Exodus (1960)
Paul Newman, Eva Marie Saint
Dựa vào tiểu thuyết của Leon Uris, lâu quá không nhớ rõ, có lẽ có tựa đề là "Về Miền Đất Hứa" khi sách đươc dịch sang tiếng Việt . Tôi nhớ là thấy quyển sách này rất hấp dẫn, lôi cuốn . Hồi nhỏ coi chỉ để ý tới mối tình của hai vai chánh, bây giờ xem phim thì tôi lại quan tâm tới tôn giáo và chính trị đề cập trong phim . Tuần rồi xem phim The Fabelmans trong đó nhân vật chánh, một người Do Thái, bị bạn học cho nhừ đòn kèm theo lời chửi mắng, "mi thuộc giống dân đã giết Chúa Jesus" ...Thì ra đây là một lý do mà người Do Thái bị thù ghét từ mấy ngàn năm nay . Họ muốn một mảnh đất mà họ tin là miền đất mà Chúa Jehova đã hứa cho dân Do Thái . Phim này cho ta thấy giai đoạn thành hình nước Do Thái sau thế chiến thứ hại . Người Anh dành một mảnh đất ở giữa thế giới Hồi giáo cho dân Do Thái ...
Phim dài hơn 3 giờ, cũng hấp dẫn, nhưng tôi thấy kém hơn khi đọc sách . Thường là vậy á, khi đọc sách chúng ta còn có phần tưởng tượng góp vào nên thấy hấp dẫn hơn . Nhất là phim đã cố tình bỏ đi một đoạn sôi nổi khi Ari tỏ tình với Kitty sau khi hai người gây nhau vì mối mâu thuẫn nào đó khiến cho cuộc tình của họ suýt nữa là chết non. Đây là cuộc chiến ai thắng ai, ai "trên cơ" hơn ai . Tác giả "cho" cô gái người Mỹ trên cơ hơn vị anh hùng Do Thái, theo tôi, vì ông tác giả là người Mỹ, vì cái vai trò của người Mỹ trong thế chiến thứ hai kéo dài cho tới nay, vì tinh thần ga lăng của người Tây phương đối với phụ nữ, cho nên chàng phải quỵ lụy trước nàng . Nhưng trong phim thì không có cái đoạn đó, chắc vì người làm phim muốn cho hình ảnh Ari phải hùng mạnh, cứng rắn hơn . Giữa tác giả truyện phim và nhà sản xuất, sự khác quan điểm của nhau xảy ra rất thường, ta phải ráng mà chịu thôi, có bực bội thì càu nhàu đi, ai cấm mình được!
Phim quay tại Cyprus và Israel. Chỉ mới mào đầu là tôi đã thấy thích rồi: một phụ nữ đi du lịch ở đảo Cyprus, để ngắm các di tích lịch sử ở đảo này với một hướng dẫn viên cắt nghĩa cho nghe. Đó là hình ảnh mà tôi thường mơ ước mình được như thế (cô gái chứ không phải người hướng dẫn viên).
Cách đây lâu lâu tôi có dịp đi Indiana chơi, vào thăm một hang động, khi nho"m ngồi xuống để nghe hướng dẫn viên giải thích thì cô ta mở một bản nhạc ra cho nghe, trời ơi, đó là bản làm nền cho phim này đây, tác giả là Ernest Gold. Bản nhạc đoạt giải Oscar, Best Music Score of a Dramatic or Comedy Picture . Khi nghe trong hang, có lẽ vì tiếng dội của vách đá, mà nghe thật là hùng tráng, thiết tha ...Có khi chỉ một lần trong đời mà người ta thấy một xúc động không thể tái hiện được nữa ...