Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Những người đàn bà Việt Nam-PĐN
Chôm Chôm
#1 Posted : Wednesday, October 27, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Chôm Chôm

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 353
Points: 15
Woman

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Những người đàn bà Việt Nam
Phạm Đào Nguyên

Tôi vừa đi vào, thì đứa con trai lớn của tôi cũng vừa đi ra, cha con gặp nhau ở trong hiên nhà của người bạn.

-Con ăn trước về với em, má bảo vậy.

-Ừa con về chơi coi chừng em con nhé. Tôi bước vào nhà, bạn tôi niềm nở, vợ tôi cùng với nhiều chị vợ bạn phụ dọn thức ăn ra bàn. Hôm nay bạn tôi mời tới ăn giổ ông già anh. Tiệc vào bàn, cháu gái con bạn tôi bước vào, gặp thằng bé con tôi ở sân đậu xe trước nhà, nó hỏi vợ tôi,

-Con cô vừa đi ra, con gặp anh ấy ở trước nhà?

-Ừa, vừa hai mươi, đang học năm thứ hai, cô dẫn tới đây ăn giổ là muốn các anh chị ở đây coi mắt, có con gái sau này làm suôi cho vui, vì cùng quê dễ nói chuyện. Xề xòa, đơn giản thông cảm nhau. Anh Ch. lên tiếng,

-Tụi mình qua đây ai cũng mong ước được như vậy, nhưng con cái có nghĩ vậy đâu. Mình nói đằng đông nó đi đằng tây. Trật lất hết thím ơi, đừng có nghĩ vậy rồi thất vọng.

-Mình ước vậy không được vậy thì thôi, buồn làm gì anh. Em chỉ mong con em hạnh phúc, mình ước nếu được vậy thì mình vui, còn không thì vợ chồng em cũng thỏa hiệp. Nói xong thì nàng quay lại nói với bà vợ bạn tôi,

-Tôi với bồ làm suôi nha, bồ có mấy con gái.

-Bốn, một lớn đã có chồng, còn ba, 18,16,15.. đang đi học. Không con trai..

-Được, dịp khác tôi dẫn con tôi tới nhà làm quen nhe. Lần này anh Ch. lên tiếng nữa.

-Tôi đây này, hồi làm giấy tờ, thằng lớn có bồ, đã gần ba mươi rồi chứ trẻ nữa đâu, vậy mà nó để ba mẹ nó lo lắng, tức muốn chết. Nó có bạn gái không đi, làm vậy qua đây tôi với mẹ nó đi cày hai dóp để cung cấp cho nó. Con với cái! Bây giờ thì có nhà cửa, hai đứa cháu kháu khỉnh, tôi về thấy cũng thương. Thỉnh thoảng hằng năm cũng phải tốn ít trăm. Đám em nó cũng phụ giúp. Anh chủ nhà lên tiếng,

-Tên này độc tài khiếp, thế mà con cái đành bó tay. Chị khác hỏi,

-Vậy anh độc tài với ai? Mấy đứa con gái có cứng đầu như vậy không?

-Mấy đứa con gái dễ hơn, hai ông con trai làm tôi khổ quá. Ông thứ hai sang đây, vợ chồng tôi và vợ chồng bạn tôi cũng nói như chú thím vậy, chúng nó cũng ừ nhau. Đo ni tất, mẹ nó về Việt nam may áo dạ tiệc, áo dài cưới xong xuôi, đồ may bây giờ vẫn còn treo trong nhà. Nó chối không muốn cưới, cưới một cô gái Mỹ. Tôi tức muốn ói máu. Thế mà bây giờ con dâu da trắng, tóc vàng đó học văn hóa mình lễ phép lắm. Vợ chồng nó cũng biết điều, hàng tuần chở con về, thằng bé nhào vào lòng tôi, bá cổ gọi ông nội, làm tôi cũng hết giận. Còn mẹ nó, một thưa ba thưa mẹ, tới bửa nấu bếp dọn cơm, nó cũng lăn xăn nấu nướng, rồi học đâu ba câu bốn chuyện hỏi thăm vợ chồng tôi, cũng thấy chút ấm lòng. Bây giờ đến đây mình làm gì được, mà các thím tính chuyện suôi gia. Còn cô dâu hụt của tôi cũng đã yên bề gia thất, nó làm móng tay, khá lắm. Chị chủ nhà cũng góp lời,

-Vợ anh Ch., chị H. nấu ăn tuyệt vời, món súp vi cá này là chỉ bày tui đó. Anh chồng thêm vào,

-Chị H. ăn nói nhỏ nhẹ, người đàn bà tuyệt vời, vậy mà ông này độc tài, tàn canh gió bão. Chị thật đúng là mẫu người đàn bà Việt nam ở thế hệ cha mẹ mình. Anh Kh. xen vào,

-Hôm rồi tôi nghe chỉ kể chuyện ông xỉn mà chỉ can không được. Chị nói với tôi rằng bây giờ anh thất chí nên đâm ngông chút chút, nên chị hiền lành thông cảm anh, cho gia đạo bình an, chứ ngày xưa anh đâu có vậy. Cũng tội nghiệp làm trai nước Việt thời tao loạn, nên tù tội đau thương nữa đời. Thương anh, nên phần đời còn lại, anh nỗi cáu giận cũng không sao, miễn mấy đứa con hiểu mẹ thương ba ráng học thành người là chị mừng. Hai đứa lớn thì thôi cho qua, hai đứa kế ra trường có việc làm, còn chị có trở thành nô lệ cho ông, chị cũng không chấp. Con út năm nay xong trung học. Mấy đứa mà an bề gia thất chị mừng, còn lại hai ông bà già sao cũng được, nhẫn như hòa. Anh Ch. vừa ăn vừa uống vui vẻ nói chuyện,

-Mấy tuần trước, đi làm về hồi 3:00 giờ chiều, tôi thấy trên bàn ăn đầy chén dĩa. Chúng nó bày xả cả nhà, chúng nó chẳng bao giờ dọn dẹp. Tôi giận quá, tôi giủ luôn cả bàn xuống đất, chén dĩa có cái bể cái không, tôi vào giường nằm mà tức cho con. Gần 4:00 giờ chiều vợ tôi về, bà vào thay đồ thấy tôi nằm bực mình, bà than,

-“Ba nó tại sao lại giủ đổ hết thức ăn cùng nhà, chén bát bể tùm lum vậy? Có ai bảo ba nó dọn đâu, ba nó cứ để yên cho má nó về dọn. Má nó nào trách ba nó, hay bảo ba nó dọn đâu chứ?” Rồi bà ngồi từ từ lượm từng cái chén, cái dĩa, rồi chùi sàn nhà và rửa chén dọn dẹp, đi nấu cơm tối. Một bà vợ bạn lại hỏi,

-Nếu chị thấy anh giủ đổ hết vậy chị nỗi giận la lối anh tính sao?

-Tôi đánh chết, dám la lại chồng à. Tôi nhìn vợ tôi ngồi le lưỡi, nhìn ông Ch. với đôi mắt mở lớn, miệng há hóc. Ở nhà là vợ tôi la con tôi dữ quá, cô ấy nhìn con thì chúng nó lo đi làm ngay, còn tôi thấy nó bỏ ra như vậy thì đi dọn, kẻo trong nhà lại không yên . Tôi thường khuyên nàng, “Con nít mà!” Bây giờ vợ tôi gặp được khắc tinh rồi. Ba bốn chị phụ họa,

-Anh dữ vậy, có chị ấy ở với anh, chứ ai ở được, phải phải phân phân, cây da cậy thần, thần cậy cây da chứ. Cái kiểu anh, chồng chúa vợ tôi ai mà ở được. Chị ấy chớ gặp tôi thì khổ thôi. Anh chủ nhà lên tiếng,

-Chị làm gì được?

-Tôi đập nồi đập niêu, TV luôn, ai dọn cho biết! Anh đi làm ta cũng đi làm chứ, con thì cũng chung chứ con mình tôi đâu, dạy thì cả hai cùng dạy, dọn thì cả hai cùng dọn. Anh còn phong kiến quá. Một anh bạn khác lên tiếng,

-Anh chị ở với nhau quen rồi, nhớ câu chuyện chị H. kể lại mà tôi cũng hú hồn,

-Anh Ch. tửu lượng kém mà ăn tiệc cưới họ mời rượu chứ có phải bia đâu, chị ngồi bên nhắc nhắc chừng chừng,

-Anh uống ít ít chứ lái xe về xa đường, anh chị biết anh ta nói sao không,

-Im đi, lải nhải tao vả vào miệng. Chị im lặng, rồi trên đường về, ông lái cán “lên” mãi, bà ngồi nhắm mắt, khóc miết cho tới nhà. Sáng ra ông hỏi, làm sao mà tao đem xe về nhà được vậy à? Chị ta hứa là từ nay không đi đám tiệc với anh nữa, hú hồn là còn mạng. Anh Ch. lên tiếng,

-Say quá nói bậy, sai nhiều, nhưng bả đừng nhúng vào thì tôi còn tỉnh, nếu cằn nhằn tôi tức lên.

Đã 10:00 giờ đêm, mọi người lục đục ra về, chỉ còn lại vợ chồng tôi với vợ chồng ông bạn già gần nhà và vợ chồng anh chủ nhà, hai người trẻ và anh Ch. Bây giờ vợ tôi mới lên tiếng lại,

-Bây giờ mọi người ra về hết, tôi có vài lời hỏi anh Ch. nhé. Hồi anh giủ cả bàn chén bát xuống đất, anh nghĩ sao? anh giận chị H, hay anh giận con? Anh Ch. làm thinh. Vợ tôi tiếp,

-Khi anh nghe chị nói, “Ai biểu ba nó dọn đâu, để mẹ nó về, mẹ nó dọn, anh đập bể hết lấy gì ăn, phải đi mua.” Anh nghĩ gì. Vợ tôi phán như một vị quan tòa, mặt nàng nóng, tôi theo dỏi phản ứng, nàng tiếp,

-Thế hệ chúng tôi là tội nghiệp nhất, lấy chồng phải các anh, hồi xưa chúng tôi đã đi ra ngoài làm việc, đồng lương lính các anh, đủ các anh hút thuốc, ăn vặt, đi xe, còn dư chút đỉnh nhậu nhẹt trong những ngày về phố. Chúng tôi thông cảm các anh, ai trong chúng tôi cũng làm việc nuôi con, ngồi trong bàn này hồi chiều đến giờ, có người đàn bà nào không làm việc đâu? Chị Nh. đi dạy, chị M. làm y ta,ù chị Kh nữ hộ sinh, chị Ng đi dạy, mỗi người một việc. Vừa đi làm, nuôi con chứ có ai ngồi chờ chồng đem tiền về nuôi đâu? Thỉnh thoảng thì cũng có ông mang tiền về, còn hầu hết không có, hỏi thử chồng tôi? Tại sao anh không cho tư tưởng anh có chút hình ảnh của bình đẳng chứ.

Khi anh từ núi rừng về, chúng tôi lo ăn lo uống cho các anh, rồi khi đi có khi để lại cái bầu. Cuộc sống chúng tôi như vậy đó. Rồi khi anh đi tù, hàng tháng hay có chổ hai ba tháng, chúng tôi đến thăm. Chúng tôi tiện tặn dành dụm đem đến cho các anh trong núi rừng những thứ cần thiết, mà ngay cả chúng tôi ở nhà cũng không có được. Có khi nào ở nhà mẹ con tôi làm thịt con gà để ăn đâu. Từ ngày đi thăm chồng về, ngày mai bắt đầu bỏ ống tiếp mỗi ngày 5, 10 đồng cho đến cuối tháng đổ ra mua thức ăn, thuốc, áo quần đem lên cho các anh! Khi nhận quà anh nghĩ gì về người vợ. Một tổ quốc các anh đã đánh mất, không riêng gì anh, riêng gì chồng tôi, nhưng tất cả những người đàn ông đã vô trách nhiệm với tổ quốc mình, từ ông tướng đến ông quân.

Vô phúc cho những người đàn bà vô nghề nghiệp, sau 75, sống tàn, sống tệ, sống bướng, thế mà có ông lại bu theo lạy lục, để lấy nhau, dẫn qua Mỹ. Tôi không chỉ tên họ, nhưng hiếm gì trong đám bạn các anh lại không có trường hợp ấy! Còn chúng tôi tôn trọng các anh trong nghĩa cử vợ chồng cũng có, và yêu thương cũng có, hay muốn cho trong ấm ngoài êm, cho con cái vui hòa, thì anh lại làm quá.

Chúng tôi lấy các anh khi đó là chuẩn bị đi Mỹ sao, mà bây giờ anh xài xể? Ở thế hệ ba mẹ tôi, tôi cũng chưa bao giờ nghe ba tôi nói với mẹ tôi như anh nói với vợ. Vợ chồng phải “Tương kính” chứ, tôi kính anh anh phải kính trọng tôi chứ. Chúng tôi không phải là nô lệ, chúng tôi là những người bạn chân tình. Tôi tin rằng trong bửa tiệc này tôi không làm mất lòng anh, vì tôi nhỏ tuổi nhất, cô em út này. Mong rằng tư tưởng anh cởi mở hơn, dù có chút bảo thủ, nhưng không độc tài, thì gia đình mới được hạnh phúc.

Anh mà gặp phải mấy cô trẻ tuổi hơn sang Mỹ năm 75, cổ nói công bằng cho anh nghe, anh sẽ chóng mặt quay mòng mòng ngay. Cô phán, “Tôi rửa chén, anh lau nhà. Tôi dẫn con đi nhà trẻ, anh cho con bú ban đêm. Tôi nấu cơm anh dọn rửa.” Anh đừng nghĩ nấu nướng, giữ con, dọn dẹp nhà cửa chỉ là trách nhiệm của người đàn bà.

Số đàn bà được sang năm 75 rất ít, ly dị chồng lia chia, phong trào ly dị ngay trên đất Mỹ rất thịnh. Ngay như ông Phó tổng Kỳ cũng bị bà đá ông cái phóc. Các bà dành biết bao nhiêu quyền, các ông tức ứa máu mà làm gì được. Thế mấy anh chàng chạy 75 khốn khổ vì vợ không ít. Bị vợ ly dị, đi làm còng lưng nuôi con, nuôi vợ có khi nhìn nàng nhởn nhơ với bồ nữa chứ, thật đau lòng. Chúng tôi không theo mới, nhưng cũng không giữ cái cũ đã quá hạn như vậy nữa, vì bất công lắm. Tôi muốn chồng vợ phải thông cảm nhau, chia sẻ buồn vui cuộc đời, và không ai lợi dụng ai.

Cái cảnh nhiều ông, có cả bè bà nhỏ, khi đi tù, có bà bỏ đi vì hận, có bà bỏ đi vất ông trong tù vì ghen, có bà theo ông khác vì giàu sang, cán bộ, ông bơ vơ đói khát trong tù. Ra tù tìm lại thì bà đi theo cán bộ, có bà khinh hẳn không nhìn, có bà đói khổ, bỏ đi xa rồi. Cho hay cuộc đời như bàn cờ, lật úp lật ngữa khó chi, mình phải thương nhau, giúp nhau, nhường nhịn nhau.

Chỉ có chúng tôi là không câu nệ với các anh, các anh phải thông cảm chia xẻ với chúng tôi, cho trọn đạo vợ chồng. Những người như chúng tôi bị các anh ăn hiếp, thua thiệt, nhưng ngược lại mấy cô đào, hay mấy cô lang bang đầu đường, thì các anh lo phục vụ chiều chuộng sát ván, có đúng không? Nhiều lúc tôi cũng không hiểu tại sao? Trời ở không cân, hay trời trả báo các ông. Ba tôi nói một câu mà tôi thấy đẹp nhất là, “ Ba không những thương má con, mà còn biết ơn bà nữa.” Anh Ch. ngồi yên, rồi anh vui vẻ chào ra về. Chị chủ nhà nói nhỏ,

-Độ rày mọi người chung quanh nói nhiều, anh cũng bớt gắt, chứ ngày xưa thấy chị thật tội. Thật lòng mà nói thế hệ chúng tôi, có những người vợ cảm thông chia sẽ những thống khổ đã qua, hy vọng sẽ được sự đãi ngộ khi về gia,ø để đền bù chút tình nghĩa trong những ngày gian lao cực khổ. Sau 75, nhiều gia đình qua Mỹ, có chiến dịch ly dị, lấy nhà, bắt con, đuổi chồng ra ngoài đường chán gì. Bây giờ lắng đọng.. Ngồi một mình nghĩ lại, người đàn bà ở Việt nam tội nghiệp, họ chịu đựng biết bao gian khổ cho chồng cho con.

Trên đường lái xe về, tôi cầm tay vợ hỏi, “Lúc nãy em la anh, hay la anh Ch.”

-Em hy vọng tất cả những người đàn ông hiểu những khổ tâm và chia sớt với vợ con những nhọc nhằn trong đời sống. Anh nhớ đọc bài thơ NGƯỜI ĐÀN BÀ VIỆT NAM của Hồ Dzếnh, em sẽ tìm tặng anh. Vợ tôi cười thật tươi, nàng ôn nhu hòa nhả hơn hồi tranh cải với anh Ch. Tôi cũng hy vọng rằng những khuyên can nho nhỏ của bạn bè làm anh Ch. bớt những bức xúc cá nhân, mà hòa đồng, chia sẽ cùng vợ con trong phần đời còn lại.

Phạm Đào Nguyên
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.