Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Trên những con dốc tinh mơ
Phan Mong Hoan
#1 Posted : Thursday, September 29, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phan Mong Hoan

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2
Points: 0


Trên những con dốc tinh mơ


Buổi sáng lúc trờiø còn tờ mờ, chuông nhà thờ nhịp một đổ từ lâu, mình vẫn nằm nướng, mải mới vùng dậy được. Rồi lủi thủi một mình đến nhà thờ cách đó chừng mấy phút lội bộ để dự lễ 5 giờ. Huế mùa đông lạnh giá, nằm co ro như con tôm, sao vẫn cứ lạnh. Đó là vì năm ngoái khi ba chết rồi, chị em tôi dọn dẹp nhà cửa thiệt gọn gàng vì sẽ không còn ai ở lại đây nữa. Bao nhiêu đồ đoàn linh tinh ham “phát chẩn” hết cho bà con thân quanh xóm. Cho nên năm nay trở về thăm nhà gặp lúc Huế mưa lạnh, mình lo trùm ra ngoài cái áo khoác, đã mặc chồng lên người bao nhiêu lớp áo xống nhưng vẫn cứ rét run.
Huế ơi là Huế, răng mà lạnh lùng!
Trong ngôi Thánh đường ấm cúng, tôi nhìn quanh, thấy giáo dân chỉ lơ thơ mươi người. Ngày thường ai cũng lo bận rộn đi kiếm ăn dễ gì tới đây được. Sau lễ, mọi người đã ra về từ lâu, mình còn ngồi nán lại, thẫn thờ ngó ngu ngơ và nhớ tiếc vu vơ. Ngày này năm trước còn ba, dù ông cụ hấp hối nhưng vẫn vui, cha con âm thầm lặng lẽ bên nhau. Nay thì hết tất cả, ba đã mồ yên mả đẹp trên kia dốc Thành Lồi...
Và tôi một mình tìm lên trên ấy để thăm những người thân yêu đã ra đi vào cõi bình yên. Dọc theo con lộ dâng cao dần, đám cỏ xanh xao ngậm những sương móc, hoa trinh nữ rét cóng không thấy nở. Bụi cây mâm xôi xơ xác đợi chờ nắng lên. Những bông ngũ sắc đìu hiu như trái tim mình lúc ấy đang chìm xuống nỗi rầu đời. Tôi trầm ngâm trước mộ ôn mệ nội. Ngắm nghía ngôi mộ của bà cố nằm kề đó, nghe nói ngày xưa thời vua Minh Mạng bắt đạo, bà cố tôi đã bị khắc lên trán hai chữ “tả đạo”. Phía chân ôn mệ, ba má tôi nay sum vầy bên nhau, quanh quẩn có ông anh ruột là thi sĩ Tú Rọm, và hai em Hảo Hà mất từ nhỏ, lúc Huế hồi cư thiếu thuốc men để chữa bệnh thương hàn. Tôi lang thang tìm thăm cô Chánh, người con gái độc nhất của nhà ôn mệ tôi, cạnh đó các ông bác và vợ con họ xúm xít. Nghĩa trang của đại gia đình họ Phan nay dần thêm thắt những người ngoài họ, bởi con cháu ôn mệ đã phần lớn bỏ đi tìm lẽ sống bên kia nửa quả địa cầu.
Trong sương sớm, nét vạch nham nhở của ngọn đồi lịch sử trông thảm hại quá sức. Sau 75, người ngoài ta vào không hiểu ất giáp chi hết, đã tham lam đua nhau lên đây xẻ đất vô tội vạ, rồi chở về làm nhà tư riêng. Đến khi dân Huế la làng la xóm, ngăn cản việc phá hỏng nét văn hoá này; (Thành Lồi, nơi ghi lại cuộc thi tài thi sức giữa Việt và Chiêm Thành- xem bên nào chỉ qua một đêm ngắn mà xây nhanh bức thành dài trước, bên đó sẽ chiếm lĩnh khoảng đất đai màu mỡ- và Lịch sử đã ghi lại nét son của dân mình. Tổ tiên người Việt vốn thông minh đã cấp tốc dựng lên dãy trường thành...bằng phên, là tre nứa, đã khéo tay sơn phết cẩn thận bên ngoài tạo nên vẻ oai hùng của kiến trúc kiên cố. Thế nên bên Chiêm thua đậm, vì làm sao nhanh hơn được bên mình, khi họ phải hì hục chở đất để dựng nên dãy Thành Lồi lịch sử của hôm nay) Thế mà dân ngoài ta ngu dốt, đành đoạn đến thế, lòng tham khiến họ mù mắt điếc tai! Tôi bao giờ cũng hậm hực rủa thầm những con người đáng ghét ấy mỗi khi chợt ngắm ngọn đồi Thành Lồi gầy guộc hư hao!
6 giờ sáng khi quay bước từ giả ba má để trở về cõi tục, tôi đã gặp một bà lão phất phơ bước. Chiếc gậy tre giúp bà cụ dò dẫm tìm lối đi. Tôi hỏi thăm, tên bà là Trương thị Mực, tuổi chưa đến 85 mà da mặt đan đầy nét vạch ngang dọc như thử một bàn cờ. Bà thủ thỉ kể, mỗi ngày dù mưa dù nắng, lụt lội đến đâu, mệ cũng lò dò tìm xuống chợ Long Thọ kiếm ăn buổi trưa. Tôi thắùc mắc “bà ham đi làm chi, răng không ở nhà vui với con cháu?” Bà già ngó tui, cười mỏngï, “Con trai và dâu đã cho mệ no bữa tối, nếu như tui cứ ở nhà cả ngày thì e rằng tụi hắn buồn, sẽ nói mẹ già rứa là gánh nặng! Nên mệ xuống chợ mua đầu ni mớ rau, mớ cải tới cuối chợ ngồi lê la suốt ngày để bán lẻ, may trời cho kiếm được 1, 2 ngàn (khoảng 15-30 xu) cũng qua được giấc trưa ấm bụng!” Tôi sững người nhìn chăm chăm bà lão hom hem trong tấm áo len cũ dày dặn, đầu trùm khăn ấm áp, cặp mắt đục lờ kéo mây, nét nhìn của bà sao mà cam phận. May quá, sáng nay đi lễ sớm, trong túi mình có nhét theo cái ví nhỏ, nên sẵn chút tiền còm. Từ hơn mười năm nay, tôi ham đóng vai đệ tử Hồng Thất Công, năm nào cũng lải nhải rũ rê “ăn xin” bạn bè gần xa, và họ tin tôi đã giao cho mình nhiệm vụ tình thương. Gặp đâu ứng phó tới đó. Vì thế tôi quen thói “điều nghiên” đó đây để thay bạn gửi tới người cơ khổ. Tôi nhẹ ấn vào tay bà lão tờ giấy một trăm ngàn đồng (khoảng chưa tới 7 đôla), bà cụ ngớ người ra và chắp hai tay xá mình mấy xá thiệt sâu. Tôi lẹ làng né qua một bên, và nói thầm “mệ ơi quà của bạn cháu gửi tặng mệ ăn Tết!” Khi tôi tiễn chân bà cụ rẽ vào con đường mòn chông chênh, len lỏi giữa hàng trăm mộ địa để lần xuống chợ Long Thọ kiếm cách “bán buôn” nuôi lấy thân già buổi trưa, tôi thoáng nghe bà lão khẽ khàng nói như nói một mình, “tui rứa là có tấm áo quan...”
Cuối năm Huế buồn da diết. Mưa lắc rắc những giọt thánh thót. Trời một màu xám đậm, ủ dột muộn phiền. Nai nịt gọn gàng, chân giày vải và khoác áo tiện lợi mỏng tanh, tôi ra đi trên con đường lầy lội. Huế khoảng này từ Nhà thờ Phường Đúc trở lên Nguyệt Biều đang được mở rộng. Gặp mưa tha hồ trơn trợt, nên phải lo mà cẩn thận. Tất cả sống áo na về đã đem giặt sạch. Trời không nắng từ mấy hôm nay cho nên chúng treo la liệt đầy nhà. Chúi mũi ngửi thơm toàn nghe mùi ẩm mốc. Mình chợt bâng khuâng nhớ tiếc thời đi học...Thuở ấy, mưa thúi đất, dầm dề đến ba tháng, hiếm khi thấy ánh mặt trời ló dạng. Đạp xe đi học mùa mưa nhọc nhằn ghê nhưng vẫn bắt gặp nhiều nét thi vị. Phải nhấn pédale thiệt mạnh rướn người lao vào cõi gió mưa. Qua cầu Trường Tiền, chiếc cầu xinh đẹp dễ thương ngày nắng nay sao mà dài ra thế. Mưa xối xả tạt vào mặt mũi làm cay cả mắt, rát cả da. Từ đầu đến chân thì ướt như chuột lột, tấm áo mưa trong veo dính sát vào người và tay chân lạnh cóng phải cố mà “chiến đấu” đoạn đường nữ chiến binh này. Thoát qua sáu vài cầu, xe đổ dốc rẽ vào đường áo trắng. Đại lộ Lê Lợi từ bao giờ được gọi tên học trò con gái như thế. Hôm nào may, gặp lũ bạn từ các nẽo hội tụ cùng xuôi về Đồng Khánh, cả bầy hào hứng ngữa mặt uống nước mưa và chúi người thi nhau đạp xe vui thú. Cơn lạnh biến đâu mất. Trên cao, vòm cây lướt thướt ướt đẫm mớ tóc lá xanh rũ rượi, hình như đang nháy mắt cười vui với chúng tôi. Cổng trường mở rộng, tiếng trống háo hức mời gọi. Trong lớp học ấm cúng bầy thiếu nữ ngồi sát nhau hơn. Trên kia bảng đen cô giáo mĩm cười với mình thân ái. Ơi mùa mưa xứ Huế làm sao quên được kỷ niệm thời xỏa tóc...
Khi qua khỏi cây cầu nhỏ bằng đá xeo xéo trước cổng nhà máy vôi Long Thọ, mình rảo bước thêm chút nữa là đến Nhà giữ trẻ của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá. Khu vườn thoáng mát, xanh những cây cỏ được chăm sóc tử tế. Lối vào sâu dọc theo hai hàng chè tàu cắt xén vuông vắn. Tôi ngập ngừng không dám bước vào vì mấy con vện từ trong kia xồ ra đón khách, sủa cắn ầm ĩ. Rồi một cô gái không đoán được tuổi tươi tắùn chạy tới thân thiện choàng lấy tay tôi dẫn đi. Cô ta có mái tóc ngắn màu nâu đỏ như râu bắp, hai con mắt ngây thơ lúng liếng cười. Tôi hỏi thăm soeur Bề Trên, cô gái bi bô như đứa trẻ ngọng nghịu tập nói. Tôi chưa đoán ra điều chi thì Sr Hiến đã hiện ra. Bà ôm lấy tôi mừng rở. Từ 6, 7 năm nay, chúng tôi thiệt sự thân thiết, đã cùng nhau chia xẻ lo toan nỗi đời bất hạnh của bầy con nít gia đình nghèo khổ bị khuyết tật, bại liệt đủ thứ. Cha mẹ chúng tha con tới đây nhờ các bà xơ nuôi dạy miễn phí, chúng còn được cho ăn khỏi tốn tiền vào buổi trưa. Các nữ tu lo dạy cho các cháu học hành, luyện nghe, tập nói, kiên trì tập cho chúng đi đứng. Đóng góp yễm trợ cho công tác tình thương này khởi đầu phải nhắc đếân tên cô Diễm Thi, ở Irvine, cháu chị Thanh Tâm-Đoàn Khoách, cô sốt sắn gửi PMH chuyển về cho các em Bại Liệt Khuyết tật 600USD.
Nhà nuôi trẻ khuyết tật từ thiện, gồm 3 phòng. Một phòng bệânh nhẹ đủ loại, chừng 20 em. Chúng đang giờ tập đọc. Cô giáo trẻ măng cầm chiếc thước gỗ to bản chỉ lên bảng đen cho các em lần lượt đánh vần. Lớp học sáng sủa, trên tường trang trí hoa lá vui tươi. Bàn ghế của các bé là bàn ghế cá nhân bằng gỗ ép xinh xắn, nhưng ít khi ngay hàng thẳng lối vì lũ trẻ có bao giờ chịu ngồi yên. Tôi thấy chúng lúc nào cũng loay quay, vặn vẹo. Tay chân thì nghênh ngang. Đứa vênh mặt, đứa nghễnh đầu. Tôi chú ý một tên cao xòng, tỏ ra “chúa đãng”. Thằng bé nhảy nhót như Tôn Ngộ Không, luôn tay nhéo tai thằng cu “đao” ngồi cạnh. Khi nghe tôi tỏ ý bất bình về nó, Sr Hiến nói, bây giờ cháu ngoan lắm rồi đó cô! và Sr hé cho tôi chút “lý lịch”. Cha mẹ họ hàng cu cậu ở tận Quảng Bình, gia cảnh cũng khá, từ lâu đã đầu hàng vô điều kiện về thằng con quái qủy này. Vì nhiều lần thằng cu nghịch phá quá đổi nên nó được đưa lên bênh viện cấp Huyện xin điều trị. Y tá chẩn bệnh cho là Tâm Thần loại đặc biệt, đã cho nó uống thuốc ngủ cho yên, nhưng vì quá liều khiến thằng cu sùi bọt mép bất tỉnh. Về sau họ nghe nói trong Huế có nhà Nuôi trẻ từ thiện của mình, nên đã đưa nó vào đây. Tôi thắc mắc, họ có đóng góp gì cho mình không? Bà bề trên lắc đầu cười gượng, họ bỏ đi luôn không hề ghé thăm.
Phòng thứ hai nhỏ hơn, là phòng trẻ câm điếc. Cô tập tu hiền lành đang hướng dẫn cách dùng máy nghe và tập phát âm cho hai bé gái 6 và 8 tuổi. Mặt mũi cả hai đều tươi tắn xinh đẹp. Chúng không phải chị em ruột. Bà bề trên chìm giọng giải thích, cha mẹ các em đau đớn, hối hận vô cùng chỉ vì lỡ tay, đã cho con mình uống thuốc quá liều mà sinh câm điếc như thế!
Trước khi chúng tôi lần qua thăm phòng thứ 3, là phòng nuôi Trẻ bệnh nặng. Tôi đã hỏi về cô gái tóc đỏ đón mình ngoài cổng. Sr Hiến cho biết cô ta còn có đứa em gái. Cô này khật khùng hơn chị, đang mang bầu mà không rõ tác giả là ai. Các nữ tu đã cưu mang không ít những phụ nữ không may này. Một số nhặt được từ các nơi, linh mục Giải đã gửi về Nguyệt Biều để các xơ cho ăn, cho ở, chờ ngày sinh nở mẹ tròn con vuông. Tôi đã thấy mấy người mẹ trẻ bất đắc dĩ ấøy. Họ đang chăm sóc lũ trẻ oặt ẹo ốm đau. Bà Hiến chỉ thiếu nữ mặt mũi hiền lành dễ coi, da mét xanh, tóc kẹp đuôi, “em này khi thiệt cứng cáp, sẽ gửi đi học nghề may”. Cô gái đang bế một đứa trẻ cở tuổi rưỡi, thằng bé có cái đầu bự cứ ngữa trật ra và mồm há to mấp máy như cá đang đớp mồi. Sr Hiến giải thích, khi bà ngoại cháu bồng cháu tới đây, nó mới được 3 tháng, trông tội lắm, phổi lép và cuống họng khò khè luôn ngộp thở, cho bé ăn uống thật khó, phải bồng cao lên cho bé dễ thở. Tôi không dám nhìn lâu thằng cu, đôi mắt nó lờ đờ như cá ươn, ngực cứ rướn lên. Trông cô gái chăm sóc nó, sao mà âu yếm, bón cho thằng cu ăn từng chút cẩn thận. Phòng giữ trẻ bệnh nặng này còn có dăm em nữa. Một đứa con trai chừng hai tuổi, trắng trẻo, có đôi mắt to đen láy đang nằm ngữa trên sàn nhà trãi chiếu ni lông. Căn phòng lát carô láng bóng sạch như lau như ly và toàn dãy nhà cao ráo nuôi trẻ miễn phí này là do công trình cha Lý xây dựng nên khi Ngài được bỗ về coi sóc Giáo xứ Nguyệt Biều. Giờ cha Lý yên ổn trong nhà “cải tạo” không còn được nhúc nhích ngo ngoe. Các cha bạn, cha Giãi, cha Lợi thì mãi ngược xuôi, trần ai khoai củ chống đỡ không biết chán những tên điên khùng lếu láo, các vị linh mục luôn sẵn sàng bênh vực giáo dân mỗi khi họ gặp chuyện bất công. Sr Hiến nói, cha Giãi đặt tên cho tụi nhóc cô nghe có hay không: Mai Hữu Minh, Nhân Ái, Đức Hiền, Thanh Lâm, Hồng Hoa, Hồng Phúc...
Cậu bé con tên Hiền cở 3 tuổi, có đôi cẳng chân quặt quẹo đang gắng gượng đứng níu tay vào song sắt nhìn mơ mộng ra khoảng vườn xanh tươi. Tôi nhìn với theo, ngoài ấy những luống cây Thanh Trà mới ươm, mạnh khỏe đâm chồi nẩy lộc. Tôi nghĩ thầm, chi cũng nhờ Sr Hiến kiếm cho mình vài cây như thế trồng cho vườn của ba. Tôi quay lại, theo dõi cu Lâm đang tập đi. Thằng cu ưa toét miệng cười tươi, dơ đủ hai hàm răng trắng bóng. Nó còn đưa tay vẫy mình thân thiệän. Các chị giúp việc cấm không cho các em bại liệt ngồi xếp bằng hai chân duỗi thẳng ra đàng sau, tuy như thế rất dễ chịu cho các bé nhưng sẽ làm cho chân các cháu bại liệt hẳn đi. Lũ trẻ phải tự hoạt động chân tay liên lỉ với sự giúp đỡ kiên nhẫn của các cô gái trẻ. Một nửa các cô là nữ tập tu, một nửa là các “bà mẹ bất đắc dĩ”, các cô này đang ở đây giúp việc và bắt đầu làm lại cuộc đời. Mấy năm trước nhóm chúng tôi đã nhiều lần đóng góp những số tiền kha khá gửi về LM Giải để giúp cha chương trình “cứu thai nhi, nuôi mẹ trẻ lỡ dại”. Về sau, các bạn tôi “ham vui” tham gia những công tác tình thương khác “hấp dẫn” hơn, như “Hàng rào cho Lính mồ côi” rồi gần đây là “Xóa mù” do bạn cùng lớp ở ĐK của tôi, nữ tu bác sĩ Consolata Bùi thị Bông, là Bề trên Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Kim Long chịu trách nhiệm, nên thưa thớt việc nuôi các bà mẹ lỡ dại. Tôi đành phải lo tém tủm “dật gấu vá vai” qũy tình thương mà bạn bè ân nhân đã tin tưởng giao phó cho mình, để vẫn lai rai giúp các Sr dành phần cho các “bà mẹ bất đắc dĩ”. Cơ chi mình trúng độc đắc lô tô, tha hồ “tự tung tự tác”!
Ôi, tôi lắm chuyện quá sức bạn ơi. Đang kể lể chuyện ni lại xê qua việc khác. Cũng tại, mấy tuần lễ ở lì với Huế mùa rét tôi đã chóng mặt khi hàng ngày tiếp xúc gần xa với bao nhiêu điểm hẹn thương tâm của Huế buồn muốn khóc. Tôi hẹn bà Bề Trên sẽ trở lại thăm, vì tôi còn túi kẹo “Nụ Hôn” cất ở nhà, sẽ mang lên tặng cho các bé Khuyết Tật .
Mưa vẫn chưa chịu dứt. Tôi mê mẩn lang thang khắp các xó xỉnh đường quê. Khi ngang qua quán nước bên đường, đúng hơn chỉ là cái lều ọp ẹp di động, vì thấy cô chủ quán đang thu gọn mấy cây tre chống để dẹp tiệm. Tôi thoáng thấy trong cái thau nhôm móp mép nửa gáo dừa tra, cùi dừa trắng lấp loáng, ngon lành ghê. Và tôi chợt sống lại mãnh liệt tuổi thơ tham ăn của mình hơn 50 năm về trước...Quán nước của mụ Xoài ngày nào cũng lôi cuốân lũ trẻ xóm Thượng Tứ chúng tôi tìm đến kiếm quà vặt. Cùi dừa già là món thích khẩu nhất với con bé con háu ăn nhai rộn ràng thịt dừa tươi thơm, cứng, dòn tan. Cảm giác ấy đến nay vẫn khó lòng quên được. Phải lục lọi hồi lâu mình mới tìm được trong cái xách đen chứa đầy nhóc hai cái máy ảnh và camera, và lôi ra được 2 tờ giấy 500$VN (1500$VN=10cent) mới tinh, mà tôi định cất làm kỷ niệm. Nhờ có hắn mình mua được nửa cái cùi dừa ngon. Cô chủ quán nhìn khách thương hại, có lẽ đang cười thầm mình là thứ dân “trùm sò” thứ dữ!
Đố ai sung sướng bằng tôi lúc ấy, mưa phơi phới và tôi đang sống lại tuổi ấu thơ...
Trời dai dẳng mưa. Đứa cháu rể chồng con gái lớn của anh họ tôi, ghé tới nhà khi tôi đang đứng trông coi sửa lại nhà ôn mệ bị dột nặng. Tân thợ nề lãnh thầu, cũng là cháu kêu mình bằng cô và nhóm thợ bạn mải miết “thi công” việc xây lại ngôi nhà Từ đường họ Phan, tôi order phải xong trong thời hạn cấp tốc cho kịp trước khi mình rời Huế trong vòng 3 tuần lễ nữa. Đám cháu thợ này ra sức lao động mong kiếm chút tiền sắm Tết cho vợ con. Trông ai cũng gầy gò, xương xẩu. Thợ chính, giỏi, lương tính ra một ngày 10 giờ hưởng 3 đôla! Cháu Nga, duyên dáng xinh đẹp thế kia, là thợ phụ con anh Phó xóm trên, suốt ngày hì hục trộn hồ đẩy gạch không một lúc ngơi tay, thì lãnh công 2 đô. Huế khoảng thời gian này ế độ- mưa gió như ri kiếm mô ra việc! Khoảng xế chiều phải nhớ thêm chút tiền cho cả bầy 5, 6 đứa cháu bồi dưỡng. Tôi nhiều lần cũng tham gia buổi ăn này. Khi thì phở xe, chủ nhân chiếc xe gỗ tóm gọn trên đó cả quán phở thơm ngon, là anh chàng xanh xao, chan chan múc múc vá nước lèo nóng hổi vào tô phở èo uột bánh và dúm thịt lèo tèo. Khi là gánh bánh canh Nam Phổ, chị bán hàng người mỏng manh sương khói. Chao ơi, bánh canh ngon tuyệt vời. Tô bánh canh 1 ngàn đồng, mà chứa chất cả trời thương nhớ. Bột bánh trong, dẻo mịn lấp ló dưới lớp nước lèo sánh đặc màu gạch cua, nghe đủ mùi tôm thịt đậm đà, húp tới đâu hạnh phúc tới đó! Ít khi tôi dừng lại 1 tô. Có hôm chị bánh nậm bánh lọc tạt vào, những tấm bánh mỏng e gió thổi bay, rưới tí nước mắm dầm ớt cay xé lưởi nghe cũng ấm bụng để hăng hái lao động tiếp cho đến 5 giờ chiều. Về đây tôi đã được sống lại với Huế tuổi thơ, thuở xa xưa ấy, những gánh hàng rong, với các chị bán dạo nhanh nhanh nhịp bước, đã cho mình thưởng thức đủ mùi vị, mặn ngọt chua cay...của Huế dấu yêu.
Cháu Chuân thưa, khi nào trời hửng nắng cháu sẽ chở cô lên núi thăm mộ “các thánh Anh hài”. Tôi đang rầu rĩ chán cảnh trời mưa, nên quyết định, nếu cháu rảnh mình đi liền được không? Khi hai cô cháu lên đường, mưa lất phất bay. Những sợi long lanh hôn mát mặt mũi mình càng lúc càng đậm hạt. Xe phải dừng lại bên lộ cho tôi mặc áo Tiện lợi, nay đã tơi tả sau mấy hôm lang thang dạo bộ. Chiếc xe gắn máy đứa cháu thận trọng đèo tôi đi đoạn đường xuống Cầu Lòn, nhựa đường tróc lỡ và miên man những hố nước. Về nhà bên ni mình ngán nhất việc di chuyển, bởi tai nạn dễ xảy ra bất tử, nên tôi ưa ca điệp khúc chạy xe cẩn thận dùm tui. Xe quẹo lên dốc cầu Bạch Hổ. Cây cầu sắt đen nhánh ngày xưa nay sơn màu bạc trắng ngó đã dần quen mắt. Mưa trắng xóa đất trời. Sông Hương trải rộng dưới kia. Huế khoảng này đẹp như tranh thủy mặc. Cồn Giả Viên lau lách xanh mướt, những con đò êm ả trôi trong bụi mưa loang loáng. Xe lao nhanh trên khuôn cầu hẹp bó rọ, nếu tài xế không vững tay lái, chắc chắn đã quăng mình rớt xuống từ lâu. Luồng người xe phóng ngược lại rầm rập, cách với khuôn cầu bên này chưa tới sãi tay. Huế lúc này người ngợm đâu ra mà nhiều thế. Khi gần tới chùa Linh Mụ, xe dừng trước quán bánh ướt thịt nướng khét tiếng nhứt cố đô, cho tôi ghé vào háo hức nhai nuốt những tấm bánh trắng mịn, cuốn bên trong là lớp thịt nướng ướp đậm đà với chút rau thơm. Nghe nói bánh ướt thịt nướng ở đây ngon vô địch nhờ nước chấm. Hắn mê tơi đến nổi mình ước chi mua đem về nhà xa tít xa một chai lít mới thỏa lòng!
Mưa càng lúc càng nặng hạt. Thế nhưng khi xe lướt qua Chuà Linh Mụ, mình thấy lố nhố bao nhiêu là du khách ngoại quốc đang đứng săn hình trong mưa. Ở khoảng đường uốn quanh trước chùa, sông Hương mở rộng. Dòng sông bao la. Vào ngày nắng lồng lộng trời mây, núi Kim Phụng mê đắùm soi mình xuống tấm gương xanh trong huyền hoặc. Gờn gợn dãy núi tím ẩn hiện trong bát ngát cỏ cây, xa xa hoa lau rợp rờn trắng xóa. Bây giờ được nhìn ngắm trong mưa, tim tôi nhíu lại, choáng váng vì cảm thấy Huế đẹp hơn bao giờ. Màn mưa huyền ảo, xóa nhòa tất cả, cho sông núi trời đất cùng cỏ cây hoa lá mơ màng, tưởng chừng đã hoá thân làm một. Tôi lắng nghe tiếng mưa thì thầm, mặt tôi đầm đìa những giọt thanh trong mát lạnh. Trời mưa hay là tôi đang khóc. Khúc quành gây ấn tượng này trước đây vào mùa lụt Thế kỷ cuối năm 99, nghe bạn bè gửi điện thư báo tin, con đường đang bị nước lũ hung tợn xoi mòn làm sụt lỡ, ăn vào sát tận chân những cấp thang đá dẫn lên chùa. Nhờ mấy lần quốc tế tổ chức Festival, Huế dần phục hồi, cố đô vươn mình đứng dậy, lôi cuốn thiên hạ khắp nơi trên thế giới đổ xô về để nhìn ngắm sông Hương, dòng sông thơ mộng tuyệt vời của quê hương mình yêu dấu.
Tôi ngồi bám chắc sau lưng đứa cháu. Xe phóng không nhanh nhưng mặt nhựa đường trơn ướt dễ té ngã. Tôi dặn, cháu lo vững tay lái xe cẩn thận, còn cô la hét kệ cô! Bởi vì hình như tự mình nghe mình huyên thuyên hết sức. Huế càng lên xa phong cảnh càng xinh đẹp, làm sao tôi khỏi suýt xoa thán phục nên lời! Xe qua khỏi Văn Thánh rêu phong, trầm tư cổ độ. Tôi nhũ thầm, lâu quá rồi mình chưa lên thăm chốn xưa này, lần sau nhé ta sẽ về gặp mi! Xe len lỏi ngang phố chợ Long Hồ. Người mua kẻ bán trông náo nức vui như bức tranh Tết mà Bàng Bá Lân đã tả.
Rất nhiều lần, tôi nhắm tít mắt lại khi xe lao vút qua mấy cây cầu đá nhỏ trơn như đổ mỡ vì bùn lầy lội. Tôi nhát gan nghĩ, lỡ như hắn trợt té lao xuống dưới kia là luá đời! tôi kêu nho nhỏ, Ba má ơi, phù hộ cho con, con đang còn yêu đời lắm và sợ vô nhà thương nhà nhớ của Huế mình lắm! Con đường đất đỏ ôm sát bờ sông Hương, càng lúc càng mênh mông dòng chảy xanh trong ngọc bích. Mưa rây nhè nhẹ. Da trời chợt ững chút hồng nắng vui, mây trắng tinh khôi lồng xuống mặt nước bao la thoáng gợn sắc tím ngọt nồng. Dăm con đò dọc băng băng xuôi về miệt biển...Tôi bàng hoàng ngắm Huế xinh đẹp dàn trãi trước mắt. Chưa rời xa Huế sao lòng tôi đã cảm thấy buồn nhớ quay quắt.
Xe chợt rẽ ngoặt vào con lộ rợp bóng mát. Rặng trúc xanh kéo nhau chạy sâu vào chân núi, kết thành một vòm cổng thiên nhiên đậm một màu lục biếc. Xe dừng. Chúng tôi dựng xe trước ngõ nhà có hai hàng rào chè tàu được chăm sóc cẩn thận, thấp thoáng trong kia là mái ngói rêu phong của nhà người bà con cháu Chuân. Lát nữa từ núi xuống, tôi sẽ ghé vào thăm đây. Dốc lên núi gập ghềnh sỏi đá. Hai bên lau lách thổi rạt rào như đón chào khách lạ lạc bước đến. Vừa lên khỏi dốc núi là hiện ra trước mắt mình bao nhiêu gò đống mộ địa toàn sắc xám nâu ãm đạm. Bầu trời hửng sáng trong lúc mưa còn lất phất bay. Những giọt nước trong veo lấp lánh bám trên lớp cỏ xanh rì mọc chen lẫn giữa ngổn ngang những gộp đá chông chênh. Tôi cố rảo bước để bắt kịp đứa cháu nhanh chân đằng trước, chắc hẳn cậu ta đã quá quen thuộc nơi chốn này. Rời tượng đài với hình ảnh Chuá Giêsu Phục Sinh, dưới chân Người có ghi câu: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Tôi nhìn quanh một vòng. Đây là Đất Thánh tức Nghĩa Trang xưa kia của Tây để lại. Chắc hẳn lâu lắm rồi, e cũng đến vài thế kỷ! Vì tôi nhận thấy rải rác những ngôi mộ kiểu Âu Châu, nhiều cái bằng đá ong lỗ chỗ và đen sậm. Dăm chú bò đang thảnh thơi gặm cỏ đó đây. Xa xa núi non trùng điệp. Rừng thông bạt ngàn xanh ngắt và cỏ lau mềm oặt đang ngã nghiêng theo cơn gió xuân mát lạnh từ đâu thổi về. Tôi nghe như chúng đang rì rào những lời cầu kinh cho những kẻ đã khuất.
Và cuối cùng thì chúng đã sừng sững hiện ra trước mắt tôi: Mộ các thánh Anh Hài*. Hàng hàng lớp lớp những ngôi mộ nhỏ tí, và trắng xóa những cây thánh giá được trân trọng gắn phía trên đầu mỗi ngôi mộ. Tôi chợt cảm thấy rã rời và ngồi sụp xuống bên vệ cỏ. Mưa đã ngừng từ lâu nhưng sao mắt mũi tôi nhạt nhòa ướt? Cháu tôi thì thầm kể: Vùng núi Ngọc Hồ này đã chôn cất khoảng trên dưới 20 ngàn thai nhi bị giết bỏ! Từ chục năm qua, nhóm tụi cháu đã âm thầm dành dựt linh hồn các cháu bé vô tội khỏi rơi vào mõm bầy heo đang được ra sức vỗ béo ở bệnh viện Huế! Cháu thấy sợ những con vật ấy, chúng hồng hào và lông thì trắng bạc mượt mà! Gần như tuần lễ nào, vào khoảng nửa đêm, mỗi lần nghe phone réo là cháu lo phóng xe xuống dưới ấy để nhận hàng, số lượng nhiều hay ít còn tùy với số thai nhi bị nạo bỏ khỏi lòng mẹ! Thường là 3, 4 chục cái. Nhóm thiện nguyện cho công tác tông đồ* này có các em sinh viên vui vẻ hợp tác, họ mau mắn đón chúng từ tay các bà y công luôn rình sẵn để khi nào có thì đem ra ngay, bởi nếu mình không lanh lẹ cướp lấy như thế thì chúng sẽ bị họ cho ...heo xơi! Các bé được bỏ chung với nhau vào trong cái thùng gỗ ngụy trang tử tế. Phần việc của cháu là lo chở đi và cố sao cho được an toàn...
Tôi hỏi nhỏ, việc di chuyển không bị ai phiền nhiễu sao? Chuân nói, thưa có nhưng mà- cô ơi, hình như mình được Ơn Trên che chở, mọi việc luôn được xuôi xắn tốt đẹp. Nhiều hôm, cháu bị các cấp phường-ấp-xã của địa phương ngăn chận hoạnh họe, rồi dọa nạt nữa. Họ cho đó là việc làm sai trái, mất vệ sinh. Cô biết không? cháu nghe in tuồng có sự ra tay ngấm ngầm giúp đỡ của các ôn...Chuân hạ giọng, khi thấy vẽ mặt tôi nhíu lại vì khó hiểu, đó là những tác giả do vỡ kế hoạch. Các ôn có ghé lên đây tham quan, buồn lòng, bởi tự nhiên con cái họ trở thành có tôn giáo!
Lần về Huế này tôi đã chuẫn bị chu đáo cho chuyến đi thực tế của mình với máy ảnh Pentax, và cái camera nhỏ xinh. Cháu Chuân vốn là dân có học, xong Tú Tài đôi, nên cậu ta nhanh nhẹn thu hình giúp tôi. Còn mình thì lang thang khắp mọi xó xĩnh, làm tay đạo diễn như ai. Tôi đã ghi trọn vẹn nơi cuốn phim 60 phút hình ảnh rừng núi Ngọc Hồ thơ mộng. Hàng ngàn ngôi mộ xinh xinh, vuông vức sơn trắng, trên mặt mỗi ngôi mộ ( bên dưới là chung cư của chừng vài chục thai nhi!) xen kẽ nhau kết đầy những vòng hoa tươi. Hoa tị ngọ đỏ tím, hoa bâng khuâng ngan ngát xanh, hoa thọ vàng lộng lẫy, tỉ muội trong trắng mĩm cười... Tôi nghe nói đó là công trình của nhiều thiên thần sống, họ đã lên tận đây chăm chút điểm trang cho các Thánh Anh Hài...Dăm cây thánh giá cao hơn 3 mét mọc vươn lên giữa bát ngát ngàn thông xanh, đang rạt rào theo gió xuân. Những cây Thánh giá mọc lên cốt để dành đất với thiên hạ. Những cột mốc ấy là ranh giới cho tương lai, làm nơi chốn an nghỉ nghìn thu của bao nhiêu trẻ thơ vô tội sắp tới!
Lưu luyến mãi rồi tôi cũng phải quay về hạ giới. Hai cô cháu tôi ghé vào xin nước uống nơi nhà ôn Nhượng. Ông lão 75 tuổi, gầy yếâu, mồm miệng móm mém vì hàm răng chỉ còn lưa thưa vài cái, là chồng của dì ruột Chuân. Đại gia đình Chuân là dân làng Nguyệït Hồ. Bác Nhượng vui vẻ tiếp khách. Lúc nghe nói tôi là người Phường Đúc, con gái ôn Hường, bác liền nhắc đến ông câu Khuyên, là ông nội tôi. Bác ngâm nga, “Nhất lúa Câu Khuyên, lắùm tiền Quảng lạc, nhiều bạc Bồâ Ghè...” Bác ngó tôi cười tủm tỉm, “rứa chơ cô là cô giáo mà đã biết câu ca dao hát về ôn nội mình không?” Tôi chỉ cười trừ, để cho ông già khoái chí ngâm nga tiếp...Bác nhắc những kỷ niệm về ông Câu* Khuyên, nhà nông mà đẻ con ra toàn đặt tên quan quyền vinh hiễn, “Án, Tuần, Bố, Chánh, Công, Hầu, Hường”. Bác suýt xoa khen ông tôi phúc hậu, mỗi khi Huế lụt lội, mất mùa ôn liền mở kho lúa phát chẫn cho dân các làng xã nghèo đói, cái đó là quý nhất, vì để phúc lại cho con cháu! Khi biết tôi vừa lên thăm làng các thánh Anh Hài xuống bác cho hay nhà của bác là trạm tiền tiêu, đón các cháu vào ở tạm và sau đó lo việc xây mọâ để chôn cất tử tế trên núi. Bác hồn nhiên khoe, cô thấy hoa trồng trên mộ chúng có khéo không? cả nhà tui và giáo dân Nguyệt Hồ kéo nhau lên đó tự nguyện làm đẹp cho các em bé vô tội bị giết oan. Bác ngậm ngùi kể về bà con Nguyệt Hồ, cực lắùm, cơm không đủ no, mặc không đủ ấm, ở lều tranh dột nát...Nhưng mà lương giáo đùm bọc cho nhau. Tôi vội vàng ngõ ý, muốn giúp những hộ nghèo khổ nhứt chút qùa ăn Tết. Bác reo lên vui sướng và đọc liền một hơi danh sách các người cùng khốn trong thôn. Bác hớn hở nói, năm ni rứa là họ có đòn bánh tét, gói mứt, nhúm hột dưa để ăn Tết với bà con như ai! ui chao ơi, chắc là họ sướng lắm! Tui xúc động trước niềm vui chân chất của ông già ngoan đạo. May quá, sáng nay trước lúc lên đường tôi đã dắt theo trong lưng gần nửa triệu đồng VN. Tôi gửi cho bác Nhượng nhờ trao tận tay 8 hộ, mỗi hộ như các nơi khác, nhận quà 50 ngàn đồng VN, chưa tới 4 đôla cho một gia đình tiêu Tết!
Mấy tuần lễ nay, về với Huế, tôi đã nhờ đến bạn bè thân Đồng Khánh của mình. Hơn 12 năm nay họ đã là nhữõng cánh tay nối dài của nhóm thương Huế nghèo khổ của chúng tôi bên ấy. Các bạn QHĐK ở Huế giúp chúng tôi thường xuyên gửi quà cho các điểm hẹn: Trẻ em Trại Cùi chân đèo Hải Vân, ông bà gìa Mù neo đơn nghèo khổ, các lớp học tình thương, Trẻ Mồ Côi. Dịp Tết Giáp Thân 2004 này, chúng tôi đã nhờ các bạn bủa đi săn lùng tìm ra những nhà nghèo khổ, rồi tùy theo đó xét thấy cần giúp ai thì cứ giúp. Và tôi đã được báo cáo rằng chút quà nhỏ nhoi đã đem niềm vui chan chứa cho bà con cùng khốn! Sở dĩ phải có bạn bè chan hòa công tác tình thương với mình vì tôi không phải là chàng Tôn Ngộï Không tài ba, để thoắt hiện thoắt biến, để bay đi khắp tận cùng hang hốc xó xỉnh của Huế buồn muốn khóc, mong đem chút xíu hạnh phúc cho những con người neo đơn cùng túng. Quê hương thời mở cửa, thời kinh tế thị trường dù đang cao độ sốt, vẫn giăng mắc đó đây hằng hà sa số những nỗi đời buồn đói cơ cực, bạn ơi!
25 Tết, bầy Con Yêu Bánh Nậm Đồng Khánh hè nhau kéo xuống tận Phủ Bài để tiển chân mình. Khuya 30 Tết, từ Tân Sơn Nhất, tôi cô đơn bay về nhà, trái tim thổn thức nhớ thương Huế mãi mãi buồn muốn khóc. Tôi thầm thỉ, lầøn sau nhé ta sẽ trở về thăm Huế, Huế ơi!
PMH, Mùa Phục Sinh, San Jose viết xong ngày 02/04/2004
Ghi chú:
* Hàng Rào cho Lính Mồ Côi- Liên tiếp 3 năm 2000, 01, 02 nhóm chúng tôi đã thực hiện được việc xây Hàng rào bao quanh cho gần 2 ngàn ngôi mộ (chôn tập thể) của các anh lính không có ai là thân nhân ở Huế, do việc mồ mả các anh từ Mang Cá sau 75 bị buộc phải cấp tốc dời lên chân núi Ngự Bình, nên xương cốt các anh trộn lẫn vào nhau. Nhờ những hàng rào này mà bia mộ các chiến sĩ mồ côi từ đây không còn bị trâu bò dẫm đạp tan nát như trước nữa.
*Công tác Xóa Mù- Theo lời yêu cầu của Bác sĩ Consolata Bùi thị Bông, Bề trên Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Kim Long, (Bông là bạn cùng lớp 2A1 ĐK với tôi). Bông và soeur BS Điềm cùng gốc ĐK, chịu trách nhiệm tổ chức việc mỗ mắt bị đục thủy tinh thể cho các ông bà già nghèo khổ neo đơn khắp Thừa Thiên Huế. Nhóm chúng tôi đã xin được đủ số tiền giúp việc Xoá Mù cho 90 lão ông lão bà, chi phí 100 USD cho 3 vị. Số tiền $3,000. này quá nhỏ nhoi cho công tác tình thương qúy báu này, chỉ để phụ thêm cho chương trình Xóa mù. Việc giải phẩu mắt do các bác sĩ lành nghề ở VN &ø Hải ngoại hoàn toàn thiện nguyện.
*Các Thánh Anh Hài, chỉ những em bé vô tội đã bị giết oan theo lệnh vua Herode để trừ hậu họa, khi bạo chúa nghe 3 vua phương đông ghé vào hỏi thăm về Hài nhi GiêSu, đấng Cứu thế của dân Do Thái sinh ra ở đâu? Ba vị đạo sĩ này đã nhìn thấy một ngôi sao lạ xuất hiện trên trời đêm, họ đã lần theo ánh sao tìm đến vùng Bethlem thờ lạy Ngài. Vì thế, ở đây tôi đã gọi các thai nhi bị giết &ø chôn tập thểâ là các thánh anh hài.
*Câu, một chức sắùc hàng đầu trong họ đạo, chăm lo việc phụng tự cho Nhà thờ.
*Tông đồ, chỉ những môn đệ Chúa Giê Su, người Công giáo quen gọi làm việc thiện là việc tông đồ.
Danh Sách ân nhân &bạn bè Hải ngoại tin tưởng giao Tiền cho PMH giúp Huế trong năm 2003-đầu 2004. Theo tinh thần làm việc Thiện, tay mặt dấu không cho tay trái biết. Nhưng xin qúy vị độc giả cho phép được trình làng tên các vị ân nhân, vì PMH lanh chanh như hành không muối, nên cần ghi lại để nếu có ai thắc mắc gì xin réo đến :
PMH: 61 Alexander Ct. San Jose Ca 95116
marymhphan@sbcglobal.net
(408) 929-8142
1-HoàngMộngPhước/LệThúy($550.00).2-HSH/PMHoàn(100).
3-BSTTViên/KimThư Hawai (250).4-VĩhKhiêm/Tườngnhi(130).
5-TốngHồngChung/Tr.Chính Houston(40) .6-LâmBằng(120).
6-Trần-Sĩ-Huân/HồngLê(30).8-NSõLêMộngBảo(20).9-NPNhư ĐôngHải(100).10,CQN/PhongLan(70).11MẹPhongLan(90),
12-PLThuHàCanada(150).13,NgBan/Lành(50).14,VĐĐ/NTHuệ(30),
15-kiêmThêm(30).16-LêVP/HoàngLệChi(50).17-Dương Đức Phương(30).18-NVAn/XuânLan(40),19-TrầnXThời/MN (50) 20-BD/PHoàngOanh (150), 21-PH-/NhT ( 40).22- CTTN Yến (30). 23-HTônNữGiàu/Việt(60).24-TháiKimLan Germany(30) .25-NKhoaDiệu-Cầm(100). 26-TTH/ĐỗMẫuĐơn (20). 27.BSNVThịnh/HồThịPhi(200).
28.PBạchVân,MBTuyết,TrNhưKhuê (350) .29 TPH/KimThành(20).
30-Huyền TônNữQHương/Houston(50).31-NNgọcPhú(30). 32LTNgộ(10), 33-TõNhungĐích(100). 34.ĐoànKhoách/ThanhTâm(50). 35-Võ thị Mẹo-(100). 36-NVLiễn/NKDHiệp (50). 37-ThiệnHảo (20). 38-Trần-Quốc-Định(100).39-Thảo/D.G.Pringting(50).40-ToGo Thanh-Hương(100).41-Yurong-NgHữu Vinh/Taiwman(100).42-Thanh-Thanh/Beautysalon(70).43-TrầnDiệu-Khánh(200).44-NgVSanh(30$) 45-Trần-Kiêm-Đoàn tặng ½ $ bánsách ConYêuBánhNậm (500).
Tổng kết, tất cả số tiền quyên góp trên, PMH đã chuyển tới Sr. BS Bùi Thị Bông 3,00USD , đẽ thực hiện được việc Xoá Mù dịp dầu năm dương lịch 2004. Còn lại, phân phối cho các điểm : Trẻ em Trại Cùi, Ông bà già Mù neo đơn (do anh Phan Đình Huy, nhóm Hướng Thiện phân phối). Phòng Khám bệnh Từ Thiện do BS PXQ , Lớp Học Tình Thương và Trẻ Mồ Côi do LM TrầnVăn Qúy. Nhà Nuôi Trẻ Bại Liệt do các Sr Dòng Mến Thánh Giá Nguyệt Biều. Quà Tết (#4đôla mỗi phần) cho những hộ nghèo khổ do các bạn ĐK đi khắp nơi tìm và trao tặng kịp trước Tết Giáp Thân..

PMH

Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.