Dở Chồng Báo Cũ...Ngậm Ngùi
PHAN ANH THƯ
Trần Quốc Bảo và Phan Anh Thư
Tuần qua tôi đến Quận Cam giao hàng cho các chợ. Lần nào cũng vậy, trước khi về lại Fresno, tôi cùng vài người bạn rủ nhau ra phố Bolsa kiếm chút thức ăn lót dạ. Hôm ấy, dưới mái hiên quán cà phê Lily, tôi đang ngắm nhìn ông đi qua bà đi lại, mà hồn phách để đâu đâu. Bỗng chợt nghe tiếng gọi: “Cô! Cô xuống lúc nào vậy. Dạo này cô khỏe không?” Tôi ngẩng đầu lên nhìn người đối diện, ra là MC Trần Quốc Bảo. Sở dĩ Bảo gọi tôi là cô, vì Bảo gọi theo vai vế giữa anh Năm Huỳnh Liên và nhà tôi, chứ thực ra tuổi tôi không hơn tuổi Bảo nhiều lắm.
Tôi còn nhớ cách đây lâu lắm rồi, hơn 30 năm về trước, chỉ vì một lời nói đùa vô ý của ông Tâm nhà tôi đã khiến anh Năm Huỳnh Liên ngót hơn 6 tháng trời không nhìn mặt ông em “kết nghĩa” ngang tàng và bướng bỉnh. Anh Năm Huỳnh Liên là người thâm trầm nhưng phát ngôn bộc trực, thẳng thắn, theo đúng kiểu cách cố hữu của phần đông người gốc miền Tây Nam phần Việt Nam. Dù nhiều lần nói với tôi rằng đã lỡ dại nói đùa quá trớn, nhưng ông Tâm nhất định không chịu đích thân đi xin lỗi mà nhờ tôi đến thăm anh chị Năm xin lỗi thay. Nhân ngày cuối tuần được nghỉ, tôi từ miền Tây về Sài Gòn để làm việc mà ông Tâm phải làm. Chị Năm mở cửa đón tôi, mới kịp hỏi thăm, đã có tiếng người từ trên cầu thang lầu nói vọng xuống: “Cô đến để “giải độc” cho thằng Nam Kỳ gian đó à?” Chưa kịp trao bó hoa mà tôi vừa mua ở chợ Bến Thành, lễ vật xin gia chủ tha thứ cho chồng sắp cưới, anh Năm Huỳnh Liên đã bước xuống nấc thang lầu cuối cùng, đối diện tôi. Chị Năm vội vàng lên tiếng: “Thôi đi ông ơi, lỗi ở chú Anh Tâm, thiếm nó đâu có lỗi gì mà ông la lối như vậy?” Như chưa hết cơn giận, anh Năm Huỳnh Liên sửa lại gọng kính cận, mặt xoay về phía chị Năm, tay chỉ vào người tôi nói: “Tôi đã lấy số tử vi cho con bé này rồi. Tội nghiệp, nó mà lấy thằng nhà báo Anh Tâm làm chồng, suốt đời nó sẽ khổ cho đến chết… Cái thằng nhà báo “du côn” không biết tôn ti trật tự gì cả. Chí đến tôi đây là người từng cứu mạng nó mà nó còn dám hỗn láo. Cả đời con bé này sẽ bị nó ăn hiếp dài dài…” Chị Năm, thân mẫu của Trần Quốc Bảo là một nội trợ đảm đang, thật thà, chất phác. Tính anh Năm nóng nảy còn hơn Trương Phi, nhưng chỉ trong phút chốc. Trong cơn nóng giận anh Năm Huỳnh Liên chửi mắng ông Tâm không tiếc lời, nhưng khi ngồi đối diện với anh Năm ở phòng khách, anh Năm nhỏ nhẹ dạy bảo tôi rằng: “Khi chấp nhận làm vợ một nhà báo, thiếm nên chuẩn bị tinh thần và sức chịu đựng, trang bị cho mình câu tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.” Vì luôn nhớ lời nhà tướng số Huỳnh Liên khuyên bảo, tôi đã chịu đựng biết bao nhọc nhằn, nhiêu khê và phiền muộn trong suốt hơn 30 năm trời chung sống với người chồng làm nghề viết nhựt trình…
Rồi mới đây, lật chồng báo cũ 15 năm trước, tình cờ tôi đọc lại bài viết của mình trên tờ Phụ Nữ Ngày Mai, do tôi chủ trương vào năm 1990:
“… Đã từ lâu lắm rồi, tôi tự hứa với lòng mình sẽ không cầm bút trở lại bởi nhiều lý do. Trước đàn con nhỏ dại, tôi phải dành nhiều thời giờ hơn trong việc dạy dỗ con cái. Các con tôi, dù được sinh ra trên xứ người, nhưng phải tìm về cội nguồn. Để khi lớn lên, chúng sẽ không bị rơi vào cảnh người Việt nhưng chỉ biết nói tiếng Mỹ, hoặc đua đòi theo thói hư tật xấu trong xã hội văn minh tân tiến ngày nay. Nhân đọc bài của cha Anthony Đào Quang Chính trên báo Đất Mẹ, tôi thấy thèm viết trở lại. Mở đầu bài viết “Bình mới, rượu cũ, bình cũ rượu mới” cha Đào Quang Chính viết rằng:
“Nàng rằng phận gái chữ tòng
Chàng đi thiếp cũng một lòng đi theo”
Để rồi, trong một thể văn hài hước, cha Chính chua chát viết tiếp: “Coi bộ hai câu thơ trên ngày càng mất giá, nhất là trong xã hội của người phụ nữ được coi như đứng vào hàng ưu tiên, ngang ngửa với nhà cửa , chó mèo, cây cỏ.”
Trong một bài khảo cứu, người ta đã xếp đàn ông con trai vào hàng thứ 9, nghĩa là còn sau các anh chị chó mèo và cô chú cây cỏ vài ba bậc. Oâi thời ngựa anh đi trước võng nàng theo sau, có lẽ chỉ còn là huyền thoại, dù rằng mới cách đây vài chục năm. Cảnh tuyệt vời trong mộng đó đã là ước mơ rất thực tế của mọi gia đình. Ơû Việt Nam, thời Đệ I, Đệ II Cộng Hòa, ngay cả lúc quân đội đồng minh ào ạt đổ bộ vào, tuy cảnh quốc gia lâm vào tình trạng “Nhất…, nhì Sư, tam Cha, tứ Tướng” đi nữa, nền tảng gia đình, nhất là tương quan giữa vợ chồng không đến nỗi lạ lùng như bây giờ. Gọi là lạ lùng chớ không phải sai trái vì chẳng biết thời nào sai nhiều hơn thời nào. Những khác biệt về cơ cấu tổ chức trong xã hội đương nhiên ảnh hưởng mạnh đến nếp sống gia đình. Đây chưa kể đến nhiều giá trị cần phải được đặt lại cho đúng vị trí của nó: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử?
Phận đàn bà Việt Nam chỉ biết chữ tòng: tòng phục, tòng quyền. Đến khi không tòng được nữa thì lạy trời. Chính vì vậy mà người ta thấy được những trường hợp gọi là “tung hê”, chẳng còn lưu tâm gì nữa, vất bỏ hết. Chẳng hiểu do luân lý nào mà xã hội Á châu rất bênh vực đàn ông con trai. “Trai năm thê bảy thiếp. Gái chính chuyên một chồng.” Sao lạ nhỉ? Tại sao không “Trai năm thê bảy thiếp. Gái chính chuyên vài chồng.”
Để mở đầu loạt bài này, xin được dựa vào một phần đề tài của cha Đào Quang Chính để nói lên ưu tư và thân phận của những người đàn bà vì hai chữ chính chuyên mà phải chấp nhận cái gọi là: phu tử tòng tử…ª