Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

3 Pages<123
Truyện Ngắn - Nguyễn Thị Tê Hát
Nguyễn Thị Tê Hát
#42 Posted : Monday, May 18, 2009 2:48:36 AM(UTC)
Nguyenthitehat

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 481
Points: 201
Woman
Location: Oklahoma

Thanks: 2 times
Was thanked: 23 time(s) in 20 post(s)
Em Tôi!
Em tôi mọi người đều khen là đẹp trai, đôi mắt to với hàng mi cong trên khuôn mặt hay mắc cỡ, hay đỏ mặt đến nỗi mỗi lần khách ba mẹ đến nhà sau khi chào xong là chạy trốn vào trong. Bạn tôi đến hỏi có tôi ở nhà hay không? Hắn chỉ trả lời có hay không rồi biến mất, muốn hỏi thêm câu nào cũng đành chịu.

Ngày tháng đi qua, em tôi lớn lên theo thời gian, cái mắc cỡ, cái đỏ mặt không còn nữa, em tôi trở thành một thanh niên hoạt bát với vẻ mặt nghiêm nghị nhưng với khuôn mặt đó, nụ cười đó đã lôi cuốn nhiều cô gái cùng tuổi để rồi chúng tôi được dịp lén đọc những lá thư yêu, những lá thư ghen, những giận hờn, những oán trách. Không những thế mà bạn của tôi cũng ngẩn ngơ mỗi lần nhìn em tôi trên màn ảnh nhỏ. Em tôi dáng cao, đàn hát hay, khéo nói. Chị em chúng tôi một nửa giống ba nên đam mê văn nghệ, trong khi nửa kia còn lại giống mẹ chỉ biết thưởng thức, không như một nửa giống ba của chị em chúng tôi.

Những ngày cuối tuần, dưới bếp mẹ bận rộn với tiếng thớt, tiếng nồi niêu xoong chảo bao nhiêu thì trên phòng khách chị em chúng tôi đàn ca vui hát nhộn nhịp bấy nhiêu của những sáng tươi hồng như Beautiful Sunday, The Magic woman, I Will Follow You, Đốt Lá Trên Sân hay Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ... tôi có đến 4 em trai cao lớn trong nhà và các cậu quý tử của bố mẹ đã vô tình đuổi đi những cây si của tôi... "anh đi ngang nhà em mấy lần nhưng không dám vào vì ngại mấy ông anh của em ..."

Khi em tôi đậu tú tài, ba mẹ thưởng cho em đi du lịch từ Sài Gòn ra Huế, mua một chiếc xe dzeep làm quà để sau đó cứ phải nghe ba phàn nàn mỗi chiều sau khi đi làm về rằng mấy ông bạn làm cùng đơn vị với ba mách bảo, thằng con lái xe nhanh trong thành phố, đã vậy tay không để trên tay lái, trên xe chở toàn là con gái cười nói ầm ĩ... Sau đó em làm xướng ngôn viên cho đài truyền hình của thành phố chúng tôi ở, mọi người thích nhìn em tôi trên màn ảnh, họ ngóng chờ giờ em đọc tin tức, bình luận. Bạn tôi cứ đùa kêu lên: "sao mày không bảo em mày cười với tao một cái..." Cái đào hoa của em tôi giờ này vẫn còn làm cho người bên cạnh phải bực mình khó chịu.

Cuộc đời không như ý, sau khi lịch sử đổi thay, cuốc sống của mọi người bị đảo lộn, em tôi trở thành hiệu trưởng của một trường tiểu học ở Giang Điền với cuộc sống bình dị yên lành của vùng đất mới khai quang. Sau ngày tôi đi, em tôi lập gia đình với cô bạn học ngày xưa, cô bé hàng xóm cũng là em của bạn học tôi. Hai đứa lớn lên trước đôi mắt của gia đình hai bên, cuộc sống của em tôi thăng trầm mà tôi không thể ngờ được trong thời gian bao cấp. Những lá thư viết sang không hề than trách cho đến khi tôi trở về...

Cô em dâu tôi kể những khó khăn mà vợ chồng em tôi gặp phải... "anh ôm thùng kem đi bán, băng qua đường bị xe đụng, thùng kem đổ tung ra.... về nhà hai vợ chồng ôm nhau khóc... 2 vợ chồng mở tiệm cho thuê bàn ghế chén bát, sau những đám cưới phải xắp xếp bàn ghế, rửa chén bát cho đến sáng để hôm sau còn kịp giao cho đám khác. Mở tiệm cafe, tụi nó ngồi vừa uống vừa phá, đổ cả bình đường vào ly, ngồi hoài không chịu về cho dù đã quá giờ đóng cửa... " nghe em dâu tôi kể mà nước mắt tôi đầm đìa, lòng tôi đau như cắt , tôi không thể ngờ cuộc sống của em tôi lại trải qua những thời kỳ đen tối như vậy? Trong khi đó tôi cứ tưởng gia đình tôi vẫn sung túc, cuộc sống của gia đình em tôi ấm no nên bao nhiêu tiền bạc đều gởi về cho gia đình chồng, vì nghĩ họ cần sự giúp đỡ hơn gia đình tôi mà qua những lá thư than vãn xin xỏ mà chúng tôi nhận được. Tôi đâu có ngờ sự vô tình của tôi đã đưa các em tôi đến bên bờ khốn khổ nghèo túng? Càng nghe kể tôi càng cảm thấy có lỗi với gia đình, với em tôi... Em tôi là người đàn ông có trách nhiệm, không một lời than van, xin xỏ để gánh chịu những khốn khó cùng cực cùng với những người dân lúc ấy trong thời buổi đen tối nhất của thời cuộc.

Khi tôi dắt 2 con về Việt Nam lần đầu tiên sau những năm rời xa quê hương. Tôi về dự lễ giỗ một năm của vợ chồng em trai tôi, cậu em trai thứ tư trong gia đình, em tôi ngày ấy yêu nồng nàn, yêu đắm say nên đã từ bỏ tất cả, từ bỏ Canada, từ bỏ cuộc sống mà những người ở Việt Nam lúc ấy đang thèm khát để đi tìm tình yêu của chính mình. Sau đó một tai nạn thảm khốc đã đem đi sinh mạng của vợ chồng em tôi và để lại một bé gái 2 tuổi... Tôi đưa hai con trở về nơi tôi đã bỏ đi nhiều năm với cõi lòng tan nát, khổ đau. Khi em đưa tôi đến Thánh Đường ở Gò Vấp nơi cất giữ hài cốt... nhìn 2 cái hộp đặt trong tủ kiếng nằm kế cận bên nhau với hình ảnh của vợ chồng em trai tôi trông quá trẻ với nụ cười tươi làm lòng tôi đau ngút ngàn, em tôi đến ôm chị vỗ về. Cái ấm ấp trong vòng tay em tôi làm tôi muốn òa khóc.

Thời gian tôi về lúc ấy, cuộc sống của gia đình em tôi đã ổn định, có căn nhà khang trang ở đường Lê quang Định, có tiệm cho thuê video rất khấm khá làm ăn nên, có lúc phải thuê 3, 4 người phụ việc, tôi mừng vì cuộc sống của vợ chồng em tôi khởi sắc nhưng cũng có lúc sóng to gió lớn trong hạnh phúc của em tôi suýt nữa đổ vỡ... "chị xem, em đứng ngay bên cạnh anh ấy mà tụi nó cứ bám theo, làm như không có mình vậy, sáng nào cũng đến, chiều nào cũng có mặt mà anh ấy lại chẳng đuổi đi đã vậy còn cười nói với nó...". Các cô trong tiệm làm tóc, làm móng tay gần nhà mà em đã đưa tôi đến, các cô vừa trông thấy đã tươi cười đon đả..."cô mới về hả? cô giống chú ghê, chú đẹp trai giống Nguyễn Ngọc Ngạn..." tôi cười nhủ thầm "Nguyễn Ngọc Ngạn mà đẹp gì? em tôi phải khác hơn chứ..."

Em tôi có uy quyền của một người đàn ông đến tôi là chị mà cũng phải e dè, đôi khi cái uy quyền đó làm tôi bực mình, tự ái đến muốn khóc vì có cảm tưởng hắn lấn át tôi, hắn cho hắn cái quyền được canh chừng, bảo vệ tôi và dĩ nhiên tôi cũng phải cẩn thận e dè hơn trong cuộc sống của riêng mình vì tôi muốn tôi vẫn mãi là một người chị đúng nghĩa trong lòng em tôi.

Ngày tôi trở lại nơi này, tôi đã để lại một số tiền lớn cho em tôi qua ông bố vợ nhờ ông đưa lại cho em sau khi tôi đã đi, vì tôi biết chắc nếu đưa tận tay em sẽ không bao giờ nhận. Số tiền nào đi nữa cũng không đủ bồi đắp những thiếu xót vô tình của tôi trong thời kỳ đen tối đã qua mà gia đình em tôi đã gặp phải...

Năm ngoái tôi lại trở về thăm quê hương sau 12 năm kể từ lần giỗ vợ chồng em trai thứ 4 của tôi. Lần này tôi trở về có người bên cạnh đi theo, có chồng bên cạnh mà em tôi vẫn cứ phải lo lắng, canh chừng. Đi đâu em cũng gọi, em gọi nhiều lần, không bắt phone, để rồi khi liên lạc được tôi phải nghe những lời cằn nhằn..."có mỗi cái cell phone mà chị cũng không chịu bắt, chị có biết là người ta lo không?..." Ra Quy Nhơn thăm bạn bè, em gọi bạn em lo nơi ăn chốn ở. Đưa đi những quán ăn ngon, thăm lại những nơi mà em nghĩ tôi muốn được đặt chân đến, những nơi kỷ niệm đong đầy của tôi. Chúng tôi đến Quy Nhơn vào một sáng thật sớm đã thấy bạn của em tôi đứng đợi trước khách sạn từ bao giờ làm chúng tôi vô cùng ái ngại... Em tôi đấy, không những là một người bạn tốt, một người chồng quán xuyến mọi công việc làm ăn, một người anh, người em biết thương yêu bảo bọc chị, bảo bọc em và là một người cha quá chu toàn đối với con cái, một người cha nhìn vào tôi thèm được có cho các con tôi..."

Tiếng bạn tôi ở Việt Nam đều đều bên kia đầu giây kể về cuộc sống của bạn... của gia đình em tôi...

- Mày biết không? bên này bây giờ cái gì cũng đắt đỏ. 100 đô chẳng bao nhiêu, 2 tuần nay nhà tao không một tý thịt, đi chợ mua rau không đã hết 50 ngàn. Con cái giúp đỡ nhưng kinh tế xuống dốc nên cũng lo lắm. Nhà tao nhìn vào mọi người thấy đồ sộ như vila nhưng ai biết được là mấy mẹ con tao lo từng bữa một. Tao bị bịnh áp huyết cao phải uống thuốc mỗi ngày cứ phải mua tí gạo nếp nấu để dành ăn mỗi sáng cho khỏi xót ruột. Tiệm internet của thằng em mày dạo này ế ẩm phải đóng cửa, lúc trước cho người ta thuê phía trước để bán Cháo Dinh Dưỡng cho các em bé, bây giờ họ trả lại không thuê nữa vì nhà nước làm đường bụi bặm. Nhân cơ hội nhà nước sửa đường, hai bên nhà họ có tiền xây lên cao trông khang trang, còn 2 vợ chồng nó đâu có tiền nên chỉ xây sơ sài lên cho có để sau này cho thuê phía dưới. Mày biết hồi trước sáng nào nó cũng đi quán uống cafe, bây giờ bảo vợ mua về nhà pha, không dám uống bia, uống rượu, không ăn sáng. Ngày trước chê cơm nhà, đi ăn tiệm, bây giờ sáng cũng nhịn đói không ăn, chỉ chờ vợ nấu cơm ăn thôi... ". Nghe bạn nói nước mắt tôi tuôn,. cổ tôi nghẹn, tôi muốn bảo bạn im đi, tôi nghe đủ rồi, nhưng tôi không nói được, tiếng bạn vẫn đều đều. Tôi thương em tôi, tôi đau vì sự tiết kiệm quá đáng của em tôi, vậy mà gia đình ở Canada gởi tiền về hay mỗi lần gọi điện thoại hỏi thăm về cuộc sống hiện tại, em tôi đều trấn an vui vẻ để mọi người yên tâm.

Đêm qua lại mất ngủ, tiếng đều đều từ TV phát ra làm tôi mệt mỏi muốn chìm vào giấc ngủ nhưng khi tắt TV, những lời nói của bạn tôi lại quay cuồng trong đầu, nhìn đồng hồ mới 2 giờ 30, trằn trọc qua lại, nhìn lên đồng hồ lần nữa... hơn 3 giờ sáng... tôi muốn dỗ giấc ngủ nên lại mở TV lên để xua đi những ý nghĩ về cuộc sống của bạn tôi, của gia đình em tôi đang dày vò làm tôi khó chịu... Trằn trọc suốt đêm, không tài nào ngủ được, tôi ngồi dậy tìm địa chỉ, số điện thoại của em tôi và những gì cần phải làm trong ngày hôm nay để bỏ sẵn vào xách tay, vì dù sao những chuyến du lịch dự tính của tôi có thể xếp lại trong tương lai, hoặc không cần thiết bởi những khốn khó của em trai tôi là những khổ đau, là những nghèn nghẹn trong tim tôi lúc này... Vì tôi biết, nếu em ở vào địa vị tôi, chắc chắn em tôi cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ... và tôi, dù sao tôi cũng vẫn là người may mắn còn có một chỗ đứng nơi đây, còn có một công việc mà tôi đang và đã yêu thích nhiều năm....

Rose
Nguyễn Thị Tê Hát
Nguyễn Thị Tê Hát
#43 Posted : Wednesday, May 27, 2009 11:16:53 PM(UTC)
Nguyenthitehat

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 481
Points: 201
Woman
Location: Oklahoma

Thanks: 2 times
Was thanked: 23 time(s) in 20 post(s)
Cuối Đường

Hôm nay, trời sắp sửa vào thu, bầu trời không còn nắng gắt. Đêm hôm qua gió lạnh lùa vào cửa sổ, tấm chăn mỏng không đủ ấm làm trằn trọc suốt đêm, biết thế nhưng vẫn lười biếng trở dậy để đóng cửa sổ... một đêm mất ngủ, thêm một đêm thao thức để tất cả trong một khoảng thời gian nào đó chợt đi về trong ký ức, mang theo những khuôn mặt ngây thơ, nhỏ bé ngày nào, những khuôn mặt đã in đậm trong tâm khảm tôi như một cái mốc của thời gian nơi xứ người.

Mùa tựu trường đã bắt đầu, các học sinh đã bắt đầu trở lại trường học. sáng nay trên đuòng đi làm, hình bóng em trở về trong tâm trí tôi, tôi chợt nhớ em, nhớ đến đôi mắt trong xanh như một vùng biển lặng đã từng làm lòng tôi chao vì xúc động.

Em chỉ là một trong những học trò bé nhỏ của tôi trong lớp học, nhưng ở em tôi thấy em khác hẳn, em cô đơn, em lạc lõng trong cái thế giới cô độc của em, trong giờ ra chơi em thu mình trong một góc nhỏ của sân trường, em đứng, em ngồi lặng câm như một cái bóng cho đến khi vô tình tôi tìm thấy em, tôi kéo em ra khỏi cái góc cạnh của riêng em, tôi đưa em ra khỏi vỏ ốc mặc cảm, sợ hãi của em, em nương theo cánh tay tôi bước nhẹ ra ngoài với đôi mắt sợ sệt, ngơ ngác, để sau đó tôi thấy nụ cười trên môi em, nụ cười hiền lành dễ mến mà nhiều lúc đã làm tôi mềm lòng không nỡ phạt khi em lầm lỗi. Em bé nhỏ quá, nhưng bất công đã đổ ập lên em, sự miệt khinh đã bao trùm lấy em làm lòng tôi đau, làm tôi phẫn nộ khi thấy nước mắt em ẩm ướt trên khuôn mặt xịu buồn vì sự bất công, ích kỷ đã khóa đôi môi xinh của em, không cho em một lời giải thích, phân bày... Nhưng em biết không? tôi chỉ là một cô phụ giáo nên cánh tay tôi không đủ dài để bao phủ em, để giúp em đương đầu với những bất công chung quanh, cũng chỉ tại em nghèo, cái nghèo đã tiêu diệt em, đã hủy hoại tuổi thơ em để tôi đứng đó nhìn em với sự bất lực, xót xa trong lòng, cho dù Tôi, Em, không cùng một màu da, không cùng một ngôn ngữ, cho dù tôi đã phải mượn ngôn ngữ của em để hòa đồng với mọi người chung quanh, để cảm thông nỗi đau khổ của em, để cảm thông cái nghèo nàn tội nghiệp của em và cũng chính cái đau, cái cô đơn của em đã đưa em đến gần tôi để có lúc tôi phải quay đi vội che dấu những giọt lệ sắp sửa rơi xuống má.

Ở đâu cũng có những bất công, cho dù cả nơi học đường. Tôi biết em không có quần áo đẹp để khoe với chúng bạn, em không có tiền để tham dự những sinh hoạt của trường, mẹ em không mang đến trường những chiếc bánh to, những gói kẹo đủ màu nên em mãi mãi lạc lõng trong đám đông bạn bè, để em không bình thường trước những đôi mắt của người lớn, để em phải thèm khát nhìn những viên kẹo ngọt lịm, những cái bánh ngon trên bàn của bạn học chung lớp. Tôi đau lòng khi thấy người ta hất hủi em, người ta tránh né em như một cặn bã của xã hội. Tôi không đành lòng nhìn em đau khổ với nỗi đau khổ không do em tạo nên. Nỗi đau khổ mà trời không hiểu vô tình hay cố ý đà đặt để trên vai em. Tôi kín đáo bỏ tiền vào túi quần em, chỉ có tôi và em biết như một trò chơi bí mật mà những người chung quanh không biết đến, để em được tham gia những chuyến du ngoạn với bạn bè, với những sinh hoạt trong lớp học. Ánh mắt em sáng lên khi em bỏ tay vào túi quần và thấy những đồng tiền trong ấy... Em đến gần tôi hơn, giờ ra chơi em quấn quýt tôi hơn, trên bàn tôi em lén để những tờ giấy nhỏ em vẽ hình trái tim có một mũi tên xuyên ngang với những hàng chữ ngây thơ như :

"Rose is Red, Violet is pupple and I love U"

Những tấm giấy nhỏ em gởi cho tôi mà em đã xé từ cuốn vở với những mảnh giấy không đều nhau vẫn còn nằm trong chồng sách của tôi cho dù đã bao nhiêu năm dài qua đi, vẫn còn đó.

Có một hôm trong giờ ra chơi, em cứ mân mê những ngón tay của tôi nửa như muốn nói, nửa như e-ngại. Một lúc sau như không thể giữ được sự im lặng lâu hơn nên em đã thỏ thẻ:

- Cô ơi! em có cái này đặc biệt và vui lắm.

Tôi ngạc nhiên:

- Ồ vậy hả? Vậy thì Billy nói cho cô nghe đi !

Em dụi đầu vào cánh tay tôi, giọng em cao hơn, vui như chim, em kể:

- Cô biết không? Hôm qua mẹ em cho em cái áo lạnh mới, đẹp lắm.

Tôi tròn mắt:

- Ủa, mẹ có tiền mua cho em hả?

Em ngây thơ kể:

- Dạ không, mẹ lượm được trong thùng rác, còn mới lắm, chỉ rách ở tay một chút xíu thôi.

Tôi nhìn em cố mỉm cười mà lòng tôi đau, bởi tôi biết làm gì có một cái áo đẹp mà lại mới trong thùng rác... tội nghiệp em bé bỏng ngây thơ, tội nghiệp cái nghèo thiếu thốn của em, cho dù tôi biết cái nghèo của em vẫn còn hơn cái nghèo của những em bé VN quê hương tôi nhiều. Em còn may mắn đến trường học, em may mắn còn có một người mẹ để lo cho em, cho dù mẹ em phải đi bươi tìm sự sống qua những thùng rác, nơi những hôi hám mà người đời phế thải... Trong khi các em bé ở quê hương tôi, không có cái ăn, cái mặc, không gia đình, không nơi nương tựa, sống lang thang ở khắp hang cùng ngõ hẻm, đầu đường xó chợ, dùng đất làm giường, lấy bầu trời đêm làm màn... sống nhờ những đống rác hôi thối mà người đi ngang vội vàng bước nhanh đưa tay bịt mũi, tránh né. Những em bé của tôi không có niềm vui, không có cơ hội đến trường như em... Những em bé nghèo nàn của quê hương tôi đã đến tận cùng của sự nghèo khó, cho dù tôi biết cái đau khổ nào, cái miệt khinh nào cũng giống nhau, nhưng cái nghèo khó vẫn khác nhau cho dù khác trên cả những đống rác mà loài người phế thải. Bởi những đống rác mà mẹ em bươi tìm vẫn an lành hơn những đống rác của các em bé VN quê hương tôi, những đống rác đó đôi khi đã vô tình mang theo sự sống bất hạnh khi những trái nổ đã tàn nhãn thản nhiên nằm chờ trong đó.

Ở đây, cuối đường nghèo khó em còn có một mái nhà tạm dừng chân đó là mái nhà Jesus house, em còn có những bữa ăn tạm giúp em qua ngày khốn khổ, nhưng những em bé VN của tôi khi đến cuối đường chỉ là một tấm chiếu rách cuốn tròn mà người ta đã bố thí để rồi sau đó không còn thấy hiện diện ở đâu, cho dù cả những nơi tanh hôi rác rưới.

Hôm nay trên đường lái xe đi làm, không hiểu sao hình ảnh em, hình ảnh lớp học năm nào lại cứ đi về trong tâm trí tôi xen lẫn hình ảnh tội nghiệp của các em bé VN quê tôi... Giòng đời cứ trôi đi không ngừng nghĩ, không biết bây giờ em ra sao? em sống thế nào? Giòng đời có vùi dập xô đẩy em đến cuối đường hay biết đâu em chẳng là một sinh viên thông minh của một trường đại học nào đó, hay là... cái nghèo lại hủy hoại em, đã nhận chìm em xuống tận cùng bùn đen của xã hội?

Đây là lần đầu tiên tôi trải tình cảm của tôi về em, cho dù tôi biết không bao giờ em đọc được, không bao giờ em biết đến... tôi chợt tự hỏi... có bao giờ? có một lần nào em chạnh nghĩ đến tôi? một cô giáo yếu đuối đã đến từ một nước chiến tranh xa xôi nào đó như một ấm áp trong tim?... Tuy tôi - em chúng ta không cùng một chủng tộc, màu da, ngôn ngữ nhưng tình cảm giữa tôi và em đã gặp nhau ở một điểm "tình người" bởi tôi biết trái tim tôi màu đỏ, máu huyết tôi màu đỏ cũng như màu đỏ trái tim em... giòng đời vẫn cứ trôi... tôi và em vẫn cứ phải lăn theo giòng đời... nhưng cho dù em đang ở đâu, tôi vẫn mong cho em, tương lai em sáng hơn ở một nơi nào đó, mà không phải là chỗ dừng chân cuối chặng đường nghèo khó dưới mái nhà Jesus house. Cũng như tôi vẫn nguyện xin cho các em bé nghèo khó quê hương tôi luôn tìm thấy ấm no, tìm thấy niềm vui, nụ cười cho dù cuộc đời luôn là những bất công... là nước mắt.


Nguyenthitehat
Rose
(viết cho Billy)
Users browsing this topic
Guest
3 Pages<123
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.