Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Văn Hoá - Xã Hội nước Pháp
viethoaiphuong
#1 Posted : Saturday, October 19, 2019 5:55:47 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Pháp : Âm thanh thôn dã, một « di sản giác quan » cần được bảo tồn ?

Minh Anh - RFI - ngày 17-10-2019


Bà Corinne Fesseau và chú gà trống Maurice trong vườn nhà ở Saint-Pierre-d'Oléron ngày 05/06/2019.
XAVIER LEOTY / AFP

“Chú ý! Ở đây chúng tôi có những tiếng chuông vang lên thường xuyên, tiếng gà gáy rất sớm và rất to cũng như là tiếng ồn của những đàn gia súc… Quý vị vào đây thì phải tự chịu trách nhiệm!”. Đây là lời cảnh báo của ông Régis Bourelly, thị trưởng xã Saint-André-Valborgne, tỉnh Gard, miền nam nước Pháp.

Chuyện tưởng như đùa nhưng lại là có thật. Bởi vì, năm 2018, nhiều người Paris “khó chịu” đã đến gặp ông để phàn nàn về tiếng chuông nhà thờ và tiếng chó sủa. Ông bực bội hỏi phóng viên Le Figaro: “Mỗi năm họ chỉ có mặt ở đây độ 15 ngày vậy mà họ dám lên mặt dạy đời chúng tôi. Vậy khi tôi đến Paris, tôi có phàn nàn gì đâu tiếng ồn xe cộ! Nếu chúng ta không bảo vệ thế giới nông thôn, thì chúng ta sẽ chết!”

Không chỉ thế, mùa hè 2018, một chủ doanh nghiệp chuyên diệt côn trùng đã “sững sờ” khi nhận được một đề nghị từ một khách hàng muốn tiệt trừ hoàn toàn những “chú ve sầu” kêu quá to trong sân vườn nhà ông. Thị trưởng xã Pignols, vùng Puy-de-Dôme “giật thót người” khi nhận được những lời ca thán về phân của những chú ong. Tiếng lục lạc của cô bò sữa trên những cánh đồng cỏ cao nguyên cũng bị các chủ nhân nhà nghỉ trên Haute-Savoie phàn nàn…

Những vụ kiện “lạ đời”

Yêu thích thiên nhiên, bảo vệ môi trường nên đến những kỳ nghỉ, người dân đô thị Pháp đổ xô về các vùng nông thôn, tìm kiếm chút hương đồng gió nội, chút không khí trong lành, nhưng họ không chấp nhận tiếng ồn miền thôn quê, nên cũng sẵn sàng đưa những con thú đáng thương ra trước pháp luật.

Tiếng kêu cạp cạp của những chú vịt, tiếng gà gáy ban mai, tiếng bò rống ngoài đồng, tiếng ếch kêu ộp ộp hay ngay cả tiếng ve kêu râm ran ngày hè… Ôi sao thật đinh tai nhức óc! Hệ quả là tại Pháp, ngày càng có nhiều âm thanh thôn dã bị kiện ra tòa chỉ vì “gây huyên náo xóm giềng bất thường” theo như thuật ngữ của tư pháp. Một tổng kết sơ bộ cho thấy trong vòng ba năm gần đây đã có khoảng 40 vụ kiện.

Le Figaro liệt kê một số trường hợp hiện đang chờ xét xử: Ngày 19/11/2019, tòa án ở Dax sẽ phân xử vụ kiện những con vịt và ngỗng ở xã Soustons (tỉnh Gard, miền nam nước Pháp).

Một cặp vợ chồng cùng hai người con vừa mới đến định cư tại xã này từ một năm nay. Có điều thời điểm đến xem nhà để mua là mùa đông, mùa những con vịt và ngỗng phần lớn bị chế biến thành món thịt hầm. Giờ đây, họ kiện người phụ nữ hàng xóm, 67 tuổi đã về hưu, lấy việc chăn nuôi ít gia cầm làm thú vui tiêu khiển và có thêm nguồn thu nhập bù đắp khoản lương hưu ít ỏi, chỉ vì bực bội những tiếng cạp cạp của ngỗng và vịt, bất chấp những cánh cửa sổ dày hai lớp kính.

Hay như vụ kiện ở Compiegne, phía bắc nước Pháp. Chủ nhân gà trống Coco không chấp nhận phán quyết của tòa ra lệnh tách lìa Coco với chủ đã kháng án đến tòa cấp cao hơn ở Haute-Savoie.

Nhưng có lẽ nổi tiếng nhất là vụ xử gà trống Maurice ở vùng Saint-Pierre-d’Oléron (Charente – Maritime), phía tây nước Pháp. Maurice và gia chủ đã bị một cặp du khách kiện ra tòa chỉ vì chú gáy quá to và quá sớm buổi sáng. Sau hai năm tranh luận, tòa án ngày 05/09/2019 đã xử cho Maurice thắng kiện. Vụ việc đã gây được tiếng vang lớn lan sang tận phía bên kia bờ Đại Tây Dương.

Không chỉ kiện về tiếng ồn, nhiều nông gia còn bị kiện vì mùi hôi của gia súc, mùi phân ngựa, phân bò… Một chủ trại vịt ở vùng Vendée trong vòng tám ngày đã phải lắp đặt các thiết bị phát tán hương thơm tinh dầu theo lệnh của tòa án chỉ vì bị người hàng xóm, chủ một trại camping kiện về những mùi “hôi thối” từ gia súc.

Âm thanh thôn dã, một di sản của quá khứ?

Những đơn kiện “thái quá” đến mức, ông Pierre Morel-A-L’Huisser, nghị sĩ thuộc đảng Những Người Cộng Hòa (Les Republicains – LR), tỉnh Lozere, đề xuất một dự luật “Bảo vệ di sản giác quan nông thôn”. Đề xuất dự luật của ông, dự kiến được đưa ra thảo luận tại Quốc Hội trong mùa thu này, sẽ cung cấp một bản kiểm kê những “rủi ro có thể chấp nhận được” tại miền thôn quê, cho phép phản bác các đơn kiện.

Những kiểu kiện « lạ đời » này đang làm cho những nông dân chính gốc cảm thấy bất mãn, và cuộc sống quen thuộc của họ bị xáo trộn vì những lớp người tân nông thôn đến từ thành thị. Họ quên rằng bên cạnh những cánh đồng lúc mì, đồng hoa hướng dương hay những cánh đồng trồng ngô “thẳng cánh cò bay”, âm thanh thôn quê cũng là một phần không thể thiếu trong quang cảnh miền quê.

Nhận định về hiện tượng này, ông Jean Viard, nhà xã hội trả lời phỏng vấn báo Le Figaro cho rằng xã hội nông thôn Pháp ngày nay đã bị biến đổi rất nhiều so với cách nay 50 năm. Những người sống ở nông thôn hiện nay là những tầng lớp ông gọi là “tân nông thôn”, nghĩa là những người từ bỏ cuộc sống đô thị.

Số dân có nhà vườn ở nông thôn tăng nhanh, trong khi số lượng trang trại giảm mạnh đến 6 lần (500 ngàn trang trại so với ba triệu cách nay 50 năm). Do vậy, theo nhà xã hội học, nước Pháp của những làng quê nay không còn nữa. Trên các vùng đất nông thôn và cận đô thị, người ta sẽ thấy một trang trại, một lô nhà, một ngôi nhà riêng, một trung tâm thương mại tiếp nối nhau…

“Trong quần thể này, nông dân, thương nhân, nghệ nhân, người về hưu, công nhân, tầng lớp tân đô thị, đô thị cuối tuần, du khách của Airbnb cùng chung sống…

Và những người “Áo Vàng”, những người khởi xướng phong trào phản đối, là những người sống ở các vùng cận đô thị, nhà có vườn. Và trên cùng một mảnh đất này, cách biệt giàu và nghèo còn cao hơn cả giữa nông thôn và thành thị. Do vậy, những vụ xung đột diễn ra là do những khó khăn của những bộ phận dân cư này phải sống cùng với nhau và do những ảo ảnh mà những người đô thị tạo ra từ vùng nông thôn”.

viethoaiphuong
#2 Posted : Friday, October 28, 2022 10:21:25 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Nghề hiếm tại Pháp : Thợ đóng bìa sách cổ

28/10/2022 - Chi Phương / RFI
Những cuốn sách cổ với tấm bìa nâu đỏ, hẳn không xa lạ với nhiều người nếu biết đến Pháp. Đằng sau đó là cả một kho tàng nghệ thuật thủ công, được các nghệ nhân đóng bìa sách tiếp nối nghề từ nhiều thế kỷ qua. Dù cho thời đại có thay đổi, bất chấp sự xâm lấn của kỷ nguyên kỹ thuật số, những người yêu sách và các nghệ nhân vẫn tiếp tục "tạo linh hồn" cho sách.

Hiệu sách của ông Michael Mcgriff mở ra từ chục năm nay, trong khu phố nhộn nhịp mà bình dân, ngay dưới chân đồi Montmatre, Paris, được mệnh danh là khu phố của các nghệ sĩ và cũng là nơi định cư của bao tên tuổi như Picasso, Monet hay Van Gogh. Vừa bán sách và vừa đọc sách, đối với ông Michael, một cuốn sách quan trọng về cả nội dung lẫn hình thức. Nó giống như quan hệ song song nhưng lại phụ thuộc vào nhau. Tức là một quyển sách hay thì phải có bìa sách đẹp và nếu bìa đẹp thì ắt nội dung trong đó cũng sẽ thú vị và mang ý nghĩa riêng biệt. Với nét cổ kính mà bụi bặm, tiệm sách cũ của ông thu hút người qua đường bởi những kệ giá sách cổ, bìa da nâu, đỏ, xếp ngay ngắn trên giá riêng biệt, thoang thoảng mùi giấy cũ. Một phần trong số đó đến từ bộ sưu tập cá nhân của ông. Ông Michael cho hay :

“Trong hiệu sách của tôi, hầu hết các cuốn sách đều có niên đại từ thế kỷ 18. Những cuốn nào cũ hơn, trước thế kỷ 18, tôi giữ lại cho riêng mình. Cuốn sách cổ nhất mà tôi giữ ở nhà được in ấn từ năm 1540. Tại sao ư ? Bởi vì tôi đặc biệt yêu thích bìa của những cuốn sách cổ. Thêm vào đó là mùi của sách cũ. Các trang giấy được làm từ một chất liệu đặc biệt : vải cũ tái chế. Nó có mùi ngọt và lưu giữ được lâu hơn so với giấy làm từ gỗ. Đối với tôi, đây là một thú vui đặc biệt. Tôi luôn so sánh kệ giá sách giống như một khu vườn. Quyển sách giống như nhưng cây hoa mà chúng ta phải săm sóc, tưới tắm, lau chùi. Đôi khi phải chỉnh lại cho thẳng hàng lối, thỉnh thoảng phải bỏ ra một số cuốn, giống những cây cỏ dại, bởi vì chúng không nằm trong ý tưởng thiết kế chung của khu vườn nữa.”

Theo thời gian, việc bảo quản những cuốn sách cũ có lẽ không dễ dàng. Một số quyển cũ quá, ông tự sửa lại, nếu không thì đành phải bỏ đi vì chi phí đóng lại bìa khá đắt đỏ. “Quyển duy nhất mà tôi đi đóng lại bìa sách bởi một thợ lành nghề là cuốn tiểu thuyết của Victor Hugo mà tôi đặc biệt yêu thích. Đây là một trong những cuốn đầu tay của đại văn hào và còn có 11 bản khác nữa. Victor Hugo lúc đó không dám ký tên vì còn trẻ và e ngại. Cuốn sách vẫn trong tình trạng tốt nhưng bìa sách có bị sờn nên tôi đi đóng lại”, ông Michael cho biết.

Dường như chính nhờ tình yêu với sách và lưu giữ sách cũ của những người như ông Michael khiến cho nghề đóng bìa sách vẫn tồn tại từ nhiều thập kỷ qua. Ở phía cuối con đường, cách hiệu sách của ông khoảng 100 mét. Bà Sophie mở một xưởng đóng sách, sửa bìa sách cũ từ 20 năm qua trong khu phố này. Bà không coi sách là một món đồ cần phải sửa chữa mà là khách hàng của mình - một bệnh nhân cần chữa trị. “Tôi thường nói với khách của tôi rằng họ là người trả tiền nhưng vị khách thực sự của tôi là cuốn sách mà họ mang đến. Công việc của tôi là khiến cuốn sách có được tuổi trẻ thêm một lần nữa. Đúng là tôi có chút gì đó giống như bác sỹ sách”, bà nói.

Những quyển sách được đóng gáy đầu tiên xuất hiện từ thế kỷ thứ II, khi người La Mã cổ đại thay thế các cuộn giấy bằng các trang giấy xếp chồng lên nhau, theo tư liệu của thư viện quốc gia Pháp. Việc đóng gáy chủ yếu là để bảo quản sách, thường được làm bằng gỗ hoặc các vật dụng thô sơ. Cho đến thời Phục Hưng, giai đoạn “vàng son” của nghề đóng sách, các kỹ thuật được phát triển trong thời kỳ này vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay. Tính thẩm mỹ của bìa sách được chú trọng hơn, thường được làm bằng các vật liệu nhẹ. Chi phí cũng đắt đỏ, chiếm 25 % giá trị của cuốn sách.

Tại Pháp, vào thế kỷ XVI, nhờ vào sự quan tâm của Hoàng gia, bìa sách được mạ vàng, được chạm khắc vào gáy và đôi khi được đính đá quý. Từ năm 1545 đến năm 1559, gần 900 cuốn sách có bìa và đường viền được mạ vàng, được làm cho các vị vua Pháp. Kỹ thuật mạ vàng của các nghệ nhân ở Paris đã nhanh chóng truyền cảm hứng cho các thợ đóng bìa sách ở châu Âu. Đến thế kỷ 18, sách vẫn là hiện thân của những người giàu, quyền cao chức trọng. Bìa sách thường được làm theo sở thích chủ nhân của sách. “Bìa sách là một tấm lưới vàng giam cầm những con vẹt mào (cacatoès) ngàn màu sắc, những con thuyền có cánh buồm là tem thư, hay những vị vua mà thiên đường ở trên đầu, để thể hiện rằng họ là người giàu có”, theo Max Jacob, trong cuốn Le Bibliophile, xuất bản năm 1917.

Ngày nay, dường như tầm quan trọng của bìa sách cũng như địa vị của chủ nhân không còn quá quan trọng. Các vật liệu làm bìa sách cũng không còn quý giá như trước kia. Một số người đến xưởng đóng bìa sách vì muốn làm bìa cho luận văn hay làm quà tặng. Tuy nhiên đa số là đến để đóng lại, sửa lại những quyển sách cũ. Nghệ nhân Sophie cho biết :

“ Thông thường, cứ 10 người đến cửa hàng của tôi thì có 8 người đến để đóng lại bìa sách là vì lý do tình cảm hoặc có mối liên hệ đặc biệt nào đó với cuốn sách cũ đó. Bởi vì chi phí để đóng lại hay sửa lại bìa sách thường không nhỏ. Công việc chính của chúng tôi đúng hơn là những người tiếp nối các câu chuyện của cuốn sách. Bởi vì sách không chỉ có những câu chữ mà còn có cả câu chuyện ẩn chứa đằng sau, của một gia đình, của chủ nhân của chúng. Đó cũng chính là điều mà tôi yêu thích trong công việc của mình. Khi mang sách đến, những vị khách kể với tôi lý do tại sao cuốn sách lại quan trọng với họ. Tại sao họ muốn bảo quản lâu dài, và để truyền lại cho ai. Do vậy, tôi cần phải bảo đảm rằng cuốn sách có thể được lưu giữ lâu dài, trường tồn với thời gian”.

Nếu như từ thế kỷ XX, làm bìa sách trở thành một nghệ thuật, nguồn sáng tạo của nhiều nghệ nhân, thì nhiều kỹ thuật đóng bìa sách vẫn được duy trì hàng thế kỷ qua, đều cẩn sự tỉ mỉ, kiên nhẫn của nghệ nhân. Để đóng lại bìa sách, bà Sophie cho biết, cần phải thực hiện 48 công đoạn. Mỗi bước đều rất quan trọng, và mỗi thợ đóng bìa sách có kỹ năng riêng. Chỉ cần làm hỏng một khâu nào đó thì sẽ phải làm lại tất cả từ đầu.

“Tôi chủ yếu đóng bìa sách theo cách truyền thống. Khi có ai đó mang một quyển sách cũ đến, thường đều bị rách bìa, chỉ khâu sách bị bung ra, gáy sách không còn chắc chắn nữa. Đầu tiên, tôi phải tháo tất cả ra. Loại bỏ những sợi chỉ cũ, làm sạch giấy, và bỏ các lớp keo cũ. Sau đó tôi xem xét lại vị trí của các trang giấy, xếp lại thẳng hàng rồi để vào máy ép giấy cho thẳng. Tuỳ loại giấy mà thời gian ép nhanh hay chậm. Tôi chọn ra loại chỉ mới để buộc lại sách, rồi gắn một lớp vải mỏng vào gáy sách. Tôi nghĩ công đoạn khó nhất đó là dùng búa đập vào gáy để tạo khối cho sách, làm sao để gáy sách gắn được vào bìa mới. Theo tôi, để làm được công việc này, cần phải cẩn thận tỉ mỉ, và nhất là không sợ phải tháo ra làm lại từ đầu cũng như không để khó khăn khuất phục mà phải vượt qua”.

Nói về nghề thủ công, đóng bìa sách ở Pháp, một nghề thường được cho là chỉ dành cho nam giới trước thế kỷ XIX bởi đây được coi là một nghề “hạng sang”, truyền thống, và đôi khi dành cho giới thượng lưu. Thời điểm đó, cả Paris chỉ vỏn vẹn 1 vài nghệ nhân đóng bìa sách là nữ giới, như bà góa Derome, tiếp quản xưởng của người chồng quá cố ở Paris vào năm 1815. Những phụ nữ làm việc trong xưởng, thường là người thân của chủ xưởng đóng bìa sách, và chỉ được coi là thợ phụ, làm việc vặt. Mãi cho đến cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XIX, các nghệ nhân nữ dần dần “dấn thân” vào nghề. Đa số họ, đều là người làm trong ngành nghệ thuật hoặc có gia đình làm nghề đóng bìa sách.

Cũng chính vì lý do này mà khi bà Sophie nhận ra rằng thợ đóng bìa sách là nghề mà mình muốn làm, bà đã gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là về phía gia đình. “Hôm đó, tôi gặp bố tôi và bảo rằng tôi sẽ bỏ tất cả những việc đang làm, đi học một khoá học về đóng bìa sách (CAP reliure) và sau đó mở xưởng riêng. Lúc đó bố tôi bảo tôi bị điên và không tin vào ý định của tôi”, bà Sophie thuật lại. Có lần, bà phải đi tìm nghệ nhân đóng bìa sách để xin học việc tại xưởng. Bà nhớ lại về một ông thợ đóng sách đã nhìn bà và quả quyết nói rằng : “Đây không phải là việc của phụ nữ”. Dĩ nhiên, những khó khăn ban đầu không khiến bà chùn bước. Sau gần 7 năm học việc, bà đã mở xưởng của riêng mình và làm nghề đóng sách từ 20 năm qua. Lỗ Tấn từng nói “trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì cũng thành đường thôi”. Có lẽ bà Sophie không phải là người đầu tiên đi trên con đường này nhưng bà là một trong những người góp phần loại bỏ mác “nghề nghệ nhân chỉ dành cho nam giới”.

Theo nhà xã hội học Biheng-Martinon và Louise-Mirabelle, chuyên nghiên cứu về lịch sử nghề thủ công ở Pháp, từ năm 1970, bắt đầu có nhiều phụ nữ quan tâm đến nghề đóng bìa sách. Lý do có thể là vì với trợ giúp từ một số loại máy móc, cùng các công cụ khác nhau, nghề đóng bìa sách không cần quá nhiều thể lực, bên cạnh các cuộc đấu tranh bình quyền nam - nữ trong công việc. Hiện nay, 50 % thợ thủ công ở Pháp làm trong trong lĩnh vực này là nữ giới.


Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.