Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Nam Lộc
Phượng Các
#1 Posted : Sunday, September 11, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Nam Lộc

Trường Kỳ

Có lẽ tác giả là một trong số ít người biết rõ về những hoạt động của Nam Lộc nhất, kể cả về gia cảnh và cuộc sống tình cảm của anh. Gần 40 năm quen biết và sinh hoạt chung hẳn đủ để kết luận như vậy khi thực hiện một bài viết chính xác về anh trong hai lãnh vực văn nghệ và xã hội anh từng theo đuổi từ khi còn trẻ.

Chúng tôi quen nhau vào năm 1968, trong thời gian Lộc đang điều hành một tiệm cà phê tên Quán Gió trên đường Võ Tánh, Sài Gòn, trước khi đổi thành Hầm Gió một thời gian sau. Phần tôi, đang thực hiện những chương trình Nhạc Trẻ “Hippies À Go Go” hàng tuần tại vũ trường “Chez Jo Marcel” trên đường Nguyễn Huệ.

Với một đầu óc thích tổ chức và một tinh thần... ham vui như anh thường nói, Nam Lộc tìm gặp tôi khi nhận thấy phong trào nhạc trẻ đang trên đà phát triển với một sức lôi cuốn mạnh mẽ những người trẻ, trong đó có anh... ham vui như anh thường nói, Nam Lộc tìm gặp tôi khi nhận thấy phong trào nhạc trẻ đang trên đà phát triển với một sức lôi cuốn mạnh mẽ những người trẻ, trong đó có anh.

Sau khi quyết định đến với phong trào Nhạc Trẻ, Lộc cảm thấy có nhiều gần gũi để dần dần đi vào hoạt động một cách tích cực sau đó “tại vì thực sự là trước khi gặp ông, tôi đâu có một người bạn thân nào đâu. Tôi có nhiều bạn nhưng không có bạn thân. Gặp ông thì hai đứa như có một sự tâm đầu, nó hợp nhau. Hợp nhau từ cách sống, hợp nhau từ cách nói chuyện, gặp nhau từ cách sinh hoạt thành ra nó hợp “gu”. Thành ra tôi lên sinh hoạt với ông nhiều”, như lời Nam Lộc tâm sự với tôi.

Phần tôi, nhận thấy nơi Lộc là một con người nhanh nhẹn, ăn nói khéo léo với nhiều sáng kiến nên tin tưởng anh là một người sẽ cùng với mình và Tùng Giang - quen với tôi 2 năm trước đó - góp sức để phát triển phong trào nhạc trẻ.

Từ khi quen biết, Lộc thường xuyên tham dự những chương trình nhạc trẻ do tôi tổ chức ở vũ trường “Chez Jo Marcel” (sau đó đổi tên thành “Ðêm Màu Hồng”), rồi tới Queen Bee. Một lần bận việc bất ngờ trong lúc chương trình “Hippies À Gogo” đang diễn ra, tôi đã dúi “micro” vào tay Lộc để nhờ anh thay thế công việc giới thiệu chương trình. Dù không sửa soạn trước, nhưng Lộc đã ứng biến rất nhanh để hoàn thành một việc đầu tiên trong đời rất suôn sẻ. Sự kiện này khởi đầu cho nghề MC của anh tại hải ngoại sau này.

Thời gian kế tiếp, thỉnh thoảng Lộc vẫn lên sân khấu giới thiệu những ban nhạc trình diễn tại “Hippies À Gogo” với nhiều thích thú.

Không đầy một năm sau, Khánh Ly đứng ra khai thác chương trình ca nhạc tại vũ trường Queen Bee và mời Lộc ở lại thực hiện một chương trình nhạc trẻ hàng tuần, trong khi tôi dời chương trình của mình về vũ trường Ritz do Jo Marcel khai thác trên đường Trần Hưng Ðạo.

Dưới mắt mọi người, đây là hai chương trình “cạnh tranh” với nhau, nhưng thực tế chúng tôi vẫn trao đổi những ban nhạc trình diễn cho cả hai chương trình với số lượng khán giả trẻ luôn luôn đông đảo tại cả hai nơi. Từ đó có thể coi Nam Lộc chính thức đến với phong trào Nhạc Trẻ và luôn sát cánh với Jo Marcel, Tùng Giang và tôi trong mọi tổ chức với nhạc trẻ giữ vai trò nòng cốt. Ðối với giới Nhạc Trẻ, tên tuổi Nam Lộc đã trở nên quen thuộc và tạo được khá nhiều uy tín.

Theo anh, giới trẻ trong thời chiến có một cái nhìn lệch lạc cho nên muốn tạo cho họ sự gần gũi với cộng đồng không gì bằng dùng phương tiện âm nhạc qua việc tổ chức những đại hội nhạc trẻ. Qua đó, rõ ràng là giới trẻ và giới nhạc trẻ đã có những đóng góp tích cực về mặt xã hội. Với tính cách bất vụ lợi của nó, những đại hội nhạc trẻ trước kia ở Việt Nam đối với anh là những buổi gây quỹ được hưởng ứng đông đảo nhất, hơn bất cứ một cuộc gây quỹ nào khác.

Qua năm 1972, Nam Lộc cũng là một trong những người tích cực nhất đối với phong trào Việt hóa nhạc trẻ do tôi đề xướng bằng cách viết lời Việt cho những ca khúc ngoại quốc. Ðối với anh phong trào Việt hóa nhạc trẻ cũng nằm trong sự thao thức về mặt xã hội nơi anh.

Ðầu tiên, Lộc góp ý về giai điệu và viết lời cho nhạc phẩm “Anh Ðã Quên Mùa Thu” cùng với Tùng Giang. Sau đó là nhiều nhạc phẩm ngoại quốc được anh chuyển sang lời Việt bằng cách dựa trên giai điệu của nhạc phẩm chính, hoàn toàn không quan tâm đến nội dung như Mây Lang Thang (A Cowboy's Work Is Never Done), Một Thời Ðể Yêu (Les Amoureux Qui Passent), Dĩ Vãng Buồn (I'll Never Fall In Love Again), Phút Bên Em (L'Amour Avec Toi), v.v.. Lý do dễ hiểu là vốn liếng sinh ngữ của Lộc lúc đó còn quá ít oi.

Ðiểm đặc biệt trong cách viết lời Việt của Nam Lộc là nghệ thuật dùng chữ khéo léo khiến người nghe quên hẳn nguồn gốc ngoại quốc của nhạc phẩm đã được hoàn toàn Việt Hóa. Ðiển hình là nhạc phẩm “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu”. Nếu ai không am hiểu và theo dõi nhạc ngoại quốc sẽ cho rằng đó là một nhạc phẩm thuần túy Việt Nam. Thật ra đó là nhạc phẩm “Tell Laura I Love Her” với giai điệu rất phù hợp và ăn ý với lời ca bằng tiếng Việt, hoàn toàn khác biệt với nội dung. “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” được Nam Lộc coi là nhạc phẩm ưng ý nhất của anh suốt thời gian hoạt động trong phong trào nhạc trẻ lúc còn ở Việt Nam.

Nguyễn Nam Lộc sinh năm 1944 ở Bắc Ninh khi thân phụ anh - một thiếu úy trong quân đội Pháp - thuyên chuyển về đây. Khi Lộc được 2 tuổi, gia đình anh mới dời ra Hà Nội. Anh là người con thứ hai trong một gia đình có 7 gái và 4 trai. Tại Hà Nội, Nam Lộc là học sinh trường tiểu học Nguyễn Du. Anh theo gia đình di cư vào Nam khi lên 10 và theo học trường Hùng Vương ở Sài Gòn. Sau đó anh qua các trường Hưng Ðạo, Nguyễn Bá Tòng, Nguyễn Trãi và cuối cùng là Chu Văn An trong những năm cuối bậc trung học.

Nếu ở bậc trung học, Nam Lộc đã nhảy hết trường này qua trường khác thì khi lên đại học cũng chẳng khác bao nhiêu. Khởi đầu với Văn Khoa trong một năm, sau đó lên Ðà Lạt theo học chính trị kinh doanh cũng không quá một niên khóa để rồi lại trở về Sài Gòn học luật là môn học anh rất thích “có lẽ tại vì thích tranh luận. Không phải thích cãi nhau mà thích tranh luận, thích tranh cãi! Thành ra tôi thích từ lúc đó.”

Nhưng việc học luật với Lộc cũng chỉ kéo dài được một năm. Sau khi rời trường luật, Nam Lộc làm thủ kho cho cơ quan Navy Exchange của Mỹ, nhưng vẫn tìm đến với những sinh hoạt cùng bạn bè trong các trường đại học.

Gần 3 năm sau, nhờ dành dụm được chút tiền, Lộc đi vào con đường kinh doanh bằng cách khai thác Quán Gió vào năm 1968. Mặc dù đi trình diện sĩ quan Thủ Ðức vào năm này, mãi đến năm 1972 Nam Lộc mới chính thức bước vào đời sống quân ngũ trong ban báo chí của Sư Ðoàn 5 Bộ Binh, sau đó thuyên chuyển về ban báo chí Quân Ðoàn 3 ở Biên Hòa cho đến biến cố Tháng Tư năm 1975.

Chiều 25 Tháng Tư, Nam Lộc được phụ tá Tổng Trưởng Kế Hoạch rủ vào phi trường Tân Sơn Nhất nghe ngóng tình hình. Lộc xách theo một túi nhỏ, trong đó chứa cả trăm tấm hình thu góp được trong những năm sinh hoạt nhạc trẻ, vài chục Mỹ kim và một chai nước hoa gần cạn! Gia tài của anh chỉ vỏn vẹn có vậy, trong khi còn mang ý định sẽ quay về nhà để cùng đi với gia đình.

Ðêm hôm đó, anh gặp Ðức Huy, đã vào trong phi trường từ mấy ngày trước, làm công việc đọc danh sách những người được lên máy bay. Ðức Huy nhờ Lộc tiếp tục công việc này để chia tay lên đường sang Mỹ trước. Nhờ gặp may mắn, Lộc đã lên máy bay rời Sài Gòn vào ngày 27 Tháng Tư trong khi gia đình anh vẫn còn kẹt lại. Chỉ riêng thân phụ anh được di tản theo tàu Trường Xuân cho đến 4, 5 năm sau tất cả mới được đoàn tụ tại Mỹ.

Nam Lộc cùng những đồng bào tỵ nạn khác nhập trại Pendleton ngày 2 Tháng Năm năm 1975. Với bản tính thích làm những công tác xã hội, anh đã được một người cháu rể giới thiệu vào làm việc tạm thời cho Cơ Quan Từ Thiện Công Giáo Hoa Kỳ (USCC) trong công tác giúp đỡ người tỵ nạn trong trại. Tấm check đầu tiên Lộc nhận từ USCC vào Tháng Sáu năm 1975 đối với anh luôn là một kỷ niệm quý giá.

Khi trại tỵ nạn Pendleton đóng cửa, Nam Lộc là người cuối cùng rời khỏi đây cùng một lúc chấm dứt việc làm tạm thời với USCC. Anh dời về San Clemente, mướn phòng ở chung với một người bạn. Ðêm đêm hai anh em kéo nhau đi nghe nhạc ở phòng trà Roosevelt của người Việt để tìm lại không khí quen thuộc của Sài Gòn ngày nào đã qua đi như một giấc mơ.

Những nhớ thương về một Sài Gòn đã làm cho tâm hồn nghệ sĩ của Nam Lộc có nhiều rung cảm để viết thành một trong những ca khúc tiêu biểu của những người bỏ xứ ra đi, nhưng luôn hẹn một ngày về. Ðó là nhạc phẩm Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt, ra đời vào đêm 12 Tháng Mười Một năm 1975 trong một lúc tâm hồn anh cảm thấy chán chường với cuộc sống vô vị và tẻ nhạt trong những ngày tháng đầu tiên trên xứ lạ để hướng tâm hồn về Sài Gòn. Lộc đã hoàn tất ca khúc này trong vòng 45 phút, sau khi đã nuôi dưỡng ý tưởng này từ khi còn trong trại.

Như bao người khác, sau khi ra khỏi trại tạm cư, Nam Lộc ngược xuôi tìm việc làm trên vùng đất mới để cuối cùng được thu nhận làm “assembler” cho một hãng nhỏ. Trong khi đó cơ quan USCC ở Los Angeles đang cần một người có kinh nghiệm trong việc giúp định cư người tỵ nạn. Khi đến cơ quan này lãnh tiền trợ cấp, Nam Lộc được những nhân viên ở đây nhận ra là đã từng hoạt động trong trại Pendleton nên được thu nhận làm phụ tá cố vấn định cư. Lần lượt những nghệ sĩ như Jo Marcel, Kiều Chinh, Lê Quỳnh, Ngô Văn Quy, v.v.. đã trở thành nhân viên của cơ quan từ thiện này trong những công tác định cư người tỵ nạn.

Từ phụ tá cố vấn, chẳng bao lâu sau Nam Lộc đã trở thành cố vấn định cư, một vai trò đòi hỏi sự lanh lợi trong việc giao tế để có thể tìm được những cá nhân, nhà thờ hay hội đoàn đứng ra bảo lãnh người tỵ nạn, càng ngày càng kéo tới đông đảo. Lộc đã chứng tỏ được khả năng của mình trong những công tác giao phó để rồi được đề cử làm “supervisor”. Một thời gian sau anh trở thành phụ tá giám đốc.

Với chức vụ này Nam Lộc đã trở về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1991 cùng một số nhân vật thuộc Bộ Ngoại Giao và đại diện nhiều cơ quan thiện nguyện Hoa Kỳ để thương lượng với nhà cầm quyền Việt Nam về chương trình tỵ nạn. Hai năm sau, giám đốc USCC vùng Los Angeles nghỉ hưu và người thay thế bà không ai khác hơn là Nam Lộc, đảm nhiệm chức vụ này từ năm 1993 cho đến nay. Trong thời gian này, anh đã trở về Việt Nam lần thứ nhì vào năm 1996.

Gần đây nhất Nam Lộc đã tạo thêm rất nhiều uy tín khi thành công trong việc vận động cho khoảng 20,000 người Việt thuộc diện PIP, tức diện chờ được duyệt cấp thẻ xanh. Ðó là những người được qua Mỹ theo diện nhân đạo, đi theo cha mẹ hoặc anh em. Tuy nhiên sau khi được vào Mỹ, họ không được ra khỏi quốc gia này một khi chưa được cấp thẻ xanh. Không ít người cho rằng Nam Lộc đã làm một việc “lấp biển vá trời” khi vận động cho sự thành hình của đạo luật này. Nhưng anh vẫn âm thầm theo đuổi, cuối cùng thành công đã đến với anh vào mùa hè năm 2004 khi khoảng 20,000 đồng bào đã được thụ hưởng quyền lợi của đạo luật dành cho diện PIP này. Nam Lộc coi đó như một niềm hãnh diện của anh trong công tác phục vụ người di dân.

“Người Di Tản Buồn” tên Nam Lộc thêm vào đó còn hướng nhiều đến những việc từ thiện như đứng ra vận động tổ chức những chương trình gây quỹ giúp người cùi, những nạn nhân nạn lụt ở quê nhà, trợ giúp thương phế binh tại Việt Nam, v.v.. Lời kêu gọi của anh luôn được sự hưởng ứng nơi phía anh chị em nghệ sĩ.

Con người văn nghệ nơi Nam Lộc có một sự liên quan mật thiết với con người xã hội nơi anh. Ðó là điều ai cũng nhận thấy một cách rõ ràng. Từ khi ở trong nước và rõ nét hẳn lên khi ra đến hải ngoại.

Ngay những ca khúc của anh cũng vậy. Nó thể hiện những khía cạnh xã hội, đặc biệt về thân phận người tỵ nạn như Xin Ðời Một Nụ Cười, Người Di Tản Buồn, v.v.. Gần đây anh đã thực hiện một CD gồm những ca khúc của mình dưới tên “Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt: Những Ca Khúc Của Nam Lộc” do trung tâm Thúy Nga phát hành với những giọng ca Khánh Ly, Trần Thái Hòa, Thế Sơn, Ý Lan, Lưu Bích, Như Quỳnh và của chính anh.

Phân tách kỹ hơn, người ta dễ dàng nhận ra một sự hỗ trợ vô cùng mật thiết giữa con người nghệ sĩ và con người xã hội nơi Nam Lộc, như anh công nhận: “Thí dụ như bây giờ tôi đi đâu nói chuyện, người ta biết tên do những hoạt động nghệ thuật thành ra khi tôi thuyết trình ở đây hay qua trại tỵ nạn sinh hoạt thì người ta đến với tôi trước tiên là đến với con người nghệ sĩ. Chính vì cái chỗ nghệ sĩ đó mà có được đám đông để mình lại phục vụ người ta về vấn đề xã hội. Hai cái nó hỗ trợ cho nhau vô cùng!”

Nhìn chung, Nam Lộc đã thật sự thành công trên cả hai phương diện văn nghệ và xã hội. Về mặt văn nghệ, không ai không biết một Nam Lộc nhạc sĩ - dù không phải nhà nghề - với một số ca khúc tiêu biểu cho cuộc sống tỵ nạn đã đi sâu vào tâm hồn người nghe. Ðó còn là một Nam Lộc MC, chững chạc nhưng không kém dí dỏm. Về mặt xã hội, đó là một Nam Lộc, giám đốc cơ quan USCC vùng Los Angeles. Ðó còn là Nam Lộc, người đồng hành của những người sống đời tạm dung trên đất Mỹ, cần đến những kiến thức căn bản đối với những điều khoản chuyên môn về luật di trú. Nhất là đối với lớp tuổi cao niên, anh là một người con, người cháu được dành cho rất nhiều cảm tình qua những công tác thực hiện. Với những hoạt động xã hội của mình, nhật báo Orange County Register đã đưa Nam Lộc vào danh danh sách 30 người Việt có nhiều hoạt động và một tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng người Việt, đặc biệt ở miền Nam California, nhân dịp đánh dấu 30 năm tỵ nạn. Không những thế vào Tháng Năm năm 2005 vừa qua anh còn được tổ chức VANG (Vietnamese American National Gala) trao tặng giải Golden Torch Award tại Washington, D.C. cho những thành tích phục vụ cộng đồng của anh.

Những điều đó đáng để Nam Lộc hãnh diện. Nhưng đối với anh không thể so sánh với với niềm hãnh diện trong việc vận động thực hiện Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ ở thành phố Westminster thuộc quận Cam. Nam Lộc coi đó là điều hãnh diện nhất trong cuộc đời tỵ nạn của mình sau khi đã vận động một số rất đông đảo anh chị em tham gia vào 2 buổi đại nhạc hội gây quỹ xây cất tượng đài vào năm 2003 với số tiền quyên góp được vượt xa số tiền cần thiết vào giai đoạn cuối trong việc hình thành.

Nam Lộc tâm sự về động lực đã thúc đẩy anh tích cực tham gia vào việc xây dựng Tượng Ðài Chiến Sĩ như sau: “Tôi nghĩ tại sao mình đã được ở bến bờ tự do rồi, không mang được họ sang thì mang linh hồn họ sang. Thành ra mỗi lần đi ngang qua tượng đài đó là tôi hãnh diện vô cùng. Trong đời tôi nếu không làm được điều gì hãnh diện thì đây là điều hãnh diện của tôi”.

“Người Di Tản Buồn” 30 năm về trước và hiện là một người di tản thành công trên nhiều lãnh vực, kể cả trên thương trường với công ty điện thoại Ðông Nam Á của gia đình tại Nam California, cho biết sẽ về hưu vào năm 65 tuổi, tức chỉ còn khoảng 4 năm nữa. Anh sẽ rời khỏi cơ quan USCC là nơi anh đã phục vụ từ 30 năm nay để sống một cuộc sống hạnh phúc bên cạnh gia đình với vợ và 2 con gái. Tuy nhiên Nam Lộc vẫn theo đuổi những hoạt động về truyền thông và xã hội với tính cách hoàn toàn cá nhân. Và dĩ nhiên anh luôn mong muốn trong bất cứ công việc nào cũng được “xin đời một nụ cười”...

Trường Kỳ

Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.