Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Kim Tước
Phượng Các
#1 Posted : Friday, October 29, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Kim Tước với hơn 45 năm đóng góp cho nền tân nhạc Việt Nam

Trích từ Thời báo, 2001-01-22

Kim Tước, họ Nguyễn, sinh năm 1938 tại Nam Định trong một gia đình có 6 người con. Chị được cho theo học chương trình Pháp ngay từ khi còn nhỏ tại các trường "sơ" người Pháp như Notre Dame De Mission, Sainte Marie, Jeanne D’Arc tại Hà Nội và Huế. Những năm đầu trung học, Kim Tước theo học tại trường Lycée Francais De Hue để lấy bằng trung học Pháp. Tại Sài Gòn, chị theo học trường Marie Curie và đậu tú tài Pháp vào năm 1957. Trong thời gian theo học các trường bà sơ, Kim Tước đã được hướng dẫn kỹ lưỡng về âm nhạc, ngoài ra còn được theo học dương cầm với nhạc sĩ Nguyễn Cầu, nhờ vậy chị đã có được một căn bản vững vàng để trình bầy suông xẻ những nhạc phẩm lời Pháp, cũng như một số bài lời Ý.

Cũng do đó khi mới được 11 tuổi, trong một dịp tình cờ chị đã được mời hát bè trong một chương trình nhạc của đài phát thanh Hà Nội với ban nhạc nổi tiếng Trần Văn Nhơn:" Lúc đó tôi mới 11 tuổi, Bà Minh Đỗ là dì ruột của tôi đang hát ở đài phát thanh Hà Nội. Tôi mới di cư về thì bà ấy dẫn đi học đàn piano với giáo sư Nguyễn Cầu. Nhà bà có cái đàn piano nên tôi cứ đến tập. Có một hôm bà ấy dẫn tôi lên đài phát thanh để xem bà ấy hát. Thế thì đúng vào ngày hôm đó có cái cô ca sĩ nào đó không biết bị đau nên bà ấy bảo này chứ cầm bài này hát đi. Vì từ nhỏ tôi đã biết xướng thanh nên cầm cái bài hát là hát luôn ! "

Một thời gian ngắn sau, đài phát thanh Hà Nội bắt đầu tổ chức những cuộc tuyển lựa ca sĩ và Kim Tước đã ghi tên dự thi ngay trong lần thi hát đầu tiên. Chị đã chiếm giải nhất về giọng ca nữ, trong khi Thanh Hiếu đoạt giải nhất dành cho giọng ca nam. Để bổ túc cho khả năng sẵn có của mình, Kim Tước đã theo học về luyện thanh với một nữ giáo sư người Pháp trong Hội Khuyến Nhạc.

Vì nhận biết được khả năng của chị, nhiều nhạc trưởng của các ban nhạc trong đài phát thanh thời đó như Hoàng Trọng và Vũ Thành, vv...đã mời chị hát cho những chương trình ca nhạc của họ. Và kể từ khi mới 14 tuổi, Kim Tước đã bước vào lãnh vực chuyên nghiệp trong khi chưa biết chưng diệm và còn đi guốc lẹp kẹp lên hát trên đài như lời chị nói qua lần tiếp xúc rất cởi mở với Thời Báo xen lẫn những tiếng cười thật tươi.

Kim Tước tâm sự là gia đình chị không được khá giả cho lắm nên ngoài niềm đam mê âm nhạc, chị còn có mục đích đi hát để dùng tiền đóng học phí trong thời kỳ theo học bậc trung học ở Sài Gòn:" Cứ vừa đi học, vừa đi hát đó anh vì nhà các cụ thì nghèo lắm. Học ở những trường tư nên mình phải đóng tiền. Thành ra đi hát để lấy tiền đi học thôi"

Đến năm 54, Kim Tước cùng gia đình di cư vào Huế và cũng tiếp tục hát cho đài phát thanh ở đây. Hơn một năm sau, chị cùng với gia đình vào Sài Gòn theo thân phụ chị do sự đòi hỏi của chức vụ của ông là Chánh Văn Phòng Bộ Thông Tin. Từ cuối năm 55, Kim Tước tiếp tục hát trên đài Pháp Á tại Sài Gòn trong khi tiếp tục theo học chương trình pháp ở trường Marie Curie. Ngoài ra chị đã xuất hiện trong rất nhiều chương trình phụ diễn tân nhạc cũng như đại nhạc hội tại các rạp hát Majestic và Thống Nhất cùng các chương trình văn nghệ sinh viên.

Ngoài những hoạt động trên các đài phát thanh và xuất hiện trên sân khấu, Kim Tước còn theo học nhạc với giáo sư Nguyễn Phụng, lúc đó mới từ Pháp về. Chẳng bao lâu sau đó, giáo sư Nguyễn Phụng đứng ra thành lập ban nhạc giao hưởng đầu tiên tại Sài Gòn gồm nhiều nhạc sĩ Việt Nam và Pháp. Nhận biết được khả năng hát tiếng Pháp vững vàng của Kim Tước, ông đã mời chị trình bầy một số nhạc phẩm cổ điển của Mozart trong một chương trình đại hòa tấu nhân dịp "Đại Hội Nhạc Mozart" tại dinh tổng thống vào năm 56, trước một cử tọa toàn người ngoại quốc thuộc thành phần ngoại giao đoàn. Sau lần trình diễn này mà chị là ca sĩ duy nhất, Kim Tước đã được vinh dự nhận hoa trao tặng từ tay tổng thống Ngô Đình Diệm. Đó là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời ca hát của chị.

Năm 58, dàn nhạc giao hưởng của giáo sư Nguyễn Phụng giải tán. Một thời gian sau, nhạc sĩ Vũ Thành đã gây dựng lại một ban đại hòa tấu khác và Kim Tước lại được mời cộng tác để trở thành giọng ca trình bầy nhạc của Vũ Thành nhiều nhất. Do sự chuyên trình bầy loại nhạc mang âm hưởng cổ điển với phần nặng về kỹ thuật, nên Kim Tước tự nhận xét là tên tuổi của mình không được biết tới nhiều trong tầng lớp khán giả ưa thích loại nhạc phổ thông, mà chỉ hạn chế trong một giới thưởng thức chọn lọc:
"Tôi nhận thấy ở Sài Gòn, tên tuổi tôi không được mến chuộng nhiều trong đại chúng tại vì lối hát của tôi hơi cứng quá và nhất là hơi nặng về vấn đề kỹ thuật. Về sau này những người sau tôi như Hà Thanh hay những người khác, họ hát uyển chuyển hơn cho nên dễ đi vào quần chúng nhiều hơn và dễ được thông cảm hơn. Chứ mình hát mình thấy nặng về kỹ thuật quá độ thì bị cứng mà lại không được ưa chuộng gì cho lắm, thành ra ở Việt Nam thì tôi cũng lửng lơ vậy thôi"
Mặc dù đã cộng tác với nhiều ban nhạc trên đài phát thanh với những nhạc phẩm tình cảm có nhịp điệu nhẹ nhàng nhưng Kim Tước cũng chưa cảm thấy bớt cứng, vẫn còn bị ảnh hưởng nơi những gì đã luyện tập trước đó về kỹ thuật nên chưa lấy làm hài lòng lắm. Cho đến bây giờ, một thời gian rất dài sau khi ra đến hải ngoại, Kim Tước mới cảm thấy bớt bị gò bó, được tự do để thoát ra khỏi cái khuôn khổ trước kia, qua những CD chị đứng ra thực hiện hoặc góp tiếng trong những CD với các nghệ sĩ bạn:
"Cho đến bây giờ gần về chiều rồi thì tôi mới cảm thấy tôi tự do. Tức là tôi làm cái gì tôi thích. Tôi tự nghĩ là tôi mới chỉ bung ra khỏi cái khuôn khổ đó một chút thôi...gọi là một chút thôi "

Cũng trong thời kỳ được coi là cực thịnh của nền tân nhạc Việt Nam, nhờ những chương trình nhạc phát thanh vào những năm cuối thập niên 50, đã có rất nhiều chương trình ca nhạc được thành lập bởi những nhạc sĩ tên tuổi như Văn Phụng, Nhật Bằng, Phạm Điình Chương, Dương Thiệu Tước, Vũ Thành, vv...Thời gian này ba tiếng hát Mộc Lan, Kim Tước và Châu Hà đã hợp nhau lại thành một ban tam ca nổi tiếng. Trong khi hợp tác với các chương trình nhạc trên đài phát thanh, Kim Tước đã gặp Mộc Lan trước, rồi sau đó Châu Hà là hai ca sĩ có một trình độ nhạc cao, có khả năng hát được ngay khi trình bầy lần đầu tiên bất cứ nhạc phẩm nào . Cũng vì vậy Kim Tước ví von Mộc Lan, Châu Hà và chị như một đĩa hát "cứ đặt kim lên là hát được ngay ". Những nhạc sĩ trưởng ban đã nhận ra sự ăn ý của 3 giọng hát này và đã mời họ cộng tác với nhiều chương trình phát thanh: " Khi hát chung với nhau thì tôi sao thấy hợp với giọng của mình, ăn ý với cái giọng của mình.. Các ông nhạc sĩ để ý cũng thấy như vậy và cho rằng 3 cái giọng hát này nương tựa vào nhau rất hợp, thành ra chúng tôi hát chung với nhau vì thế..."

Tuy bộ ba Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà đã hợp tác với nhau một thời gian dài trong những chương trình phát thanh và truyền hình - nhiều hơn cả trong chương trình của các nhạc sĩ Hoàng Trọng và Văn Phụng - nhưng ít khi họ trình diễn trên sân khấu. Ngoài ra với khả năng vững vàng về nhạc, Mộc Lan, Kim Tước và Châu Hà đã giữ phần hát bè cho rất nhiều ca sĩ - trong số có Thái Thanh, Khánh Ly, Hoàng Oanh, vv...để thu thanh trên đĩa nhựa và băng nhạc. Riêng về phần họ, bộ ba nàychưa hề thu thanh chung với nhau trên một đĩa nhạc nào, mặc dù đã từng trình bầy rất đặc sắc những nhạc phẩm của Văn Phụng, Nhật Bằng và Phạm Đình Chương. Đó cũng là điều đáng tiếc cho những người yêu nhạc muốn lưu trữ những tài liệu hiếm và quí. Riêng Kim Tước cũng mới chỉ thu thanh vài nhạc phẩm trên đĩa nhựa khi còn ở Việt Nam. Ngoài phần cộng tác về nghệ thuật với các đài phát thanh Quân Đội, Sài Gòn, Tiếng Nói Tự Do và Mẹ Việt Nam cho đến khi rời khỏi Việt Nam vào năm 75, Kim Tước đã từng một thời gian làm biên tập viên cho đài Tiếng Nói Tự Do cùng thời kỳ với các nghệ sĩ nổi tiếng như Từ Công Phụng, Hồ Đăng Tín, Lê Gia Thẩm và Hoàng Quốc Bảo trong thời gian từ năm 61 đến 64.

Khi ra đến Hải Ngoại, Kim Tước đã tự thực hiện riêng cho mình 2 CD là Gió Thoảng Hương Duyên và Sau Lũy Tre Xanh. Với 2 CD này, chị cảm thấy tự do hơn, không còn bị gò bó trong khuôn khổ về kỹ thuật như khi còn ở trong nước vì" tôi được chọn bài, tôi được hát những cái gì tôi thích và tôi được hát theo cái ý thích của tôi"
Hơn nữa chị còn được chọn lựa những bài đúng với âm vực của mình nên cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.

Nhờ được huấn luyện về nhạc ngay từ khi còn nhỏ về xướng thanh và ký âm pháp nên khả năng của Kim Tước đã sớm được phát triển nên chị luôn có mặt trong những buổi văn nghệ học đường, trong khi hàng năm vẫn tham dự những cuộc thi hát và luôn chiếm cao hạng. Ngoài ra Kim Tước còn là một vận động viên thể thao ưu tú, năm nào cũng chiếm hạng vô địch trong suốt cả chục năm trời về các môn như nhẩy cao, nhẩy xa hay chạy bộ, vv...
Đến nay mặc dù đã ngoài 60 tuổi, nhưng Kim Tước vẫn siêng năng tập thể dục đều để giữ gìn sức khỏe, do đó chị vẫn còn giữ được những nét tươi tắn và một cái nhìn lạc quan về cuộc đời.

Kim Tước cùng chồng và hai người con trai rời Việt Nam năm 75 trong khi song thân chị ở lại cùng 4 người em của chị, trong khi một người em gái khác của chị cũng rời khỏi Việt Nam trong thời kỳ này nhưng bị lạc mỗi người mỗi ngả để sau một thời gian mới liên lạc được khi biết được tin người em này ở California. Sau khi ở đảo Wake được hơn hai tháng, gia đình Kim Tước được một số bạn bè người Mỹ vận động với một nhà thờ bảo trợ để về sống tại Hawaii vào tháng 6 năm 75 và lưu lại đây trong gần 7 năm trời. Trong thời gian này chị hoàn toàn không hoạt động gì về âm nhạc vì còn rất nhớ nhà, nên cứ hát là không cầm được nước mắt. Qua năm 82, gia đình Kim Tước quyết định dời về Cali cư trú sau khi cảm thấy quá lẻ loi tại nơi thường được gọi là Thiên Đường Hạ Giới :" Đầu tiên về ở Hawaii vì nhà thờ ở đây họ bảo trợ cho mính. Ấy nhưng mà ở cái Thiên Đàng lắm lúc cũng thấy nó lẻ loi. Sau này thì mới tìm ra gia đình với các thứ bà con thì ở Cali hết cả. Thành ra mới buồn quá rồi đi về Cali... "

Tại California trong những năm đầu, Kim Tước từng được mời đi trình diễn tại một số tiểu bang khác ở Hoa Kỳ cũng như tại một vài quốc gia Aâu Châu, tuy nhiên đến năm 87 chị mới thực hiện CD đầu tiên của mình là Gió Thoảng Hương Duyên, mãi cho đến 10 năm sau chị mới thực hiện CD thứ nhì là Sau Lũy Tre Xanh. Qua 2 CD này, một phần nào chị đã cảm thấy thoát ra được sự gò bó trong việc chọn lựa những nhạc phẩm ưa thích và hợp với âm vực của mình.
Hai người con trai của chị đã lập gia đình từ lâu và đã cho chị được 4 cháu nội làm nguồn an ủi để bù đắp cho sự đổ vỡ về hôn nhân vào đầu thập niên 90. Với ngành bảo hiểm về sức khỏe, chị" vẫn đi cầy đều đặn. Ở nhà thì cũng buồn, đi làm thì nó vất vả một chút, nhưng mà thôi thì cứ được đến đâu hay đến đó"
Chị còn tỏ ra hãnh diện khi cho biết đã liên tục đi làm việc suốt từ ngày ra đến hải ngoại cho đến nay, mặc dù số tuổi đã khá cao:" Suốt từ đó đến giờ nghĩa là hai mươi mấy năm rồi không ngừng. Chưa có nghỉ ngày nào cả mà may quá cũng chưa bị layoff ngày nào cả!"

Về mặt ca nhạc, Kim Tước cho biết đang nuôi ý định thực hiện một CD thứ 3 và có lẽ là CD cuối cùng trên con đường sự nghiệp. Tuy nhiên chị chưa ấn định chắc chắn thời điểm nào sẽ bắt tay vào thục hiện nên "cứ để đến đâu hay đến đó" như lời chị nói. CD đó sẽ bao gồm những nhạc phẩm chọn lọc Kim Tước ưa thích nhất sau hơn 45 năm phục vụ cho nghệ thuật với những đóng góp lớn cho nền tân nhạc Việt Nam. Cũng chính có một người mẹ như vậy, nên các con chị - mặc dù không tha thiết lắm với loại nhạc chị trình bầy - nhưng đã rất hãnh diện khi tỏ ra cho mọi người biết là con của một nữ ca sĩ nổi danh mang tên Kim Tước: "Đến bây giờ nó đi đâu nó bảo nó là con Kim Tước...Nó lấy làm hãnh diện lắm... Nó bảo sang đây rồi mẹ mới nổi tiếng !"
Phượng Các
#2 Posted : Thursday, December 29, 2005 8:50:28 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)


Kim Tước

PC
#3 Posted : Thursday, August 2, 2007 1:19:49 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Kim Tước, giọng ca quý phái
Tuesday, July 31, 2007

Nếu có dùng chữ “vượt thời gian” để nói về một giọng hát cho đến bây giờ vẫn còn phong độ, người yêu nhạc thật sự liền nghĩ đến giọng ca Kim Tước.

Thật vậy, Kim Tước bắt đầu cất tiếng hát thanh thoát từ thuở 15, mà bài hát đầu đời là ca khúc nghệ thuật đòi hỏi kỹ thuật và làn hơi phong phú của tác giả nổi tiếng về loại bán cổ điển Tây phương là Dương Thiệu Tước: đó là Ngọc Lan. Từ đấy giọng ca Kim Tước bay bổng trên làn sóng điện của đài Phát Thanh Hà Nội. Cách đây đã hơn nửa thế kỷ! Sau 1954, giới yêu nhạc tiếp tục được nghe và yêu thích tiếng hát Kim Tước qua băng tần của các đài phát thanh Huế và Sài Gòn.

Kim Tước nổi tiếng cùng thời với hai người bạn. Ba danh ca này có giọng hát khá giống nhau, đó là Kim Tước, Mộc Lan và Châu Hà. Họ được nhạc sĩ Hoàng Trọng viết hòa âm và hướng dẫn thành ban tam ca rất lẫy lừng từ cuối thập niên 50, là ban Mộc Kim Châu.

Ba người hát quyện đến độ thính giả không phân biệt được ai hát bè, ai hát giọng chính. Nhưng tuyệt vời hơn nữa là khi hát đoạn đơn ca, thì rõ ràng là mỗi người một vẻ, không thể nhầm được. Giọng Châu Hà trầm ấm, nồng nàn, giọng Mộc Lan duyên dáng đôn hậu và giọng Kim Tước thì trong trẻo, cao sang.

Trong ban tam ca, Mộc Lan luôn giữ giọng chính, vì cô yếu nhạc lý hơn cả. Giọng bè thấp thì Châu Hà đảm nhiệm thật “nghề” nhờ âm sắc dầy dặn trầm ấm. Giữ bè cao, cất lên những nốt chót vót thì không ai qua được giọng “kim” của Kim Tước. Cao mà rất thanh và rõ, không mong manh như sợ đứt của những người thiếu hơi.

Giới biết nhạc thì hiểu rằng trong một dàn hợp ca, hát giọng chính mới là khó... sai nhất. Hát bè đòi hỏi trình độ nhạc lý cao hơn và nhất là phải có cái tai... khác người vì nghe được giọng chính, dàn nhạc, đồng thời hát theo một giọng khác để tôn vinh ca khúc.

Nhiều thính giả không biết, cứ nghĩ người hát giọng chính là quan trọng.

Ðã thế, hát bè còn khó hơn nữa vì phải cố hát cho nhẹ hơn để khỏi át giọng chính và lời từ, nhất là giọng mình trời phú cho mạnh hơn người hát giọng chính. Lúc đó, phải tập kềm giọng cho yếu hơn, và ngân nga theo làn hơi (dài hoặc ngắn) của người hát giọng chính. Thí dụ, câu hát đến đó sẽ dứt sau cỡ bốn trường canh (mesures, bars) mà giọng chính chỉ ngân được đến ba trường canh là đuối hơi, thì mình cũng phải liệu đứt hơi với bạn! Hợp xướng mà lại muốn trội hơn người thì chỉ nên hát một mình.

Mà thời xưa, mỗi một ông trưởng ban lại có một phong cách khác.

Phong cách ấy phai lạt dần sau 1975 vì hoàn cảnh đã thay đổi.

Sau này, ở hải ngoại, nhớ lại Hoàng Trọng và ban Tiếng Tơ Ðồng năm xưa, ba người Kim Tước, Mai Hương và Quỳnh Giao đã lập ra ban tam ca Tiếng Tơ Ðồng. Mà ở hải ngoại, còn ai hòa âm và hướng dẫn như Hoàng Trọng? Ba người tự viết lại giai điệu thành bè, rồi chia nhau, khi người này hát bè, khi thì người kia hát giọng chính. Gặp bài nào mà ai thuộc lời ca bài nào nhuần nhuyễn hơn thì người đó sẽ giữ giọng chính để khỏi... phản bội tác giả. Bè cao thì đôi khi Kim Tước, đôi khi Quỳnh Giao. Bè thấp thì đôi khi Mai Hương, đôi khi Quỳnh Giao.

Ba người rất dung dị trong cách diễn tả vì nhạc lý hay danh tiếng không là vấn đề. Còn lại chỉ là nhạc, và lời ca như tim óc của nhạc sĩ.

Kim Tước là một trong những giọng hát làm vừa lòng các nhạc sĩ thuộc thành phần khó tính nhất. Họ không thấy hân hạnh khi ca khúc được trình bày, mà khổ tâm khi ca khúc được những người không thuộc loại tri âm hát theo cảm hứng. Hãy nghe Vũ Thành phàn nàn về bài Giấc Mơ Hồi Hương đã bị các “danh ca” tàn sát thế nào thì rõ.

Trong thành phần danh ca đích thực của đôi tai Vũ Thành, chỉ có vài ba người, trong đó có Kim Tước và Anh Ngọc.

Kim Tước được trân quý trong tầng lớp nhạc sĩ biết và yêu nhạc, như Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Quỳ, Vũ Thành, Phạm Duy, đến Hoàng Trọng, Văn Phụng, Cung Tiến, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Lê Văn Khoa, Hoàng Quốc Bảo...

Ngày xưa, người ta có thể nghĩ Kim Tước chỉ hát thành công trong loại bán cổ điển, với dáng dấp quý phái của tiếng hát và cách diễn tả. Nhiều ca sĩ muốn tạo sự rung động bằng thân hình. Kim Tước hát cho những người biết nhạc và tin là họ có thể nhắm mắt để thưởng thức mà khỏi cần xem sự phô diễn của ca sĩ.

Nhưng, ở hải ngoại, người yêu nhạc lại có cái may được nghe Kim Tước hát Người Về Như Bụi trong băng nhạc tịnh tâm khúc trình bày các sáng tác đầy thiền tính của Hoàng Quốc Bảo. Người Về Như Bụi là ca khúc có âm điệu ngũ cung Việt Nam và rất khó hát vì láy lượn rất nhiều, lại dùng nhiều intervals trải rộng. Giọng Kim Tước cực mềm mại, láy kiểu cổ nhạc miền Trung rất nhuyễn nhu, dịu dàng. Không riêng gì Quỳnh Giao, một ca sĩ thế hệ sau này là Trần Thái Hòa cũng cùng quan niệm, đó là rất yêu thích giọng Kim Tước trong Người Về Như Bụi.

Giọng Kim Tước lên được rất cao và xuống được thấp trong một âm vực rất rộng. Làn hơi dài thiên phú và trí thông minh để hiểu ra sáng tác của nhạc sĩ đã giúp Kim Tước là một trong vài ca sĩ Việt Nam ngắt câu rất hợp cách. Nhiều ca sĩ, vì làn hơi ngắn, lúc hát không biết giữ hơi, cứ tuôn ra vũ bão, sau đó thì... hỷ xả, tức là buông trôi để nghỉ xả hơi cứ vài chữ một lần, nghe rất thiếu nghệ thuật.

Một thí dụ là trong Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy, có câu nhạc như sau:

Chiều nay sương khói lên khơi (ý) thùy dương rũ bến tơi bời...

Ca sĩ sẽ phải hát như thế này:

Chiều nay sương khói lên khơi.. (ơ ý) thùy dương/rũ bến tơi bời...

Lấy hơi sau chữ thùy dương, không thể ngắt ở chữ “khơi” được.

Nhiều người thậm chí ngắt câu ngay chữ chiều nay/sương khói... Nghĩa là mới hát được hai chữ đã hết hơi, và đành nối hơi bằng kỹ thuật điện tử...! Ngồi rung đùi trong studio, Duy Cường gọi những ca sĩ ấy là chẻ vụn ca khúc như thái rau diếp! Có nghe lại và so sánh thì mới hiểu vì sao Kim Tước là tiếng hát vượt thời gian.

Có một số người cho rằng giọng Kim Tước quá sang, nên khó hát ca khúc tả tình, chỉ thiên về tả cảnh thôi. Thật ra, trong thể loại trữ tình Việt Nam, các nhạc sĩ ngày xưa thường lấy cảnh tả tình vì có tình ngay trong cảnh. Tình cảm đó không tỏ lộ suồng sã, mà phải kín đáo e ấp nhường chỗ cho trí tưởng tượng của người nghe. Muốn diễn tả cho đúng thì chỉ cần ngân cho hết nốt nhạc, đọc lời ca một cách trang trọng từ tốn, tình cảm trong lời ca sẽ tỏ lộ. Cần gì phải quằn quại mới làm rướm máu con tim và thổn thức vì một chuyện tình vay mượn?

Chúng ta hãy nghe Kim Tước trang trọng cất lời:

Nghe ầm vang lên tiếng chiến chinh,

Mơ làm diều mang sáo thanh bình...

(Tiếng Hát Lênh Ðênh của Lương Ngọc Châu)

Hoặc:

Xuân vương trên ngàn hoa,

Nhắc bao sầu nhớ mơ màng...

(Nhớ Bạn của Vũ Thành)

Yêu nhạc, cảm được lời, hay biết thưởng thức hội họa, chúng ta có thấy lòng mình trùng xuống vì tình trong cảnh của lời ca không? Con người có tiếng hát quý phái và trang trọng ấy đã dùng tiếng hát tôn vinh tác phẩm và người sáng tác.

Ðã vậy, khi sân khấu buông màn rồi, Kim Tước ngoài đời là một người bạn phóng khoáng, một tính tình thẳng thắn, minh bạch, và là tay đánh mạt chược rất hào sảng, nói tiếng Tây như đầm, cười nói rất có duyên về một ván bài thông minh mà đôi khi các đấng tu mi vẫn chưa hiểu ra.

Ðược một người bạn quý như vậy, vì sao còn cần uống rượu? Cũng đủ say rồi!

nguoiviet online
Phượng Các
#4 Posted : Wednesday, October 12, 2016 12:12:54 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Phỏng Vấn Ca Sĩ Kim Tước, Tiếng Hát Tinh Khôi Của Buổi Mai*



Nhắc tới dòng nhạc tiền chiến hẳn khán thính giả vào những năm trước 75 không quên một giọng hát cao, trong, thanh nhã và hiếm quý của Kim Tước. Kim Tước là một trong những giọng hát làm vừa lòng không những giới thưởng ngoạn biết và yêu nhạc mà cả những nhạc sĩ thuộc thành phần khó tính nhất. Dáng dấp quý phái, tiếng hát chuẩn lúc nào cũng đi sát với kỹ thuật của cô, đã chinh phục được trái tim những người biết nhạc và họ có thể nhắm mắt để thưởng thức mà khỏi cần xem sự phô diễn của ca sĩ. Nhạc sĩ Vũ Thành, ông bầu của ban nhạc đại hoà tấu thời bấy giờ là một ông bầu rất khó tính mà trong đôi tai thẩm âm rất chọn lựa, chỉ có giọng hát Kim Tước và Anh Ngọc vừa tai ông thôi. Đồng thời, Kim Tước cũng được trân quý trong tầng lớp nhạc sĩ qua mấy thế hệ như Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Quỳ, Vũ Thành, Phạm Duy, cho đến Hoàng Trọng, Văn Phụng, Cung Tiến, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Lê Văn Khoa, Hoàng Quốc Bảo...

Cô tên thật là Nguyễn Kim Tước, sinh tại Nam Định. Cô học trường Pháp và đậu tú tài Pháp. Năm 14 tuổi, cô bắt đầu bước vào ca hát chuyên nghiệp. Trong một cuộc thi tuyển ca sĩ của đài phát thanh Hà Nội, Kim Tước đoạt giải nhất của giọng ca nữ. Kim Tước hát, trên đài Pháp Á, trong ban nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Nguyễn Phụng và ban đại hòa tấu của nhạc sĩ Vũ Thành. Năm 1956, cô đã trình bầy một số nhạc phẩm cổ điển của Mozart bằng tiếng Pháp tại dinh tổng thống và là ca sĩ duy nhất được vinh dự nhận hoa trao tặng từ tay tổng thống Ngô Đình Diệm.


Trịnh Thanh Thủy: T được biết chị đi hát từ khi còn bé và đoạt giải nhất trong cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Hà Nội. Xin chị cho nghe chuyện ngày ấy.

Kim Tước: Lúc đó tôi mới 11 tuổi, Bà Minh Đỗ là dì ruột của tôi đang hát ở đài phát thanh Hà Nội. Tôi mới di cư về thì bà ấy dẫn đi học đàn piano với giáo sư Nguyễn Cầu. Nhà bà có cái đàn piano nên tôi cứ đến tập. Có một hôm bà ấy dẫn tôi lên đài phát thanh để xem bà ấy hát. Thế thì đúng vào ngày hôm đó có cái cô ca sĩ nào đó không biết bị đau nên bà ấy bảo cứ cầm bài mà hát đi. Vì từ nhỏ tôi đã biết xướng thanh nên cầm cái bài hát là hát luôn. Một thời gian ngắn sau, đài phát thanh Hà Nội bắt đầu tổ chức những cuộc tuyển lựa ca sĩ và tôi đã ghi tên dự thi ngay trong lần thi hát đầu tiên. Tôi chiếm giải nhất về giọng ca nữ, trong khi Thanh Hiếu đoạt giải nhất dành cho giọng ca nam.

TTT: Cảm tưởng của chị ra sao?

KT: Tôi không thấy gì hết ngoài sợ. Mà sợ lắm cơ, vì mấy ông giám khảo toàn những tay đại cổ thụ của âm nhạc và đài phát thanh khảo thí như Hoàng Trọng, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Trần Văn Nhơn. v..v..Tôi phải qua đủ các vòng thi cho đến khi vào chung kết thì đã quá khiếp vì sợ. Mãi cho đến lúc sau này lớn lên gặp họ lại vẫn còn sợ. Đã vậy về đến nhà có thêm nỗi sợ bố la mắng, vì ông là người nệ cổ, không thích âm nhạc và theo quan niệm “xướng ca vô loại”. Do đó tôi không cảm thấy vui vẻ gì dù được đoạt giải.

TTT: Tên bài hát đoạt giải của chị? Xin kể một vài kỷ niệm đẹp thưở nhỏ.

KT: Đó là bài “Ngọc Lan” của Dương Thiệu Tước. Ai cũng bảo bài đó khó hát tại sao lại chọn. Tôi chẳng biết tại sao.

Sau khi đoạt giải tôi bắt đầu đi hát ở các đài phát thanh để kiếm tiền giúp đỡ gia đình vì khi ấy gia đình mới di cư từ ngoài Bắc vào còn túng thiếu lắm. Tôi là chị cả trong gia đình 5 con và rất thương hai cụ, nhất là mẹ tôi. Tôi còn nhớ một kỷ niệm suốt đời không bao giờ quên. Khi ấy mẹ sinh cô em thứ ba, tôi khoảng 3, 4 tuổi, mẹ bị đau ngực vì cô em bú không hết nên sữa ứ. Cụ rất nhiều sữa, bà bắt tôi bú cho ngực đỡ đau, đỡ căng. Ối giời ơi, tôi không thể tưởng tượng được sao ngày ấy tôi có thể làm được. Bên Việt Nam thường sau một tuổi, đứa bé thường dứt sữa, tôi lớn rồi mà vẫn phải bú sữa ứ. Mấy đứa sau cũng thế, do đó mỗi lần cụ sinh tôi sợ lắm, một nỗi sợ kinh hoàng xen lẫn mắc cở. Đã vậy sau khi sinh em, cụ thường đau tay chân, tôi hay ngồi giúp mẹ bóp tay chân cho đỡ mỏi. Khi lớn lên, lập gia đình và có con tôi mới hiểu và thương mẹ nhiều hơn. Trời sinh ra phụ nữ với thiên chức làm mẹ phải chịu nhiều đớn đau khi sinh con, vượt cạn, lại còn chăm sóc chúng, cho bú mớm, chịu biết bao đau đớn, nhọc nhằn. Ngày xưa các cụ còn sinh con ở nhà, nên tôi chứng kiến cái cảnh đau đẻ kinh khủng như thế nào.

Tôi cảm thấy may mắn và hãnh diện được trải nghiệm và sống qua những cảnh tượng rất hạnh phúc. Thưở ấy, mỗi mùa hè, mẹ cho về nhà bà ngoại ở Nam Định. Cụ ngoại có một trang trại(ấp) giống như đồn điền vậy. Cụ vừa làm ruộng vừa nuôi gia súc như trâu, bò, ngựa, dê, heo.v.v..Trong trại có một villa lớn. Cụ bắt tôi đi chăn bò, cho bò ăn, vắt sữa bò. Khi ấy, tôi còn bé, sức thì yếu, bàn tay bé tẹo. Tôi nắm cái vú lớn con bò mà vắt, vừa vắt, tay vừa đau, mà con bò thấy khó chịu, đau, nó đá cho một phát. Tuy thế được học những cái ở nhà quê, tôi lấy làm sung sướng lắm. Cụ dạy nuôi tằm, dệt cửi, tự dệt quần áo để mặc. Sau khi dệt thành vải may quần đùi, tôi đem bùn và củ nâu giã nhỏ trét vào vải để nhộm nâu rồi đem phơi. Tôi còn được học cách làm trà sen. Mỗi sớm tinh sương, tôi chèo thuyền nan, thuyền thúng ra hồ sen. Men hai bên bờ hồ có trồng cây vối, tôi hái nụ vối về nấu nước pha trà. Rồi hái sen về, bóc hột đem phơi, và lấy những tia vàng của hoa, đem về ướp trà cho các cụ uống.

TTT: Sở hữu một giọng Mezzo Soprano(Bán Kim), Chị có thể lên cao và xuống thấp trong một âm vực rất rộng. Làn hơi dài giúp chị ngắt câu rất hợp cách. Có những ca sĩ hơi không đủ, mới hát được hai ba chữ đã hết hơi, nên hay ngắt câu tầm bậy, Duy Cường gọi những ca sĩ ấy là chẻ vụn ca khúc như thái rau diếp! Xin chị cho biết âm vực (quãng rộng) của giọng hát chị. Là một ca sĩ được nhạc sĩ Phạm Duy và Vũ Thành ngợi khen và quý trọng vì khi hát chị rất coi trọng kỹ thuật và cảm xúc của tác giả. Xin chị chia sẻ chút kiến thức và kinh nghiệm trong kỹ thuật luyện thanh.

KT: Giọng hát của tôi giúp tôi có thể lên cao và xuống thấp rất dễ dàng, nốt cao nhất tôi có thể lên là nốt Đô. Chuyện mấy ông ngợi khen, thật ra tại ngày xưa mấy ông nhạc trưởng hay nhạc sĩ chỉ muốn ca sĩ hát cho đúng kỹ thuật và bài bản mà thôi, không được nhét tình cảm vào. Trong khi họ sáng tác thì lại dựa trên tình cảm mà viết, nhưng nếu ca sĩ hát theo lối cảm xúc dạt dào thì họ không bằng lòng. Riêng tôi, họ viết sao tôi hát theo làm vậy, không tự mình uốn éo, luyến láy thêm bớt. Ngoại trừ họ viết uốn éo thì tôi uốn éo theo. Một thời gian sau, theo thời thế, dĩ nhiên họ phải chịu sự thay đổi. Chính họ cũng cảm thấy hát cứng quá thiếu sự truyền cảm và khi viết nhạc họ cố viết sao cho có sự truyền cảm hơn. Giới ca sĩ những thế hệ sau này, tự họ tạo ra lối hát riêng của họ. Tôi thì tôi không thể bắt chước, cũng như người khác không thể bắt chước lối hát của tôi được. Thành ra các nhạc sĩ hiểu ra, người ca sĩ này sẽ hát theo lối này, người khác sẽ hát theo lối khác, tự họ sẽ phải mềm mại đi để theo những lối hát khác nhau của các ca sĩ.

TTT: Vào thập niên 60, chị và Châu Hà, Mộc Lan, hợp thành một ban tam ca Mộc Kim Châu nổi tiếng. Xin cho biết phạm vi hoạt động của nó? Đầu thập niên ấy, ngoài ban tam ca nữ này còn có một ban tam ca nữ nào không? Sau khi ra hải ngoại, chị lại cùng Mai Hương và Quỳnh Giao thành lập ban Tiếng Tơ Đồng, ban này hoạt động bao lâu và tại sao lại tan rã.

KT: Ngày ấy tôi, Châu Hà, Mộc Lan hát trong các ban nhạc khác

nhau và nhận thấy ba giọng hát hợp nhau(nhưng không giống nhau), nên

đã gom lại thành ban tam ca Mộc Kim Châu. Không dám tự hào nhưng ba giọng hát chúng tôi rất hoà hợp. Thí dụ giọng của chị the thé, tôi có thể hát the thé. Nếu giọng của chị xuống trầm, tôi có thể làm theo như vậy được. Chúng tôi đã hiểu nhau đến độ theo nhau, nương nhau mà hát rất thoải mái. Vì thế nó thành một ban tam ca rất quyện nhau. Chúng tôi hát với nhau sung sướng đến độ vừa hát xong một bài, cả ba cùng phá lên cười. Chúng tôi cùng tự hỏi, tại sao có thể hát giống nhau, hợp nhau như một cây đàn đến thế mà không ai ganh tị lẫn nhau. Hát hợp ca khó ở chỗ đó, không có người nào trổ giọng ra, để tỏ ra giọng mình hay hơn, nổi trội hơn người khác. Chúng tôi được nhạc sĩ Hoàng Trọng hướng dẫn và viết hoà âm cho. Chúng tôi trình diễn ở các đài phát thanh, nhiều nhất là Đài Phát Thanh Sài Gòn. Chúng tôi cũng xuất hiện ở vài sân khấu xi nê trong phần phụ diễn trước khi chiếu. Ngày ấy 1 xuất xi nê chỉ dài độ 1 tiếng. Phần phụ diễn thường là tân nhạc hoặc có khi là hài kịch. Ban tam ca ra trình diễn được xem là mới mẻ vì lúc ấy làm gì có tam ca. Chỉ có ban tam ca chúng tôi là độc nhất thôi. Chúng tôi cũng hát phụ hoạ cho các ca sĩ thâu đĩa như Hà Thanh hay Khánh Ly nhưng chưa bao giờ chúng tôi thâu đĩa với nhau. Đôi khi chúng tôi gọi đùa nhau là “Les Trois Mousquetaires” (Ba chàng ngự lâm quân pháo thủ).

Sau 1975, Ban Tam ca Tiếng Tơ Đồng do tôi và Mai Hương, Quỳnh Giao ra đời nhưngvì mỗi người định cư ở một nơi, lâu lâu mới họp lại hát rất bất tiện nên chỉ hoạt động được một thời gian.


TTT: T nghe nói trong quá khứ, chị có điạ vị xã hội là phu nhân của một đại tá Hải Quân chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Nha Trang. Vào những năm trước 75, chị hoạt động ca hát thường xuyên, chuyện này có ảnh hưởng hạnh phúc gia đình chị không?

KT: Ngày đó tôi đi làm và ca hát, nhà tôi thì đi lính, xa nhà hoài, đời sống cả hai thiếu sự gần gụi. Sau này chúng tôi xa nhau thật, vì thiếu sự vun đắp tình cảm đưa đến sự tan vỡ. Tuy nhiên khi còn ở với nhau, tôi vẫn làm tròn trách nhiệm của tôi nghĩa là trong các buổi tiệc tùng như tiếp đón các quan chức trong nước cũng như ngoại quốc, tôi đều lo toan. Tỷ như trong vai trò tiếp đón ông Nguyễn Cao Kỳ, các hạm trưởng Hải Quân hay Chỉ Huy Trưởng Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ, mọi người đều giao lại cho tôi vì thời đó rất ít các phu nhân thạo ngoại ngữ, và tôi nói được cả tiếng Anh lẫn Pháp. Ngày ấy, tiếng Việt với tôi lại là ngôn ngữ thứ hai. Ngay từ nhỏ, tôi may mắn được các cụ cho đi học trường sơ Pháp, nói toàn tiếng Pháp. Bà sơ dạy tiếng Pháp lại gốc Ăng Lê nên tôi được học cả tiếng Anh, giọng Anh của tôi lai giọng Ăng Lê.

TTT: Vậy chị là người thấm đẫm văn hoá Tây Âu từ bé, trong lối suy nghĩ, hành xử và sinh hoạt trong đời sống gia đình chị có bị Âu hoá không? thoáng hơn, cởi mở hơn, thậm chí nổi loạn?

KT: Tuy được giáo dục trường lớp Tây Âu nhưng nếp sống của tôi vẫn trong vòng lễ giáo vì bố tôi là người trọng Nho học nên làm gì thì làm tôi cũng phải khép vào khôn khổ Việt Nam. Ước vọng của tôi vẫn là được tự do và phóng khoáng, nên một ngày nào đó nó bung ra. Khi qua đến Mỹ tôi hấp thụ được văn hoá và lối suy nghĩ của họ nên trong lối hành xử tôi thấy thoải mái và tự do hơn.

TTT: Sắp tới chị và các thân hữu có tổ chức một buổi nhạc thính phòng “Hát cho vui đời”. Sau một thời gian dài chị nghỉ hát, sao chị trở lại?, xin cho biết lý do và cảm tưởng của chị.

KT: Lý do rất dễ hiểu vì các cô em tôi muốn tôi trở lại hoạt động cho vui, nhân tiện có cơ hội cho chị em hát với nhau. Tôi bảo họ làm lần này, còn tương lai không biết bao giờ tôi có hứng được nữa. Có lẽ vì bây giờ tôi không chịu được áp lực, không muốn nghĩ ngợi, gò bó lại sợ bị nhức đầu. Tuy nhiên biết đâu, nếu còn cơ duyên, hay tôi còn hát được thì hát tiếp. Nếu cảm thấy hát không được nữa thì tôi dừng. Mình phải tự biết mình.

TTT: Cầu chúc cho tiếng hát vượt thời gian của chị còn hoài cho khán thính giả ái mộ được thưởng thức mãi.

Trịnh Thanh Thủy

*chữ của Vũ Thùy Hạnh
Phượng Các
#5 Posted : Monday, March 20, 2023 12:53:43 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Kim Tước vẫn "Tiếng Hát Mây Cao"
17/02/2023
Trịnh Thanh Thủy



Tất cả chúng tôi, một số bạn bè và thân hữu của Ca sĩ Kim Tước, liên lạc, tìm đến nhau, để cùng tổ chức một buổi ca nhạc "bỏ túi" cho bà trước khi bà rời tiểu bang California, Hoa Kỳ. Chúng tôi chỉ có vỏn vẹn hai ngày để chuẩn bị. Thư mời hoả tốc gởi đi tối Thứ Bảy, buổi trình diễn vào trưa Chủ Nhật ngày Feb, 5, 2023 tại Viện Việt Học là một quyết định rất nhanh, gọn, của Bác Sĩ Nhãn Khoa Phạm Đỗ Thiên Hương, làm người nhận kinh ngạc. Buổi họp mặt như một lời chia tay trước khi nữ danh ca Kim Tước rời Little Sài Gòn, là nơi bà rất yêu mến, để về tiểu bang khác sinh sống với con trai, vì bệnh già của bà.


Theo lời kể của em gái bà, ca sĩ Hồng Tước, sau bao nhiêu năm bặt tiếng không còn hát, trước đó vài hôm bỗng dưng bà nổi hứng hát ca. Bệnh mất trí nhớ của bà mới đây trở nặng, lúc quên, lúc nhớ, thì hiện tại và quá khứ thường lẫn lộn, không còn phân biệt nổi nữa. Thấy bà thích hát, Hồng Tước dẫn bà đến nhà Hoài Khanh chơi để hát cho vui. Không ngờ, bà đã nổi hứng hát liên tiếp cả chục bài. Giọng ca “Sẻ Vàng Kim Tước” vẫn thánh thót, chắc khoẻ và cao vút tận mây khiến người nghe sững sờ kinh ngạc. Hồng Tước nhanh tay thu lại và gởi đến vài người bạn thân để chia sẻ. Thiên Hương nghe xong vô cùng xúc động, mà không cầm được nước mắt. Tuần tới bà sắp rời Cali không biết bao giờ mới được gặp lại, thế là cô đứng ra điều hợp, buổi họp mặt hình thành.


Cùng với sự trợ lực của phu quân là anh Ngà, Thiên Hương đã nỗ lực sắp xếp chương trình và mời được những người đã từng đệm đàn cho ca sĩ Kim Tước hát trước đây như Pianist Thụy Khanh, Guitarist Dũng và Violinist Thu An. Ngoài ra còn có hai tay đàn Guitar phụ lực là Doãn Hưng và Hoàng Hà. Ban Tam Ca Tiếng Hát Nửa Vời và Ca Sĩ Mê Linh cũng được mời đến góp tiếng hát. Bác sĩ Thiên Hương là Du Ca Trưởng của đoàn Du Ca Nam Cali, cô đã từng được vinh danh vì những nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa Việt.


Cũng vì thời gian gấp rút và chỗ ngồi giới hạn nên số người tham dự chỉ trong vòng thân hữu nhưng lại khiến bầu không khí ấm áp và thân tình hẳn lên. Những gặp gỡ, chào hỏi, cái bắt tay, ôm choàng mừng rỡ thương yêu trong tiếng hát hết lòng của "Hát cho nhau nghe", như một chất xúc tác cho mọi người xích lại gần nhau.


Cảm động nhất là phút NS Lê Văn Khoa và CS Kim Tước gặp nhau. Hai ánh mắt của hai nghệ sĩ cùng một thế hệ, chạm nhau mừng mừng tủi tủi. Cánh tay người nhạc sĩ 90 tuổi, tóc bạc phơ nắm lấy cánh tay người ca sĩ 85 tuổi sao đậm đà thắm thiết tình thân đến vậy. NS Lê V Khoa không nén được cảm xúc kể, "Người đầu tiên hát nhạc của tôi là Kim Tước, khi ấy KT còn trẻ lắm. Hồi đó tôi có đến nhà cô nhờ hát vì các nhạc sĩ lớn khuyên tôi nên để KT hát do chất giọng của cô phù hợp hơn cả. Khi nhận nhạc bản đầu tiên của tôi, cô cầm mà chẳng nói năng gì, không nói nhận lời mà cũng chẳng từ chối. Khi ra về lòng tôi rất băn khoăn không biết cô có chịu hát hay không, vì lối nhạc tôi viết rất khó hát, các ca sĩ thường họ ngại lắm. (Dưới sân khấu Kim Tước nói vọng lên "Vậy mà hát nhiều lắm, hát dài dài, hát gần hết nhạc của Lê Văn Khoa luôn"). Sau đó, khi nghe KT hát nhạc của tôi, tôi vui lắm, không biết để đâu cho hết."


CS Jimmy Nhựt Hà đã lên kể tóm tắt về cuộc đời ca nhạc của CS Kim Tước và anh có nhắc tới Tam Ca Mộc-Kim-Châu (Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà) trong Ban Tiếng Tơ Đồng ngày xưa. Sau này ở hải ngoại, Ban tam ca Quỳnh Giao, Kim Tước, Mai Hương cũng đã tạo được tiếng vang nhiều khán thính giả hâm mộ và thương mến.


Quan khách hiện diện hôm đó có ÔB NS Lê Văn Khoa-Ngọc Hà, ÔB NS Võ Tá Hân, NV Nhã Ca, TT Kiều Chinh, CS Khánh Ly, Chủ Bút Việt Báo Nina Hoà Bình, CS Ái Phương, ÔB CS Vũ Anh, Guitarist Nguyễn Phương Thảo, CS Jimmy Nhựt Hà và nhiều khuôn mặt thân quen của Viện Việt Học, Du Ca, Các em bên Hướng Đạo đến phụ giúp cho Trưởng Thiên Hương.


Thiên Hương đã khai mạc và giới thiệu chương trình ca nhạc. Hai bài hát "Đêm Ngắn Tình Dài, Hình Ảnh Một Đêm Trăng" đã do ban tam ca Tiếng Hát Nửa Vời với Hồng Tước, Minh Ngân, Thiên Nga trình bày. CS Kim Tước cũng được mời lên hát chung vì tất cả những bài hát được lựa chọn ngày hôm nay đều là những bài mà bà đã từng hát qua. Xen kẽ là những bài hợp ca, đồng ca được tất cả mọi người cùng góp giọng, hát cho vui, khiến bầu không khí đong đầy tình thân ấm áp. Những Mùa Hợp Tấu, Tiếng Hát Đường Xa, Ô Mê Ly, Xuân Miền Nam, Dừng Bước Giang Hồ đã khơi lại ký ức xa xưa của một thời Tiền Chiến xưa cũ. Những Hà Nội, Huế, Sài Gòn, của những con đường, bóng dáng, hàng cây, bờ hồ, người và cảnh, cuộc sống và nơi chốn là những thước phim được quay ngược, quay chậm. Âm nhạc và ca từ, giọng hát và tâm hồn hoà quyện như thực như mơ.


Khi người ca sĩ chính của buổi họp mặt cất tiếng hát một mình, lúc ấy Kim Tước mới thật sự trở về cái thủa người thiếu nữ đôi mươi của Hà Thành 5 cửa ô ngày xưa. "Tiếng thời Gian" của Lâm Tuyền được giọng hát cao vút cất lên làm ngưng đọng cả không gian và thời gian.


Mưa rơi hiu hắt, ai sầu mùa đông.
Không gian u ám sương mờ, mờ buông.
Xa trong đêm vắng chuông buồn, buồn ngân.
Mùa đông xưa rét mướt, bến sông, ngừng chân
Chờ ai trong tê tái, lắng nghe, chuông than.
Thời gian trôi tan tác, mang theo, ngày xuân
Mưa đêm nay khóc thầm
Cuộc đời đầm ấm đã theo thời gian.


Tiếng hát của bà thanh thoát, chậm rãi trôi theo giòng nhạc trong tiếng violon nhịp nhàng như tiếng lòng nức nở của một kẻ tha phương đang dừng chân dưới mưa dầm, thầm mơ ước về một chốn dừng chân êm ấm đời mình. Những lời kể lể ấy lại ngân nga trong bài hát "Tiếng Dương Cầm" của Văn Phụng trong ký ức một đêm xuân ngất ngây. Người lữ khách lang thang trong cơn mưa phùn đi tìm kẻ yêu đàn và tình cờ sao lạc chân vào một thế giới thánh thót trong veo những giọt dương cầm xanh thẳm. Như mơ, như thơ, khán giả cũng lạc vào rừng âm thanh dìu dặt của tiếng hát con chim Sẻ Vàng đang say sưa cất cao giọng hót.


Sau đó, là một sự sắp xếp khéo léo của chương trình để hai thế hệ khác nhau cùng hát bài hát "Đêm Màu Hồng" của Phạm Đình Chương phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Em Phạm Mê Linh, một ca sĩ cháu đầy tiềm năng đứng bên bà Kim Tước đầy điêu luyện, thế mà hai giọng hát cứ quyện lấy nhau như một.


Vòng tay, vòng tay dĩ vãng.
Vòng tay, vòng tay bát ngát

Em là lá biếc, là mây cao, là tiếng hát
Sớm mai khua thức nhiều nhớ thương, nhiều nhớ thương
Em là cánh hoa, là sương khói (khói sóng) ...
Đêm màu hồng...


Kim Tước choàng chiếc khăn choàng hồng. Cái màu hồng ngày nay đưa bà về thời con gái xa xưa, cái thời của lá biếc, của hoa xuân, của sương khói. Người con gái của thế giới đêm, thế giới của đèn hoa, của tiếng hát ... của khói sóng đêm màu hồng.


Em Phạm Mê Linh lên hát một bài đơn ca "Hương Xưa" của Cung Tiến. Giọng hát của em trong, vững vàng và cao vút. Mê Linh là Thiếu Trưởng của đoàn nữ hướng đạo Liên Đoàn Hướng Việt, Ca Trưởng phụ trách tập dợt cho ban hợp ca Ước Mơ Việt gồm 56 ca viên. Em vừa tốt nghiệp cử nhân ngành Thanh Nhạc tại Đại học Chapman (Orange, California) vào tháng 5/2022. Trong buổi Senior Recital để ra trường, Mê Linh đã trình diễn xuất sắc 12 nhạc phẩm bằng 5 thứ tiếng: Anh, Đức, Ý, Pháp, và Việt.


Ca sĩ Khánh Ly theo lời yêu cầu đã lên trình bày bài "Có Nghe Đời Nghiêng" của Trịnh Công Sơn. Ca sĩ Vũ Anh và Ngọc Hà cũng cùng góp giọng trong những bài hợp ca cùng Kim Tước.


Thật là một buổi họp mặt ấm cúng và đầy tiếng hát và cung đàn. Mọi người ai cũng chúc cho CS Kim Tước còn hát được dài dài, và mãi mãi.


– Trịnh Thanh Thủy

xem ảnh trên link sau:
https://vietbao.com/p301...c-van-tieng-hat-may-cao-
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.