Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 11,106 Points: 16,479
Thanks: 861 times Was thanked: 707 time(s) in 705 post(s)
|
COP26: Các lãnh đạo thế giới cố đạt thỏa thuận tránh thảm họa khí hậu
01/11/2021 - Thanh Phương / RFI Hơn 120 lãnh đạo thế giới họp tại Glasgow, Scotland, Anh Quốc, hôm nay, 01/11/2021 trong khuôn khổ hội nghị COP26, kéo dài 2 tuần, để cố đề ra những biện pháp cấp thiết tránh thảm họa khí hậu cho nhân loại.
Theo Liên Hiệp Quốc, các cam kết hiện nay của khoảng 200 quốc gia ký kết Hiệp định Paris về Khí hậu, cho dù được tôn trọng hoàn toàn, vẫn khiến cho mức tăng nhiệt độ của Trái đất lên đến 2,7°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Các nhà quan sát đã hy vọng là thượng đỉnh ở Roma cuối tuần qua của nhóm G20, chiếm đến gần 80% lượng khí phát thải toàn cầu, sẽ tạo ra một xung lực cho COP26. Thượng đỉnh G20 đã nhất trí với mục tiêu kềm chế mức tăng nhiệt độ ở 1,5°C, đồng thời đã khẳng định tham vọng đạt trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này và chấm dứt tài trợ cho việc xây dựng các nhà máy điện than ở nước ngoài. Nhưng những cam kết đó đã không thuyết phục được các tổ chức phi chính phủ cũng như thủ tướng Anh Boris Johnson.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Marie Boeda tường thuật về phản ứng của lãnh đạo chính phủ Anh:
“Chúng ta phải hành động ngay bây giờ và phải giữ vững niềm hy vọng. Giọng nói của thủ tướng Anh hôm qua rất nghiêm trọng. Chúng ta không được phép viện cớ để thoái thác nữa. Hội nghị này phải đề ra các biện pháp cụ thể.
Boris Johnson là chủ nhà tiếp đón các lãnh đạo toàn thế giới và ông muốn chứng tỏ vai trò đầu đàn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đây là cuộc hẹn mà ông đã sốt ruột chờ đợi, một năm sau Brexit, trong bối cảnh Anh Quốc đang gượng dậy từ đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Johnson sẽ phải thuyết phục hơn 100 quốc gia đạt được một thỏa thuận, nhưng ông thừa nhận là cơ may thành công của hội nghị COP26 là không chắc chắn. Thủ tướng Anh nói thêm : "Thượng đỉnh này sẽ rất, rất khó khăn, và tôi rất lo ngại bởi vì hội nghị có thể gặp thất bại".
Trung Quốc, nước gây ô nhiễm nhiều nhất hành tinh, sẽ không dự hội nghị. Đây là một thất bại đối với nước chủ nhà của thượng đỉnh, sẽ phải đối mặt với nhiều chỉ trích, thể hiện qua các cuộc biểu tình của những nhà hoạt động bảo vệ môi trường. Theo dự kiến, khoảng 150.000 người biểu tình sẽ xuống đường ở Glasgow thứ 7 tuần này.”
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm qua cũng đã tuyên bố thất vọng về kết quả của thượng đỉnh G20 về mặt chống biến đổi khí hậu, tuy ông cho rằng niềm hy vọng “chưa bị chôn vùi”.
Về phần tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI Kristalina Georgieva, trên trang blog hôm qua trước khi đi Glasgow, bà đã kêu gọi các lãnh đạo thế giới dự COP26 hãy chứng tỏ “những tham vọng lớn hơn” trong các chính sách chống biến đổi khí hậu, “một mối đe dọa đối với ổn định tài chính và kinh tế”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không dự hội nghị COP26, nhưng Reuters cho biết, theo chương trình chính thức do Liên Hiệp Quốc phổ biến, hôm nay, ông tham gia phát biểu dưới hình thức một thông cáo viết. Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình sẽ được đăng lên mạng sau phát biểu của các lãnh đạo thế giới khác, trong đó có tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Khí hậu: Phe Năng lượng Hóa thạch thua hiệp đầu, nhưng không bỏ mục tiêu
01/11/2021 - Trọng Thành / RFI Michael Mann (*) được coi là một trong những nhà khí hậu học « có ảnh hưởng lớn nhất thế giới ». Trước thềm thượng đỉnh khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Glasgos (COP26), tuần san Courrier International cuối tháng 10/2021 giới thiệu bài phỏng vấn của báo Anh The Guardian với tác giả cuốn « The New Climate War » (Cuộc chiến khí hậu mới) (**).
Một trong các thông điệp chính của tác giả trong cuốn sách là tố cáo những thủ đoạn mới của các tập đoàn năng lượng hóa thạch. Sau khi thất bại trong việc « phủ nhận hiện thực biến đổi khí hậu », giờ đây các tập đoàn này và những thế lực đằng sau đang tìm cách gieo rắc không khí hoảng hốt, lo sợ, bi quan trong xã hội, trước một thảm họa khí hậu được coi là không thể tránh khỏi. Mục tiêu là khiến người dân « buông xuôi » chấp nhận định mệnh.
Tuy nhiên, nhà khí hậu học Mỹ khẳng định trên thực tế, chính các thế lực phủ nhận biến đổi khí hậu đang rơi vào « thế phòng ngự », cuộc chiến vì khí hậu chưa bao giờ « thuận lợi như hiện nay ».
***
The Guardian : Ông đã tham gia nhiều chiến dịch về khí hậu. Vậy có điều gì mới trong « cuộc chiến khí hậu » này (« Cuộc chiến khí hậu mới » là nhan đề tác phẩm mới xuất bản của M. Mann) ?
Michael Mann : Trong hơn 20 năm qua, tôi từng trong tầm ngắm của « các thế lực phủ nhận hiện thực biến đổi khí hậu », các tập đoàn năng lượng hóa thạch đa quốc gia và tất cả những ai ủng hộ họ, trước hết là giới chính trị gia bảo thủ và các phương tiện truyền thông của họ. Tất cả những điều này nằm trong một hoạt động rộng lớn nhằm làm mất uy tín của ngành khoa học về sự rối loạn khí hậu. Đây chắc chắn là một chiến dịch truyền thông được tài trợ tốt nhất và có tổ chức nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, giờ đây, chúng ta đang ở vào thời điểm mà không còn có thể phủ nhận được sự biến đổi khí hậu nữa : mọi người đang chứng kiến các tác động của biến đổi khí hậu một cách trực tiếp. Tuy nhiên, các thế lực « chủ trương không làm gì cả » (inactivist), như danh hiệu mà tôi dùng để gọi họ, không đầu hàng đâu. Họ chỉ từ bỏ lập trường phủ nhận hiện thực biến đổi khí hậu triệt để trước đó, nhưng thế vào đó là cả một hệ thống chiến thuật mới. Chính « cuộc chiến khí hậu mới » này là điều mà tôi mô tả trong cuốn sách vừa ra mắt.
The Guardian : Vậy kẻ địch là ai ?
Michael Mann : Đó là các thế lực vận động cho các năng lượng hóa thạch, những người phủ nhận hiện thực biến đổi khí hậu, có mối quan hệ mật thiết với các cường quốc dầu khí, như Ả Rập Xê Út và Nga. Tất cả những điều đó tạo nên cái mà tôi gọi là « liên minh của những thế lực xấu ». Nếu như cần phải tìm ra một gương mặt duy nhất có thể coi là hiện thân của « kẻ địch » trong cuộc chiến khí hậu cũ và mới, thì đó là Rupert Murdoch. « Biến đổi khí hậu » là một chủ đề mà các phương tiện truyền thông của Murdoch thao túng từ nhiều năm nay : Năm nay thủ đoạn bóp méo thông tin đã trơ tráo đến mức quy nguyên nhân các vụ cháy rừng cây bụi ở Úc là do những kẻ đốt rừng. Một thủ đoạn đáng ghê tởm, có mục tiêu đánh lạc hướng công luận về nguyên nhân thực sự của thảm kịch này : biến đổi khí hậu.
Chúng ta cũng cần ghi nhận vai trò gia tăng của các quốc gia dầu mỏ. Ả Rập Xê Út đang chơi trò ngáng đường, Nga tiến hành cuộc chiến tin học, can thiệp vào đời sống chính trị của nhiều quốc gia khác, cản trở cuộc chiến chống rối loạn khí hậu. Giờ đây, chính quyền Nga sử dụng các đội quân « robot mạng » (bot) và « troll » (kẻ kích động tranh cãi trên mạng) để gieo rắc những bất hòa trong giới những người tranh đấu vì khí hậu và những cãi vã trên các mạng xã hội. Những « trol » của Nga đã tìm cách phá hoại việc ấn định giá cacbon tại Canada và Úc. Nhiều tài khoản của Nga đã can thiệp vào phong trào « Áo Vàng » tại Pháp.
The Guardian : Theo ông, những người « phủ nhận hiện thực biến đổi khí hậu » đang ở thế phòng ngự, và có những lý do để hy vọng. Phải chăng đây không phải là khởi đầu cho một niềm hy vọng đầy ảo tưởng ? Tình hình hiện nay thì có gì khác đâu ?
Michael Mann : Không nghi ngờ gì nữa : chưa bao giờ bối cảnh lại thuận lợi hơn, từ 20 năm nay, tức từ khi tôi dấn thân vào đấu trường khí hậu. Chắc chắn là, trong quá khứ, đôi khi chúng ta đã để cho mình bị ru ngủ trong thái độ tự huyễn hoặc, tự thỏa mãn. Năm 2007, khi giải Nobel hòa bình được trao cho nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu (GIEC) và Al Gore (cựu phó tổng thống Mỹ và một doanh nhân dấn thân vào cuộc chiến khí hậu), một sự ý thức về khí hậu dường như đã diễn ra trong giới truyền thông. Nhiều người đã muốn coi đó là một « bước ngoặt ». Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tôi đã rất lo ngại. Tôi biết là kẻ địch chưa sẵn sàng chấp nhận thua, tôi đã chờ đợi là « cuộc chiến khí hậu » sẽ trỗi dậy trở lại.
Đây chính là điều đã xảy ra với vụ « Climagate » (***). Lần này thì khác, khác từ mọi góc nhìn. Tôi cho rằng làn gió chính trị đang chuyển hướng một cách thuận lợi. Phong trào của giới trẻ vì khí hậu đang làm sôi sục công luận, và hướng trọng tâm của dư luận vào các vấn đề mang tính đạo lý trong quan hệ giữa các thế hệ. Chúng ta đang chứng kiến một bước biến chuyển mạnh mẽ trong ý thức người dân. Điều này báo hiệu tương lai sẽ sáng sủa hơn. Thảm họa khí hậu là có thể tránh được, vẫn còn một lối thoát. Chúng ta thấy, trong lời lẽ của thế lực những kẻ « chủ trương không làm gì cả » (inactivist), nhiều điều cho thấy họ đang ở vào thế phòng ngự. Những chuyên gia về truyền thông của đảng Cộng Hòa, như nhà thăm dò dư luận Frank Luntz chẳng hạn, đã nói với những khách hàng của họ trong các ngành công nghiệp năng lượng hóa thạch và với các chính trị gia phục vụ họ, rằng không thể tiếp tục phủ nhận thực trạng hỗn loạn khí hậu, mà không phải gánh chịu các hậu quả. Làm như vậy công luận không chấp nhận nữa. Và thế là họ bắt đầu tìm kiếm các phương pháp khác.
The Guardian : Ông nêu ra chiến thuật đánh lạc hướng. Đâu là những dấu hiệu cho thấy rõ chuyện này nhất ?
Michael Mann : Mỗi khi mà người ta nói với bạn là : đấy là lỗi của bạn, bởi vì bạn không có một ứng xử có trách nhiệm, thì có rất nhiều khả năng rằng đấy là một cách để bạn bị đánh lạc hướng khỏi các giải pháp mang tính hệ thống, mang tính chính trị. Buộc tội các cá nhân là một phương pháp hiệu quả và đã được thử thách trong nhiều lĩnh vực khác. Công ty Coca Cola và tất cả ngành công nghiệp giải khát trong những năm 1970, đã thành công khi thuyết phục chúng ta là không cần phải xử lý vấn đề rác thải. Chính đó là nguồn gốc của khủng hoảng toàn cầu về rác thải nhựa hiện nay. Các thế lực vận động hành lang cho các loại vũ khí cũng có cùng chiến thuật, như khẩu hiệu mà họ thường đưa ra : « không phải vũ khí giết người, mà chính là người sử dụng vũ khí (là kẻ có trách nhiệm) ». Tại nước Anh, chỉ cần xem tập đoàn dầu khí BP, cơ sở cho ra đời loại máy tính đầu tiên tính toán lượng khí thải của từng cá nhân (hay « dấu ấn khí thải »). Vì sao lại như vậy ? Bởi vì BP muốn các vị quan tâm đến vấn đề khí thải do cá nhân quý vị tạo ra, và quên đi khí thải của BP.
Điều đó đưa chúng ta đến thủ đoạn thứ hai của họ : gây chia rẽ. Trong lúc cần phải tập trung cuộc thảo luận về vấn đề chiến lược để thay đổi hệ thống, thì trên các mạng xã hội, các robot mạng (bot) lại thổi bùng lên các tranh luận xung quanh các lựa chọn mang tính cá nhân.
Tất nhiên, các thay đổi về lối sống là cần thiết, nhưng không đủ. Các thay đổi này có lợi cho sức khỏe, lợi cho túi tiền, và mang lại một tấm gương tốt. Nhưng chúng ta không thể để cho các thế lực chủ trương không hành động thuyết phục chúng ta rằng các hành động (thay đổi lối sống mang tính cá nhân) này, chỉ riêng chúng thôi, đã đủ là giải pháp, và các thay đổi mang tính hệ thống là thừa. Nếu như họ thành công trong việc khiến chúng ta chống lại nhau, nếu như họ đẩy chúng ta đến chỗ lên án một lối sống này hay lối sống khác, lên án « dấu ấn khí thải » của một ai đó, thì họ đã tạo ra được sự chia rẽ, và khiến cho không thể có được một cuộc chiến tập thể chống lại các nhóm lợi ích và những kẻ gây ô nhiễm chính.
Tôi không ăn thịt, điện tôi dùng là do năng lượng tái tạo, tôi có một chiếc xe hơi chạy bằng năng lượng hỗn hợp điện – xăng. Tôi lựa chọn như vậy, tôi cổ vũ những người khác làm như vậy, nhưng tôi không tin rằng sẽ có hiệu quả khi phê phán những cá nhân không ở cùng một cấp độ như bản thân mình. Tốt hơn là giúp cho tất cả mọi người tiếp tục tiến lên trên con đường này. Đó chính là vai trò của những thay đổi chính trị và mang tính hệ thống : thiết lập được những khuyến khích, để sao cho ngay cả các cá nhân không quan tâm đến « dấu ấn khí thải » của họ, cũng chọn đi theo hướng này.
The Guardian : Ông cũng chỉ ra một mặt trận khác của cuộc chiến khí hậu, đó là chủ thuyết về « tai họa không tránh khỏi ».
Michael Mann : Chủ thuyết về « tai họa không tránh khỏi » là một mối đe dọa, một thủ đoạn giờ đây được sử dụng còn nhiều hơn cả việc phủ nhận hiện thực hỗn loạn khí hậu. « Những kẻ chủ trương không làm gì cả », biết rõ là : khi mọi người nghĩ rằng không còn gì có thể thay đổi được nữa, một cách tự nhiên là họ sẽ buông trôi. Và khi buông xuôi rồi, thì chính họ đã phục vụ một cách không ý thức cho lợi ích của các thế lực vận động cho các năng lượng hóa thạch. Chiến lược này nguy hại ở chỗ là nó lái những người thoạt tiên vốn rất tin tưởng vào mục tiêu bảo vệ môi trường, những người như vậy lẽ ra đã có thể đứng ở tuyến đầu để đòi hỏi các thay đổi. Những con người đầy thiện chí, đầy lý tưởng tốt, rút cục lại rơi vào trầm cảm, mất hết hy vọng.
Tuy nhiên, tất cả những quan điểm về việc « quá chậm mất rồi » được thiết lập dựa trên hiểu biết sai lạc về các dữ kiện khoa học. Nhiều diễn ngôn về « tai họa không thể tránh khỏi » – những diễn ngôn như của (nhà văn Mỹ) Jonathan Franzan, của nhà báo David Wallace-Wells, của phong trào Thích ứng Triệt để (Deep Adaptation) – xuất phát từ một ý tưởng sai lầm, đó là một « trái bom » mêtan (methane) ở vùng cực sẽ dẫn đến tình trạng khí hậu bị hâm nóng vô cùng nhanh chóng, tiêu diệt toàn bộ sự sống trên Trái đất trong vòng 10 năm. Điều này là hoàn toàn sai trái. Không có dữ liệu khoa học nào ủng hộ cho giả thiết này cả.
The Guardian : Tuy nhiên, không cần đến một trái bom mêtan thì cũng đã có đầy lý do để lo ngại. Và tình cảm lo ngại chẳng phải cũng thúc đẩy việc hướng đến nhận thức đúng hơn ?
Michael Mann : Đúng như vậy, đó là một phản ứng tự nhiên. Nhiều người cũng dễ đi theo quan điểm « thảm họa là không tránh khỏi ». Bản thân tôi đôi khi cũng như vậy. Điều này có thể cho phép có được một sự tỉnh giác, kích thích hành động, với điều kiện là không để cho mình bị rơi vào tình trạng suy sụp. Cần phải có sự hỗ trợ của những người khác xung quanh, để cho trải nghiệm này có ý nghĩa như một sự thanh lọc (giúp cho một sự thay đổi triệt để trong nhận thức).
The Guardian : Đôi khi ông cũng có nói đến việc cô Greta Thunberg bị lạc hướng.
Michael Mann : Tôi ủng hộ triệt để Greta Thunberg. Trong một đoạn của cuốn sách này, tôi cũng có nói đến việc cô ấy đôi khi là nạn nhân của các giả thiết sai lầm. Nhưng tôi ủng hộ mọi hành động của cô ấy. Tôi chỉ lên án những ai lẽ ra đã phải hiểu, thì lại để cho mình bị mắc lừa. Điều đặc biệt tôi muốn là tập hợp lại những tuyên bố sai trái về khoa học trong lĩnh vực khí hậu. Nếu các dữ kiện khoa học chỉ ra một cách khách quan là quá trễ để có thể giới hạn nhiệt độ ở dưới mức có thể xảy ra thảm họa, thì đó là một sự thật. Và chúng tôi, các nhà khoa học, chúng tôi sẽ chấp nhận điều đó. Nhưng đây không phải là khẳng định của khoa học.
The Guardian : Cũng có một chuyển biến khác trong cuộc chiến khí hậu. Đó là sự gia nhập đấu trường của một số tác nhân mới. Bill Gates, chắc chắn là một tác nhân nổi bật, vừa công bố cuốn « Khí hậu : làm thế nào để tránh một thảm họa » (Nxb Flammarion), trong đó ông ấy đề xuất một phương pháp theo kiểu kỹ sư tin học, một thứ « hệ điều hành toàn cầu » được cập nhật trên quy mô lớn. Ông nghĩ sao về chuyện này ?
Michael Mann : Tôi biết ơn ông ấy vì đã sử dụng sự nổi tiếng của bản thân để đánh động công luận về cuộc khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn không tán thành giải pháp mà ông ấy đề xuất. Quan điểm của ông ấy mang tính kỹ trị quá mức, và dựa trên một sự đánh giá thấp vai trò có thể của các năng lượng tái tạo trong việc giúp nền văn minh của chúng ta rời bỏ năng lượng hóa thạch. Khi chúng ta đánh giá thấp tiềm năng đó, chúng ta buộc phải tìm đến các lựa chọn đầy hiểm họa khác, như « địa công nghệ » (với các công nghệ như làm mưa nhân tạo, hay tạo mây ngăn ánh sáng mặt trời…), hay hút và chôn cất khí CO2. Việc đầu tư vào các giải pháp này chưa chứng minh là hiệu quả, nếu làm như vậy thì sẽ có ít đầu tư hơn cho các giải pháp tốt hơn. Bill Gates cũng từng viết là không có giải pháp chính trị cho chuyện biến đổi khí hậu. Nhưng bạn ơi, chính trị là toàn bộ vấn đề. Nếu như bạn không có thế lực ủng hộ hướng đi này, bạn sẽ không thể giải quyết được gì cả, và giải pháp của bạn thậm chí có thể khiến bạn bị chệch hướng.
The Guardian : Tác phẩm của ông chỉ ra một loạt các lý do để hy vọng, như nhanh chóng khắc phục sự chậm trễ của các năng lượng tái tạo, các tiến bộ công nghệ, các hành động trong lĩnh vực tài chính… Tuy nhiên, ông và nhiều người khác hy vọng là cần phải có một sự huy động mạnh mẽ như kiểu trong Thế chiến Hai, để nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C, mà Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác, hiện vẫn còn rất xa với trạng thái này. Xét từ quan điểm này, đại dịch Covid liệu đã cải thiện tình hình hay làm cho mọi việc tồi tệ hơn?
Michael Mann : Tôi tin tưởng là trong hiện tại mọi người đang kết thành đội ngũ trên mặt trận khí hậu. Đại dịch này đầy những thảm kịch nhưng cũng mang lại rất nhiều bài học, đặc biệt về tầm quan trọng của việc lắng nghe giới khoa học trong những tình huống nguy cơ cao. Lắng nghe giới chuyên gia về y tế, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các biện pháp ngăn cách để đề phòng nguy cơ virus lây lan, tương tự như việc các nhà khí hậu học khuyến nghị chúng ta giảm mạnh khí thải CO2 trước nguy cơ thảm họa khí hậu. Chúng ta cũng ý thức được rõ ràng hơn về việc, nếu chống lại khoa học, tổn thất sẽ rất cao, như việc hàng trăm nghìn người đã qua đời một cách vô nghĩa tại nước Mỹ, do một tổng thống từ chối áp dụng các biện pháp dựa trên khuyến nghị của các chuyên gia về y tế.
Cuộc khủng hoảng này là một cơ hội duy nhất để duyệt xét lại một cách tập thể những ưu tiên của chúng ta. Làm thế nào để sống được, sống một cách bền vững trên một hành tinh không phải là vô tận, nơi không gian, thức ăn, nước không phải là vô hạn. Trong một năm nữa, ký ức và những hậu quả của virus corona vẫn sẽ còn đau đớn, nhưng nhờ ở vac-xin, mà cuộc khủng hoảng sẽ lùi lại phía sau chúng ta. Ngược lại, trước mặt chúng ta là một mối đe dọa khác đang lớn dần. Đó là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn nhiều : khủng hoảng khí hậu.
---
Ghi chú
(*) Nhà khí hậu học và địa vật lý Mỹ Michael Mann sinh năm 1965, giám đốc trung tâm Earth System Science Center của đại học công Pennsylvania (Mỹ). Năm 1998, trong lúc chưa hoàn thành luận án tiến sĩ, ông đã là đồng tác giả một bài báo gây sốc trên tạp chí khoa học Nature. Bài báo nổi tiếng với đồ thị về nhiệt độ ở Bắc bán cầu trong nhiều thế kỷ, mang hình « cây gậy khúc côn cầu » (crosse de hockey), với đường cong vọt thẳng lên phía trên, tương ứng với việc khí hậu nóng lên đột ngột mạnh mẽ kể từ đầu kỉ nguyên công nghiệp hóa. Theo The Guardian, chưa bao giờ mối liên hệ giữa hoạt động của con người và khí hậu bị hâm nóng lại được chỉ ra rõ ràng đến như vậy nhờ nghiên cứu của nhóm khoa học, mà Michael Mann là thành viên. Kết quả nghiên cứu của Michael Mann cùng các đồng nghiệp xác nhận nguồn gốc khiến Trái đất nóng lên nhanh chóng là do các hoạt động của con người.
(**) « The New Climate War. The Fight to Take Back Our Planet » (Cuộc chiến khí hậu mới. Chiến đấu để giành lại hành tinh của chúng ta), xuất bản tháng Giêng 2021 tại Mỹ (Nxb PublicAffairs).
(***) « Climagate » là một biến cố đóng vai trò lớn khiến Thượng đỉnh Khí hậu COP15 tại Copenhagen thất bại. Ít ngày trước COP15, hàng trăm thư điện tử liên quan đến trung tâm nghiên cứu về khí hậu rất có uy tín Climatic Research Unit (CRU) của đại học Anh University of East Anglia, bị tung lên mạng. Các dữ liệu của CRU vốn được coi là cơ sở cho các báo cáo của nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC / GIEC), được Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm đưa ra các dự báo khoa học về khí hậu Trái đất trong tương lai. Phe phủ nhận tác động của năng lượng hóa thạch đến việc Trái đất bị hâm nóng đã nhanh chóng lên tiếng tố cáo các nhà khoa học CRU thao túng, bóp méo dữ liệu, và khẳng định đây là bằng chứng không thể phủ nhận được về một âm mưu mang tính toàn cầu chống lại lối sống phương Tây. Tại Copenhagen, Ả Rập Xê Út - quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới - nhân cơ hội này lên tiếng phản đối mạnh mẽ các kết luận báo động của IPCC / GIEC. Trong số các thư điện tử bị đưa lên mạng có trao đổi giữa giám đốc CRU Phil Jones và nhà khí hậu Mỹ Michael Mann. Áp lực của truyền thông khiến giám đốc CRU từng nghĩ đến chuyện tự sát. Các cuộc điều tra sau đó đã giải oan cho trung tâm CRU. Phe phủ nhận tác động của năng lượng hóa thạch đến biến đổi khí hậu ngày càng trở nên thiểu số. Dù sao, phe này cũng đã thành công trong việc làm chậm lại nỗ lực của cộng đồng quốc tế tìm đồng thuận về vấn đề khí hậu trong một giai đoạn bản lề có ý nghĩa quyết định.
Khí hậu : Biden thất vọng vì nguyên thủ Nga và Trung Quốc không dự trực tiếp COP26
01/11/2021 - Chi Phương / RFI Hội nghị khí hậu toàn cầu COP26 chính thức khai mạc ngày 31/10/2021 tại Glasgow, Anh Quốc mà không có sự tham dự trực tiếp của tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là hai trong số những nước gây nhiễm lớn nhất trên thế giới.
Trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh G20, kết thúc ngày 31/10, tại Roma, Ý, tổng thống Mỹ bày tỏ thất vọng về việc « Nga và Trung Quốc không ra mặt » khi « phải đưa ra cam kết về khí hậu ». Lãnh đạo hai quốc gia này chỉ tham gia họp trực tuyến.
Trung Quốc và Nga tự đặt dấu mốc đến 2060 để cắt giảm khí thải carbon, trong khi Ý và Hoa Kỳ lại đưa ra mục tiêu đến năm 2050. Theo tổng thống Biden, cộng đồng quốc tế « đã đạt được những tiến bộ đáng kể và cần phải làm nhiều hơn nữa ». Nhưng cũng cần phải xem xét những gì mà « Trung Quốc không cam kết, những gì mà Nga và Ả Rập Xê Út, từ chối thực hiện ».
Nga đổi giọng về biến đổi khí hậu Về phần Nga, quốc gia hơn 144 triệu dân vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch. Nga là nước gây ô nhiễm đứng hàng thứ 4 thế giới. Chính vì vậy, giới chức Nga đã cho rằng khí hậu trên trái đất nóng lên là một « cơ hội ». Tuy nhiên, từ nay, Nga đã thay đổi giọng điệu trong hồ sơ này.
Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri gửi về bài tường trình :
« Từ lâu nay, Vladimir Putin được xếp vào danh sách «những người nghi ngờ về biến đổi khí hậu ». Ông hoài nghi việc nhiệt độ trên trái đất tăng lên là do con người gây ra, và chú trọng vào vấn đề tăng trưởng. Cách nay vài năm, ông còn nói là có gì đáng phàn nàn về việc nhiệt độ trên trái đất tăng lên vài độ C. Chủ nhân điện Kremlin khi đó ca ngợi những cơ hội mang lại do tan băng ở Bắc Cực như khai thác khí đốt, dầu mỏ, và các khoáng sản khác, hay là việc mở các tuyến hàng hải mới.
Cùng lúc đó, các vụ hỏa hoạn trên quy mô lớn ở Siberi và sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu dưới lòng đất ở Bắc Cực đã gây ra nhiều lo ngại, đến mức vào giữa tháng 10, công luận đã ngỡ ngàng khi Vladimir Putin thông báo Nga đề ra mục tiêu trung hòa carbon, chậm nhất đến năm 2060. Đây quả thực là một sự thay đổi phương hướng, nhưng theo nhịp độ của Nga và không phải bằng bất cứ giá nào.
Matxcơva vẫn kiến quyết phản đối dự án của châu Âu đánh thuế carbon ở biên giới Nga. Dự án này được xem như là « bài Nga » ở một nước còn rất phụ thuộc vào than đá. Thứ Năm tuần trước, ngày 29/10, một nhà ngoại giao Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga đã ngăn cản các doanh nghiệp Nga tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng ».
Các lãnh đạo thế giới bắt đầu phát biểu tại Hội nghị COP 26
01/11/2021 - VOA Tiếng Việt Hôm 1/11, các nhà lãnh đạo thế giới đã bắt đầu đến hội nghị quan trọng của Liên Hợp Quốc nhằm ngăn chặn những hậu quả thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu. Thách thức họ đối mặt thậm chí còn trở nên khó khăn hơn bởi các nước công nghiệp hàng đầu đã không thể đồng ý đưa ra cam kết mới đầy tham vọng.
Hội nghị COP26 tại thành phố Glasgow của Scotland khai mạc một ngày sau khi các nền kinh tế G20 không thể cam kết về một mục tiêu cho đến năm 2050 là ngừng phát thải carbon ròng – thời hạn được nhiều người nêu lên là cần thiết để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu khắc nghiệt nhất.
Thay vào đó, các cuộc đàm phán của họ ở Rome chỉ thừa nhận việc ngừng phát thải ròng có ‘tầm quan trọng chủ chốt’ vào giữa thế kỷ, không đưa ra thời gian biểu để tiến tới ngừng khai thác than ở trong nước và giảm bớt những hứa hẹn cắt giảm khí thải metan, một loại khí nhà kính mạnh hơn nhiều lần so với carbon dioxide.
Nhà hoạt động người Thụy Điển Greta Thunberg đã kêu gọi hàng triệu người ủng hộ ký một bức thư ngỏ cáo buộc các nhà lãnh đạo phản bội.
“Là công dân trên khắp hành tinh, chúng tôi kêu gọi quý vị đứng lên đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu,” cô viết trên Twitter. “Không phải năm sau. Không phải tháng tới. Mà là bây giờ.”
Nhiều lãnh đạo trong số đó đã lên bục phát biểu ở Glasgow để bảo vệ thành tích của họ, cũng có khi đưa ra cam kết mới vào lúc bắt đầu các cuộc đàm phán kéo dài hai tuần mà nước chủ nhà Anh coi là quyết định sự thành bại của mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
“Nhân loại lâu nay đã để đồng hồ biến đổi khí hậu trôi qua. Chỉ còn một phút nữa là đến nửa đêm và chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ,” Thủ tướng Anh Boris Johnson nói trong lễ khai mạc.
“Nếu chúng ta không nghiêm túc về biến đổi khí hậu ngay ngày hôm nay, sẽ là quá muộn để con cái chúng ta hành động vào ngày mai.”
Bất đồng giữa một số nước phát thải lớn nhất thế giới về cách cắt giảm than đá, dầu mỏ và khí đốt, và làm sao giúp các nước nghèo thích nghi với nóng lên toàn cầu, sẽ không làm cho mọi thứ dễ dàng hơn.
Tại G20, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ ra Trung Quốc và Nga, hai nước mà lãnh đạo của họ đã không đến Glasgow, là đã không đưa ra đề xuất lên bàn đàm phán.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, đi cùng Tổng thống Biden trên máy bay Air Force One, cho biết hội nghị Glasgow có thể gây áp lực lên những người chưa tích cực nỗ lực, nhưng nỗ lực toàn cầu sẽ không chấm dứt với hội nghị này.
“Điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra rằng công việc sẽ phải tiếp tục sau khi mọi người về nhà,” ông nói với các phóng viên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nước phát thải khí nhà kính lớn nhất, hơn cả Mỹ, sẽ gửi bài phát biểu bằng văn bản tới hội nghị, theo lịch trình chính thức.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, một trong ba quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới cùng với Mỹ và Saudi Arabia, đã từ bỏ kế hoạch tham gia cùng lúc vào bất kỳ cuộc đàm phán nào thông qua video, Điện Kremlin cho biết.
Hứa hẹn và hứa hẹn
Bị hoãn một năm vì đại dịch Covid-19, COP 26 đặt mục tiêu giữ vững mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp – mức độ mà các nhà khoa học cho rằng sẽ tránh được các hậu quả thảm khốc nhất.
Để làm được điều này, hội nghị cần đảm bảo có được các cam kết tham vọng hơn để giảm phát thải, dành riêng hàng tỷ đô la tiền hỗ trợ về khí hậu cho các nước đang phát triển và hoàn thành các quy tắc thực thi Thỏa thuận Paris 2015, vốn được gần 200 quốc gia ký kết.
Các cam kết hiện tại về cắt giảm khí thải sẽ khiến nhiệt độ bề mặt trung bình của hành tinh tăng 2,7 độ C trong thế kỷ này, điều mà Liên Hợp Quốc cho biết sẽ đẩy nhanh sự tàn phá mà biến đổi khí hậu đã gây ra khi nó làm cho bão mạnh hơn, khiến nhiều người phải chịu cái nóng và lũ lụt chết người, làm mực nước biển dâng và phá hủy môi trường sống tự nhiên của các sinh vật.
Hồi tuần trước, các nước phát triển xác nhận rằng họ bị chậm 3 năm trong việc thực hiện lời hứa được đưa ra hồi năm 2009 là sẽ cung cấp 100 tỷ đô la một năm để viện trợ khí hậu cho các nước đang phát triển cho đến năm 2020.
“Châu Phi chỉ tạo ra 3% lượng khí thải toàn cầu, nhưng người châu Phi đang phải gánh chịu hậu quả thảm khốc nhất của khủng hoảng khí hậu,” nhà hoạt động Uganda Evelyn Acham nói với tờ la Stampa của Ý.
“Họ không tạo ra cuộc khủng hoảng, nhưng họ vẫn đang phải trả giá cho chủ nghĩa thực dân, vốn đã khai thác tài nguyên của châu Phi trong nhiều thế kỷ,” bà nói. “Chúng ta phải chia sẻ trách nhiệm một cách công bằng”.
Sau hai ngày phát biểu của các nhà lãnh đạo thế giới bắt đầu từ hôm 1/11 sẽ là các cuộc đàm phán kỹ thuật. Sẽ không có bất kỳ thỏa thuận nào có thể đạt được cho đến gần hoặc thậm chí sau ngày kết thúc hội nghị vào ngày 12/11.
|