Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 10,003 Points: 13,167
Thanks: 798 times Was thanked: 560 time(s) in 559 post(s)
|
Thái Lan kết án một phụ nữ 43 năm tù vì tội 'khi quân'
VOA - 19/01/2021 Một tòa án Thái Lan hôm 19/1 kết án một phụ nữ 65 tuổi hơn 43 năm tù vì chia sẻ các bài đăng trực tuyến chỉ trích hoàng gia, Reuters dẫn thông tin từ luật sư của bà cho biết, và nói rằng đây là bản án nghiêm khắc nhất từ trước đến nay ở Thái Lan về tội xúc phạm chế độ quân chủ.
Bản án được đưa ra vào thời điểm diễn ra các cuộc biểu tình chưa từng có do thanh niên lãnh đạo, trong đó họ công khai chỉ trích chế độ quân chủ, và điều này khiến họ có nguy cơ bị truy tố theo luật khi quân nghiêm khắc của Thái Lan, với hình phạt 15 năm cho mỗi hành vi vi phạm.
Bà Anchan Preelert bị kết án 29 lần vi phạm trong việc chia sẻ và đăng clip trên YouTube và Facebook từ năm 2014 đến 2015, theo lời luật sư của bà, Pawinee Chumsri, nói với Reuters.
Bà Anchan ban đầu bị kết án 87 năm, nhưng vì bà đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình nên tòa giảm một nửa số án, vẫn theo lời luật sư Pawinee, thuộc nhóm Luật sư Nhân quyền Thái Lan.
“Đây là mức án tù cao nhất từ trước đến nay đối với án về tội khi quân”, LS. Pawinee nói. Theo ông, bà Anchan vẫn có thể kháng cáo tại hai tòa án cấp cao hơn.
Tổ chức Ân xá Quốc tế bày tỏ sự thất vọng về điều mà cả hai nhóm nhân quyền Thái Lan đều cho là bản án dài nhất từ trước đến nay ở Thái Lan về tội xúc phạm chế độ quân chủ.
Các quan chức an ninh đã đột kích vào nhà của bà Anchan vào tháng 1 năm 2015, vài tháng sau khi chính phủ dân sự bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự.
Ban đầu vụ án của bà được đưa ra trước tòa án quân sự, rồi chuyển sang tòa án dân sự sau cuộc tổng tuyển cử năm 2019, khi cựu lãnh đạo quân đội Prayuth Chan-ocha tiếp tục làm thủ tướng.
Ít nhất 169 người đã bị buộc tội khi quân sau cuộc đảo chính năm 2014, theo nhóm nhân quyền của luật sư Pawinee, trong đó một số trường hợp mất nhiều năm để xử lý.
Các nhà chức trách Thái ngừng sử dụng luật khi quân vào năm 2018, nhưng cảnh sát bắt đầu tái áp dụng luật này vào cuối năm ngoái sau khi các lãnh đạo của cuộc biểu tình, thu hút hàng chục nghìn người, bắt đầu công khai chỉ trích chế độ quân chủ.
Kể từ tháng 11, hơn 40 nhà hoạt động thanh niên đã bị buộc tội theo luật trên. Không một trường hợp nào trong số đó được đưa ra xét xử. Hôm 18/1, một người đàn ông Thái khác bị bắt vào năm 2014 bị kết án hơn 4 năm tù sau khi đăng các bài báo và bài thơ lên mạng mà tòa án cho rằng có chứa những lời nói dối về chế độ quân chủ.
Nghi phạm bị cáo buộc tìm cách bán máy tính của bà Pelosi cho Nga bị bắt
VOA - 19/01/2021 Một phụ nữ Pennsylvania bị cáo buộc là một trong những kẻ bạo loạn ở Điện Capitol từng nói với người tình cũ rằng cô định bán máy tính xách tay đánh cắp từ văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi cho tình báo Nga, truyền thông Mỹ trích dẫn tài liệu của tòa án tiết lộ hôm 18/1.
Riley June Williams, người bị buộc tội xâm nhập trái phép tòa nhà Quốc hội Mỹ và có hành vi gây rối, đã bị bắt hôm 18/1, hãng tin AP dẫn lời một quan chức Bộ Tư pháp cho biết.
FBI cho biết trong một hồ sơ tòa án rằng Williams bị nhìn thấy trong video khi lấy “máy tính xách tay hoặc ổ cứng” tại văn phòng của bà Pelosi. Cơ quan này đang điều tra xem liệu Williams có cố bán thiết bị đó cho tình báo Nga hay không.
Tờ New York Times đưa tin Williams đã tự thú với cảnh sát địa phương vào hôm 18/1.
Theo bản khai được nộp cho Tòa án Quận Columbia của Hoa Kỳ, FBI đã nhận được chỉ điểm từ một người nói đã từng là bạn tình cũ của Williams. Người này cho biết Williams “dự định gửi máy tính cho một người bạn ở Nga, và người bạn đó dự định sẽ bán máy tính cho SVR-cơ quan tình báo nước ngoài của Nga”, hồ sơ nêu rõ.
“Không rõ lý do vì sao việc chuyển giao máy tính cho Nga bất thành và Williams vẫn còn giữ thiết bị máy tính hoặc đã phá hủy nó”, vẫn theo bản khai.
Cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục và chưa rõ khi nào Williams sẽ ra hầu toà.
FBI trước đó cho biết có vẻ như Williams đã hủy bỏ số điện thoại, gỡ các tài khoản mạng xã hội và bỏ trốn khỏi một địa chỉ gần Harrisburg, bang Pennsylvania, nơi cô sống với mẹ.
Việc các thiết bị điện tử của văn phòng Quốc hội Mỹ bị đánh cắp, theo Reuters, là một nỗi lo dai dẳng sau vụ náo loạn Điện Capitol vào ngày 6/1 bởi những người ủng hộ Tổng thống Trump, người sẽ rời nhiệm sở vào ngày 20/1. Hàng chục nghi phạm đã bị bắt giữ. Tuần trước, ông Trump bị Hạ viện quyết định luận tội vì kích động nổi dậy và hiện đang phải đối mặt với việc bị luận tội tại Thượng viện.
Quả bóng Trump được dời về bảo tàng London
VOA - 19/01/2021 Bong bóng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong bộ dạng một đứa bé màu cam với khuôn mặt cáu kỉnh, mặc tã lót vừa được chuyển về một trong những bảo tàng nổi tiếng nhất ở London, theo tin Reuters.
Với kinh phí từ việc quyên tiền từ cộng đồng, quả bóng khí heli khổng lồ lần đầu tiên được thả bay lên bầu trời London trong các cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm của ông Trump vào năm 2018 và ở các địa điểm khác bao gồm Pháp, Argentina, Ireland và Đan Mạch.
Vui mừng chấp nhận quả bóng, Bảo tàng London cho biết nó sẽ tham gia vào bộ sưu tập “biểu tình phản đối” ở bảo tàng này, bao gồm các vật phẩm tạo tác từ phong trào Suffragette cũng như các cuộc biểu tình vì hòa bình và biến đổi khí hậu.
Sharon Ament, Giám đốc bảo tàng, cho biết: “Với việc nhận quả bóng về bảo tàng, chúng tôi có thể đánh dấu làn sóng cảm xúc tràn ngập khắp thành phố vào ngày hôm đó và ghi lại khoảnh khắc phản kháng cụ thể”.
“Từ những phụ nữ đòi quyền bầu cử ở đầu thế kỷ 20 cho đến các cuộc tuần hành chống thắt lưng buộc bụng, tự do ngôn luận và gần đây nhất là Black Lives Matter - thủ đô luôn là nơi có tiếng nói của bạn”. Những người tạo ra quả bóng nói họ hy vọng nó là một lời nhắc nhở về cuộc chiến chống lại “chính trị của sự căm thù”.
Ông Trump sẽ rời chức tổng thống trong tuần này, trong tình trạng nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc sau 4 năm đầy biến động.
Theo tổng kết của Reuters, trong nhiệm kỳ 4 năm, ông Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định biến đổi khí hậu toàn cầu, áp đặt các chính sách nhập cư hà khắc, phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc và chủ quan đối với mức độ tàn khốc của đại dịch COVID-19.
Cảnh sát Đức : Berlin, điểm trung chuyển của các đường dây buôn người Việt Nam
Minh Anh - RFI - 19/01/2021 Cảnh sát tư pháp Đức ngày 18/01/2021 cho biết Berlin là « điểm trung chuyển » cho các đường dây buôn người Việt Nam. Theo AFP, một chiến dịch hành động phối hợp chung tại châu Âu sẽ được khởi động nhằm chống lại tình trạng tội phạm này.
Ông Carsten Moritz, lãnh đạo bộ phận chuyên chống buôn người, thuộc cảnh sát tư pháp Đức (BKA) trên đài phát thanh địa phương RBB khẳng định khu phố Lichtenberg, phía đông thủ đô, nơi trú đóng khu chợ châu Á lớn nhất nước Đức – Đồng Xuân Center, là tâm điểm của đường dây buôn người này.
Các nạn nhân, bị mê hoặc trước những ảo vọng kiếm được một việc làm được trả lương hậu hĩnh tại Đức hay tại Tây Âu, phải làm việc « lậu » và « trong những điều kiện bị lạm dụng quá mức » hòng có tiền hoàn trả những nợ vay. Để có thể vào được nước Đức, các nạn nhân phải chi trả một số tiền to lớn có khi lên đến 20.000 euro/người.
Trong số các nạn nhân được tìm thấy trong các chiến dịch rà soát của cảnh sát, có cả trẻ vị thành niên, làm việc trái phép trong các tiệm mát-xa, nhà hàng hay trong các cơ sở chuyên cung cấp dịch vụ quét dọn vệ sinh.
Theo ông Carsten Moritz, « cả một mạng lưới rộng lớn » hoạt động khắp châu Âu đứng sau đường dây này, thu lợi những « khoản tiền to lớn ».
Tháng 3/2020, cảnh sát Đức bắt giữ 6 kẻ buôn người Việt Nam, bị nghi ngờ đưa 155 đồng hương trái phép vào Đức.
Theo số liệu thống kê chính thức, hiện có khoảng 188.000 người Việt Nam sinh sống tại Đức. Ở phía Tây, phần đông là những « thuyền nhân » đến Đức trong những năm 1970. Còn ở phía Đông nước Đức, đó là những người nhập cư trong khuôn khổ chương trình trao đổi "lao động" giữa Đông Đức cũ và Việt Nam.
Theo đề nghị của cảnh sát tư pháp Đức BKA, một chương trình hành động chung châu Âu sẽ được khởi động trong năm nay nhằm chống lại nạn buôn người này hiệu quả hơn, với sự phối hợp chủ yếu của Ba Lan, Anh, Hà Lan, Áo và Bỉ cũng như cảnh sát châu Âu Europol.
AFP nhắc lại, năm 2019, 39 di dân Việt Nam được tìm thấy bị chết ngạt trong xe đông lạnh tại Anh.
Mỹ: Nguy cơ đối với các tài liệu lưu trữ về nhiệm kỳ TT Trump
Thanh Phương - RFI - 19/01/2021 Sau khi rời Nhà Trắng, ông Donald Trump sẽ để lại một lỗ hổng trong lịch sử của Nhà Trắng, đó là điều mà các sử gia lo ngại, do việc nhà tỷ phú tổng thống dường như đã tiêu hủy một số tài liệu chính thức liên quan đến nhiệm kỳ của ông.
Trong lịch sử Hoa Kỳ, các kho hồ sơ lưu trữ về nhiệm kỳ tổng thống George Washington đã từng bị tiêu hủy một phần do bị chuột gậm nhấm. Nhưng mãi đến sau vụ bê bối Watergate và sau khi tổng thống Nixon buộc phải từ chức vào năm 1974, Quốc Hội Hoa Kỳ mới thông qua một đạo luật về việc lưu giữ các tài liệu của nhiệm kỳ tổng thống. Đạo luật Presidential Records Act xem những hồ sơ lưu trữ đó là thuộc quyền sở hữu của nhân dân.
Chiếu theo luật này, các tổng thống và nhân viên Nhà Trắng có nghĩa vụ lưu giữ mọi hồ sơ về « các hoạt động, các cuộc họp, các quyết định và các chính sách » của nhiệm kỳ tổng thống.
Phải ít nhất là 5 năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ 4 năm của tổng thống, công chúng mới được quyền tiếp cận các tài liệu lưu trữ này. Thời hạn bảo mật có thể kéo dài hơn nhiều năm đối với một số tài liệu, tùy theo mức độ nhạy cảm của các tài liệu đó. Đối với các nhà sử học, đây là những tư liệu rất quý giá để họ hiểu được những hành động của một vị tổng thống. Nhưng có nguy cơ là họ sẽ gặp một lỗ hổng khổng lồ trong kho hồ sơ lưu trữ về nhiệm kỳ tổng thống Trump.
Tờ Washington Post ngày 05/12/2020 cho biết là nhiều hiệp hội tại Mỹ đang kiện tổng thống Donald Trump và đang báo động các cơ quan tư pháp và công luận về nguy cơ tài liệu lưu trữ về nhiệm kỳ của ông bị mất. Theo các hiệp hội này, để tránh nguy cơ gặp rắc rối với pháp luật sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ, chính quyền Trump có thể sẽ không lưu giữ một số tài liệu chính thức. Trước đó, ông Trump đã từng bị kiện vì ông không chịu lưu giữ bản ghi các cuộc gọi điện thoại và các cuộc họp giữa ông với một số lãnh đạo nước ngoài.
Dán lại các tài liệu bị xé
Nhật báo Anh The Guardian ngày 17/01/2021 tiết lộ là 3 ngày trước khi rời Nhà Trắng, ông Donald Trump có thể đã cố tình xóa bỏ một số tài liệu của nhiệm kỳ tổng thống. Một số nhân viên của ông kể lại là trước đây họ đã thấy tổng thống Trump xét và vứt đi nhiều tài liệu, mà sau đó họ đã phải mất không biết bao nhiêu là thời gian để nhặt lại và dán lại ! Ông Solomon Lartey, nguyên là một nhà phân tích hồ sơ lưu trữ của Nhà Trắng, trả lời hãng tin AP rằng các nhân viên của tổng thống Trump đã bảo ông đừng làm thế, nhưng ông vẫn cứ làm !
Bản thân ông Lartey cũng đã từng dán lại một bức thư của ông Chuck Schumer, lãnh đạo khối Dân Chủ ở Thượng Viện, nói về tình hình chính trị căng thẳng do việc các cơ quan chính phủ phải đóng cửa ( shutdown ).
Trong thời gian từ đầu năm 2017, khi bắt đầu nhiệm kỳ của Donald Trump, cho đến giữa năm 2018, ít nhất 10 tài liệu dường như đã phải được dán lại như vậy.
Tịch thu bản ghi chép của thông dịch viên
Đáng lo ngại hơn nữa : tổng thống Trump dường như cũng đã tịch thu bản ghi chép của thông dịch viên sau một cuộc trao đổi với tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hambourg, Đức vào năm 2017. Cuộc trao đổi này dường như đề cập đến việc Matxcơva can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, để giúp nhà tỷ phú New York đắc cử, một nghi án đã gây nhiều xáo trộn trong nhiệm kỳ của ông Trump. Bản ghi chép của thông dịch viên trong cuộc gặp giữa ông Trump với ông Putin năm 2018 ở Hensinski cũng đã gặp số phận tương tự, tức là không còn một dấu vết nào. Ông Trump thậm chí dường như còn đã quở trách luật sư của ông khi vị luật sư này ghi chép nội dung một cuộc họp về điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
The Guardian trích lời ông Richard Immerman, thuộc Hội Sử gia Quan hệ đối ngoại của Mỹ, ghi nhận, dưới thời tổng thống Trump, « việc lưu giữ các tài liệu không hề là một ưu tiên, mà chúng tôi có nhiều ví dụ cho thấy một số tài liệu đã bị che giấu hoặc tiêu hủy ».
Nhiều quan chức cao cấp của Nhà Trắng đã bị nhắc nhở sau khi dùng email riêng và điện thoại riêng cho các cuộc trao đổi chính thức. Cựu luật sư của Nhà Trắng Don McGahn đã nhiều lần gởi thư cho các quan chức cao cấp đó để nhắc lại các quy định cần phải tuân thủ. Cụ thể là nếu đã dùng các tài khoản cá nhân trong các cuộc trao đổi chính thức thì phải chụp lại màn ảnh và sao chép qua các tài khoản chính thức để được lưu giữ.
Theo The Guardian, hai hiệp hội lịch sử đã đệ đơn kiện để ngăn chận việc hủy các email và các trao đổi chính thức qua các tài khoản cá nhân đó.
Chuyển giao chậm trễ
Do phe của ông Donald Trump vẫn cáo cuộc có gian lận bầu cử và không công nhận chiến thắng của ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden, cho nên việc chuyển giao toàn bộ các tài liệu tổng thống cho cơ quan quản lý kho hồ sơ lưu trữ quốc gia, trên nguyên tắc phải được hoàn tất trước ngày 20/01, đã bị chậm trễ. Điều này càng làm tăng thêm nguy cơ các tài liệu của Nhà Trắng bị thất thoát. Ngay sau khi lên nắm quyền, chính quyền Biden sẽ có thể tham khảo được các hồ sơ của người tiền nhiệm, nhưng không ai dám chắc là những tài liệu liên quan đến các thủ tục truất phế và các cuộc điều tra về ông Trump sẽ còn nguyên vẹn. Ấy là chưa kể, cũng như các tổng thống tiền nhiệm, Donald Trump có quyền áp đặt việc bảo mật một số tài liệu trong một thời hạn lên tới 12 năm.
Vấn đề là dù nhiều hiệp hội đã đệ đơn kiện, dù nhiều người đã lên tiếng cảnh báo, ông Trump cũng sẽ không bị nhiều hậu quả. Đạo luật Presidential Records Act đúng là có quy định tổng thống không thể tiêu hủy các tài liệu nếu chưa hỏi ý kiến chuyên viên lưu trữ quốc gia và chưa thông báo cho Quốc Hội. Nhưng luật lại không buộc tổng thống phải nghe theo lời khuyên của chuyên viên lưu trữ và như vậy, nếu muốn, ông vẫn có thể tiêu hủy các tài liệu đó.
Đúng là ngày nay đa số các tài liệu của nhiệm kỳ tổng thống đều là các tài liệu điện tử và theo các chuyên gia về lưu trữ hồ sơ, các hệ thống tin học có thể tự động lưu giữ phần lớn, nhưng không thể lưu giữ những tài liệu mà Nhà Trắng đã cố tình không đưa vào các hệ thống này.
Theo trang mạng News 24 ( news-24.fr ), ngay từ tháng 12, các chỉ thị đã được gởi đến nhân viên thuộc nhánh hành pháp của Nhà Trắng, hướng dẫn cách thức bàn giao thiết bị và hồ sơ trong các văn phòng của họ, nhưng ngay sau đó tổng thống Trump đã hủy các chỉ thị này, vì ông vẫn phản đối kết quả bầu cử. Tuy vậy, một số nhân viên của Nhà Trắng đã lặng lẽ gọi điện cho cơ quan lưu trữ hồ sơ quốc gia để xin được hướng dẫn cách sắp xếp và chuyển giao các tài liệu.
Như vậy chắc là sẽ có nhiều điều về nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump mà công chúng không bao giờ được biết đến và các sử gia sau này sẽ phải mất rất nhiều thời giờ để làm tái hiện lịch sử bốn năm đầy xáo trộn vừa qua.
|