Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

ÔNG CỐNG QUỲNH - Trương Vĩnh Ký
Phượng Các
#1 Posted : Thursday, November 11, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
ÔNG CỐNG QUỲNH
Trương Vĩnh Ký

(Trích từ Chuyện Ðời Xưa của Trương Vĩnh Ký, xuất bản năm 1914)

Những giai thoại trong văn chương về Ông Cống Quỳnh hay Trạng Quỳnh thì nhiều. Ví dụ như lời truyền tụng rằng câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là ứng hiện về sự ra đời của ông:

Bao giờ nước đỏ Hàm Rồng,
Là điềm báo trước Trạng Ngông ra đời.

Tương truyền rằng đời chúa Trịnh Cương tại khu vực Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa, nước sông Mã đang trong xanh, bỗng đỏ lòm như nhuộm máu suốt mười ngày. Chúa Trịnh Cương tin rằng đây là điềm quốc gia sẽ có nhân tài ra cứu nước theo sấm Trạng Trình. Quan Lễ Bộ Thượng Thư đưa ý kiến mỗi làng trong vùng Thanh Hóa, Nghệ An phải dâng một con dê đực có chửa, bằng không, già trẻ, lớn bé sẽ bị tử hình. Lệnh ban ra trăm họ kinh hoàng, ta thán, bởi tìm đâu ra dê đực có chửa dâng vua?

Thế rồi chúa Trịnh tuần du Thanh, Nghệ, cờ xí vang trời. Ðến tỉnh địa đầu Hoằng Hóa thì bỗng ngựa hí vang trời cùng lúc với tiếng khóc thảm thiết. Chúa dừng kiệu, sai thị vệ lục soát, tìm ra một đứa bé mặt mũi thật khôi ngô. Khi chúa hỏi vì sao mà khóc, đứa bé thưa vì mất mẹ đã lâu, cha không sinh em bé để chơi cùng nên nó buồn vì lẻ loi mà khóc. Chúa nghe, bật cười ha hả:

- Thằng này ngộ nghĩnh thật. Cha mày là đàn ông làm sao mà đẻ con.

- Thế tại sao dê đực có chửa mà đàn ông lại không đẻ được.

- Dê đực ở đâu mà có chửa?
- Nếu không có tại sao lại có lệnh chúa lên án tử hình trăm họ.

Chúa Trịnh Cương tin rằng đứa bé thông minh này là ông Trạng mai sau sẽ cứu nước.

Ông lại là người có cuộc hôn nhân không thành với nữ sĩ Ðoàn Thị Ðiểm.

Chúng ta hãy đọc văn ông Trương Vĩnh Ký ghi lại một vài giai thoại về ông Trạng Quỳnh hay Cống Quỳnh để ôn lại lối viết tiếng Việt của đầu thế kỷ 20, tại miền Nam Việt Nam.

1.- ÐẦU TO BẰNG CÁI BỒ

Quỳnh khi còn bé độ bảy tám tuổi, chơi nghịch đã khác người, lấy tàu chuối làm cờ, lá sen làm lọng. Quỳnh lại tinh ranh, trẻ con trong làng bị mắc lừa luôn.

Một hôm trời tháng tám, sáng trăng, Quỳnh chơi với lũ trẻ ở sân, bỗng Quýnh bảo:

- Chúng bay làm kiệu tao ngồi, rồi tao đưa đi xem một người đầu to bằng cái bồ.

Lũ trẻ tưởng thật, tranh nhau làm kiệu rước Quỳnh đi bảy, tám vòng quanh sân, mệt thở không ra hơi. Quỳnh thấy thế bảo:

- Ðứng đợi đây, tao đi châm lửa soi cho mà xem.

Lũ trẻ sợ quá không dám xem, chỉ những đứa lớn ở lại. Quỳnh lấy lửa thắp đèn xong đâu đấy, rồi thò đầu che ngọn đèn bảo lũ trẻ:

- Kìa! Trông vào vách kia kia! Ông to đầu đã ra đấy!

Anh nào cũng nhìn nhớn nhơ nhớn nhác, thấy bóng đầu Quỳnh ở vách to bằng cái bồ thật. Lũ trẻ biết Quỳnh xỏ, quay ra bắt Quỳnh làm kiệu đền. Quỳnh chạy vào buồng trong đóng kín cửa lại, kêu ầm lên. Ông bố tưởng là trẻ đánh, cầm roi chạy ra, lũ trẻ chạy tán loạn.

2.- CÂU ÐỐ

Một hôm nhà có giỗ, làm thịt lợn mời khách khứa đông lắm. Thấy Quỳnh hay nghịch, ai cũng chòng ghẹo chơi. Ðương lúc Quỳnh xem làm thịt lợn, có một ông Tú tên Cát thường tự phụ mình hay chữ, chạy đến bẹo tai bảo:

- Tao ra một câu đối, đối được tao tha cho:
Lợn cấn ăn cám tốn. (1)

Quỳnh đối ngay:

Chó khôn chớ cắn càn. (2)

Ông Tú lại ra một câu nữa, câu này có ý tự phụ mình là ông Tú:
Trời sanh ông Tú Cát. (3)

Quỳnh đối lại:
Ðất nứt con bọ hung.

Ông Tú mắc lỡm, tịt ngòi. Mọi người cười ầm cả lên.
Ghi chú:
(1) Cấn là quẻ Cấn, tốn là quẻ Tốn trong Bát quái. Ðây lấy nghĩa lợn cấn (chửa) mà ăn tốn cám.
(2) Khôn là quả Khôn, càn là què Càn cũng trong Bát quái. Ðây lấy nghĩa con chó khôn chớ cắn càn, cắn bậy.
(3) Cát còn có nghĩa là tốt; hung còn có nghĩa là xấu.

3.- CẤY RẼ RUỘNG CHÚA LIỄU

Lúc Quỳnh còn là học trò nhà nghèo, phải ra đền Sòng xin cấy rẽ. Quỳnh khấn và xin âm dương xem Chúa thuận gốc lấy hay ngọn. Ban đầu Chúa thuận lấy ngọn thì Quỳnh trồng rặt thứ khoai lang. Ðến lúc được ăn, Quỳnh đào lấy củ, còn bao nhiêu dây ngọn đem nộp Chúa.

Lần thứ hai xin âm dương, Chúa thuận lấy gốc để ngọn cho Quỳnh, thì Quỳnh trồng lúa. Ðến mùa gặt, Quỳnh cắt lấy bông, còn bao nhiêu gốc rạ đem nộp Chúa.

Chúa hai lần mắc mưu, tức lắm song đã hứa trước rồi, không biết làm thế nào được. Lần thứ ba, Quỳnh đến xin thì Chúa bảo lấy cả gốc lẫn ngọn, còn khúc giữa cho Quỳnh. Quỳnh vờ kêu ca:

- Chị lấy thế thì em còn gì được nữa!
Khấn đi khấn lại mãi, Chúa nhất định không nghe, Quỳnh về trồng rặt ngô. Ðến kỳ bẻ ngô, bao nhiêu trái ở giữa Quỳnh đều hái hết, còn ngọn và gốc thì đem nộp Chúa.
Chúa mắc mưu Quỳnh ba lần, đòi lại ruộng, song trong ba vụ này, Quỳnh đã kiếm được cái vốn to rồi.

4.- VAY TIỀN CHÚA

Một lần Quỳnh vào yết đền, thấy Chúa có nhiều tiền trông sướng mắt, định vay. Quỳnh khấn:

- Em độ này túng lắm, chị có tiền để không, xin cho em vay để buôn bán kiếm ít lời.

Nói rồi, khấn xin âm dương: "Sấp thì chia tư, chị cho em vay một phần, ngửa thì chia ba, chị cho một phần, chị mà thuận cho một nửa thì xin nhất âm nhất dương".

Thấy đằng nào Quỳnh cũng vay được, mà ý Chúa thì không muốn cho vay, vì biết hễ vay được là Quỳnh sẽ quỵt luôn không trả, nên cứ làm cho hai đồng tiền quay tít, chẳng sấp mà chẳng ngửa.

Quỳnh thấy thế vỗ tay reo:
- Tiền múa Chúa cười, thế là chị bằng lòng cho em vay rồi!

Nói xong vác hết cả tiền về.

5.- TRẢ ƠN CHÚA LIỄU

Gặp khoa thi, Quỳnh ra ứng thi. Ðường đi qua đền Sòng, Quỳnh vào yết Chúa xin Chúa phò hộ cho đỗ thì xin trả lễ. Quỳnh ra thì, quả nhiên đỗ thật. Vinh quy về, Quỳnh mua một con bò mẹ, một con bò con đem đến lễ. Quỳnh quỳ xuống lạy, rồi dắt bò mẹ đến buộc vào tay ngai mà khấn rằng:

- Chúa có lòng thương phù hộ cho Quỳnh được đỗ, nay gọi là có một con bò để trả lễ. Xin Chúa nhận cho. Chúa là chị, xin lễ con lớn, còn con nhỏ em xin về khao dân.

Nói rồi dắt bò con về. Bò mẹ thấy dắt mất con đi, lồng lên chạy theo làm ngai Chúa đổ lổng chổng, long gãy cả. Quỳnh cười nói:

- Chị thương em nghèo, trả không lấy thì xem xin đem về vậy.

Nói xong dắt cả hai mẹ con bò về.

6.- DÒM NHÀ QUAN BẢNG

Ðồn rằng Quỳnh sinh cùng thời với Thị Ðiểm.

Quan Bảng có con gái là Thị Ðiểm, dạy học trò đông lắm. Quỳnh ngày ngày giả vờ đến xem bình văn, để ngấp nghé cô Ðiểm, học trò biết ý vào thưa với quan Bảng, ngài bắt vào hỏi.

Quỳnh thưa:
- Tôi là học trò, thấy trường quan lớn bình văn, tôi đến nghe trộm.

Quan Bảng nói:

- Ta biết hết rồi, anh đừng giả danh học trò mà bắt chước tuồng chim chuột. Có phải học trò thì ta ra cho một câu đối, không đối được thì đánh đòn!

Quỳnh vâng chịu.

Quan Bảng ra một câu:
- Thằng quỷ ôm cái đấu, đứng cửa khôi nguyên.

Quỳnh ứng khẩu đối ngay:
- Con mộc ôm cây bàng, dòm nhà bảng nhãn.

Quan Bảng thấy Quỳnh xuất khẩu thành chương có bụng yêu, giữ Quỳnh lại nuôi ănhọc. Quỳnh học tấn tới lắm, kỳ nào văn văn cũng được đọc. Từ ngày trường quan Bảng có Quỳnh, bao nhiêu học trò danh sĩ đều phải nhận Quỳnh là giỏi hơn cả. Quan Bảng thấy Quỳnh học giỏi, có ý muốn gả cô Ðiểm cho, mà cô Ðiểm nghe cũng thuận.

Quỳnh biết rằng cô Ðiểm vào tay mình rồi, thỏa được ước nguyền, song tính tinh nghịch cứ đùa cợt luôn. Cô Ðiểm đứng đắn, thùy mị không ưa chớt nhã, Quỳnh lại càng ghẹo dai.

7.- QUAN TRƯỜNG MẮC LỠM

Khi vào trường thi, không mấy lúc Quỳnh ngồi yên, trong lều cứ đeo ống quyển đi vẩn vơ gần đường thập đạo. Quan trường biết Quỳnh hay chữ thấy đi tới lui thì hỏi:

- Ðã làm xong bài được chưa, đưa xem?

Quỳnh thưa:

Mới xong được vài đoạn, nhưng mà thối lắm, không thể ngửi được, xin các ông đừng xem.

Quan trường thấy Quỳnh muốn dấu, nên bảo:

- Thối thì thối, cứ đưa đây!
Quỳnh thưa:

- Quả thối thật, đưa ra sợ các quan bưng mũi không kịp?
Các quan không tin, cho là Quỳnh nhún mình, nhất định đòi xem cho được. Bất đắc dĩ, Quỳnh phải nói to:

- Tôi nói thật các quan không nghe, xem xong đừng có trách tôi nhé!
Rồi trao ống quyển cho các quan. Không ngờ Quỳnh đã hòa phẩn vào nước tiểu để trong ống quyển, bắt châu chấu bỏ vào. Lúc các quan mở ống ra, nó bay tung lên bẩn cả quần áo chạy không kịp.

Quỳnh cười ầm lên:

- Tôi đã nói thật, lại cứ đòi xem!
Các quan giận lắm, nhưng không lấy lý gì bắt lỗi được Quỳnh.

Ðến kỳ thi Hội, Chúa Trịnh cứ ép Quỳnh đi thi để lấy Trạng, Quỳnh không thiết. Chúa ép mãi phải nghe. Lúc vào thi làm văn xong, còn thừa giấy Quỳnh vẽ ngựa, vẽ voi vào sau quyển, rồi đề mấy câu thơ rằng:

Văn chương phú lục đã xong rồi,
Thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi.
Tớ có một điều xin bảo thật,
Ai mà cười tớ nó ăn bòi!

Làm thế cốt cho phạm trường quy, không thể lấy đỗ được.

8.- TRẢ NỢ ANH LÁI ÐÒ

Quỳnh đi đò ngang thường chịu tiền, lâu quá hóa nhiều, không trả được. Lúc anh lái đò đến đòi, Quỳnh bảo:

- Ừ đợi đấy, mai ta trả.

Rồi mua tre nứa, lá gồi làm một cái nhà bè ở giữa sông, trong đề một câu: "Mồ tổ thằng nào xem rồi ra nói lại!" Và phao ầm lên rằng đó là lầu yết thơ của Trạng.

Thấy nói thơ Trạng, thiên hạ nô nức kéo nhau đi xem. Ði đò ra đến nơi, thấy độc một câu như thế, chán quá liền đi đò về. Người khác gặp hỏi thì chỉ trả lời: "Ra mà xem!"

Thế là thiên hạ càng thấy lạ, càng xô nhau ra xem. Anh lái đò chở hết chuyến nọ đến chuyến kia không kịp, trong ba bốn ngày, được không biết bao nhiêu tiền. Ðược mấy hôm, Quỳnh dở nhà bè, bán lại cho anh lái đò. Anh lái đò trừ nợ. Quỳnh mắng:

- Anh còn nợ ta thì có, ai làm cho anh mấy hôm chở được bấy nhiêu tiền?

Anh lái đò mới nhận ra, liền cám ơn Quỳnh rồi rít và xin trả đủ tiền.

9.- ÔNG NỌ BÀ KIA

Làng Quỳnh có mấy người tấp tểnh công danh, nay cầu mai cục nhờ Quỳnh gây dựng cho, may ra được tý phẩm hàm để khoe với làng nước. Một hôm, Quỳnh ở kinh đô về, sai người mời mấy anh ấy lại bảo:

- Giờ có dịp may, nào các anh có muốn làm ông nọ bà kia thì nói ngay.

Thấy Quỳnh ngỏ lời như thế, anh nào cũng như mở cờ trong bụng, tranh nhau nhận trước. Quỳnh bảo:

- Ðược các anh về nhà thu xếp khăn gói, rồi lại đây uống rượu mừng với ta, mai theo ta ra kinh đô sớm.

Anh nào anh nấy lật đật về nhà, vênh váo, đắc chí lắm, có anh về đến cổng, thấy vợ đang làm lụng lam lũ, liền bảo vợ:

- Ít nữa làm nên ông nọ bà kia, không được lam lũ thế mà người ta cười cho.
Vợ hỏi:

- Bao giờ làm quan mà khoe váng lên thế?

- Nay mai thôi, sắp sửa khăn gói để mai đi sớm!

Nói xong, vội vàng lại nhà Quỳnh đánh chén. Anh nào anh nấy uống say tít, rồi mỗi anh nằm một xó. Ðến khuya, Quỳnh sai người đem võng, võng anh nọ về nhà anh kia, anh kia về nhà anh nọ, nói dối rằng: Say rượu ngộ cảm phải bôi dầu xoa thuốc ngay không thì oan gia!

Các "bà lớn" đang mơ màng trong giấc mộng, thấy người gõ cửa mà lại nói những chuyện giật mình như thế, mắt nhắm mắt mở, tưởng là chồng, ôm xốc ngay vào nhà, không kịp châm đèn đóm, rồi nào bôi vôi, nào xoa dầu, miệng lẩm bẩm: "Rượu đâu mà rượu khốn, rượu khổ thế! Ngày mai lên đường mà bây giờ còn say như thế này! Nhờ phúc ấm có làm được ông nọ bà kia thì cũng lại tiền toi thôi!"

Xoa bóp cho đến sáng, nhìn thì hoá ra anh láng giềng, các bà ngẩn người mà các anh đàn ông kia lại càng thẹn, cứ cúi gầm mặt xuống cút thẳng. Về nhà thấy vợ mình cũng đang ngẩn người, đỏ mặt tía tai, vội nói ngay:

- Ai ngờ nó... xỏ thế! Tưởng ông nọ bà kia là thế nào! Thôi kệch đến già!

10.- MIỆNG NGƯỜI SANG CÓ GANG CÓ THÉP

Một ông quan vào quán ngồi bệ vệ lắm, Quỳnh giả làm học trò xác, mon men đến đứng bên, hễ thấy quan ăn miếng trầu nào nhả bã ra thì lại cúi xuống nhặt.

Quan hỏi:

- Mày là ai?

- Bẩm, tôi là học trò.

- Học trò sao lại lẩn thẩn thế?

- Bẩm, chúng tôi thấy phương ngôn thường nói: "Miệng người sang có gang có thép!", chúng tôi nhặt xem gang thép như thế nào.

Quan thấy Quỳnh có ý xược, ra oai thét:

- Ðã xưng là học trò, thì phải đối ngay câu phương ngôn ấy đi, đối được thì tha cho, không sẽ đánh đòn!

Quỳnh rụt rè thưa:

- Bẩm quan khó lắm!

Quan lại quở:

- Khó thì khó cũng phải đối!

- Bẩm quan con xin đối.

- Nói mau!

Quỳnh mới đọc:

- Ðồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm.

Quan ngồi lặng đi rồi đỏ mặt nói:

- Ừ đối cũng chỉnh, nhưng mà xấc lắm.

11.- LỠM QUAN THỊ

Có một ông quan thị(*) đại nịnh thần, được Chúa Trịnh yêu lắm. Ông ta thường đến chơi nhà Quỳnh, thấy sách gì cũng mượn xem, mà ít khi trả. Quỳnh ghét cay ghét đắng, định chơi xỏ một bận cho chừa. Quỳnh bèn lấy giấy trắng đóng thành quyển sách để sẵn. Một hôm, thấy bóng quan thị đằng xa, Quỳnh giả vờ cầm sách xem, đợi khi ông ta đến nơi thì dấu đi. Quan thị thấy Quỳnh dấu, ngỡ là sách lạ, đòi xem Quỳnh bảo:

- Sách nhảm có gì mà xem.

Quan thị năn nỉ mãi cũng không được, về tâu với Chúa. Chúa đòi Quỳnh sang hỏi. Quỳnh đám chắc là đòi về chuyện quyển sách, mới lấy bút viết mấy câu vào sách bỏ vào tráp khoá lại, rồi sang hầu. Quả nhiên như thế. Quỳnh tâu:

- Không có sách gì lạ, chắc thị thần tâu man với Chúa đó.

Chúa thấy Quỳnh chối, lại càng tin là Quỳnh có sách lạ, bắt phải đem trình. Quỳnh sai người về đem tráp sang, mở ra, chỉ thấy có một quyển sách mỏng. Quỳnh rụt rè không dám đưa. Chúa bảo:

- Cứ đưa ta xem. Nếu sách lạ thì ta thưởng, mà có phải sách can phạm thì ta cũng xá cho, đừng ngại.

Quỳnh đưa ra. Chúa mở ra xem, chỉ thấy có mấy câu:

"Chúa vị thần viết: Vi cốt tứ địch, vi cốt tứ địch. Thị thần qui nhị tấu viết: Thần phong chỉ phát, thần phong chỉ phát".

Chúa ngẫm lại không biết nghĩa ra làm sao, bảo Quỳnh cắt nghĩa thì Quỳnh rụt rè tâu:

- Sách ấy là sách nhảm nhí của tiểu thần chỉ xem khi buồn, sợ cắt nghĩa ra rác tai Chúa!

Chúa nhất định không nghe, bắt Quỳnh cắt nghĩa cho được.

Quỳnh vâng lệnh tâu với Chúa, câu ấy nghĩa là: "Chúa hỏi thị thần rằng: làm xương cho sáo, làm xương cho sáo. Thị thần quỳ mà tâu rằng: "Tôi may ngón tóc, tôi may ngón tóc".

Quỳnh cắt nghĩa, nhưng chúa vẫn chưa hiểu ra, lại hỏi:

- Ðã đành nghĩa đen là như thế, nhưng ý tứ thế nào?

Quỳnh tủm tỉm cười không dám nói. Chúa và quan thị đứng hầu bên càng gặng hỏi. Quỳnh mới tâu:

- Xin chúa đọc đảo lại thì ra nghĩa, nhưng mà tục lắm.

Bấy giờ Chúa với quan thị mới biết Quỳnh lỡm, bảo Quỳnh mang sách về. Quỳnh ra, quan thị chạy theo trách Quỳnh nhạo cả Chúa, thực là người vô phu, vô quân.

Quỳnh dáp lại rằng:

- Ngài bảo tôi là vô phu, vô quân thì bọn thường thị đời Hậu Hán là gì? Tôi đã dấu mà ngài cứ nịnh để đòi ra cho được thì lỗi tại ai?

Quan Thị tịt mắt.

Ghi chú:
(*) Tức bọn hoạn quan.

12.- CHỌI GÀ

Bọn quan thị, gà thật không có(*) mà lại cứ hay chọi gà. Nghe nói Quỳnh chọi gà với sứ Tàu thắng, họ liền mang gà đến nhà Quỳnh, chọi thử một vài cựa chơi. Quỳnh vốn ghét bọn quan thị, từ chối, nói là không có gà, nhưng họ nói mãi, phải ừ và hẹn đến mai đi bắt gà về sẽ chọi. Bên láng giềng có một con gà trống thiến, Quỳnh mượn mang về.

Sáng sớm, mở mắt dậy, đã thấy quan thị đem gà lại rồi. Quỳnh sai bắt gà trống thiến đem ra chọi. Vừa giao mỏ được một vài nước, thì gà quan thị đá cho gà trống thiến một cựa vào bụng vỡ hầu lăn cổ chết ngay. Quan thị vỗ tay reo:

- Thế mà nói rằng gà của Trạng hay, chọi được gà Tàu, giờ mới biết đồn láo cả!

Quỳnh chẳng cãi lại, chỉ nói:

- Các ngài nói phải, trước gà tôi chọi hay lắm, nhưng từ khi tôi thiến đi, thì nó đốn đời ra thế!

Rồi ôm gà mà than thở: "Khốn nạn thân mày, gà ôi! Tao đã bảo thân phận mày không dái thì chịu trước đi cho thoát đời, lại con ngứa nghề làm gì cho đến nỗi thế! Thôi mày chết cũng đáng đời, còn ai thương nữa, gà ôi!"

Các quan thị nghe thế, xấu hổ, ôm gà cút thẳng.

Ghi chú:
(*) Ý chỉ bọn hoạn quan.


13.- TRỘM MÈO

Nhà vua có một con mèo quý lắm, xiềng bằng xích vàng và cho ăn những đồ mỹ vị.

Quỳnh vào chầu, trông thấy, bắt trộm về, cất xích vàng đi mà buộc xích sắt, nhốt một chỗ, đến bữa thì để hai bát cơm, một bát thịt cá, một bát rau nấu đầu tôm. Mèo ta quen ăn miếng ngon chạy đến bát cơm thịt cá chực ăn. Quỳnh cầm sẵn roi, hễ ăn thì đánh. Mèo đói quá, phải ăn bát rau nấu đầu tôm. Như thế, được hơn nửa tháng, dạy đã vào khuôn, mới thả ra.

Vua mất mèo, tiếc quá, cho người đi tìm, thấy nhà Quỳnh có một con giống hệt, bắt Quỳnh đem mèo vào chầu. Vua xem mèo, hỏi:

- Sao nó giống mèo của trẫm thế? Hay khanh thấy mèo của trẫm đẹp bắt đem về, nói cho thật!

- Tâu bệ hạ, bệ hạ nghi cho hạ thần bắt trộm, thật là oan, xin bệ hạ đem ra thử thì biết.

- Thử thế nào? Nói cho trẫm nghe.

- Muôn tâu bệ hạ, bệ hạ phú quý thì mèo ăn thịt ăn cá, còn hạ thần nghèo túng thì mèo ăn cơm với đầu tôm, rau luộc. Bây giờ để hai bát cơm ấy, xem nó ăn bát nào thì biết ngay.

Vua sai đem ra thử. Con mèo chạy thẳng đến bát cơm rau, ăn sạch.

Quỳnh nói:

- Xin bệ hạ lượng cho, người ta phú quý thì ăn cao lương mỹ vị, bần tiện thì cơm hẩm rau dưa. Mèo cũng vậy, phải theo chủ.

Rồi lạy tạ đem mèo về.

14.- MẦM ÐÁ

Chúa Trịnh quanh năm ăn toàn sơn hào, hải vị, chả thiếu thức gì, mà vẫn không thấy ngon miệng.

Một hôm, Quỳnh túc trực, Chúa bảo:

- Ta ăn đủ của thơm vật lạ, mà không biết ngon. Ngươi có biết thứ gì ngon thì nói cho ta hay?

- Tâu Chúa, Chúa đã xơi mầm đá chưa ạ?

- Vị ấy ngon lắm à?

- Dạ, ngon lắm.

- Thật như thế thì làm để ta nếm thử xem?

Quỳnh sai người lập tức đi lấy "mầm đá" về ninh nhừ để làm đồ ngự thực, còn mình thì lủi về nhà lấy một lọ tương ngon, một đĩa muối trắng. Lọ tương thì bịt thật kỹ ngoài đề hai chữ "Ðại phong" đem sang dấu một chỗ.

Chúa đợi lâu, thấy đói bụng, hỏi:

- Mầm đá đã chín chưa?

Quỳnh thưa:

- Chưa được.

Chốc chốc, Chúa lại hỏi, Quỳnh tâu:

- Thứ ấy phải cho thật chín, không thì lâu tiêu.

Khuya, Chúa lại hỏi. Quỳnh biết Chúa đói lắm rồi, mới tâu:

- Xin Chúa hãy xơi tạm vài thứ dã vị này, còn mầm đá xin dâng sau.

Rồi truyền dọn cơm tương với muối dâng lên. Chúa đang đói, ăn ngon miệng. Trông thấy lọ đề hay chữ "Ðại phong" lấy làm lạ. Chúa hỏi:

- Mầm Ðại phong là mầm gì mà ngon thế?

- Bẩm là đồ dã vị thường dùng.

- Là gì, nói lên cho ta biết?

- Bẩm tương ạ?

- Ngươi đề hai chữ Ðại phong là nghĩa là sao?

- Bẩm Ðại phong là gió lớn, gió lớn thì đổ chùa, đổ chùa thì tượng lo, tuợng lo là lọ tương.

- Lâu nay ta không ăn, quên mất cả vị, sao ngon thế?

- Tâu Chúa, quả không sai. Lúc đói thì ăn gì cũng ngon, no thì không thấy gì vừa miệng!

Chúa cười bảo:

- Ngươi nói phải. Thế ra ngươi làm cho ta thật đói để ăn cho biết ngon, chứ đợi mầm đá thì biết đến bao giờ cho chín.

15.- DẤU ÐẦU LÒI ÐUÔI

Bữa khác, vua ngự đi chơi, quân gia binh lính chầu chực hầu hạ, thiên trùng vạn điệp. Quỳnh đang tắm ngó thấy, lật đật chạy đút đầu vô bụi, dơ dít ra. Vua ngự ngang thấy mới hỏi ai. Quỳnh tâu:

- Tôi nghe ngài ngự, tôi núp không kịp, nên phải làm vậy, tục nói: "hễ dấu đầu thì lòi đuôi".

16.- ÐỐI ÐÁP VỚI SỨ TÀU

Bên Tàu qua sứ, đem dâng vua một cái ve thủy tinh liền không có miệng. mà trong có nước, xin hỏi làm cách nào lấy nước ra được. Vua cùng đình thần bối rối không biết giải làm sao. Cống Quỳnh nói: "Tưởng là giống gì khó lắm, việc này liệu được mà".

Vua mới giao cho Quỳnh mang về. Sáng ngày lợt xợt vô. Vua ra lập trào rước sứ Tàu vào để nghe giải đáp. Cống Quỳnh tay xách dùi đục, tay cầm cái ve của sứ đem qua. Vua phán hỏi, Quỳnh quỳ xuống:

- Muôn tâu lịnh Thiên tử! Tàu hỏi làm thế nào lấy nước ra cho được. Vậy hễ muốn lấy cho được nước, thì phải đánh mới được.

Vừa nói vừa đập bể cái ve đi.

Năm sau, sứ đem một con trâu có tài báng (chọi) lộn ăn hết các trâu bên Tàu. Ðem qua hỏi thử coi An Nam có trâu nào giỏi hơn chăng?

Vua đòi Cống Quỳnh tới hỏi coi thử tính làm sao.

Quỳnh vào chầu. Vua phán:

-Ðó, bây giờ người Tàu đem con trâu báng giỏi nhất có tài, coi thử mình có trâu đem ra cự. Trạng tính làm sao?

- Muôn tâu bệ hạ, có khó chi, để tôi về tôi tính. Xin sứ để ba bữa.

Cống Quỳnh về biểu bắt con nghé nhỏ còn bú, nhốt riêng nó ra, đừng cho bú ba bữa. Tới ngày sứ đem trâu bên Tàu ra, Cống Quỳnh dắt con nghé ra.

Vua ngự ra, sứ bộ cùng triều đình tựu tới coi. Thả trâu lớn của Tàu ra, nó hăng đứng nghinh đó. Cống quỳnh thả trâu nghé ra, nó nhịn bú đã ba ngày khát sữa, thấy trâu lớn tưởng là trâu mẹ, lăng căng chạy lại xúc xúc dưới bụng nơi sau háng. Trâu Tàu nhột quá chịu không đặng, chạy mà tránh cho khỏi kẻo nó rúc nhột. Càng chạy, nó chạy theo xúc, cong lưng chạy miết dài...

Cống Quỳnh đứng vỗ tay la: "Trâu Tàu thua rồi! Trâu An Nam ăn rồi! Thèm đem trâu lớn đâu. Sức con nghé con ốm tong teo, mà trâu kia còn thua nữa là!"

Qua năm sau nữa, Tàu giận thấy mình thua trí người An Nam, mới sau sứ đem một khúc cây đẽo bào bằng gốc lẫn ngọn, lại kéo sơn đôi ba nước, mất da mất thịt cây đi, ở giữa có đề hai chữ: Túc tử. Ðem qua đố An Nam biết cây gi, lấy chữ đó mà bàn cho ra tên. Lại đố biết đầu nào là gốc, đầu nào là ngọn.

Các quan hiệp nghị, mời Trạng Quỳnh tới hỏi: "Sao ông nói cái ấy đặng hay là không?"

Cống Quỳnh chịu lãnh về nhà tính. Sáng ngày ra, vua ngự, lập ban cho sứ vào chầu, Cống Quỳnh vào quỳ xuống tâu:

- Chữ Túc là lúa, chữ Tử là con, nghĩa là: còn lúc con ăn con mập con béo; hết lúa con ăn con ốm con gầy. Con gầy nói lái lại thi là cây gòn. Còm muốn biết đầu nào là gốc, đầu nào là ngọn, thì thả xuống nước, hễ đầu nào nặng thì chìm sâu dưới mặt nước thì là gốc, đầu nào nhẹ thì nổi lên trên thì là ngọn.

17.- CỐNG QUỲNH ÐI SỨ

Ðến sau vua sai Cống Quỳnh đi sứ sang Tàu. Nhằm lúc có các anh Tấn sĩ mới đậu. Thấy, lại nghe tiếng Cống Quỳnh giỏi văn chương chữ nghĩa lắm, vua Tàu mới mời Cống Quỳnh thử chơi ít bài. Mấy Tấn sĩ có tài làm thơ làm phú lẹ, hễ nhảy lên ngựa cầm viết lia, nhảy xuống thì đã xong rồi.

Cống Quỳnh cũng không sợ, chịu ra thi, giấy má xong xuôi, nghe hiệu trống đánh một cái "tùng", thì ai nấy nhảy lênngựa. Cống Quỳnh nhảy lên viết quấy quá ba cái lăng quăng líu quíu rồi nhảy xuống hô: "Rồi!"

Người ta chưa ai rồi hết, đem vở lại nộp.

Quan giám khảo coi không ra, hỏi chớ Cống Quỳnh viết giống gì lăng quăng coi không được. Cống Quỳnh nói: "Chữ bên tôi tháu làm vậy đó, như ngài coi không đặng, để tôi viết lại chữ thảo hay là chơn tự cho ngài coi".

Vậy mới viết mới bài thơ đã thuộc lòng cho họ coi. Họ lấy cho được thứ nhứt.

18.- PHƠI SÁCH

Cách năm mười bữa, Cống Quỳnh xin cấm chợ ba bữa để cho ổng phơi sách. Thiên hạ đồn Cống Quỳnh phơi sách đâu đó rủ nhau đến coi. Ðến bữa ấy ổng biểu quân đem chiếu trải giữa chợ, cởi quần áo ra nằm giữa đó. Người ta hỏi: "Ủa! Nghe nói ngài phơi sách, mà sao ngài làm cái gì vậy?" Ổng mới chỉ vào cái bụng ổng nói: "Sách ở trong bụng tôi chớ sách ở đâu?"

19.- ÐÁ BÈO

Một bà Chúa có nhan sắc mà tính kiêu ngạo, đi ra chơi phố phường thấy ai trái ý là sai lính bắt đánh liền. Quỳnh lững thững đi chơi, gặp kiệu Chúa. Gần đấy có cái ao bèo. Quỳnh vội vàng chạy xuống cầu ao đứng đá nước chơi.

Chúa biết Quỳnh, thấy chơi lẩn thẩn như thế mới hỏi:

- Ông làm gì đó?

Quỳnh ngẩng lên thưa:

- Tôi ở nhà buồn quá, ra ao đá bèo chơi!

Chúa đỏ mặt tía tai, bỏ đi.

20.- TIÊN SƯ THẰNG BẢO THÁI

Một hôm, Quỳnh cho người ra bảo các hàng thịt là ngày mai Trạng đặt tiệc thết các quan, cần mỗi hàng bán cho mấy cân, nhưng phải thái sẵn cho đỡ mất công người nhà. Các hàng thịt mừng rỡ, sáng hôm sau đã thái thịt đầy sẵn chờ người nhà Trạng đến lấy. Ai ngờ đợi mãi đến trưa mà cũng chẳng thấy ai, họ bèn tới nhà Trạng thì nhà vắng tanh, chẳng có khách khứa gì cả. Hỏi Trạng thì Trạng bảo không biết: "Chắc là có đứa nào muốn lỡm bà con đây. Cứ gọi thằng nào bảo thái mà chửi".

Bọn hàng thịt tức mình về réo gọi thằng bảo thái mà chửi:

- Tiên sư thằng bảo thái! Tiên sư thằng bảo thái!

Bảo thái là niên hiệu vua Lê Dụ Tông (1720-1726). Thành thử vua bị chửi một bữa inh cả phố.

21.- ÐÀO ÐOẢN THỌ

Quỳnh cậy tài, đùa cả với Chúa, không từ ai. Một hôm, lúc túc trực trong cung, có người đem đâng vua một mâm đào, gọi là "đào trường thọ", Quỳnh thủng thỉnh lại gần, lấy một quả, ngồi ăn, giữa đông đủ mặt vua quan, mà làm như không trông thấy ai cả. Vua quở, giao xuống cho các quan nghị tội. Các quan chiếu theo luật "mạn quân" tâu nghị trảm. Quỳnh quỳ xuống tâu rằng:

- Ðình thần nghị tội hạ thần như vậy, thật là đúng luật, không oan, song xin Hoàng thượng rộng dung cho hạ thần được nói vài lời rồi chết cho thỏa!

Vua phán:

- Ừ, muốn nói gì cho nói!

- Muôn tâu bệ hạ, hạ thần có bụng tham sinh, sợ số chết non, thấy quả đào gọi là quả "trường thọ" thèm quá tưởng ăn vào được sống lâu như Bánh Tổ, để được thờ nhà vua cho tận trung. Không ngờ nuốt chưa khỏi mồm mà chết đã đến cổ! Hạ thần trộm nghĩ nên đề tên quả ấy là quả "đoản thọ" thì phải hơn, và xin nhà vua trị tội đứa dâng đào để trừ kẻ xu nịnh.
Vua nghe Quỳnh tâu phải, bật cười tha tội cho.

22.- CHÚA NGỦ NGÀY

Một buổi trưa, Quỳnh vào hầu Chúa, không thấy Chúa ở cung, hỏi thị vệ, thì ra Chúa đương an giấc. Quỳnh không được tiếp, sẵn bút nghiên, đề ngay hai chữ vào tường rồi trở ra về.

Lúc Chúa dậy ra công đường, thấy ở tường có hai chữ "ngọa sơn" nét mực hãy còn ướt, không biết ai đề và cũng không biết nghĩa làm sao, hỏi thị vệ mới hay Quỳnh đề. Ðến buổi hầu chiều, đông đủ các quan, Chúa hỏi, không ai tán được, phải triệu Quỳnh đến.

Quỳnh đến, Chúa hỏi. Quỳnh thưa:

- Hai chữ ấy có nghĩa gì sâu sắc đâu, hạ thần cứ lấy nghĩa đen mà viết, không dám có ý tứ gì hiểm hóc cả.

- Cứ cắt nghĩa cho ta nghe, không hề chi mà ngại.

Quỳnh ngập ngừng mãi, mới nói:

- Chữ "ngọa" nghĩa là "nằm", "nằm" hẳn không ai nằm không, tất phải ngáy, chữ "sơn" nghĩa là "núi", "núi" ắt phải có đèo, vậy hợp hai chữ làm một thì nghĩa là "ngáy đèo".

Cả triều thần ai cũng cười. Chúa cũng bật cười. Tan hầu, các quan trách Quỳnh:

- May mà Chúa rộng lượng, chứ không thì hôm nay ông mất đầu!

Quỳnh cười không nói gì.

23.- CÂY NHÀ LÁ VƯỜN

Quỳnh nhiều lần thất lễ với Chúa, nên trước Chúa quý trọng bao nhiêu thì sau lại ghét bấy nhiêu. Quỳnh thấy Chúa ghét, lại càng trêu tợn.

Một lần, Chúa sai lính đến kéo đổ nhà Quỳnh. Quỳnh thấy lính đến thì bảo:
- Chúa sai các anh đến kéo đổ nhà ta thì các anh cứ việc kéo, không được reo, được cười, ai mà reo cười thì ta cắt lưỡi.

Nghề kéo nặng thì phải reo hò, không dô ta, không hò khoan đố ai kéo được. Bọn lính phải chịu về không.

Lại một lần nữa, Chúa sai lính đến đại tiện giữa nhà Quỳnh. Quỳnh cầm dao ra bảo lính:

- Chúa sai các anh đến đại tiện giữa nhà ta, thì cứ việc đại tiện, nhưng cấm tiểu tiện, anh nào mà tiểu tiện ta cắt dái đi.

Ðại tiện ai mà nhịn tiểu tiện được, bọn lính phải cắp đít về. Có một vài anh láo, nghe thấy thế, tiểu tiện ở nhà trước, rồi mới đến đại tiện, lại đem gáo dừa đề phòng. Quỳnh thấy nó lập mưu trước, đành chịu nhưng trong bụng căm lắm, bèn kiếm cách xược lại Chúa. Ít lâu sau, Quỳnh đi mua một cây cải thật to sai người đem dâng, làm cơm chúa xơi. Khi Quỳnh vào hầu, Chúa hỏi cải đâu mà to lạ thế và khen ngon. Quỳnh thưa:

- Cải nhà trồng, trước nó không to mấy, nhờ độ nọ Chúa sai lính đến đại tiện nhà thần, thần đem phân ấy bón cho, nên lớn bổng lên thế. Cây nhà lá vườn đem dâng để chúa xơi.

Chúa Trịnh tái mặt lại.

24.- TRẠNG CHẾT CHÚA CŨNG BĂNG HÀ

Từ ngày ấy Chúa có bụng ghét Quỳnh. Ðược mươi hôm, Chúa đòi Quỳnh vào thị yến, định đánh thuốc độc cho chết. Quỳnh biết Chúa căm về mấy chuyện trước, lần này đòi vào thị yến chắc là có chuyện. Lúc đi dặn vợ con rằng:

- Hôm nay ta vào hầu yến Chúa, lành ít, dữ nhiều. Ta có mệnh hệ nào, thì không được phát tang ngay, cứ phải để ta vào võng, cắt hai đứa quạt hầu, rồi gọi nhà trò về hát, đợi bao giờ phủ Chúa phát tang thì ở ngoài hãy phát tang.

Dặn xong, lên võng đi.

Quỳnh vào đến cung, đã thấy Chúa ngồi đấy rồi. Chúa bảo:
- Lâu nay không thấy mặt, lòng ta khát khao lắm. Vừa rồi, có người tiến hải vị, ta nhớ đến ngươi, đòi vào ăn yến, ngươi không được từ.

Quỳnh biết Chúa thù về cây cải hôm nọ, không ăn không được. Vừa nếm một miếng thì Chúa hỏi:

- Bao giờ Quỳnh chết?

Quỳnh thưa:

- Bao giờ Chúa băng hà thì Quỳnh cũng chết.

Ăn xong, Quỳnh thấy trong người khác lạ, cáo xin về. Vừa về đến nhà thì tắt hơi. Vợ con cứ theo lời Quỳnh dặn mà làm. Chúa sai người dò xem Quỳnh có việc gì không, thấy Quỳnh đương nằm võng nghe nhà trò hát, mà người nhà thì đi lại vui vẻ như thường, về tâu với Chúa. Chúa liền đòi đầu bếp lên hỏi xem đánh thuốc thế nào mà Quỳnh không việc gì. Chúa ăn thử, được một chốc thì Chúa lăn ra chết.

Nhà Quỳnh nghe thấy trong dinh Chúa phát tang, thì ở nhà cũng phát tang. Chúa và Trạng đưa ma một ngày. Thế mới biết Quỳnh chết đến cổ còn lừa được Chúa mới nghe.

Người đời về sau có câu thơ:

Trạng chết Chúa cũng băng hà,
Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn.
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.