Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

44 Pages«<424344
Phim
Phượng Các
#864 Posted : Friday, August 25, 2023 1:09:08 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


The Getaway (1992)

Alec Balwin, Kim Basinger

Bản làm lại của phim cùng tên do Steve McQueen và Ali MacGraw đóng năm 1972. Coi bản 1972 lâu lắm rồi nên tôi không nhớ là nó hay hơn bản 1992 hay không. Vai chánh là cặp vợ chồng liên can trong một vụ trộm ở ngân hàng . Khi tính chuyện chia chác theo dự tính thì họ bị đồng bọn tính chuyện thanh toán nhau vì lòng tham . Thế là hai vợ chồng phải tìm cách đi sang Mễ Tây Cơ để trốn tránh . Phim sôi nổi, hấp dẫn, hồi hộp, lôi cuốn, thích hợp cho mọi lứa tuổi, chỉ có vài cảnh tình dục nhưng cũng tạm "tha thứ" được.

Nếu hồi xưa thì chắc tôi không để ý cái thái độ coi thường nữ giới mà ta hay thấy trong các tác phẩm do phái nam thực hiện . Như trong phim này . Anh chồng thông minh tài giỏi mưu tính, người vợ thì có lúc thấy như gánh nặng cho chồng . Tuy là cũng có công trong việc đưa anh ra khỏi nhà tù, nhưng nàng đã phải dùng tới sự trao đổi tình dục với tay trùm mới giúp anh chồng ra được . Vậy mà khi biết ra, anh chồng bực bội, nổi máu ghen tương . Chi tiết đó cũng hợp lý, vì nếu không ghen gì hết thì hoá ra anh là một thằng đàn ông hèn hạ, đồng ý đem xác thân vợ ra mua tự do cho mình hay sao! Chị vợ cũng có tự ái của mình, lý luận là nếu không như vậy thì làm sao anh ra được tù . Và chị chấp nhận chia tiền để đường ai nấy đi . Anh chồng thấy mình cũng còn yêu vợ nên hứa sẽ bỏ qua để họ vẫn tiếp tục bên nhau . Khi thả chị xuống ga để mua vé xe lửa, anh chồng tin vợ để chị ta giữ túi xách tiền, không dè là cái hời hợt ngu ngốc của chị đã bị một kẻ lạ tráo chìa khoá tủ để cướp lấy túi tiền, làm cho anh chồng phải chạy theo giựt lại với màn đánh đấm tơi bời hoa lá . Khiến cho người xem phải dặn lòng là đừng có tin mà giao tiền cho đàn bà giữ! Một người phụ nữ khác, vợ của ông thú y bị một kẻ thô bỉ trong nhóm theo đuổi cặp vai chánh đã đi theo tên này trước con mắt chịu đựng của ông thú y, sau cùng chịu không nổi, ông này đã tự treo cổ!

Nếu ai để ý sẽ thấy chi tiết đánh nhau trước khi dứt điểm việc thanh toán là tình thế đã để cho chị vợ đập người vợ ông thú y, chớ không để cho anh vai chánh xuống tay với đàn bà . Đàn ông mà hạ thủ xuống đàn bà thì mất vẻ hào hùng rồi!

Người Mễ hay trốn vào Mỹ để sống, mà trường hợp này thì người Mỹ lại trốn sang Mễ để tránh nhà chức trách . Ngoài đời thật có thường xảy ra như vậy không ? Theo tôi biết thì sau thế chiến thứ hai, nhiều người trong khối trục đã chạy trốn sang Nam Mỹ để tránh bị phe đồng minh tìm bắt (người Nhật xuống Brazil rất nhiều, tạo thành nhóm người Nhật đông nhât ở hải ngoại).

Phim này làm một năm trước khi Alec Balwin và Kim Basinger kết hôn nhau . Ai nói phim ảnh chỉ là giả tạo, người đóng phim không có cảm xúc gì, nhưng tôi thấy nhiều cặp sau khi đóng các phim tình tứ thì họ lấy nhau, bất kể là họ đang có vợ hay chồng rồi .
Phượng Các
#865 Posted : Wednesday, August 30, 2023 1:13:36 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


Indiana Jones and the Dial of Destiny (2023)

Phim dài 2 tiếng rưỡi, tập cuối cùng của loạt phim Indiana Jones do Harrison Ford đóng . Phim dài quá nên xem hơi mệt . Mấu chốt của truyện là thiết bị Antikythera do ông Archimedes sáng chế ra, có khả năng đưa người ta vào lại một không gian thời gian khác . Một người thuộc Đức Quốc Xã muốn trở lại thời thế chiến thứ 2 để thay đổi lại lịch sử, nhưng lại đưa nhầm vào thời của Archimedes và tham gia vào cuộc chiến tranh với La Mã ở Sicily .

Đề tài đi vào không thời gian khác rất ăn khách. Archimedes lại là một nhà khoa học, toán học vĩ đại mà ai học ở trung học đều nghe qua các định lý của ông . Thế cho nên phim làm cho ai xem cũng được, trẻ con thì thích các màn đánh đấm trốn chạy, người có học khoa học thì ôn lại các nguyên lý của Archimedes, người thích địa dư thì được tới Ma Rốc xem, rồi lại tới Hy Lạp, tới Sarycuse ở Sicily.. .

Chắc ai cũng có mối cảm hoài man mác cho một khát vọng da diết của con người, đó là được trở lại một thời gian khác, được đi vào một cảnh giới khác nếu chúng ta cảm thấy chán mứa cái cảnh đời mình đang sống hiện tại . Và nhiều người họ trông mong vào khả năng của khoa học, như một nhân vật trong phim nói: "Mathematics work... as it conquered space, it will conquer time". Chinh phục không gian thì còn có hy vọng, chớ còn chinh phục thời gian thì coi bộ vô phương .... Ta sẽ về thăm lại nhánh sông xưa, thăm lại bóng hình người năm năm trước .. Vế thứ nhất thì may ra, vế thứ nhì thi... no way Jose!
Phượng Các
#866 Posted : Thursday, September 7, 2023 5:02:34 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


Venus in Fur (2013)

Phim dựa vào một vở kịch, chỉ có hai nhân vật . Một là đạo diễn kiêm soạn kịch gia, đang tìm tài tử nữ cho vở kịch của ông . Thất vọng với các người đến thử vai, đến lúc sắp rời rạp hát thì có một cô gái xinh đẹp mặc áo lông đến xin thử . Lúc đầu ông từ chối vì thấy trễ rồi, rạp hát đóng cửa tới nơi rồi, chỉ còn hai người . Nhưng cô gái này nằng nặc xin thử vai nên ông cũng nể cho thử . Ai ngờ càng lúc ông càng lún sâu trong cuộc đấu khẩu và đấu trí với cô gái này . Có lúc tôi không phân biệt được đâu là đối thoại của họ và đâu là họ đang diễn kịch . Cô gái chứng minh cho ông đạo diễn thấy ông là một người ghét phụ nữ, chỉ muốn chế ngự, đè nén phái nữ, ông là người kỳ thị nữ giới . Những lời lẽ đốp chát của họ nhằm nêu bật lên mối tương quan thật sự giữa hai phái, họ cần nhau nhưng họ kỵ nhau, đối đầu nhau, có lúc họ coi nhau như kẻ thù, đối xử tàn nhẫn với nhau . Người đàn ông kinh sợ đàn bà vì sự bất chung thuỷ của họ: Nothing is crueler than a woman's infidelity . In our society, a woman's only power is through a man .... I ' d like to see what woman will be when she becomes Man ' s equal . - When she become herself!

Cuối vở kịch, cô gái trói tay ông đạo diễn vô cột rồi bỏ đi, ra khỏi rạp hát .
Phim chấm dứt với một câu trích trong Book of Judith:
"And the Lord hath smitten him and delivered him into a woman's hands."

Đàn ông, đàn bà ...từ khi có nhau bên cạnh, họ đem lại hạnh phúc cho nhau đồng thời cũng là nguồn gốc của khổ đau cho nhau . Tôi nhớ tới lời một bài hát :

Yêu em vì ta chán người,
yêu em vì ta chán đời.
Yêu em vì ta không tin ở trời.
(Cả bài tôi chỉ thấy có ba câu trên là cốt lõi của tâm tình nhạc sĩ ... Và Elvis Phương hát bài này là tôi nghe thê thiết hơn cả)

Tại sao lạ vậy, trong khi sự hấp dẫn của người khác phái chính là ý nghĩa thực sự của cuộc tồn sinh này (không tính tới thiểu số người chỉ muốn thoát tục ). Vậy mà nhạc sĩ chỉ để lòng mình đến "em" khi thế giới này không còn lý do gì để sống . Nếu cuộc đời này có chuyện gì đáng để làm, để nương tựa thì chả cần phải tìm kiếm một người để yêu thương!"Em" rẻ rề như thế đó, em ơi ...Mà có thật không ? Hay đó chỉ là một tấm khiên để che giấu một điểm yếu chết người . Sự thật là tôi cần đến em lắm chớ, nhưng chẳng qua cái địa vị của người nam cao quý quá, không lẽ đường đường một đống như ta mà lại thú nhận mình cần một "con" đàn bà hay sao . Vanda Jordan cho Thomas Novacheck một bài học đích đáng cho tính kiêu ngạo của chàng, nhưng sự hùng hổ coi thường phụ nữ chỉ là để nhằm che đậy một nỗi khát khao yếu đuối của chàng mà thôi, để rốt cuộc bị trói tay lại trong rạp hát, nếu đêm đó rạp hát bị cháy thì là tan nát một đời ... trai!
Phượng Các
#867 Posted : Tuesday, September 19, 2023 12:54:50 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


This Boy's Life (1993)

Leonardo DiCaprio, Robert De Niro, Ellen Barkin

Phim dựa vào tự truyện của Tobias Wolff thời gian theo mẹ khi bà kết hôn với người chồng thứ hai sau khi ly dị với người chồng thứ nhất . Không may cho hai mẹ con là người cha kế này của Toby là một kẻ hung bạo, ty tiện, nhỏ nhen, thường xuyên hành hạ đứa con trai ghẻ của mình . Mẹ Toby vì muốn an phận với đời làm vợ đã cố gắng nhẫn nhịn . Tới khi chịu hết nổi khi thấy chồng ra tay đánh đập con trai mình, bà mới vác gậy đập cho lão ta một trận rồi hai mẹ con ra khỏi nhà, vừa đúng lúc Toby cũng nhận được học bổng để ra khỏi cảnh đời địa ngục đó .

Coi phim mà ta cứ tức anh ách . Nhưng cảnh sống kiểu này không phải là hiếm gặp, ngược lại các gia đình như thế mà hạnh phúc mới là hiếm hoi . Ngay khi phải lâm vào cảnh rổ rá cạp lại là người ta cũng phải thấy trước đời sống gia đình sẽ như thế nào . Một gia đình bình thường cha mẹ con cái mà còn rắc rối đủ chuyện, huống chi là tình trạng con anh, con em, con chúng ta phải ở chung . Toby không có em cùng mẹ khác cha nên khi rời khỏi nhà họ không có gì vướng bận . Tiểu sử của Wolff cho biết ông từng sang Việt Nam mấy năm thời chiến tranh, có học tiếng Việt nữa chứ . Quyển sách memoir này ra đời vào 1989, và cha ghẻ ông chết vào năm 1992, vậy nghĩa là ông ta có dịp đọc xem đứa con ghẻ mô tả như thế nào về mình rồi! Coi phim thì ông bị mô tả như một kẻ bạo dâm, ta cũng không biết chính xác như thế nào vì đây chỉ là chuyện kể từ một người, không có "phản biện". Ba đứa con của ông ta thì Toby không nói gì nhiều, vì họ đều còn sống cả đó .

Toby đã có một đời sống tươm tất, nghề nghiệp ổn định, không vì quãng đời niên thiếu vất vả, bất hạnh mà rơi vào cảnh đau thương . Thế mới hay: "Cảnh khổ là một nấc thang cho bậc anh tài, một kho tàng cho người khôn khéo, và là một vực thẳm cho kẻ yếu đuối".
Phượng Các
#868 Posted : Wednesday, October 18, 2023 1:59:02 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


The Road (2009)

Phim thuộc loại viễn tưởng, năm 2929, trái đất bị tiêu tàn vì lửa, nước uống cạn kiệt, thực phẩm không còn, nền văn minh hoại diệt . Hai cha con tìm cách đi về phía biển . Trên đường đi họ phải trốn tránh con người, vì ai cũng do tìm cách sinh tồn mà phải giành giựt, cướp bóc, ăn thịt uống máu nhau . Kinh khủng lắm . Đứa con trai thì tâm hồn trong sáng hơn, người cha thì nghi ngờ kẻ khác, e họ sẽ hại hai cha con . Rốt cuộc họ cũng tới được bờ biển, nhưng ngừơi cha kiệt sức mà chết, đứa con may mắn gặp một gia đình rủ gia nhập để cùng lê bước trong cuộc sống không thấy có ngày mai .

Người ta có thể hỏi ai nghĩ ra cái chuyện gì mà thấy ghê vậy ta . ..Nhưng đây không phải hoàn toàn chỉ là tưởng tượng, cứ theo dõi báo chí sách vở bao lâu nay mà tôi bắt đầu e là dám tình trạng đó là chúng ta đang đi tới đó chớ không đâu . Chỉ mới đây tôi còn hân hoan tin tưởng ở một giai đoạn tươi sáng của nhân loại . Loài người liên tục sáng chế cái này, tạo tác cái kia, cùng giúp nhau sống vui sống mạnh sống vững chắc trên trái đất này . Vậy mà mấy lúc gần đây, chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, nhân hoạ thay phiên nhau xuất hiện, làm không biết là có phải ngày tàn của loài người phải chăng sắp tới nơi rồi, tận thế sắp đến rồi .

Người xưa có nói là khi tâm trí con người xấu xa, ích kỷ, độc ác, hiềm thù, chỉ đối nhau như thú dữ thì trời đất cũng sẽ xáo trộn, mưa không thuận, gió không hoà, thiên tai, dịch bệnh sẽ nổi lên, đe doạ tới sự tồn vong của nhân loại . Nếu bảo rằng con người chính là vũ trụ thu nhỏ lại, tâm ta ra sao thì thế gian thị hiện ra như vậy thì chắc không mấy người tin, vì làm sao chứng minh được , bị cho là khẩu thuyết vô bằng, rồi lại mạnh ai nấy sống, chỉ lo cái mạng mình, con mình, nhà mình ... mà chà đạp lên kẻ khác ...Chỉ nghĩ đến thôi cũng muốn ba chân bốn cẳng chạy cho ra khỏi cái cõi đời ghê gớm này ...
Phượng Các
#869 Posted : Friday, October 27, 2023 9:41:14 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


Gambit (1966)

Shirley MacLaine, Michael Caine, Herbert Lom

Hai tài tử gạo cội nên phim họ đóng cũng khiến ta an tâm chắc không đến nổi dở . Thì đúng là như vậy, phim được xếp vào loại khôi hài, trộm cắp với thủ đoạn tinh vi, tài khéo . MacLaine xinh đẹp, có thân hình rất phù hợp với ..áo dài nàng mặc vì đang đóng vai một ca sĩ ở Hồng Ko^ng . Đúng là áo dài, tôi ngạc nhiên và chú ý đến hai cái áo dài bà măc. Lâu nay tôi tưởng áo dài là sảng tạo của người Việt, còn loại áo tương đương với áo dài của phụ nữ Tàu là xường xám. Nhưng nay lại thấy cô ca sĩ Tàu vào thập niên 1960 lại mặc áo dài . Xường xám không cần mặc quần, nhưng áo dài thì phải có quần mới ra áo dài . Cổ áo cũng giống với cổ áo dài của ta vào thời trước khi bà Ngô Đình Nhu phổ biến loại áo không có cổ, xưa người ta gọi là "cổ bà Nhu". Thời xưa người ta mặc áo dài với quần trắng hay đen, nhưng áo dài MacLaine mặc trong phim thì quần ăn màu với màu của áo, ăn màu thôi chớ không phải cùng loại vải, mà mãi sau này phụ nữ Việt mới cải tiến cho cái quần có màu sắc sặc sỡ chứ không phải chỉ với hai màu đen trắng. Chắc vải áo dài bằng lụa nên thướt tha mềm mại, thật phù hợp với tấm thân thon gọn của MacLaine.

Vậy là tôi phải nghiên cứu lại xem áo dài có phải là sáng tạo độc đáo của Việt Nam không .
Phượng Các
#870 Posted : Tuesday, November 7, 2023 1:12:17 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


Howards End (1992)

Anthony Hopkins, Emma Thompson, Vanessa Redgrave, Helena Bonham Carter

Thấy trên mạng có tóm tắt cốt truyện rồi nên tôi chỉ nói thêm ý của mình về vài chi tiết trong phim .

Margaret thuộc gia đình trung lưu, có lợi tức 600 pounds một năm (thành ra thấy không làm gì mà ba chị em vẫn sống được), nhưng chủ nhà muốn lấy nhà lại không cho mướn nữa nên cũng đang tính dọn đi . Quen biết với một gia đình đại doanh nhân giàu có nhưng bà vợ thì bị bệnh sắp mổ và có mòi muốn "xí lắt léo" rồi . Hai người trò chuyện mới thấy họ vô cùng tâm đầu ý hợp, mà mình là khán giả nghe họ nói chuyện cũng thấy thích theo . Như khi Margaret tâm sự với Ruth là nàng sắp phải dọn đi khỏi căn nhà mà mình sinh ra ở đó thì Ruth xúc động liền, và bà ca tụng căn nhà ở vùng quê Howards End của riêng bà, và cho là không có nơi nào cho bằng nơi chốn mình sinh ra (làm tôi cũng thấy đúng y chang tâm trạng của mình). Nơi đó có cây dẻ mà người dân quê gắn răng heo vào thân cây để mong hết đau răng, Margaret tỏ ra thích thú và so sánh nói là là nước Anh không có thần thoại như Hy Lạp, chuyện dân gian chỉ toàn là phù thuỷ với tiên . Tôi làm sao có khả năng rút tỉa ra được một kiến thức như vậy, nếu không nhờ nghe từ cái miệng của Emma Thompson . Bà Ruth khoái quá, mời Margaret tới Howards End chơi cho biết vì thấy Margaret tỏ ra quan tâm tới cơ ngơi ấy . Bà tính đi liền chiều hôm đó, nhưng thất vọng khi M không thể đi được . Nhưng chiều hôm ấy M thu xếp được, đi ra ga xe lửa làm bà Ruth mừng quá, ai ngờ khi sắp lên xe thì con trai bà bị xe đụng làm chuyến đi không thực hiện được . Rồi sau đó, thì bà phải vào bệnh viện mổ, và không qua khỏi . Trước khi chết, bà còn bảo y tá đưa tờ giấy viết ý muốn của mình là tặng căn nhà thuộc của riêng của mình cho M. Tuy nhiên khi họp gia đình lại bàn về ý nguyện này, cả nhà không ai đồng ý tài sản lớn lao như vậy lại trao cho người ngoài . Cô con gái út thảy tờ giấy vào lò lửa, và thế là xong . Nhưng cuộc đời này có nhiều điều kỳ lạ khó tưởng nổi . Nhiều chuyện xảy ra, với ngòi bút dựng truyện tài tình của tác giả đưa quyển tiểu thuyết này lên hàng kiệt tác, rốt cuộc M cũng sở hữu được cơ ngơi ấy

Cái gì của ta thì sẽ thuộc về ta . Cả gia đình Wilcox dù không muốn lúc đầu nhưng duyên sự đi loằn ngoằn rồi cũng thể hiện đúng ý muốn của bà Ruth, bởi cái tâm ý của bà mạnh mẽ như thế, và các người kia khi không đồng ý với vợ và mẹ mình là "tự nhiên" trong tâm thức họ đã mọc mầm quả báo cho cái tâm bất thiện của mình, Họ mắc cái nợ với bà Ruth và Margaret, rôi các hành động sau đó của họ lại đi theo chiều hướng trả quả cho cái tâm bất thiện ấy . Phải chăng đó là cách giải thích theo luật nhân quả, chớ không có ông trời bà trời nào thương kẻ này hay ghét kẻ kia mà ban cho hay lấy đi vật gì của ta . Ông Henry khi cầu hôn Margaret, phải chăng là để bù đắp cái nợ mình đã có với nàng, để tạ lỗi với nguời vợ trước vì không làm theo ý bà ta; cô Evie thì rắc rối hơn, trả lời cho anh vị hôn phu khi anh hỏi về Margaret: "ối, cái bà gái già ấy, miệng mồm cứ lép bép". Phải kể xấu cho Margaret để xoa dịu cho nỗi ray rứt của cô . Anh con trai cả do bênh vực em gái của Margaret mà đâm chết người yêu của cô ta, kẻ đã làm cô này mang bầu . Rôi thì căn nhà ấy các đứa con của bà Ruth không ai chịu ở, để ông Henry sau cùng ghi trong chúc thư là dành cho Margaret, còn toàn bộ tài sản của ông thì Margaret không muốn dính tới, để chia cho các con ông, và nếu qua đời thì nàng sẽ để lại Howards End cho con trai của em gái mình, mà cha của nó đã chết oan nghiệt trong căn nhà ấy .

Emma Thompson đoạt giải Oscar nhờ phim này trong vai Margaret . Người chọn vai cho Margaret kể cũng tinh, vì Emma Thompson quả là có gương mặt phúc hậu phù hợp với tính cách của Margaret: độ lượng, khoan dung, biết cách xử thế, không tham lam của cải của chồng gây thù hận rất dễ có trong trường hợp như vậy . Vanessa Redgrave vai Ruth thì được đề cử Oscar. Dàn diễn viên ai đóng cũng hay .

Năm 2017 phim được dựng lại, nhưng tôi chỉ coi một chút rồi ngưng . Đã "kết" với bản 1992 rồi thì khó mà thích được bản mới nào khác.
Phượng Các
#871 Posted : Monday, November 13, 2023 11:29:32 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


Karen Cries on the Bus (2011)

phim Columbia

Phim mở đầu với nhân vật Karen ngồi khóc trên xe bus. Nàng vừa rời khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc và ra đi chưa biết đi đâu . Nhưng rồi cũng phải tìm một chỗ để qua đêm . Chỗ ở rẻ tiền thì tồi tàn, phòng tắm bẩn thỉu chia chung với các người khác . Rồi nàng bắt đầu một cuộc sống mới với nhiều khó khăn vì không nghề nghiệp, không tay nghề, bởi trước kia khi sống với chồng chỉ làm nội trợ . Mẹ nàng khuyên nàng nên trở lại với chồng, người đang muốn nàng trở lại . Nhưng Karen không còn cảm thấy phù hợp với người chồng vì anh ta có tánh gia trưởng quá, sai nàng như người giúp việc, làm nàng thấy khó mà ở với nhau nữa . Sau đó bị ăn trộm bóp, nàng phải ra bến xe bus xin ăn, đi ngang tiệm thực phẩm còn thò tay "nhón" quả này quả kia để đỡ dạ . Sau cùng, quen với chị kia, đã giúp nàng tiến lên . Nhờ đó Karen được quen biết một ông nọ, ông thích nàng . Đến khi nàng xin được một chân trong nhà sách thì ông ta ngỏ ý muốn nàng và rủ cùng nhau sang Argentina để làm việc mà ông mới tìm được . Karen suy tính thiệt hơn, chấp nhận cuộc dừng chân trên bến mới, nên ra nhà sách từ chối công việc. Ai ngờ, về với nhau hôm đó, hương lửa chưa kịp mặn nồng thì ông chồng tương lai cư xử y như ông trước, là sai nàng như người giúp việc . KHông còn lưỡng lự gì nữa, nàng từ chối đi theo ông ta, ra khỏi nhà, leo lên xe bus, lần này không còn khóc nữa, nhưng khi leo xuống, một chị khác leo lên, và khóc thút tha thút thít, y như nàng hồi nẳm: một số phận tương tự cho các người vợ ở trong một xứ (hay một nền văn hoá) đàn ông nắm quyền gia trưởng, đàn bà phải phục tùng hầu hạ người chồng, bởi vì quyền kinh tế họ nắm trong tay .

Chuyện phim rõ ràng không cần phải diễn giải, một phim tranh đấu cho nữ quyền . Thật sự thì tánh hay đè đầu cỡi cổ người khác là tánh chung của con người (và con vật). Đó là tánh tham quyền lực, ai cũng muốn mình làm lãnh tụ, Trong nước thì ai cũng thích ngôi cửu ngũ, trong đoàn thể thì làm chủ tịch, trong gia đình thì muốn sai khiến chỉ huy người khác . Thường ai mạnh thì được phần hơn, nhưng trong gia đình có khi người làm boss lại không phải là người bắp thịt cuồn cuộn, hay quyền kinh tế nắm trong tay . Có những ông chồng cũng lép vế trước bà vợ uy quyền một phép; nhưng nói chung, trong các xã hội đặt nền trên phụ quyền thì người chồng được coi như boss. Muốn vậy, người phụ nữ không được đi học, không được ra ngoài làm việc, chỉ ở nhà sanh con và lo chăm cho gia đình . Để ý thấy chợ búa ở Ấn Độ và các nước Trung đông, ta thấy người bán hàng toàn là đàn ông, thấy lạ mắt lắm . Tính ra, người phụ nữ ơ? Việt Nam (ít ra là trong miền Nam là nơi quê quán của tôi) được dễ thở hơn phụ nữ ở Trung Hoa hay các nước Hồi giáo, Ấn độ . Nhưng ra nước ngoài như Mỹ này thì họ còn thấy khoẻ hơn nữa . Người ta bảo Tự do phải tranh đấu mới có được, nhưng dưới cái nhìn của tôi thì phụ nữ Việt Nam khi ra ngoài như các nước Âu Mỹ, họ được dựa hơi vào thành quả tranh đấu của các bậc nữ lưu đi trước, nghĩa là chúng ta ở vào cái thế "bất chiến tự nhiên thành".
Phượng Các
#872 Posted : Thursday, November 16, 2023 3:20:25 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


Woman of Straw (1964)

Gina Lollobrigida, Sean Connery, Ralph Richardson

Đây là cuốn phim đầu tiên tôi xem mà Sean Connery đóng vai bất lương . Là cháu next of kin của một đại phú gia, tài sản 61 triệu bảng Anh mà ông chú trong di chúc lại dành cho từ thiện hầu hết . Chàng bèn mưu mô bàn với cô y tá của ông là bằng lòng kết hôn với ông ta để lấy hết tài sản đó rồi hai người sẽ chung hưởng tài sản kếch xù đó sau khi ông chết. Cô y tá tánh lương thiện, không yêu và không có ý muốn lấy ông đại phú này, nhưng rồi do cảm mến tình cảm của ông và cũng thấy tương lai với số tài sản đó cũng tốt mà nên đồng ý kết hôn . Ngờ đâu, anh chàng bất lương đó lại mưu mô gài sao cho cô bị nghi ngờ là người đầu độc cho ông chết . Thế là nàng bị bắt giữ . Nhưng trong số người hầu cận của ông lại có kẻ khai thật về điểm sơ sót của chàng cháu ruột . Vậy là chàng ta bị lòi tẩy nên nàng y tá được trắng án, được nhận lại tài sản của người chồng viết trong di chúc đã được sửa đổi của ông trước khi chết .

Chi tiết pháp lý về bản chúc thư là ở Anh chỉ cần hai người chứng ký tên là hợp lệ, trong khi nàng y tá, vốn là người Ý, lại tưởng là phải đem đăng ký thì mới hợp thức . Làm tôi chợt nhớ lại trước đây, một người quen của tôi trước khi hai vợ chồng đi cruise Alaska, có nhờ tôi và một bà nữa, dắt nhau ra công chứng ở một tiệm notary rồi họ mới an tâm ra đi, về cac điều khoản tiền bạc trong trường hợp ông chồng chết (ông này già hơn bà vợ và đang bị ung thư tuyến tiền liệt). Không nghe nói họ đăng ký gì với nhà chức trách, vậy có lẽ luật Mỹ cũng giống luật Anh.

Tại sao lại có cụm từ Woman of Straw, người rơm! Cụm từ này có nghĩa là con người yếu đuối, không lập trường, đúng như cung cách của cô y tá . Cô ta cũng yêu anh chàng người cháu, nhưng thấy ông chủ bệnh nhân yêu thương cô quá thì cô cũng xiêu lòng , và nói đi nói lại là muốn xử "fair" với cả hai ông (hổng hiểu fair là sao với hai người đàn ông đang yêu mình). Hoàn toàn tin tưởng người yêu, không nghi ngờ gì cho đến khi bị vào tròng mới hiểu ra . May là được ông giúp việc đứng ra làm chứng, ông này mang ơn cô vì cô đã tỏ ra tốt bụng trước đó trong chuyến ra chơi ngoài biển .

Gina Lollobrigida cũng đồng thời ngang ngửa với Sophia Loren, nhưng Loren nổi trội hơn vì thân hình bốc lửa của bà, Theo cái nhìn của tôi thì Gina có nét nhu hơn bà Loren, cũng mặc áo khoe ngực vậy nhưng bộ ngực và thân hình không đồ sộ như Loren, bà này nhờ vây mà mang danh hiệu "nữ thần nhục thể" (cùng danh hiệu với bà Brigitte Bardo) và còn được nịnh hót là người đàn bà đẹp nhất thế giới (danh hiệu này tôi thấy chắc cả trăm bà được tặng, thì mạnh ai nấy gọi, có chết ai đâu nhỉ!

Phượng Các
#873 Posted : Friday, December 22, 2023 3:29:21 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


It Started in Naples (1960)

Clark Gable, Sophia Loren

Theo tiểu sử thì Gable từ trần năm 1960 tức là năm của phim này ra đời, nhưng cuốn phim cuối cùng của ông là Misfits. Ở cái tuổi 59 ông không còn phong độ như xưa (thời của Cuốn Theo Chiều Gió chẳng hạn) và Sophia Loren thì nhỏ hơn ông tới 33 tuổi, đang sung sức và hấp dẫn khán giả nhờ sắc vóc và thân hình khêu gợi . Tuy nhiên, giờ tôi mới có dịp nhìn lại khuôn mặt bà, mà có người bảo phụ nữ mà có đôi mắt như thế thì tuy quyến rũ (đàn ông) nhưng thiếu phần đoan chánh (!?). Đó là đôi mắt nhìn đời bằng nửa con (nghĩa đen), nghĩa là nó (con mắt) hơi khép khép lại, hơi hơi thôi chớ không phải là khép như buồn ngủ hay đang say xì ke . Đó cũng là con mắt của Marilyn Monroe . Làm tôi nhớ kiểu nói của người Việt chúng ta: "nhìn đời bằng nửa con mắt" mà cũng chưa hiểu hết tách bạch ý nghĩa của lối nói này . Nửa con là theo chiều dọc hay chiều ngang ? Nếu theo chiều ngang thì mới giống như hai bà này, còn chiều dọc thì là chỉ hơi liếc liếc thôi, nghĩa là coi thường đối tượng, chỉ đáng cho người nhìn liếc liếc thôi chớ không phải là nhìn bằng toàn bộ con mắt . Người Việt cũng có nhiều cách nói bí hiểm quá ..."Còn hai con mắt khóc người một con, còn hai con mắt một con khóc người" mà có người bảo Bùi Giáng chỉ người đàn bà có một con rồi, mà ông nhạc sĩ lại nghĩ là chỉ khóc bằng một con mắt, chớ không phải hai con . Rồi thì ai muốn hiểu sao thì hiểu, vì cách hiểu thứ ba là trong hai con mắt có một con bị chột, đó là một ông vua: ở xứ người mù kẻ chột làm vua ...

Nếu không có cái địa danh Naples thì chắc tôi không chọn xem phim này, vì tôi mới thăm miền Nam nước Ý vào tháng 4 năm nay, . Trong phim chuyện tình giữa Michael và Lucia xảy ra tại đảo Capri, hòn đảo ngoài khơi của Naples, mà chuyến đi này nhóm chúng tôi không ghé thăm vì đã từng đên' rồi hồi 15 năm trước (khoảng đó). Xem phim, tôi tiếc là phải chi tôi xem phim này trước khi đi thăm Capri, vì các góc cạnh của máy quay phim nhìn đẹp hơn hồi tôi nhìn nó bằng con mắt của mình (con mắt tôi mở lớn hơn mắt của Sophia Loren nhưng "thị trường" quá kém). Và căn nhà của dì cháu Lucia lại ở ngay bến tàu, tôi có đi tới đi lui ở đó mà không ai cho biết là đó là nơi từng đóng phim It Stared in Naples. Hày, cái điểm này như là bên Ý dở hơn bên Anh, ở Anh, nơi nào mà có người nổi tiếng từng lui tới là họ gắn một cái bảng ở đó liền, Đó cũng là một chiêu "móc túi" du khách, một tuyệt chiêu chớ không vừa đâu!

Trong phim, khán giả cũng nhận thấy người Ý như cô Lucia rất hung hăng, dữ tợn, miệng bằng tay, tay bằng miệng . Làm tôi nhớ lại hồi nẳm đi tua thăm điện Vatican, một ông nọ hùng hổ gây với bà tour guide người Ý của nhóm tôi . Bà này không đấu lại, nhưng quay sang đám khách trong nhóm: "Ổng chắc người miền Nam rồi!" Người miền Nam nước Ý vốn nghèo hơn dân miền Bắc, ít học hơn, nên tính tình chất phác và thiếu sự mài dũa tinh tế trong cách cư xử trong xã hội . Chớ có ai đời lại đi mắng mỏ nhau trước mắt du khách nước ngoài ghé thăm nước mình, vốn đem nguồn lợi kinh tế khổng lồ cho đất nước . Nếu không có kinh nghiệm đó chắc chắn tôi cũng không hiểu tại sao nhân vật Lucia lại dữ dằn, hùng hổ như vậy . Tại cô ta người miền Nam nước Ý đó thôi .
Phượng Các
#874 Posted : Friday, December 29, 2023 12:59:53 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


Christmas with the Kranks (2004)

Tim Allen, Jamie Lee Curtis

Con gái tham gia Peace Corps ở Peru, ngày Giáng Sinh không có nó, hai vợ chồng buồn quá tính đi cruise cho đỡ cô quạnh . Hàng xóm thấy nhà này không chăng đèn dựng cây thông, người tuyết trước nhà nên bất mãn . Ai dè, giờ chót, cô con gái điện cho biết sẽ về nhà cùng với người bạn trai mới quen . Thế là hai vợ chồng mừng quýnh, bèn trang hoàng nhà cửa đón Noel, với sự giúp đỡ tận tình của hàng xóm .

Phim hài, có làm quá đáng chớ ngoài đời thật chắc không ai đối xử như vậy khi hàng xóm mình không muốn chăng đèn đón Giáng Sinh, nhưng tôi chỉ để tâm tới chi tiết rất thật xảy ra ở xứ Mỹ này: ngày Giáng Sinh và năm mới là ngày lễ lớn, ngày của sum họp gia đình, ngày ấm cúng tình thân . Dĩ nhiên là có nhiều người không theo đạo Thiên Chúa như Do Thái, Hồi Giáo là chắc không tổ chức mừng, nhưng đa số dân chúng thì vui mừng rộn rã đón mấy ngày này ...Nhưng, trong những gia đình mà con cái lớn lên rồi, rời nhà mà không về chung vui thì cha mẹ buồn lắm . Thử nghĩ coi, con mình bao nhiêu năm chung vui cùng mình, mà khi lớn lên rồi, đi xa, hay lấy vợ lấy chồng, ngày lễ không ve^` thì buồn biết mấy, y hệt như ở VN ngày Tết vắng con cái về chung vui vậy . Trong 8 cái khổ mà nhà Phật liệt kê ra có cái khổ là thương nhau mà phải xa nhau: ái biệt ly, nó đúng làm sao đâu. Nước trường giang mẹ ru chim ngủ, chim lớn khôn rồi bỏ mẹ bay xa .... Có người bảo là thời đại này ta có thể liên lạc nhau bằng điện thoại, facebook trông thấy mặt nhau thì đâu đến nổi nào; có thể, nhưng không biết mọi người nghĩ sao chớ tôi vẫn thấy gần cận nhau, đi tới đi lui trong nhà, cùng chia sẻ bữa cơm gia đình, ngó nhau, trò chuyện nau...vẫn có ý nghĩa hơn, vẫn vui thú hơn ...
Phượng Các
#875 Posted : Wednesday, January 3, 2024 4:43:25 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


My Donkey, My Lover & I (2020)

Thấy bản tiếng Pháp có tựa là Antoinette dans les Cévennes . Cevennes là tên của công viên quốc gia của Pháp .

Một cô giáo tư tình cùng cha của một học trò nhỏ của mình . Khi biết gia đình của người tình đi hiking ở Cevennes, nàng bèn cố đi theo, cũng đi bằng lừa . Tới nơi, gặp được nhiều người cũng đi hiking, nhìn thấy vui lắm . Nàng làm quen được nhiều người . Khi chưa gặp nhóm gia đình người yêu, nàng có kể chuyện tình của mình cho bọn đi chung nghe . Có người khuyên nàng nên đi tìm một người đàn ông độc thân mà yêu đi . Tới khi gặp được người yêu với vợ và học trò của nàng, anh chàng hết hồn không dè nàng lại đi theo . Họ cố gắng "qua mặt" người vợ . Ban đêm, khi ngủ chung trong một nhà trọ (loại nhiều người ngủ chung, có giường tầng) nàng sung sướng vì giường trên nàng là của anh chàng người yêu . Khuya đó nàng đi ra ngoài trời chơi, anh chàng mò đi theo, hai người "cụp lạc" nhau dưới bầu trời sao, thật là hạnh phúc vô cùng .

Ngày hôm sau, họ tiếp tục lên đường, người vợ chậm bước đi theo nàng, để chồng và con gái đi trước . Cô giáo thấy không thoải mái lắm khi người vợ bắt chuyện với nàng, mà thoải mái làm sao được. Cuộc trò chuyện tỏ ra bản lĩnh của người vợ, xem chừng bà ta biết hết mọi chuyện giữa nàng và chồng bà ta . Không những vậy, bà còn cho nàng biết là hai vợ chồng không có liên hệ tình dục nhau nữa, nên ông chồng ra ngoài tìm khoái lạc bà ta cũng biết hết, và hai vợ chồng tuy vậy lại gắn bó cùng nhau, chuyện gì họ cũng chia sẻ cho nhau nghe, và họ sẽ không tính tới ly hôn . Đây là một cuộc đối thoại mà bà vợ control tài tình, nàng chỉ còn biết ú ớ nghẹn ngào không đáp lại được câu nào cho ra hồn, bị bà vợ dẫn dắt sao cho nàng thấy là nàng và ông chồng đến với nhau chỉ vì tình dục mà thôi, anh ta chả yêu nàng gì cả, và nàng cũng vậy, nếu cho nàng anh chồng của bà thì nàng có còn khoái anh ta chăng, hay nàng chỉ đến với anh ta vì cái tình huống thiếu tự do đến với nhau của họ, thích cái cảm giác lén lút, hồi hộp, căng thẳng khi tìm gặp nhau .

Giải quyết xong chuyện cần làm, bà vợ chạy theo chồng và con gái đang đi đàng trước, anh chồng ra hiệu sẽ gọi điện thoại cho nàng sau, và nhắc lại đêm ân ái mặn nồng tối qua, khiến nàng nổi giận, hoá ra đúng là anh ta chỉ nghĩ tới chuyện xác thịt . KHông còn gì nữa, nàng blocked số điện thoại của chàng . Sau đó, nàng tiếp tục cuộc hiking, gặp thêm mấy người đàn ông đi một mình nữa, toàn là những người mang triển vọng cho một tình yêu mới .

Laure Calamy trong vai Antoinette diễn tả xuất sắc cái đoạn đối thoại quan trọng kể trên, đoạn mà nàng không nói được câu nào cho ra hồn, chỉ là nét sượng sùng, xấu hổ, nhục nhã vì bị tình địch dồn vào thế đau đớn quá. Mà chưa chắc là anh chồng không yêu thương nàng, nhưng liệu là nàng có nên tìm cách níu kéo, vun quén cho mối tình nhầy nhụa này hay chăng ?

Cuộc đi bằng lừa này chắc là được gợi hứng từ tác phẩm Travels with a Donkey in the Cévennes (1879) của nhà văn Anh Stevenson khi nhân vật chủ quán có kể lại mối tình của nhà văn R Stevenson và người đàn bà Mỹ lớn hơn ông hơn 10 tuổi và họ gặp nhau ở Pháp . Tôi chắc là cuốn phim này cũng sẽ gợi hứng cho các người thích đi du lịch dã ngoại khi đến Pháp . Tôi không nhớ có đọc cuốn truyện nào của Stevenson chưa mà xem qua tiểu sử thấy cuộc sống của ông phong phú quá! Còn phần trèo đèo lội suối thì tôi không mặn mòi cho mấy, chỉ đi hai lần hiking bằng ngựa ở vùng núi Diablo Bắc California và ở vùng South Dakota, đi xong về ê ẩm ..,
Phượng Các
#876 Posted : Tuesday, January 23, 2024 12:43:10 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


Book Club: The Next Chapter (2023)

Diane Keaton, Jane Fonda, Candice Bergen, Mary Steenburgen

Một phim hài gồm 4 nữ vai chánh đình đám của màn bạc Mỹ, bối cảnh sau Covid 19, lệnh cấm bãi bỏ, họ tổ chức đi Ý Đại Lợi, thăm Rome, Venice, Tuscany, gặp vài rắc rối nhỏ, bi lừa đảo trộm cắp, bể bánh xe giữa đường đêm, vô tù ở một bữa, nhưng cũng nhẹ thôi, và quan trọng là tuy già nhưng cũng có tình yêu và hôn nhân xảy tới. Phim làm các khán giả không còn trẻ nữa thấy an ủi ít nhiêu . Hoá ra ở tuổi nào ta cũng hy vọng có chuyện yêu đương và kết hôn, nhân lão tâm bất lão mà! Khi kết thúc, một người trước khi lên xe đi hưởng trăng mật đã hỏi 3 người còn lại: Rồi thì chúng ta sẽ làm gì đây . Jane Fonda trả lời: Làm gì thì làm Nhưng chúng ta sẽ không phó thác nó cho định mệnh đâu nhé! We 're not going to leave it to fate! Đó là câu nói "nặng ký" nhất trong phim .


Cuối phim là một bài hát vui nhộn, nổi tiếng, thích hợp với phim : Mambo Italiano do ca sĩ Bette Midler trình bày:

https://www.youtube.com/watch?v=xvAI0fdKwfY
Users browsing this topic
Guest (2)
44 Pages«<424344
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.