Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

QUỐC NHẠC
Việt Dương Nhân
#1 Posted : Sunday, July 17, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

QUỐC NHẠC


Âm nhạc cổ truyền Việt Nam nhờ có đủ yếu tố tiêu biểu quốc hồn quốc túy nên còn được gọi là Quốc Nhạc. Vì chẳng riêng gì đối với dân tộc ta, thậm chí người ngoại quốc như những nhạc sĩ, nhà soạn nhạc khi đến viếng nước ta để khảo cứu và thưởng thức đều công nhận âm điệu trong âm nhạc Việt Nam đều thấm nhuần tính chất dân tộc.

Do ảnh hưởng của Trung Quốc và Ấn Độ rồi đồng hóa để sáng tạo cho mình một nét đặc thù riêng nên âm nhạc Việt Nam từ xưa đã vô cùng phong phú.

Theo như sách Nho giáo của Trần Trọng Kim thì do Thiên nhạc ký rút trong Kinh Nhạc của đức Khổng Tử, ta có thể hiểu được rằng nhạc do âm mà sinh. Âm phát khởi tự lòng người, lòng người cảm ngoại vật mà động cho nên mới hình ra cái Thanh. Những Thanh tương ứng với nhau rồi biến thành Phương, tức thanh cung bậc trong đục cao thấp. Âm chia làm năm bậc: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ đem các âm so vào những nhạc khí để đánh ra thành tiếng.

Vì nhạc thuộc siêu hình nên được kể như bí pháp đã có trước vạn vật càn khôn, ẩn vi trong vũ trụ, nên thánh hiền mới xếp Nhạc đứng chung vào Ngũ Kinh. Thánh hiền quan niệm rằng từ buổi sơ khai, vũ trụ đã có tiếng lôi thinh để phân định âm dương và âm dương theo lễ điều hòa cùng biến, sinh ra ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và năm âm là Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ.

Ngũ âm do sự sinh biến của ngũ hành tương sinh tương khắc nên dễ tác động vào người nghe. Luận về phương diện thực tế thì con người vẫn tối linh hơn vạn vật, nghe âm thanh của vạn vật mà biến hóa ra nhạc, mà tiếng động của vạn vật thì rất nhiều nên cổ nhân mới chia ra hai thứ, thừ bởi phồn thanh mà ra, thứ nhờ nguyên thanh mà có. Phồn thanh là tiếng người, nguyên thanh là tiếng trời. Tiếng người có khi tà, có khi chính, tiếng trời chỉ có chính mà không có tà. Tìm cái chính của thiên thanh để chế biến nhân thanh mới đi đến chỗ thuần âm diệu lý. Năm cung cấu tạo với nhau cho điều hòa mới tương ứng để phổ thành nhạc điệu thanh cao như dễ cảm xúc mà không lả lơi, gây hân hoan mà không loạn pháp.Thiên thanh vốn phát khởi nơi muôn vật vốn tự nhiên như tiếng suối chảy, tiếng chim hót, tiếng giọt mưa rơi trên lá, v.v. mỗi mỗi đều có âm điệu tao nhã.

Hơn nữa, nội tâm và âm nhạc có sự giao hỗ cảm thụ trực tiếp vì lẽ lòng người cảm xúc ngoại cảnh mà thành ra tiếng nhạc, và tiếng nhạc trở lại cảm hóa lòng người. Vì sự cảm ứng khởi nguyên ở vạn vật mà phát động rồi tâm thuật mới hình dung ra nên có thể nói nhạc thanh ác hay thiện đều do tự lòng người cảm nhận mà sinh ra và khiến cho con người có tác động thiện ác.

Nói một cách khác, nhạc và lòng người ảnh hưởng lẫn nhau, khiến ta nhận thức được hai phương diện khác nhau của âm nhạc. Nhờ lãnh hội được triệt để tác dụng hổ tương giữa nhạc và nội tâm nên các bậc đế vương thời trước mới dùng âm nhạc để cảm hóa lòng người cho chí thiện chí mỹ.

Nhưng điều cần thiết là khi đề cập đến Nhạc mà không nói đến Lễ là sự thiếu sót, vì thánh hiền đã công nhận Lễ, Nhạc như hình với bóng, có những mối tương liên với nhau.

Lễ tượng trưng cho trật tự để khiến hành vi bên ngoài, Nhạc tượng trưng cho sự điều hòa để khiến tâm tính bên trong. Có trong có ngoài mới được sư phù hợp hoàn bị. Nếu trong một xã hội không có Lễ thì tất nhiên xã hội ấy bị xáo trộn, vì Lễ là một phương pháp thích úng để ràng buộc con người không được phóng đãng. Do đó Lễ mới quan hệ mật thiết đến nền luân lý, phong tục, giáo dục và chính trị vậy,. Nhưng dụng Lễ quá đáng cũng chẳng phải, biết áp dụng Lễ đúng mức thì tất nhiên có hiệu lực hơn.

Như đã nói ở trên, Nhạc do âm thanh phát sinh, có công dụng điều hóa tính tình. Lòng người cảm xúc ra ngoại vật mà phát ra âm thanh và âm thanh trở lại cảm hóa lòng người nên nhân tâm theo đó mà thay đổi. Khi ngoại cảnh không được vui thì nội tâm sinh buồn. Nhạc có sức cảm mạnh lòng người như thi ca, cho nên công dụng của nó có thể di phong di tục. Một dân tộc hèn yếu thì âm nhạc hay thi ca không thể lành mạnh. Âm nhạc thời thịnh trị nghe rất hào hùng vui tươi, nhạc lúc mất nước nghe bi ai sầu thảm, nên do đó tiền nhân ta có nói xét kỹ âm nhạc của một nước thì biết được chính trị của nước đó.

Cũng dựa vào những yếu tố trên mà tổ tiên ta đã sáng tác đủ loại thể nhạc từ Bắc chí Nam, từ nhạc ả đào, hát chèo đến lễ triều đình, nhạc thính phòng, nhạc cải lương, nhạc tài tử, v.v. và đều hóa âm theo ngũ hành sinh biến. Và một điểm đặc biệt nữa là những bản nhạc sáng tác đều không đề tên tác giả. Người viết được thầy xưa kể lại phần lớn vì đất nước chúng ta chiến tranh triền miên, những bài nhạc nói lên nỗi lòng của sĩ phu thời đó nên tác giả, để bảo đảm an ninh, đã không đề tên mình lên bài.

Nguyễn Thị Mai

Nguồn: Dương Bé vietnamitifree
Việt Dương Nhân
#2 Posted : Sunday, July 17, 2005 11:34:45 PM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

Hát bội và Cải Lương

Trình độ văn minh của dân tộc của một nước thường được đánh dấu qua nghệ thuật sân khấu của bản xứ. Từ xưa, sân khấu Việt Nam có 3 bộ môn: Hát bội, Cải Lương và Thoại Kịch.

Hát Bội hay về lối cổ điển, về mặt hình thức tuy có phần cổ lỗ nhưng về mặt tinh thần nó tượng trưng cho cái “nho phong sĩ khí” của dân tộc Việt Nam, nêu lên được những gương nghĩa sĩ trung thần, nghĩa phu tiết phụ, những cảnh bạn thiết, tớ trung và phụ từ, tử hiếu. Những trạng huống éo le gay cấn trong lịch sử Tàu hay lịch sử nước ta đều được Hát bội đem ra trình diễn để làm gương cho hậu thế. Nghệ thuật Hát bội rất sâu sắc, người xem phải chú ý rất nhiều và quan sát kỹ càng mới có thể thấu hiểu được chỗ sâu sắc của nó.

Trái lại điệu Cải Lương là một lối hát bình dân, ai xem cũng có thể hiểu được. Nó hấp dẫn một số đông khán giả nhờ tính cách bình dân của nó; cách bố cục, phân màn và dàn cảnh đều phỏng theo lối Âu châu nên dễ xem.

Về Thoại Kịch mới phát sanh sau nầy, còn trong thời kỳ phát khởi.

Hát Bội

1/ Lược sử: Trước khi điệu Hát bội từ Tàu sang Viêt. Nam, chắc dân ta đã có một điệu hát riêng biệt của dân tộc mình vì trong những cuộc lễ công cộng, thường khi dân chúng tụ họp lại ngoài ăn uống thể nào cũng có múa hát vui chơi, hiện nay chúng ta cũng thấy rằng các dân tộc thiểu số ở miền sơn cước đều có điệu múa hát riêng của họ. Qua đến đời Nguyên bên Tàu (1285), tướng Toa Ðô sang xâm chiếm nước ta bị Hưng Ðạo Vương đánh đuổi. Khi quân Tàu thua chạy, quân ta bắt được một số tàn quân, trong đó có tên Lý Nguyên Cát biết múa hát. Nhà Trần hậu đãi tên kép hát ấy để dạy cho người mình về hình thức của điệu Hát bội như: cách múa men, vẽ mặt, mặc xiêm giáp vv… còn về nội dung của các giọng hát thì người mình đã có sẵn từ trước. Nói như vậy vì âm nhạc Hát bội của Việt Nam ta khác với âm nhạc của Tàu nhiều lắm. Giọng hát là do âm nhạc phát sinh, mà tiền nhân ta đã biết dung hoà cái hình thức điệu bộ của Tàu với nội dung âm điệu của mình sẵn có để tạo nên một lối hát đặc biệt Việt Nam.

2/ Đặc điểm của Hát Bội: Hát Bội là một nghệ thuật Tượng Trưng, từ cách dàn dựng trên sân khấu đến các điệu bộ đều có tính cách tượng trưng

- Sân Khấu:

Cách dàn cảnh của Sân khấu Hát bội rất đơn giản. Sân khấu Hát bội không khác nào một trang giấy trắng, trên đó soạn giả muốn vẽ vời thế nào tùy ý ; chẳng cần đổi cảnh, phân màn. Khán giả nghe câu hát của vai tuồng rồi tưởng tượng trong trí, biết nơi ấy là nơi nào. Vả lại, hầu hết những người Việt đi xem Hát bội thường đã đọc truyện Tàu nên biết rõ các chi tiết trong tuồng nên không cần phải trưng bày cảnh thực. Về sau, Hát bội đã bắt đầu bày ra trang cảnh .

- Điệu Bộ:

Các điệu bộ của Hát bội đều theo những qui tắc nhứt định. Từ cách cầm thương lên ngựa cho đến cách vuốt râu đều có vẽ tượng trưng.

- Màu mè:

Về phương diện tâm lý; muốn khán giả theo cùng cảnh ngộ vui, buồn, giận, sợ vv… diễn viên thường làm những màu mè như vui thì nét mặt hân hoan hai mắt sáng ngời, giọng cười ròn rã; buồn thì người hát nói lối thương rồi nước mắt rưng rưng sau đó bắt qua giọng Nam Ai làm cho người nghe phải mũi lòng rơi lệ; giận thì tay chỉ, miệng la lớn ; sợ thì rạp mình xuống, cặp mắt láo liên, hai bàn tay chấp lại, chân bước nhẹ, bộ còm ròm v.v…..

- Các giọng Hát Bội:

Hát bội có nhiều giọng: nói lối, hát nam, hát khách, xướng, bạch, ngâm, than oán, quân bang, quân bài v.v….

· Tuy nói Lối nhưng cất giọng cao gần như hát. Có 4 cách: Lối Xuân (nói chậm rãi, nghiêm nghị, thường dùng khi xưng tên và đàm thoại; Lối Ai (nói lúc buồn để tả tâm sự đớn đau thê lương); Lối Xẳng (lối nầy nói mau hơn lối xuân và lối ai, dùng trong lúc giận hay khi tỏ lời khí khái, dùng văn vần); Lối Thường (dùng văn xuôi).

· Hát Nam: là một giọng đặc biệt của Việt Nạm Những câu văn dùng trong điệu hát nầy thường là Thượng Lục Hạ Bát, Song Thất Lục Bát hay Lục Bát Gián Thất. Hát Nam có 5 điệu tùy cảnh ngộ: Nam Xuân (hơi thư thái, có vẻ bi hùng, thường dùng để tả cảnh hoặc tả tình; Nam Dựng.( có hơi Xuân nhưng tiếng phát âm hơi dựng dừng để tỏ sự cứng rắn của tâm tư);Nam Ai (giọng buồn thảm ai bi để tả tâm sự đau thương của vai tuồng); Nam Chạy (lúc bị truy nã cấp bách hay bị lạc vào rừng, vai tuồng vừa chạy vừa hát nên goị là Nam Chạy); Nam Biệt (chỉ sự xa cách nhau, kẻ đi người ở . Văn Nam thường dùng câu song thất hay có khi dùng câu lục bát).

· Hát Khách: còn goị là Bắc xướng, là một giọng hát có đờn kèn đưa hơi. Giọng Hát Khách rất hùng hồn và dũng cảm. Hát Khách dùng khi tướng võ cầm thương lên ngưạ để ra trận hoặc để truy nã giặc hay sắp làm một việc gì quan trọng.

Hát Khách có 5 điệu: Khách Thi (là một bài Ðường luật –thất ngôn tứ tuyệt- soạn bằng Hán văn); Khách Phú (câu hát soạn trên 7 chữ, dùng văn Phú lục, có vấn đáp như khi 2 tướng gặp nhau hỏi nguyên do về việc giao chinh. ..); Khách Tử (dùng khi lâm chung); Khách Tẩu Mã (dùng khi lên ngưạ chạy mau để trốn giặc, trốn tình nhân hay đi phi báo việc gấp); Khách Tửu (dùng khi uống rươụ)

· Xướng: tức là nói lớn lên một cách chậm rãi cho moị người đều nghe. Một vai tuồng mới khi ra mắt khán giả thường xướng 4 câu để tỏ tâm sự hoặc hoàn cảnh của mình.

· Bạch: là bày tỏ rõ ràng cho moị người biết . Bạch thường dùng Hán văn 7 chữ. Dùng cho những vai tướng võ, thầy ruà, kép núi… để biểu thị cái chí hướng hoặc tài lực của mình.

· Ngâm: là điệu ngâm thi Ðường luật. Giọng Ngâm nghiêm nghị và tha thiết dùng để tỏ tình luyến ái khi vợ chồng hay tôi chúa sắp xa nhau.

· Thán: là thẩn thở. Thường vai tuồng tự thán 4 câu hoặc nhiều câu bằng chữ Hán.

· Oán: là ai oán, dùng khi khóc người quá cố, hoặc khi oán trách vận mạng.

· Quân bẩn: thường hát khi quân cầm cờ hiêụ đứng tại cửa buồng hay đi ít vòng trên sân khấu để thị oai (lúc kéo binh đi đánh giặc hoặc sắp về trào để vấn tội nghịch thần).

· Hát Bài: các mỹ nữ thường hát Bài để chúc thọ cho vua.

Ngoài ra còn có Tán (Ðường hát Nam, đệm thêm một câu chữ Hán); Hường (là những tiếng Việt đệm ở giữa 2 câu hát hoặc 2 câu Lối để phụ nghĩa); Vĩ (dùng để chuyển từ câu Lối bắt qua hát Nam, hát Khách, hay muốn Ngâm, Thán….); Láy (trong điệu Hát bội, đào kép thường phải thêm những tiếng a, ư, ý, a, ừ, hừ ở sau một câu hát để cho án theo đờn kèn); Giáo đầu và Chúc vãn (giáo đầu hát lúc khai điễn và chúc vãn hát lúc buổi hát chấm dứt).

Ngoài những giọng Hát Chánh (đã nêu ở trên ) của Hát bội, còn nhiều giọng Hát Phụ khác dùng vào các trường hợp đặc biệt như: Điệu Thiền hay Thoàn (của Sư tăng); Điệu Phù Thủy (của Pháp sư); Thài (đào cầm quạt, vừa múa vừa hát); Giao Duyên (lúc vợ chồng hiệp cẩn giao bôi); giọng Gian Nan(của các vai hề) v.v……

- Lối Vẽ mặt và Xiêm y:

Việc vẽ mặt để đóng trò của Hát Bội bắt nguồn từ thời xưa vì hồi trước các tướng khi ra trận thường dùng mặt nạ, mão và xiêm y đều là sắc phục của Vua ban cho các quân mặc để đi chầu. Từ Thiên tử đến các quân, mỗi phẩm cấp đều có riêng sắc phục của mình. Hát Bội cũng trang phục giống như các quân trong triều và cũng dùng mão, áo rộng, áo giáp, cân đai, hia, cờ xí, binh khí của các quân văn võ ngày xưa.

- Âm nhạc Hát Bội:

Trước nhứt phải nói đến Trống Chầu. Trống chầu là thứ trống lớn để trên cái giá 3 chân. Nó không thuộc về âm nhạc của Sân khấu mà thuộc quyền ‘xử dụng’ của khán giả. Người cầm chầu đại diện cho khán giả để thưởng phạt các diễn viên trên sân khấu (như hay vừa thì được thưởng một tiếng “Thùng” đánh ngay giữa mặt trăng của Trống, nếu hay khá hơn thì được thưởng hai tiếng goị là “chầu đôi”, nếu thật hay thì được thưởng ba tiếng goị là “chầu ba”. Còn phạt thì thay vì đánh dùi trống vào chính giữa mặt trống thì người cầm chầu đánh ngoài bìa trống nghe “Tẩn” để diễn viên biết mà sửa, nếu lỗi trọng đại hơn thì bị phạt bằng cách gõ vào vẩn trống nghe “Cắc” để cảnh cáo diễn viên). Trống chầu cũng còn dùng để giục Khách (trước khi ra tuồng, để khán giả biết mà chuẩn bị đến rạp.)

Âm nhạc Hát Bội gồm có: trống, chiêng, chập chỏa, đờn, kèn và ống sáo.

¨ Trống: có 5 thứ - trống chiến (dùng khi đánh giặc cùng lúc múa hát, thường dùng hơn các trống khác); trống cái (là thứ trống nhỏ để ra hiêụ trong 3 nhịp đờn đưa hơi cho diễn viên biết đặng bắt qua nói Lối hay bắt qua hát Nam); trống cơm (thứ trống đài dùng khi hát Nam Xuân hay Nam Ai để đưa hơi phụ với đờn); trống bắc cấu(dùng với chập chõa khi các quân lâm triều hoặc khi vãn hát); trống linh (có 2 cái treo trong buồng dùng khi vua ra đại triều hoặc lúc mới ra tuồng khởi diễn.

¨ Chiêng: treo dưới cái giá để phụ hoạ với trống chiến. Người đánh chiêng dùng hai miếng tre hoặc hai miếng cây goị là cặp “sang” để đánh.

¨ Chập chõa: dùng với trống bắc cấu.

¨ Đờn: chánh trong điệu Hát Bội là cây đờn Cò (đờn nhị). Kế đó là đờn Gáo, đờn Kìm, đờn Tam, đờn Sến. Guitar mới dùng vào sau nầy nhưng nghe không hạp với điệu Hát bội nên có người dùng đờn Tranh thay vào.

¨ Kèn và ống Sáo: Kèn dùng khi hát Khách hoặc để gợi cảm giữa 2 câu hát Nạm ống Sáo dùng để phụ hoạ các cây đờn khi hát Nam hay hát Khách (cho nữ diễn viên). Nếu có hát giọng Hồ Quảng thì thêm cây “Cuổn” để đưa hơi Hồ Quảng.

...còn tiếp...
MCN
www.vietsuns.com

Xin A C E mở xem thêm ở đây :
http://www.vietsuns.com/...OPIC_ID=6211&whichpage=1
Việt Dương Nhân
#3 Posted : Wednesday, August 3, 2005 12:44:44 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0

3/ THOAỊ KịCH

Thọai Kịch Hay Tân kịch là kịch Nói chuyện thường. Loại Kịch nầy khó diễn tả vì Kịch Sĩ phải có năng lực diễn xuất trên mức thường và lối kịch Thơ thì lại càng khó diễn hơn nữa bởi nó đòi hỏi ở Diễn viên một trình độ Học thức khá cao nếu không sẽ giống như Học trò trả bài.

Thường thì tuồng của Tân kịch thiên về lối kịch Xã hội và các vai trò đều nói chuyện suông không có ca. Vì vậy mà phần đông khán giả (ngọai trừ hạng Khán giả Trí thức biết thưởng thức) chưa nhận định được giá trị của Lời Văn và ý nghĩa sâu xa của Vở Kịch đã mau chán.



Những vở Kịch Xã hội tâm lý tình cảm luôn luôn viết bằng Tản Văn, ngọai trừ những vở Kịch về sử có thể viết bằng Vận Văn.



Văn kịch là lối văn siêu Tả Chân, thường viết bằng lối văn xuôi cho hạp với hoàn cảnh thực tế ngoài đời.



Danh sách những Nghệ Sĩ trong bộ Môn Thọai Kịch:

- - Nữ: Kim Cương, Thẩm Thuý Hằng, Bích Thuận, Bích Sơn, Tuý Phượng, Tuý Hoa, Kiều Oan, Phương Lan Kiều Hang., Bích Thủy V.v…

- - Nam: Vân Hùng, La Thọai Tân, Tùng Lậm, Xuân Phát, Khả Năng, Phi Thoàn, Hương Huyền, Hoàng Long, Thanh Việt v.v…



4/ Soạn kịch

Có 4 phần cốt yếu để xây dựng một vở Kịch, Cải Lương, Hát Bội: Lưạ đề tài, Sáng tạo nhân vật, Bố cục và Lập Từ.

· Lựa đề tài: diễn kịch là một lối tuyên truyền rất đắc lực và hữu hiệu nhất. Thường người ta lựa những sự tích tốt đẹp đem ra diễn đặng làm gương cho người đời, nêu lên gương cao thượng như: trung thần, hiếu tử, nghĩa phu, tiết phụ v.v… và có đủ Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí và Tín như vậy vở Kịch mới có giá trị và đáng nêu lên cho người xem. Nếu lựa được cốt tuồng có Kịch Tính càng hay. Ví dụ như:

- Tuồng “Xử Tội Bàng Quí Phi” có sự tranh đấu dằng dai giữ vấn đề an ninh quốc gia và ái phi trong vai Tống Nhơn Tôn.

- Tuồng “ Tô Ánh Nguyệt” diễn tả sự hy sinh cực điểm của Người mẹ giữa tình mẫu tử phân ly và sự bảo tồn danh giá cho chồng trong vai cô Nguyệt.

Nhờ những tình cảnh nan giải, những trạng huống trái ngan khó xử trong các vai tuồng, nên mới nảy ra KỊCH TÍNH .



· Lựa xong đề tài rồi, soạn giả khởi công sáng tạo các nhân vật của Tuồng. Cái khéo của Soạn Giả là biết khai thác những chổ Ưu điểm của Diễn Viên để sắp đặt các vai tuồng cho ăn khớp với nhau như: người Kép nầy sở trường về vai Kép “MÙI”, người kia về vai Kép “Độc”, cô nọ về vai Đào “THƯƠNG”, cô kia về vai Đào “LẲNG”, anh nọ có biệt tài chọc cười khán giả v.v…



· Bố Cục: đây là điểm rất quan trọng. Thời gian trình diễn một vở Kịch thường từ 2 đến 3 giờ nhưng nó thay thế cho một khoản thời gian lâu hơn từ 24 giờ đến nhiều năm. Vì thế nên muốn viết một vở Kịch phải có sự sắp đặt các lớp lang trước, gọi là Bố Cục. Bố cục một vở Kịch là phân màn hay hồi (Acts) và phân lớp hay kịch (Scenes). Màn là đọan dài trong vở Kịch. Trong một màn có nhiều Lớp kịch.

Khi phân màn rồi thì soạn giả khởi viết tuồng. Việc nào xảy ra trước viết trước, việc xảy ra sau viết sau. Câu chuyện phải tuần tự phát triển mới hay.

Tựu trung của Vở Kịch gồm có ba đoạn: Khai đề, Kịch Biến và Ðoạn Kết.

Muốn Bố cục một vở Kịch cho có phương pháp, còn cần phải theo những lệ sau đây:

- Hành động duy nhất: các thành phần của Vở Kịch phải theo một khuynh hướng then chốt của Câu chuyện. Những vai trò tập trung vào sự giải quyết vấn đề, không được hành động rời rạc.

- Trường sở duy nhất: việc đã xảy ra ở chổ nào như: một đô thị, một trại Lính, một chiếc Tàu v.v… thì từ đầu chí cuối cứ ở một nơi ấy.

- Thời gian duy nhất: câu chuyện xảy ra trong một ngày hay lâu lắm là trong năm ba bữa mà thôi.

Ngày nay lệ Tam-duy-nhất trên không còn được các soạn giả hiện thời dùng đến vì họ cho là quá nghiêm khắc. Trừ lệ Hành Động duy nhất là điều cốt yếu phải theo còn hai lệ sau có thể di dịch được.



· Lập Từ: là cách dùng lời văn để diễn đạt tư tưởng trong các tuồng.

- Tuồng Hát Bội: có tuồng Pho là những tuồng lấy tích trong truyện, và tuồng Ðồ là tuồng lấy tích chuyện ngoài.

Viết tuồng Pho hay tuồng Ðồ phải dùng văn cổ điển nghĩa là cách hành văn phải theo lối xưa, không thể dùng văn xuôi hay văn kịch để viết tuồng Hát Bội. Khi soạn Tuồng Hát Bội luôn luôn phải dùng văn vần vì lời thơ có vẻ trang nghiêm hợp với cốt tuồng.

- Tuồng Cải Lương: có 2 lối văn. Nếu soạn Tuồng Tàu hay Tuồng sử thì có thể dùng văn cổ điển. Còn khi soạn Tuồng xã hội hay Hương xa thì dùng lối văn nay, tản văn hay vận văn miễn là cách hành văn và tư tưởng phải theo nay.

- Soạn Thọai Kịch thì dùng văn xuôi cho có vẻ tự nhiên như lời nói chuyện thực ngoài đời. Tốt nhất là nên gói ghém tóm tắt để tránh gây ra sự nhàm chán.
Users browsing this topic
Guest (3)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.