NHỮNG NỮ NHẠC SĨ VIỆT NAM TẠI SAN JOSE
Cuối tuần qua, ngày 11 tháng 6, Sonia Thanh Thủy vừa cho ra mắt CD nhạc đầu tiên của chị tại Milpitas Community Center. Buổi ra mắt vào chiều Chủ Nhật này đã đánh dấu thời kỳ sản xuất âm nhạc sung mãn của các nữ nhạc sĩ Việt Nam tại San Jose liên tục trong nhiều năm qua. Những CD mang những ca khúc mới đều do phái nữ sáng tác, sản xuất và phát hành.
Nữ nhạc sĩ Tú Minh
Tú Minh trình làng CD thứ hai, “Chiếc Lá Mong Manh” vào tháng 10, 2004 trong nhạc hội “Trắng và Xanh” tại Santa Clara Convention Center, rồi đến Đào Nguyên với “Trả Lại Cho Anh” vào tháng 7, 2005 tại nhà hàng Thành Được. Tiếp theo là Ngọc Loan với CD thứ tư, “Tìm Trong Nỗi Nhớ”, vào tháng 2, 2006 tại vũ trường Milano. Trước đó, vào tháng 11 năm 2000, Pha Lê đã cho ra mắt “Chiều Nghe Sóng Bạc Đầu” tại Le Petit Trianon.
Dù không gây nhiều xôn xao trong cộng đồng, các sự kiện trên lẽ ra phải được xem là hiên tượng đáng chú ý: Chỉ riêng số lượng ca khúc được sản xuất do các nữ nhạc sĩ San Jose trong năm năm qua đã vượt xa số lượng nhạc mới sản xuất bởi cả hai trung tâm sản xuất lớn cộng lại: Thúy Nga và Asia, và cũng không kém số lượng nhạc mới được sản xuất tại Việt Nam trong cùng thời gian. Sự kiện này cũng chứng minh sự sai lạc của một số bỉnh bút cho rằng sáng tác âm nhạc ở hải ngoại không sung mãn so với trong nước.
Vả chăng, số lượng ca khúc sản xuất trong nước đã lấn áp thị trường nhạc trong gần mười năm qua, khả dĩ là do sức phát hành mạnh và giá bán rẻ mạt. Thêm vào đó, các trung tâm ở hải ngoại lại có vẻ như quá thận trong trong việc sử dụng những sáng tác mới. Tuy thế, trong hoàn cảnh kém thuận lợi hơn các trung tâm lớn, tác phẩm mới của những nhạc sĩ mới đã âm thầm chiếm được một vị trí trong lòng người nghe: “Vì Đó Là Anh”, “Mình Ơi” (Diệu Hương), “Hãy Cứ Là Tình Nhân” (Tú Minh), “Nắng Úa Tình Tôi” (Ngọc Loan) đã trở thành thịnh hành hơn cả những tác phẩm mới do các trung tâm lớn thực hiện và sản xuất.
Trong năm 2004, Trung Tâm Kim Lợi tại San Jose đã dùng bốn tác phẩm của hai nữ nhạc sĩ trong một sản phẩm music video: Nắng Úa Tình tôi (Anh Tuấn), Thiên Đàng Đã Mất (Tuấn Anh) – Nhạc Ngọc Loan – Thôi Thì Cũng Xong (Ý Lan), Bạc Tình Lang (Ái Vân) – Nhạc Tú Minh-.
Riêng ở miền Nam Cali, Diệu Hương, sau khi thành công với “Vì Đó Là Anh” (do Quang Dũng hát) trong một CD của chị, cũng đã được trung tâm Asia mời cộng tác. Những năm đầu của thế kỷ 21, rõ ràng nữ giới đã qua mặt nam giới trong lành vực sáng tác và tạo thành quả.
Con đường sáng tác
Pha Lê, một giáo sư anh văn tại Overfelt Adult Center với khuôn mặt khả ái và tính tình khiêm nhượng, cho rằng mình đã đến với âm nhạc như một duyên nghiệp và không mơ ước trở thành nhạc sĩ nổi tiếng, mặc dù đôi lần từng ước mơ sẽ làụ nhạc sĩ chuyên nghiệp. Cũng là người làm thơ, ca khúc của Pha Lê chuyên chở những tâm sự quay quắt về tình yêu và thân phận con người, thể hiện qua giai điệu nhẹ nhàng mang nhiều nét bán cổ điển. Hai sản phẩm, Cassette Tình Ca Say năm 90 và CD Chiều Nghe Sóng Bạc Đầu năm 1999 đã đem được một phần trong hơn 50 sáng tác của cô đến công chúng. Cả hai sản phẩm đều không mang mục đích thương mại nên cô đã tự hát toàn bộ những bài hát của mình và phát hành không rộng rãi.
Pha Lê từng là thành viên nữ đầu tiên của Câu Lạc Bộ Âm nhạc tại San Jose. Nhiều khán giả vẫn nhớ về chị bên chiếc dương cầm, vừa đàn vừa diễn tả những ca khúc của mình. Nhưng sau lần ra mắt CD thứ nhì vào tháng 11, 1999, chị đã không còn tích cực trong những hoạt động âm nhạc nữa, không phải vì bận gia đình, mà vì bận săn sóc cho mẹ già. Người con hiếu thảo này cho đến nay vẫn còn độc thân và vẫn sáng tác.
Với số vốn về kiến thức âm nhạc thu thập từ nhiều thầy nhạc từ trước 1975, Ngọc Loan mới chỉ sáng tác từ cách đây 8 năm sau khi thụ giáo về sáng tác với nhạc sĩ Nguyễn Trung và sau một thời gian tự học bằng phương pháo tỉ giảo nhạc ngữ từ những bản nhạc đã nổi tiếng. Nhưng trong thời gian đó sức sáng tác của chị sung mãn hơn hẳn những đồng nghiệp: hơn 100 ca khúc và 4 CD đã ra đời.
Nữ nhạc sĩ Ngọc Loan
Toàn bộ 4 CD với 44 ca khúc của Ngọc Loan, mỗi sản phẩm được lồng trong bìa cứng như một tập nhạc nhỏ, trong đó lời nhạc in trên nền minh họa mỹ thuật và hình của những ca sĩ nổi tiếng Việt Nam, điển hình là Hồng Nhung, Thanh Lam, Quang Dũng. Từ bìa cho đến CD in đẹp và trang nhã.
Dường như ca từ đến với Ngọc Loan khá dễ dàng. Ca từ của 44 ca khúc trong CD đều do chị viết. Chị cho biết rất ít khi phổ thơ vì không muốn bị lệ thuộc vào ý tưởng cũng như âm vận của thơ, trừ khi gặp được bài thơ đồng cảm, hoặc lắm lúc phổ thơ vì bạn bè (là thi sĩ) nhờ.
Nhạc Ngọc Loan hầu hết là viết cho tình yêu. Nhưng ở rất nhiều nơi trong ca khúc của chị, người nghe có thể bắt gặp một ít bóng dáng quê hương, hay một ít nào đó nói lên thân phận con người, mang một ít hơi hướm Trịnh Công Sơn.
Là một thương gia thành công trong nghành địa ốc, công việc làm ăn không khiến người nghệ sì này mỏi mệt trong sáng tác. Chỉ mới gần nửa năm trong năm nay, Ngọc Loan đã sáng tác được hơn hai mươi ca khúc mới, mà ca khúc mới nhất có tên là Đổi Trắng Thay Đen, cảm hứng lúc nhìn thấy hai lằn mầu trên chiếc cần đánh răng trong một buổi sáng.
Cuộc sống của Ngọc Loan có vẻ không bị bận rộn vì con cái vì chúng đã lớn. Đời sống Đào Nguyên có phần hơi khác. Với ba con trai nhỏ, lại thêm công việc kế toán tại Cisco, thì giờ dành cho âm nhạc của chị không nhiều, nhưng trong năm 2005, một sản phẩm của Đào Nguyên đã đưa người nữ nhạc sĩ này vào cộng đồng sáng tác của âm nhạc hải ngoại: CD Trả Lại Cho Anh hồi tháng 10 được trang trọng ra mắt và được nhận rộng rãi. Ngày nay bạn có thể nghe nhạc Đào Nguyên trên nhiều trang nhà trên mạng điện tử.
Học lý thuyết nhạc và dương cầm từ nhỏ với các nhạc sĩ danh tiếng như Nghiêm Phú Phi và Lạc Nhân, cộng thêm số vốn kiến thức từ chương trình sư phạm nhạc khí tại Hoa Kỳ, Đào Nguyên bắt đầu sáng tác từ năm 1985 với ca khúc đầu tay “Trăng Quê Hương”. Khác với Ngọc Loan, rất nhiều ca khúc của Đào Nguyên phổ từ thơ, do đó trong ca từ, tư tưởng man mác hơi thiền và tình quê hương của nhà thơ Từ Minh Phương được trải rộng. Tuy vậy bài hát được chú ý nhiều trong buổi ra mắt CD Đào Nguyên, “Chiều Không Em” lại chuyên chở nặng sự trữ tình, nhất là bài nhạc lại được diễn tả bởi chất giọng lả lơi của Ý Lan.
Nữ nhạc sĩ Đào Nguyên
Làm nhạc hơn hai mươi năm, vốn liếng ca khúc của Đào Nguyên không nhiều: chỉ hơn 20 bài và trước khi thực hiện CD, chị chưa từng ước mơ trở thành nhạc sĩ nổi tiếng cho đến khi những ca khúc trong CD này bắt đầu được nói đến nhiều trong các bài báo tường thuật và được khen ngợi trên các trang điện tử, trong đó
www.suoinguontamtu.com là một.
Trong năm 2003, Đào Nguyên gia nhập Câu Lạc Bộ Âm Nhạc và sau đó trở thành thủ quỹ của nhóm. Sinh hoạt với CLBAN tạo nhiều hứng khởi cho Đào Nguyên và chị cho biết sẽ còn tiếp tục sáng tác và sản xuất những tác phẩm của mình.
Trong số năm nữ nhạc sĩ vùng San Jose đã có đến 3 người đang, hoặc đã từng tham gia Câu Lạc Bộ Âm Nhạc, một tổ chức thiện nguyện thành lập bởi một số nhạc sĩ vùng Bắc Cali. Thế nhưng trước khi gia nhập CLBAN vào năm 2000, Tú Minh đã sản xuất CD Hãy Cứ Là Tình Nhân và đang trên đà thành công khi đã bán hết CD trong ba đợt phát hành kể từ tháng 10-1999.
Viết nhạc từ năm 16 tuổi với kiến thức âm nhạc từ gần mười năm học dương cầm trước đó, cho đến nay Tú Minh có gần 40 ca khúc gồm nhiều thể loại, từ nhạc thiếu nhi, đấu tranh, xà hội, tình cảm cho đến gần đây nhất là những ca khúc mang làn điệu dân tộc và sử tính. Hai ca khúc mới nhất được đưa lên sân khấu nhạc hội mang tên Tìm Về Cội Nguồn với giọng hát Vĩnh Thanh Thảo và Nhà Trống Quá Chị Ơi với giọng hát Thanh Phương đã tạo được thành công ngoài dự liệu.
Thành quả âm nhạc và thành quả trong đời sống đến với Tú Minh rất khả quan. Cũng là kết quả của nỗ lực và sự hăng say không ngừng trong 5 năm kể từ 2001, với hai lần sinh nở, lại vừa đi học và sinh hoạt âm nhạc thường xuyên với nhiều lần trình diễn ở các tiểu bang và các vùng miền Nam Cali, (có những lần trình diễn khi đang có bầu) chưa kể các lần trình diễn tại San Jose, Tú Minh đã cho sản xuất thêm CD thứ hai mang tên “Chiếc Lá Mong Manh” vào năm 2004. Cuối tháng 5, 2006, lại thêm một thành quả nữa: Tốt nghiệp cử nhân nghành kế toán tại đại học San Jose State.
Cũng như “Vì Đó Là Anh” của Diệu Hương, sự thành công của “Hãy Cứ Là Tình Nhân” không qua sự giới thiệu của các trung tâm lớn mà do sự phổ biến của những đợt sóng ngầm từ giới mến mộ, kể cả sự mến mộ của các ca sĩ. Ý Lan đã dùng Hãy Cứ Là Tình Nhân làm chủ đề trong những nhạc hội do cô tổ chức từ Mỹ sang đến Úc. Riêng tại Pháp, Bạch Yến, một ca sĩ kỳ cựu của tân nhạc Việt Nam cùng đã dùng ca khúc này làm nhạc chính trong sản phẩm của chị. Ngoài Bạch Yến và Ý Lan, Phương Hồng Quế và Lưu Bích cũng là những ca sĩ từng sử dụng nhạc Tú Minh trong CD nhạc của mình.
Muốn được biết đến như là nhạc sĩ hơn là ca sĩ, mỗi năm Tú Minh chỉ trình diễn ở xa đôi ba lần. Tại San Jose, Tú Minh thường được biết đến nhiều qua những nhạc hội do Câu Lạc Bộ Âm Nhạc tổ chức.
Nữ nhạc sĩ Sonia Thanh Thủy
Năm 19 tuổi, Sonia Thanh Thủy sáng tác ca khúc đầu tiên với căn bản âm nhạc tự học. Nhưng mãi đến năm 1984, khi cùng hai chị ruột trong gia đình mở quán cà phê văn nghệ Ngàn Phương trên đường Tully, Thanh Thủy mới bắt đầu sáng tác mạnh mẽ. Tại cà phê Ngàn Phương, Thanh Thủy đảm nhận phần ca nhạc bỏ túi hàng tuần, thu hút khách yêu văn nghệ và cũng phần nhiều thu hút những chàng trai mến mộ chủ nhân. Một trong số đó là Lưu Văn Phúc, chàng trai cưỡi mô tô, khôi ngô tuấn tú, không ca hát văn nghê, nhưng học giỏi, đã chiếm được trái tim Thanh Thủy sau khi tuyên hứa sẽ không tiếp tục cưỡi mô tô nữa.
Sau hai mươi năm, với một gia đình đầm ấm có hai con đủ trai gái đã lớn và một công việc trình bày hoa làm tại nhà, trong tập bản thảo của Thanh Thủy chỉ có 20 ca khúc, hầu hết viết cho tình yêu. CD sắp ra mắt vào đầu tháng sáu này do ở sự khuyến khích của các anh chị và bạn bè. Chị chưa bao giờ có tham vọng trở thành nữ nhạc sĩ chuyên nghiệp và nổi tiếng. Chị cũng cho biết CD “Đà Lạt Trong Mơ” sẽ là sản phẩm duy nhất chị cho trình làng. “Đà Lạt Trong Mơ” cũng cho ra đời để tặng bạn bè và người thân.
Họ đã thực hiện sản phẩm âm nhạc như thế nào, sức phổ biến ra sao và việc sản xuất có đem lại được lơi nhuận cho họ không? Đó là chặng đường không một người bình thường nào muốn trải qua.
Trần Quảng Nam
*Ghi chú: Bài này đã được đăng trên báo VTimes, số 03 ra ngày 16 tháng 6, 2006