Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 5,031 Points: 2,424  Location: Thung Lũng Lá Rơi Thanks: 231 times Was thanked: 87 time(s) in 84 post(s)
|
Chợ gái Việt” trên đất Trung Quốc
Monday, May 02, 2005 Nguyen trong Tuyen SÀI GÒN 02-05.- Gái Việt Nam bày bán như món hàng “tươi sống” trên đất Trung quốc, phục vụ cho đủ mọi thứ khách hàng từ người bản xứ đến đồng hương từ việt Nam chạy qua đây thỏa mãn tình dục, theo bài viết của tờ CATP.
“Mọi người vẫn gọi đó là “chợ Việt Nam” dù 90% mặt hàng tại đây dán mác “Made in China”. Theo người dân địa phương, cái tên này xuất phát từ việc chợ kinh doanh một mặt hàng nội địa đặc biệt trên đất Trung Quốc, đó là món “đặc sản” gái Việt tươi sống được bày bán la liệt khắp chợ.” Tờ CATP viết như thế.
Nhộn nhịp “chợ người” Báo CATP: Theo một người quen lên tầng 2 khu chợ, tôi (ký giả CATP) thực sự bất ngờ trước cảnh tượng đang diễn ra. Quả thực, chỉ cách tầng 1 khoảng 20 bậc thang mà nơi đây đã như một thế giới khác: Những cô gái trẻ lượn lờ dọc các hành lang, đứng ngồi đủ tư thế trong các kiosque gội đầu, massage. Ðội ngũ này đều là những cô gái mang quốc tịch Việt Nam còn rất trẻ, ít xuất hiện bóng dáng những người “cứng” tuổi. Họ ăn mặc bắt mắt, “mát mẻ” và mời gọi, quần trễ, áo ngắn, váy te tua; những chiếc áo dây, áo ren, voan mỏng gần như không có tác dụng che thân, thậm chí có những chiếc áo không khác gì áo ngực của chị em phụ nữ.
Thực chất họ chính là những cô cave vẫn không hề xa lạ gì trên các con đường lớn dọc những khu đô thị, khác là ở đây họ được bày bán như một món hàng. Nếu như nhiều nơi khác, cave chủ yếu hoạt động về đêm thì cave ở đây bận rộn hơn vào ban ngày. Ðối tượng khách hàng chính là dân Việt nên chỉ sau 22 giờ (tức 23 giờ nước bạn) hết giờ xuất nhập cảnh, thường “chợ gái” cũng tàn.
7 giờ sáng chợ họp, cũng là lúc một ngày làm việc của các cô bắt đầu. Không đứng đường, không tranh nhau gốc cây, không phải dầm sương dãi gió, một mình mò mẫm trong đêm mà bon chen từng mét vuông hành lang giữa ban ngày. Các cô sẵn sàng để khách kiểm tra thân thể trước khi “vô bến”. Các “thượng đế” bị lôi kéo, giành giật như cánh lơ xe lôi khách. Cánh nam giới trót bước chân lên đây thì khó mà ra về, phải là những anh thật “bản lĩnh” mới có thể thoát được vô số lưới tình các cô chăng ra. Chính vì thế, có những anh chàng đã cúi mặt đi qua thế mà do không kìm chế được nên đành... quay lại! Ðôi bên nhanh chóng đi sâu vào phía trong kiosque, khoảng 2 tiếng sau trở ra. Dịch vụ gội đầu, massage chỉ là cái cớ nên lúc nào cũng vắng tanh, sầm uất nhất vẫn là tại những gác xép chật hẹp phía trên.
“Thượng đế” ở vùng chợ biên giới này tạp nham vô kể, cả người Việt, người Trung Quốc, cả dân địa phương lẫn người ở xa đến, đủ mọi lứa tuổi. Nhiều cậu choai choai mới lớn, học lớp 9, lớp 10 ở thị xã Lào Cai cũng sang “chợ Việt Nam” thử cho biết mùi. Những người đã lên chức ông cũng “dạo” qua tầng 2, tầng 3. Ðội ngũ cán bộ, công chức càng không hiếm. Thực ra người Việt Nam muốn xuất ngoại một chuyến ở vùng biên giới tây bắc này không hề khó khăn, có thể đường tiểu ngạch (đi đò chui qua sông Hồng, sông Nậm Thi) chỉ mất 30,000 đồng đến 50,000 đồng/người, vừa trả tiền đò vừa làm “luật” hoặc làm sổ thông hành đi theo đường cầu Hồ Kiều, chỉ hai ảnh chân dung, 10,000 đồng, nửa ngày là xong. “Thượng đế” Việt sẽ được thoải mái trong một thế giới riêng, tách biệt và rất an toàn. Việc mua bán dâm ở đây cũng đơn giản như mua mớ rau, con cá, luôn có đủ loại giá cho đủ kiểu “thượng đế”. Chỉ cần“thuận mua vừa bán” lại không phải lăn tăn tới tai tiếng, đụng mặt người quen (nhất là các công chức nhà nước sẽ không sợ ảnh hưởng tới công việc). Ðây có lẽ là điểm ăn khách nhất của chợ gái Việt này.
“Ðặc sản” gái Việt Ðã từ lâu những cư dân vùng giáp biên Lào Cai - Vân Nam biết đến cái chợ Việt này trên địa phận thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc). Ðây là nơi tập trung buôn bán, sinh sống đông đúc của người Việt Nam ở thị trấn biên giới phía Nam nước bạn. Vài năm trước, “chợ Việt Nam” chỉ là những dãy nhà tranh tre, lá cọ lụp xụp, tạm bợ chẳng khác khu ổ chuột; sau khi xây lại, nó đã biến thành khu chợ 3 tầng khang trang, rộng rãi; các tầng chia ra nhiều kiosque, mỗi cái rộng khoảng 10 m2 cộng một gác xép nhỏ.
Thường thì tầng 1 ít được quan tâm hơn bởi khu vực này kinh doanh hàng hóa đơn thuần như giày dép, đồ lưu niệm - chủ yếu là hàng Trung Quốc. Khách hàng, đặc biệt là các đấng mày râu, bị thu hút vào tầng 2, tầng 3 - nơi kinh doanh món “đặc sản” gái Việt nổi tiếng hơn. Và hoạt động kinh doanh bằng “vốn tự có” này trước đã nhộn nhịp nay càng náo nhiệt, quy mô hơn.
Sau mấy vòng dạo bộ, tôi nhận ra những khuôn mặt còn rất trẻ sau lớp son phấn dầy cộp và những bộ đồ hớ hênh. Nhiều cô cave chỉ mới 16, 17 tuổi mặc dù cuộc vật lộn mưu sinh làm họ già đi trước tuổi rất nhiều. Hiếm những gương mặt ở tuổi 25 trở lên bởi vì họ đã trở thành những món hàng “quá đát”.
Họ xuất hiện ở chốn này theo nhiều cách khác nhau. Hầu hết các cô gái đến từ những vùng nông thôn ngay trong tỉnh Lào Cai, phần còn lại thì tứ xứ giang hồ. Có những cô bị xô đẩy đến đây nhưng cũng có người tìm đến một cách tự nguyện. Nga (20 tuổi, quê Hải Dương) bị một người quen trong làng dụ dỗ đưa sang. Hai năm qua, bị “kẹt” bên này, cave đã trở thành nghề chính giúp cô duy trì cuộc sống. Hồng thì khác, mới 19 tuổi đã buộc phải tìm đến chợ làm cave để chấm dứt những ngày tháng vất vả ở vùng quê nghèo tại một huyện xa xôi của tỉnh Lào Cai. Gần 40 tháng làm cave, cô vẫn gửi tiền đều đặn cho cha mẹ để san sẻ bớt phần khó khăn khi 5 đứa em của cô ngày càng lớn, nhưng cô cũng đã thấm đủ những tủi nhục mà “không ở trong nghề chẳng thể hiểu được”. Cũng xuất phát từ một xã nghèo ở vùng cao, Hà (21 tuổi) tìm sang đất Trung Quốc “dễ làm ăn” theo lời một người cùng quê để bán hàng ăn sáng; sau một thời gian thu nhập không nhiều như mong đợi, Hà tự nguyện chuyển lên tầng 2 làm cave cho “xênh xang”.
Trong góc khuất hành lang Những người buôn bán ở khu chợ thường nhắc tới cô cave tên Lan nổi tiếng một thời từng làm cave trên tầng 2 khu chợ Việt Nam 3 năm. Cuộc đời của Lan đã bước sang một trang mới từ cuộc gặp gỡ không xui khiến với anh chàng bảo kê si tình của khu chợ này. Cô có một cuộc sống mới với một gia đình thực sự, người chồng tốt và hai đứa con kháu khỉnh. Chồng của Lan đã giải nghệ và chuyển sang buôn bán. Với vai trò mới - bà chủ thẩm mỹ viện Hoàng Lan, cô đã thực sự đổi đời. Nhìn Lan, biết bao cô cave thầm ao ước được như thế.
Tôi tự hỏi liệu trong số các cô gái đang bon chen trên cái tầng 2, tầng 3 kia ai sẽ được sở hữu thêm một “tấm vé số độc đắc” như Lan? Sau khi đã trở thành một món hàng “quá đát”, họ sẽ làm gì? Và không ít đứa trẻ không bố - những “sản phẩm nhỡ nhàng, không được trông đợi” ra đời trên cái hành lang nhốn nháo kia sẽ ra sao? Sẽ có bao nhiêu cái kết có hậu như Lan cho những cô gái trẻ đang từng ngày kiếm sống bằng cái nghề bán trôn nuôi miệng trên xứ người xa lạ này?
Nguồn : NgươiViet Online
|