Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Bến phà Thủ Thiêm
Phượng Các
#1 Posted : Saturday, September 17, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Bến phà Thủ Thiêm
Thursday, September 15, 2005


Khi tôi còn nhỏ, cha tôi thường dẫn đi chơi. Một trong những cách đi chơi là dạo phố phường. Thường là tản bộ, khi thì trên các con đường buôn bán sầm uất, đông đúc; khi thì ở những lối đi vắng vẻ rợp mát bóng cổ thụ. Với chiều cao của một đứa bé, từ khi ấy tôi đã rất quen thuộc với những gốc cây quét vôi trắng khi xuân về, những chân tường xanh rêu bám kín cây thằn lằn, lá vàng theo gió thổi lăn trên thảm cỏ…, cả bầy chim sẻ nhảy lách chách, cún con tròn mắt ngoe ngoảy đuôi trên vỉa hè. Có khi cha tôi dắt lên xe buýt. Saigon bao giờ cũng là trạm đầu tiên tập trung xe buýt tỏa đi các nơi. Chúng tôi thường leo lên một chuyến xe bất kỳ, đi cuối đường lại quay về. Về sau, cha tôi không còn dẫn đi chơi như vậy nữa nhưng tới phiên chị tôi vẫn tiếp tục duy trì thói quen đó. Khi thành phố mở tuyến đường Saigon – Hóc Môn, chị tôi dẫn cả đám lớn bé đáp xe buýt đến tận chợ Hóc Môn, ngắm chiếc thổ mộ gõ móng thong dong giữa phố chợ đông đảo, ghé thăm vườn trầu cau mát lạnh rồi ôm mấy ký măng cụt Nhị Bình, bắp cải Tân Xuân lên xe trở về. Các chuyến đi chơi với chị đều rất thú vị vì ngoài xe buýt, chị tôi còn dẫn đi đò ngang qua rạch Tàu Hũ, kinh Đôi, kinh Tẻ… , đi phà Thủ Thiêm qua sông Saigon. Con phà đầu tiên tôi đi qua khi bắt đầu lớn chính là phà Thủ Thiêm. Sau đó mới làm quen với những bến phà xa hơn: phà Bình Khánh qua Cần Giờ, phà Mỹ Lợi đi Gò Công, phà Vàm Cống, phà An Hòa qua sông Hậu, còn phà Mỹ Thuận nay đã biến mất, để thay thế bằng một chiếc cầu treo diễm lệ.

Nguồn gốc xa xưa của bến phà Thủ Thiêm là bến đò Cây Bàng. Trăm năm đà lỡ hẹn hò. Chỉ bến cũ còn đây nhưng cây bàng đã mất dấu tự lúc nào không biết. Dọc dài theo lề đường bên bến Bạch Đằng là hàng phượng vỹ, cành xanh mướt bao giờ cũng ngả la đà xuống gần mặt nước lăn tăn che một vầng bóng râm mát rợi, Cứ tháng năm, hoa phượng bắt đầu gọi mùa hè về đỏ ối. Bờ Thủ Thiêm bên kia vẫn là dừa nước chen chúc sát mép bùn, một cây dừa lửa đầy quả nghiêng hẳn mình ra soi bóng sông. Còn con đò thì đã sang ngang, neo hẳn ở một bến bờ nào trong ca dao, đâu đó nơi ký ức chẳng hẹn hò gặp lại… Tuy nhiên, cách đó vài chục thước về phía nhà hàng Mỹ Cảnh, Ngân Đình vẫn tồn tại vài ba bến đò nằm kín đáo, khép nép giữa các ghe tàu lớn. Những con đò mỏng mảnh này dù không cạnh tranh với phà nhưng vẫn hiện diện thường xuyên đó, mỗi chuyến đưa dăm người khách đi tắt thẳng sang sông, khỏi phải vòng quá xa như qua phà. Những bến đò mà nếu không để ý nhìn sẽ không nhận ra giữa một nơi trên bến dưới sông lúc nào cũng náo nhiệt, bận rộn. Hẳn bến đò Cây Bàng ngày trước cũng nhỏ nhoi, khoan thai như thế này, thủa đất Bến Nghé vẫn thưa thớt, thời gian còn trôi rất thanh thả. Nhưng người ngày càng đông, thành phố càng mở rộng, nhịp sống càng vội vã. Từø cuối những năm bốn mươi, bến đò Cây Bàng chuyển mình thành bến phà Thủ Thiêm và hoạt động hàng ngày không ngơi nghỉ đến tận hôm nay.

Bến phà Thủ Thiêm có tất cả ba phà, hai chiếc trọng tải sáu mươi tấn và một chiếc nhỏ hơn. Một phà rời bến này thì cùng lúc phà bên kia cũng rút cầu, cứ thế từ bốn giờ sáng cho đến giữa đêm. Những nhân viên trên phà người quăng neo, người chăm chú trước bánh lái. Công việc quen thuộc không làm họ nhàm chán mà chỉ thấy gắn bó tới mức một ngày không ở trên phà là chẳng chịu nổi. Dòng người và xe liên tục tuôn vào và ra ở hai cổng. Một đoạn đường ngắn thôi mà cũng vô khối hàng quà bán rong. Buổi sáng, một gánh xôi đậu phọng, lá cẩm kẽo kẹt yên vị trên phà. Chiều tà, bên phía Bạch Đằng, vừa trờ tới cổng là gặp ngay hàng bánh mì. Chỉ vỏn vẹn trong không gian của một chiếc thúng nan cắp tay, mà cũng bày đủ một bếp than quạt đỏ rực nướng bò lá lốt và bò mỡ chài kẹp vào ổ bánh mì dòn tan với đầy đủ rau sống, dưa leo! Khói tỏa đưa mùi chả nướng bay lan thơm lừng thật kích thích khứu giác. Mấy chiếc xe sau bấm còi giục giã khiến mọi người phải vội vàng di chuyển tới, nếu không đang ngồi trên xe thì chắc phải tạt ngang vào thúng quà đó rồi. Trên phà lúc nào cũng đầy hàng rong. Sách báo, xổ số và giấy dò số, thơm và mía ghim, thuốc lá và chewing gum, bánh bò và bánh thuẫn, các bịch sinh tố trái cây ướp lạnh đủ màu sắc, mùi vị: mít, sa-pô-chê, đu đủ... Người hành khất với khuôn mặt dị dạng len lỏi giữa những chiếc xe ken sát nhau. Đôi khi xuất hiện một người đàn ông với cây guitar điện. Từ cây đàn cũ kỹ ấy vang lên điệu nhạc boléro và lời ca từ những bài hát quen thuộc thật lâu rồi .

Chiếc phà quay đầu chầm chậm tiến ra giữa dòng, đến khoảng giữa bao giờ cũng gặp chiếc phà khác đi ngược lại. Dòng chảy đục ngầu với những đám lục bình hoa tím trôi rải rác, tấp quấn vào chân bến phà và kè đá, vào tàu thuyền đậu san sát hai bên bờ. Người đi bộ có thể leo lên tầng trên, ngồi ngắm qua khung cửa con sông tất bật như giữa buổi chợ với đủ loại ghe tàu chở hành khách, hàng hóa; sà lan chở cát, gạo… Nước chảy xiết, thuyền bè qua lại nhiều nên sóng mạnh vỗ vào mạn phà dào dạt, mặt trời trải ánh nắng tươi vui, lấp lánh trên mặt nước lô xô. Còi hụ tránh đường, máy phà xình xịch, góp thêm tiếng động ồn ã của cuộc sống cho khúc sông càng rộn ràng. Phía trên sông là trạm tàu cao tốc Vũng Tàu, các nhà hàng nổi Ngân Đình… đêm đêm rực rỡ ánh đèn màu chói lọi và tiếng đàn hát du dương văng vẳng. Những chiếc tàu Saigon, Mỹ Cảnh, Bến Nghé… khoảng tám giờ rưỡi bắt đầu đưa khách dạo chơi xuôi theo dòng sông xuống tận Bình Quới hay Nhà Bè, mang theo chút phù hoa lộng lẫy lướt qua con phà lặng lẽ. Phía hạ lưu là cảng Ba Son lúc nào cũng đậu nghỉ ngơi các con tàu khổng lồ, miệt mài lênh đênh nhiều tháng giữa trùng dương, ghé đây trong một thời gian ngắn vẫn mang trên mình mùi mặn của biển khơi, dấu hà trên vỏ tàu như vết tích kể lại câu chuyện ly kỳ về các vùng đất xa lạ của từng chuyến viễn du. Chỉ riêng những chiếc phà cũ kỹ, đơn sơ cứ cần cù, nhẫn nại suốt từ sáng đến khuya, ngày này qua tháng khác, đều đặn trong nắng vàng buổi sớm, dưới cơn mưa rào mỗi chiều. Phà cứ qua lại trên sông không mệt mỏi, chẳng hay tới đổi thay xuôi ngược của những chuyến thuyền bè đi đâu về đâu, những thác ghềnh của đồi núi, những bao la của cửa biển chân trời.

Miền Nam là xứ sông nước. Thành phố mang trong lòng rất nhiều kinh rạch tỏa ra từ một con sông chính là sông Saigon. Dòng sông này đã ngăn đôi bờ với quang cảnh và sinh hoạt hoàn toàn trái ngược nhau.

Phía Bạch Đằng sừng sững những tòa nhà tráng lệ: khách sạn Majestic, Riverside…; dù thật xa bên kia sông vẫn thấy cao vút chọc trời khách sạn Caravelle, Milano trên đường Đồng Khởi; tòa nhà Sun Wah, Habour View… trên đường Nguyễn Huệ. Các con đường đâm ra bờ sông đều là những dãy phố xa hoa, sang trọng đầy nhà hàng, vũ trường, quán bar, tiệm mỹ nghệ… lúc nào cũng đông khách ngoại quốc dập dìu. Bờ sông dù luôn luôn bị cảnh cáo về nạn cướp giật, nhưng bao giờ chiều tới cũng đầy các quán nước xếp ghế bố dài dài và xe gắn máy đứng đậu hóng mát. Nhưng sang bên kia sông, chưa hết cổng phà đã đụng hàng yaourt ngồi xổm dưới đất bán năm trăm đồng một bịch, là đơn vị tiền tệ mà phía Bạch Đằng chỉ coi là tiền lẻ, hầu như chẳng dùng để mua được thứ gì. Ra khỏi cổng phà gặp ngay chợ Thủ Thiêm vẫn mang dáng vẻ của một ngôi chợ quê nghèo nàn với hàng hóa lèo tèo, nhà cửa cũ kỹ và nhịp sống nơi đây dường như chậm hẳn lại. Vượt cầu Ông Cậy có hai ngôi đền Tứ Phủ: đền Cô Bơ nhỏ hẹp, đền Quan Bơ to, rộng rãi, trần thiết rất rực rỡ. Khu bờ sông này vô cùng đẹp vì không còn nhà cửa, cây cối gì nữa, và cũng không có cầu tàu rào chấn song như bến Bạch Đằng. Ngồi trên bờ đá, có thể thả chân xuống nước khỏa sóng để thấy con sông rộng lớn bỗng chốc thật gần gũi, thân mật. Phố xá thị thành với những tòa dinh thự đẹp đẽ màu hồng tro, màu xám ngọc trai, xanh cánh trả… được đẩy lùi xa thật xa, như một thế giới với những sinh hoạt chỉ hiện diện trong tiểu thuyết, trong phim ảnh… Nhất là buổi hoàng hôn êm ái, khi lưu thông trên sông bớt hẳn, không còn nhiều ghe thuyền, không có tiếng động cơ ca-nô, dòng sông như lắng xuống, như trải rộng ra, như có thể nghe được tâm sự tận đáy nước vẳng lên.

Và như thế, phà Thủ Thiêm đã nối hai bờ giữa một phần quận Nhất phồn hoa náo nhiệt với một cuộc sống quận Hai hiền hòa, bình dị. Khi bóng tối lan tỏa, những tấm bảng quảng cáo to lớn suốt dọc bờ Thủ Thiêm ban đêm vẫn sáng rực trong không gian tối đen, nhìn qua khu trung tâm ăn chơi thành phố bên này đèn đuốc sáng trưng như ban ngày. Chỉ đến khuya, khi cổng phà đóng lại sau một ngày miệt mài, những chiếc phà mới tạm nghỉ ngơi cùng với trăng sao ngả mình xuống dòng sông vắng lặng, trong tiếng sóng rì rào rất nhẹ nhàng.

Bán đảo Thủ Thiêm một ngày không xa sẽ được nối vào thành phố bởi đường hầm chui dưới lòng sông Saigon và bởi những chiếc cầu mới. Ba Son, Tân Cảng được chuyển xuống hạ lưu. Và bến phà Thủ Thiêm cũng như bến đò Cây Bàng thuở trước lại đi vào văn thơ, lưu trong hồi ức con người, sẽ để lại nỗi gì trống trải, thương nhớ cho dòng sông.


Nguyễn thị Hàm Anh

Users browsing this topic
Guest (3)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.