Of Human Bondage (1934)
Leslie Howard
Bette Davis
Tôi biết tác phẩm này qua bản dịch của Nguyễn Hiến Lê . Lúc đó tôi đọc cho biết vì vốn ngưỡng mộ ông NHL, chớ' hình như tôi cũng không mặn mà gì lắm . NHL đặt tựa đề là Kiếp Người . Và tới hôm nay, xem phim tôi mới biết ý chính của truyện. Một thanh niên có tật ở chân, thích làm một hoạ sĩ, nhưng bị thầy chê nên ông bỏ mộng nghệ thuật, đi học y khoa. Anh gặp một cô hầu bàn và yêu mê mệt cô ta . Nhưng cô ta lại không biết quý trọng trái tim anh, khinh bỉ anh, chỉ lợi dụng anh mà thôi . Cô la cà với các người đàn ông khác, tới lúc bị bỏ rơi lại "lết đầu" về nương nhờ anh . Cứ mỗi khi anh tính ổn định cuộc sống với cô gái khác thì cô ta lại xuất hiện, anh lại bỏ các cô gái tốt, lại đâm đầu vào thứ tình yêu điên dại ấy cho bị dằn vặt, để hưởng cái mà ta thường gọi là chịu đựng cái "thú đau thương", "theo tình tình đuổi, đuổi tình tình theo" . Mải cho tới khi cô ta trở lại với một tấm thân bệ rạc kết quả của sự trác táng và mãi dâm, và chết đi thì anh mới hoàn toàn giải thoát và lập gia đình với một cô gái trong sạch, hết lòng yêu anh, và anh lại giải phẫu chân, đi đứng bình thường.
Bây giờ tôi mới biết cách lý giải về thứ tình cảm điên khùng mà nhiều người hay bị mắc phải . Là thứ tình của Philip dành cho Mildred. Không phải chỉ trong tình yêu nam nữ đâu, mà ta còn thấy ở các mối liên hệ khác nữa: tình mẹ thương con chẳng hạn . Nhưng ở tình mẹ con thì ít ra người ta còn cố giải thích là mình đẻ nó ra thì phải có trách nhiệm chịu đựng nó, còn người dưng thì sao lại phải chịu đựng những kẻ coi mình như nô lệ, như đày tớ
Ta run sợ, cho yêu là mệnh số
Mặc tay em định hộ kiếp ngày sau
Vì người em có bao phép nhiệm mầu
Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc
........
Tất cả em đều bắt ta khổ não
Và oán hờn căm giận tới đau thương
Và yêu say, mê mệt tới hung cuồng
Và khát vọng đến vô tình, vô giác
Hỡi Kỳ Nữ! Em có lòng tàn ác
Ta vẫn gần – ôi sắc đẹp yêu ma!
Lúc cuồng si, nguyền rủa cả đàn bà
Ta ôm ngực nghe trái tim trào huyết
Ta sẽ chết, sẽ vì em mà chết!
Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn
...Somerset Maugham chỉ diễn tả mà không giải thích (truyện mà giải thích thì hết hay rồi!). Hồi xưa tôi không tìm hiểu ý nghĩa của từ bondage, bây giờ mới biết là ngoài nghĩa là nô lệ, đày tớ, nếu nói về sex thì đó là kiểu giao du tính dục mà một (hay cả hai) người chỉ thấy khoái lạc nếu bị hành hạ, bị quất roi. Theo vài tài liệu thì có khi đương sự bị đánh đập tới chảy máu, càng đau càng khoái lạc, tay thì trói vào cột giường (nếu gặp biến cố gì như nhà cháy hay động đất thì ô hô ai tai!, đúng là chơi dại!. Cái tâm lý tình dục của con người thật là không biết sao mà nói! Ở Philip chỉ là tình yêu (có thể vào thời đại ấy chuyện tình dục như vậy còn là taboo chăng ?). Ông NHL cũng chỉ dịch là Kiếp Người, nghe thê lương nhưng tôi cũng không biết là ông có băn khoăn nhiều lắm khi chọn tựa cho tác phẩm này hay không ? Giờ đây, tôi thấy dưới ánh sáng của Phật pháp thì dễ hiểu (?) hơn, cứ phang cho nó cái chữ Nghiệp là ra ngay. Mắc nợ nó, món nợ kinh hoàng, khiếp đảm, từ kiếp trước, nợ khiến người ta uất hận hộc máu, "nhất hộ hôn, nhì điền sản", khiến người ta tự tử hay thề kiếp sau sẽ lấy lại mạng "mày", cho mày điêu đứng như trâu cày ngựa cỡi v..v..thì kiếp này gặp lại trong mối liên hệ vợ chồng, cha mẹ con cái chẳng hạn ....
Bette Davis được cho là trở thành minh tinh màn bạc là nhờ vào phim này. Bà lúc tấp tểnh ra nghề, được khuyên là nên bỏ cái mộng diễn viên đi, vì bà không đẹp (cái thời hoàng kim của Hollywood, phải có nhan sắc thì mới có hy vọng tiến thân); nhưng bà kiên quyết theo đuổi nghề và trở thành một đại diễn viên của màn bạc Mỹ .