhường cho tôi đi vào chi tiết những yêu cầu của chúng tôi.
- Như ông thấy, số đồng bào của chúng tôi đến thành phố này càng ngày càng đông, và Hội chúng tôi cũng càng ngày càng bành trướng với những hội viên mới. Hội là nơi các đồng bào của chúng tôi tìm đến ngay sau khi đặt chân đến xứ sở mới này. Mặc dầu chính phủ có những cơ quan chuyên lo cho những người mới đến, nhưng những người đồng hương mới của chúng tôi vẫn cảm thấy thoải mái hơn khi nhận được sự tương trợ chủa Hội chúng tôi. Chính phủ giúp đỡ họ về mặt tài chánh, chúng tôi giúp đỡ họ về mặt tinh thần, tương trợ lẫn nhau, làm cho việc hội nhập vào xã hội mới được dễ dàng hơn.
Tôi cười và nói tiếp:
- Mới hôm qua, tôi được một cặp cô dâu, chú rể mới yêu cầu đứng làm ... chủ hôn cho hôn lễ của họ, mặc dù tôi cũng chỉ ngang tuổi cô dâu chú rể! Thật là cảm động vì đó là một bằng chứng cụ thể về lòng tin cậy và quí mến của những người đồng hương dành cho Hội chúng tôi. Để đi thẳng vào vấn đề, Hội chúng tôi dự định sẽ tìm một trụ sở mới rộng rãi hơn và thuận tiện hơn cho phù hợp với những nhu cầu mới về dịch vụ chúng tôi cung cấp cho cộng đồng. Tiền thuê trụ sở mới chắc chắn sẽ cao hơn và đó là một trong những lý do chúng tôi yêu cầu chính phủ tài trợ thêm. Khoản thứ hai là vấn đề dạy tiếng Anh cho các đồng bào ngay tại trụ sở Hội. Chúng tôi mong muốn là việc này sẽ tiếp tục được tài trợ như hiện thời. Bầu không khí thân quen của Hội khiến cho học viên thấy dễ chịu và học hành hăng hái hơn. Những điều yêu cầu khác cũng quan trọng không kém, đó là việc trang bị cho Hội một ban nhạc để phát huy văn hoá Việt Nam. Hiện thời chúng tôi phải nhờ nơi thiện chí của những người tình nguyện, và ban nhạc phải dùng nhạc cụ của chính các thành viên mang đến, hoặc thuê với giá đắt. Chúng tôi yêu cầu tài trợ để trang bị cho ban nhạc những nhạc cụ cần thiết. Các bạn trẻ sẽ có cơ hội họp mặt sinh họat văn nghệ tại trụ sở Hội để vừa giải trí hữu ích vừa đóng góp vào việc bảo tồn văn hoá Việt Nam.
Sau khi tôi nói xong, ông Parker lên tiếng:
- Tôi rất đồng ý với anh về vai trò quan trọng của Hội Người Việt và những khoản đề nghị trong tập đơn hầu hết đều phù hợp với mục tiêu của chương trình tài trợ. Vấn đề trang bị cho ban nhạc có phần hơi gương ép, tuy nhiên tôi sẽ thuyết phục cấp trên của tôi về tính cách đặc biệt quan trọng của những hoạt động văn nghệ của Hội Người Việt. Hội cũng có thể được coi là một trung tâm cộng đồng cho những người trẻ lui tới sinh họat. Tôi tin rằng, ngân khoản tài trợ sẽ được chấp thuận.
Ông ta ngưng lại một chút rồi tiếp:
- Hôm nay tôi đến đây còn vì một lý do khác nữa. Chính vì tính cách khá khẩn cấp của sự việc mà tôi đã yêu cầu các ông họp với tôi sớm hơn, thay vì ngày mai.
Anh Bích và tôi nhìn nhau và chúng tôi cũng dường như đã đoán ra lý do đó. Cái lý do mà người đại diện chính quyền này sắp nêu ra chắc chắn có liên quan đến một nhóm nhỏ gồm một số cựu quân nhân, trước đây cũng là thành viên ban Chấp Hành của Hội, hoặc vẫn lui tới Hội, bây giờ tách riêng thành một nhóm. Cầm đầu nhóm là anh Hải, một "cựu đại uý thuỷ quân lục chiến". Có lần khi nghe thấy tôi nhắc nhở đến chức đại uý của anh Hải, anh Bích cười khẩy:
- Đại uý gì mà đại uý. Anh ta tưởng không ai biết nên nói phét lác như vậy. Xưa kia chỉ là một thứ lính đào ngũ ở Biên Hoà, làm một thứ anh chị đứng bến, sang đây vẫn là hạng vô tư cách. Có lần anh ta bị một bà hàng xóm làm rùm beng lên vì đục lỗ buồng tắm nhà bà ta dòm lén! May là bà ta không kêu cảnh sát.
Anh Bích lắc đầu nói tiếp:
- Cả nhóm đó chỉ chừng mười người, mà chẳng ai ra hồn. Rồi anh gặp sẽ biết. Vậy mà dám lấy một cái tên rất oai phong là "Hội Cựu Quân Nhân Việt Nam Phục Quốc". "Phục" cái con mẹ gì!
Sau khi nghe anh Bích bình phẩm về nhóm "Phục Quốc", tôi còn nghe những lời tương tự của anh Nhân, anh Trung và những người khác. Tuy nhiên khi gặp những người trong nhóm đó, tôi vẫn bình thản chào hỏi. Tôi còn sẵn lòng giúp anh Hải dịch ra tiếng Anh những bản bố cáo hay vài thứ giấy tờ lặt vặt. Tôi cũng nói cho anh Bích và các anh em khác trong Hội là tôi biết nhóm "Phục Quốc" chống lại Hội, nhưng riêng tôi, vai trò ôn hoà của tôi sẽ chỉ có lợi cho sinh hoạt cộng đồng chứ không có hại. Khi nào họ có thái độ gì xấu với tôi thì tính sau. Thái độ ôn hoà của tôi cũng giữ hoà khí giữa hai hội được một thời gian nhiều tháng, nhưng lần hồi, Hội "Phục Quốc" không phát triển thêm được nên bắt đầu tỏ ra bất cần và họ bắt đầu nhắc đến tôi trong những lời chỉ trích của họ về Hội.
Thực ra việc một số người tách rời khỏi Hội để lập ra hội "Phục Quốc" để rồi trở thành đối nghịch gần như thù địch với Hội một phần phát sinh từ sự thiển cận của những người trong ban Điều Hành Hội Người Việt. Sự đố kỵ rất cao độ ngày càng trầm trọng thêm mà tôi dù ôn hoà đến đâu cũng không cứu vãn được. Anh Bích, anh Nhân còn tỏ ra bất mãn khi thấy tôi giúp Hội Phục Quốc. Hôm đó tôi cùng một vài người trong Hội đi họp chung một xe do anh Sáu, một hội viên sốt xắng tình nguyện làm tài xế. Xe đến đón tôi và ghé đón thêm một người nữa trên đường đi đến trụ sở Hội. Người này ở cùng building với anh Lương Phó Chủ Tịch Hội Phục Quốc. Trong lúc chờ đợi tôi trông thấy anh Lương, đang đứng nói chuyện với một ngườI nữa trong nhóm của anh ta trước cửa building đó, tôi mở cửa xe tiến lại bắt tay hỏi mấy câu xã giao vui vẻ. Chỉ có vậy mà mấy hôm sau anh Bích cũng hỏi tôi:
- Hôm nọ có phải thằng cha Lương kêu anh lại nói chuyện phải không?
Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra đầu óc hẹp hòi của anh Bích, và tôi càng thêm bực mình vì sự cố ý xuyên tạc sự việc để có cớ trách tôI sao lại thân thiện vơi nhóm kia.
Tôi đáp:
- Tôi trông thấy anh ta, tôi lại nói chuyện, vì tôi đã từng giúp đỡ họ. Sao lại có người lắm chuyện nào nói vậy? Dù anh Lương có kêu tôi lại thì đã sao?
Sau đó tôi biết mấy anh em trong Hội chúng tôi còn tìm cách làm cho Hội Phục Quốc ghét cả tôi, chỉ trích tôi, khiến tôi không có lý do gì giúp đỡ họ nữa.
Vào khoảng thời gian đó, chính trị gia danh tiếng, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đang vận động cho phong trào cứu nước của ông ta với chủ trương coi các cựu quân nhân hải ngoại là thành phần nồng cốt. Quan niệm của ông ta là nếu trong vòng mười năm sau ngày mất nước cho cộng sản, nếu người Việt hải ngoại không khôi phục lại được đất nước, thì sẽ không có hi vọng gì sau đó. Sự “tiên đoán” của chính trị gia này dĩ nhiên là có mục đích khích lệ người ta mau mau gia nhập phong trào của ông ta. Ông ta chẳng cần phải tiên đoán gì hết, sự thất bại cũng vẫn xảy ra, bởI vì trong vòng mười năm đầu, ai cũng lo vấn đề sinh nhai, dù muô’n dù không ai cũng phải lăn xả vào xã hội mới, tranh đua với những người di dân khác, đâu có đủ sức lực, tiền tàI để thực sự ủng hộ các lãnh tụ và những phong trào của họ, ngoài sự ủng hộ xuông lúc cuối tuần, sau đó ai về nhà nấy, để hôm sau bắt đầu một tuần đi cày tiếp. Với chủ trương "phải thành công trong vòng mười năm" của ông, ông còn gây khó khăn thêm cho những ai muốn tranh đấu sau khi ông đã thất bại.
Từ bên Mỹ qua, ông Nguyễn Ngọc Huy ở tại thành phố của chúng tôi ba ngày. Việc đầu tiên ông ta làm là họp với năm mười anh em quân nhân "Phục Quốc" mà ông ta cho là nồng cốt của cuộc tranh đấu, và quên rằng đa số cựu quân nhân không thuộc về nhóm đó. Họp xong với Hội Phục Quốc, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy ghé Hội chúng tôi với thái độ rất lạnh nhạt không gây được một chút khích lệ nào và không để lại trong chúng tôi một cảm tưởng tốt nào về ông mà chỉ cho thấy ông là một thứ chính trị gia không hiểu thời thế và cũng không biết nhận xét người. Sau khi ông Nguyễn Ngọc Huy đi khỏi, các anh em "Phục Quốc" đột nhiên cảm thấy phải làm một cái gì đó để gây tiếng vang. Thế là sáu bảy người trong nhóm chạy ra chỗ bán đồ cũ Salvation Army, kiếm cho mỗi người một bộ đồ rằn ri (chẳng biết có phải vì cái chữ “Army” mà mấy ông ấy nghĩ là có liên quan đến quân đội rồi đến đó mua hay không), bắn tin nhà báo địa phương đến chụp hình tuyên bố lập hội về giải phóng quê hương. Khi nhà báo hỏi một câu:
- Thế quí vị có nghĩ đến việc trang bị vũ khí cho công cuộc giải phóng của quí vị không?
Anh "cựu đại uý thuỷ quân lục chiến" tuyên bố mạnh mẽ:
- Ồ có chứ! Sớm muộn gì, chúng tôi cũng sẽ phải làm việc đó. Phải có vũ khí mới tranh đấu được!
Bài báo in ra kèm tấm hình các cựu quân nhân, thật có, giả có, trong bộ đồ tác chiến, gây sôi nổi trong cộng đồng Việt kiều, và tạo sự chú ý cho nhà cầm quyền địa phương vì câu tuyên bố "vũ trang để tranh đấu". Canada là xứ không cho phép tư nhân mang vũ khí, vậy mà ca’c ông ấy tuyên bố vung vít như vậy, chúng tôi cũng đã tiên đoán được là chính quyền thế nào cũng cảm thấy lo ngại và chắc sẽ tìm hiểu cho ra lẽ. Hôm nay ông Parker này hốt hoảng đến đây có lẽ muốn biết xem nhóm anh em chủ trương vũ trang kia có dính dáng gì tới Hội hay không.
Anh Bích hướng về phía ông Parker nói:
- Xin ông cứ tiếp tục.
- Vâng, điều mà tôi muốn nói có liên quan đến một bài báo xuất bản hôm thứ Năm về một tổ chức mang tên Hội Quân Nhân Phục Quốc. Chúng tôi rất quan tâm đến những lời tuyên bố của nhóm này về chủ trương dùng vũ khí để tranh đấu. Họ có liên quan gì đến Hội của các ông hay không? Hội Người Việt có ủng hộ Hội Phục Quốc về bất cứ phương diện nào hay không?
Anh Bích trả lời:
- Không, Hội chúng tôi hoàn toàn không có liên quan gì đến nhóm đó. Thực ra cũng không có gì đáng ngại đâu. Chúng tôi hiểu họ quá mà! Họ thích được báo chí đăng hình ảnh, gây sôi nổi chứ họ có tranh đấu gì đâu, và cũng không dám làm gì bậy bạ đâu.
Tôi tiếp lời anh Bích:
- Chúng tôi là người Việt tự do, chống cộng. Với tư cách cá nhân, tôi ngưỡng mộ những người dám đứng ra đương đầu với bạo lực độc tài. Chúng tôi sẽ ủng hộ việc đấu tranh của bất cứ nhóm nào có chủ trương chính đáng, trong phạm vi luật pháp. Chúng tôi không ủng hộ nhóm của các anh em đó vì họ không có kế hoạch gì. Tôi nghĩ là ông nên tiếp xúc thẳng với họ để tìm hiểu thêm.
Ông Parker trả lời tôi:
- Vâng, tất nhiên là chúng tôi sẽ tiếp xúc họ. Như các ông đã biết, tàng trữ vũ khí là bất hợp pháp. Nếu quả thực đó là chủ trương của họ, chúng tôi sẽ nghiêm chỉnh cảnh giác họ. Tôi đến gặp các ông để xem ý kiến các ông thế nào trước khi gặp họ. Việc này có thể liên quan đến cảnh sát chứ không phải chuyện thường.
Sau khi nói thêm vài câu, ông Parker ra về. Còn lại mấy người chúng tôi, các công việc của ngày Tết sắp đến được mang ra bàn. Chúng tôi cảm thấy phấn khởi vì vấn đề tài chánh của Hội trong năm mới có vẻ tiến hành tốt đẹp. Riêng về buổi văn nghệ Xuân, vé vào cửa bán được gần hết. Chúng tôi đã ấn định giá vé vào cửa rất tượng trưng đủ cho những chi phí cần thiết về trang phục văn nghệ, và đồ ăn cho mọi người. Mỗi năm vào dịp này, các anh chị em tình nguyện nấu nướng đều ra công ngày đêm quấn chả giò, gói bánh chưng, nấu xôi liên miên! Một điều quan trọng mà chúng tôi không thể bỏ qua trong buổi văn nghệ là việc mời quan khách vì đây là dịp để cộng đồng người Việt nhắc nhở những nhân vật có thẩm quyền trong chính phủ về vai trò hỗ trợ của mình trong xã hội Canada để tiếng nói của cộng đồng người Việt có hiệu quả mỗi khi cần. Không phải chỉ những nhân vật trong chính phủ đương thời mà cả những dân biểu đảng đối lập. Chúng tôi đã gởi thư mời và hầu hết đều đã nhận lời, hoặc đích thân tham dự, hoặc cử người đại diện. Một việc quan trọng thứ hai là mời phóng viên của hai đài truyền hình, đài CBC địa phương, và đài truyền hình cộng đồng. Đài CBC sẽ đưa vào phần tin tức và đài cộng đồng sẽ quay phim và sẽ chiếu lại trên đài truyền hình trọn buổi văn nghệ dài hai ba tiếng đồng hồ của chúng tôi. Còn tờ báo Xuân của Hội nữa. Báo đã in xong, hình thức, nội dung đều phong phú. Cây bút nữ trẻ Nguyễn thị T.V. góp mặt với những bài thơ và văn trữ tình của cô. Nhà thơ quân đội họ Lâm, với những bài thơ hay "dựng tóc gáy" như tôi thường nói đùa với anh!
Tôi không còn nghe tiếng đàn tiếng hát từ phòng tập phía sau đưa ra nữa, có lẽ buổi tập dượt văn nghệ đã chấm dứt. Tôi ngẩng lên khi nghe thấy tiếng con gái nói cười xôn xao. Bốn năm cô gái, người áo dài, người quần nâu áo vải, và một cô trong chiếc áo tứ thân, khăn mỏ quạ. Tôi nhận ra Trâm. Một thoáng vui nhẹ nhàng. Ngày hội Xuân của thời xa xưa, thanh bình và thơ mộng, như đang được làm sống lại trong tiếng cười trong trẻo, trong tà áo quê quấn quít. Nàng nhìn về phía chúng tôi, một thoáng nhận diện, rồi nàng lại tiếp tục ríu rít cùng các bạn. Nhóm con gái đang sửa soạn ra về. Khi đi ngang chỗ chúng tôi, "nàng" nhìn anh Bích nói:
- Tụi em đi về nghe anh Bích. Chiều mai tụi em sẽ đến tập tiếp.
Chúng tôi nhìn nhau cùng gật đầu chào. Vừa lúc đó anh Bích giới thiệu:
- Đây là Trâm và hai em, Thanh, Hà. Còn đây là anh Huy.
Tôi nói đùa:
- Vâng, tôi đã được giới thiệu với cô ấy rồi!
Nàng tròn mắt nhìn tôi. Tôi nói tiếp:
- Anh Hồ đã cho tôi "gặp" bức hoạ của Trâm trong kia!
Nàng hiểu ra, và bật cười cùng mọi người.
Thế rồi chúng tôi quen nhau ...
Hôm sau và những lần tập văn nghệ kế tiếp, chúng tôi có nhiều cơ hội để nói chuyện với nhau. Những ngày sửa soạn cho ngày Tết năm đó thật vui nhộn, thích thú. Những buổi tập kéo dài đến khuya, kết thúc bằng pizza, hay các món do các anh chị tình nguyện mang đến. Trụ sở Hội lúc nào cũng tấp nập với những sinh hoạt. Người ta đến vì có vai trò trong ban tổ chức cũng có mà đến vì muốn chuyện trò, xem tập dượt văn nghệ cũng có. Mỗi khi không có Trâm, tôi cảm thấy thiếu vắng. Một hôm, Trâm không có mặt, tôi điện thoại cho nàng.
- Sao hôm nay không đến Hội, Trâm khoẻ không?
- Trâm bị bịnh. Tiếng nàng pha giọng nghẹt mũi.
- Hôm nay không có Trâm hát, thấy nhớ nhớ ...
- Vậy hả? Muốn Trâm hát cho anh nghe không?
Tôi mừng như bắt được vàng:
- Hát đi! Hát đi Trâm!
- Đau cổ nhưng cũng ráng, anh nghe Trâm hát không được cười nghe không?
- Ai mà dám cười! Anh đang đợi đây ...
Thế rồi nàng hát một cách tự nhiên. Đó là lần đầu tiên tôi được một người hát cho nghe qua điện thoại và tôi nói với nàng điều đó.
oOo
Ngày Tết mà chúng tôi sửa soạn bấy lâu nay rồi cũng đến, rộn rã, tưng bừng như tâm hồn tội. Năm nay, có một điều đặc biệt hơn mọi năm, đó là lần đầu tiên, cộng đồng người Việt sẽ có buổi lễ treo lá cờ vàng ba sọc đỏ trên kỳ đài Toà Thị Chính. Chúng tôi đã lợi dụng một thông lệ mới của thành phố cho các hội đoàn được nộp đơn xin thị trưởng tuyên bố một ngày nào đó trong năm là ngày của riêng cộng đồng mình. Hội người Việt làm đơn yêu cầu. Tôi nhớ buổi đêm khuya hôm đó, được sự phụ giúp của mấy anh em khác trong Ban Chấp Hành, tôi loay hoay soạn bản Tuyên Ngôn đính kèm tờ đơn gửi cho ông Thị Trưởng thành phố để ông ta dùng chính bản tuyên ngôn đó công bố ngày Tết là “Ngày Việt Nam.” Ông thị Trưởng chấp nhận, và dùng chính bản tuyên ngôn của chúng tôi, công bố ngày mùng Một Tết là “Ngày Việt Nam”. Lá cờ vàng ba sọc đỏ sẽ được kéo lên tại toà Thị Chính vào ngày mùng một Tết, và một đường gần trụ sở Hội sẽ được đổi tên thành đường Nguyễn Huệ trong một tuần. Việc làm giản dị đó của chúng tôi không ngờ được coi là một sáng kiến gây tiếng vang trong cộng đồng người Việt trên toàn Canada và mở đầu một tiền lệ cho các hội đoàn Việt các nơi khác làm theo sau này. Từ đó, hàng năm, lá cờ vàng ba sọc đỏ được kéo lên ở nhiều toà thị chínhkha('p nơi trong dịp Tết.
Buổi lễ đổi tên đường và lễ chào cờ tại Toà Thị Chính vào ngày mùng Một Tết diễn ra thật cảm động. Có những giọt nước mắt rưng rưng theo tiếng bài quốc ca. Sau đó buổi văn nghệ mừng Xuân được tổ chức vào ban đêm. Năm nay cũng như mọi năm, chúng tôi mượn được một thính đường lớn của Nha Học Vụ. Chúng tôi sẽ không...