Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 11,098 Points: 16,455
Thanks: 861 times Was thanked: 707 time(s) in 705 post(s)
|
110 năm vụ đắm tầu lịch sử Titanic : Lỗi do tuân thủ các quy định ?
16/04/2022 - Minh Anh / RFI Ngày 14/04/1912, trong chuyến vượt đại dương đầu tiên, Titanic đã bị đắm tại vùng biển Bắc Đại Tây Dương sau khi đâm phải một núi băng trôi làm khoảng 1.500 người chết. 110 năm sau, chiếc du thuyền được cho là sang trọng bậc nhất thời đó, vẫn tiếp tục mê hoặc giới chuyên gia, các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư, tìm cách giải đáp bí ẩn của tấn thảm kịch hàng hải nghiêm trọng nhất trong thời bình.
Những nỗ lực không ngơi nghỉ này của giới nghiên cứu đến mức giờ người ta có thể kể lại một câu chuyện khác về Titanic, với một câu hỏi khác được đặt ra : Phải chăng đó là do một sai lầm của thủy thủ đoàn ? Tấn thảm kịch xảy ra là do đã tuân thủ quy định được áp đặt thời kỳ đó ?
Titanic – Con tầu hạng sang bậc nhất
Nhà sử học, chuyên gia về lưu thông hàng hải xuyên Đại Tây Dương, Antoine Resche, trong chuyên mục SuperFail của đài France Culture trước hết nhắc lại, Titanic được thiết kế và đóng trong khoảng thời gian 1909-1912. Đây được xem là chiếc tầu chở khách sang trọng nhất, lớn nhất, tân tiến và an toàn nhất của thời đại.
« Chiếc tầu khách này, còn rất đặc biệt ở điểm, nó không được thiết kế để chạy nhanh như một số đối thủ của nó. Hãng chính của chiếc thuyền này, White Star Line, thời ấy cho rằng những kỷ lục tốc độ là một điều gì đó đã lỗi thời, việc chạy nhanh là quá tốn kém và tốt hơn hết là nên đến đúng giờ, tạo ra một nhịp chạy đều đặn cho hành khách và nhất là một sự tiện nghi hơn là việc phải chạy với tốc độ nhanh tốn nhiều than và gây ra nhiều sự rung lắc khó chịu ».
Quả thật, tốc độ trung bình của Titanic và chiếc tầu « song sinh » Olympic chỉ ở mức 21-22 hải lý/giờ, thấp hơn nhiều so với những chiếc tầu khách đối thủ, Mauretinia và Lusitania, có thể chạy với tốc độ 27 hải lý/giờ. Do vậy, theo Antoine Resche, vận tốc con tầu không phải là một trong số các nguyên nhân gây ra thảm kịch.
Titanic cũng như một phần lớn du thuyền hiện đại thời đó đã được ví như là những con tầu « không thể chìm ». Nhưng trớ trêu thay, vụ việc xảy ra khiến người ta không khỏi nghi vấn : Liệu phần thiết kế kỹ thuật của Titanic có đáp ứng đủ các tiêu chí về tính chất không thể chìm của thời đó ? Antoine Resche giải thích tiếp :
« Tính chất không thể chìm được dựa trên những khái niệm khá cũ xưa. Đó chính là chia chiếc tầu ra thành nhiều khoang kín với ý nghĩ là khi một khoang bị ngập, nước sẽ không tràn sang các khoang bên cạnh và như vậy, chiếc tầu sẽ không bị quá tải bởi lượng nước ngập và sẽ không chìm.
Vì vậy, đối với Titanic, chúng tôi nhắm đến hai tiêu chí chính : Thứ nhất, hai khoang bất kỳ liền kề nào đó trong tổng số 16 khoang có thể đã bị đâm vào mà tầu vẫn chưa chìm. Ý nghĩ ẩn sau vụ việc này chính là rủi ro lớn nhất mà Titanic gặp phải chính là đã bị một tầu khác húc vào và nếu va chạm xảy ra chỉ giới hạn ở 2 khoang, thì 2 khoang này sẽ bị ngập và Titanic vẫn sẽ sống sót.
Giả định này đã được kiểm chứng năm 1911 với chiếc Olympic đã bị một chiếc tuần dương chiến đấu đâm phải. Dầu bị hư hại nặng nhưng Olympic vẫn không gặp vấn đề gì lớn, mất vài tuần sửa chữa để có thể quay trở về Belfast. Do vậy, những chiếc thuyền này thật sự là rất chắc.
Tiêu chí thứ hai, chính là trường hợp chiếc thuyền dường như đã đâm vào một chướng ngại vật. Nhưng thời điểm đó, người ta đã thiết kế chiếc thuyền sao cho 4 khoang đầu tiên có thể bị ngập nước nhưng không gây nguy hiểm cho tầu. Bốn khoang là rất lớn bởi vì chúng chiếm đến ¼ chiều dài của du thuyền và do vậy, không chắc rằng hư hại có thể ảnh hưởng đến nhiều khoang khác. »
Đêm đầy sao, một đêm định mệnh nghiệt ngã
Vậy tuyến đường mà Titanic đi có an toàn hay không ? Vùng biển Bắc Đại Tây Dương thời ấy được biết là một vùng đại dương khá nguy hiểm, thời tiết thường xuyên xấu, hay có nhiều cơn bão lớn. Đây cũng là hải trình đông đúc nhất, luôn có nhiều rủi ro đâm phải tầu khác do sương mù, kẻ thù số một của lưu thông hàng hải thời ấy. Nhà sử học Antoine Resche nhắc lại, để tránh những rủi ro đó, người ta đã lập ra hai lộ trình : Một ở phía nam và một ở phía bắc.
« Con đường ở phía bắc dành cho giai đoạn các tảng băng chưa trôi xuống bởi vì con đường này là khá ngắn, vì thế rất tiện để đi. Nhưng trong suốt thời gian đầu năm, người ta thường đi theo tuyến đường xa hơn ở phía nam để tránh các tảng băng trôi. Thế nên, khi chìm tầu, Titanic trên tuyến đường phía nam đó. Việc con tầu tránh xa những vùng biển nguy hiểm là lẽ thường, đơn giản chỉ vì năm đó mùa đông khá ôn hòa, nên băng trôi nhiều hơn về phương nam. Chúng ta sẽ thấy có nhiều băng trôi tại một vùng mà lẽ ra chúng có rất ít. »
Nếu như việc chọn lộ trình này được cho là chính đáng, thì điều được cho là bất cẩn và lơ là ở đây chính là Titanic đã được cảnh báo qua sóng radio từ nhiều tầu khác rằng có nhiều băng trôi xung quanh hải trình. Các sĩ quan biết rõ điều đó nhưng lại đưa ra các biện pháp rất hạn chế.
« Họ thông báo cho những người gác đêm rằng sẽ có băng và yêu cầu những người này phải cẩn thận theo dõi. Bởi vì, vị thuyền trưởng và các sĩ quan của ông tuân theo nguyên tắc cho rằng vì không có sương mù, thì bình thường ra họ sẽ không gặp vấn đề gì để thấy băng. Điều đáng lo ở đây là thời tiết gần như quá tốt bởi vì chẳng có gió, chẳng có sóng, mặt biển phẳng lặng như tờ, nhiều nhân chứng khẳng định như thế.
Mặt biển quá tuyệt vời, chẳng có chút gợn sóng do băng trôi gây ra, thường cho phép xác định có băng. Đêm hôm đó khá tối, đó là một đêm đầy sao nhưng không có ánh trăng, nên cách thức chính để nhận diện băng trôi là nhìn thấy chúng nổi rõ trên nền trời đầy sao. Người ta sẽ thấy một bóng mầu đen che khuất các vì sao. Vấn đề ở đây là những người gác đêm của Titanic đã phát hiện ra chiếc bóng này quá trễ. »
Rồi người ta còn bàn tán về việc không có ống nhòm và điều này đã cản họ nhìn thấy tảng băng. Vẫn theo nhà sử học này với đài France Culture, đây chính là điểm gây ra nhiều tranh cãi. Nhưng theo nhiều thuyền trưởng thời ấy, cũng như các thuyền trưởng thời nay, đây sẽ là một sai lầm khi nghĩ như vậy.
« Bởi vì ống nhòm chẳng giúp ích được gì cho việc xác định các chướng ngại vật, chúng được dùng để nhìn vật cản rồi để kiểm tra đó chướng ngại gì. Vai trò của người gác đêm không phải để kiểm tra xem nó là gì mà chỉ để nói cho biết có thứ gì đó và như vậy người ta có thể giả định rằng cho dù có ống nhòm, người gác đêm cũng sẽ phải mất một ít thời gian để kiểm tra đó là gì bằng ống nhòm và như vậy sẽ phải báo động trễ hơn một chút.
Trên thực tế, nhân viên hải đồ, người có ống nhòm, đã nhìn thấy tảng băng gần như cùng lúc và do đó, không có quãng thời gian quyết định nào có thể tạo ra một sự khác biệt. Điểm mấu chốt ở đây là do các điều kiện điều hướng tốc độ bởi vì Titanic đã không giảm tốc độ. »
Những quy định hàng hải lỗi thời ?
Tuy nhiên, nhà sử học lưu ý, giờ đây, khi xem xét lại các quy định hàng hải thời đó, người ta cũng không thể trách cứ thủy thủ đoàn, đơn giản chỉ vì ai cũng phải thực hiện cùng một cách. « Chừng nào tầm nhìn còn rõ thì vẫn tiếp tục đi hết tốc độ để ra khỏi vùng băng nhanh nhất có thể. Người ta xuất phát từ nguyên tắc chỉ cần nhìn thấy tảng băng kịp thời thì họ vẫn sẽ có thể tránh được chúng ».
Tổ chức cứu hộ tồi, phải chăng cũng là một nguyên nhân ? Về điểm này, ông Antoine Resche nhấn mạnh đến chi tiết, thủy thủ đoàn phải mất đến 40 phút để đánh giá thiệt hại và mới đi đến kết luận là tầu đang chìm. « Toàn bộ thủy thủ đoàn không hiểu rằng Titanic đang chìm. Nhiều nhân chứng kể cả các sĩ quan khi lên ca-nô cứu hộ vẫn nghĩ rằng Titanic sẽ sống sót. Phải mất một lúc sau, khi đã yên vị trên ca-nô, nhìn chiếc tầu từ bên ngoài họ mới chợt nhận ra rằng con tầu trong một tình trạng rất nghiêm trọng. »
Cũng theo nhà nghiên cứu này, Titanic cũng gây cảm giác chìm rất chậm cho những ai ở trên boong tầu, nó chỉ hơi nghiêng một chút nhưng không cho thấy có gì là thảm khốc, chỉ thật sự đột ngột vào phút cuối của vụ chìm khi mà con tầu bắt đầu mất thế cân bằng, đột nhiên bị lật và chìm xuống, một điều kinh điển trong các vụ đắm tầu. « Thế nên, trong một quãng thời gian dài, một phần lớn hành khách có ấn tượng sai lầm về an toàn. Nhưng điểm quan trọng ở đây chính là thuyền cứu hộ, vốn được thiết kế để chứa đủ 1.178 người, nhưng trên thực tế lại không có đủ ở trên tầu. Vì chỉ có 712 người sống sót, điều đó cũng có nghĩa là còn thiếu đến hơn 400 chỗ. »
Như vậy, rõ ràng là có những thiếu sót hiển nhiên trong khâu cứu hộ, nhất là con tầu đã không được chuẩn bị tốt và người ta đã đánh giá sai tình hình. « Để cứu người, lẽ ra phải có nhiều tầu tại chỗ và phải có đủ ca-nô để có thể đưa mọi người xuống. Đây có lẽ phải là một chiến dịch đòi hỏi nhiều thời gian, những chiến dịch này thực hiện giữa biển khơi đôi khi phải mất đến hàng chục giờ. Trên thực tế, để mà có thể cứu hết toàn bộ số hành khách của Titanic, những người cứu hộ có lẽ sẽ phải đến đó ngay cả trước khi tảng băng trôi đến. »
Titanic, nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật
Nghi vấn cuối cùng đặt ra : Phải chăng Bruce Ismay – chủ hãng tầu khi ấy cũng có một phần trách nhiệm khi không muốn Titanic giảm tốc độ, thậm chí phải đến sớm hơn ? Một quan điểm không được Antoine Resche đồng chia sẻ :
« Một mặt, người ta biết rằng hãng tầu gây áp lực lớn đối với các thuyền trưởng về an toàn. Theo các thư họ gởi, mức lương hàng năm của các thuyền trưởng tăng gấp đôi nếu không có một tai nạn nào. Như vậy, mọi thứ thật sự được thực hiện để nhấn mạnh rằng an toàn là trên hết và thế nên khó có thể tin rằng Bruce Ismay đi trái với quy tắc của chính mình, nhất là chúng ta có những tài liệu cho thấy ông ấy không phải là một kẻ cuồng tốc độ.
Ngược lại, vào thời đó, một số nhân chứng, một số hành khách từng suy nghĩ đến việc trách nhiệm cuối cùng là tập thể. Bởi vì, thay vì một cá nhân gây áp lực, thì ở đây có một áp lực chung : Để có thể đến đúng giờ không nên có những biện pháp phòng ngừa không cần thiết.
Chúng ta có thể suy luận một cách phi lý, bắt đầu từ nguyên tắc : Điều gì sẽ xảy ra nếu thuyền trưởng Smith quyết định giảm tốc độ, thậm chí dừng tầu chờ đến sáng vì cẩn thận. Trong trường hợp đó, ngày hôm sau, sẽ có rất nhiều hành khách vốn rất quan tâm đến các hiệu năng của con tầu, sẽ phàn nàn rằng người ta đã có một sự cẩn thận cuối cùng không mấy gì hữu ích.
Điều trớ trêu là người ta chỉ thấy những biện pháp phòng ngừa đó là hữu ích khi nhận ra rằng mình đã không thực hiện và thảm kịch đã xảy ra. »
Titanic là một ví dụ hoàn hảo về một thảm họa không phải do sự bất cẩn gây ra, ngược lại là do tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí hàng hải thời đó, như giả định do ông Christian Moreau đưa ra trong tập sách có tiêu đề « Những quyết định phi lý ». Dẫu sao thì như tựa đề nhạc phẩm « My heart will go on » do nữ danh ca Céline Dion trình bày, bất kể kết luận các cuộc điều tra có ra sao, Titanic – vụ đắm tầu lịch sử này – vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho văn học, hội họa và điện ảnh.
Chẳng phải bộ phim Titanic của đạo diễn James Cameron, với sự tham dự của hai diễn viên gạo cội Leonardo DiCaprio và Kate Winslet, đã làm rung động hàng triệu con tim và đoạt đến 11 tượng vàng Oscar danh giá năm 1997, trong đó có giải Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất !
|